Phật giáo và nhân quyền

Hiện nay nhân quyền thu hút sự quan tâm đặc biệt từ Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế nhằm đem lại cho con người cuộc sống ấm no, tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Từ cấp độ quốc tế cho đến cấp độ quốc gia đều có những quy định pháp lý thừa nhận rộng rãi và đảm bảo thực thi những giá trị phổ quát của nhân quyền. Phật giáo, với tư cách là một tôn giáo lớn trên thế giới và ở Việt Nam cũng đưa ra góc tiếp cận, cách diễn giải riêng về nhân quyền, tạo cơ sở nền tảng cần thiết cho các quyền căn bản và quan trọng nhất của con người.

TS.Phạm Thanh Hằng

Từ khóa: Phật giáo, nhân quyền, tôn giáo.

Nhận bài: 09/08/2024; biên tập: 10/08/2024; phản biện: 18/08/2024; duyệt đăng: 26/08/2024.

Nhân quyền hay quyền con người (human rights) là các quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm của con người liên quan đến nhân phẩm, nhu cầu, lợi ích, năng lực của con người; vốn được tôn trọng và thừa nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia. Đó là quyền sống, quyền tự do (tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo), quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc, … Trải qua các giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội, ý thức về nhân quyền và việc thực hiện nhân quyền ngày càng được nâng cao, trở thành nền tảng đạo đức của toàn nhân loại.

1. Vấn đề nhân quyền trong luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia

Những tiến bộ và thành tựu trong việc đảm bảo nhân quyền là kết quả của cuộc đấu tranh đầy cam go giữa các dân tộc bị áp bức chống lại ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; giữa người dân lao động chống lại sự áp bức của chế độ phong kiến, tư bản.

Trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ, người nô lệ không được thừa nhận các quyền con người cơ bản nhất vì họ vốn không được coi là con người. Thời kỳ phong kiến có một số bước tiến quan trọng so với thời kỳ trước trong việc giành quyền tự do và giải phóng con người. Nhưng phải đến thời kỳ cách mạng tư sản, cùng với việc giai cấp tư sản giương cao ngọn cờ nhân quyền gắn với tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, các quyền con người mới chính thức được thực sự ghi nhận trong các văn kiện có tính pháp lý như Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản năm 1848,… Tuy nhiên, cần lưu ý, nhân quyền trong cách mạng tư sản là các quyền gắn với dân sự, chính trị mà coi nhẹ các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Cách mạng tháng 10 Nga mở ra nội hàm mới về nhân quyền, đó là các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển thêm các nội dung của nhân quyền gắn với các quyền tập thể như quyền dân tộc cơ bản; quyền dân tộc tự quyết; quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc; quyền được sống trong hòa bình; quyền phát triển;…[4].

Cùng với những bước tiến quan trọng trong nhận thức về vấn đề nhân quyền, từ phương diện pháp lý ở cấp độ quốc tế, để đảm bảo thực hiện nhân quyền, hai văn kiện quốc tế quan trọng đầu tiên đã được công bố là Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền năm 1948. Hiến chương Liên hợp quốc quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người. Đến Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền, những chuẩn mực chung có tính ràng buộc cho tất cả quốc gia, dân tộc về quyền con người đã được xác lập để từ đây quyền con người được pháp điển hóa trong một loạt các văn bản như Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966. Hai Công ước về quyền con người quy định cụ thể các nhóm quyền con người về dân sự, chính trị; kinh tế, xã hội và văn hóa; tạo xương sống vững chắc cho luật pháp quốc tế về nhân quyền.

Ngoài các văn bản pháp lý nói trên, Liên hợp quốc kể từ khi được thành lập vào năm 1945 đã thông qua nhiều công ước, tuyên bố nhằm tập trung bảo vệ quyền tự do cơ bản của con người trên nhiều lĩnh vực như ngăn ngừa phân biệt đối xử, xóa bỏ chế độ nô lệ, lao động cưỡng bức; bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, lao động nhập cư; bảo đảm tự do thông tin, tự do hiệp hội;… [1, tr.19].

