TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC NỮ QUYỀN PHÁP THẾ KỶ XX VÀ Ý NGHĨA HIỆN THỜI CỦA NÓ

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền & NCS. Ngô Bích Đào

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQGHN

1. Đặt vấn đề

Vấn đề về quyền phụ nữ và bình đẳng giới từ lâu đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng thế giới và vẫn là vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện đại. Phong trào nữ quyền xuất hiện từ đầu thế kỷ XX ở phương Tây, và đã trải qua quá trình phát triển lâu dài cho đến ngày nay. Tuy nhiên, tư tưởng về nữ giới và sự bình đẳng nam nữ đã xuất hiện từ rất sớm trong các học thuyết triết học thời cổ đại phương Tây. Trải qua quá trình phát triển lâu dài cùng với những thay đổi trong lịch sử, vấn đề nữ quyền chính thức được các nhà triết học đặc biệt quan tâm nghiên cứu và trở thành hạt nhân lý luận của phong trào nữ quyền phương Tây vào thế kỷ XX. Trong phong trào đó không thể không kể đến các nhà triết học nữ quyền Pháp, với những tên tuổi nổi bật như Simon Beauvoir, Luce Irigaray. Tư tưởng triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX, để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong lịch sử nữ quyền Pháp và thế giới. Việc quay trở lại với những tư tưởng triết học này, không chỉ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan về những giá trị tư tưởng của họ mà nó còn giữ nguyên ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi những bất bình đẳng giới vẫn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện đại.

2. Khái quát về sự ra đời tư tưởng triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX

Bước sang nửa đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản tây Âu bước sang giai đoạn phát triển mới gắn với hàng loạt các cuộc cách mạng công nghiệp. Cùng với sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất, thì mâu thuẫn giai cấp trong xã hội cũng ngày càng sâu sắc thêm. Hàng loạt phong trào đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản đã nổ ra ở cả Anh, Pháp, Đức. Ở Pháp, các cuộc đấu tranh đòi quyền bầu cử và các quyền khác của phụ nữ xuất hiện cùng với cuộc đấu tranh chung của giai cấp vô sản. Phụ nữ được quyền tự do hội họp, cũng như xuất bản các tác phẩm văn học, báo chí viết về phụ nữ. Tờ nhật báo nữ quyền đầu tiên được xuất bản (La Voix des Femmes) năm 1848, đến năm 1852, nhật báo bị đóng cửa do sự cấm đoán của chính quyền, cùng với sự phản đối của nhiều học giả nam mang tư tưởng bảo thủ lúc bấy giờ. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản đưa đến sự ra đời của Công xã Pari năm 1871, hình thức nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Mặc dù ngắn ngủi, nhưng trong thời gian tồn tại, Công xã cũng đưa ra được một số chính sách đảm bảo quyền công dân của phụ nữ. Vào thời điểm này, phụ nữ được quyền tổ chức các cuộc hội họp và diễn thuyết công khai, nhiều nhà hoạt động nữ quyền đã mạnh dạn đưa ra các quan điểm liên quan đến quyền của phụ nữ. Bên cạnh điều kiện kinh tế, xã hội, sự ra đời của tư tưởng triết học nữ quyền Pháp còn chịu sự tác động mạnh mẽ bởi điều kiện văn hóa thời kỳ Cận đại. Sự tồn tại bất bình đẳng giới trong xã hội Pháp chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi truyền thống văn hóa, trong đó có tôn giáo. Từ thời kỳ trung cổ, Ky tô giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống, chi phối đời sống tinh thần nước Pháp nói riêng và Tây Âu nói chung. Theo quan niệm của Ky tô giáo, phụ nữ sinh ra đã mang tội lỗi được thừa hưởng từ mẹ Eva, vậy nên trong nhận thức của nhiều người, phụ nữ không đáng tin cậy, thua kém về đạo đức, họ bị lệ thuộc vào cha, vào chồng. Phụ nữ không có quyền phát biểu hay bày tỏ chính kiến; phụ nữ chỉ được làm những công việc gia đình, không được tham gia vào các công việc xã hội. Những quan niệm này ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của các nhà cầm quyền và đại bộ phận dân chúng ở các quốc gia theo Ky tô giáo. Chính vì vậy, từ chính sách đến luật pháp của Pháp thời kỳ cận đại đều thể hiện sự bất bình đẳng giới nghiêm trọng. Trên cả lĩnh vực chính trị và tôn giáo ở Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu XX những định kiến về phụ nữ còn khá nặng nề, chính điều này thôi thúc các nhà nữ quyền tiếp tục cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng giới. Định kiến tôn giáo trong đời sống văn hóa Pháp có thể coi như một phản đề thôi thúc sự ra đời của tư tưởng triết học nữ quyền Pháp đầu thế kỷ XX. Sự chuyển biến sâu sắc của làn sóng nữ quyền Pháp thời kỳ này được đánh dấu bởi sự ra đời của tác phẩm Giới tính thứ hai (Le Deuxième Sexe) của Beauvoir (1949). 

