GS. TS. Hồ Sĩ Quý 1
1. Về giá trị, hệ giá trị và giá trị học
Vấn đề giá trị và cách nhìn giá trị học bắt nguồn từ lối tư duy truyền thống của người Hy Lạp cổ đại. Ngay từ vài thế kỷ trước Công nguyên, các nhà triết học Pithagoras, Socrates, Plato, Aristotle… khi tranh biện, đã phân biệt được sự khác nhau của các phán đoán dựa trên thực tế với các phán đoán dựa trên giá trị. Sự phân biệt này là lời cảnh báo đầu tiên đối với khuynh hướng tư duy triết học có xu hướng thoát ly khỏi tư duy khoa học, lý luận có xu hướng thiếu gắn kết với thực tiễn và ngược lại. Với giá trị, các nhà triết học Hy Lạp cổ đại cũng đã có những ý tưởng khá sâu về tính khách quan và tính chủ quan của các giá trị. Về sau, Immanuel Kant, Jakob Friedrich Fries, Hermann Lotze… là những người đã khai thác và phát triển tư tưởng này thành những luận thuyết triết học về giá trị chủ quan và giá trị khách quan, mở ra những xu hướng rất nền tảng để con người giải quyết những vấn đề của xã hội hiện đại.
1.1. Giá trị học
Mặc dù có nguồn gốc từ triết học Hy lạp cổ đại, nhưng Giá trị học (Axiology, có gốc từ tiếng Hy Lạp Άξιος) lại là một loại hình triết học về giá trị được thừa nhận là xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, khi các học phái triết học đã phát triển đến trình độ cao. Các nhà triết học Đức và châu Âu, khi nghiên cứu đạo đức học về điều thiện và mỹ học về cái đẹp của triết học Hy Lạp cổ đại, đã nhận thấy sự tồn tại nhiều giá trị khác bên cạnh giá trị hàng hóa mà Adam Smith đã khẳng định trong kinh tế học chính trị. Giá trị học ra đời trên cơ sở mở rộng đáng kể quan niệm về giá trị của Adam Smith. Thuật ngữ Axiology được Paul Lapie sử dụng lần đầu tiên vào năm 1902 và sau đó là Eduard von Hartmann vào năm 1908. Axiology chủ yếu nghiên cứu các loại giá trị trong đời sống đạo đức và thẩm mỹ – chân, thiện, mỹ, hài hòa… Ngoài ra Axiology hình thức (Formal Axiology), một hướng nghiên cứu các nguyên tắc giá trị bằng toán học, được đề xuất và phát triển bởi nhà triết học Mỹ gốc Đức Robert S. Hartman. Giá trị học có đối tượng nghiên cứu là giá trị (Values) và có chức năng là nghiên cứu về cái tốt, cái đẹp, cái có giá trị theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này (Britanica: Axiology).
Giá trị học (tiếng Hy Lạp Axios “xứng đáng”; logos“khoa học”), còn được gọi là một loại hình chiêm nghiệm triết học về cái tốt, hay cái giá trị theo nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này. Axiology là 1), sự mở rộng đáng kể nghĩa của thuật ngữ giá trị (Value) mà trước đó chủ yếu mang ý nghĩa kinh tế, và 2), là sự thống nhất từ việc nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, đạo đức, thẩm mỹ và thậm chí cả logic…. Khái niệm “giá trị” ban đầu có nghĩa là, giá trị của một thứ gì đó, chủ yếu theo nghĩa kinh tế của giá trị trao đổi, theo cách hiểu của nhà kinh tế học nổi tiếng thế kỷ18 Adam Smith. Sự mở rộng nghĩa triết học của khái niệm giá trị sang các lĩnh vực khác bắt đầu từ thế kỷ 19 dưới ảnh hưởng của nhiều nhà tư tưởng và trường phái khác nhau: những người theo chủ nghĩa Kant mới, như Rudolf Hermann Lotze và Albrecht Ritschl; Friedrich Nietzsche (tác giả của lý thuyết về chuyển đổi giá trị); Alexius Meinong, Christian von Ehrenfels vàEduard von Hartmann (triết gia về vô thức, người cùng với Grundriss der Axiologie viết “Đề cương về Axiology” 1909 – lần đầu tiên thuật ngữ này được sử dụng trong tiêu đề cuốn sách); Hugo