VĂN HÓA SINH THÁI: KHÁI NIỆM VÀ BẢN CHẤT NHÂN VĂN

Tạp chí Nghiên cứu Triết học

Biên tập viên

TS. Trịnh Minh Thái 1


1. Dẫn nhập:

Ý thức được thảm họa của tình hình sinh thái hiện nay, chúng ta không thể chờ đợi “ân huệ” từ tự nhiên. Nhiệm vụ của chúng ta là không chiếm hữu, mà cống hiến, hoàn trả cả “vốn lẫn lãi” các khoản nợ cho tự nhiên, phục hồi quan hệ đạo đức giữa con người với tự nhiên. Tự hạn chế tiêu dùng một cách hợp lý là bổn phận của con người đối với tự nhiên. Đây không phải là chủ nghĩa khắc kỷ, mà là sự khôn ngoan, là văn hóa, văn hóa sinh thái như hình thức cao nhất của chủ nghĩa nhân văn.

Văn hóa sinh thái cho phép trả lời câu hỏi: sự phát triển của loài người và văn hóa trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái hiện nay cần diễn ra theo con đường nào? Các cơ chế cũ trong việc bảo đảm tiến bộ xã hội đã tận dụng hết tiềm năng của mình, đã trở thành vật cản, nên cần được cải tổ căn bản. Sự sinh tồn của loài người hiện đại trong các môi trường khoa học – kỹ thuật, văn hóa xã hội và xã hội – tự nhiên mà thiếu sự cải biến căn bản các nguyên tắc hoạt động của chúng sẽ tất yếu dẫn tới việc hủy diệt con người như một loài sinh vật và như một sinh thể xã hội. Thảm họa sinh thái ngày càng trở nên hiển nhiên hơn và khủng khiếp hơn đối với toàn thể loài người.

Một trong những con đường, “cứu cánh” để đưa loài người ra khỏi nguy cơ tự hủy diệt chính là xây dựng và phát triển văn hóa sinh thái. Văn hóa sinh thái là một bộ phận tương đối độc lập của văn hóa chung nhân loại, là hệ thống giá trị dân tộc và chung nhân loại biểu thị và quyết định tính chất của mối quan hệ giữa xã hội, con người và tự nhiên trong quá trình tạo ra, nắm bắt các giá trị vật chất và tinh thần, mức độ và phương thức tham dự của con người vào hoạt động duy trì môi trường tự nhiên bền vững nhằm mục đích phát triển tiến bộ của xã hội, mức độ trách nhiệm của con người đối với xã hội và của xã hội đối với con người về trạng thái của tự nhiên và về việc sử dụng căn cơ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Làm rõ nội dung của văn hóa sinh thái và bản chất của nó đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong xây dựng và giáo dục văn hóa sinh thái.

2. Khái niệm “văn hóa sinh thái”

Có các cách tiếp cận khác nhau với nội dung của khái niệm “văn hóa sinh thái”. Chẳng hạn, văn hóa sinh thái được hiểu là “tổ hợp ý thức sinh thái và hành vi sinh thái của con người, là phương thức tổ chức và phát triển hoạt động sống trong hệ thống các định hướng giá trị và các chuẩn mực sinh thái về tương tác với tự nhiên bao quanh dựa trên tri thức, tập quán và kỹ năng sinh thái” (A.P.Anisimov, 2010). Có thể xác định văn hóa sinh thái là hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, tri thức, tập quán và thể chế quyết định tính chất của quan hệ giữa con người và xã hội với môi trường tự nhiên. Khái niệm này có liên hệ mật thiết với giáo dục sinh thái như hoạt động có hệ thống nhằm phổ biến rộng rãi các cơ sở của tri thức sinh thái, kỹ năng và tập quán trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và khai thác tự nhiên hợp lý, nhằm củng cố ý thức pháp luật sinh thái của công dân, của doanh nhân, của các cá nhân thông qua những quyết định thông minh.

Trong sinh thái học phương Tây, khái niệm “văn hóa sinh thái” như một khái niệm tích hợp được phổ biến ngày càng rộng rãi (P.O. Ermolaeva, 2012: tr. 80-88). Văn hóa sinh thái có liên hệ một phần với các “am hiểu sinh thái” (environmental awareness) và “hành vi sinh thái” (pro-environmental behaviour). Nhân học sinh thái nghiên cứu các phương diện khác nhau của văn hóa sinh thái (theo nghĩa rộng), có đối tượng là sự thích ứng văn hóa của các cộng đồng xã hội (thường là không lớn, cấu thành từ dân bản địa) với các hệ thống tự nhiên khác nhau. Các khuynh hướng khoa học giáp ranh khác là xã hội học sinh thái như khoa học nghiên cứu ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nhân tố xã hội và các nhân tố sinh thái (như ở đô thị, ở địa phương) (Riley E.Dunlap, William Michelson(eds.), 2002), tâm lý học sinh thái (Linda Steg, Charles Vlek, 2009: tr.309-317) nghiên cứu các đặc điểm xuất hiện, hiện thực hóa và điều chỉnh hành vi của con người đối với tự nhiên, động cơ của “hành vi hữu nghị về sinh thái” (kể cả hành vi tiêu thụ) và tiết kiệm tài nguyên (như sử dụng các phương tiện giao thông ít chi phí và không đi ô tô khi đi gần, tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt nhờ sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng tiết giảm lương thực (không để thức ăn thừa), tiết kiệm nước trong sinh hoạt, sở hữu “hàng hóa xanh”), nâng cao địa vị của văn hóa sinh thái trong bảng thứ bậc các chuẩn mực và các giá trị xã hội.

