1. Mở đầu
“Thuật ngữ “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” được hình thành vào cuối những năm 1970” [4, tr. 1]. Từ đó đến nay, quá trình hiện đại hóa trở thành tâm điểm ở Trung Quốc và đã đưa lại những thành tựu trong phát triển đất nước, khẳng định tính ưu việt của mô hình Trung Quốc. Trải qua quá trình phát triển, khái niệm “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” đã không ngừng được bổ sung những nội hàm mới, cách diễn đạt mới, tạo thành đặc trưng của kiểu/cách thức hiện đại hóa ở Trung Quốc khác biệt so với quá trình hiện đại hóa ở phương Tây. Nét đặc sắc của “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” được khẳng định qua đúc rút của Tập Cận Bình: “Vào tháng 9/2013, phát biểu trong khuôn khổ hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình cho biết: Công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc rất khác với công cuộc hiện đại hóa của các nước phát triển phương Tây. Các nước phát triển phương Tây đại diện cho một quá trình phát triển “tuần tự”. Công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tin học hóa phát triển đồng bộ và phải mất hơn hai trăm năm mới phát triển đến trình độ hiện đại. Trung Quốc phải bù đắp thời gian đã mất và khôi phục “hai trăm năm đã mất”; ở Trung Quốc, sự phát triển phải “song hành”; quá trình công nghiệp hóa, tin học hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp đang phát triển đan xen các khía cạnh” [4, tr. 5]. “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” còn được khẳng định qua “công cuộc hiện đại hóa kiểu Trung Quốc sẽ không thể thành công nếu không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính Đảng đã tạo ra sự phát triển kinh tế diệu kỳ trong khi vẫn duy trì được ổn định lâu dài của xã hội” [4, tr. 7]. Dựa trên “những đặc điểm thực tế của Trung Quốc”, thời gian đầu, chiến lược “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” đặt mục tiêu xây dựng “xã hội khá giả”. Đây thực chất là: “hiện đại hóa “trình độ thấp” nhằm mục đích học hỏi từ các nước khác, bắt kịp các nước khác” [4, tr. 26]. Sự chuyển đổi mạnh mẽ từ “trình độ thấp” sang “trình độ cao” của “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” được đặt trên cơ sở thế giới đang thay đổi và do đó, lý luận về “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” cũng thay đổi. Từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII năm 2012 đến Đại hội lần thứ XX, “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” với những thành tựu to lớn đã đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Dù ở trình độ nào của hiện đại hóa, thì mục tiêu cao cả nhất mà chiến lực này hướng tới là: “thịnh vượng vật chất và phát triển con người toàn diện” [4, tr. 24].
Để hiện thực hóa “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, Trung Quốc đã xác lập mục tiêu chiến lược “Giấc mộng Trung Hoa” (中国梦). Từ năm 2012, “Giấc mộng Trung Hoa” – thuật ngữ trở nên quen thuộc không chỉ ở Trung Quốc mà trên thế giới gắn với tên tuổi của nhà lãnh đạo thế hệ thứ năm của Trung Quốc Tập Cận Bình. “Giấc mộng Trung Hoa” là mục tiêu chiến lược quan trọng được xác lập trên hành trình thực hiện chiến lược “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” ở giai đoạn Trung Quốc “cất cánh” tức là giai đoạn “trình độ cao” của hiện đại hóa.
2. Nội dung
2.1. “Giấc mộng Trung Hoa” – mục tiêu quan trọng của “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”
Thuật ngữ “Giấc mộng Trung Hoa” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2012 khi “Tập Cận Bình đi thăm triển lãm có tên gọi “Đường đến Hồi sinh” (复兴之路) tại Bảo tàng quốc gia cùng với 6 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác” [5, tr. 167]. Giải thích về “Giấc mộng Trung Hoa”, Tập Cận Bình khẳng định: “Tôi cho rằng, sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ vĩ đại nhất của dân tộc Trung Hoa từ lịch sử cận đại đến nay, giấc mơ này được hun đúc từ mong muốn của nhiều thế hệ người Trung Quốc, nó phản ánh lợi ích của toàn thể nhân dân Trung Quốc, là sự kì vọng chung của mỗi người con dân tộc Trung Hoa” [7].