Münsterberg, người sáng lập tâm lý học ứng dụng; và Wilbur Marshall Urban (người viết “Valuation, Its Nature and Laws” – “Sự đánh giá: bản chất và quy luật của nó”, 1909 chuyên khảo đầu tiên tiếng Anh về chủ đề này, được giới thiệu đến Mỹ. Cuốn sách của Ralph Barton Perry “General Theory of Value” “Lý thuyết tổng quát về giá trị” 1926, được coi là kiệt tác của cách tiếp cận mới. Perry giả thuyết rằng, giá trị là “bất kỳ đối tượng nào được quan tâm”, nghĩa là phản ánh trúng mối quan hệ chủ – khách quan của giá trị. Sau đó, ông nghiên cứu sâu về 8 “loại hình” giá trị: đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, khoa học, kinh tế, chính trị, luật pháp và phong tục. John Dewey, trong “Human Nature and Conduct” “Bản chất và hành vi con người” (1922) và trong “Theory of Valuation” “Lý thuyết về sự đánh giá” (1939), đã giải thích sự khác biệt giữa giá trị của phương tiện và giá trị của mục đích, mặc dù quan điểm của Dewey bị nhiều người hoài nghi, chẳng hạn như sức khỏe, kiến thức và đức hạnh đều là những giá trị theo cả hai nghĩa. Các học giả khác, chẳng hạn như CI Lewis, Georg Henrik von Wright và WK Frankena, đã làm rõ sự khác biệt giữa giá trị công cụ (giá trị của mục đích) và giá trị kỹ thuật (giá trị của phương tiện) hoặc giữa giá trị tổng thể và giá trị từng phần của một tổng thể.
Ở Việt Nam, giá trị học đến nay chưa hề được giảng dạy trên bất cứ giảng đường nào, kể cả đối với các sinh viên chuyên triết.
1.2. Giá trị
Đặc trưng của vấn đề giá trị và cách nhìn giá trị học là ở chỗ, con người khác hẳn các loài khác là không chỉ sống trong thế giới các đồ vật mà còn sống trong thế giới các giá trị. Chỉ có con người mới nhìn mình và nhìn thế giới qua lăng kính giá trị. Hay hoặc dở, xấu hay đẹp, thiện hay ác, cao cả hay thấp hèn, vĩ đại hay tầm thường, đắt hay rẻ… đó là những khuôn thước chỉ con người mới dùng để xem xét thế giới. Bản thân thế giới không tự nó đẹp hay xấu, thiện hay ác, vĩ đại hay tầm thường… Vì thế giá trị đạo đức hay giá trị văn hóa, giá trị truyền thống hay giá trị hiện đại, giá trị xã hội hay giá trị cá nhân, giá trị dân tộc hay giá trị giai cấp… tất cả đều là thang bậc đánh giá của con người. Nhưng điều thú vị của cách nhìn giá trị là, những thang bậc ấy lại không thuần túy chỉ mang tính chủ quan, không thuần túy chỉ là sản phẩm tưởng tượng của đầu óc hơn kém của con người. Có những giá trị chủ yếu là do thực tế khách quan quy định, nhưng có những giá trị chủ yếu là nảy sinh từ quan niệm chủ quan của con người.
Có rất nhiều định nghĩa khái niệm giá trị có thể trích dẫn được. Các sắc thái và các nội dung được nhấn mạnh trong mỗi định nghĩa thường không giống nhau, nhưng nội hàm của khái niệm thì cơ bản là không mấy khác nhau. Ba loại giá trị phổ biến và chung nhất mà các định nghĩa buộc phải đề cập là giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức và giá trị nhận thức. Tất cả các giá trị khác đều có thể quy về ba loại giá trị này (chân thiện mỹ, kể cả lợi ích kinh tế). Do vậy, chúng tôi thấy việc cần thiết hơn trích dẫn (các định nghĩa uy tín) là diễn giải cách hiểu xuyên qua các định nghĩa đó.
Theo chúng tôi, hiểu theo nghĩa phổ biến nhất, giá trị là ý nghĩa của sự vật, hiện tượng – đối tượng được xem xét – mà con người – xã hội, cộng đồng hoặc cá nhân – nhìn nhận và đánh giá về sự vật, hiện tượng đó. Nói cách khác, giá trị chẳng qua chỉ là ý nghĩa của sự vật được bộc lộ trong và đối với đời sống con người.
