VAI TRÒ GIÁO DỤC CON CÁI CỦA GIA ĐÌNH VIỆT NAM

PGS.TS Nguyễn Thị Thọ

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

1. Gia đình và giáo dục gia đình

Gia đình là thiết chế lâu đời và bền vững, là tế bào của xã hội, tổ ấm thiêng liêng cả về vật chất và tinh thần đối với mỗi người. Trong tác phẩm Văn hóa gia đình Việt Nam, tác giả Vũ Ngọc Khánh cho rằng: Gia đình là “một tổ chức cơ sở gồm những người liên kết với nhau bằng huyết thống và tình nghĩa. Huyết thống thì đã rõ, nhưng tình nghĩa cũng rất quan trọng. Hai vợ chồng không chung huyết thống, chỉ vì tình, vì nghĩa gắn bó với nhau. Không có con đẻ, có thể nuôi con nuôi… Tổ chức ấy có mục đích thiêng liêng là xây dựng cho đất nước một cơ sở tổ ấm cả về vật chất và tinh thần. Tổ chức gia đình có nhiều chức năng, nhưng chức năng lớn nhất, thiêng liêng nhất là chức năng giáo dục… Tổ chức ấy có nhiệm vụ sản sinh và giữ gìn văn hoá dân tộc” [6, tr. 15].

Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, được hình thành từ quan hệ hôn nhân và huyết thống. Nói đến quan hệ huyết thống, đó là quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau. Gia đình gắn bó với mỗi người từ khi được sinh ra cho đến lúc trưởng thành và cả mãi về sau. Trong gia đình, mỗi người sống với nhau bằng tình cảm, tình nghĩa, yêu thương, chăm sóc; là nơi mà các thành viên cần thực hiện trách nhiệm và bổn phận của mình theo các quy phạm đạo đức: cha mẹ nhân từ với con cái; con cái hiếu thảo với cha mẹ; vợ chồng tình nghĩa, thủy chung; anh chị em hòa thuận, nhường nhịn; em thì kính anh, anh thì nhường em, cùng nhau xây dựng gia đình trở thành tổ ấm.

Thiết chế gia đình không chỉ có vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân, mà còn vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Bởi lẽ gia đình thực hiện chức năng tái sản xuất nguồn lực cho xã hội; không chỉ làm nhiệm vụ sinh ra con người về mặt sinh học, mà quan trọng gia đình là môi trường đầu tiên giáo dục con người trở thành con người về mặt xã hội, thành người tốt, người có ích cho xã hội. “Giáo dục gia đình là sự tác động có hệ thống của những thành viên lớn tuổi trong gia đình và toàn bộ nếp sống của gia đình tới các thành viên nói chung và đứa trẻ nói riêng. Nói cách khác, giáo dục gia đình là toàn bộ những tác động của gia đình đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trước hết là trẻ em” [10, tr. 147]. Giáo dục gia đình là một bộ phận của giáo dục xã hội diễn ra trong phạm vi gia đình. Giáo dục gia đình chủ yếu dựa vào lời nói, việc làm mẫu mực của cha mẹ. Tấm gương lao động, làm việc chân chính, ăn ở có nghĩa có tình trong gia đình, với bạn bè, người thân, bà con hàng xóm; thái độ tôn trọng mọi người, tôn trọng pháp luật, bảo vệ của công… của cha mẹ là những bài học thực tiễn cụ thể, dễ hiểu, con cái cảm nhận được hàng ngày, in vào tâm trí chúng từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành, “mưa dầm thấm sâu” thúc đẩy chúng làm theo một cách tự giác, nhẹ nhàng như một chân lý không cần bàn cãi. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Gia đình với vai trò là thiết chế xã hội đầu tiên chịu trách nhiệm với việc xã hội hóa trẻ em, truyền thụ những giá trị văn hóa và xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua đó, các giá trị này được bảo tồn và phát huy’’ [1, tr. 90].

