1. Đặt vấn đề
Lào Cai được biết đến với Khu du lịch quốc gia Sa Pa có lịch sử hình thành và phát triển trên 120 năm, có khí hậu mát mẻ quanh năm, có đỉnh núi Fansipan cao 3.143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Đặc biệt, Lào Cai có kho tàng văn hoá vô cùng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của 25 nhóm ngành dân tộc cùng chung sống, có hơn 50 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sở hữu 41 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những tiềm năng và lợi thế trên là điều kiện thuận lợi để Lào Cai phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Bởi vậy, việc tôn tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cũng vô cùng khó khăn. Nếu không được thực hiện tốt thì trong quá trình phát triển kinh tế du lịch và cùng với sự tiếp biến văn hóa sẽ làm cho nhiều nét văn hóa bản địa bị mai một, mất dần bản sắc và sức hấp dẫn đối với du khách. Do đó Lào Cai rất cần có những giải pháp, chính sách để bảo tồn, xây dựng và phát huy hiệu quả các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững.
2. Nội dung
2.1. Lào Cai giàu bản sắc văn hoá dân tộc – lợi thế để phát triển du lịch bền vững
Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới phía Bắc của Việt Nam. Lào Cai không chỉ mang trong mình nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn chứa đựng kho tàng văn hóa đa dạng các dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều sở hữu những giá trị văn hoá riêng.
Một là, sự đa dạng văn hoá của 25 nhóm ngành dân tộc
Lào Cai có dân số trên 787.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 66,22% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là người Mông, Tày, Dao, Giáy, Nùng, Phù Lá. Điều này đã mang đến cho Lào Cai những nét đặc trưng phong phú, từ ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, ẩm thực, phiên chợ vùng cao đến các nghệ thuật điêu khắc, hát Then và các lễ hội truyền thống đặc sắc. Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết (hoặc không có chữ viết riêng nhưng có ngôn ngữ truyền khẩu phong phú) tạo nên một không gian giao tiếp văn hóa phong phú. Một số dân tộc có chữ viết riêng như Mông, Tày, Nùng, Dao, trong khi nhiều dân tộc khác lưu giữ văn hóa thông qua truyền khẩu, các bài hát, câu chuyện cổ tích. Trang phục của mỗi dân tộc là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế của phụ nữ người Mông, Dao hoặc những bộ áo chàm giản dị, thanh lịch của người Tày, Nùng. Mỗi dân tộc lại có những nét riêng về phong tục tập quán, từ tục cưới hỏi, ma chay, đến các nghi lễ vòng đời, những quy tắc, nghi lễ riêng, thể hiện quan niệm về vũ trụ, nhân sinh và mối quan hệ cộng đồng lâu đời.
Hai là, sự phong phú di sản văn hoá phi vật thể
Lào Cai sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số sinh sống tại Lào Cai, được lưu truyền qua các thế hệ. Nhiều di sản tiêu biểu và nổi tiếng, như: Nghệ thuật múa khèn của người Mông, Kéo co của người người Giáy, Tết Sử giề pà của người Bố Y, Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Pa Dí, Nghề chạm khắc bạc của người Mông, Tri thức canh tác ruộng bậc thang Hà Nhì, Nghi lễ kéo co của người Tày – Giáy, Nghi lễ Then của người Tày…
Ba là, những di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng gắn liền với chiến công anh hùng
Lào Cai cũng nổi tiếng với các di tích lịch sử văn hoá, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia như Đền Thượng (thành phố Lào Cai), nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn, người đã có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi non sông đất nước; Đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên), nơi thờ danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy, vị tướng có công bảo vệ biên giới thời Hậu Lê và được tôn thờ là “Thần vệ Quốc” hay như Đền Cô Tân An (huyện Văn Bàn) là nơi thờ tự nữ chúa thượng ngàn Nguyễn Hoàng Bà Xa, người đã có công chinh phạt giặc ác, giữ yên bờ cõi, được cư dân nơi đây suy tôn là vị Thánh Mẫu,…
Bốn là, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc
Lào Cai quanh năm rộn ràng với các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc của từng dân tộc, trong đó phải kể đến như: Lễ hội Gầu Tào của người Mông, thường được tổ chức vào mùa xuân để cầu mùa màng bội thu, sức khỏe và bình an, được tổ chức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, các trò chơi dân gian và ẩm thực truyền thống hay Nghi lễ Cấp sắc của người Dao là một nghi lễ quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông Dao, cùng với nhiều lễ hội khác như Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Lễ Khoi Kìm (Cúng rừng) của người Dao, Lễ Mủ đẳng mai của người Thu Lao, Lễ Gạ ma do của người Hà Nhì, Lễ hội Roóng Poọc của người Dáy, Lễ hội đua ngựa Bắc Hà và đặc biệt là các chợ phiên vùng cao Lào Cai không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là một không gian văn hóa đặc sắc, nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.