Trong số các định nghĩa mà chúng tôi được biết, định nghĩa của Từ điển bách khoa triết học Nga xuất bản lần đầu năm 1989 và được dẫn lại trong nhiều từ điển khác, theo chúng tôi, là hay nhất, rõ nhất, phản ánh được nội hàm khái niệm. Định nghĩa được diễn đạt như sau: “Giá trị là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong các tài liệu triết học và xã hội học dùng để chỉ ý nghĩa văn hóa và xã hội của các hiện tượng. Về thực chất, toàn bộ sự đa dạng của hoạt động người, của các quan hệ xã hội, bao gồm cả những hiện tượng tự nhiên có liên quan, có thể được thể hiện là các “giá trị khách quan” với tính cách là khách thể của quan hệ giá trị, nghĩa là, được đánh giá trong khuôn thước của thiện và ác, chân lý và sai lầm, đẹp và xấu, được phép và cấm kỵ, chính nghĩa và phi nghĩa, v.v.. Khi định hướng đối với hoạt động của con người, phương thức và tiêu chuẩn được dùng làm thể thức đánh giá sẽ định hình trong ý thức xã hội và trong văn hóa thành các “giá trị chủ quan” (bảng đánh giá, mệnh lệnh và những điều cấm, mục đích và ý đồ… được thể hiện dưới hình thức các chuẩn mực). Giá trị khách quan và giá trị chủ quan là hai cực của quan hệ giá trị của con người với thế giới”. (Фило.Энци. Словарь, 1989: tr. 732-733)
1.3. Hệ giá trị
Về “hệ giá trị”, thực ra đây không hẳn là khái niệm độc lập, mà chỉ là cách gọi nhằm để chỉ một tập hợp của những giá trị của một cộng đồng nhất định. Về thực chất, một hệ giá trị thường được hiểu là sự sắp xếp và ưu tiên một tập hợp các giá trị của một chủ thể xã hội nhất định (cá nhân, cộng đồng, quốc gia, toàn nhân loại). Hệ giá trị phản ánh giá trị quan (Valuesview) của chủ thể – chủ thể sắp xếp và ưu tiên những giá trị nhất định trong bảng giá trị của họ. Chẳng hạn, người Mỹ coi tự lực cánh sinh, tự do, bình đẳng… là những giá trị hàng đầu trong bảng giá trị của họ, trong khi đó người Đông Á lại coi cần cù, hiếu học, trách nhiệm cộng đồng… là những giá trị ưu tiên, mặc dù tự do, tự lực cánh sinh, bình đẳng cũng vẫn là những giá trị đáng được tôn trọng đối với họ.
Trong sách báo lý luận, “hệ giá trị” đôi khi còn được gọi là “bảng giá trị”. Khi các giá trị tồn tại trong hệ giá trị hay bảng giá trị, hệ giá trị đóng vai trò là giá trị quan, thể hiện quan điểm giá trị, cách nhìn giá trị, xu hướng định hướng giá trị của chủ thể. Chẳng hạn, trong hệ giá trị của người Việt, yêu nước, hiếu học, cần cù lao động, trách nhiệm cộng đồng… là những giá trị hàng đầu; còn trong hệ giá trị của người Mỹ, những giá trị hàng đầu lại là tự lực cánh sinh, sáng tạo, có khả năng làm thay đổi cộng đồng… Hiểu được giá trị quan của một cộng đồng, người ta có thể hiểu được tại sao đối với cộng đồng này thì hiếu học, yêu lao động… là những giá trị được ưu tiên, còn đối với cộng đồng khác thì tự lực cánh sinh hay sáng tạo lại được ưu tiên. Không có dân tộc nào kém tinh thần yêu nước, nhưng không phải mọi dân tộc đều xếp yêu nước là giá trị đầu bảng. Cũng tương tự, gia đình nào cũng coi giàu có, đỗ đạt, sang trọng… là giá trị, nhưng do điều kiện sống hoặc do đặc thù về thái độ, niềm tin, sở thích… nên không nhiều gia đình đặt mục tiêu hàng đầu là giàu có, đỗ đạt, sang trọng hoặc vinh hiển… Nghĩa là bảng giá trị của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia… thường là khác nhau, điều đó do sự ưu tiên lựa chọn của chủ thể quy định; nhưng như vậy không có nghĩa là người Việt yêu nước, hiếu học, còn dân tộc khác thì không yêu nước và không hiếu học (Xem: Hồ Sĩ Quý, 2006). Lối suy diễn, từ sự nhầm lẫn giữa giá trị và bảng giá trị đã khiến cho một số người thắc mắc, khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII trước đây khẳng định một số giá trị cụ thể của văn hóa Việt Nam(1) (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998: tr. 56).