Gia đình, nhà trường, xã hội là ba môi trường giữ vai trò chủ đạo trong hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người, trong đó gia đình đóng vai trò là nền tảng của giáo dục nhà trường và xã hội. Quá trình xã hội hóa cá nhân được bắt đầu từ gia đình. Sự không quan tâm, lơ là, xem nhẹ, bỏ mặc của gia đình trong việc giáo dục con cái, đứa trẻ lớn lên thiếu hụt phần giáo dục quan trọng từ gia đình sẽ dễ hư hỏng và khó thành công hơn trong cuộc sống, tạo ra những nguy cơ bất ổn cho sự phát triển của xã hội. Masaru Ibuka – người đồng sáng lập tập đoàn Sony từng khẳng định: “Những mầm non này có phát triển thành những cây tốt, nở ra những bông hoa đẹp hay không phụ thuộc chính vào cách giáo dục và môi trường sống mà bạn tạo nên cho trẻ” [7, tr. 60].

2. Giáo dục con cái trong gia đình Việt Nam truyền thống

Trong xã hội Việt Nam truyền thống hay hiện đại, thì gia đình vẫn luôn là thiết chế đầu tiên có chức năng giáo dục con người. Thiết chế gia đình thực hiện nhiều chức năng, như: chức năng tái sản xuất ra con người, chức năng kinh tế, chức năng giáo dục…; nhưng trong đó chức năng lớn nhất, quan trọng nhất là chức năng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức.

Từ thuở lọt lòng cho đến suốt cuộc đời, mỗi thành viên của gia đình được nuôi dưỡng, chăm sóc để trở thành người con của gia đình, người công dân của xã hội, lao động cống hiến, hưởng thụ, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Sự bình yên, ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách, bảo đảm đạt hiệu quả cho các hoạt động lao động của xã hội. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên, được dạy bảo cẩn thận từ trong gia đình với những điều hay, lẽ phải, đạo lý ở đời và làm người; thì khi lớn lên, bước ra đời sống xã hội sẽ dễ trở thành những con người biết đoàn kết, yêu thương, thấu hiểu, sẻ chia.

Trong gia đình truyền thống, những bài học đạo đức đầu tiên mà ông bà, cha mẹ truyền thụ cho con cái là giáo dục nền nếp gia phong, gia lễ… là dạy con về công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy; về tình yêu quê hương đất nước; giáo dục sự kính trọng, lòng biết ơn.

Khi trẻ em đã đến tuổi tới trường và thậm chí, ngay cả khi đã đi làm, đã tham gia vào các quan hệ xã hội với các hoạt động xã hội rộng lớn, thì giáo dục gia đình vẫn có ý nghĩa to lớn. Mặc dù không bài bản và có hệ thống, chuyên sâu như giáo dục nhà trường, nhưng giáo dục gia đình lại có ưu thế riêng mà không một thiết chế nào có được. Tính thường xuyên là một đặc trưng của giáo dục gia đình. Những tri thức về cuộc sống mà gia đình giáo dục cho con cái là những tri thức có tính thường nhật; chúng được lặp đi lặp lại hàng ngày, thấm dần một cách tự nhiên vào tâm hồn và trí tuệ mỗi người từ khi còn thơ bé cho đến lúc trưởng thành. Tính cụ thể, sinh động cũng là điểm mạnh của giáo dục gia đình. Thông qua những tình huống cụ thể, những quan hệ cụ thể trong cuộc sống gia đình và xã hội, ông bà, cha mẹ, anh chị sẽ dạy bảo hướng dẫn cho con trẻ cách ứng xử cùng bổn phận đối với gia đình, họ hàng, làng xóm và cộng đồng xã hội những đạo lý, nhân nghĩa, phải trái, đúng sai để ở đời và làm người. Cùng với những điều đó, giáo dục gia đình còn nổi bật ở tính gương mẫu, giáo dục gia đình không thiên về thuyết giáo mà thiên về nêu gương. Bằng chính những hành vi, hành động cụ thể; bằng cách cư xử có phép tắc, lễ nghĩa; những ứng xử hợp tình, hợp lý của mình, ông bà, cha mẹ, anh chị sẽ làm gương cho con em noi theo. Những tấm gương đạo đức của người lớn trong gia đình sẽ là hành trang quan trọng của mỗi người để bước vào cuộc sống, vì thế đòi hỏi “người giáo dục cũng phải tự giáo dục” để hoàn thiện mình.

