VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰC TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

TS. Trần Thị Hằng

Trường ĐH. KHXH & NV, ĐH. Quốc gia, Hà Nội

1. Mở đầu

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.  Tư tưởng đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc và tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng là nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định công tác tôn giáo và yếu tố trọng yếu trong công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo để phát huy nguồn lực tôn giáo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên cơ sở sự vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang bước vào Kỷ nguyên Vươn mình, cần phát huy mọi nguồn lực cho sự nghiệp phát triển đất nước như trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam, xác định công tác tôn giáo “… Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước…” [4, tr. 171].  

2. Nội dung

2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu, đưa ra những quan điểm về tôn giáo trong bối cảnh phức tạp của thời đại, trong hoàn cảnh dân tộc bị áp bức, đô hộ và trong quá trình Người đang tìm đường cứu nước. Trong bối cảnh đó, những quan điểm của Người về tôn giáo là một bộ phận trong “hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” [3, tr. 88]. Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo:

Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân: Đây có thể coi là quan điểm nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Ngày 3/9/1945, sau Cách mạng tháng Tám thành công, thay mặt chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết” [7, tr. 9]. Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân thể hiện: Chính phủ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Người nói: “Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Giatô tin ở Đức Chúa Trời cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những bậc chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân ta, ta đừng làm gì trái với ý dân” [1]. Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương trong cách ứng xử với tôn giáo: Người giữ thái độ đúng mực với đức tin tôn giáo chân chính của nhân dân, với đức Phật, chúa Giêsu, hay các vị sáng lập các tôn giáo, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự kính trọng, ca ngợi về đức hy sinh, đạo đức. Bên cạnh đó là kiên quyết đấu tranh với những kẻ lợi dụng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Đoàn kết lương giáo, hoà hợp dân tộc: Đoàn kết tôn giáo là một nội dung nổi bật, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo, đoàn kết các tôn giáo với nhau nằm trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Người. Đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, giai cấp, tôn giáo,…

Đồng bào tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Mọi nội dung cơ bản của đoàn kết tôn giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh là: Đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo; Đoàn kết giữa đồng bào có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; Đoàn kết giữa đồng bào trong mỗi tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Phân tích về tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuốn Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Đức Lữ có viết: “Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, vì vậy vấn đề đặt ra không chỉ có đoàn kết giữa người có đạo và không có đạo mà còn cần đoàn kết đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau vì mục tiêu chung của dân tộc. Đây là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược đại đoàn kết dân tộc. Người cho rằng: dưới chế độ thực dân phong kiến, đồng bào các tôn giáo đều bị áp bức, bóc lột nặng nề, khi Tổ quốc bị ngoại bang đô hộ thì các tôn giáo cũng không được tự do. Vì vậy, đồng bào các tôn giáo cần đoàn kết lại là đoàn kết với toàn dân đấu tranh mưu giành lại độc lập cho Tổ quốc và tự do cho tôn giáo” [5, tr. 44-45].

Đề cao những điểm tương đồng và chấp nhận, tôn trọng những điểm khác biệt giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh các tôn giáo chân chính và chủ nghĩa xã hội đều hướng đến mục tiêu giải thoát con người khỏi những áp bức, bất công, khổ đau, hướng đến cuộc sống hạnh phúc: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nói thích hợp với điều kiện của nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội” [10, tr. 13]. Tuy mục tiêu cao cả có nhiều điểm tương đồng, nhưng Hồ Chí Minh đã nhận ta điểm khác biệt lớn nhất giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội là thế giới quan (duy tâm – duy vật), về phương thức hành động để đạt được mục tiêu.

Phê phán mạnh mẽ việc lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân: Tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng kiên quyết phê phán mạnh mẽ việc lợi dụng tôn giáo, trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Người căn dặn: “Bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước” [2].