Trong bài diễn văn bế mạc phiên họp lần thứ nhất Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 12 ngày 17/3/2013, Tập Cận Bình đã 9 lần nhắc đến khái niệm “Giấc mộng Trung Hoa” [8]. Trong bài phát biểu này, Ông khẳng định: “Giấc mộng Trung Hoa suy cho cùng là giấc mơ của nhân dân, nên phải dựa vào dân để thực hiện, phải không ngừng mang lại hạnh phúc cho nhân dân” [9]. Trong các bài phát biểu của mình tại các sự kiện quan trọng, ông cũng nhiều lần giải thích về nội hàm của “Giấc mộng Trung Hoa”. Ngày 8/4/2013, nội hàm “Giấc mộng Trung Hoa” được Tập Cận Bình giải thích trong phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) như sau: Vào giữa thế kỷ XXI, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến, hòa hợp và giấc mơ Trung Hoa, cụ thể là sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa sẽ thành hiện thực. Ngày 19/08/2013, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Việc hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa về sự phục hưng dân tộc vĩ đại có nghĩa là Trung Quốc trở thành một đất nước thịnh vượng, một quốc gia được tiếp sức sống mới và có nhân dân hạnh phúc” [10].
Giá trị cốt lõi và mục tiêu hướng tới của “Giấc mộng Trung Hoa” được xác định trong Đại hội lần thứ XVIII là: “Giàu mạnh, Dân chủ, Văn minh, Hài hoà; Tự do, Bình đẳng, Công bằng, Pháp trị; Yêu nước, Chuyên nghiệp, Trung thực, Thân thiện”1. Mục tiêu này được cụ thể hóa bằng hai mục tiêu 100 năm. Mục tiêu 100 năm thứ nhất là xây dựng toàn diện xã hội khá giả được Ðảng Cộng sản Trung Quốc hoàn thành thắng lợi đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập (1/7/1921 – 1/7/2021). Ðây là nền tảng vững chắc để tiếp tục đạt “mục tiêu 100 năm” thứ hai vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước năm 2049, xây dựng đất nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa. Để hiện thực hóa điều này, Trung Quốc tập trung phát triển đất nước trên các phương diện chủ chốt: 1) Trung Quốc hùng mạnh: mạnh về kinh tế, mạnh về chính trị, mạnh về quân sự, mạnh về ngoại giao, mạnh về khoa học công nghệ; 2) Trung Quốc văn minh: tự do, bình đẳng, công bằng, giàu về văn hóa và cao về đạo đức; 3) Trung Quốc hài hòa: hài hòa giữa các vùng miền, giữa các giai cấp và giữa các dân tộc; 4) Trung Quốc sạch đẹp: sạch sẽ, ít ô nhiễm về môi trường.