Tư tưởng triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX ra đời trong bối cảnh văn hóa, xã hội Pháp và châu Âu với những quy định khắt khe với phụ nữ. Sự hình thành tư tưởng triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX còn là kết quả của sự đấu tranh bền bỉ của các nhà nữ quyền và những nhà tư tưởng tiến bộ Pháp. Ngoài ra, tư tưởng triết học nữ quyền thời kỳ này được hình thành trên cơ sở kế thừa, phê phán tư tưởng nữ quyền tiên phong trên thế giới. Có thể kể đến tư tưởng nữ quyền của Mary Wollstonecraft (1759 – 1797) với tác phẩm A Vindication of the Right of Women (1792); John Stuat Mill với tác phẩm The Subjection of Women (1869); Tư tưởng về nữ quyền xã hội chủ nghĩa của Charles Fourier…

Theo một cách phân chia thì tư tưởng triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX, thuộc làn sóng thứ hai của phong trào nữ quyền thế giới. Làn sóng thứ nhất, diễn ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ yếu tập trung đấu tranh giành quyền bầu cử và bình đẳng chính trị cho phụ nữ.

Làn sóng nữ quyền thứ hai diễn ra vào những năm 60-70 của thế kỷ XX. Do xuất hiện trong bối cảnh diễn ra các cuộc chiến tranh thế giới, kỳ thị, phân biệt chủng tộc, nên phong trào nữ quyền thời kỳ này nổi lên với những suy tư, mang tính học thuật nhiều hơn so với thời kỳ đầu. Đồng thời làn sóng nữ quyền không chỉ diễn ra ở cái nôi của cuộc đấu tranh nữ quyền châu Âu mà lan rộng sang các khu vực cả Á và Phi, vốn là thuộc địa của các nước đế quốc lúc bấy giờ. Dựa trên nền tảng thành quả đạt được từ làn sóng nữ quyền thứ nhất, phong trào nữ quyền lần này đã mở rộng phạm vi, phân tích sâu sắc hơn về tình trạng lệ thuộc của phụ nữ vào đàn ông, sự áp bức, bất công của đàn ông đối với phụ nữ trong nhiều mặt của đời sống xã hội, sự bất bình đẳng về giáo dục, việc bị loại trừ về mặt văn hóa, xã hội, sự phân biệt giới tính trong lao động, bất công trong việc trả lương, cũng như nhiều phương diện khác như: phá thai, tránh thai, gia đình…

2. Nội dung tư tưởng triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX

Nội dung này, bao gồm, trước hết là các quyền của phụ nữ. Thuật ngữ quyền phụ nữ dùng để chỉ quyền con người của phụ nữ, tuy nhiên, ở đây quyền con người của phụ nữ được xem xét thông qua lăng kính giới. Theo đó, quyền con người của phụ nữ bao gồm tất cả các quyền con người được hưởng và có thêm đặc quyền mang tính đặc thù của nữ giới. Từ quan niệm của các nhà nghiên cứu, có thể hiểu: Quyền con người của phụ nữ là những đặc quyền vốn có của một con người như nhân phẩm, nhu cầu, lợi ích, năng lực được thừa nhận bao gồm cả đặc thù giới và được bảo hộ bằng pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.