Văn hóa sinh thái là một bộ phận tương đối độc lập của văn hóa chung nhân loại, là hệ thống giá trị dân tộc và chung nhân loại biểu thị và quyết định tính chất của quan hệ giữa xã hội, con người với giới tự nhiên trong quá trình tạo ra, nắm bắt các giá trị vật chất và tinh thần, mức độ và phương thức tham dự của con người vào hoạt động duy trì sự bền vững của môi trường tự nhiên bao quanh nhằm mục đích phát triển tiến bộ của xã hội, mức độ trách nhiệm của con người đối với xã hội và của xã hội đối với con người về trạng thái của giới tự nhiên và về việc sử dụng căn cơ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc phát triển văn hóa sinh thái của xã hội được thực hiện thông qua hệ thống giáo dục, đào tạo và thông tin sinh thái.

Văn hóa sinh thái là phương thức hợp nhất con người với giới tự nhiên, dung hòa họ với giới tự nhiên dựa trên cơ sở nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về giới tự nhiên. Văn hóa là một khái niệm phức hợp, phản ánh sự kết tinh của thời đại, các đặc điểm cơ bản của sinh hoạt vật chất và sinh hoạt tinh thần của xã hội. Quan hệ của con người với nhau và quan hệ của họ với giới tự nhiên cấu thành hai cơ sở thống nhất của văn hóa và quyết định các đặc thù của nó. Văn hóa là phương thức và kết quả thích nghi và tổ chức hoạt động sống của con người.

Các phương tiện giao tiếp hiện đại bao hàm tiềm năng khổng lồ, tạo ra những điều kiện để bộc lộ sự thống nhất văn hóa của loài người. Bất chấp sự khác biệt giữa các nền văn hóa dân tộc, bao giờ cũng có các căn cứ tối hậu quyết định khả năng mang tính nguyên tắc của đối thoại giữa chúng. Đó là các giá trị văn hóa phổ biến, biểu thị kinh nghiệm văn hóa xã hội. Ở mọi thời đại, chúng luôn quy định bộ máy khái niệm của ý thức tập thể và ý thức cá nhân. Sự quan tâm toàn cầu đến an ninh tồn tại của loài người hiện nay đang trở thành tiền đề cho một sự tích hợp văn hóa mới. Tính độc đáo và tính phổ biến, tính dân tộc và tính chung nhân loại trong văn hóa cần được kết hợp dựa trên các định hướng của văn hóa sinh thái.

Con người thể hiện ra trong văn hóa không hẳn là một thực thể tự nhiên, mà chủ yếu là một thực thể lịch sử-xã hội. Khi ở trong trạng thái phụ thuộc vào giới tự nhiên, khi xuất phát từ giới tự nhiên và cần đến nó, con người đồng thời cũng thường xuyên khắc phục sự phụ thuộc này. Với nghĩa đó, văn hóa không loại trừ ý nghĩa của giới tự nhiên đối với con người, không thủ tiêu quan hệ của con người với nó, mà bản thân văn hóa thể hiện là hình thức quan hệ đặc thù của con người với giới tự nhiên, sự thống nhất với nó. Cho dù con người có ở trên thang bậc phát triển lịch sử nào đi chăng nữa, con người vẫn luôn cần phải thường xuyên sản xuất ra những phương tiện cần thiết cho cuộc sống, tạo ra những vật phẩm tiêu dùng, những sự vật cùng với các thuộc tính hữu ích đối với con người. Trạng thái thống nhất của cá nhân với các tiền đề tự nhiên cho sự tồn tại của mình là xuất phát điểm của lịch sử. Thời đại gắn liền với việc chiếm hữu những sản phẩm có sẵn trong tự nhiên là thời đại phụ thuộc trực tiếp của con người vào các lực lượng của giới tự nhiên. Tuy nhiên, cả ở giai đoạn này, con người cũng vẫn cần phải sử dụng công cụ lao động, cải biến hình thức của những cái hiện có. Qua đó quan hệ của con người với giới tự nhiên ngay từ đầu đã mang trên mình dấu ấn của hoạt động xã hội, tức là của hoạt động văn hóa, mặc dù hoạt động này còn hạn chế.

Ở tất cả các thời đại lịch sử, quan hệ qua lại giữa con người với giới tự nhiên luôn là một trong các nhân tố quan trọng hàng đầu, quy định địa vị, các đặc thù của lịch sử, bầu không khí tinh thần của thời đại. Tính chất của hoạt động cải tạo giới tự nhiên của xã hội phụ thuộc vào giá trị của giới tự nhiên ở trong văn hóa. Sự phụ thuộc của con người vào giới tự nhiên ở thời cổ là rất lớn và đơn nghĩa. Ở thời đại đồ đá cũ, khi mà cuộc mưu sinh nhằm bảo đảm lương thực, thực phẩm chiếm toàn bộ hoạt động của con người, hái lượm và săn bắn là phương thức duy nhất để tìm kiếm phương tiện sinh sống, cuộc sống của con người thật sự bị hòa tan vào giới tự nhiên. Trong điều kiện đó, con người thần linh hóa môi trường tự nhiên bao quanh, đem lại những thuộc tính siêu nhiên cho nó. Đặc trưng của thế giới quan đồ đá cũ là trực quan toàn vẹn về hiện thực, không khu biệt giữa vật chất và tinh thần (tâm linh). Các quan niệm vật linh luận đã cản trở quá trình tách biệt con người ra khỏi giới tự nhiên, quá trình triển khai hoạt động cải tạo tự nhiên của con người. Các cư dân nguyên thủy ở trên núi và trong rừng, các cư dân ở bên bờ biển và ở trên sa mạc chủ yếu đã thích nghi với môi trường tự nhiên bao quanh. Mặc dù vậy, ngay ở cuối thời đại đồ đá cũ, xã hội nguyên thủy cũng đã bị chấn động bởi mâu thuẫn sinh thái bắt nguồn từ sự biến mất của các động vật ăn cỏ lớn do chúng bị săn bắn quá mức.