Mục tiêu của “Giấc mộng Trung Hoa” tiếp tục được bổ sung, phát triển trong Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc gắn với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Ngay từ chủ đề Đại hội XIX, Trung Quốc nhấn mạnh: “Không quên lý tưởng ban đầu, khắc ghi sứ mệnh, giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, quyết tâm hoàn thành thắng lợi xây dựng toàn diện xã hội khá giả, giành thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, phấn đấu không mệt mỏi vì Giấc mơ Trung Hoa phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” [1, tr. 9-10]. Trên tinh thần này, trong bối cảnh quốc tế và điều kiện phát triển của Trung Quốc, Đại hội xác định tiếp tục thực hiện mục tiêu của “Giấc mộng Trung Hoa” tiếp tục hoàn thành xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, thực hiện mục tiêu phấn đấu “100 năm lần thứ hai”, thúc đẩy toàn diện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa bằng “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Cụ thể: “Hoàn thành xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện, bố trí chiến lược chung, chia làm hai bước đi: Từ năm 2020 đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; từ năm 2035 đến giữa thế kỷ này xây dựng Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp” [6]. Như vậy, từ năm 2020 đến giữa thế kỷ này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra các bố trí theo 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, từ năm 2020 đến năm 2035, trên cơ sở hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, phấn đấu thêm 15 năm để cơ bản thực hiện hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội. Khi đó, thực lực kinh tế, thực lực khoa học công nghệ của Trung Quốc sẽ có bước nhảy vọt, xếp hàng đầu trong các nước theo mô hình sáng tạo; quyền tham gia bình đẳng, phát triển bình đẳng của nhân dân được đảm bảo đầy đủ, cơ bản hoàn thành xây dựng nhà nước pháp trị, chính quyền pháp trị, xã hội pháp trị, thể chế các mặt hoàn thiện hơn, cơ bản hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị đất nước; trình độ văn minh xã hội đạt tới tầm cao mới, sức mạnh mềm văn hóa quốc gia được tăng cường rõ rệt, tầm ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa sâu rộng hơn; đời sống nhân dân giàu có hơn, tỉ lệ nhóm người có thu nhập trung bình nâng cao rõ rệt, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn và khoảng cách về mức sống cư dân được thu hẹp rõ rệt, cơ bản thực hiện đồng đều dịch vụ công cơ bản, toàn dân cùng giàu có đạt được tiến triển vững chắc; cơ bản hình thành bố cục quản trị xã hội hiện đại, xã hội tràn đầy sức sống, hài hòa và trật tự; môi trường sinh thái có chuyển biến tốt căn bản, cơ bản thực hiện mục tiêu Trung Quốc tươi đẹp. Giai đoạn thứ hai, từ năm 2035 đến giữa thế kỷ này, trên cơ sở cơ bản thực hiện hiện đại hóa, phấn đấu thêm 15 năm, xây dựng Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp. Khi đó, văn minh vật chất, văn minh chính trị, văn minh tinh thần, văn minh xã hội, văn minh sinh thái của Trung Quốc sẽ được nâng cao toàn diện, thực hiện hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị đất nước, trở thành đất nước hàng đầu về sức mạnh tổng hợp quốc gia và tầm ảnh hưởng quốc tế, cơ bản thực hiện toàn dân cùng giàu có, nhân dân Trung Quốc sẽ được hưởng cuộc sống an khang hạnh phúc hơn, dân tộc Trung Hoa sẽ đứng sừng sững giữa các dân tộc trên thế giới với tư thế đàng hoàng hơn.
Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm về hiện đại hóa của thế giới; kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” được hun đúc từ thế hệ các nhà lãnh đạo trước đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã hoàn thiện lý tưởng “Giấc mộng Trung Hoa” vĩ đại với mục tiêu xây dựng Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh, văn minh, hài hòa và sạch sẽ. Quá trình này được xác lập với những bước đi, cách thức cụ thể phù hợp với “mảnh đất hiện thực” của Trung Quốc đang phát triển và đạt được thành công to lớn mang tầm toàn cầu.
Mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa” được từng bước hiện thực hóa thông qua những thành tự to lớn mà Trung Quốc đạt được từ cải cách mở cửa đến nay, đặc biệt trong giai đoạn lãnh đạo của Tập Cận Bình. Từ năm 1978, Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, đến năm 2015, trong 38 năm, tăng trưởng GDP bình quân đạt 9.17%/năm, thuộc loại tăng trưởng cao, ít quốc gia đạt được. Trong đó, có 12 năm Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng hai con số. Tăng trưởng cao nhất mà Trung Quốc đã đạt được vào năm 1985 là 16.2% và năm 1993 là 13.4%. Trong khi các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức có tốc độ tăng trưởng “âm” thì năm 2010 tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt hai con số 10.3%/năm. Liên tục những năm sau, trong bối cảnh có nhiều thay đổi trong nước và quốc tế, kinh tế Trung Quốc duy trì được tăng trưởng. Từ năm 2019-2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc lần lượt là: 6.0%, 2.2%, 8.4%, 3%, 5.2% [11]. Đây cũng là mức tăng trưởng cao so với thế giới trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do đại dịch dịch Covid-19 tác động.
