1. Mở đầu
Theo Từ điển tiếng Việt, “vốn” được hiểu là ““tổng thể nói chung những gì có sẵn hay tích lũy được, dùng trong một lĩnh vực hoạt động nào đó” [10]. Hiểu theo nghĩa này, có nhiều loại “vốn” khác nhau, có vốn kinh tế, vốn xã hội, vốn con người, vốn văn hóa… Nhìn nhận văn hóa như là toàn bộ những giá trị văn hóa và tinh thần, thể hiện trong các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, do con người sáng tạo ra trong lịch sử nhằm đáp ứng nhu cầu và lợi ích của mình trong những giai đoạn nhất định, có thể thấy, vốn văn hóa chính là sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, được sử dụng, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các lĩnh vực hoạt động của con người, nhằm tạo ra những lợi ích, thực hiện những mục tiêu của con người. Về cơ bản, vốn văn hóa thường tồn tại dưới dạng văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và con người với tư cách là chủ thể văn hóa cũng là chủ thể của vốn văn hóa.
2. Vai trò của vốn văn hóa trong việc thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở nước ta hiện nay
Vai trò rất quan trọng của vốn văn hóa trong thực hiện hệ mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định, được thể hiện trên một số điểm như sau.
Thứ nhất, là nguồn vốn bền vững quan trọng cho thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.Việc thực hiện bất cứ mục tiêu nào cũng cần những nguồn lực. Vốn văn hóa thể hiện trong các kiến trúc, di tích, tư duy, lối sống, truyền thống, lễ hội…, là nguồn tài sản vật chất và tinh thần to lớn, nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội.Khác với nguồn vốn tự nhiên, sử dụng trong một thời gian là có thể cạn kiệt. Với đặc điểm luôn được tái tạo, tích lũy và kế thừa, vốn văn hóa tạo nên nguồn lực bền vững để thực hiện hệ mục tiêu trên.
Thứ hai, vốn văn hóa tạo sức mạnh nội sinh trong thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.Khi đề cập đến việc thực hiện hệ mục tiêu phát triển đất nước, người ta đặt câu hỏi: cái gì đã làm cho việc thực hiện mục tiêu đi đến thành công? Rõ ràng là, ngoài các yếu tố vốn tài nguyên thiên nhiên, thì những giá trị truyền thống, lối sống của mỗi dân tộc, hệ thống di sản văn hóa, những con người mang những phẩm chất đạo đức, tri thức… đã quyết định đến việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển. Sự phát triển thành công cũng như không thành công của một số nước trên thế giới, như Nhật Bản, hay một số quốc gia châu Phi, cho thấy vai trò của vốn văn hóa trong phát triển đất nước. Với Việt Nam, thực tiễn lịch sử cho thấy, nếu không có vốn văn hóa mạnh mẽ, có chiều sâu thể hiện ở tinh thần yêu nước, đoàn kết, lòng nhân ái, sự bao dung, tư duy dung hợp sử dụng khéo léo sự trợ giúp bên ngoài… thì chúng ta khó có thể vượt qua những khó khăn trong đấu tranh, xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời gian qua. Bài học lịch sử cho thấy, sử dụng vốn văn hóa sẽ góp phần thực hiện thành công hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thứ ba, vốn văn hóa góp phần bảo đảm hài hòa trong thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vốn văn hóa tồn tại trong các văn hóa vật thể và phi vật thể, trong mỗi cá nhân, cộng đồng. Điều đó, trong chừng mực nhất định, tạo ra những cơ hội công bằng cho mỗi người khi tiếp cận nguồn lực, mà ở đây là vốn văn hóa, để phát triển. Hơn nữa, vốn văn hóa là thứ nối kết con người với nhau, cùng nhau đồng thuận thực hiện mục tiêu chung. Nếu không có sự tác động tích cực của vốn văn hóa, các hoạt động kinh tế, sự cạnh tranh trong kinh tế rất dễ tạo ra những khía cạnh tiêu cực, như bất bình đẳng, vi phạm pháp luật, vô kỷ luật, quan liêu, độc đoán, gia trưởng… Chúng ta có thể có sự tăng trưởng kinh tế, nhưng điều đó không có nghĩa là đất nước trở nên mạnh mẽ; là sẽ đạt được các mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh. Ở nước ta hiện nay, khả năng tạo lập những nhân tố tích cực, hạn chế các yếu tố tiêu cực chính là vốnvăn hóa. Vốn văn hóa tác động lên đời sống con người Việt Nam bằng tinh thần đấu tranh chống cái xấu, cái ác, xây dựng lối sống hướng thiện, theo cái đẹp, cái đúng, làm cho đất nước ta ngày càng trở nên giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Như vậy, có thể thấy, rất khó có thể thực hiện thành công hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nếu không có các chủ thể văn hóa, không có vốn văn hóa thể hiện trong các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần.