Xuất phát từ bối cảnh văn hóa xã hội Pháp và châu Âu lúc đó, các nhà triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX đưa ra các quyền của phụ nữ trên các phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, gia đình và các quyền riêng tư của phụ nữ. Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi đề cập đến quan niệm của các nhà triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX về một số quyền cơ bản như: Quyền tự do lao động; quyền tự do chính trị; quyền sinh con và quyền phá thai.

Một là, quyền tự do lao động

Quyền tự do lao động và có việc làm là một trong những quyền con người được các nhà triết học Khai sáng Pháp đề cập đến từ thế kỷ XVIII như một trong những biểu hiện cụ thể của quyền được sống đúng bản chất người của mình. Đối với các nhà Khai sáng Pháp thì quyền sống là quyền thiêng liêng của con người, muốn sống đúng bản chất người của mình thì ngoài quyền tự do, bình đẳng, con người có quyền được lao động, có việc làm. Tuy nhiên, thời kỳ đó các nhà triết học chỉ đề cập đến quyền con người nói chung mà chưa nói đến quyền đặc thù của phụ nữ. Trong quan niệm của Beauvoir, xem quyền tự do lao động cho phụ nữ chính là mấu chốt để đạt tới bình đẳng giới. Theo bà, chỉ có trong lao động, người phụ nữ mới có thể, trên một qui mô rộng lớn, xóa bỏ cái khoảng cách giữa mình với người nam; chỉ có lao động mới có thể đảm bảo sự tự do cụ thể của người nữ. Cái hệ thống dựa trên sự phụ thuộc của người nữ sẽ sụp đổ ngay sau khi người nữ không còn là kẻ ăn bám nữa; sẽ không còn có cái nhu cầu lấy người nam làm vật trung gian giữa người nữ và vũ trụ. Khi người nữ tham gia lao động sản xuất và hoạt động thì sẽ tìm được lại sự vượt lên chính mình; sẽ cảm nhận được trách nhiệm của mình đối với những mục đích mà mình theo đuổi, với đồng tiền và quyền lợi mà mình có được. Beauvoir cũng nhận thấy rằng, trong xã hội tư bản chủ nghĩa không thể đáp ứng yêu cầu tạo dựng mối quan hệ bình đẳng nam nữ, bà ủng hộ quan điểm xã hội chủ nghĩa và cho rằng, về phương diện lý thuyết, trong chủ nghĩa xã hội, bình đẳng giới mới được đảm bảo. Tuy nhiên, trên thực tế ở các nước xã hội chủ nghĩa, theo bà thu nhập của người lao động, đặc biệt lao động nữ vẫn chưa đảm bảo, quyền tự do của phụ nữ chưa đúng như trên phương diện lý thuyết “Hiện nay, những hệ quả ấy chưa hề diễn ra diễn ra ở bất kỳ đâu, ở Liên Xô, ở Pháp hay ở Mỹ; và chính vì vậy, người phụ nữ ngày nay bị giằng xé giữa quá khứ và tương lai” [2, t.2, tr. 317]. Beauvior cho rằng, quyền tự do lao động chính là cơ sở để người phụ nữ thực hiện được quyền bình đẳng giới của mình. Khi người phụ nữ tham gia vào quá trình lao động sản xuất và hoạt động sẽ tìm lại được sự vượt lên chính mình, sẽ cảm nhận được trách nhiệm của họ với mục đích mà họ đang theo đuổi. Người phụ nữ bị phụ thuộc nam giới và không có tiếng nói trong gia đình, xã hội cũng do nguyên nhân sâu xa về phương diện kinh tế, họ bị lệ thuộc. Tự do lao động chính là nền tảng để người phụ nữ trở nên tự chủ, tự mình thoát khỏi những ràng buộc định kiến giới của chính họ. Theo các nhà triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX thì quyền được đi làm với một công việc phù hợp ngoài xã hội là cách để những người phụ nữ được tự do là chính mình.

