VĂN HÓA NGƯỜI CHĂM TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CHỢ QUÊ TẠI TỈNH AN GIANG

TS. Lê Thị Tố Quyên

Trường Đại học Cần Thơ

1. Khái quát về người Chăm ở An Giang

Theo thống kê của sở Lao Động Thương Binh & Xã Hội tỉnh An Giang (2021) người Chăm ở An Giang có 11.171 người chiếm 0.59% trong tổng số dân ở tỉnh An Giang. Cộng đồng người Chăm sinh sống tập trung đông ở thị xã Tân Châu và 3 huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành. Ngoài ra, có một số cư ngụ ở thành phố Long Xuyên và Châu Đốc. An Giang được biết đến là tỉnh duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có người Chăm sinh sống.

Người Chăm ở An Giang sống quần tụ, đùm bọc lẫn nhau, tập trung theo từng xóm, làng. Do điều kiện tự nhiên và hoạt động tôn giáo tín ngưỡng nên hoạt động kinh tế của người Chăm chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ sống bằng nghề mua bán, trồng trọt và chăn nuôi dê, bò, đánh cá, dệt vải. Vào những năm 1975 – 1985, hoạt động kinh tế của người Chăm chủ yếu là nghề dệt thủ công. Đây là nghề được xem là phổ biến và nổi tiếng của người Chăm. Sản phẩm dệt lụa Tân Châu nổi tiếng ở Nam Bộ với cái nôi là các làng dệt Hà Bao (Koh Kapoak – Cồn tơ tằm) ở xã Đa Phước, huyện An Phú và Phũm Soài (Puk Paok) ở Châu Phong thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Ngày nay, với sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, ngành công nghiệp dệt may cũng ngày càng phát triển. Các sản phẩm quần áo, khăn may sẵn với mẫu mã thiết kế đẹp ngày càng phong phú đa dạng.

Do định cư dọc theo bờ sông Hậu và đặc điểm sông nước về vị trí địa lý cộng thêm những ưu đãi của mẹ thiên nhiên, nguồn cá nước ngọt dồi dào phong phú mà nghề đánh cá cũng là một nghề phổ biến trong cộng đồng Chăm. Hiện nay, buôn bán là nghề được người Chăm tham gia nhiều nhất. Người Chăm thường buôn bán gạo, gỗ, vải. Do ảnh hưởng từ sự phát triển của ngành công nghiệp may mặc mà một bộ phận người Chăm có tham gia vào hoạt động buôn bán quần áo may sẵn. Nhiều người Chăm hiện nay tham gia vào việc bán hàng dọc các điểm du lịch như Núi Sam, Rừng Tràm Trà Sư hay ở trung tâm thành phố.

2. Quan hệ gia đình xã hội

Người Chăm ở An Giang chủ yếu phân bố ở các vùng nông thôn, dọc theo sông hoặc đường lộ. Tạo thành các làng, xã, nhà cửa của họ phân bố tập trung, cư trú gắn bó với nhau. Mô hình lưu trú, phân bố này giúp họ khăng khít trong sinh hoạt cộng đồng, đồng thời tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương trong việc quản lí.