2. Hệ giá trị gia đình Việt Nam
Theo yêu cầu của việc xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người trong tương quan với các hệ giá trị cốt lõi, mà đặc biệt là hệ giá trị gia đình Việt Nam, việc xác định chuẩn mực con người phải tính đến sự phù hợp với hệ giá trị gia đình. Thực tế cho thấy, không thể là một thành viên tốt của xã hội, tức là không thể coi là đạt chuẩn mực con người, nếu quan niệm và việc thực hành các giá trị gia đình của một người nào đó lệch lạc. Nghĩa là, đặt trong tương quan với hệ giá trị gia đình, các chuẩn mực con người sẽ đương nhiên trở nên khắt khe hơn, nghiêm khắc hơn. Cũng khó gìn giữ được các giá trị gia đình lành mạnh, nếu một thành viên gia đình nào đó vi phạm các chuẩn mực xã hội. Mối quan hệ này không nhân quả, không tương hỗ nên xử lý chúng luôn là một việc khó đối với mỗi thành viên gia đình trong mọi xã hội. Yêu cầu lý tưởng của hầu hết các xã hội là mỗi thành viên gia đình đều phải là những công dân chuẩn mực của xã hội, đồng thời cũng phải là những thành viên biết tôn trọng và giữ gìn giá trị gia đình. Mọi quan niệm đề cao sự không tương đồng giữa giá trị gia đình với giá trị xã hội, ít nhất đều chứa một phần tư tưởng cực đoan. Kinh điển Nho giáo cũng có một quan niệm như vậy.
Trong lịch sử xã hội Việt Nam, giá trị gia đình xưa nay, về cơ bản vẫn luôn là thiêng liêng đối với mỗi con người. Ngày nay, dù gia đình đã có nhiều biến động rất khác xưa, cấu trúc và quan hệ gia đình đã có những thay đổi, thậm chí làm mai một truyền thống, đến mức làm cho một số nhà khoa học và một vài tổ chức xã hội phải lên tiếng báo động. Nhưng theo chúng tôi, gia đình hiện vẫn là thiết chế xã hội lành mạnh nhất, giữ được nhiều nhất những nét tốt đẹp của truyền thống, đảm bảo được tính ổn định tích cực của sự phát triển, neo giữ và điều chỉnh được những thái độ lệch chuẩn trong các kiểu nhân cách của con người hiện đại… và do vậy, vẫn xứng đáng gọi là tế bào lành mạnh nhất của xã hội.
Trong lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển của dân tộc Việt Nam, gia đình bao giờ cũng giữ vai trò là tế bào của xã hội, là tổ ấm duy trì nòi giống, là thiết chế không thể thay thế để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách mỗi người. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, bồi đắp tinh thần tự cường dân tộc, giải quyết các vấn đề xã hội, tạo động lực để xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc… xưa cũng như nay, không bao giờ thiếu sự đóng góp lớn lao của thiết chế gia đình.
Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp mà gia đình Việt Nam đã xây dựng và gìn giữ được đến ngày hôm nay, chính là sức mạnh khó tính hết của cả cộng đồng dân tộc. Trải qua quá trình lịch sử thăng trầm của đất nước, những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đã được định hình và tỏ ra là có sức sống bền vững. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, Tình yêu quê hương và yêu thương con người, Truyền thống thủy chung và hiếu nghĩa, Tinh thần hiếu học và cần cù lao động, sáng tạo,… – tất cả những phẩm chất ấy đã được các thế hệ gia đình Việt Nam gây dựng và giữ gìn, vun đắp và phát huy, để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau như một hành trang vô giá để tiếp tục phát triển.
Đối với cá nhân mỗi người Việt Nam, gia đình luôn là cội nguồn của mọi thành công, là điểm xuất phát để giải quyết mọi khó khăn trong công việc và trong đời sống. Khi mỗi cá nhân thắng lợi hay thành đạt, sau lưng họ là gia đình. Khi mỗi cá nhân gặp khó khăn hay thất bại, gia đình là nơi có thể đem lại cho họ hy vọng và nghị lực. Gia đình Việt Nam xưa nay luôn là nơi bình yên của mọi con người. Sự giáo dục, chăm sóc, thương yêu của gia đình, sự vun đắp, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho các thế hệ sau đã, đang và sẽ vẫn là nguồn lực to lớn cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân, thúc đẩy mỗi cánhân phải có trách nhiệm đối với gia đình, xã hội và đất nước. Điều này không phải là sáo ngữ, dù cho tỷ lệ gia đình tan vỡ ngày nay có cao hơn (nguyên nhân hàng đầu khiến gia đình tan vỡ chính là sự thiêng liêng của các giá trị gia đình, chứ không phải sự thoái hoá của giá trị gia đình).