Hai là, quyền tự do chính trị

Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ còn thể hiện rõ nét trong lĩnh vực chính trị, dường như trong quan niệm chung của xã hội, công việc của phụ nữ là trong gia đình. Chính điều đó thể hiện sự bất bình đẳng giới đối với phụ nữ, điều này đã được Beauvoir chỉ rõ, không có sự công bằng giữa nam và nữ nếu phụ nữ không được tham gia vào việc ra quyết định và kiểm soát quyền lực xã hội.

Phụ nữ được tham gia vào những vị trí nhất định của nền chính trị – xã hội là một sự đảm bảo cho quyền tự do của phụ nữ. Quyền tự do chính trị của phụ nữ thể hiện trong việc công nhận quyền được bỏ phiếu, quyền tham chính, quyền được tiếp cận các dịch vụ giáo dục… Hơn nữa, các nhà triết học nữ quyền Pháp còn có đòi hỏi thay đổi từ trong bản chất của luật pháp. Theo đó, phụ nữ phải được trao quyền dân sự tương ứng với bản sắc công dân riêng biệt của họ tương đương với nam giới.

Nếu Beauvoir đòi hỏi quyền ngang bằng giữa nam và nữ thì Irigaray còn đặc biệt lưu ý đến sự đặc thù của nữ giới so với nam giới, để đảm bảo quyền công bằng trong chính trị cho phụ nữ. Bà đề xuất: “xác định những phương pháp khách quan để đảm bảo các quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể khác nhau” [3, tr. 10].

Theo các nhà triết học nữ quyền Pháp, để đảm bảo quyền tự do chính trị, thì phụ nữ cần được đảm bảo tiếp cận quyền giáo dục phù hợp xã hội hiện đại, thay vì nền giáo dục gia trưởng có tính chất định vị cho họ theo những chuẩn mực, giá trị định sẵn vốn đem đến sự bất bình đẳng giới. Việc đắm mình trong các giá trị định sẵn đó sẽ làm phụ nữ tự từ bỏ cơ hội và tước đi quyền tự do chính trị của mình.

Để thay đổi định kiến của xã hội và của chính phụ nữ, theo các nhà triết học nữ quyền Pháp cần thay đổi nhận thức cho xã hội và giới nữ thông qua việc cải cách nền giáo dục, hướng đến một nền giáo dục tự do. Quyền tự do giáo dục của phụ nữ còn chưa được đảm bảo sẽ là căn nguyên của bất bình đẳng nam nữ trên lĩnh vực chính trị – xã hội. Như vậy, theo các nhà triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX, một nền giáo dục tự do và thay đổi bản chất của luật pháp sẽ là những giải pháp căn cốt để đảm bảo quyền tự do chính trị của phụ nữ. Quyền tự do chính trị không chỉ dừng ở những đòi hỏi quyền được bỏ phiếu hay tham chính, quyền ngang bằng với nam giới mà còn hướng đến yếu tố đặc thù của giới nữ.