Tất cả các làng Chăm đều là làng Hồi Giáo. Mỗi làng đều có một ngôi thánh đường là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của làng. Tổ chức xã hội của người Chăm chịu ảnh hưởng của Hồi Giáo. Ở mỗi làng (Palei) sẽ có một Ban quản trị thánh đường gồm 5 thành viên do các tín đồ nam bình chọn. Trong đó, có 1 vị trưởng ban chính gọi là Hakem, 2 phó trưởng ban giúp việc cho hakem gọi là Neap, tiếp đến là các trưởng xóm gọi là Ahly. Có thể có nhiều Ahly tuỳ theo diện tích của làng lớn hay nhỏ mà có bao nhiêu trưởng xóm (Ahly) người này sẽ quản lí xóm và tiểu thánh đường (Surao) của xóm. BiLắk (Musazin) người làm nhiệm vụ ngâm những câu kêu gọi tín đồ làm lễ vào trưa ngày thánh lễ Islam (thứ sáu hàng tuần). Khotip giảng giải giáo lý cho tín đồ tại thánh đường vào ngày thánh lễ thứ sáu hằng tuần. I-mâm sẽ hướng dẫn tín đồ thực hiện các nghi thức cầu nguyện vào ngày thánh lễ thường là nam tín đồ trưởng thành, am hiểu giáo lý, đạo đức kinh thánh. Tuol (Tuan) sẽ là người chăm sóc cho trẻ em người Chăm đọc kinh thánh. Ông Seak sẽ là người chăm sóc, dọn dẹp thánh đường sạch sẽ, đây là người được toàn thể đồng ý lựa chọn.

Trong các làng Chăm Hồi giáo An Giang, bên cạnh bộ máy nhà nước thì còn có một bộ máy quản lý xã hội cổ truyền được gọi là ban Hakem hay ban quản trị thánh đường. Ban nhân dân ấp gồm có 2 vị là trưởng ban và phó ban, được bầu ra theo nguyên tắc chung là dân cử. Tại An Giang trong hầu hết các xã có người Chăm đều có một thành viên trong Mặt trận Tổ quốc của xã là người Chăm” (Huy Lê, 2016, tr. 311).

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ đàn ông lo việc ngoài nhà, đàn bà lo việc trong nhà và gia phả. Theo tập tục của người Chăm thì bên gái sẽ cưới chồng về và con trai sẽ ở rể. Họ vợ được xem là họ gần tức họ nội. Đàn ông con trai ở rể đến khi chết nhà gái sẽ có trách nhiệm mai tang thờ cúng, sau đó mới chuyển cho nhà trai thờ cúng tiếp. Chỉ con gái được thừa kế tài sản. Nếu gia đình có hơn 2 con thì con gái út sẽ được thừa kế nhà ở của gia đình để chăm lo việc thờ cúng.

3. Các giá trị văn hóa người Chăm trong phát triển du lịch chợ quê

Người Chăm tập trung với nhau tạo thành các Paley (làng) với các Puk (xóm) nhỏ. Sự giao lưu văn hóa của ba cộng đồng dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa đã tạo nên nhiều nét văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, cộng đồng người Chăm vẫn giữ được cho mình những nét văn hóa tinh thần, phong tục đặc sắc riêng từ bao đời như: Tôn giáo, ẩm thực, chữ viết, trang phục, … Một số nét văn hóa tiêu biểu của người Chăm:

Một là, thánh đường Hồi Giáo Islam

Thánh đường chính là nơi được xem là quan trọng, nơi tôn nghiêm và linh thiêng nhất của đồng bào Chăm. Đây là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của các Peak, nơi cộng đồng tập trung cầu nguyện. Ở làng Chăm Châu Phong, Làng Chăm Đa Phước mỗi Paley đều có một thánh đường riêng với hai tông màu chủ đạo là màu xanh lá và trắng tạo sự dịu mát, được thiết kế độc đáo như một tòa nhà rộng với biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết. Nếu có dịp ghé thăm làng Chăm Châu Phong, làng Chăm Châu Giang, làng Chăm Đa Phước dù là lần đầu tiên, chúng ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra tòa thánh bởi sự đặc biệt so với nhưng kiến trúc xung quanh.

Hai là, kiến trúc nhà cửa

Bước xuống bến phà Châu Giang, trước khi chính thức đi vào địa phận của làng Chăm Đa Phước dài khoảng một ngàn mét, có thể nhận ra kiến trúc nhà dân dọc hai bên đường, xuất hiện rải rác các ngôi nhà sàn. Đây chính là những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm. Với kiến trúc khác lạ nhà được xây cao hơn mặt đất khoảng từ 1,5 mét – 4 mét tùy theo vị trí của ngôi nhà để phù hợp thích nghi với mùa nước dâng cao. Có những ngôi nhà được trang trí hoa văn, màu sắc trông rất lạ mắt gây sự tò mò và thích thú.