Tăng trưởng GDP Trung Quốc được duy trì ở mức ổn định và cao nên tổng sản phẩm trong nước tính theo giá hiện hành không ngừng tăng lên. Năm 2005 Trung Quốc đạt 2.256.903 triệu đô la bằng một nửa so với Nhật Bản 4.571.876 triệu đô la, sau 5 năm, tổng sản phẩm trong nước tính theo giá hiện hành của Trung Quốc đạt 5.930.529 triệu đô la cao hơn 5.495.379 triệu đô la của Nhật Bản, chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Kinh tế Trung Quốc đóng góp không nhỏ cho kinh tế thế giới. Nếu năm 1950 kinh tế Trung Quốc đóng góp chưa đến 1 %, năm 2008 đóng góp 8,14% thì năm 2011 tăng lên 10,384% trong tổng GDP của thế giới, cao hơn rất nhiều nền kinh tế phát triển khác. Năm 2023, Trung Quốc vượt 126.000 tỷ nhân dân tệ, đóng góp vào kinh tế thế giới hơn 30% [11]. Một sự đóng góp đáng nể phục.
Trong hơn bốn thập niên gần đây, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc không ngừng tăng lên. Nếu năm 1978 là 381 USD thì năm 2005 tăng lên là 1.731 USD. Bốn năm sau, năm 2009 tăng lên 3.749 USD. Năm 2010 thu nhập quốc dân của Trung Quốc vượt Nhật Bản, kéo theo thu nhập bình quân đầu người tăng đạt 4.433 USD. Ba năm sau (vào năm 2013), thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc được cải thiện tăng lên 6.747 USD. Trên đà tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc cũng tăng lên, năm 2023 là 12.597 USD. Với thu nhập này, Trung Quốc ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp và có mặt ở nhóm nước có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong những thập kỷ qua đã nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là tăng tuổi thọ bình quân của cả nam và nữ cao hơn tuổi thọ trung bình của thế giới và được xếp vào mức cao so với nhiều nước phát triển trên thế giới.
Bên cạnh sự trỗi dậy về kinh tế, Trung Quốc khẳng định sức mạnh của mình thông qua “sở hữu” những “cái nhất” trên thế giới: “Trung Quốc sở hữu nhiều đặc điểm của một cường quốc toàn cầu: dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới với lực lượng quân thường trực lớn nhất thế giới, sở hữu một chương trình không gian có người lái, tàu sân bay, bảo tàng lớn nhất thế giới, có đập thủy điện lớn nhất thế giới, mạng lưới đường cao tốc quốc gia lớn nhất thế giới và hệ thống đường sắt cao tốc thuộc loại tốt nhất thế giới. Trung Quốc hiện là quốc gia thương mại hàng đầu thế giới, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất nhiều loại hàng hóa lớn nhất thế giới”2.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tháng 7/2021 Trung Quốc công bố hoàn thành mục tiêu “100 năm lần thứ nhất” trong xây dựng toàn diện xã hội khá giả, qua đó khẳng định tầm tư duy của thế hệ lãnh đạo Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hoạch định và hiện thực hóa mục tiêu vĩ đại “giấc mộng Trung Hoa” trong chiến lược “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” trên hành trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
2.2 Một số gợi mở cho Việt Nam trong xác định mục tiêu hiện đại hóa thời kỳ đổi mới
Ở Việt Nam, quá trình hiện đại hóa gắn liền với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình này được khởi nguồn từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960). Trong thời kỳ đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, với xuất phát điểm: “là một nước nghèo và kém phát triển”, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, hiện đại hóa trở thành nhu cầu cấp thiết để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện đại hóa ở nước ta là quá trình vừa rút ngắn về thời gian, vừa có bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt và được khái quát thành ba3 giai đoạn thực hiện như sau:
1) Giai đoạn đầu tiên, từ năm 1986 đến năm 1995 với mục tiêu đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, thực hiện công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại hóa gắn với bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Những thành tựu của kinh tế, xã hội trong thực tiễn, tạo tiền đề cho phép nước ta thực hiện “đẩy tới một bước công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhằm tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” [2, tr. 293]. Hội nghị TW 7 khoá VII (năm 1994) đã xác định cụ thể: “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế – xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và khoa học – công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao” [12]. Tư tưởng “công nghiệp hóa đi đôi với hiện đại hóa” khẳng định về hướng đi rất đặc trưng của tiến trình hiện đại hóa ở Việt Nam giai đoạn này trên cơ sở huy động nhiều nguồn vốn, gắn với sử dụng vốn hiệu quả.