Xem xét các văn kiện quốc tế về nhân quyền, có thể thấy, vấn đề quyền con người về cơ bản được chia thành hai nhóm: các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Các quyền dân sự, chính trị chủ yếu bao hàm quyền sống, tự do và an toàn cá nhân; quyền tự do đi lại, cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia; quyền kết hôn, lập gia đình và bình đằng trong hôn nhân; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền tự do ngôn luận; quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình;… Các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội bao gồm quyền làm việc và quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp; quyền nghỉ ngơi và thư giãn; quyền được học tập; quyền được tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng;…

Ở cấp độ quốc gia, để thúc đẩy thực hiện nhân quyền, trong Hiến pháp Việt Nam (từ Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và gần đây nhất là Hiến pháp năm 2013) đều có những điều khoản ghi nhận và bảo đảm vấn đề nhân quyền. Đáng lưu ý nhất là Hiến pháp năm 2013 với những điểm sáng nổi bật liên quan đến vấn đề nhân quyền, trong đó bổ sung và phát triển thêm nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhìn chung, Hiến pháp năm 2013 đã tách bạch khá rạch ròi giữa “quyền con người” và “quyền công dân” đồng thời bổ sung ghi nhận thêm một số quyền mới như quyền sống; quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; quyền được sống trong môi trường trong lành. Những quy định mới trong Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thể hiện nhận thức ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn về quyền con người và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành và có hiệu lực, để phù hợp, tương thích với Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã tiến hành chỉnh sửa, bổ sung nhiều văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến quyền con người và quyền công dân, trong đó có các Luật cơ bản như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Luật Trưng cầu dân ý năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Đặc xá năm 2018, Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ luật lao động năm 2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam,…

Việc hoàn thiện khung pháp lý về quyền con người và quyền công dân phản ánh rõ bản chất của Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân với cách tiếp cận quyền con người ngày càng tiến bộ, hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nhìn chung, nguyên tắc cơ bản trong pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền con người gồm nguyên tắc dân tộc tự quyết, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc bình đẳng giới,…

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người như Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (gia nhập ngày 24/9/1982); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 (gia nhập ngày 24/9/1982); Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 (gia nhập ngày 17/02/1982); Công ước quốc tế về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965 (gia nhập ngày 09/6/1981); Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 (gia nhập ngày 28/2/1990); Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2006 (gia nhập ngày 20/10/2007);… [2, tr.48 – 49].

Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế như Nghị định thư bổ sung Công ước Geneva về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế (gia nhập ngày 28/8/1981); Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng năm 1948 (gia nhập ngày 09/6/1981); Công ước quốc tế về ngăn chặn và trừng trị tội ác Apartheid năm 1973 (gia nhập ngày 09/6/1981); Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 (gia nhập ngày 08/6/2012);…[5]. 

Sau khi gia nhập vào các công ước quốc tế về nhân quyền, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các nội dung của luật định, Việt Nam còn nỗ lực trong việc nội luật hóa các quy định đó trong luật pháp quốc gia, bao gồm việc thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp để đảm bảo quyền con người trên thực tế; xây dựng các chương trình quốc gia và thúc đẩy hợp tác quốc tế để thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.

2. Tư tưởng nhân quyền trong giáo thuyết của Phật giáo

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, cũng là tôn giáo có sức ảnh hưởng sâu sắc ở Việt Nam với số lượng tín đồ đông đảo nhất hiện nay. Vậy Phật giáo có đóng góp gì trong việc bảo đảm và thực thi nhân quyền trên thế giới và ở Việt Nam? Trên thực tế, mặc dù trong giáo thuyết của Phật giáo không bàn luận trực tiếp đến các khái niệm “nhân quyền” hay “quyền tự do” với nội hàm hiện đại như ngày nay nhưng trong đó chứa đựng nhiều nội dung tương thích, phù hợp với vấn đề bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong xã hội mới. Khai thác những nội dung sâu xa trong giáo thuyết của Phật giáo một mặt giúp chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn những giá trị phổ quát của vấn đề nhân quyền gắn với lương tâm, phẩm giá của con người, mặt khác cũng thấy rõ được nét độc đáo trong cách tiếp cận của Phật giáo đối với vấn đề nhân quyền. Và do đó, việc lý giải đúng và thực hành theo Phật pháp cũng là một con đường, một cách thức để thực hiện quyền con người theo tinh thần dân chủ hiện đại trong xã hội ngày nay.