Những nghiên cứu của các nhà tâm lý học và giáo dục học cho rằng trong những năm đầu của cuộc đời, hệ thần kinh của trẻ là mềm mại hơn cả nên th­ường rất dễ hình thành những phản xạ có điều kiện, tức là những nét cơ bản của cá tính, những thói quen nhất định. Trên cơ sở đó những phẩm chất tâm lý, những yếu tố nhân cách con ngư­ời dần dần đ­ược định hình. Vì vậy, sự quan tâm dạy bảo, nắm bắt xu hướng, uốn nắn, định hướng của gia đình, đặc biệt là những người làm cha, làm mẹ là hết sức cần thiết, là khởi nguồn cho sự trưởng thành về sau.

 Gia đình truyền thống thường là gia đình được tổ chức với quy mô lớn “tam, tứ, ngũ đại đồng đường” và rất chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cho con cái, coi đây như là trách nhiệm, bổn phận của gia đình. Gia đình truyền thống thường giáo dục con cái biết kính trên nhường dưới, lấy chữ hiếu làm đầu, kính trọng ông bà, cha mẹ, thờ phụng tổ tiên. Chữ hiếu được xếp đứng đầu trăm nết của con người. “Điều hiếu đứng vững/ Muôn điều thiện theo/ Phúc thiện đúng đạo/ Phúc lành được gieo” (Xuân Đình gia huấn). Trong gia đình truyền thống, mọi người thường xem đạo hiếu là gốc rễ của việc dạy đạo lý, gia phong. Gia huấn thường răn dạy con cái ghi lòng tạc dạ công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, làm con có hiếu phải nối được nghiệp nhà, làm rạng rỡ tổ tông. Gia đình truyền thống dạy con cái phải biết yêu thương nhau, hòa thuận, sẻ chia, đùm bọc, cưu mang. Anh em hòa thuận cũng chính là một phần thực hiện chữ hiếu, làm cho cha mẹ vui lòng. Gia huấn ca dạy rằng: “Lại phải tường trong đạo chị em/ Đạo chị thì ở trông lên/ Đạo em trông xuống cho êm đẹp chiều/ Miếng bùi ngọt chia đều như một/ Khi nắng mưa ấm sốt đỡ tay/ Với nhau như bát nước đầy/ Lá lành đùm bọc bóng cây rườm rà” [9, tr. 17-18].

Mô hình gia đình Việt Nam truyền thống lý tưởng là: gia đình đông con nhiều cháu, mọi người ăn ở hoà thuận, trên dưới có nền nếp, lễ nghĩa được tôn trọng. Trong việc giáo dục hình thành nhân cách trẻ em, không phải cá nhân, lợi ích cá nhân, cá tính con người được đề cao; mà lợi ích của gia đình, dòng họ là yếu tố hàng đầu. Mỗi thành viên trong gia đình, gia tộc có trách nhiệm giữ gìn danh giá, làm vẻ vang gia đình, dòng họ, gìn giữ lề thói, nền nếp ông cha để lại, không được làm trái đạo ảnh hưởng đến thanh danh gia đình. Những người có lòng vì gia tộc được coi là người hiếu đễ, đáng kính, đáng mến. Trong gia đình truyền thống, việc giáo dục với nam giới và nữ giới cũng mang nội dung khác nhau. Nam giới được quan tâm giáo dục đặc biệt về mặt đạo lý, luân th­ường, nam giới phải có những phẩm chất đạo đức như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; còn nữ giới được giáo dục theo tam tòng, tứ đức, đòi hỏi sự ngoan ngoãn, phục tùng…

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, gia đình Việt Nam truyền thống rất quan tâm đến việc giáo dục con cái, đặc biệt là giáo dục đạo đức, với những nội dung, chuẩn mực cụ thể thông qua các mối quan hệ. Đứng từ hiện tại để nhìn nhận thì có thể thấy rằng bên cạnh những mặt tích cực thì giáo dục trong gia đình truyền thống cũng có những hạn chế nhất định cần phải khắc phục. Song, với tinh thần kế thừa biện chứng thì hiện nay vẫn còn rất nhiều giá trị của giáo dục trong gia đình truyền thống chúng ta vẫn cần phải kế thừa, phát huy, phát triển.