Đất nước phát triển, Tổ quốc vững bền không tách rời với gia đình yên ấm, con người hạnh phúc.
Đối với cá nhân, hệ giá trị gia đình tạo hành lang tin cậy cho sự phát triển các chuẩn mực con người. Khi giá trị gia đình được gìn giữ và phát huy tốt, điều đó sẽ điều chỉnh mọi hoạt động của cá nhân, tạo điều kiện cho con người xã hội trong mỗi cá nhân được điều chỉnh. Tuyệt đại đa số những tội phạm án tử trước lúc chết đều bày tỏ không muốn con cái sau này giống họ – những cá nhân này lệch chuẩn xã hội nhưng vẫn không lệch chuẩn giá trị gia đình. Giá trị gia đình rõ ràng là rào cản cuối cùng đối với những trường hợp vi phạm “đạo đức, lối sống”, lệch chuẩn văn hoá – xã hội… như hiện nay.
Điều này giải thích tại sao nhiều quốc gia sau những năm 70-80 của thế kỷ XX lại tích cực khuyến khích công dân ưu tiên các giá trị gia đình. Một gia đình tốt, ở mức độ lý tưởng, phải là một gia đình không có người vi phạm các chuẩn mực xã hội, đồng thời là một thành viên gia đình thực hiện tốt các chức năng của mình trong gia đình.
Theo tinh thần bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc 24/11/2021, những “giá trị chuẩn mực” của việc xây dựng con người Việt Nam, phù hợp và gắn với hệ giá trị gia đình Việt Nam, được xác định là: “Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, và sáng tạo”. Trong quan hệ với giá trị gia đình, Tổng Bí thư nói rõ, “những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Namvới những giá trị cốt lõi là “Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” (Nguyễn Phú Trọng, 2021). Phù hợp với Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam (2014): “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau” (Luật hôn nhân và gia đình, 2014). Trên thực tế, “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt” như Luật hôn nhân và gia đình 2000 ghi rõ (Luật hôn nhân và gia đình, 2020). Văn hoá gia đình được nảy sinh từ thiết chế gia đình, cái nôi an toàn, lành mạnh nuôi dưỡng những giá trị làm người. Đây là một tư tưởng có ý nghĩa định hướng giá trị quan trọng.
Trong khuôn khổ của Đề tài “Xây dựng chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, có thể coi “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” – là những giá trị cốt lõi của văn hoá gia đình – nhưng đó là những giá trị thuộc mục tiêu kỳ vọng, đóng vai trò là nguyên nhân, động lực thúc đẩy các thành viên xây dựng tổ ấm gia đình. Đằng sau các giá trị mục tiêu ấy, còn là các giá trị có thể là căn bản hơn, quyết định và đảm bảo cho các chức năng cơ bản của gia đình được thực hiện.
Hiện nay, nhiều tài liệu thường viết, gia đình có ba chức năng cơ bản là 1). Duy trì nòi giống, 2). Giáo dục, và 3). Kinh tế. Nghĩa là, đối với gia đình, các giá trị “Trách nhiệm”, “Nghĩa vụ” và “Tình thương” tuy cũng rất quan trọng nhưng lại được coi là các giá trị phái sinh (từ các giá trị cơ bản), thực hiện chức năng duy trì sự lành mạnh của đời sống tinh thần, tình cảm của gia đình.
Theo chúng tôi, “Trách nhiệm”, “Nghĩa vụ” và “Tình thương” xưa nay luôn là những nhân tố có ý nghĩa nền tảng đối với sự tồn tại và bền vững của thiết chế gia đình. Các nhân tố này, với chức năng đặc thù là duy trì ngọn lửa tình yêu, hạnh phúc gia đình, trong thực tế, quyết định sự tồn tại của gia đình và và đảm bảo cho các chức năng khác của gia đình được thực hiện, từ đời sống kinh tế, giáo dục đến chăm sóc sức khỏe, tinh thần – tình cảm.