3. Tình hình xây dựng, phát huy vai trò của vốn văn hóa ở Việt Nam những năm vừa qua
Thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua, vốn văn hóa đã góp phần hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở nước ta. Vốn văn hóabiểu hiện trong văn hóa vật thể, phi vật thểđã được khai thác trong phát triển kinh tế (chẳng hạn như việc sử dụng tri thức bản địa của người dân tộc để tạo ra những sản phẩm du lịch, sản phẩm tiêu dùng, lưu niệm của đồng bào dân tộc thiểu số; việc thực hiện kinh tế di sản, kinh tế số…), xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh. Vốn văn hóa thể hiện trong các giá trị văn hóa, như tinh thần yêu nước, thương người, tinh thần dân chủ làng xã, đức tính khoan dung… là những nhân tố góp phần tạo ra sự công bằng, dân chủ ở đất nướcta hiện nay. Nó cũng góp phần tạo nên đặc tính văn minh của mỗi cá nhân, cộng đồng, thể hiện trong phương thức ứng xử, tổ chức đời sống, quản lý phát triển xã hội. Nhờsự đóng góp đó, cho đến nay, từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ vỏn vẹn 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới [4], đến năm 2023 GDP của Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 4.284,5 USD [11], trở thành nước có thu nhập trung bình.Sức mạnh tổng hợp của quốc gia ngày càng lớn mạnh. Việt Nam hiện có quan hệ với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế trên thế giới. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc giải quyết những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước [1, tr.71]. Các quyền và lợi ích về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của mỗi cá nhân, cộng đồng được bảo đảm. Phát triển kinh tế luôn được gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam từ năm 1990 đến năm 2022, giá trịHDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%, đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ [7]. Quá trình hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày càng thu được kết quả rõ nét ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, việc xây dựng và phát huy vốn văn hóa trong thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở nước ta còn có những hạn chế nhất định. Vốn văn hóa vật thể, đặc biệt là các di sản văn hóa vật thể, hoặc bị khai thác quá mức, hoặc bị xuống cấp trầm trọng, không được tu bổ; từ đó, ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của chúng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Vốn văn hóa phi vật thể, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể, như đức tính khoan dung, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, phương thức ứng xử “có lý, có tình”,phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc…có lúc có nơi chưa được coi trọng, còn bị mai một. Xuất hiện tình trạng làm giàu phi pháp, gia trưởng, độc đoán; hủ tục chưa được xóa bỏ. Vấn đề sử dụng đội ngũ tri thức trọng dụng nhân tài, chủ thể quan trọng của vốn văn hóa, có lúc có nơi chưa được chú ý đúng mức. Một bộ phận người dân có biểu hiện đề cao thái quá giá trị vật chất, coi nhẹ những giá trị chân quý của vốn văn hóa đã từng là sức mạnh cho mỗi cá nhân, cộng đồng người Việt Nam trong lịch sử, như lòng nhân ái, sự khoan dung, trung thực, khiêm tốn…
Những vấn đề nêu trên phần nào làm cho kinh tế phát triển, nhưng thành quả của sự phát triển kinh tế thì không phải người dân nào cũng được hưởng như nhau. Vẫn còn một bộ phận người dân, do những hoàn cảnh đặc thù, như ốm đau, tai nạn, hoặc người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… có cuộc sống khó khăn. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 của cả nước là 3,4%, thì khu vực thành thị là 1,2%; nông thôn là 4,8%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 10,7% và vùng Đông Nam bộ là 0,3% [11]. Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”, “thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa”, “có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường [1, tr.88,89,186,108]. Mục tiêu “văn minh” chưa đạt như kỳ vọng, khi “quản lý phát triển xã hội và giải quyết một số vấn đề xã hội chưa được quan tâm đúng mức, chưa được kết hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa; thể chế quản lý xã hội còn nhiều hạn chế; tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn, xung đột xã hội… ở một số nơi còn chậm khắc phục, gây bức xúc trong dư luận nhân dân” [1, tr.85]…
Xét từ góc độ xây dựng và phát huy vốn văn hóa trong thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” hiện nay, có thể thấy, nguyên nhân của tình trạng trên là “văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt [1,tr.84,88]. Công tác xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóachưa được bền vững, còn mang tính phong trào, hình thức. Công tác giáo dục lịch sử – văn hóa có lúc, có nơi chưa được chú trọng.Giáo dục đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ…
Có thể thấy, hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” sẽ khó thực hiện thành công nếu như chỉ có một bộ phận “dân giàu”, trong đó lại có bộ phận làm giàu không chính đáng, chứ không phải là toàn bộ người dân đều “cùng giàu”. Nước sẽ “không mạnh” nếu như uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế không được đánh giá cao; tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại không vững vàng. Sẽ không có dân chủ thực chất nếu như vấn đề “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa được thực hiện triệt để. Công bằng xã hội sẽ chỉ là hình thức nếu như vẫn còn một bộ phận người dân làm giàu không chính đáng, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của nhân dân không được bảo đảm. Đất nước sẽ không trở nên văn minh nếu như khoa học – kỹ thuật kém phát triển, không theo kịp thời đại; ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên không tuân theo những chuẩn mực xã hội, chuẩn mực pháp luật, đạo đức, chính trị… Hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cũng sẽ chỉ là hình thức nếu như chúng ta chỉ coi trọng một vài mục tiêu, mà bỏ qua các mục tiêu khác.