Năm là, nghề truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa
Các nghề truyền thống ở Lào Cai không chỉ tạo ra sản phẩm vật chất mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, kỹ thuật được trao truyền qua nhiều thế hệ. Có nhiều nghề nổi tiếng như, nghề Dệt thổ cẩm của người Mông, Dao, Tày với những hoa văn tinh tế, màu sắc rực rỡ, thể hiện sự sáng tạo và khéo léo của người phụ nữ; nghề Rèn đúc của người Mông ở Sa Pa đã có từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm nông cụ, đồ dùng sinh hoạt chất lượng cao; nghề Chạm khắc bạc của người Dao tạo ra những trang sức tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc; nghề làm tranh thờ người Dao đỏ ở Sa Pa hay một số dân tộc vẫn giữ nghề làm giấy thủ công truyền thống, tạo ra những sản phẩm độc đáo, thân thiện với môi trường.
2. 2. Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá
Một là, kết quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống
Những năm qua, Lào Cai luôn chú trọng hoạt động sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; công tác kiểm kê được triển khai thực hiện đối với toàn bộ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số, xác định được những giá trị văn hóa truyền thống với các phong tục tập quán đặc sắc, các giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt của mỗi dân tộc.
Lào Cai đã thực hiện bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch, thông qua hoạt động sưu tầm, phỏng vấn nghệ nhân, biên soạn và xây dựng kịch bản, phục dựng lại một số lễ hội và nghi lễ tiêu biểu theo phong tục tập quán của người dân địa phương, như: nghi lễ Then cầu mùa của người Giáy, Tết cơm mới của người Dao đỏ (Bát Xát), Lễ cúng rừng của người Nùng (Si Ma Cai, Mường Khương), nghi lễ then Khoăn của người Tày (Văn Bàn), Lễ Cấp sắc, Lễ hội Pút tồng của người Dao (Sa Pa) … Sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một của các dân tộc ít người, đặc biệt là các di sản văn hoá phi vật thể dân tộc Dao (ngành Dao tuyển) đối với nghi lễ cấp sắc, lễ cưới, hát dân ca Dao Tuyển. Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thông qua hoạt động kiểm kê trang phục và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của 13 dân tộc với 25 nhóm ngành, trong đó đầu tư khôi phục, bảo tồn trang phục của nhóm dân tộc ít người La Chí tại xã Nậm Khánh (Bắc Hà); người Mông Trắng xã Liên Minh (Sa Pa), tổ chức các lớp trao truyền kỹ thuật trồng bông, lanh dệt vải, thêu hoa văn trên trang phục, hướng dẫn thực hành do người dân; xây dựng các mô hình câu lạc bộ, gian hàng, điểm trưng bày giới thiệu mua bán các sản phẩm trang phục. Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống đặc sắc các dân tộc Dao, Mông, đó là nghề làm tranh thờ của dân tộc Dao (ngành Dao đỏ) ở Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà thông qua mở lớp truyền dạy, thực hành, xây dựng album ảnh, phim tư liệu. Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá nghệ thuật các dân tộc như: múa gậy tiền dân tộc Mông, múa xoè dân tộc Tày, múa sừng trâu của người La Chí, múa ngựa của người Nùng. Sưu tầm, bảo tồn và phát triển dân ca Mông, dân ca Hà Nhì.
Tính hết năm 2024, Lào Cai có 62 di tích, danh thắng, trong đó có 22 di tích cấp quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh [1]. Các di tích được quan tâm đầu tư, tôn tạo và khai thác bằng các dự án như tu bổ di tích điểm lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào Cai; tu bổ, tôn tạo di tích Đền Thượng, Đền Am, thành phố Lào Cai; tu bổ di tích đền Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà; di tích Dinh thự Hoàng A Tưởng, huyện Bắc Hà. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt công tác cắm mốc giới bảo vệ di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa đối với 10/62 di tích, một số di tích thuộc loại hình Đền được xây dựng tường bao đảm bảo an toàn cho di tích. Lào Cai có 41 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Nghi lễ kéo co người Tày – Giáy và Nghi lễ Then của người Tày [1].