Ba là, quyền sinh con và quyền phá thai

Theo các nhà nữ quyền Pháp thế kỷ XX, quan niệm truyền thống về hôn nhân đã tạo ra rào cản đối với quyền bình đẳng của phụ nữ. Theo quan niệm truyền thống thì sự nghiệp chính của phụ nữ là kết hôn, sinh con, phục vụ gia đình. Thành bại của hôn nhân được coi như thước đo đánh giá giá trị của người phụ nữ. Thân phận người phụ nữ trong xã hội phương Tây bị lệ thuộc vào người chồng, người đàn ông về phương diện kinh tế, nên không thể phản đối uy quyền tuyệt đối của họ trong hôn nhân, trong sinh đẻ. Đối với đại bộ phận phụ nữ thì thiên chức làm vợ, làm mẹ được coi như giá trị cao nhất, hạnh phúc nhất của cuộc đời họ. Nhưng người phụ nữ lại chỉ được coi “như cái tử cung, một cái buồng trứng, một con cái” [2, t.1, tr. 11].

Theo Beauvoir, trải nghiệm việc mang thai và sinh con ở phụ nữ không hoàn toàn giống nhau, có người thì đây là một trải nghiệm khó chịu và đáng buồn, chính vì vậy, bà cho rằng, việc có sinh con hay không là quyền của người phụ nữ, họ được tự do lựa chọn và xã hội cần tôn trọng. Beauvoir chỉ rõ: “Sự thật là chính quy chế đàn ông, chính xã hội do đàn ông thiết lập vì lợi ích của họ, đã quy định thân phận phụ nữ dưới một hình thức mà tới nay vẫn là một cái nguồn đày đọa đối với cả hai giới nam, nữ. Cần vì quyền lợi chung của họ mà sửa đổi tình hình bằng cách ngăn cản không để cho hôn nhân trở thành một sự nghiệp đối với phụ nữ” [2, t.2, tr. 92].

Liên quan đến quyền tự do lựa chọn sinh con, các nhà nữ quyền Pháp cũng đề cập đến quyền phá thai của phụ nữ. Theo Beauvoir, người ta thường đặt vấn đề nâng cao vai trò của phụ nữ, nhưng thực chất lại muốn níu kéo họ trở lại chức năng truyền thống, với những công việc bếp núc, sinh đẻ, cấm phụ nữ không được nạo phá thai… Các nhà hoạt động nữ quyền có một khẩu hiệu đơn giản là “Cơ thể tôi là của tôi”, nhằm khẳng định quyền tự quyết của họ. Về mặt sinh sản, theo Beauvoir, phụ nữ có quyền tự do làm chủ bản thân, trước tiên là quyền được phá thai. Beauvoir hình dung về xã hội, mà người ta có quyền sinh đẻ có kế hoạch và phá thai, đặc biệt mọi bà mẹ và con cái họ có quyền như nhau, dù họ có chồng hay không.

Các nhà nữ quyền pháp không chỉ dừng ở lý luận mà còn tham gia tích cực vào các phong trào đấu tranh vì quyền được phá thai của phụ nữ Pháp nói riêng và toàn thế giới nói chung. Phong trào đấu tranh nữ quyền đó đưa đến sự ra đời Tuyên ngôn 343 về quyền phá thai của phụ nữ Pháp năm 1971, sau đó là sự ra đời của Luật Phá thai năm 1975. Theo các nhà hoạt động nữ quyền, lựa chọn phá thai là quyền của mỗi cá nhân phụ nữ, do vậy mọi quyết định đều đáng được tôn trọng và không ai có quyền chỉ trích hay lên án phán xét.

Hiện trên thế giới có rất nhiều quốc gia cho phép phá thai vì lý do kinh tế – xã hội hoặc phá thai theo yêu cầu. Vấn đề cho phép phá thai đã bị hình sự hóa tại Mỹ(1). Trong cuộc cạnh tranh giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2024 giữa Donald Trump và Kamala Harris, vấn đề quyền phá thai của phụ nữ là một vấn đề được đưa ra để tranh luận nhằm giành quyền ủng hộ của giới nữ ở Mỹ. Điều này xuất phát từ thực tiễn ở Mỹ, các đảng viên Đảng Dân chủ gắn liền với hệ tư tưởng tự do ủng hộ việc phá thai an toàn và hợp pháp, còn đảng viên Đảng Cộng hòa thì luôn thúc đẩy các hạn chế và lệnh cấm phá thai. Điều đó cũng cho thấy, cho đến hiện nay quyền phá thai của phụ nữ là một vấn đề nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng các nước ngay ở các nước phát triển và chưa có sự thống nhất.