Sự xuất hiện của nghề trồng trọt và chăn nuôi đã mở rộng đáng kể phạm vi tương tác giữa xã hội với giới tự nhiên, đã dẫn đến cuộc cách mạng đích thực trong cuộc sống của con người cổ, đánh dấu bước chuyển từ thời đại đồ đá cũ sang thời đại đồ đá mới. Con người bắt đầu quá trình tích cực cải tạo môi trường tự nhiên bao quanh, sử dụng đa dạng hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Về thực chất, quá trình này đánh dấu việc hình thành các cơ sở của văn hóa vật chất mà, khi trải qua hàng nghìn năm cho đến tận cuộc cách mạng công nghiệp, vẫn được duy trì ở nhiều khu vực trên thế giới cho tới tận ngày nay.

Loài người hiện đại đang đối mặt với lưỡng đề: hoặc là duy trì loại hình hoạt động đã hình thành và bị diệt vong trong thảm họa sinh thái, hoặc là thay đổi căn bản nó và bảo vệ giới tự nhiên cho sự sống của các thế hệ tương lai. Vì phương án thứ hai là duy nhất có thể chấp nhận, nên loài người sẽ cần phải thay đổi không những loại hình hoạt động đã hình thành, chủ yếu mang tính phá hủy, mà còn cả toàn bộ hệ thống giá trị dựa trên nhận thức về các thực tại mới.

Dấu hiệu quan trọng hàng đầu của văn hóa sinh thái là việc khước từ chủ nghĩa con người trung tâm ngây thơ và chuyển sang hệ thống quan điểm được xây dựng dựa trên chủ nghĩa sinh quyển trung tâm. Điều này có nghĩa rằng, hiện nay, khi giải quyết mọi vấn đề, cần phải dành quyền ưu tiên cho các nhân tố tự nhiên, chứ không phải cho các nhân tố kinh tế – xã hội.

Mục đích tối hậu của quan điểm như vậy dẫu sao vẫn là con người, nhưng không phải một cách trực tiếp, mà một cách gián tiếp, thông qua việc bảo vệ môi trường tự nhiên cho sự sống của con người. Những giá trị của văn hóa sinh thái phù hợp với những luận điểm của đạo đức học sinh thái. Trong đạo đức học sinh thái, ngoài các quan hệ truyền thống “con người – con người”, “con người – xã hội”, lĩnh vực quan hệ đạo đức còn bao gồm cả hàng loạt phương diện của quan hệ “con người – giới tự nhiên”.

Đặc điểm cơ bản của đạo đức học sinh thái gắn liền với việc nó dành sự quan tâm ưu tiên cho các điều kiện tồn tại tự nhiên của những thế hệ tương lai. Trong khi cũng đòi hỏi phải quan tâm đến hiện tại, sự định hướng vào tương lai khu biệt đạo đức học sinh thái với các khuynh hướng đạo đức học truyền thống.

Những luận điểm của đạo đức học sinh thái ngay hiện nay đã cho phép đưa ra các yêu cầu sau đây: khước từ tất cả những hoạt động có nguy cơ triệt phá khả năng tồn tại của các thế hệ tương lai; mức độ trách nhiệm đối với con cháu cần phải trở thành ưu tiên khi thông qua những quyết định có liên quan đến trạng thái của môi trường tự nhiên; không cho phép làm tổn hại đến lợi ích của các thế hệ tương lai vì lợi ích của thế hệ hiện tại.

Song, khi có nhiệm vụ bảo đảm hài hòa hóa tương tác giữa con người với giới tự nhiên, các luận điểm của đạo đức học sinh thái chỉ có thể được thực hiện, đi vào cuộc sống, nếu chúng thực sự xuyên suốt các lĩnh vực hoạt động đa dạng nhất của con người: kinh tế, giáo dục, đào tạo, chính trị, v.v. Chứa đầy nội dung sinh thái, các chuẩn tắc đạo đức sinh thái trong trường hợp này không chỉ còn là mong muốn tốt đẹp và đưa loài người đến gần với việc hình thành xã hội sinh thái mới.

Tiền đề cho xã hội hiện đại chuyển sang phát triển bền vững là việc hình thành văn hóa sinh thái. Hiện nay có một điều hiển nhiên là phát triển bền vững chỉ khả thi trong điều kiện văn hóa sinh thái, còn văn hóa sinh thái chỉ có thể được tái tạo theo con đường phát triển bền vững. Do vậy, các khái niệm “văn hóa sinh thái” và “phát triển bền vững” là các khái niệm ở cùng một bậc và phản ánh các phương diện khác nhau của cùng một quá trình hài hòa hóa quan hệ xã hội – tự nhiên. Như vậy, việc đạt tới phát triển bền vững ít nhất cũng đòi hỏi: hệ thống chính trị góp phần thúc đẩy sự tham gia của đông đảo dân cư vào việc thông qua những quyết định có liên quan đến hoạt động cải tạo tự nhiên; hệ thống pháp luật căn cứ trên các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, tức là nhà nước tổ chức và thực hiện chức năng của mình dựa trên các quyền cơ bản của con người như các ưu tiên tối cao; hệ thống kinh tế định hướng vảo sản xuất có dung lượng tài nguyên và năng lượng nhỏ, vào phân phối công bằng; hệ thống xã hội bảo đảm loại bỏ những tình huống xung đột; hệ thống quốc tế thúc đẩy những quan hệ giao tiếp, thương mại và tài chính bền vững; hệ thống thông tin bảo đảm nhận được thông tin khoa học mới; hệ thống giáo dục hình thành ý thức sinh thái của cá nhân và xã hội; hệ thống công nghệ định hướng vào các công nghệ cao và dung hòa với sinh quyền.