Trước tiên, tôi muốn đề cập đến quyền được sống là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người. Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Tiếp đó, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 nhấn mạnh: “Mọi người đều có quyền cố hữu là quyền được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước quyền sống một cách tùy tiện”. Ở khía cạnh này, Phật giáo luôn tôn trọng sự sống của muôn loài. Trong Ngũ giới của Phật giáo, giới đầu tiên là “giới sát”, tức là không được giết hại sinh mệnh, từ loài người cho đến loài vật bởi sinh mệnh là một giá trị quý báu, giết hại sinh mệnh là một tội ác, không phù hợp với đạo lý. Phật giáo quan niệm, sự sống của muôn loài đều quý giá như nhau. Nếu như chúng ta coi trọng sinh mệnh của mình thì tại sao lại muốn chà đạp lên sinh mệnh của người khác hay loài khác. Bởi theo lẽ công bằng, điều ta không muốn ai làm cho ta thì cũng đừng làm cho người khác, loài khác. Trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy rằng: “Ai ai cũng sợ gươm đao; ai ai cũng sợ sự chết; vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết”. Và vì thế, hãy coi trọng sinh mệnh của con người, của vạn vật, của môi trường sống như chính sinh mệnh của mình.

Thực hiện theo giới sát trong giáo luật của Phật giáo chính là để nuôi dưỡng lòng từ bi, tránh sinh tâm sát hại, ươm mầm cho tình yêu thương trong mỗi tâm hồn chúng ta và để tránh tạo nghiệp ác, tránh nhân quả báo ứng oán thù. Xét trên phương diện cá nhân, Phật giáo nhìn nhận, một người dù trong tâm tưởng hay trong thực tiễn đời sống nếu biết tôn trọng sự sống, không tàn nhẫn đi giết hại người khác, không để kẻ khác giết hại mình và không tán đồng với bất cứ hành động giết hại, gây đổ máu nào trên thế giới, thì thân tâm họ luôn được nhẹ nhàng, thanh thản, tất họ sẽ được sống an yên, hạnh phúc. Xét từ phương diện xã hội, nếu tất cả nhân loại đều giữ đúng giới luật này của Phật giáo thì thế giới sẽ không có đao binh, chiến tranh, xung đột; thiên hạ sẽ thái bình, phồn thịnh.

Rõ ràng, nguyên tắc đạo đức căn bản này của Phật giáo đề cao nhân quyền, góp phần duy trì quyền không bị giết hại và không bị bạo lực, đồng thời nuôi dưỡng tâm từ bi để không gây tổn hại cho mỗi cá nhân con người và cộng đồng xã hội. Những ý tưởng về an toàn tính mạng và các nguyên tắc hòa bình gắn với bất bạo động đều được phản ánh sâu sắc trong giáo thuyết của Phật giáo.

Quyền tự do cũng là nội dung quan trọng được đề cao theo tinh thần của Phật giáo. Phật giáo luôn coi trọng nỗ lực tự thân của con người, khuyến khích con người tự do suy nghĩ để đạt tới sự giác ngộ, hiểu biết được chân lý của cuộc đời và tự do hành động để bước đi trên con đường tự giải thoát cho chính mình. Phật giáo quan niệm, con người tự tạo nghiệp cho mình nên con người phải tích tụ đủ nghiệp thiện để giải thoát cho mình. Sau khi đắc đạo, Đức Phật dạy các đệ tử rằng: “Này các Tỳ-kheo, bây giờ chư vị và ta tự do, giải thoát khỏi những sự trói buộc của chư thiên và loài người”. Điều này có nghĩa rằng, con đường tu tập mà Đức Phật chỉ dạy hoàn toàn không phải là con đường áp đặt, chịu sự ràng buộc mang bản chất thiên đường, phụ thuộc vào sức mạnh siêu nhiên của một vị thần, Phật hay bất cứ một vị đạo sư nào khác mà đó là sự tự do ý chí, tự do tư tưởng, tự do rèn luyện mình về “thân, khẩu, ý” để thoát ra khỏi bóng tối của “vô minh” và ngọn lửa “khát ái” trong dục vọng của mỗi người. Đức Phật luôn đặt niềm tin vào quá trình tu luyện để đạt tới sự giải thoát của mỗi người, rằng “Ta là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sẽ thành”. Phật dạy: “Hỡi các đệ tử! Hãy tự mình làm ngọn đèn soi sáng cho chính mình, hãy tự tạo cho mình một chỗ nương tựa và đừng nương tựa vào ai khác ngoài bản thân mình” vì trong mỗi người đều có Phật tính, đều đang đi trên con đường giải thoát. Nếu không tu luyện thân tâm, bụi vô minh, tham dục sẽ che lấp Phật tính. Ngược lại, nếu thường xuyên tu dưỡng thân tâm, đoạn trừ vô minh, tham dục thì ngọn đèn Phật tính sẽ được phát sáng, càng lúc càng sáng, càng trong.

