VẤN ĐỀ NỮ TRONG MỘT SỐ TRÀO LƯU THẦN HỌC VÀ TÔN GIÁO HIỆN ĐẠI

TS. Nguyễn Thị Như

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Mở đầu

Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của phụ nữ trong các truyền thống tôn giáo thường bị giới hạn bởi những khuôn mẫu xã hội và diễn giải thần học mang tính gia trưởng. Từ Kitô giáo, Hồi giáo đến Phật giáo hay Do Thái giáo, phụ nữ phần lớn bị xem là đối tượng thụ động trong đời sống tôn giáo, hiếm khi được công nhận như một chủ thể tích cực có khả năng kiến tạo đức tin. Sự thiếu vắng tiếng nói và kinh nghiệm của phụ nữ trong diễn ngôn tôn giáo không chỉ là một biểu hiện của bất bình đẳng giới, mà còn cho thấy những giới hạn trong tư duy thần học truyền thống.

Tuy nhiên, kể từ giữa thế kỷ XX, trong bối cảnh xã hội có nhiều chuyển biến sâu sắc, nhiều trào lưu thần học mới đã xuất hiện nhằm phản tỉnh các cấu trúc quyền lực trong tôn giáo. Sự nổi lên của phong trào nữ quyền, phong trào nhân quyền, dân quyền, và đặc biệt là thần học giải phóng tại Mỹ Latinh đã tạo điều kiện cho các trào lưu thần học đặt lại vấn đề nữ giới một cách có hệ thống. Thần học nữ quyền hình thành từ các phong trào xã hội và lý thuyết phê phán tại phương Tây; thần học hậu thực dân xuất phát từ kinh nghiệm của các dân tộc từng bị đô hộ; thần học Mujerista và Womanist phản ánh kinh nghiệm giao cắt giữa giới, chủng tộc và giai cấp của phụ nữ Latina và phụ nữ da đen tại Mỹ. Những trào lưu này ra đời không chỉ phản ánh nhu cầu cấp thiết phải sửa chữa những bất công giới tính tồn tại trong truyền thống, mà còn góp phần mở rộng nền tảng tri thức thần học bằng cách đưa vào đó sự đa dạng về văn hóa, bản sắc và kinh nghiệm sống.

Thông qua phương pháp phân tích văn bản và tiếp cận liên ngành (liên kết giữa thần học, xã hội học, nghiên cứu giới và tôn giáo học), bài viết này sẽ khảo sát cách các trào lưu thần học và tôn giáo hiện đại tiếp cận vấn đề nữ giới, đặc biệt tập trung vào thần học nữ quyền, Mujerista, Womanist và các diễn ngôn nữ quyền trong Hồi giáo, Phật giáo và Do Thái giáo. Qua đó, bài viết đề xuất nhìn nhận nữ giới không chỉ như đối tượng được giải phóng mà còn là chủ thể tích cực tham gia vào việc xây dựng và định hình đời sống đức tin.

2. Thần học nữ quyền

Thần học nữ quyền (feminist theology) hình thành vào nửa sau thế kỷ XX, gắn liền với phong trào nữ quyền làn song thứ 2 (Second-wave feminism), đặc biệt mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Thần học nữ quyền là một trong những trào lưu nổi bật nhất đề cập trực tiếp đến vấn đề nữ trong tôn giáo. Thần học nữ quyền chất vấn cấu trúc gia trưởng của các truyền thống thần học phương Tây.

Các nhà thần học nữ quyền như R. R. Ruether, E. S. Fiorenza đã chỉ ra rằng, truyền thống thần học lâu đời thường được xây dựng trên nền tảng của sự độc quyền nam giới trong diễn giải và thực hành đức tin. Họ đặt câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa thường được miêu tả dưới hình ảnh nam giới? Tại sao phụ nữ không được làm linh mục hay không có quyền lãnh đạo trong Giáo hội? Từ đó, thần học nữ quyền không chỉ đòi hỏi sự công bằng về mặt chức vụ, mà còn kêu gọi một cuộc “giải cấu trúc” toàn diện các mô hình thần học mang tính phân biệt giới.

