1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Phạm trù văn minh có nội hàm rất phong phú. Văn minh là tiêu chí hết sức quan trọng để ghi nhận, để đánh giá sự tiến bộ và sự phát triển của xã hội ở trình độ rất cao trong lịch sử nhân loại.
Trong thời đại hiện nay, một xã hội được gọi là xã hội văn minh ít nhất phải có những đặc điểm, hay những chỉ dấu, không thể nào thiếu được. Chẳng hạn như xã hội đó phải có trình độ văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần ở mức phát triển cao, đặc biệt nhất là những con người trong xã hội đó phải được sống trong bầu không khí độc lập, dân chủ, tự do, nhân văn, công bằng, bình đẳng và hạnh phúc.
Như vậy, một xã hội văn minh đối lập với một xã hội đang ở trong trạng thái dã man, với tình trạng mông muội, trì trệ và lạc hậu về nhiều mặt. Cũng có thể nói, xã hội văn minh là một xã hội tập hợp tất cả những giá trị tốt đẹp được những con người của xã hội đó sáng tạo ra trong suốt tiến trình lịch sử về các mặt vật chất, tinh thần, chính trị, xã hội, sinh thái, tư tưởng, lý luận, đạo đức, văn học, nghệ thuật, giáo dục và khoa học cùng với tất cả những cách thức sinh hoạt xã hội khác của dân tộc mình và của cả nhân loại mà họ được tiếp thu, kế thừa, bổ sung và được phát triển thêm một cách sáng tạo.
Nói tóm lại, các tiêu chí của xã hội văn minh trong lịch sử xã hội loài người bao gồm sự tiến bộ mọi mặt ở trình độ cao và không ngừng được bồi đắp và không ngừng được nâng lên. Như vậy, văn minh theo nghĩa rộng, là tổng hòa tất cả các giá trị sáng tạo trước hết là của dân tộc mình, đồng thời là những giá trị của cả nhân loại, bao gồm những giá trị văn minh vật chất, văn minh tinh thần, văn minh chính trị, văn minh xã hội và văn minh sinh thái.
2. NỘI DUNG
Trong thế giới đương đại, tất cả các thành tố đặc trưng trên đây cấu thành một thể thống nhất của một xã hội văn minh, trong đó trước hết và cốt lõi nhất là sự phát triển cao của nền kinh tế; đó còn là một xã hội công bằng, bình đẳng mang bản chất nhân đạo cao cả cùng với một nền tảng văn hóa cao, phong phú và giàu bản sắc. Không thể có một xã hội được gọi là văn minh nếu như xã hội đó chỉ có nền kinh tế nghèo nàn, èo uột, thiếu hụt, nhân dân đói khổ và nhất là mọi người không có sự tự do thật sự, không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, con trẻ các lứa tuổi không được cắp sách đến trường học hành, không được vui chơi.
Chính vì những điều đó mà tất cả các Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là từ Đại hội lần thứ III và các Đại hội tiếp theo, đều nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu là phải tập trung phát triển kinh tế bên cạnh việc phát triển những mặt khác của xã hội cùng với việc bảo vệ môi trường tự nhiên trong lành cho cuộc sống của con người, gắn kết chặt chẽ con người, xã hội với giới tự nhiên. Đó cũng chính là một trong những tiêu chí của xã hội văn minh.
Về điều này, C.Mác đã từng nói: “Chỉ có trong xã hội, tự nhiên đối với con người mới là một cái khâu liên hệ con người với con người, mới là tồn tại của con người đối với người khác và tồn tại của người khác đối với người đó, mới là nhân tố sinh hoạt của hiện thực con người; chỉ có trong xã hội, tự nhiên mới biểu hiện ra là cơ sở của tồn tại có tính chất người của bản thân con người. Chỉ có trong xã hội, tồn tại tự nhiên của con người mới là tồn tại có tính chất người của con người đối với con người và tự nhiên mới trở thành con người đối với con người. Như vậy, xã hội là sự thống nhất bản chất đã hoàn thành của con người với tự nhiên, sự phục sinh chân chính của tự nhiên” [1, tr.170].
Đặc biệt, gần đây nhất, tại Đại hội XIII vừa qua Đảng đã xác định rõ ràng và mạnh mẽ rằng, chúng ta coi “phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm”; “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần” [3, tr.33-34]. Tuy nhiên, “chúng ta xây dựng, phát triển kinh tế cuối cùng cũng vì sự phát triển bền vững của xã hội, vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của con người. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng” [6, tr.74].