Phật còn khuyên tín đồ lấy nỗ lực của bản thân để giải thoát là chính, không được ỷ lại vào lý thuyết của ông. Ông nói: “Hỡi các đệ tử! Hãy coi giáo lý của ta như cái bè qua sông, đừng coi nó như món sở hữu riêng của mình. Phải sử dụng giáo lý của ta như cái bè. Nếu có người nào đó có cái bè mà không qua sông thì cái bè của ta chỉ là một vật vô dụng”. Quá trình giải thoát nhanh hay chậm là tuỳ thuộc vào sự tu dưỡng của mỗi chúng sinh nhanh hay chậm chứ hoàn toàn không lệ thuộc vào bất cứ điều gì khác hay lực lượng nào khác. Lúc này, Đức Phật và giáo thuyết của ông chỉ có vai trò quan trọng duy nhất trong việc chỉ dẫn, hướng đạo để con người rời bỏ những mê lầm, tăm tối của cuộc đời, bước đi trên con đường chân chính, nhanh chóng giác ngộ, đạt tới sự giải thoát và cõi Niết Bàn an lạc. Theo cách ấy, Phật giáo là tôn giáo của tự do bởi nó định hướng con người tự giác tu tập, rèn luyện tâm thức, hành động theo lương tâm, đạo đức, luân lý và phát huy trí tuệ để phát triển cá nhân.

 Thật vậy, quyền tự do trong quan điểm của Phật giáo còn được phản ánh ở thái độ khoan dung, hòa hợp với các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Đương thời, khi còn tại thế, Đức Phật luôn chủ trương “Hãy chấp nhận chân lý bất cứ khi nào chân lý ấy có giá trị. Hãy ủng hộ tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo của họ”. Đức Phật không tuyên bố rằng Phật giáo là tôn giáo chân chính duy nhất, rằng Ngài là đạo sư chân chính duy nhất, và rằng ai tin theo học thuyết của Ngài, sùng bái Ngài, cầu nguyện Ngài thì người đó sẽ được cứu rỗi và sẽ đạt đến chốn Thiên Đường hay cõi Niết Bàn sau khi chết. Đức Phật cũng không bao giờ xem thường người sáng lập của các tôn giáo, tín ngưỡng khác hay phủ nhận, có thái độ thù địch với các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Ông dạy đệ tử, “tôn trọng những ai xứng đáng được tôn trọng”. Một người dù theo tôn giáo, tín ngưỡng này hay tôn giáo, tín ngưỡng khác hoặc thậm chí là không theo tôn giáo, tín ngưỡng nào, nhưng nếu họ sống đạo đức, thánh thiện, chính nghĩa thì họ xứng đáng được trân trọng và tôn kính theo quan điểm của Phật giáo [3]. Ở đây, tự do lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng trong bối cảnh đa dạng truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, đa dạng niềm tin, đức tin đã được khẳng định rõ nét trong tư tưởng khoan dung của Phật giáo.

Cuối cùng, quyền bình đẳng là quyền cơ bản của con người đã được xác lập và bảo vệ từ rất sớm trong giáo thuyết Phật giáo bởi đây là tiền đề quan trọng cho sự hình thành của Phật giáo. Trước bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại đầy rẫy áp bức, bất công và sự kỳ thị, phân biệt đẳng cấp, Đức Phật vốn xuất thân từ tầng lớp quý tộc cao quý đã từ bỏ địa vị, danh lợi, từ bỏ chốn hoàng cung xa hoa để đi tìm con đường chân lý, sáng lập ra Phật giáo với tôn chỉ, mục đích tối thượng là giải thoát, giải thần quyền, cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh. Ông kịch liệt phản đối quan niệm sai lầm của đạo Bà la môn gắn với việc bảo hộ vững chắc chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Ông phủ nhận việc con người từ khi sinh ra đã được quy định thuộc về một đẳng cấp nhất định và do đó sẽ phải gánh chịu số phận, địa vị, nghĩa vụ khác nhau. Đức Phật khẳng định “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có hận thù trong giọt nước mặn cùng mặn”.