Với phương châm “biến di sản thành tài sản”, Lào Cai đã xây dựng nhiều di sản văn hoá, di tích lịch sử để trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch. Nổi bật là các sản phẩm du lịch gắn với Lễ hội văn hóa truyền thống với bản sắc riêng có của cộng đồng như: Lễ Tết nhảy người Dao Đỏ, Lễ hội Gầu Tào người Mông, Lễ hội Xuống đồng người Tày (Tà Chải, Bắc Hà), Lễ hội Roóng poọc người Giáy (Tả Van, Sa Pa), Lễ Cúng rừng “Gạ ma do”, Lễ hội Khô già của người Hà Nhì (Y Tý, Bát Xát), một số lễ hội khác đã được bảo tồn, nâng cấp tạo thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu bền vững như Lễ hội Tuyết Sa Pa, Lễ hội Mùa Thu Y Tý đại ngàn, Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà (nâng cấp từ giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà).
Sản phẩm du lịch khám phá nét văn hóa của Chợ phiên vùng cao Lào Cai như: Chợ Văn hóa Bắc Hà, Chợ Cán Cấu (Si Ma Cai), Chợ Pha Long (Mường Khương), các Chợ Mường Hum, Y Tý (Bát Xát) vẫn còn lưu giữ những nét đặc trưng nguyên sơ của chợ văn hóa vùng cao, mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc vùng cao Tây Bắc Việt Nam. Đặc biệt đầu năm 2009, Chợ văn hoá Bắc Hà được tạp chí Serendib (SriLanka) đánh giá là đứng đầu trong top 10 chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Các di tích lịch sử văn hoá, danh thắng của tỉnh được đầu tư, tôn tạo kết hợp với quảng bá nên nhiều di tích của Lào Cai đã trở thành địa chỉ chiêm bái, điểm thăm quan hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Lào Cai hiện có 26/62 di tích danh thắng được đưa vào danh sách khai thác, phát triển du lịch tâm linh [1]. Đặc biệt các quần thể di tích Đền Bảo Hà đã được tu bổ, tôn tạo, quy hoạch thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Sản phẩm du lịch tâm linh “du lịch về nguồn” được phát triển mạnh mẽ nhờ sự liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm của 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ. Các di tích được kết nối trong chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng: Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Đôi Cô và Đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai) kết nối với các Đền như: Đông Cuông, Nhược Sơn và Tuần Quán (tỉnh Yên Bái); Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Tam Giang, Đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ) tạo thành tour du lịch độc đáo. Bên cạnh đó một số di tích danh thắng được phát huy giá trị tốt như di tích Núi Hàm Rồng Sa Pa, đỉnh Fansipan, Ruộng bậc thang Sa Pa, Ruộng bậc thang Y Tý (Bát Xát), Ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả, xây dựng sản phẩm du lịch “Hành trình khám phá cung đường Di sản văn hóa Ruộng bậc thang – Tây Bắc” với cung đường trải nghiệm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Di sản văn hóa Ruộng bậc thang Lào Cai. Đặc biệt, năm 2009, Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn ruộng bậc thang Sa Pa là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới, thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Lào Cai.
Các giá trị văn hoá dân tộc còn được phát huy thông qua du lịch cộng đồng, hấp dẫn du khách bằng những nét văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Giáy,… với những phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc; khách du lịch được ở các homestay với đặc trưng kiến trúc nhà gỗ, nhà trình tường, nhà sàn mộc mạc; được tham gia các hoạt động dệt vải, nhuộm chàm, làm nông, hái thuốc nam, đi bộ trekking khám phá bản làng, leo núi hoặc trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng “Một ngày làm cô dâu người Mông”, “Một ngày làm nông dân người Dao”,…
Sự đa dạng của các loại hình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh kết hợp với di sản văn hóa các dân tộc hết sức đa dạng, phong phú đã tạo nên sức hút rất lớn đối với du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm, khám phá, nghỉ dưỡng, chiêm bái. Lào Cai đã được nhiều tạp chí du lịch thế giới đánh giá cao về vẻ đẹp và sức hấp dẫn. Sự phát triển của du lịch Lào Cai trong những năm qua còn được thể hiện bởi số lượng du khách tăng lên hằng năm, cùng với đó là sự tăng trưởng về doanh thu từ du lịch. Nếu như năm 2021, tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai chỉ đạt 1.405.930 lượt, tổng thu du lịch đạt khoảng 4.440 tỷ đồng thì đến năm 2024 tổng lượt khách đạt 8.000.000 lượt và tổng thu đạt khoảng 26.700 tỷ đồng [2] (tăng gấp 5,7 lần số lượt khách và 6 lần doanh thu). Sự tăng trưởng của ngành du lịch trong những năm qua đã góp phần giúp cho đời sống của người dân địa phương được cải thiện, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hai là, những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy
Trong quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Lào Cai cũng còn có một số khó khăn, hạn chế:
(1) Một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; chưa sát sao, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Việc nhận diện giá trị của di sản văn hóa và bảo vệ văn hóa truyền thống các dân tộc còn hạn chế.