Ruether cho rằng thần học đã bị chi phối bởi mô hình quyền lực nam giới, và do đó cần “một thần học của phụ nữ cho phụ nữ”. Ngôn ngữ thần học cần phải phản ánh thực tại của cả hai giới [9]. Còn Fiorenza đề xuất “khôi phục lại lịch sử khởi đầu của Kitô giáo cho phụ nữ” [3, tr. xx]. Bà thực hiện dự án này vì các tác giả của các văn bản Kinh Thánh theo chế độ gia trưởng, người biên soạn, người đọc và dịch giả trong quá khứ và hiện tại, cũng như nhà thờ và học viện đã cho phép gạt phụ nữ ra ngoài lề xã hội nói chung. Do đó, Fiorenza tìm cách phát triển một mô hình nữ quyền cho phép bà khôi phục lại lịch sử Kitô giáo như lịch sử của phụ nữ và đặt họ vào trung tâm của phong trào truyền giáo của nhà thờ sơ khai, không phải là những người phụ thuộc mà là những đối tác bình đẳng. Theo bà, “phụ nữ và đàn ông là con cái của Chúa, là những người thánh thiện, là cộng đồng tín hữu mà giữa họ Chúa Thánh Thần ngự trị. Các ranh giới ở đây không được vạch ra giữa phụ nữ và đàn ông (…) mà là giữa những người tin và những người không tin” [3, tr. 196].

Thần học nữ quyền từ một trào lưu mang tính phản kháng, ngày nay, đã phát triển thành một trường phái học thuật có ảnh hưởng toàn cầu, góp phần làm phong phú và nhân bản hóa nền thần học hiện đại. Quan trọng hơn, nó mở ra một xu hướng thần học xuất phát từ đời sống của những người từng bị loại trừ khỏi trung tâm quyền lực – đặc biệt là phụ nữ.

3. Thần học hậu thực dân

Bên cạnh thần học nữ quyền phương Tây, thần học hậu thực dân (postcolonial theology) cũng có những đóng góp đáng kể trong việc phân tích vấn đề nữ, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia từng bị thực dân hóa. Các nhà thần học nữ hậu thực dân đã đóng vai trò then chốt trong việc chỉ ra sự giao cắt giữa áp bức giới tính và áp bức thực dân.

Musa W. Dube đã sử dụng phương pháp gọi là “phê bình Kinh Thánh hậu thực dân nữ quyền” (postcolonial feminist biblical criticism). Bà phản ánh rằng, Kinh Thánh từng được sử dụng như công cụ phục vụ thực dân, đi kèm với việc xóa bỏ ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng bản địa. Nhiều văn bản Kinh Thánh mang tính gia trưởng, loại trừ tiếng nói và thân thể của phụ nữ – đặc biệt là phụ nữ bản địa, da màu, nghèo khổ [2]. Dube nói rằng mục tiêu của bà là “xét đến vai trò của Kinh Thánh trong việc tạo điều kiện cho chủ nghĩa đế quốc, chúng ta nên đọc Kinh Thánh như thế nào với tư cách là những chủ thể hậu thực dân?” [2, tr. 4]. Theo bà, người đọc cần nhận diện những diễn ngôn mang tính thực dân và gia trưởng trong Kinh Thánh để từ đó phục hồi tiếng nói bị che lấp – đặc biệt là của phụ nữ bản địa. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của câu chuyện truyền miệng, truyền thống dân gian, và thân thể nữ giới như những nguồn xây dựng thần học thay thế cho các hệ thống thần học áp đặt từ bên ngoài.