3. Ý nghĩa tư tưởng triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX trong phong trào đấu tranh bình đẳng giới hiện nay

Cho đến nay, bất bình đẳng giới vẫn là một vấn đề nhức nhối không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn ở cả các nước phát triển. Vấn đề bất bình đẳng giới vẫn đang thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Tư tưởng về quyền phụ nữ của các nhà triết học Pháp thế kỷ XX, không chỉ góp phần dẫn dắt phong trào nữ quyền Pháp và châu Âu thời kỳ đó mà vẫn giữ nguyên ý nghĩa trong thời đại hiện nay.

Các tác phẩm của các nhà triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX chính là cơ sở lý luận cho phong trào nữ quyền Pháp và cả thế giới. Tư tưởng nữ quyền Pháp thế kỷ XX, không chỉ đơn thuần là kết quả trực giác của các trí tuệ thiên tài, mà còn được đúc rút lên từ chính thực tiễn phong trào nữ quyền trong lịch sử. Sự tiếp cận triết học về vấn đề nữ quyền của các triết gia đem đến cho chúng ta sự luận giải thấu đáo về những khái niệm cơ bản liên quan đến nữ quyền như bản chất “nữ tính”, bình đẳng giới. Sự luận giải đó được rút ra trước hết từ những cội nguồn tư tưởng triết học trong lịch sử về phụ nữ như: Plato; Aristotle; Kant; Hegel; Marx; Engel; Heidegger; Hussel… Sau nữa, chính hoạt động thực tiễn của các triết gia trong phong trào nữ quyền thế giới, nghiên cứu sâu sắc chính sách của các quốc gia trên thế giới đối với phụ nữ [7], giúp cho các triết gia có được sự luận giải sâu sắc về nguồn gốc bất bình đẳng giới và con đường khắc phục bất bình đẳng đó.

Tư tưởng nữ quyền Pháp thế kỷ XX về quyền tự do lao động của phụ nữ như là giải pháp hữu hiệu khắc phục bất bình đẳng vẫn giữ nguyên ý nghĩa trong thời đại hiện nay. Đây được coi là một giải pháp kinh tế đóng vai trò nền tảng cho công cuộc giải phóng phụ nữ khỏi sự lệ thuộc vào nam giới và đạt được sự bình đẳng. Xét đến cùng, mọi sự bất bình đẳng nam nữ bắt nguồn từ sự lệ thuộc kinh tế của phụ nữ vào nam giới. Và chính các nhà nữ quyền Pháp thế kỷ XX, cũng chỉ rõ, vấn đề bình đẳng giới không chỉ dừng trong khuôn khổ tư tưởng mà còn phải hành động thực tiễn nữa. Hơn nữa, đứng từ phương diện phát triển, nữ giới chiếm một nửa lao động của thế giới, nếu không được trao quyền để phát triển hết tiềm năng của mình, thì nền kinh tế thế giới sẽ chịu thiệt hại đáng kể.