Ba là, trang phục

Tuy ở địa phương có nhiều dân tộc nhưng mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống đặc trưng riêng. Trang phục của người Chăm, nổi bật với hình ảnh người đàn ông quấn xà rông và đội mũ Kapeak, người phụ nữ mặc váy dài cùng chiếc khăn Maom thướt tha, đặc sắc với những họa tiết trang trí lạ mắt. Các loại khăn, trang phục, túi được may dệt thủ công từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Chăm. Du khách tới An Giang có thể mua các thứ đó, sử dụng, làm lưu niệm, làm quà tặng bạn bè hoặc người thân.

Bốn là, ẩm thực

Dân tộc Chăm có một nền văn hóa ẩm thực đặc trưng, trong đó không thể không nhắc đến một món ăn đặc sản trứ danh của người Chăm là Tung Lò Mò. Thoát đầu khi nghe tên, du khách sẽ cảm thấy khó hiểu không biết đó là món gì, đến gần cũng khó biết đó là lạc xưởng được làm từ thịt bò. Nhưng khi nếm thử, nó không phải là lạc xưởng như nhiều lạc xưởng khác, bởi hương vị thịt bò đặc trưng nhưng không tanh. Nó có hương vị đậm đà, được chiên hoặc nướng ăn kèm cơm hoặc bánh mì rất kích thích vị giác thèm ăn của thực khách. Đây một món ăn không thể bỏ lỡ nếu du khách có dịp ghé tham quan làng Chăm ở xã Châu Phong, xã Đa Phước nói riêng và các làng Chăm ở An Giang nói chung.

Năm là, lễ hội

Trước tiên phải kể đến Lễ ăn chay Ramadan. Đây có thể chính là lễ được nhiều người biết đến nhất khi nhắc đến Hồi giáo. Được biết đến nôm na là lễ “nhịn ăn” thời gian diễn ra là từ mùng 1 đến ngày 30 của tháng 9 lịch Hồi giáo. Vào những ngày này các tín đồ Hồi giáo trừ trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai, người bệnh tật đều phải nhịn ăn từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn và trong thời gian này rất hạn chế gần như tuyệt đối việc nuốt nước bọt vào trong mà chi có thể nhổ ra ngoài. Sau đó, từ khi mặt trời lặn đến trước khi mặt trời mọc thì mọi người có thể ăn uống bình thường. Ý nghĩa của lễ Ramadan là để mọi người có thể tiết chế mình, thể hiện sự san sẻ đồng cảm với những người nghèo khổ.

Tiếp đến là Lễ Roya – Tết dân tộc Chăm. Đây là, một lễ hội truyền thống của người Chăm được diễn ra trong 3 ngày bắt đầu từ ngày 10 tháng 1 Hồi lịch tương ứng với ngày 9-11/8 dương lịch, bao gồm tiền Roya (Roya Phik Trok) và Roya chính (Roya Fitry). Đối với tiền Roya mọi người sẽ chuẩn bị nhà cửa, nuôi thúc dê, bò, làm ăn kiếm tiền về tiêu tết. Những người nam giới từ đủ 15 tuổi trở lên ngày đầu tiên họ sẽ đến thánh đường làm lễ, sau đó đến thăm hỏi chúc sức khỏe những người trong làng. Những hoạt đông như thế này góp phần gắn chặt tình đoàn kết yêu thương khăng khít, san sẻ nhau của cộng đồng người Chăm nói chung và cộng đồng người Chăm Châu Phong, Châu Giang và làng Chăm Đa Phước nói riêng.

Lễ mừng sinh nhật giáo chủ Mohammed là lễ diễn ra trong vòng 2 ngày từ ngày 12/4 Hồi lịch hằng năm đây là lễ mà mọi người bày tỏ lòng biết ơn hướng về cội nguồn của đạo Hồi. Mọi người sẽ tập trung về thánh đường để làm lễ nghe câu chuyện về giáo chủ.