Các yêu cầu này chủ yếu mang tính chất của các mục đích cần phải đóng vai trò là cơ sở cho hoạt động khu vực và hoạt động toàn cầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội. Theo nghĩa rộng, các yêu cầu này là điều kiện để cải biến văn hóa của xã hội hiện đại thành văn hóa sinh thái, để nó chuyển sang trạng thái mới về chất, định hướng vào trí tuệ quyển. Các vấn đề thực tiễn có liên quan tới những phương diện khác nhau trong việc hình thành và thực hiện văn hóa sinh thái được trình bày trong chiến lược phát triển bền vững dân tộc của nhiều quốc gia châu Âu (Kinh nghiệm của nước ngoài trong việc hoạch định chiến lực phát triển bền vững dân tộc, 2012: tr. 60-107).

Văn hóa sinh thái không bị quy giản thành các biện pháp giáo dục và khai sáng với toàn bộ tầm quan trọng hiển nhiên của chúng. Nó mang tính chất phức hợp, tích hợp và động chạm đến văn hóa sản xuất và tiêu thụ, lối sống của con người và ý thức sinh thái, kể cả của các chính khách và các doanh nhân, cũng như hợp tác quốc tế. Tương ứng thì các biện pháp nhằm sinh thái hóa kinh tế và các lĩnh vực đời sống khác của xã hội đòi hỏi chi phí lớn, các nguồn lực và các phương tiện công nghệ.

Thực tiễn quốc tế cho thấy, văn hóa sinh thái phổ biến rộng rãi trong điều kiện xã hội mà đa số thành viên của nó đã không còn bắt buộc phải đấu tranh cho sự sống còn thể xác của mình, các nhu cầu thiết yếu của họ đã được đáp ứng đầy đủ. Ý nghĩa của những vấn đề sinh thái, văn hóa sinh thái phụ thuộc trực tiếp vào trình độ học vấn, thu nhập, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

3. Bản chất nhân văn của văn hóa sinh thái

Bản thân các khái niệm “sinh thái” và “văn hóa” đã làm nảy sinh vấn đề: sự phát triển của loài người và của văn hóa trong tình huống khủng hoảng sinh thái cần phải đi theo con đường nào? Vả lại thời hiện đại là thời đại của bước ngoặt căn bản trong lịch sử của loài người. Các cơ chế cũ vốn đã bảo đảm tiến bộ xã hội, dần dần đang trở nên lỗi thời, chuyển hóa thành mặt đối lập của mình, cần được thay thế bằng các cơ chế mới căn bản. Trong quá trình phát triển lịch sử, loài người đã đi đến ranh giới khi mà, nếu không cải biến triệt để các nguyên tắc hoạt động xuất phát ở trong các môi trường tự nhiên – xã hội, khoa học – kỹ thuật và văn hóa – xã hội, thì sự sống của họ ở trong các môi trường ấy tất yếu sẽ đưa đến chỗ hủy diệt con người như một loài sinh vật độc đáo và như một thực thể xã hội phổ biến. Thảm họa đang đe dọa chúng ta dần dần trở thành thảm họa toàn cầu cùng với quá trình thâm nhập sâu sắc vào đời sống xã hội và các lĩnh vực hoạt động sống của con người. Nó tiếp nhận các hình thức khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển của các cơ cấu xã hội, vào mức độ trưởng thành của cơ thể xã hội, vào các truyền thống văn hóa và lịch sử. Cho dù những biểu hiện của nó có đa dạng đến đâu đi chăng nữa, thì thực chất của nó vẫn không thay đổi: bản thân sự sống của con người như một thực thể độc đáo cùng với toàn bộ tính đa dạng và phong phú của nó bị đe dọa.

Có thể phân loại tất cả những vấn đề toàn cầu dựa trên ba căn cứ biểu thị phương thức tồn tại của con người trong thế giới. Đó là những mối liên hệ qua lại “con người – tự nhiên”, “con người – kỹ thuật” và “con người – văn hóa”. Nguy hiểm đe dọa loài người bộc lộ ra trong mỗi hệ thống liên hệ qua lại theo cách của mình. Chẳng hạn, hệ thống “con người – kỹ thuật” ẩn chứa nguy cơ hủy diệt loài người do chiến tranh hạt nhân. Đồng thời con  người và dự báo phát triển tương lai của kỹ thuật khi chuyển tiếp nó sang các nguyên tắc tự hoàn thiện và tự giáo dục cũng là không nhất quán và nan giải.

Hệ thống “con người – văn hóa” động chạm tới các đặc trưng bản chất của con người. Mối nguy hiểm thu hẹp không gian văn hóa đe dọa tất cả mọi người. Những người tiến bộ ở các quốc gia khác nhau nhận thức mối nguy hiểm này không phụ thuộc vào trình độ phát triển của các quốc gia ấy. Chẳng hạn, Richard Peck (Mỹ) cho rằng “tình hình có thể dẫn tới sự diệt vong của nền văn hóa dân tộc, các nhà hoạt động chính trị phải chịu trách nhiệm về điều này, vì họ không nhận thấy cái lợi trong việc nâng cao trình độ văn hóa của người dân, do quan niệm phổ biến cho rằng, nạn mù chữ là cái lợi… Chúng ta liên tục tìm kiếm những người sống sót. Chúng ta tìm kiếm họ ở trong sự hỗn loạn của hệ thống đang suy tàn. Chúng ta tìm kiếm họ trên đống tro tàn của xã hội bắt đầu vươn lên từ vực thẳm của nạn mù chữ, song không bị sa xuống nó một lần nữa”. Ý kiến của Eldor Proens (Gvinea – Bisau) cũng tương tự: “Nền văn hóa châu Phi: bị miệt thị, bị lấn áp, bị khuất phục, bị hủy diệt. Chế độ nô lệ thật sự đã thủ tiêu các cơ cấu văn hóa. Điều gì sẽ xảy ra với văn hóa. Các mẫu quốc biến châu Phi thành đầu máy, buồng đốt của máy hơi nước, di sản của châu Phi bị thiêu đốt ở trong lò lửa địa ngục. Quá trình kế thừa văn hóa bị chấm dứt”. Andrei Voznesensky nhất trí với lo âu của nhà văn người Mỹ và nhà thơ người Gvinea – Bisau, về sự nghèo nàn của môi trường văn hóa, và cho rằng “cả môi trường văn hóa ngoại tâm, cả môi trường văn hóa nội tâm đều chịu đựng mối nguy hiểm như nhau: chúng đều bị diệt vong cùng với sự phá sản của nửa bên kia” (Andrei Voznesen, 1985).