2) Giai đoạn thứ hai, từ năm 1996 đến năm 2011, đây là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là một trong hai nhiệm vụ quan trọng, trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trên cơ sở tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (sau này là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa được xác định là: “xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” [2, tr. 337]. Quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời kỳ này nhấn mạnh “là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo”, “khoa học và công nghệ là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn hiện đại được đưa ra ở Đại hội IX, “Con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt” [2, tr. 462]. Đại hội X tiếp tục quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn hiện đại, với mục tiêu quan trọng nhất của hiện đại hóa giai đoạn này là “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Đây là bước đi đúng đắn của hiện đại hóa ở Việt Nam.
3) Giai đoạn thứ ba, từ năm 2011- đến nay, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện đại. Giai đoạn này, tư tưởng chỉ đạo của hiện đại hóa được thể hiện trọng tâm trong Đại hội lần thứ XI, XII, và XIII. Trên cơ sở đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Đại hội XI khẳng định phương hướng: “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường” [2, tr. 726]. Đây là mô hình hiện đại hóa theo hướng phát triển nhanh và bền vững, rút ngắn về bước đi và thời gian. Trong Đại hội XIII, với mục tiêu, đến năm 2030, “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” [3, tr. 36]; đến năm 2045, “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” [3, tr. 337], quá trình hiện đại hóa nước ta lựa chọn phương hướng phát triển: “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao” [3, tr. 43].
Đánh giá tổng quát, quá trình hiện đại hóa ở Việt Nam đạt được những thành tựu rất quan trọng. Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế và lực của nước ta trên trường quốc tế được nâng lên cao. Tuy nhiên, quá trình này cũng thường xuyên đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải không ngừng học hỏi mô hình, kiểu hiện đại hóa của khu vực và thế giới. Mỗi mô hình/kiểu hiện đại hóa đều có ưu điểm và hạn chế riêng, sử dụng cách thức, phương pháp, công cụ khác nhau để đạt mục tiêu. Sự khác biệt về điểm xuất phát, bối cảnh… mang lại hiệu quả khác nhau của hiện đại hóa ở các nước, trong đó có Việt Nam.
Quá trình “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” gắn với thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” đã khẳng định được thành công to lớn. Việc nghiên cứu, phân tích tìm ra những mặt tích cực, đặc sắc để gợi mở cho Việt Nam trong quá trình xác định mục tiêu hiện đại hóa là rất cần thiết. Trong bài viết này, bước đầu chúng tôi rút ra một số gợi mở như sau:
Thứ nhất, “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”gắn với thực hiện mục tiêu của “Giấc mộng Trung Hoa” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đại diện là thế hệ lãnh đạo thứ năm Tập Cận Bình.Quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành nhân tố then chốt đảm bảo thành công của chiến lược “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, đặc biệt trong đó thể hiện vai trò quan trọng của người đứng đầu Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình – người khởi xướng và là “linh hồn” của chiến lược. ÔngTập Cận Bình khẳng định: “Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan trực tiếp đến định hướng cơ bản, đến vận mệnh tiền đồ và sự thành công hay thất bại bại cuối cùng của hiện đại hóa mô hình Trung Quốc” [13].