Trong khi đó, Kwok Pui-lan – một học giả người Hồng Kông – đã khai triển một mô hình thần học hậu thực dân nữ quyền phương Đông. Kwok khẳng định phụ nữ Á Đông vốn bị đè nén bởi cả đế quốc, Nho giáo và cấu trúc tôn giáo phương Tây. Bà cho rằng thần học châu Á không thể tiếp tục sao chép mô hình thần học phương Tây, mà cần được xây dựng từ nền tảng văn hóa, triết học và tôn giáo bản địa. Trong tác phẩm Postcolonial Imagination and Feminist Theology (2005), Kwok nhấn mạnh việc “khôi phục trí tưởng tượng hậu thực dân” để làm giàu cho thần học nữ quyền. Bà dùng khái niệm “postcolonial imagination” (trí tưởng tượng hậu thực dân) để chỉ khả năng vượt thoát khỏi mô hình thần học do thực dân và phương Tây áp đặt. Kwok khẳng định trong cuốn sách của mình “trí tưởng tượng hậu thực dân ám chỉ một mong muốn, một quyết tâm và một quá trình tách khỏi toàn bộ hội chứng thực dân” [6, tr. 5]. Trong nhiều thế kỷ, thần học (đặc biệt là Kitô giáo) tại các nước từng bị thực dân hóa chủ yếu được xây dựng bởi người châu Âu, áp dụng các tiêu chuẩn và biểu tượng tôn giáo xa lạ với bối cảnh bản địa. Theo bà, “khôi phục trí tưởng tượng hậu thực dân” là một hành vi sáng tạo, nơi phụ nữ không chỉ phê phán mà còn tái kiến tạo những hình ảnh về Thiên Chúa, cộng đồng đức tin và lịch sử từ các truyền thống văn hóa của mình. Kwok cho rằng thần học nữ quyền không nên dừng lại ở việc chỉ trích gia trưởng, thực dân, hay phân biệt giới, mà cần chủ động sáng tạo những hình thức đức tin mới, hình ảnh thần linh mới – phù hợp với bối cảnh văn hóa địa phương và thực tế sống của phụ nữ. Kwok kêu gọi tái kiến tạo thần học từ bên dưới. Thiên Chúa không còn mang hình ảnh nam giới da trắng phương Tây mà có thể được hình dung như một người mẹ, một vị thần gắn với đất đai, nước, sự sống, … – phù hợp với biểu tượng của các nền văn hóa Á – Phi. Cộng đồng đức tin không phải là nơi phụ nữ “vâng phục” mà là không gian của liên đới, chăm sóc, hợp tác – phản ánh các hình thức cộng đồng truyền thống trong xã hội hậu thực dân. Lịch sử không được viết bởi kẻ chiến thắng mà cần khôi phục ký ức của người bị đô hộ, bị gạt ra ngoài – đặc biệt là ký ức của phụ nữ bản địa, vốn bị câm lặng trong cả hệ thống chính trị lẫn tôn giáo.

Cả Dube và Kwok đều chia sẻ một quan điểm chung: thần học không thể tách rời chính trị và văn hóa. Để giải phóng phụ nữ trong các xã hội hậu thuộc địa, cần một thần học vừa mang tính phản biện vừa có năng lực kiến tạo. Giải pháp không chỉ là lên tiếng chống lại đàn áp, mà còn là xây dựng những ngôn ngữ, biểu tượng và thực hành mới, đưa ra những quan điểm mới về sự hiện diện và vai trò của phụ nữ trong cộng đồng đức tin. Họ đã đề xuất cách tiếp cận liên ngành giữa giới và hậu thực dân để phân tích thần học, coi trọng truyền thống địa phương, huyền thoại dân gian và kinh nghiệm của phụ nữ bản địa. Đây là một bước chuyển quan trọng, cho phép thần học nữ quyền bước ra khỏi giới hạn phương Tây.

4. Thần học Mujerista

Thần học Mujerista ra đời từ cuối những năm 1980 tại Hoa Kỳ, trong bối cảnh có sự giao thoa giữa ba dòng tư tưởng lớn: Thần học nữ quyền Tây phương (vốn bị phê phán là quá chú trọng đến trải nghiệm phụ nữ da trắng trung lưu, ít đề cập đến yếu tố sắc tộc và giai cấp); Thần học giải phóng Mỹ Latinh (nhấn mạnh giải phóng người nghèo khỏi bất công xã hội, nhưng thường bỏ qua yếu tố giới tính); Kinh nghiệm của phụ nữ Latina (phụ nữ nói tiếng Tây Ban Nha tại Mỹ, đa phần là người nhập cư, thuộc tầng lớp lao động, sống giữa hai nền văn hóa và bị kẹp giữa phân biệt chủng tộc, phân biệt giới và phân biệt giai cấp). Chính trong sự giao cắt đó, Ada María Isasi-Díaz, một học giả Công giáo người Cuba, đã khởi xướng và phát triển thuật ngữ “Mujerista Theology” như một lời đáp trả đầy chủ đích.

Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của Mujerista Theology là trao quyền cho phụ nữ Latina, bằng cách khẳng định rằng kinh nghiệm sống và thực hành đức tin của họ là một nguồn thần học hợp pháp [5, tr. 1]. Từ “mujerista” xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha mujer (nghĩa là “phụ nữ”), nhấn mạnh bản sắc văn hóa và giới tính gắn với người Latina. Khác với thần học nữ quyền thuần túy tập trung vào cải cách nhà thờ, Mujerista Theology đặt mình trong phong trào giải phóng toàn diện – từ bất công giới tính đến nghèo đói, từ kỳ thị sắc tộc đến khai thác lao động. Do đó, mục tiêu của nó không chỉ là đổi mới thần học, mà còn là biến đổi xã hội thông qua đức tin hành động. Mujerista không xây dựng thần học từ các giáo điều trừu tượng, mà xuất phát từ đời sống thường nhật của phụ nữ: công việc nội trợ, lao động chân tay, nuôi con, chịu đựng phân biệt đối xử. Rõ ràng là, thần học mujerista đã giữ vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh vì sự sống còn, sự tự khẳng định của phụ nữ Mỹ Latinh và phụ nữ trên toàn thế giới. Mục đích của thần học Mujerista còn là tái định nghĩa khái niệm “Giáo hội” và “cộng đoàn đức tin” như không gian của tình liên đới, của sự chia sẻ giữa những người bị gạt ra bên lề. Tôn giáo không còn là thể chế cai trị hay giảng dạy từ trên xuống, mà là mạng lưới các mối quan hệ công bằng, cùng nhau chữa lành và xây dựng niềm hy vọng.

Tóm lại, thần học Mujerista là một cách tiếp cận thần học nữ quyền mang tính liên văn hóa, xuất phát từ trải nghiệm cụ thể của phụ nữ Latina. Nó không chỉ nhắm tới cải cách tôn giáo mà còn kết nối chặt chẽ với đấu tranh xã hội. Đây là một minh chứng sinh động cho việc thần học có thể được kiến tạo từ “dưới lên”, từ chính tiếng nói và hành động của những người từng bị im lặng hóa.

5. Thần học Womanist

Thần học Womanist ra đời từ sự bất mãn với việc thần học nữ quyền da trắng thường bỏ qua trải nghiệm của phụ nữ da màu. Từ “Womanist” được lấy cảm hứng từ tác phẩm In Search of Our Mothers’ Gardens: Womanist Proce của Alice Walker (1983), chỉ những phụ nữ da đen mạnh mẽ, dũng cảm và trung thành với cộng đồng mình. Nhà thần học Womanist là Delores S. Williams cho rằng kinh nghiệm bị áp bức kép – vừa là người da đen vừa là phụ nữ – tạo nên một nền tảng riêng biệt cho thần học. Williams tái diễn giải các câu chuyện Kinh Thánh từ trải nghiệm của phụ nữ Phi Mỹ, ví dụ như câu chuyện Hagar được xem như hình tượng của người phụ nữ bị bỏ rơi nhưng vẫn kiên cường tồn tại [13].

Thần học Womanist không phải là chủ nghĩa nữ quyền, dù tên gọi là như thế, nó không nhấn mạnh bất cứ đặc quyền hay sự phân biệt giới tính nào, những vấn đề đó hòa nhập vào những hình thức áp bức, mà những người theo chủ nghĩa này chú ý đến. Về cơ bản sự tập trung của chủ nghĩa phụ nữ vào giới tính chỉ là điểm tựa, bởi phụ nữ da đen chịu sự phân biệt chủng tộc không chỉ do màu da, mà thêm vào đó còn do giới tính. Như vậy, thần học Womanist – cơ bản là thần học của nữ tín hữu Kitô giáo Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ, mà khởi đầu chỉ nêu vấn đề họ bị đè nén bởi nhà thờ và giáo xứ, bởi xã hội nói chung. Những phụ nữ Mỹ gốc Phi đã từng bị đối xử như những vật hiến tế dễ dàng của xã hội Mỹ, thân thể của họ thường bị bạo hành cả về tinh thần lẫn thể xác, và không có ai bị trừng trị trong những trường hợp đó. Dạng thần học phụ nữ này là kiểu phản tư phê phán đặc thù của những phụ nữ da đen trên toàn thế giới – Chúa tạo ra tất cả mọi sinh thể người đều theo hình ảnh và sự tương tự với mình. Tự do của phụ nữ Mỹ Latinh cuốn theo sự giải phóng tất cả các dân tộc, vì thần học Womanist đụng chạm đến những khái niệm như chủng tộc, giới tính, giai cấp, dị tính luyến ái, và thậm chí cả sinh thái học, trong khi chú ý đến các khía cạnh lịch sử của đời sống xã hội Mỹ gốc Phi [11, tr. 488 – 499].