Sự đối kháng của hệ thống “con người – tự nhiên” đã hình thành như kết quả phát triển hợp quy luật của phương thức sản xuất lịch sử cụ thể và của cơ cấu xã hội đứng ở trên nó. Ở giai đoạn hiện đại, do tác động của hoạt động bất hợp lý của con người, tự nhiên một lần nữa lại chuyển hóa thành lực lượng “xa lạ” và “toàn năng” đe dọa thủ tiêu cơ sở sinh học của sự sống con người. Tình hình sinh thái trở nên trầm trọng đáng kể, sinh quyển dần dần đánh mất tính hữu ích cho sự sống của loài người. Những tác động của thế giới bên ngoài được chuyển tải và tích tụ trong di truyền của con người theo nguyên tắc tiếp sức tiến hóa. Theo dữ liệu của hàng loạt nghiên cứu nước ngoài, từ 15 đến 30% “án trừng phạt” của tự nhiên vì xâm phạm các quy luật của nó có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc tăng cường xu hướng này có thể dẫn tới những hậu quả không thể đảo ngược ở trong quần thể người – sự tiêu vong của nó. Trạng thái căng thẳng sinh thái càng trở nên trầm trọng hơn do những hỏng hóc lớn trong hoạt động của các hệ thống công nghệ. Do tai họa hạt nhân, tự nhiên thân thuộc, trìu mến trở nên không hữu ích đối với sự sống và ẩn chứa trong mình mối nguy hiểm chết người.

Sự xuất hiện những vấn đề toàn cầu trong sự phát triển xã hội phản ánh một cách trực quan nhất và nhạy cảm nhất sự cần thiết cấp bách, tột đỉnh phải cải biến triệt để các phương thức hoạt động sống trước kia của con người, tính chất của các quan hệ xã hội. Lịch sử của loài người biết đến nhiều trường hợp đã đòi hỏi cải tạo triệt để, mỗi khi có sự tăng lên của những chất lượng mới trong một lĩnh vực hoạt động nào đó của con người hay trong toàn thể xã hội. Chẳng hạn, với khoa học, đó là khủng hoảng của vật lý học ở cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, với sản xuất là cách mạng khoa học – kỹ thuật, với hình thái kinh tế – xã hộilà sự cần thiết phải cải biến quan hệ xã hội, nếu chúng cản trở phát triển xã hội.

Tất cả các lực lượng tiến bộ của loài người được huy động trong bối cảnh khủng hoảng và mâu thuẫn xuất hiện để giải quyết chúng. Thật ra, so với quá khứ, quy mô của những cải biến tương lai đã mang tính chất toàn cầu, sự cần thiết phải cải biến triệt để động chạm tới toàn bộ hệ thống xã hội. Đồng thời thực tiễn lịch sử cũng đòi hỏi phải tìm kiếm các khả năng tiềm tàng của tiến bộ xã hội.

Chủ nghĩa nhân văn sinh thái là hình thức hiện đại của chủ nghĩa nhân văn, tính đặc thù của nó thể hiện ở việc khắc phục sự đối lập giữa xã hội với giới tự nhiên và ở quan niệm về sự thống nhất hữu cơ và quy định lẫn nhau trong phát triển của con người, xã hội và giới tự nhiên.

Chủ nghĩa nhân văn sinh thái, với tính cách lập trường lý luận, luận chứng sự cần thiết phải khắc phục nếp nghĩ đã ăn sâu vào các khoa học xã hội và nhân văn về vai trò chủ yếu mang tính quyết định của con người và xã hội trong quá trình tương tác xã hội – tự nhiên. Chủ nghĩa nhân văn sinh thái hình thành phương châm khác: ý thức về xã hội và giới tự nhiên như các bộ phận có chức năng khác nhau của một chỉnh thể thống nhất, chỉnh thể này có thể tồn tại với tư cách như vậy với điều kiện đối chiếu hoạt động của con người với những khả năng của môi trường tự nhiên, có tính đến các quy luật tự điều tiết của sinh quyển.

Ý thức về tính chỉnh thể của xã hội và giới tự nhiên như hệ thống xã hội – tự nhiên cũng dẫn tới sự chuyển biến căn bản cả trong việc luận giải chủ nghĩa nhân văn. Thực chất của nó là ở chỗ con người bắt đầu ý thức ngày càng nhiều hơn về bản thân như một bộ phận không tách rời của môi trường tự nhiên, sự tự vệ và phát triển của mình chỉ có thể được bảo đảm trước hết nhờ duy trì môi trường tự nhiên ấy. Quan niệm như vậy về chủ nghĩa nhân văn chủ yếu đã hình thành do xuất hiện những vấn đề toàn cầu của loài người, khủng hoảng sinh thái toàn cầu, ý thức những hệ quả ngày càng gia tăng của hoạt động sản xuất không được điều tiết cho phù hợp với những khả năng của sinh quyển, cũng như do ý thức về những hậu quả của tiến bộ khoa học – kỹ thuật không được kiểm soát. Các hình thức lịch sử của chủ nghĩa nhân văn tồn tại trước chủ nghĩa nhân văn sinh thái chủ yếu mang tính chất con người trung tâm luận. Ở các thời đại trước khi thế giới toàn cầu hình thành, những vấn đề toàn cầu và khủng hoảng sinh thái xuất hiện, tính chất con người trung tâm luận của chủ nghĩa nhân văn có căn cứ lịch sử của mình và đóng vai trò tích cực trong toàn bộ văn hóa thế giới, khẳng định phẩm giá của con người và sự giáo dục nhân tính.