Quan niệm của Beauvoir về nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự bất bình đẳng giới có sự hợp lý khi cho rằng, việc phân biệt nam nữ chính là do nhận thức của bản thân cộng đồng xã hội và giới nữ. Đặc biệt tự bản thân giới nữ cũng mặc định sự phân biệt này, coi nữ giới sinh ra đã không thể bằng nam giới, hay mặc định những công việc của phụ nữ theo ràng buộc của xã hội hiện hành quy định, mặc dù điều đó là bất bình đẳng. Trong xã hội hiện đại hiện nay, còn không ít quan niệm của giới nam và cả bản thân nhiều chị em phụ nữ có quan niệm, coi công việc gia đình, sinh con, quán xuyến gia đình mặc định là thiên chức của phụ nữ. Quan điểm của Simone de Beauvoir có tác dụng chỉ ra cho phụ nữ hiểu được chính mình và đấu tranh để xóa bỏ quan niệm sai lầm của xã hội lấy yếu tố sinh học hay những yếu tố khác để chứng minh tính yếu kém của phụ nữ, đồng thời cổ vũ phụ nữ phấn đấu vượt lên chính mình để làm nên lịch sử. Theo tinh thần của Beauvoir, chỉ từ khi người phụ nữ bắt đầu cảm thấy tự chủ trên trái đất này thì mới xuất hiện được một Rosa Luxemburg hay một Marie Curie. Họ đã chứng minh một cách rõ rằng không phải sự yếu kém của phụ nữ quyết định nên tính vô nghĩa lịch sử của họ, mà chính tính vô nghĩa lịch sử của họ đã tạo nên sự thấp kém của họ.

Những vấn đề về bình đẳng giới mà triết học nữ quyền Pháp đặt ra vẫn là những vấn đề cơ bản trong công cuộc đấu tranh bình đẳng giới trên thế giới hiện nay. Vấn đề bình đẳng giới đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng thế giới từ khá lâu. Ngày 18-12-1979, Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Và cho đến nay đã có hàng trăm quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết Công ước. Theo đó, các quốc gia phải cam kết không chỉ đảm bảo bằng pháp luật hiện hành mà còn phải có những hành động cần thiết để phụ nữ được hưởng sự bình đẳng. Sự ra đời của Công ước này chính là kết quả đấu tranh bền bỉ của Uỷ ban về địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW), thành lập năm 1946.

Tại châu Âu, từ nhiều thập niên qua, bình đẳng giới được xem là một trong những giá trị cốt lõi và được ghi nhận trong luật pháp của Liên minh châu Âu (EU) nói chung, các quốc gia thành viên EU nói riêng. Đơn cử như, năm 2010, EU thông qua Hiến chương phụ nữ (Women’s Charter) – Tăng cường cam kết về bình đẳng giới, nhằm cải thiện việc thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực châu Âu và trên thế giới. Ngoài ra, EU còn có hàng loạt chiến lược về bình đẳng giới theo giai đoạn năm năm kể từ năm 2010 đến nay… Trong bối cảnh đó, Pháp – quốc gia thành viên của EU, nơi ra đời của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789, cũng tích cực tham gia và vận động để bảo đảm mối lo ngại của phụ nữ được chú trọng hơn ở khu vực và trên thế giới [4].

Hiện nay, đã có hơn ba mươi quốc gia trong đó có Pháp đã đưa ra chính sách đối ngoại vì quyền phụ nữ (FFP). Có thể hiểu là chính sách của một quốc gia xác định các tương tác với các quốc gia, các phong trào và các chủ thể phi nhà nước khác, theo phương thức ưu tiên hòa bình, bình đẳng giới và toàn vẹn môi trường; tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; tìm cách phá vỡ các cấu trúc quyền lực thuộc địa, phân biệt chủng tộc, gia trưởng do nam giới thống trị; phân bổ các nguồn lực quan trọng, bao gồm cả nghiên cứu. Để đạt được tầm nhìn đó, chính sách đối ngoại vì quyền phụ nữ nhất quán giữa cách tiếp cận với các đòn bẩy tạo nên ảnh hưởng của nó và tất cả được gắn chặt với việc thực hiện các giá trị này ở trong nước, đồng hành sáng tạo với các nhóm, các nhà hoạt động phong trào vì quyền của phụ nữ ở cả trong nước và ngoài nước. Việc đưa vấn đề nữ quyền và bất bình đẳng giới vào chính sách đối ngoại thể hiện nỗ lực của các quốc gia trong việc khắc phục bất bình đẳng giới với phụ nữ trên quy mô toàn cầu, nhưng cũng cho thấy vấn đề bất bình đẳng giới vẫn là một vấn nạn hiện nay kể cả ở các nước phát triển.