3. Giáo dục con cái trong gia đình Việt Nam hiện nay

Cùng với sự vận động và phát triển của xã hội, thiết chế gia đình cũng có sự vận động, biến đổi theo trên nhiều phương diện, như quy mô, vai trò… vì thế nội dung giáo dục của gia đình cũng có sự thay đổi. Đặc biệt trong bối cảnh của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, bên cạnh những tác động và ảnh hưởng tích cực, gia đình và giáo dục gia đình cũng đứng trước những thách thức mới. Sự hấp dẫn của công nghệ thông tin, một mặt làm cho cuộc sống và tư duy của con người phát triển, nhưng mặt khác khiến mối quan tâm của các thành viên trong gia đình vào công nghệ thông tin ngày càng tăng, điều này đồng nghĩa với việc làm suy giảm thời gian dành cho gia đình, ảnh hưởng đến suy nghĩ của con người về hôn nhân, trách nhiệm làm cha, làm mẹ, đạo làm con, và tất yếu sẽ ảnh hưởng đến giáo dục gia đình. Vì vậy, giáo dục gia đình trong bối cảnh mới cần được quan tâm xem xét kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.

 Những nội dung giáo dục trong gia đình truyền thống nếu còn giá trị thì cần được kế thừa, phát huy trong điều kiện mới; nội dung nào không còn phù hợp thì cần thay đổi, cần bổ sung. Cần phải đến hiện đại từ truyền thống, “phải sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” [2, tr. 223]. Cần quán triệt quan điểm của Đảng: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” [1, tr. 77], gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc tạo môi trường tốt đẹp cho việc phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.

Giáo dục gia đình trong điều kiện hiện nay cần có sự tiếp nối, kế thừa các giá trị tốt đẹp trong giáo dục của gia đình Việt Nam truyền thống kết hợp với các giá trị hiện đại, để tạo ra những con người có đạo đức, có trách nhiệm công dân, sáng tạo và hội nhập. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)” [3, tr. 231-232].

Kế thừa những giá trị của truyền thống, ngày nay, giáo dục về nhân, nghĩa, trung, hiếu, lòng chung thuỷ, sự th­ương yêu, đùm bọc lẫn nhau, trên kính, dưới nhường vẫn là nội dung cơ bản của giáo dục đạo đức cho con cái, như­ng nó đã được l­ược bỏ phần cực đoan, hạn chế. Gia đình hiện nay cần giáo dục cho con cái tinh thần trách nhiệm, mà trước hết đó là trách nhiệm đối với bản thân, gia đình. Theo truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam thì trách nhiệm làm con phải hiếu thảo với cha mẹ, sống có nghĩa tình, các anh chị em trong nhà yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Từ ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình mà nâng lên thành trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, với Tổ quốc, với dân tộc. Giáo dục cho con cái truyền thống hiếu học cũng là một nội dung cần được quan tâm. “Học” ở đây không chỉ bó hẹp trong học văn hóa mà còn học hỏi nói chung, không chỉ học những cái hay, cái đẹp của mọi người trong gia đình, dòng họ mà còn luôn hướng tới học những cái hay, cái mới, cái tiến bộ ở ngoài xã hội, của nhân loại. Chính điều này làm cho tư duy của con người Việt Nam từ xưa đến nay luôn cởi mở, sống có tình, có nghĩa, biết người, biết ta. Ngoài việc kế thừa tinh thần trách nhiệm, đức tính ham học, giáo dục gia đình hiện nay còn phải kế thừa những giá trị đạo đức trong tình bạn, tình yêu, trong lối sống có “trật tự, kỷ cương, phép tắc, lễ nghĩa” của giáo dục gia đình truyền thống. Bên cạnh đó cần loại bỏ những nội dung không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội (như tạo ra những con người chấp hành, tuân thủ mệnh lệnh một cách thụ động, ít chủ động, sáng tạo tự lập).