(2) Nhận thức của một bộ phận người dân đối với bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống còn hạn chế, còn hiện tượng thờ ơ, chưa thực sự quan tâm và chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
(3) Bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc còn tiềm ẩn nguy cơ mai một; không gian văn hóa và các kiến trúc nhà truyền thống của một số dân tộc có nguy cơ bị thu hẹp. Một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ, dần ít mặn mà với các phong tục, tập quán, trang phục truyền thống; việc sử dụng mặc trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số có hiện tượng giảm dần, hình ảnh sắc mầu trang phục của các dân tộc không còn thấy nhiều ở các chợ phiên, lễ hội và các nghi lễ tổ chức ở cộng đồng.
(4) Số di sản, di tích, sản phẩm văn hoá truyền thống được xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc chưa nhiều; các bản làng du lịch cộng đồng phát triển mạnh nhưng thiếu sự gắn kết với các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của người dân và bảo tồn văn hóa dân tộc.
(5) Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý văn hóa trên địa bàn các xã, huyện còn hạn chế chuyên môn, nghiệp vụ do không được đào tạo chuyên ngành. Ban quản lý di tích đơn lẻ ở các xã làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi liên tục kém hiệu quả trong quản lý di tích.
(6) Nguồn ngân sách dành cho bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di tích, danh thắng còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Nhu cầu kinh phí chi đầu tư cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích cần nguồn lớn, nhưng việc huy động nguồn vốn xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích mới chỉ tập trung phát huy hiệu quả ở các di tích thuộc loại hình tôn giáo – tín ngưỡng. Bên cạnh đó các di tích thuộc loại hình lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh chưa huy động được nguồn vốn xã hội hóa.
2. 3. Một số giải pháp trọng tâm nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch bền vững
Nhằm bảo tồn, xây dựng, khai thác có hiệu quả các sản phẩm văn hoá truyền thống; phát huy tính đa dạng các giá trị bản sắc văn hoá của 25 nhóm ngành dân tộc của địa phương thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tiến tới trở thành ngành kinh tế chủ đạo quan trọng, những năm tới Lào Cai cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, cấp uỷ và chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị của bản sắc văn hóa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá gắn với phát triển du lịch
Với những huyện có thể mạnh để phát triển kinh tế du lịch như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên và thành phố Lào Cai thì việc tuyên truyền cho người dân địa phương hiểu rõ tiềm năng, lợi thế về tài nguyên văn hoá, các di sản, di tích lịch sử văn hoá và những tác động của kinh tế du lịch đối với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần là điều hết sức cần thiết. Với phương châm xây dựng con người Lào Cai phát triển toàn diện, có nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại gắn với hội nhập, giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa; mang đậm nét đặc trưng của con người vùng đất biên cương Tổ quốc “Đoàn kết – Yêu nước – Kỷ cương – Văn minh – Hiếu khách”. Thực hiện đưa nội dung giáo dục về văn hóa truyền thống của địa phương, lồng ghép vào chương trình học, các hoạt động ngoại khóa ở các cấp học; khuyến khích mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong sinh hoạt hằng ngày nhằm tạo sự lan tỏa về nét đẹp văn hóa truyền thống. Tuyên truyền quán triệt tạo sự đồng thuận, quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội về nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, trao truyền nghề truyền thống, xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân giữ vai trò quyết định, là chủ thể giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân của tộc mình, nhằm thực hiện tốt mục tiêu “bảo tồn, khai thác, phát huy các di sản văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch; xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa văn minh, hiện đại, giàu bản sắc”.