4. Một số giải pháp tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của vốn văn hóa nhằm thực hiện thành công hệ mục tiêu đã nêu
Trong thời gian tới, để xây dựng và phát huy vốn văn hóa nhằm thực hiện thành công hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp và các chủ thể khác trong xây dựng và phát huy vai trò của vốn văn hóa.
Các cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về văn hóa. Các cấp ủy, chính quyền cần định hướng phát triển các chủ thể có vai trò trong xây dựng và phát huy các vốn văn hóa, như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, gia đình, nhà trường, các tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp,… Tạo điều kiện và có những cơ chế chính sách để các tổ chức này hoạt động có hiệu quả, phát huy cao nhất vai trò của mình. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hoá của dân tộc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc giáo dục các giá trị văn hóa. Chú ý tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, giới thiệu vốn văn hoá, đặc biệt là vốn văn hóa truyền thống, thông qua các hoạt động văn hoá, lễ hội, các ngày lễ kỷ niệm; qua đó, tạo điều kiện cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của vốnvăn hóa.Đầu tư thích đáng cho việc xây dựng các thiết chế văn hoá, các nhà văn hoá, thư viện (đặc biệt là trong các khu công nghiệp), đội ngũ cán bộ làm công tác trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá – tư tưởng, như các nhà giáo, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.Đẩy nhanh việc ứng dụng các thành tựu khoa học -công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao khả năng tiếp cận văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, lệch chuẩn trên các phương tiện truyền thông.
Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát huy vốn văn hóa. Gia đình là cái nôi đầu tiên giáo dục giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình, dòng họ, cộng đồng; góp phần hình thành nhân cách, chủ thể sáng tạo vốn văn hóa. Theo đó, cần nâng cao kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, xây dựng mẫu hình gia đình văn minh, tiến bộ, con cháu thảo hiền, tạo nên dòng chảy của vốn văn hóa trong mỗi gia đình. Trong nhà trường, tiếp tục chú trọng, cải tiến phương pháp giảng dạy, nhất là các môn khoa học xã hội và nhân văn; có sự kết hợp gữa lý luận và thực tiễn, kích thích tính tích cực của học sinh thông qua các buổi thảo luận, các trò chơi trên lớp; trong thi cử, cần có cách kiểm tra, ra đề thi tạo sự suy luận riêng của mỗi học sinh về những sự kiện lịch sử, xã hội…; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; xử lý nghiêm minh những hành vi không chuẩn mực trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh.
Các phương tiện truyền thông cần nắm rõ một cách đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các vấn đề văn hoá; từ đó, tuyên truyền, thông tin một cách chính xác, kịp thời các chủ trương, chính sách đó đến với toàn xã hội. Thông tin, giới thiệu, công bố việc nghiên cứu vốnvăn hóa cần xây dựng, phát huy, đặc biệt là vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, như các lễ hội, các danh nhân văn hoá, các di tích lịch sử,… Cần làm một cách thường xuyên, tránh tình trạng chỉ làm theo phong trào vào các dịp lễ, các ngày kỷ niệm. Rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập, phóng viên,… có sự hiểu biết sâu sắc về vốn văn hóa.
Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các hộ sản xuất kinh doanh xây dựng, hình thành nên văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, tạo nên bản sắc “Việt Nam” khi tiếp xúc, giao lưu với các đối tác, du khách đi đến Việt Nam. Các tổ chức hội nghề nghiệp, như Hội Nhiếp ảnh, Hội văn nghệ… cần thông tin tới nhân dân các buổi sinh hoạt định kỳ, thông báo rộng rãi những kết quả nghiên cứu của mình về các sự kiện lịch sử, các danh nhân văn hoá, các giá trị văn hoá được sưu tầm trong nhân dân… Từ đó, giúp người dân hiểu biết sâu sắc hơn vốnvăn hóa của đất nước, địa phương, khuyến khích họ tham gia tìm hiểu và tham gia vào các sinh hoạt của hội.
Trong xây dựng và phát huy vốn văn hóa, việc tạo ra dư luận xã hội mang tính tích cực trong việc bảo vệ những vốnvăn hóa tốt đẹp của xã hội, cộng đồng, cá nhân là việc làm cần được khuyến khích. Dư luận xã hội cần cổ xúy các xu hướng văn hóa lành mạnh, đấu tranh với những xu hướng bất thường.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác giáo dục chủ thể vốn văn hóa.
Chủ thể vốn văn hóa có vai trò quan trọng trong thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bởi có thể thấy rằng, thực hiện hệ mục tiêu trên là do con người quyết đình. Nếu mỗi chủ thể văn hóa có tri thức, có đạo đức, trình độ chuyên môn, có hoài bão, ý chí vượt khó khăn, quyết tâm thực hiện hệ mục tiêu, thì sẽ nỗ lực thực hiện. Ngược lại, nếu chủ thể vốn văn hóa không có tri thức, phẩm cách đạo đức, ý chí quyết tâm, tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, khoan dung thì không chỉ khó có thể thực hiện thành công các mục tiêu trên, mà còn gây trở ngại trong quá trình thực hiện hệ mục tiêu. Hơn nữa, chủ thể vốn văn hóa cũng chính là những người tạo ra vốn văn hóa. Do đó, đẩy mạnh công tác giáo dục chủ thể vốn văn hóa có vai trò quan trọng. Nó giúp mỗi cá nhân, mỗi thế hệ mới có thể kế thừa những di sản văn hóa, vốn văn hóamà các thế hệ trước để lại; mới có thể nhận thức sâu sắc những vốn văn hóa đáng tự hào của cha ông. Cũng nhờ có giáo dục, mỗi cá nhân mới có thể tiếp thu được tri thức, văn hóa của thời đại để có thể hòa nhập vào đời sống xã hội, phát triển toàn diện năng lực của mình, như một nhà nghiên cứu đã từng khẳng định: “Con đường đặc trưng cơ bản để loài người (cũng tức là văn hoá của loài người) tồn tại và phát triển. Giáo dục chính là nơi gìn giữ truyền thụ và phát huy hệ thống giá trị chung của loài người, hệ thống giá trị truyền thống dân tộc” [3, tr.50]. Để thực hiện được công tác này, cần thiết đẩy mạnh đổi mới toàn diện, cơ bản giáo dục; hình thành nên những con người Việt Nam có thế giới quan đúng đắn, có đạo đức, kỹ năng sống trong một thế giới biến đổi, quản trị bản thân. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý – những chủ thể vốn văn hóa có vai trò trong lãnh đạo, định hướng sự phát triển vốn văn hóa của Việt Nam.
Thứ ba, bảo đảm năng lực sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Bảo đảm sự sáng tạo của người dân có nghĩa là người dân có quyền được bày tỏ, thể hiện những sáng tạo mang dấu ấn, tính cách riêng của mình. Sự sáng tạo của người dân cần được tôn trọng, bởi sự sáng tạo của mỗi cá nhân khi được coi trọng thì tính đa dạng, sự phong phú của vốn văn hoá, của đời sống con người được tăng lên. Đồng thời, với tư cách là chủ thể của vốn văn hóa, việc nhân dân được tạo điều kiện năng lực sáng tạo và hưởng thụ văn hóa lại tạo điều kiện cho sự gia tăng vốn văn hóa của mỗi cá nhân, cộng đồng
Là một quốc gia đa dân tộc, có thể thấy, Việt Nam có một nguồn lực sáng tạo rất phong phú từ quần chúng nhân dân. Nhân dân chính là tác giả của các câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyền thuyết… Họ sáng tạo các hoạt động văn hoá cho chính mình và bản thân họ cũng là người hưởng thụ văn hoá ấy. Việc hưởng thụ văn hoá bao gồm hưởng thụ các tác phẩm nghệ thuật, vốn văn hoá vật chất hay tinh thần. Quá trình này sẽ góp phần xây dựng, phát triển và hoàn thiện những phẩm chất cao đẹp trong mỗi người, qua đó, tạo cho con người khả năng tái tạo sức lao động trong quá trình hoạt động sinh sống. Khi con người được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa thì sẽ làm cho sự phát triển hài hòa giữa thể chất và tâm hồn, giữa lý trí và tình cảm, hoàn thiện nhân cách.