Những giá trị đạo đức truyền thống như hòa thuận, chung thủy cũng cần được kế thừa và mang một nội dung mới, theo hướng phát huy quyền lợi, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, tạo sự bình đẳng trong các quan hệ gia đình, nhằm vào việc nâng cao giá trị mỗi con ng­ười, phát triển nhân cách con người. Ví dụ, tam tòng, tứ đức x­ưa kia đã tạo ra những ng­ười phụ nữ với những đức tính tuyệt vời: chung thuỷ, tận tụy, thuỳ mị, nết na, đảm đang…; nhưng lại là những người cam chịu, không có địa vị trong xã hội, tiếng nói của họ không được gia đình, xã hội coi trọng, họ bị thụ động, sai khiến. Giáo dục gia đình hiện nay đã giúp ng­ười phụ nữ thoát khỏi tam tòng, không thụ động, khẳng định tính độc lập của mình trong công việc và cuộc sống; công, dung, ngôn, hạnh cũng có cái nhìn mới hơn. Trong điều kiện của xã hội hiện đại, tự lập, tự chịu trách nhiệm là một trong những đức tính mà các gia đình cần quan tâm giáo dục cho con cái, giúp con biết tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Trong bức thư răn dạy con, cố Viện trưởng Viện Hành chính (Thủ tướng) Đài Loan Tôn Vận Tuyền cũng đã từng nhấn mạnh “Cha không thể bao bọc mãi cho con trên bước đường trưởng thành và càng không yêu cầu con phải phụng dưỡng ta trong nửa quãng đời còn lại. Con cần phải tự lập và đây là lúc cha đã làm tròn trách nhiệm của mình. Sau này cuộc sống của con ăn ngon mặc đẹp, lái xe sang hay sống kham khổ thì tự mình lo liệu” [4].

Trong điều kiện phát triển của xã hội hiện đại, thì việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, mà vai trò ấy trước tiên thuộc về gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, trong giáo dục trẻ em, giáo dục đạo đức phải là gốc, là nền tảng, cùng với đó là giáo dục tri thức và các nội dung khác. Nhấn mạnh mối quan hệ giữa đức và tài, giữa giáo dục đạo đức và giáo dục tri thức, trong Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên trại hè cấp I Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” [5, tr. 185].

Nhận thức được tầm quan trọng của gia đình, giáo dục gia đình, Đảng ta luôn quan tâm đến việc phát huy vai trò của gia đình, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo cơ sở nền tảng vững chắc cho việc xây dựng xã hội giàu mạnh, văn minh. “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” [3, tr. 262].

Vai trò quan trọng của gia đình trong giáo dục con cái là không thể phủ nhận, nhưng để giáo dục thành công một con người thì không phải nhiệm vụ của riêng gia đình, mà cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc giáo dục trẻ con. Nói chung các cháu đều ngoan. Nhưng vì giáo dục nhà trường không kết hợp chặt chẽ với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, cho nên trong giờ học thì cháu nào cũng ngoan, ngoài giờ học thì có một số vì nhàn rảnh và không ai săn sóc mà dễ sinh hư. Việc giáo dục trẻ con, mọi người đều phải đóng góp một phần” [5, t.13, tr. 28]. Trong bài “Nói chuyện tại hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc”, Hồ Chí Minh Người còn nhấn mạnh: “Giáo dục thiếu niên, nhi đồng là trách nhiệm của các cô, các chú, của gia đình, của nhà trường, của đoàn thể, của xã hội. Trẻ em trong như tấm gương, cái tốt dễ tiếp thu, cái xấu cũng dễ tiếp thu. Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt. Cho nên muốn giáo dục các cháu thành người tốt, nhà trường, đoàn thể, gia đình, xã hội đều phải kết hợp chặt chẽ với nhau” [5, t.9, tr. 331]. Nhận thức được tầm quan trọng của sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục con cái, kế thừa tư tưởng của Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã yêu cầu “gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình” [8].