Hai là, chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống
Tỉnh Lào Cai có cơ chế dành nguồn ngân sách cho việc thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, như: (1) Dự án hỗ trợ xây dựng bản làng du lịch cộng đồng đối với các thôn, bản có tiềm năng, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, từ đó giúp người dân có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm văn hoá du lịch và dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập bền vững; (2) Hỗ trợ hoạt động của đội văn nghệ thôn, bản nhằm duy trì, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và phục vụ du lịch, hỗ trợ tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật các địa phương thông qua hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi thể thao nhằm tuyên truyền, quảng bá và khuyến khích phát triển các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc; (3) Hỗ trợ hoạt động truyền dạy tri thức và truyền dạy nghề của các nghệ nhân đối với các di sản văn hóa, tri thức bản địa và nghề truyền thống, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, người lao động trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực sưu tầm, bảo tồn, khai thác, cung cấp các sản phẩm văn hoá truyền thống. (4) Hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ dân, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, phát triển, cung ứng các sản phẩm văn hoá du lịch; xây dựng các cơ sở lưu trú, hoạt động vui chơi, giải trí; cơ chế hỗ trợ mặt bằng sản xuất, giúp tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm thủ công truyền thống (thổ cẩm, chạm khắc bạc, rèn đúc, đan lát…).
Ba là, phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc từ các di tích, di sản văn hoá của địa phương
Tập trung vào các nhóm sản phẩm chính, như:
Nhóm sản phẩm du lịch về văn hóa – nghệ thuật: tổ chức các sự kiện du lịch trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc Festival “Tinh hoa Tây Bắc”, Cao nguyên trắng Bắc Hà, Lễ hội tình yêu và Hoa Hồng; Lễ hội Tuyết Sa Pa. Tái hiện Chợ tình Sa Pa; sản phẩm du lịch “Sa Pa Thổ Cẩm và Hoa, …; hỗ trợ duy trì bảo tồn các loại hình văn hoá nghệ thuật đặc trưng của các dân tộc, như múa khèn, múa sinh tiền, hát giao duyên, múa xòe, hát đối; khai thác di tích kiến trúc Hoàng A Tưởng. Nghiên cứu tiếp tục tổ chức các sản phẩm du lịch văn hóa (show diễn thực cảnh) đã thí điểm thành công như: “Vũ điệu dưới trăng”, “Thì thầm sương mây”, “Nghiêng về bên nhau”. Nghiên cứu tổ chức Chương trình nghệ thuật kết hợp ánh sáng tại Dinh Hoàng A Tưởng, … Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa mới tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, thành phố Lào Cai. Tổ chức giải leo núi chinh phục các đỉnh Kỳ Quan San, Pu Ta Leng … định kỳ vào mùa hoa đỗ quyên để quảng bá du lịch địa phương và thu hút khách du lịch.
Nhóm sản phẩm du lịch về chợ phiên gắn với ẩm thực: khai thác các yếu tố đặc sắc của chợ phiên vùng cao, Chợ văn hóa Bắc Hà, Chợ Cốc Ly, Chợ Lùng Phình, Chợ Cán Cấu (Si Ma Cai), Chợ Pha Long (Mường Khương), các Chợ Mường Hum, Y Tý (Bát Xát), xây dựng thương hiệu ẩm thực các địa phương để giới thiệu về các món ăn dân tộc cổ truyền, đậm bản sắc vùng cao, các đặc sản bản địa. Ban hành các chính sách đầu tư nâng cấp, cải tạo không gian chợ phiên về mặt bằng, mái che, hệ thống điện nước, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe đảm bảo an toàn, vệ sinh và thuận tiện cho cả người bán và du khách; xây dựng quy chế quản lý chợ phiên văn minh, an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và trật tự công cộng.
Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh: tiếp tục đầu tư khai thác tuyến du lịch Sông Hồng, gắn kết phát triển hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh: Đền Thượng, Đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai); Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khách (huyện Bảo Yên); Đền Trung Đô, Đền Bắc Hà (huyện Bắc Hà); Đền Cô Tân An, Đền Chiềng Ken (huyện Văn Bàn); Đền Mẫu, Đền Mẫu Thượng, Quần thể tâm linh Khu du lịch Cáp treo Fansipan (thị xã Sa Pa) hình thành chương trình du lịch tâm linh. Hoàn thiện các tiêu chí của các khu điểm du lịch tâm linh để được công nhận thành các khu, điểm du lịch. Đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, sản phẩm truyền thống, làm nhà truyền thống kinh doanh homestay, phát triển các chương trình biểu diễn âm nhạc dân gian, truyền thống, du lịch nông nghiệp sinh thái tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
Nhóm sản phẩm du lịch về văn hoá cộng đồng: thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch cộng đồng homestay theo kiến trúc truyền thống, đảm bảo vệ sinh môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa, từ đó phát triển các bản làng du lịch cộng đồng vừa để bảo tồn nét văn hoá bản địa về phong tục tập quán, trang phục, nếp sinh hoạt, canh tác. Xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng bền vững, làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu ở một số thôn, bản tiêu biểu.