Khi nào đạt được tất cả các tiêu chí hết sức quan trọng này chính là lúc chúng ta sẽ đạt được và xây dựng được một xã hội văn minh.
Để xây dựng một xã hội văn minh, trải qua các kỳ đại hội của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh đến một yêu cầu quan trọng là tăng trưởng và phát triển kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội; phải xóa được nạn đói; phải giảm thiểu được cảnh nghèo khó trong dân cư. Để thực hiện được nhiệm vụ này thì “cả nước phải chung tay vì người nghèo; không để ai bị bỏ lại phía sau”. Điều đó có nghĩa là, bên cạnh sự tăng trưởng và sự phát triển kinh tế với tốc độ cao, xã hội có đạt được sự công bằng và thật sự nhân văn thì mới được gọi là một xã hội văn minh.
Điều quan trọng không kém là để có một xã hội văn minh thì nhất định xã hội phải hạn chế được tình trạng phân hóa giàu nghèo quá mức nhằm tránh sự phân cực giàu nghèo, điều mà có thể và rất dễ dẫn đến các bất ổn, thậm chí cả những xung đột xã hội, đồng thời hạn chế tình trạng người bóc lột người và tình trạng bất công do mặt tiêu cực của kinh tế thị trường gây ra. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, những thành quả của việc phát triển kinh tế, xét đến cùng, chính là điều kiện quan trọng bậc nhất góp phần tạo dựng nên một xã hội văn minh và cuộc sống hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Bởi vì, nếu như một nền kinh tế của quốc gia ở trong tình trạng trì trệ, chậm phát triển hoặc không phát triển thì xã hội không thể nào trở nên giàu có, sung túc; cũng chẳng có điều kiện và tiền đề cần thiết để phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong đó có đời sống văn hóa và đời sống tinh thần.
Song song với việc phát triển kinh tế và công bằng về cơ hội phát triển thì một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là phải kiên quyết và phải đạt được hiệu quả thực tế trong việc dọn dẹp, loại trừ các tệ nạn, trước hết là các tệ nạn tham nhũng và lãng phí, đó cũng là một trong những cơ sở rất quan trọng để tạo nên sự công bằng trong xã hội. Bởi vì, thời gian vừa qua, ở một số lĩnh vực hoạt động của nước ta, nạn tham nhũng đang tạo ra sự bất công xã hội rất nghiêm trọng. Thật sự là nạn tham nhũng đã và đang làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào một số cán bộ lãnh đạo của Đảng và vào tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật của nước nhà. Còn nạn lãng phí thì tác hại cũng chẳng hề kém cạnh cho xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, được tiến hành quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”” [3, tr.77].
Tuy nhiên, việc các vụ án tham nhũng lớn như các vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á, v.v. đã và đang lần lượt được xét xử. Đặc biệt, vụ án các “chuyến bay giải cứu” được xét xử tại Hà Nội vừa qua khi đưa ra truy tố 54 bị cáo về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công đã cho thấy tình hình tham nhũng là rất nghiêm trọng. Trong số 54 bị cáo ấy có tới 18 bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ theo điểm a khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 có khung hình phạt tù từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình.
Những kẻ bị pháp luật trừng phạt trong vụ án này phần lớn đều nắm giữ các vị trí rất quan trọng trong bộ máy công quyền của đất nước, trong đó người có chức vụ cao nhất là bộ trưởng. Họ dính vào nạn tham nhũng theo những cách thức rất khác nhau. Việc xét xử và kết tội họ theo đúng các điều khoản của pháp luật đã góp phần tạo lập sự công bằng và bình đẳng trong xã hội theo nguyên tắc ai có công thì được khen thưởng, ai có tội nhất định phải bị trừng phạt đích đáng. Điều đó vừa thể hiện trình độ văn minh của luật pháp, vừa thể hiện quyền bình đẳng của mọi công dân trong xã hội và sự kiên quyết của chính quyền đất nước ta hiện nay.
Mặt khác, thời đại chúng ta là thời đại bùng nổ của khoa học và công nghệ, bởi vậy, nếu muốn phát triển kinh tế, muốn người dân giàu lên thì nhất định phải dựa vào việc áp dụng các thành tựu tiên tiến và mới nhất của khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, khi nói dân giàu, nói đến hạnh phúc của con người, đến xã hội văn minh mà chỉ đề cập đến khía cạnh kinh tế đơn thuần thì quả thật là chưa đủ. Bởi vậy, cần có cách nhìn toàn diện hơn, chính là một cái nhìn về xã hội văn minh cả từ góc độ văn hóa.