Đức Phật cắt nghĩa sự hình thành của con người là xuất phát từ 5 yếu tố gọi là “ngũ uẩn”, đó thực chất là sự hội tụ, kết hợp của các yếu tố vật chất (sắc uẩn) và tinh thần (thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn). Khi ngũ uẩn hợp lại thì hình thành nên con người, khi ngũ uẩn tan ra thì không còn con người tồn tại. Sống chết là do sự hợp tan của “ngũ uẩn”. Có sinh, ắt có tử, đó là quy luật chung của con người, không ai tránh khỏi quy luật đó. Nhìn rộng ra thế giới vạn vật, mọi sự vật, hiện tượng sinh ra hay mất đi đều bởi “nhân duyên”, nhân duyên hòa hợp thì sự vật, hiện tượng được tạo thành, nhân duyên tan rã thì sự vật, hiện tượng tan biến. Từ góc độ bình đẳng trong Phật giáo, có thể thấy, thế giới vạn hữu luôn có mối liên hệ, ràng buộc lẫn nhau, mỗi cá thể không thể tồn tại độc lập, tách rời với thế giới mà luôn phụ thuộc lẫn nhau, tương hỗ và hòa nhập lẫn nhau. Và do đó, hãy loại bỏ sự khác biệt, thu hẹp dần khoảng cách, đối xử bình đẳng với nhau, giảm bớt sự thù hằn, xung đột, thực hiện nguyên tắc đạo đức “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, “bảo vệ người khác là bảo vệ chính mình” để cùng chung sống hòa bình, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Hơn nữa, quan niệm bình đẳng của Phật giáo còn được lý giải từ việc, trong bản chất của con người đều đã có sẵn Phật tính. Đó chính là tính giác ngộ, là hòn ngọc sáng trong mỗi con người. Do tam độc “tham, sân, si”, do những nỗi ám ảnh về ham muốn vật chất và những thứ hào nhoáng, danh lợi bên ngoài mà dẫn con người đến sự tha hóa, đánh mất chính mình. Phật giáo chỉ ra con đường, cách thức để con người trở lại với Phật tính, diệt trừ “tham dục” và “vô minh”, bước trên con đường tự do, tự tại, an lạc, bình đẳng và hạnh phúc.

Như vậy, trên phương diện nhận thức luận, bình đẳng trong Phật giáo giúp chúng ta nhìn thấu được những hiện tượng phức tạp, thoát ra khỏi bóng tối của “vô minh” và lòng vị kỷ cá nhân để từ đó gieo mầm bình đẳng trong tâm và dùng hành động để gặt hái quả bình đẳng.

3. Thay cho lời kết

Nhân quyền là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, khu vực gắn với những giá trị chung, mục tiêu chung mà cả nhân loại đang hướng tới trong thế kỷ mới. Phật giáo với tư cách là hình thái ý thức xã hội, một bộ phận của tiểu kiến trúc thượng tầng xã hội, ra đời và phát triển cùng với những bước tiến lịch sử của văn minh nhân loại, do đó, các nguyên tắc đạo đức mà Phật giáo đề cao không hề tương phản mà hoàn toàn phù hợp với phẩm giá, lợi ích cá nhân, lợi ích xã hội và các ý tưởng về nhân quyền. Chúng ta dễ dàng tìm thấy trong giáo thuyết Phật giáo những nội dung tư tưởng hòa hợp, cộng hưởng với những khía cạnh then chốt của vấn đề quyền con người. Trong thời đại mới, dù tiếp cận ở ý nghĩa hiện đại của nhân quyền, những giá trị uyên thâm, sâu sắc chứa đựng trong triết thuyết của Phật giáo vẫn không hề bị mai một mà vẫn đang soi đường cho nhận thức và thực hành chân lý của nhân loại./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Tường Duy Kiên (2020): Các nhóm quyền con người trong pháp luật quốc tế, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tôn giáo với các vấn đề về quyền con người”, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

2. Hoàng Văn Nghĩa (2020): Nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền tự do tôn giáo và việc thực thi ở Việt Nam, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tôn giáo với các vấn đề về quyền con người”, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

3. H.T. Dhammananda, Thích Quảng Bảo dịch, Phật giáo và tự do tư tưởng, https:// www.daophatngaynay.com/vn/pg-nganh/triet/khai-quat/3456-phat-giao-va-tu-do-tu-tuong. html.

4. Đảm bảo nhân quyền trong giai đoạn hiện nay, https://tuphap.hatinh.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/Dam-bao-nhan-quyen-trong-giai-doan-hien-nay.

5. Việt Nam và các công ước quốc tế về quyền con người, https://nhanquyen.vietnam.vn/post/viet-nam-va-cac-cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-con-nguoi.

BÀI LIÊN QUAN