Ba làng Chăm: Châu Phong, Châu Giang, Đa Phước nói riêng và các làng Chăm nói chung có nhiều tài nguyên nhân văn để khai thác, phát triển du lịch công đồng tại địa phương.

4. Những điểm mạnh trong khai khai thác giá trị văn hóa người Chăm phục vụ phát triển du lịch du lịch chợ quê

Những năm gần đây cộng đồng người Chăm ở An Giang rất quan tâm đến phát triển Du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm quan tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thưởng thức ẩm thực và mua sắm các sản phẩm thổ cẩm, trang phục truyền thống Chăm… Đây là một mô hình đã thực sự đem lại hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, góp phần vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các làng Chăm ở địa phương hiện nay.

Du khách nước ngoài đến làng Chăm ở An Giang ngày một đông hơn và rất ưa thích các mặt hàng được làm từ thổ cẩm truyền thống, họ cảm thấy hấp dẫn, quyến rũ bởi hình ảnh các cô gái Chăm dịu dàng ngồi bên những khung cửi dệt lụa, thổ cẩm hay cần mẫn kết những hạt cườm lên những bộ trang phục truyền thống. Sự khéo léo tay nghề của những người phụ nữ Chăm, đã làm nên các sản phẩm thổ cẩm thật độc đáo, tinh xảo phong phú, đa dạng chủng loại, mẫu mã được du khách nước ngoài rất ưa chuộng. Cũng chính nhờ sự phát triển về du lịch mà các sản phẩm làm từ thổ cẩm dệt theo lối thủ công truyền thống như: Trang phục nam, nữ, khăn choàng, xà rông, túi xách, ví, mũ… ngày càng được bán chạy hơn. Nhiều hộ gia đình Chăm có thu nhập ngày càng cao hơn, từ việc bán các sản phẩm thổ cẩm và trang phục Chăm, kết cườm cho du khách. Đây thực sự là một tín hiệu tốt đẹp, cho thấy mô hình du lịch văn hóa của cộng đồng người Chăm ở An Giang rất có tiềm năng.

Văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng người Chăm không chỉ có sức hút đối với những nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh học tập, tìm hiểu những nét đặc sắc tại nơi đây mà còn gây ấn tượng đặc biệt đối với du khách nước ngoài. Họ rất thích khám phá, tìm hiểu về đời sống xã hội, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Chăm ở An Giang. Hiện nay, những điểm du lịch văn hóa tại các làng Chăm xã Đa Phước (huyện An Phú) và xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) ngày càng tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách quốc tế.

Du khách vô cùng thích thú khi chiêm ngưỡng những ngôi Thánh đường Hồi giáo Islam uy nghi, lộng lẫy với những họa tiết hoa văn và kiến trúc độc đáo kiểu Ấn Độ, Ba Tư. Trong đó, Thánh đường Mubarak tọa lạc tại ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu là một trong những điểm nhấn tham quan lý tưởng đối với du khách khi đến với làng Chăm nơi đây. Ngoài ra, du khách cũng ấn tượng chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà sàn truyền thống, mang đậm nét đặc trưng của người Chăm Nam bộ. Hiện nay các làng Chăm còn tổ chức nhiều lễ hội khác, như Ngày Hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch (hai năm một lần) phục vụ cộng đồng và du khách vui chơi giải trí. Du khách cũng tỏ vẻ thú vị khi khám phá văn hóa ẩm thực Chăm với những món ngon đặc sản đặc sắc như cơm nị, cà púa, tung lò mò, cà ri cá, cà ri dê và nhiều món ăn khác được sáng tạo trên cơ sở kết hợp hài hòa những nguyên liệu sẵn có của vùng sông nước Nam bộ.