Cách tiếp cận nhìn về dĩ vãng cho phép làm sáng tỏ tính đặc thù của chủ nghĩa nhân văn sinh thái. Sau khi xuất hiện trong lịch sử, chủ nghĩa nhân văn được quan niệm là: 1) phong trào của những người có học vấn đã hình thành ở thời Phục hưng, chủ yếu ở Italia, trên cơ sở quan tâm đến thời cổ đại; 2) một loại hình thế giới quan đặc biệt, trung tâm của nó là con người, phân tích bản tính, các khả năng phát triển, tự do và bản chất tích cực của con người. Đánh giá về giai đoạn này là: “Con người và loài người lần đầu tiên được nhận thức đầy đủ trong bản chất sâu xa của họ. Chỉ riêng điều đó cũng đủ để thấm nhuần thái độ cảm tạ vĩnh cửu đối với Phục hưng. Khái niệm logic về nhân văn (Menschheit) tồn tại từ xa xưa, song chỉ Phục hưng mới nhận thức đầy đủ thực chất của khái niệm này” (Ja.Burchardt, 1996: tr. 306).

Khác với quan niệm trung cổ về bản tính và sứ mệnh của con người trong bức tranh thế giới phân chia thứ bậc, nơi mà không ai có thể không phụ thuộc và độc lập hoàn toàn, thời đại Phục hưng khẳng định phẩm giá của con người, năng lực lựa chọn độc lập và tự giác của nó. Sau đó, khác với chủ nghĩa vũ trụ trung tâm cổ đại và chủ nghĩa thần trung tâm trung cổ, chủ nghĩa nhân văn cận hiện đại hình thành bức tranh thế giới con người trung tâm luận, trong đó con người giữ địa vị trung tâm, nhưng “trung điểm” liên kết giữa giới tự nhiên với Chúa, nó là một vòng khâu của chỉnh thể thế giới thống nhất. Do vậy, nhận thức về bản tính con người được quan niệm là nhiệm vụ quan trọng, việc giải quyết nó quyết định việc luận giải sự phát triển của toàn thể vũ trụ. Sau đó là nhận thức những thuộc tính khách quan của vũ trụ, “nếu không hiểu biết hay không mong muốn hiểu biết bản tính con người, vì cái gì mà chúng ta ra đời, chúng ta đến từ đâu và đi về đâu” (Petrarka).

Tiềm năng sáng tạo của chủ nghĩa nhân văn cổ điển có thể được chủ nghĩa nhân văn sinh thái đòi hỏi, thể hiện ở chỗ con người được xem xét là thực thể tự do, có năng lực sáng tạo và lựa chọn phương thức phát triển của mình dựa trên lý tính và hoạt động. Khám phá chủ yếu này của chủ nghĩa nhân văn được phát triển trong tư tưởng duy lý cận hiện đại. Nó khẳng định sự đặc thù mang tính quyết định của con người là lý tính có khả năng nhận thức và cải tạo thế giới, luận chứng lý tưởng về con người như cá nhân sáng tạo tự do. Như vậy, sự phát triển các hình thức lịch sử của chủ nghĩa nhân văn đã chuẩn bị cơ sở cho quan niệm về ý nghĩa quyết định của các “phẩm chất người” (A.Pechchei) trong phát triển của thế giới hiện đại và xuất hiện của chủ nghĩa nhân văn sinh thái.

Đồng thời định hướng lý luận xem xét con người ở bên ngoài sự đồng phát triển hữu cơ với giới tự nhiên và môi trường xã hội, ở bên ngoài nguyên tắc đồng tiến hóa (coevolution), khi tuyệt đối hóa vai trò của con người ở trong vũ trụ, đã dẫn tới chủ đề về khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn cổ điển ở thế kỷ 19-20. Các tư tưởng chủ đạo, phản ánh khủng hoảng là: 1) hoài nghi các năng lực của lý tính tổ chức tối ưu tồn tại người; 2) hoài nghi năng lực lập trường của chủ thể tự chủ và tự do ở trong điều kiện xã hội hiện đại.

Việc phê phán chủ nghĩa nhân văn tiếp nhận các hình thức khác nhau ở các nhà tư tưởng khác nhau. N.A.Berdyaev nhận thấy khiếm khuyết cơ bản của chủ nghĩa nhân văn ở sự khẳng định “nhân thần”, tách rời con người khỏi Chúa (N.A.Berdyaev, 1994: tr. 284); Ortega y Gasset nhận thấy đó là “sự nổi dậy của đám đông”, “đám đông hóa văn hóa” (Ortega y Gasset, 2014: tr. 68); M. Heidegger phê phán chủ nghĩa nhân văn cận hiện đại vì tuyệt đối hóa tính chủ quan người, vì chinh phục thế giới thông qua khoa học và kỹ thuật, mà lãng quên tồn tại, tính thánh thiêng của nó (M.Heidegger, 1994: tr. 206); M.Fouceau nói về “cái chết của con người” trong thực tiễn suy lý, v.v.