Để thực hiện được điều này, cần xây dựng được một hệ thống các thiết chế văn hóa, đặc biệt là thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng tốt đời sống văn hóa ở cơ sở. Kết hợp một cách hữu cơ giữa bảo vệ và kế thừa, giữa phát triển và sử dụng vốn văn hóa. Chú ý đến tính đại chúng nhưng không được dung tục, sáo rỗng; giữa cái mới nhưng không phải là lố bịch; giữa cái có lợi những không phải là làm nô lệ cho thị trường.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thếcủa quốc gia.
Các ngành công nghiệp văn hóa là kết quả tích hợp sự sáng tạo, kỹ thuật và kinh tế; phát triển mạnh mẽ nhờ công nghệ thông tin, kinh tế thị trường và quá trình quốc tế hóa [6]. Thực tiễn ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần gia tăng thu nhập quốc dân, mà còn tạo điều kiện cho việc nâng cao sức mạnh mềm quốc gia thông qua các sản phẩm, dịch vụ của công nghiệp văn hóa; góp phần tạo công bằng khi những người dân ở vùng sâu, vùng xa với điều kiện nguồn vốn kinh tế có hạn,… có thể sử dụng những tri thức bản địa, tài nguyên văn hóa địa phương để phát triển. Ở Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa [6].Như vậy, có thể thấy, vốn văn hóa tồn tại trong các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đều có thể trở thành nguyên liệu cho các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các ngành thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, du lịch văn hóa… Trên cơ sở tận dụng lợi thế về vốn văn hóa phong phú của đất nước, địa phương, cần “khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới” [1, tr.143]. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các các ngành công nghiệp văn hóa gắn liền với các giá trị văn hóa, văn hóa địa phương, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, tài nguyên văn hóa bản địa. Phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng, đa tầng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân các dân tộc, các khu vực vùng thành thị và nông thôn, vùng miền núi và ven biển. Không ngừng cung cấp những sản phẩm và dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại kỹ thuật số. Thu hẹp khoảng cách dịch vụ văn hóa giữa các vùng, miền, khu vực. Chú ý giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa sản phẩm văn hóa bậc cao với sản phẩm văn hóa đại chúng, giữa tinh hoa với phổ biến…
Thứ năm, kế thừa vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Vốn văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc không phải là “nhất thành bất biến”, mà luôn có sự “bồi đắp” trong quá trình vận động, phát triển. Nó không phải xuất hiện từ “hư vô”, mà bao giờ cũng có sự kế thừa vốn văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời trong quá trình hình thành, vốn văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc cũng có sự giao lưu, tiếp thu vốn văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới. Vì vậy, trong việc xây dựng, phát huy vốn văn hóa nhằm thực hiện thành công hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” cần chú ý đến công tác kế thừa vốn văn hóa của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
5. Kết luận
Trong bài viết này chúng tôi đã đánh giá tổng thể vốn văn hóa Việt Nam; qua đó, rút ra được những cái hay, cũng như những điểm chưa phù hợp với tiến trình thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mặt khác, cũng cần phải nghiên cứu vốn văn hóa của các quốc gia trên thế giới; trên cơ sở đó, nghiên cứu lựa chọn, tiếp thu những giá trị nào, bổ sung, phát triển giá trị nào cho phù hợp với tình hình mới.Công tác kế thừa vốn văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới cần được thực hiện theo nguyên tắc: “không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm” [2, tr.112-113]; đồng thời, “cái gì tốt của Đông phương hay Tây phương thì ta phải học lấy để làm giàu cho nền văn hoá Việt Nam” [5, tr.349]. Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế; trao đổi chuyên gia, kinh nghiệm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong xây dựng, phát huy vốn văn hóa để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; giới thiệu với bạn bè quốc tế vốn văn hóa của Việt Nam, để tạo nên sự tự tin văn hóa trong giao lưu với văn hóa bên ngoài./.
PGS.TS. Cao Thu Hằng