Việc xây dựng phát huy các giá trị văn hóa của người Chăm trong việc tạo nên các hoạt động du lịch chợ quê là rất cần thiết nhằm tạo nên những giá trị độc đáo trong mô hình du lịch chợ quê. Có thể khai thác các nét văn hóa ẩm thực của người Chăm cho du khách trải nghiệm thông qua các món ăn đặc trưng như cơm nị cà ri, tung lò mò, canh thính… Ngoài ra, các hoạt động cho du khách trải nghiệm làm công đoạn làm bánh truyền thống của người Chăm hay nấu các món ăn tại chợ quê, du khách có thể trải nghiệm các nghề truyền thống của người Chăm như dệt vải thổ cẩm. đặc biệt tại mô hình du lịch chợ quê có không gian cho du khách được thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống và các trò chơi dân gian để du khách hiểu rõ hơn các nét văn hóa đặc trưng của người Chăm.

5. Những hạn chế trong khai khai thác giá trị văn hóa người Chăm phục vụ phát triển du lịch chợ quê

Những nét đặc sắc về văn hóa đã tạo nên sự khác biệt độc đáo và sức thu hút đối với du khách đến với các làng Chăm nói chung và làng Chăm Châu Phong, làng Chăm Châu Giang và làng Chăm Đa Phước nói riêng, đó là một lợi thế để phát triển du lịch chợ quê. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch chợ quê tại còn gặp một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, về chất lượng nguồn nhân lực: Chưa có một đội ngũ hướng dẫn viên riêng là người Chăm địa phương để truyền tải những giá trị văn hóa đến với du khách một cách gần gũi nhất. Du khách đến đây, một là, theo hình thức tự phát; hai là, theo đoàn. Với hình thức tự phát, để hiểu biết hơn về văn hóa địa phương thì du khách thường sẽ hỏi những người dân nơi đây nhưng có một bất cập là do trình độ người dân địa phương còn hạn chế; có thể sẽ không thể hiểu hết ngữ nghĩa câu hỏi của du khách nên việc giúp du khách hiểu hơn về văn hóa Chăm cũng chưa sâu. Còn nếu du lịch theo đoàn, cũng có những hướng dẫn viên do kiến thức về người Chăm vẫn còn hạn chế nên chỉ giới thiệu giải thích qua loa, chưa có kiến thức chuyên sâu, chưa làm du khách thỏa mãn sự tò mò của mình.

Thứ hai, thế hệ trẻ người Chăm có xu hướng tiếp cận với văn hóa hiện đại và di chuyển lên thành phố tìm việc. Văn hóa truyền thống có xu hướng bị thay đổi do thế hệ trẻ tiếp cận với văn hóa bên ngoài khi có nhiều khách du lịch nước ngoài và khách ở các vùng miền khác đến tham quan. Người trẻ có xu hướng tiếp thu trang phục và kiểu tóc ngoài truyền thống dân tộc mình nên hiện nay đã làm cho văn hóa truyền thống người Chăm ít nhiều có sự thay đổi. Ngoài ra, một số người trẻ có cơ hội đi học ở các thành phố, họ muốn ở lại tìm việc làm và không trở về quê hay do sinh kế khó khăn nên một số người trẻ cũng rời quê lên các thành phố lớn tìm việc, vì vậy, việc trao truyền các giá trị truyền thống giữa các thế hệ cũng có sự thay đổi.