Bên cạnh việc phê phán chủ nghĩa nhân văn cổ điển, các tư tưởng của nó tiếp tục giữ lại ý nghĩa của mình ở trong chủ nghĩa hiện sinh, các tư tưởng định hướng vào chủ thể cá thể cụ thể cùng với quyền tự do lựa chọn số phận trên thế gian (J.-P.Sartre, N.Abbaniano). Chủ nghĩa Mác mở của trường phái Frankfurt phát triển các tư tưởng phê phán sự tha hóa ở trong xã hội tư bản chủ nghĩa, lên tiếng bảo vệ tự do đích thực của con người bị cơ sở hạ tầng xã hội hiện đại xâm phạm dưới hình thức các phương tiện truyền thông điện tử, các nghiệp đoàn tài chính – công nghiệp (M.Horkheimer, Th.Adorno, H.Marcuse). Thuyết Freud mới (E.Fromm, K.Horney) phát triển các quan điểm của mình từ lập trường của chủ nghĩa nhân văn.

Chuyển biến lịch sử tuần tự của các hình thức chủ nghĩa nhân văn dần dần đã tạo ra tiềm năng sáng tạo có thể được chủ nghĩa nhân văn sinh thái sử dụng cùng với những đặc trưng về nội dung của riêng mình. Khi định hướng trước hết vào tính hợp lý khoa học và cách tiếp cận lịch sử văn hóa, chủ nghĩa nhân văn sinh thái có quan hệ với các hình thức mới của chủ nghĩa nhân văn ở bên cạnh dự án “chủ nghĩa nhân văn tích hợp” của thuyết Thomas mới (J.Maritaine) và việc tìm kiếm các biến thể hiện đại của chủ nghĩa nhân văn ở bên trong khuôn khổ những giá trị Kitô giáo (R.Nibur, P. Tililch).

Đề tài chính yếu của chủ nghĩa nhân văn sinh thái là luận chứng giá trị của sự sống không những của con người, mà còn của mọi sinh vật, toàn bộ sinh quyển. Đó là định đề của đạo đức “sùng kính sự sống” (A.Schweitzer), luận chứng các con đường toàn bộ loài người bảo vệ sự sống trên Trái Đất và trên cơ sở đó là tạo ra các khả năng cho phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Chủ nghĩa nhân văn sinh thái căn cứ không những trên các nguyên tắc đạo đức “sùng kính sự sống” mà cả trên “Chủ nghĩa nhân văn mới” được những người sáng lập Câu lạc bộ Rome tuyên bố như sự cần thiết cho sự sống còn của loài người. Nó định hướng vào việc nhân văn hóa toàn thể tồn tại người và thức tỉnh ý thức con người. Chủ tịch đầu tiên của Câu lạc bộ Rome là A.Pechchei đã định hình vấn đề như sau: “Con người chinh phục hành tinh và bây giờ cần phải học tập cách cai quản nó, đạt tới nghệ thuật phức tạp là trở thành thủ lĩnh trên Trái Đất. Nếu họ tìm thấy ở trong mình các lực lượng để ý thức đầy đủ và triệt để sự phức tạp và bất ổn của tình hình hiện nay và gánh vác lấy trách nhiệm, nếu họ có thể đạt tới trình độ phát triển văn hóa cho phép hoàn thành sứ mệnh ấy, khi đó tương lai sẽ thuộc về họ”. Họ cần phải hoàn thành vai trò cao cả của người bảo vệ và trọng tài chính của sự sống. Việc giải quyết nhiệm vụ này được nhận thấy là quá trình hiện thực hóa nguyên tắc của Chủ nghĩa nhân văn mới. Chỉ Chủ nghĩa nhân văn mới có khả năng bảo đảm chuyển hóa con người, nâng cao các phẩm chất và các khả năng của con người lên tới trình độ phù hợp với trách nhiệm mới ngày một tăng ở trên thế gian này” (A.Pechchei: tr. 211).

Cơ sở của Chủ nghĩa nhân văn mới như một bộ phận cấu thành của chủ nghĩa nhân văn sinh thái là việc thừa nhận ý nghĩa hàng đầu của những phẩm chất nhân cách người, việc phát triển chúng (“cách mạng nhân cách”) cho phép cải biến xã hội và kế tục sự phát triển của nền văn minh. Chủ nghĩa nhân văn sinh thái tiến cử một triết học nhân sinh mới và một tư duy toàn cầu mới, hợp nhất loài người. “Cách mạng nhân cách” gắn liền với việc thay đổi các thói quen, tập quán, hành vi của toàn thể loài người, cho phép họ thích nghi về mặt văn hóa với những biến đổi mà con người đưa vào thế giới thông qua hoạt động của mình. Cụ thể, khi tăng lên đến khát vọng nhận được lợi nhuận tối đa không phù hợp với tiến bộ xã hội (như nạn nghèo đói, nạn mù chữ, chất lượng sống thấp ở nhiều quốc gia trên thế giới), định hướng tiêu dùng của con người hiện đại là nguồn gốc của sự bất ổn và phá hủy tiềm tàng. Nó phá vỡ sự hài hòa giữa con người với xã hội, con người với giới tự nhiên và đưa tới việc phá hủy cả giới tự nhiên, cả xã hội, cả con người.

Do vậy chủ nghĩa nhân văn sinh thái hình thành các “giới luật”, các mệnh lệnh sinh thái, giới hạn hoạt động cho phép của con người mà việc vượt ra khỏi nó sẽ gây ra những quá trình phá hủy. Câu lạc bộ Rome trình bày các mục đích chiến lược của loài người chính theo tinh thần này: 1. Xác lập giới hạn “bên ngoài” cho hoạt động của mình, tức là có tính đến sự hữu hạn của các nguồn dự trữ sinh vật lý để sống mà không hủy hoại giới tự nhiên; 2. Xác định giới hạn “bên trong” cho phép sự thích nghi về mặt thể lý và tâm thể lý để sống mà không hủy hoại bản thân do những cú sốc và quá tải; 3. Bảo tồn bản sắc văn hóa, vì con người không thể sống mà không có và không tôn trọng quá khứ; 4. Cố gắng tạo ra cộng đồng mới được quản lý nhờ hệ thống các trung tâm thông qua quyết định có liên hệ với nhau ở trên tất cả các cấp độ tổ chức của loài người, vì con người không thể sống mà xung đột với tha nhân; 5. Duy trì môi sinh lành mạnh; 6. Xây dựng hệ thống kinh tế thế giới bảo đảm hoạt động hữu hiệu cho tất cả các thể chế kinh tế của cộng đồng thế giới, vì con người cần phải có cái đó để sống (Câu lạc bộ Rome, 1997: tr. 92).