Đành rằng mặt kinh tế hay khía cạnh kinh tế là cơ sở, là cốt lõi, là nhân tố quyết định sự giàu có của bất cứ xã hội nào, là tiền đề đầu tiên của mọi sự phát triển, thì một mặt khác không thể thiếu để có một xã hội thật sự văn minh đó là đất nước và xã hội còn phải giàu có về văn hóa tinh thần. Việc phát triển song song cả kinh tế và văn hóa đều nhằm mục đích cuối cùng là phục vụ con người, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con người và một nền văn minh cho xã hội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, dù kinh tế chưa đạt đến mức phát triển thật cao thì vẫn phải chú trọng giải quyết thật tốt các vấn đề văn hóa – xã hội, nghĩa là không nên chờ đợi cho đến lúc kinh tế phát triển ở trình độ thật cao rồi mới đặt ra nhiệm vụ giải quyết các vấn đề văn hóa – xã hội. Cần nhận thức cho thật rõ rằng, việc giải quyết tốt và kịp thời các vấn đề văn hóa – xã hội cũng là điều kiện không thể thiếu để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Chính vì lẽ đó cho nên văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước ta coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển đất nước bền vững về nhiều mặt trong đó có sự bền vững về kinh tế. Hai mặt này không thể tách rời nhau trong quá trình phát triển đất nước nhằm hướng tới xây dựng xã hội ta thành một xã hội văn minh.
Bên cạnh mặt kinh tế, một xã hội văn minh phải là một xã hội có văn hóa, “là một xã hội xây dựng được quan hệ giữa con người với con người lành mạnh, giàu tình thương và lòng nhân ái; mọi người sống, làm việc và hoạt động vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng” [6, tr.134-135], vì sự phồn vinh của đất nước, vì cuộc sống yên bình và hạnh phúc của mọi người; Đồng thời đó phải là một xã hội có quan hệ hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của con người. Như vậy, một xã hội văn minh nhất định phải có nền kinh tế phát triển dựa trên trình độ khoa học và công nghệ cao. Song, một xã hội văn minh cũng không thể thiếu một nền văn hóa đủ sức “soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói ngay từ khi nước nhà vừa mới giành được độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ý thức rất rõ về mối quan hệ chặt chẽ, sự gắn bó hữu cơ giữa văn hóa và kinh tế khi viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” [5, tr.246]. Điều đó có nghĩa là sự phát triển văn hóa phải hài hòa và đồng bộ với sự phát triển kinh tế, với sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Tiếc rằng, không phải lúc nào, không phải ở đâu và cấp lãnh đạo nào cũng đều quán triệt tinh thần mang tính chỉ đạo quan trọng ấy. Về điều này, chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng cảnh báo: “Không ít người chỉ nhấn mạnh một chiều cơ sở kinh tế, về vai trò của kinh tế, mà ít chú ý đến các giá trị văn hóa, vai trò của văn hóa. Văn hóa chưa được đặt đúng vị trí như nó vốn có trong sự phát triển” [5, tr.73]. Bởi vậy, “chúng ta không khó khăn lắm để nêu lên những ví dụ về một xã hội tiện nghi vật chất thì dồi dào nhưng con người ít có hạnh phúc, thậm chí không có hạnh phúc; kinh tế tăng trưởng nhưng xã hội thiếu công bằng và văn minh” [5, tr.73].
Trước thực trạng không bình thường tồn tại trong nhiều năm đó, Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội XIII đã nêu rõ yêu cầu phải “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước” [3, tr.115-116].
Tinh thần này là sự kế thừa và phát triển tiếp tục tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa VIII yêu cầu phải gắn kết sự phát triển văn hóa với sự phát triển kinh tế – xã hội, với sự thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; gắn kết văn hóa với mọi hoạt động xã hội về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, v.v.. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 5 cũng khẳng định về mối quan hệ giữa các mặt trên rằng, “chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không có sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững” [4, tr.55].