Thứ ba, về cơ sở vật chất: cả 3 làng Chăm: Châu Giang, Châu Phong và Chăm Đa Phước đều nằm gần với trung tâm thành phố Châu Đốc nên việc đi lại, lưu trú trong khu vực khá thuận tiện. Điều đó cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú. Tuy nhiên, nếu du khách muốn được nghỉ lại ngay tại làng Chăm hay cùng sinh hoạt với một gia đình người Chăm nào đó thì cũng rất khó khăn. Bởi cả 3 làng Chăm này đều không có nơi lưu trú riêng dành cho khách du lịch, và do sự khác biệt về văn hóa đặc trưng do người Chăm nơi đây theo đạo Hồi nên họ khá ái ngại về việc để người ngoài lưu trú qua đêm tại nhà mình. Đồng thời các hàng quán phục vụ ăn uống cho khách du lịch cũng rất hạn chế, và chỉ đủ chỗ phục vụ cho số khách khoảng dưới 20 người. Hiện nay, chỉ thấy có các cơ sở buôn bán phục vụ khách du lịch theo dạng tự sinh, tự phát, nhỏ lẻ. Các mặt hàng thủ công do người dân địa phương tự làm có số lượng cũng rất hạn chế, chủ yếu chuyển từ các nơi khác đến. Khu bày bán đơn sơ, ở Làng Chăm Châu Giang và Châu Phong khu buôn bán sản phẩm du lịch còn rất nghèo nàn, đơn điệu. Ở làng Chăm Đa Phước thì có những nơi tận sâu trong làng đường đi qua dốc, dễ trơn, rất dễ lạc đối với những nhóm khách tự đến đây để tham quan nếu không có sự hướng dẫn của người dân địa phương.Không có điểm dừng chân cho du khách để tránh nóng, giải khát; rất ít nơi để du khách có thể gửi xe để đi bộ tham quan và chi phí gởi xe có nơi rất cao, dù là trong một ngôi làng nhỏ, do người dân tự phát, khó kiểm soát. Trong khi đó, các điểm ăn uống không đảm bảo để phục vụ khi số lượng khách từ 15 người trở lên, không có nhà vệ sinh công cộng…

6. Kết luận

Các giá trị văn hóa của địa phương và bản sắc văn hóa đặc sắc của người Chăm rất có tiềm năng để phát triển du lịch, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong cộng đồng, giúp cải thiện kinh tế và thu nhập. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề sau đây:

Cần tạo các mô hình chợ quê gắn với các giá trị văn hóa đặc trưng của người Chăm, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch cho địa phương, vừa góp phần phát huy và bảo tồn văn hóa người Chăm.

Bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm bao gồm: Chữ viết, ẩm thực, phong tục, đặc biệt là nghề dệt truyền thống từ lâu đời của người Chăm. Những văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Chăm cần được giữ gìn, phát huy và bảo tồn. Cần trau dồi và nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là người phụ nữ về những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Song song với việc đào tạo nâng cao kiến thức, năng lực kinh doanh du lịch cộng đồng chuyên nghiệp cho người Chăm thì rất nên lập một hệ thống có tổ chức bao gồm tất cả những người phụ nữ tham gia mô hình du lịch chợ quê ở các làng, xã. Mở các buổi sinh hoạt cộng đồng múa hát truyền thống, các hội thi nấu ăn, làm bánh, thi đan dệt định kì một tháng hoặc một quý một lần. Đồng thời tạo điều kiện để những người phụ nữ tham gia thi nấu ăn, làm bánh, đan dệt hay bày bán thổ cẩm sản phẩm nghề dệt truyền thống trong các cuộc thi hay những cuộc giao lưu văn hóa dân tộc và giữa các dân tộc trong trong khu vực.

Đào tạo nhóm các hướng dẫn viên tại điểm, ưu tiên phụ nữ để họ được trực tiếp tham gia du lịch cộng đồng tại địa phương, trực tiếp tiếp xúc trao đổi với khách du lịch, và truyền tải chân thật hơn những giá trị văn hóa tại địa phương đến khách du lịch.

                             TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Chi cục Thống kê huyện An Phú (2017), Niên giám thống kê năm 2017.
  2. Phan Huy Lê (2016), Vùng Đất Nam Bộ – Quá Trinh Hình Thành Và Phát Triển. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  3. Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội tỉnh An Giang (2021). Báo cáo số 509/ BC SLĐTBXH về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020.
  4. Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang (2017). Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Số 59/CTr – UBND ngày 13/02/2017.

Bài liên quan

Bài đăng mới