Trong điều kiện hiện nay, để phát huy vai trò giáo dục con cái của gia đình, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Thứ nhất, Hiện thực hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình, xây dựng gia định, giáo dục gia đình trong điều kiện mới.

Thứ hai, cần có sự kế thừa biện chứng những nội dung giáo dục của gia đình truyền thống kết hợp với các giá trị hiện đại.

Thứ ba, Cần tuyên truyền, giáo dục để mỗi thành viên trong gia đình nhận thức được tầm quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình, tự giác điều chỉnh hành vi của mình trong các mối quan hệ theo các chuẩn mực đạo đức. Nhận thức được vị trí, vai trò của mình để thực hiện tốt trách nhiệm và bổn phận của mình trong gia đình.

Thứ tư, Mỗi bậc làm cha mẹ cần nhận thức sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong giáo dục con cái để dành nhiều thời gian quan tâm đến con không chỉ về vật chất mà cả tinh thần, không phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường và xã hội. Bản thân mỗi người con cũng cần nhận thức được vị trí, vai trò của mình trong gia đình để có trách nhiệm và bổn phận đóng góp sức mình vào xây dựng gia đình thực sự trở tổ ấm của mỗi người.

Thứ năm, Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, phát huy tốt ưu thế của mỗi thiết chế trong giáo dục thế hệ trẻ.

4. Kết luận

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, xã hội hóa, giáo dục một con người là cả một quá trình và thu hút mọi thành phần xã hội cùng tham gia, nhưng trước hết cần phải kể đến là vai trò của gia đình. Vì gia đình là môi sinh thường xuyên và tất yếu của mỗi con người. Trong gia đình, vai trò của cha mẹ là rất quan trọng. Điều này đã được nhà tư tưởng Ấn Độ – Krisnamurti khẳng định trong cuốn Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống. Theo ông, trong giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng, vai trò của người thầy và cha mẹ là vô cùng quan trọng, vì họ là những người vạch rõ con đường cho con em mình đi đến hạnh phúc và chân lý, “các bậc cha mẹ và nhà giáo dục bằng tư tưởng và phẩm hạnh của mình, có thể giúp đứa bé được tự do và làm nở hoa trong tình yêu và thiện tâm” [11, tr. 30] ông khẳng định: “vấn đề thực sự của giáo dục là nhà giáo dục”. Vì thế, vai trò của gia đình trong giáo dục con cái phải luôn được quan tâm, khó có một thiết chế nào có thể thay thế. Giáo dục gia đình có nội dung và hình thức hết sức phong phú, đa dạng; ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, nội dung và hình thức có thể có những điểm khác nhau, nhưng chung quy lại đều chung một mục đích là giáo dục con cái trở thành những con người vừa “tài” vừa “đức”, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có năng lực và phẩm chất tốt đẹp, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012): Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Tập 1, Hà Nội.

4. Giáo dục & Thời đại (08/02/2019): Bức thư răn dạy con của cố Thủ tướng Đài Loan Tôn Vận Tuyền được cả thế giới ngưỡng mộ.

5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.8, t.9, t.13, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Vũ Ngọc Khánh (2007), Văn hoá gia đình Việt Nam. Nxb. Thanh niên, Hà Nội.

7. Ibuka Masaru (Nguyễn Thị Thu dịch) (2015): Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn, Nxb. Văn học, Hà Nội.

 8. Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (2013): Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/doi-moi-can-ban-toan-dien-gd-va-dt.aspx?ItemID=3928

9. Nguyễn Trãi (1952), Gia huấn ca, Thi Nham Đinh Gia Thuyết đính chỉnh và chú thích, In lần thứ 4, Sách giáo khoa Tân Việt

10. Nguyễn Phương Thủy, Nguyễn Thị Thọ (2014), Gia đình và giáo dục gia đình, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, HN.

11. Jiddu Krishnamurti (2007), Giáo dục  và ý nghĩa cuộc sống, Nxb. Văn hóa Sài Gòn

Bài liên quan

Bài đăng mới