Sự phát triển của thần học Womanist là sự tái thiết mới những tri thức đã có dựa trên nguồn phong phú phụ nữ Mỹ gốc Phi. Dần dần địa hạt của của thần học Womanist được mở rộng, giờ đây là cả ở những nước vùng biển Caribe, người Hà Lan và Brazin. Thần học Womanist không mất đi tính thời sự của mình cả khi nhân loại bước vào thế kỷ 21. Các nhà nghiên cứu đang phân tích chi tiết các bản văn và nhiều thứ không kém phần quan trọng khác cho phép dựng lại tình trạng của phụ nữ Mỹ gốc Phi trong phạm vi sự hình thành thần học nữ, cũng như chủng tộc, giai cấp, giới và tôn giáo có ảnh hưởng nào đến sự phát triển của các phong trào đó.

6. Những chuyển biến trong một số tôn giáo lớn

Trong một số tôn giáo lớn như Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo hay Do Thái giáo, mặc dù các quy tắc truyền thống vẫn chi phối mạnh mẽ đời sống tôn giáo, nhưng cũng xuất hiện những dấu hiệu thay đổi tích cực đối với phụ nữ.

6.1. Kitô giáo

Trong suốt phần lớn lịch sử Kitô giáo, vai trò lãnh đạo trong Giáo hội – đặc biệt là chức linh mục, giám mục – vốn bị giới hạn cho nam giới, dựa trên cách hiểu truyền thống về Kinh Thánh và lập luận thần học rằng Chúa Giêsu chỉ chọn các Tông đồ là nam. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, cùng với phong trào nữ quyền và thần học nữ quyền phát triển, nhiều hệ phái Kitô giáo bắt đầu xem xét lại vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, dẫn đến sự thay đổi sâu sắc nhưng không đồng đều giữa các truyền thống Kitô giáo.

Nhiều Giáo hội Tin lành đã truyền chức cho nữ giới và chấp nhận vai trò lãnh đạo của họ. Chẳng hạn, năm 1944, Florence Li Tim-Oi trở thành nữ linh mục đầu tiên trong Anh giáo; năm 2006, Katharine Jefferts Schori được bầu làm Giám mục tối cao của Giáo hội Episcopal (Anh giáo Hoa Kỳ). Lập luận thần học của các Giáo hội này thường dựa trên quan điểm rằng nam, nữ đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa [10] và các ân huệ của Thánh Thần không phân biệt giới tính (“không còn đàn ông hoặc đàn bà, vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một”) [10].

Trong khi đó, Giáo hội Công giáo vẫn giữ lập trường truyền thống không truyền chức linh mục cho phụ nữ, nhưng đồng thời phát triển nhiều vai trò mục vụ cho nữ tu và giáo dân nữ. Năm 2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã sửa đổi Bộ Giáo luật để chính thức cho phép phụ nữ đảm nhiệm các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ, vốn trước đây chỉ “tạm thời” hoặc “không chính thức” [8]. Phụ nữ cũng ngày càng được tham gia vào các hội đồng, bộ phận tham vấn trong Giáo triều, và trở thành cố vấn thần học, giáo sư thần học ở nhiều đại học Công giáo trên thế giới.