Việc đạt tới các mục đích này cần phải dẫn tới các cấu trúc mới của tồn tại xã hội toàn cầu và phát triển tiềm năng con người. Chủ nghĩa nhân văn sinh thái có thể được xem là câu trả lời nhân học phổ quát cho các thách thức của nền văn minh đương đại. Nó có đặc trưng là định hướng thực tiễn, sự thống trị của các nguyên tắc đạo đức trong tổ chức cuộc sống của cộng đồng loài người, bảo vệ môi trường, không những môi trường tự nhiên mà cả môi trường xã hội và môi trường văn hóa.

Phong trào xã hội “Chủ nghĩa nhân văn – 96” (sáng kiến của E.Cardenal – nhà địa lý học Mỹ Latin, F.Geek – giáo sư đại học, bang Texac ở Mỹ) đã xuất hiện chính là dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa nhân văn sinh thái – duy trì tính toàn vẹn của sinh quyển trong tương tác giữa con người với giới tự nhiên, thừa nhận giá trị như nhau của mọi sinh vật, phi bạo lực, sự cần thiết tự hoàn thiện đạo đức, các mục đích cơ bản của nó là tìm kiếm các con đường mới của chủ nghĩa nhân văn. Các con đường của chủ nghĩa nhân văn sinh thái được phong trào này giới thiệu trong văn cảnh rộng lớn. Đó là việc xây dựng các chuẩn mực quốc tế và các giá trị cùng tồn tại, hình thành sự đồng thuận đạo đức, thảo luận các tiêu chuẩn về điều kiện nhân văn cho tồn tại, niềm tin vào sự thống nhất của loài người đòi hỏi sự hợp tác và trách nhiệm quốc tế (Claus Leizenger). Phong trào này cũng đưa ra thảo luận rộng rãi các con đường mới của chủ nghĩa nhân văn “Tuyên bố những giá trị con người” (F.Geek). Nó đưa ra danh sách những phẩm chất tâm linh – tinh thần của cuộc sống phát triển, đóng góp cho các cơ sở đạo đức khả thể của thế giới toàn cầu: “xét đoán nghiêm khắc về bản thân trước khi xét đoán về tha nhân; thái độ khoan dung đối với tha nhân như đối với bản thân; thái độ tôn trọng đối với thế giới sinh vật; thái độ hữu nghị và yêu thương tha nhân; thái độ cởi mở đối với cái tuyệt đối; đặt hy vọng vào nguyên tắc chủ đạo (F.Geek, 1999: tr. 297-321).

4. Kết luận:

Như vậy, văn hóa sinh thái và giáo dục văn hóa sinh thái là những vấn đề rất cần được quan tâm trong điều kiện nguy cơ khủng hoảng và thảm họa sinh thái toàn cầu hiện nay. Thêm vào đó, khi có tính đến thực trạng phổ biến tri thức sinh thái học và đặc biệt là văn hóa sinh thái ở trong xã hội ta nói chung và ở trong trường học phổ thông nói riêng còn nhiều hạn chế, khi nhận thức toàn diện và sâu sắc về ý nghĩa của văn hóa sinh thái và của lớp trẻ đối với phát triển bền vững trong tương lai của đất nước, việc giáo dục văn hóa sinh thái cho giới trẻ trở nên thật sự quan trọng và cấp thiết. Với nội dung nêu trên của bài viết, tác giả mong muốn góp đóng góp nhỏ vào việc làm rõ văn hóa sinh thái và những vấn đề giáo dục văn hóa sinh thái trong các nhà trường và ngoài xã hội./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. A.P. Anisimov (2010): Phương diện khoa học – thực tiễn của bảo vệ môi trường, M.
  2. P.O. Ermolaeva (2012): “Văn hóa sinh thái của sinh viên Mỹ”, Nghiên cứu xã hội học, N%12.
  3. Riley E. Dunlap, William Michelson(eds.) (2002): Handbook of Environmental Sociology, Greenwood Press.
  4. Linda Steg, Charles Vlek (2009): “Encouraging pro-environmental behavior: an integrative review and research agenda”, Journal of environmental psychology 29.
  5. Kinh nghiệm của nước ngoài trong việc hoạch định chiến lực phát triển bền vững dân tộc, 2012, M.
  6. Andrei Voznesen (1985): “Sinh thái học văn hóa”, Báo văn học, N% 2.
  7. Ja. Burchardt (1996): Văn hóa Italia ở thời đại Phục hưng, M.
  8. N.A. Berdyaev (1994): Triết học của tự do, M.
  9. Ortega y Gasset (2014): Nổi dậy của đám đông, M.
  10. M. Heidegger (1994): Tồn tại và thời gian, M.
  11. A. Pechchei: Phẩm chất người.
  12. Câu lạc bộ Rome (1997): Lịch sử thành lập. Tuyển tập báo cáo và phát triển, văn kiện chính thức, M.
  13. F. Geek (1999): “Erklaerung der manschliche Werte”, Kultur und Menschlichkeit: Neue Wege des Humanismus, Basel.
  1. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam ↩︎

Bài liên quan

Bài đăng mới