Trong Luật hôn nhân và gia đình 2000 và 2014, Những nhân tố này được ghi trong các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các thành viên. Không chỉ là môi trường tối quan trọng để hình thành nhân cách, gia đình còn là không gian không thể thay thế có vai trò bao dung, an ủi cho mỗi cá nhân trước những rủi ro của cuộc sống. Nghĩa là, gia đình trước hết lại phải thực hiện được (ở mức độ đáng kể) các giá trị trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương. Đừng quên, các giá trị này gắn với đời sống gia đình đôi khi đến mức gần như bản năng. Quan hệ huyết tộc bẩm sinh hình thành những giá trị này. Thiếu trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương, gia đình không còn là gia đình. Ngoài quan hệ gia đình, trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương thường được thực hiện một cách có điều kiện. Đây là điều rất cần lưu ý khi xác định hệ giá trị gia đình.
Trong thực tế, có một số gia đình do điều kiện đặc thù nào đấy hiện vẫn đói nghèo; hoàn cảnh thậm chí bất hạnh, thiếu thốn… nhưng không vì thế mà giá trị gia đình ở họ thiếu hụt; trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương vẫn có thể thấy rõ ở những gia đình này.
3. Kết luận
Xây dựng hệ giá trị gia đìnhViệt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực hợp lý về phát triển con người, nhằm khơi dậy trách nhiệm làm người, đánh thức bổn phận gìn giữ gia đình – “tế bào” lành mạnh của xã hội, tăng cường nghĩa vụ xây dựng xã hội tiến bộ.
Đời sống xã hội với logic khách quan của nó, thực ra đang âm thầm vận động theo khuynh hướng này, bất chấp những tiêu cực trái chiều. Việc nghiên cứu của giới khoa học về giá trị gia đình Việt Nam là nhằm tới một nhận thức sâu sắc hơn, với những quan điểm và giải pháp sáng suốt hơn… để quá trình này diễn ra chủ động hơn, tích cực hơn, nhanh hơn và bền vững hơn.
Con người phát triển toàn diện với gia đình là tế bào lành mạnh của xã hội – chắc chắn là những đòi hỏi vĩnh cửu của sự phát triển, dù cho xã hội có phát triển theo hướng nào. Do vậy, chuẩn mực con người cần được xây dựng như là một hành lang pháp lý – đạo đức có nhiều nét đặc thù nhưng phù hợp với những giá trị chung toàn nhân loại. Còn giá trị gia đình cần được xây dựng phải như là tâm điểm quy định quỹ đạo của hành vi và hoạt động của mỗi con người – người thành đạt cũng như người thất bại, người có trọng trách lớn đối với xã hội cũng như người dân bình thường. Trong tương quan với hệ giá trị gia đình Việt Nam, yêu cầu cao nhất cần được hội tụ trong các chuẩn mực con người vẫn là nhằm mục tiêu để con người giữ gìn được các giá trị truyền thống tốt đẹp và không quay lưng lại với hiện đại về chân, thiện, mỹ./.
CHÚ THÍCH
(1) Bản sắc văn hóa Việt Nam, tức những giá trị của văn hóa Việt Nam, của con người Việt Nam được khẳng định trong NQTW 5 khóa VIII là: 1). Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. 2). Ý thức cộng đồng (cá nhân – gia đình – làng xã – tổ quốc). 3). Sự tôn trọng tình nghĩa (đạo lý, nhân ái, khoan dung). 4). Cần cù trong lao động. Sự tinh tế trong ứng xử và giản dị trong lối sống.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Axiology. https://www.britannica.com/topic/axiology
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (1998):Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ năm khoá VIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Luật hôn nhân và gia đình (2014): https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-Hon-nhan-va-gia-dinh-2014-238640.aspx.
- Luật hôn nhân và gia đình (2000): https://thuvienphapluat.vn/van-ban/quyen-dan-su/luat-hon-nhan-va-gia-dinh-2000-22-2000-qh10-46450.aspx.
- Hồ Sĩ Quý (2006): Về giá trị và giá trị châu Á, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Social Norms: Stanford Encyclopedia of Philosophy. https://plato.stanford.edu/entries/social-norms/
- Nguyễn Phú Trọng (2021): Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc.html.
- Ценность (1989): Философский Энциклопедический Словарь, Изд. Советская Энциклопедия, Mocквa.
- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ↩︎