Sự chuyển biến trong Kitô giáo về vai trò của phụ nữ tuy không đồng đều giữa các hệ phái, nhưng nhìn chung là một xu hướng mở rộng: từ việc phụ nữ chỉ là người phục vụ, họ đã và đang trở thành người lãnh đạo, giảng dạy và kiến tạo đức tin. Đây là thành quả quan trọng của các phong trào nữ quyền Kitô giáo và một bước tiến cho công bằng giới trong tôn giáo hiện đại.

6.2. Hồi giáo

Các học giả như Amina Wadud (1999) và Fatima Mernissi (1991) đã kêu gọi “diễn giải lại Kinh Qur’an” theo hướng công bằng giới tính, dựa trên nguyên tắc “taqwa” (đức kính sợ Chúa) chứ không dựa trên giới tính sinh học. Trong nhiều thế kỷ, các diễn giải truyền thống về Kinh Qur’an và Hadith (lời nói và hành động của Nhà Tiên tri Muhammad) chủ yếu được thực hiện bởi nam học giả, trong những xã hội mang tính gia trưởng cao. Do đó, các quy định tôn giáo đôi khi phản ánh tư tưởng phân biệt giới hơn là ý định nguyên thủy của Thiên Chúa (Allah). Nhiều quy định được sử dụng để hạn chế vai trò của phụ nữ trong cầu nguyện, học hành, làm việc, tham chính, … nhưng lại không dựa trên nội dung rõ ràng trong Qur’an, mà từ diễn giải bảo thủ hoặc văn hóa xã hội thời đó. Wadud cho rằng Qur’an không hề phân biệt nam – nữ về giá trị đạo đức hay quyền tiếp cận Thiên Chúa, mà chỉ phân biệt dựa trên “taqwa” – tức là lòng kính sợ, vâng phục và sống theo giáo luật của Chúa [12]. Taqwa là tiêu chuẩn đánh giá con người trong Qur’an, không phải giới tính, dòng dõi hay địa vị xã hội. Vì vậy, việc áp đặt vai trò thấp kém cho phụ nữ là do con người diễn giải, chứ không phải do Thiên Chúa quy định. Còn Mernissi phân tích các Hadith bị bóp méo hoặc bị dùng sai để hợp thức hóa quyền lực nam giới, và kêu gọi tái diễn giải lịch sử Hồi giáo để phục hồi hình ảnh phụ nữ thời đầu đạo Hồi – vốn rất tích cực, độc lập và có ảnh hưởng lớn [7].

Như vậy, các học giả nữ quyền Hồi giáo không phủ nhận Kinh Qur’an, mà cho rằng cần đọc lại bản văn thiêng dưới ánh sáng công lý giới tính, công bằng và tinh thần nguyên thủy của Hồi giáo. Họ mong muốn đưa phụ nữ trở lại vị trí chủ thể trong đức tin, thay vì là đối tượng bị kiểm soát. Họ chú trọng rằng, cần phân biệt giữa lời Chúa và lời của con người, đặc biệt trong các luật lệ do xã hội nam quyền thời trung đại đặt ra. Cả Wadud và Mernissi đều cho rằng giới tính sinh học không phải là thước đo đạo đức trong Hồi giáo. Nguyên tắc cốt lõi trong mối quan hệ với Chúa là “taqwa” – lòng kính sợ và sống đúng đức tin. Do đó, phụ nữ có đầy đủ khả năng để tiếp cận đức tin, diễn giải tôn giáo và tham gia vào đời sống tâm linh – xã hội với tư cách bình đẳng.