Khẳng định trên đây là hết sức đúng đắn và rất cần thiết, có giá trị lâu dài giống như một chân lý vì nó nhấn mạnh được vai trò quan trọng của văn hóa trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế – xã hội. Khẳng định ấy là cơ sở giúp vào việc khắc phục quan điểm sai lầm đã từng một thời ngự trị trong tâm trí của một số người cho rằng, văn hóa chỉ là cái bóng, là cái đuôi, là cái ăn theo kinh tế cho nên có cũng được mà không có cũng chẳng sao! Hơn lúc nào hết, lúc này càng cần thấm nhuần sâu sắc hơn nữa tinh thần coi “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”, bởi vì văn hóa chính là “hồn cốt của dân tộc”, “văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Trong một xã hội văn minh, mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế – xã hội và sự phát triển văn hóa là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhau, bởi vì chúng vừa nương tựa vào nhau, hỗ trợ nhau và đồng thời cũng vừa thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Dễ thấy nhất là sự tăng trưởng và phát triển kinh tế đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập và mức sống của nhân dân, qua đó tạo điều kiện thiết thực để thúc đẩy mạnh mẽ ngành văn hóa du lịch và ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Chúng ta cần sớm loại bỏ quan niệm sai lầm đã tồn tại từ rất lâu ở nước ta khi người ta coi văn hóa là ngành phi sản xuất và xếp nó vào nhóm ngành thứ yếu. Xuất phát từ quan điểm mới, xem du lịch là ngành kinh tế quan trọng thì dễ dàng nhận ra rằng, khi ngành này phát triển, sẽ hình thành một cách vững chắc ngành kinh tế du lịch. Ngành du lịch và kinh tế du lịch ở nước ta thực ra chỉ mới bắt đầu được coi trọng nhưng đang từng bước đánh thức được tiềm năng. Hàng trăm, hàng nghìn địa danh có cảnh quan thiên nhiên cực kỳ ngoạn mục, có tiền đồ và triển vọng phát triển hết sức sáng sủa. Tuy vậy, vẫn phải thừa nhận rằng, cho đến nay vẫn còn rất nhiều những di tích lịch sử nổi tiếng, những làng nghề truyền thống lâu đời, những không gian văn hóa cồng chiêng đặc sắc, những lễ hội và những loại hình nghệ thuật dân gian, nghệ thuật biểu diễn vô cùng giá trị và hết sức độc đáo, song chúng vẫn chưa hề được khai phá, chứ không phải chưa khai phá hết, hay nói đúng hơn, là không ít loại di sản văn hóa này vẫn còn đang ngủ yên. Như Đại hội XII của Đảng đã thừa nhận rằng, cho đến nay, chúng ta vẫn “chưa nhận thức đầy đủ và xử lý tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” [2, tr.86]. Việc nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ mối quan hệ giữa các mặt trên đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng một xã hội văn minh theo các tiêu chí đã nêu ở trên.
Cho nên, khi nói đến sự phát triển của một xã hội văn minh thì không chỉ nói đến phát triển bền vững và trình độ cao về kinh tế – xã hội cũng như bền vững về môi trường mà còn rất cần quan tâm đúng mức đến vai trò của một trụ cột khác vô cùng quan trọng trong phát triển là phát triển cao và bền vững về văn hóa. Sự phát triển cao và bền vững về kinh tế – xã hội, về văn hóa, trong đó có văn hóa ứng xử với thiên nhiên và môi trường tự nhiên, mới là cái trục đảm bảo cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần có nhận thức mới hơn về phát triển bền vững, trong đó phát triển bền vững về văn hóa phải được coi là một trong những trụ cột chủ yếu làm nên sự phát triển bền vững. Đồng thời, văn hóa cũng phải thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Sự phát triển kinh tế – xã hội sẽ không thể bền vững nếu không xoay quanh trụ cột phát triển bền vững về văn hóa, mà văn hóa thì chỉ có ở con người, chỉ có ở xã hội loài người.
Nói tóm lại, trong thời đại hiện nay, khi loài người bằng những thành tựu và những tiến bộ khoa học và công nghệ chưa từng có, đã có khả năng khám phá vũ trụ bao la, phát hiện ra các bí mật trong lòng đất và các đại dương mênh mông cùng những bí mật về cấu tạo và các cơ chế hoạt động của chính bản thân con người thì việc nhà nước ta đề ra nhiệm vụ tạo lập một xã hội văn minh đang trở thành nhu cầu thiết thực và cấp bách hơn bao giờ hết. Đối với chúng ta, một xã hội văn minh như vậy chí có thể được hình thành và trở thành hiện thực trên cơ sở phát triển cao của một nền kinh tế – xã hội, một trình độ văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần ở mức phát triển cao tương ứng, một môi trường sống trong lành, đặc biệt nhất là những con người trong xã hội đó phải từng bước được sống trong bầu không khí đất nước độc lập, xã hội thật sự dân chủ, con người được hành động tự do trong khuôn khổ pháp luật, sự công bằng, bình đẳng và hạnh phúc./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1] C. Mác và Ph. Ăngghen (2000), Toàn tập, tập 42, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật. Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5] Hồ Chí Minh(2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[6] Nguyễn Phú Trọng (2024), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật. Hà Nội.