Phát huy giá trị tốt đẹp của các tôn giáo: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ, kính trọng các vị sáng lập ra các tôn giáo chân chính. Người đã chủ động học hỏi, tiếp thu nhữngbài học, giá trị quý báu để kế thừa và phát triển, từ Đức Phật Thích Ca, Chúa Giê-su đến Khổng Tử, Các Mác, Tôn Dật Tiên,… coi các vị là những bậc tiền bối để không ngừng học hỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm nhận ra điểm chung của các tôn giáo chân chính là giá trị đạo đức hướng thiện, cần gìn giữ và phát huy trong đời sống. Người nói: Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái/Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi/Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa [9, tr. 95].

Từ sự phân tích trên có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo toàn diện, khách quan và sâu sắc. Trong khuôn khổ nội dung bài viết này, tác giả vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo và phát huy giá trị đạo đức tôn giáo trong việc nhận diện nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là nguồn lực con người (nguồn nhân lực) tôn giáo ở Việt Nam và phát huy nguồn nhân lực tôn giáo trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước giai đoạn hiện nay.

2.2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhận diện nguồn nhân lực tôn giáo ở Việt Nam

Nguồn lực của tôn giáo nói chung là bao gồm nguồn lực con người (chức sắc, chức việc, tín đồ); các giá trị vật chất và tinh thần mà các tôn giáo tham gia đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia, một địa phương. Trong đó nguồn lực con người của tôn giáo là tất cả chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo, các tín đồ tôn giáo và kể cả những người có cảm tình với tôn giáo, sẵn sàng đóng góp cho hoạt động tôn giáo, đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế – xã hội.

Về số lượng nguồn nhân lực tôn giáo:

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Hiện nay, Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước). Như vậy gần 1/3 dân số Việt Nam là tín đồ các tôn giáo, chưa kể phần lớn người Việt Nam đều gắn bó với một hoặc nhiều tín ngưỡng thờ cúng truyền thống khác. Cụ thể:

BẢNG SỐ LIỆU TÍN ĐỒ, CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC 16 TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (SỐ LIỆU THÁNG 12/2021 CỦA BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ)

Đơn vị: Người

STTTôn giáoSố lượng tín đồChức sắc, chức việc, tu sĩ
1Phật giáoTrên 14 triệu54.169
2Công giáoTrên 7 triệu2 hồng y, 3 tổng giám mục, 46 giám mục, 5.000 linh mục, 32.000  tu sĩ
3Tin LànhTrên 1, 2 triệu2.300
4Cao ĐàiTrên 1,2 triệuHơn 13.000 chức sắc; 26.000 chức việc
5Phật giáo Hoà HảoHơn 1,5 triệu tín đồHơn 4.000 chức việc
6Hồi GiáoHơn 80.000 tín đồHơn 1.000  chức sắc, chức việc
7Ba ha’i7.000300 chức việc
8Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam600.000 tín đồ600 chức sắc; 2.200 chức việc
9Cơ đốc Phục Lâm18.000 tín đồ214 chức sắc
10Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa78.000500 chức sắc, chức việc
11Minh Sư đạo5.000 tín đồ150 chức sắc, 200 chức việc
12Minh Lý Đạo – Tam Tông miếu650100 chức sắc, 100 chức việc
13Bàlamôn giáo66.000400 chức sắc, chức việc
14Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau cảu Chúa Giê su Ki tô2.3004 chức việc
15Bửu Sơn Kỳ Hương10.000 
16Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn6.500 

Đây là một nguồn nhân lực lớn. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta cũng khẳng định đồng bào tín đồ các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm 1965, khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ ra miền Bắc ngày càng ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Đồng bào các dân tộc, các tôn giáo hãy đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, cùng nhau ra sức chống Mĩ, cứu nước” [8, tr. 471]. Vận dụng tư tưởng đó, Nghị quyết 25-NQ/TW (2003) về công tác tôn giáo đã khẳng định: Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  

Về chất lượng nguồn nhân lực:

Đa số tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam có tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó với dân tộc:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, về cội nguồn xuất phát, mọi tín đồ của các tôn giáo đều có điểm chung là “đồng bào”, đều là thành viên của các cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Là người Việt Nam nên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm với quê hương, đất nước trong tín đồ các tôn giáo là điểm chung, chính vì thế niềm tin tôn giáo trong mỗi tín đồ luôn gắn liền với tinh thần dân tộc, “nghĩa đồng bào”, nước có vinh thì đạo mới sáng: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc” [6, tr. 15].

Trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức tôn giáo ngày càng làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, các tổ chức tôn giáo là một kênh truyền thông quan trọng, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả.

Hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Với số lượng tín đồ chiếm số lượng khá lớn trên quy mô dân số, đồng bào các tôn giáo là lực lượng sản xuất đông đảo, tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất, không chỉ phục vụ đời sống gia đình mà còn cùng với các thành phần xã hội khác đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các tín đồ tôn giáo đã đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm sản xuất, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất. Thông qua các sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào có đạo biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Kinh tế phát triển, đồng bào có đạo có điều kiện đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng khác. Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo cũng đóng góp nguồn lực quan trọng, đồng hành cùng các cấp chính quyền trong công tác an sinh xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.

Tín đồ các tôn giáo thấm nhuần giáo lý, giáo luật, tư tưởng đạo đức tích cực tôn giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra điểm tương đồng của các tôn giáo chân chính với chủ nghĩa xã hội và đề cao các giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Tín đồ các tôn giáo ngoài những đặc trưng của người Việt Nam nói chung thì còn thấm nhuần giáo lý, giáo luật, tư tưởng đạo đức tích cực của các tôn giáo. Đạo đức tôn giáo có tác động mạnh mẽ đến đạo đức tín đồ tôn giáo, có chức năng điều chỉnh hành vi của tín đồ. Chính vì thế, nguồn nhân lực này có đặc trưng là có niềm tin, sự thực hành tôn giáo nên thấm nhuần tư tưởng, đạo đức tôn giáo nên có thái độ, lối sống tích cực, sẵn sàng phục vụ cộng đồng. Đội ngũ chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ thường của các tôn giáo là những tấm gương sáng về tinh thần hy sinh, âm thầm cho xã hội, luôn xứng danh với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đó là tinh thần của tứ vô lượng tâm tức là từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo; lòng bác ái, vị tha và được khái quát bằng lời dạy của Đức Chúa trời yêu người như mình ta vậy; tinh thần coi hoạt động từ thiện nhân đạo như là một sứ mệnh thuộc linh, là sự thực hành về đạo đức của Tin Lành; chủ trương học phật tu nhân lấy việc báo đáp tứ ân (ân tổ tiên cha mẹ, đất nước, đồng bào nhân loại, tam bảo) làm căn bản của việc tu hành của Phật giáo Hòa Hảo… Tất cả những giá trị tốt đẹp của của các tôn giáo được cụ thể hóa trong lối sống, hành động của đội ngũ tín đồ đông đảo của các tôn giáo. Biểu hiện cụ thể là sự dấn thân của các tín đồ tôn giáo trong hoạt động từ thiện xã hội, góp phần an sinh xã hội ở Việt Nam(1).

Đội ngũ chức sắc, chức việc các tôn giáo phần lớn được đào tạo bài bản, có uy tín, ảnh hưởng cao trong cộng đồng tín đồ:

Nhìn chung, số đông chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo ở Việt Nam được đào tạo khá căn bản, là những người có tri thức, uy tín và tầm ảnh hưởng lớn, đặc biệt trong cộng đồng các tín đồ. Viết về vấn đề này, Nguyễn Thanh Xuân nhận xét: “Số đông chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo đã vượt qua sự khác nhau giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội là sự khác nhau giữa hữu thần và vô thần, để tìm đến sự tương đồng là tinh thần dân tộc và chủ nghĩa nhân văn. Chính lực lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành này đã góp phàn a quan trọng đưa các hoạt động tôn giáo theo đường hướng tiến bộ, gắn bó với dân tộc, đất nước” [11, tr. 240-241].