6.3. Phật giáo

Trong thời Đức Phật, phụ nữ được phép xuất gia và trở thành Tỳ-kheo-ni, ngang hàng với Tỳ-kheo. Tuy nhiên, truyền thống Tỳ-kheo-ni dần mai một ở nhiều nước theo hệ phái Phật giáo nguyên thủy, phần vì chiến tranh, phần vì định kiến xã hội và văn hóa gia trưởng. Từ cuối thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của phong trào nữ quyền và làn sóng Phật giáo toàn cầu, nhiều phụ nữ Phật tử và học giả bắt đầu đặt lại vấn đề: Tại sao Phật giáo – một tôn giáo vốn được coi là từ bi và bình đẳng – lại không cho phép phụ nữ xuất gia chính thức? Việc không có Tỳ-kheo-ni có còn phù hợp trong bối cảnh xã hội hiện đại và bình đẳng giới? Rita M. Gross đã khảo sát cả vai trò của phụ nữ trong Phật giáo trong lịch sử và Phật giáo có thể trở thành gì trong tương lai hậu gia trưởng. Gross chứng minh rằng các giáo lý cốt lõi của Phật giáo thúc đẩy bình đẳng giới hơn là sự thống trị của nam giới, bất chấp các hoạt động thường phân biệt giới tính được tìm thấy trong các tổ chức Phật giáo trong suốt lịch sử [4]. Các học giả như Bhikkhu Bodhi, Ajahn Brahm, và Bhikkhunī Dhammananda ủng hộ mạnh mẽ việc phục hồi giới luật Tỳ-kheo-ni cho phụ nữ và lập luận rằng tinh thần nguyên thủy của giới luật là duy trì chính pháp, chứ không phải triệt tiêu quyền tu học của phụ nữ.

Tại Sri Lanka, năm 1998, một nhóm nữ giới đã được truyền giới Tỳ-kheo-ni tại Ấn Độ rồi mang dòng giới này trở lại nước mình. Tại Thái Lan, dù chưa được chính thức công nhận, nhiều phụ nữ Thái đã sang nước ngoài thọ giới và hình thành các cộng đồng Tỳ-kheo-ni độc lập. Ở Việt Nam, trong khi Phật giáo Bắc tông vẫn duy trì hệ thống Ni giới đầy đủ, thì Nam tông vẫn còn dè dặt với việc phục hồi Tỳ-kheo-ni đàn.

Việc phục hồi giới luật Tỳ-kheo-ni trong Phật giáo là một biểu hiện mạnh mẽ của sự chuyển biến thần học và xã hội trong tôn giáo hiện đại, phản ánh khát vọng công bằng giới và sự hồi sinh vai trò nữ giới trong đời sống tu hành. Mặc dù vẫn còn vấp phải những trở lực và thách thức, nhưng phong trào này đang lan rộng, và là một minh chứng cho khả năng thích nghi của Phật giáo với những giá trị nhân văn phổ quát trong thế kỷ XXI.

6.4. Do Thái giáo

Do Thái giáo hiện đại có thể chia thành ba nhánh chính: Do Thái Chính thống, Do Thái Bảo thủ, và Do Thái Cải cách. Ba nhánh này có sự khác biệt trong việc nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong đời sống tôn giáo, đặc biệt là vấn đề phong chức Rabbi – tức là vị lãnh đạo tôn giáo và học giả chính thống trong cộng đồng Do Thái. Từ những năm 1970, các cộng đồng Do Thái Cải cách và Bảo thủ đã phong chức Rabbi cho phụ nữ. Năm 1972, bà Sally Priesand trở thành nữ Rabbi đầu tiên tại Hoa Kỳ, được phong chức bởi Hebrew Union College – trường đào tạo Rabbi của nhánh Cải cách. Nhánh này lập luận rằng Luật Halakha cần được tái diễn giải phù hợp với thời đại; tinh thần cốt lõi của Torah là công bằng, nhân văn, và phụ nữ là hình ảnh thiêng liêng của Thiên Chúa như nam giới (theo Sáng-thế ký 1:27). Rachel Adler cho rằng Halakha cần được tái cấu trúc để phản ánh trải nghiệm và đạo đức của phụ nữ [1]. Nhánh Do Thái Bảo thủ chấp nhận truyền thống, nhưng sẵn sàng mở rộng vai trò nữ giới nếu không trái với tinh thần Halakha cốt lõi. Nhánh này ban đầu bảo thủ hơn, nhưng từ thập niên 1980, các học viện như Jewish Theological Seminary (Mỹ) bắt đầu truyền chức cho phụ nữ. Ngày nay, nhiều phụ nữ là Rabbi trong các hội đường Bảo thủ, mặc dù một số cộng đồng vẫn giới hạn một vài nghi lễ cụ thể. Trong khi đó, Do Thái Chính thống vẫn duy trì vai trò giới truyền thống, tiếp tục không phong chức Rabbi cho phụ nữ. Họ lập luận rằng truyền thống Halakha được truyền từ Thiên Chúa qua Moses, không thể thay đổi theo quan điểm xã hội; nữ giới có vai trò thiêng liêng riêng trong gia đình và cộng đồng, không cần thiết làm Rabbi.