Thứ hai, “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”gắn với thực hiện mục tiêu của “Giấc mộng Trung Hoa” được thiết lập tổng thể gắn với giá trị cốt lõi mà sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc hướng đến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và sinh thái, có lộ trình, hướng đích rõ ràng. Sự “hài hòa” trong mục tiêu cũng là một trong những yếu tố quan trọng khẳng định tầm tư duy lý luận của Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” trở thành phương thức hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của đất nước. Trong đó, mục tiêu Trung Quốc hùng mạnh, tức mục tiêu kinh tế được chú trọng, ở giai đoạn đầu, mục tiêu này đã giúp Trung Quốc ngoạn mục xóa đói giảm nghèo, ở giai đoạn sau, mục tiêu này khẳng định được sức mạnh của quốc gia tầm cỡ toàn cầu. Xây dựng hài hòa trong mục tiêu hiện đại hóa đã giúp cho Trung Quốc bên cạnh việc đầu tư cho kinh tế, không quên các nhiệm vụ phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái, và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Trung Quốc.
Thứ ba, triển khai “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” trong thực tế phải luôn luôn quán triệt, thực hiện quan điểm “lấy nhân dân làm gốc”. Thể hiện, đây là “giấc mộng” của nhân dân, do nhân dân thực hiện và phục vụ cho hạnh phúc, cuộc sống của nhân dân. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của “Giấc mộng Trung Quốc” và “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Do đó, các chủ trương, chính sách phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng và mục đích của nhân dân trong từng giai đoạn cụ thể. Xa rời nhân dân, coi nhẹ vai trò của nhân dân thì niềm tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản và thế hệ các nhà lãnh đạo đất nước bị chệch choạc.
Thứ tư, “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” chú trọng kết hợp phát huy nội lực với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài (tập trung: vốn, công nghệ, tri thức). Phát huy nội lực, Trung Quốc hình thành và chú trọng các đặc khu kinh tế (4 đặc khu kinh tế đầu tiên: Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn). Sau này, Trung Quốc mở rộng thêm 3 đặc khu (Hải Nam, Horgos và Kashgar), và 18 khu thương mại tự do. Thành công của đặc khu kinh tế như làn gió mới mang lại những động lực mới cho nền kinh tế Trung Quốc cất cánh. Phát huy nội lực, Trung Quốc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, Trung Quốc trở thành “công xưởng lớn của thế giới”. Trung Quốc không ngừng tiếp thu, học hỏi khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của thế giới phục vụ cho hiện đại hóa. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những sản phẩm “made in China” có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới từ sản phẩm lao động thủ công, giản đơn cho đến hàng hóa công nghệ cao. Sự kết hợp và phát huy nội lực với ngoại lực là nguyên nhân quan trọng trong thành công của “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”.
3. Kết luận
Quá trình “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” gắn với thực hiện mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa” là sự phát triển sáng tạo lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Điều này đã góp phần làm nên sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Ở Việt Nam trong kỷ nguyên mới, thời đại mới định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045, hiện đại hóa đất nước tiếp tục định hình trên bước đi của mô hình rút ngắn về thời gian, gắn liền với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững, định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, những bài học thành công trong mô hình “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” có ý nghĩa gợi mở tham khảo quan trọng trong tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, chú trọng chủ thể thực hiện, nguồn lực trong và ngoài nước trong quá trình triển khai hiện đại hóa ở Việt Nam.