Bốn là, thu hút, huy động, bố trí nguồn lực đầu tư và tạo môi trường khai thác tài nguyên du lịch nhân văn
Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần chủ động, sáng tạo ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đối với các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn, khai thác sản phẩm văn hoá, xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc; nghiên cứu xây dựng các cơ chế đặc thù của địa phương như: cho phép các tổ chức, cá nhân được đóng góp quỹ đất vào dự án đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm văn hoá du lịch theo hình thức góp vốn cùng kinh doanh; miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng vùng du lịch trọng điểm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với địa phương để thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực văn hóa, du lịch. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất về văn hóa, du lịch, các cơ sở lưu trú có uy tín, chất lượng. Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng các tour, tuyến du lịch văn hóa khám phá bản sắc độc đáo của các dân tộc ở các địa phương trong tỉnh:tham quan làng nghề truyền thống, trải nghiệm lễ hội, homestay văn hóa, thưởng thức ẩm thực đặc sản, xem biểu diễn nghệ thuật…; phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng và đặc sắc phù hợp quy định của pháp luật. Đồng thời cần tích cực cải cách hành chính và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các hội thảo,hội nghị tiếp xúc, nắm bắt những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp du lịch, sản xuất nghề truyền thống, hộ gia đình làm du lịch homestay.
Năm là, phát huy vai trò của người dân trực tiếp tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hoá phục vụ phát triển du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng ưu tiên lao động địa phương trong các hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, tạo điều kiện về hành lang pháp lý, hỗ trợ thủ tục hành chính, vốn vay cho các hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế trực tiếp từ các hoạt động du lịch và sản xuất các sản phẩm văn hóa truyền thống. Khuyến khích người dân tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch như hướng dẫn viên, vận chuyển, ăn uống, lưu trú, bán hàng. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng làm du lịch cho người dân, nhất là du lịch cộng đồng, như kỹ năng giao tiếp, đón tiếp khách, quản lý homestay, giới thiệu văn hóa dân tộc. Xây dựng các dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với các chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Ban hành các quy định về chia sẻ lợi nhuận giữa các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng người dân địa phương, nhằm tăng cường cam kết trong hợp tác cùng phát triển giữa các bên liên quan giúp giảm thiểu rủi ro của các chủ thể khi tham gia hợp tác và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, tạo sự đồng thuận về mục tiêu, lợi ích, mức độ, hình thức tham gia, nguồn lực, nguyên tắc hoạt động, kết quả hợp tác hoạt động du lịch bền vững.
3. Kết luận
Để khai thác có hiệu quả các giá trị văn hoá truyền thống giàu bản sắc của các dân tộc, Đảng ủy, UBND tỉnh Lao Cai chủ trương, gắn bảo tồn giá trị văn hóa với phát triển du lịch, phát kinh tế – xã hội ở địa phương là sáng suốt và đúng đắn. Đồng thời, nhờ sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân, du lịch Lào Cai đã có những bước phát triển ấn tượng.
Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu phát triển du lịch và phát triển kinh tế bền vững dựa trên các giá trị văn hoá các dân tộc, Lào Cai cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc giữ gìn và quảng bá văn hoá truyền thống. Nhất là, cần tăng cường liên kết vùng, quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu du lịch gắn với văn hóa đặc sắc riêng có của tỉnh Lao Cai. Đó là, nhằm khẳng định vị thế của Tỉnh trên bản đồ du lịch quốc gia và thế giới, đồng thời đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong thời kỳ hội nhập.
Tài liệu trích dẫn
1. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai (2025):Báo cáo số 20/BC-SVHTT ngày 18/02/2025 về Tổng kết công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024
2. Sở Du lịch tỉnh Lào Cai (2024): Báo cáo số 351/BC-SDL ngày 11/12/2024 của về Kết quả hoạt động du lịch năm 2024, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025