Sự kiện các nhánh Cải cách và Bảo thủ phong chức Rabbi cho phụ nữ phản ánh nỗ lực hiện đại hóa Do Thái giáo, tạo điều kiện cho phụ nữ trở thành chủ thể đức tin, không chỉ là người tuân phục. Đồng thời, sự kiện này cũng mở ra cơ hội để phụ nữ tham gia vào lãnh đạo, giảng dạy, nghiên cứu tôn giáo sâu sắc – điều trước đây bị giới hạn.

7. Kết luận

Mặc dù đã có nhiều bước tiến, nhưng sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các tôn giáo vẫn gặp nhiều rào cản: từ các rào cản về giáo lý, cấu trúc tổ chức, đến định kiến văn hóa xã hội. Một số Giáo hội, đặc biệt trong truyền thống Công giáo, Do Thái Chính thống, vẫn giữ lập trường không truyền chức linh mục hay Rabbi cho phụ nữ. Họ lo ngại việc “nữ quyền hóa” tôn giáo sẽ làm xói mòn bản chất thiêng liêng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự hiện diện của các trào lưu thần học nữ quyền, hậu thực dân, … hay những nỗ lực cải cách trong nội bộ các tôn giáo đã mở ra nhiều không gian mới cho phụ nữ: từ quyền được phát ngôn, quyền lãnh đạo, đến quyền được hiểu và thực hành đức tin theo cách riêng. Vấn đề nữ trong thần học và tôn giáo hiện đại không chỉ là câu chuyện về giới, mà là một phần trong cuộc đấu tranh rộng lớn hơn cho công lý, nhân phẩm và phẩm giá con người, hướng đến xây dựng một thế giới công bằng và bao dung hơn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Adler, R. (1999). Engendering Judaism: An Inclusive Theology and Ethics (1999). Beacon Press.
  2. Dube, M. W. (2000). Postcolonial Feminist Interpretation of the Bible. Chalice Press.
  3. Fiorenza, E. S. (1983). In Memory of Her: A Feminist Theological Reconstruction of Christian Origins. Crossroad.
  4. Gross, R. M. (1992). Buddhism after Patriarchy: A Feminist History, Analysis, and Reconstruction of Buddhism. SUNY Press.
  5. Isasi-Díaz, A. M. (1996). Mujerista Theology: A Theology for the Twenty-First Century. Orbis Books.
  6. Kwok, P. (2005). Postcolonial Imagination and Feminist Theology. Westminster John Knox Press, tr. 5.
  7. Mernissi, F. (1991). The Veil and the Male Elite: A Feminist Interpretation of Women’s Rights in Islam. Perseus Books.
  8. Phanxicovn (2021). Quyết định của giáo hoàng về chức đọc sách và giúp lễ của phụ nữ: điều gì đã thực sự xảy ra? Marta An Nguyễn dịch. Truy cập lần cuối ngày 19/5/2025 tại: https://phanxico.vn/2021/03/19/quyet-dinh-cua-giao-hoang-ve-chuc-doc-sach-va-giup-le-cua-phu-nu-dieu-gi-da-thuc-su-xay-ra/.
  9. Ruether, R. R. (1983). Sexism and God-Talk: Toward a Feminist Theology. Beacon Press.
  10. Thánh Kinh Hội (1925). Kinh Thánh Tiếng Việt 1925. Truy cập lần cuối ngày 11/5/2025 tại: https://kinhthanh.httlvn.org/doc-kinh-thanh/sa/1?v=VI1934.
  11. Thomas, L. E. (1998). Womanist theology, epistemology, and a new anthropological paradigm. CrossCurrents Journal. p.488-499. Publisher: Association for Religion and Intellectual Life.
  12. Wadud, A. (1999). Qur’an and Woman: Rereading the Sacred Text from a Woman’s Perspective. Oxford University Press.
  13. Williams, D. S. (1993). Sisters in the Wilderness: The Challenge of Womanist God-Talk. Orbis Books.

Bài liên quan

Bài đăng mới