Việt Nam hiện có hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc, là những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp. Họ phần lớn đều là những người có trình độ, phẩm hạnh, uy tín.  Các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia là thành viên các tổ chức chính trị – xã hội, hứng khởi đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Điển hình như: Số chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tiêu biểu các tôn giáo tham gia ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2019 – 2024: tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh đến nay là 744 vị (chức sắc, chức việc, nhà tu hành là 582 vị, tín đồ là 162 vị); Ở cấp huyện: Tổng số chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện là 4.255 vị (chức sắc, chức việc, nhà tu hành là 2953 vị, tín đồ là 1302 vị); Ở cấp xã: Tổng số chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã là 28.015 vị (chức sắc, chức việc, nhà tu hành là 13.229 vị, tín đồ là 14.786 vị). chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 – 2021 chức sắc là 7 vị, Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026: chức sắc 5 vị; trúng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 là: chức sắc là 87 vị.  

Thời gian qua, chức sắc, nhà tu hành và trí thức, những người tiêu biểu trong các tôn giáo tham gia làm thành viên, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp, là đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị – xã hội, tham gia nòng cốt phong trào là các tổ chức yêu nước, như: Hội Đoàn kết Sư sãi, Ủy ban Đoàn kết Công giáo, Ban Quy ước các Phái đạo Cao Đài… coi đó là những nhân tố nòng cốt để vận động, đoàn kết các tôn giáo. Đội ngũ này đã phát huy vai trò của mình. Thực tế cho thấy, ở đâu vai trò của các vị chức sắc là đại biểu dân cử, tham gia hệ thống Mặt trận được phát huy, ở đó sinh hoạt tôn giáo ổn định; quan hệ giữa chức sắc, tổ chức tôn giáo với hệ thống chính trị cởi mở, gần gũi; nhiều phong trào thi đua yêu nước được đông đảo chức sắc, đồng bào tôn giáo hưởng ứng và tham gia tích cực, tạo môi trường xã hội lành mạnh trong vùng đồng bào có đạo, vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo mình; tham gia các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ cùng cấp ủy, chính quyền cải thiện và nâng cao đời sống của bộ phận đồng bào; vận động nhân dân từ bỏ các hủ tục, thói quen lạc hậu; động viên nhân dân không theo các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo phản văn hóa, cực đoan, hoặc không tham gia hoạt động của một số tổ chức bất hợp pháp; ngăn chặn việc lợi dụng, kích động, chia rẽ của các thế lực xấu; phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; giúp nhau giảm nghèo, xây dựng và củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng sự tin tường và tình đoàn kết gắn bó các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.

2.3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát huy nguồn nhân lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Từ sự phân tích ở trên cho thấy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo sẽ giúp chúng ta nhận diện được nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam nói chung, nguồn nhân lực tôn giáo nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Đây là nguồn lực to lớn nếu có thể phát huy được sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Để làm được điều đó cần tiếp tục tập trung:

Làm tốt công tác vận động, động viên tín đồ các tôn giáo tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam định hướng nhiệm vụ công tác tôn giáo trong thời gian tới là: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trọng tâm của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Công tác vận động quần chúng là công tác đối với con người, không đơn thuần là công tác tuyên truyền, giáo dục mà còn là công tác tập hợp quần chúng tín đồ các tôn giáo trong các tổ chức đoàn thể, công tác xây dựng lực lượng tiêu biểu, tiến bộ trong tín đồ các tôn giáo, công tác đối với chức sắc, nhà tu hành, các nhân sĩ trí thức trong các tôn giáo. Công tác vận động quần chúng các tôn giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào theo tôn giáo.

Quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào tín đồ các tôn giáo: Trong bối cảnh lịch sử cụ thể, để giải quyết có hiệu quả vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, cần quan tâm, chăm lo đến phần đời và phần đạo của quần chúng tín đồ các tôn giáo. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: Các cấp uỷ phải thật quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào Công giáo, lo cho đồng bào tín đồ các tôn giáo được “no ấm phần xác, thong dong phần hồn”. Vận dụng quan điểm đó, Đảng và Nhà nước luôn coi việc chăm lo cuộc sống cho đồng bào có đạo là trách nhiệm, nghĩa vụ và truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay cần tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào tín đồ các tôn giáo nói riêng, đặc biệt đối với vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số là giải pháp tích cực, có tính quyết định. Tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo thực hiện các sinh hoạt tôn giáo thuần túy, khuyến khích những sinh hoạt tôn giáo phù hợp với nếp sống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của xã hội, đúng với pháp luật hiện hành.

Tăng cường công tác vận động, tranh thủ hàng ngũ chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo: Như đã phân tích ở trên, hàng ngũ chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo ở Việt Nam khá đông đảo, họ là những người có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng tín đồ.Tranh thủ chức sắc, người có uy tín còn để nắm các vấn đề, vụ việc nổi được dư luận quan tâm; các mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân chưa được giải quyết, những sơ hở, thiếu sót của chính quyền trong thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo. vận động, phát huy vai trò người có uy tín thực hiện tốt các cuộc vận động và các phong trào cách mạng khác tại địa phương. Mặt khác, chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người có uy tín, chức sắc tôn giáo, không để nảy sinh tiêu cực hoặc bị kẻ địch lợi dụng kích động, lôi kéo tham gia vào các hoạt động chống phá… Họ chính là người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân nói chung, của đồng bào theo tôn giáo nói riêng. Trên tinh thần đấy, từ năm 2016 đến năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã 3 lần gặp mặt, biểu dương các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo tiêu biểu có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các chức sắc, nhà tu hành tôn giáo góp phần thúc đẩy tôn giáo ngày càng đồng hành, gắn bó với đất nước. Việc làm này cần tiếp tục được duy trì, phát huy.

3. Kết luận

Hiện nay, cả nước có hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số). Nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian qua, tín đồ các tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Để tôn giáo luôn “đồng hành cùng dân tộc”, có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa thì việc phát huy hiệu quả nguồn lực tôn giáo, trong đó có nguồn lực con người là một trong những nội dung quan trọng.

Chú thích:

(1) Theo số liệu tổng hợp từ Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố hiện nay có: Tổng số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia cơ sở khám, chữa bệnh: 13.027 người. Tổng số cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế của tôn giáo là 283 cơ sở. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở phòng khám chuyên khoa:  1.512.727 lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở Phòng chuẩn trị Y học Y học cổ truyền của tôn giáo khoảng  14.233.253 lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở bệnh xá của tôn giáo: 179.025 lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở khác: 7.577.602 lượt người. Tổng giá trị các hoạt động của tôn giáo hỗ trợ, ủng hộ trong lĩnh vực y tế trong 5 năm qua của tôn giáo trong lĩnh vực y tế: 6.890,873 tỷ đồng. Tổng giá trị các hoạt động của tôn giáo hỗ trợ, ủng hộ trong lĩnh vực y tế trong năm 2017 là  8.204.926 tỷ đồng. Kết quả tôn giáo tham gia ủng hộ các chương trình y tế của địa phương 5 năm qua là 3.075,077 tỷ đồng. Kết quả tôn giáo tham gia ủng hộ các chương trình y tế của địa phương năm 2017 là 1.574,212 tỷ đồng. Kết quả tôn giáo tham gia hoặc ủng hộ khám chữa bệnh, phòng thuốc lưu động trong 5 năm qua: 2.480,560 tỷ đồng.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Báo Cứu Quốc, ngày 8/1/1946

2. Báo Nhân dân, ngày 16-20/10/1953

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc Gia Sự Thật, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội.

5. Nguyễn Đức Lữ (chủ biên, 2008): Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.

6. NXB. Chính trị Quốc gia (1993): Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3, Hà Nội.

7. Hồ Chí Minh (1995): Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8. Hồ Chí Minh (1996): Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

10. NXB. Khoa học Xã hội (1998): Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng, Hà Nội.

11. Nguyễn Thanh Xuân (2000): Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

Bài liên quan

Bài đăng mới