Chú thích:
(1) “Giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa” là sự cô đọng về mặt cấp độ của các mục tiêu giá trị quan cốt lõi xã hội chủ nghĩa. Đây đồng thời là cấp độ cao nhất trong giá trị quan cốt lõi xã hội chủ nghĩa, có vai trò định hướng đối với giá trị quan khác và là những mục tiêu Trung Quốc cần đạt được để trở thành quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại; “Tự do, bình đẳng, công bằng và pháp trị” là sự cô đọng về mặt xã hội của các mục tiêu giá trị quan cốt lõi xã hội chủ nghĩa, phản ánh những thuộc tính cơ bản của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Đây cũng là biểu hiện sinh động của một xã hội tươi đẹp và là quan niệm cốt lõi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên định thực hiện; “Yêu nước, kính nghiệp, thành tín, thân thiện” là sự cô đọng về mặt hành vi cá nhân của các mục tiêu giá trị quan cốt lõi xã hội chủ nghĩa, bao trùm tất cả các mặt của đạo đức xã hội. Đây cũng là những chuẩn mực đạo đức cơ bản và là thước đo đánh giá các hành vi đạo đức của công dân.
(2) China possesses many of the trappings of a global power: the world’s largest population, a large continental land mass, the world’s second-largest economy, the world’s largest foreign-exchange reserves, the world’s second-largest military budget and largest standing armed forces, a manned space program, an aircraft carrier, the world’s largest museum, the world’s largest hydroelectric dam, the world’s largest national expressway network, and the world’s best high-speed rail system. China is the world’s leading trading nation, the world’s largest consumer of energy, the world’s largest greenhouse-gas emitter, the world’s second-largest recipient and third-largest originator of foreign direct investment, and the world’s largest producer of many goods (https://www.brookings.edu/articles/the-illusion-of-chinese-power/, truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024).
(3) Việc phân chia thành ba giai đoạn của hiện đại hóa ở Việt Nam, nhóm tác giả căn cứ vào sự thay đổi mục tiêu của hiện đại hóa từng giai đoạn.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Đảng Cộng sản Trung Quốc (2019): Tổng tập văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013): Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Alexander V. Lomanov, Olga N. Borokh (2024): Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, Viện thông tin khoa học xã hội, Tài liệu phục vụ nghiên cứu (lưu hành nội bộ), số TN2024-37,38,39.
5. Phạm Đức Trung (2013): Những nét chính trong hệ thống lý luận và tư tưởng lãnh đạo của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ sau cải cách mở cửa, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 29, số 1S (2013).
6. Đảng Cộng sản Trung Quốc (2022): Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX, http://hochiminhcity.china-consulate.gov.cn/xwdt/202210/t20221026_10792286.html, truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2024.
7.习近平:承前启后继往开来 朝着中华民族伟大复兴目标奋勇前进–新闻报道-人民网 http://cpc.people.com.cn/n/2012/1130/c64094-19746089.html, truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.
8. 习近平:在第十二届全国人民代表大会第一次会议上的讲话 – 2013两会 – 新华网 , http://www.xinhuanet.com/2013lh/2013-03/17/c_115055434.htm , truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.
9.习近平:在第十二届全国人民代表大会第一次会议上的讲话 – 2013两会 – 新华网 http://www.xinhuanet.com//2013lh/2013-03/17/c_115055434.htm, truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.
10. Giấc mộng Trung Hoa – tham vọng của Trung Quốc trỗi dậy, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/giac-mong-trung-hoa-tham-vong-cua-trung-quoc-troi-day-338857.vov, truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2024.
11.中华人民共和国2023年国民经济和社会发展统计公报, https://www.stats.gov.cn/sj/zxfb/202402/t20240228_1947915.html , truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.
12. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-vii/nghi-quyet-so-07-nqhntw-hoi-nghi-lan-thu-7-bchtw-dang-khoa-vii-ve-phat-trien-cong-nghiep-cong-nghe-den-nam-2000-theo-huong-1141, truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2024.
13. Vài nét về hiện đại hóa mô hình Trung Quốc, https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/vai-net-ve-hien-dai-hoa-mo-hinh-trung-quoc-739741, truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2024.