Đối với Việt Nam, quan tâm và bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (1945) cho đến nay. Ngay từ Hiến pháp năm 1946 đã quy định về quyền bình đẳng giới, Điều 9 Hiến pháp ghi rõ: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”. Vấn đề bình đẳng giới tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp 1959, tại chương 3 của Hiến pháp chỉ rõ, phụ nữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái vẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Chúng ta đã đạt được những thành tựu về thực hiện bình đẳng giới được bạn bè thế giới ghi nhận. Những thành tựu đó thể hiện ở những phương diện như: nâng cao tỷ lệ lao động nữ; tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng ngày một tăng; lao động nữ chiếm ưu thế trong một số lĩnh vực chuyên môn… Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030…

Tuy nhiên, thực tế cũng vẫn còn tồn tại những hạn chế trong bình đẳng giới ở nước ta như: Hiện tượng tảo hôn ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mất cân bằng giới tính khi sinh; bạo lực gia đình với phụ nữ… Điều đó cho thấy, ngoài sự quyết tâm của hệ thống chính trị thì cũng cần thay đổi nhận thức của chính người dân về nữ quyền và bình đẳng giới, khắc phục ảnh hưởng của văn hóa truyền thống trong một bộ phận nhân dân. Có như vậy, công cuộc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam mới thực sự đạt hiệu quả mong muốn. Mặc dù có những khác biệt về xã hội và văn hóa, nhưng không làm giảm đi giá trị của những gợi mở từ tư tưởng triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX đối với sự phát triển bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.

4. Kết luận

Tư tưởng triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX hình thành, phát triển cùng với phong trào nữ quyền Pháp, thuộc làn sóng thứ hai của phong trào nữ quyền thế giới. Tư tưởng triết học nữ quyền Pháp thế kỷ XX đóng vai trò cơ sở lý luận dẫn dắt phong trào nữ quyền Pháp thời kỳ này. Các nhà nữ quyền Pháp dùng học thuyết và chính hoạt động của mình để ủng hộ phong trào nữ quyền. Trong học thuyết nữ quyền, các nhà tư tưởng đề cập đến các quyền của phụ nữ với tư cách là quyền con người qua lăng kính giới như: quyền tự do lao động; quyền tự do chính trị; quyền sinh con và quyền phá thai.  Những luận giải của các nhà triết học về nữ quyền, về bình đẳng giới tiếp tục là nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh nữ quyền trên lĩnh vực lý luận và thực tiễn không chỉ ở Pháp mà cả thế giới và vẫn giữ nguyên ý nghĩa trong thời đại ngày nay./.

Chú thích:

(1) Năm 2003, Đạo luật cấm phá thai bán phần là đạo luật liên bang đầu tiên hình sự hóa việc phá thai được ban hành ở Mỹ.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Beauvoir (2010), The Secon sex, New York: Vintage Books.

2. Beauvoir (1996), Giới nữ, tập 1,2. Nxb Phụ nữ.

3. Irigaray (2000), Democracy Begins Between Two, trans. K. Anderson, London: Athlone/ Continuum.

4. Bùi Hồng Hạnh, Lê Viết Hiếu (2024), “Chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ của cộng hòa Pháp”, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 19-02-2024.

5. Nguyễn Thị Nga (Chủ biên) (2017), Triết học nữ quyền – Lý thuyết triết học về công bằng cho phụ nữ. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

6. Bùi Thị Tỉnh (2010), Phụ nữ và giới, Nxb Chính trị Quốc gia HN.

7. Nguyễn Tấn Hùng (2015), Tư tưởng của Simone de Beauvoir về vấn đề nữ quyền trong tác phẩm “Giới tính thứ hai”, http://www.chungta.com/nd/tu.

8. Nguyễn Thị Lan Hương (2017), “Đôi nét về chủ nghĩa nữ quyền và triết học nữ quyền trong thế giới đương đại”, Tạp chí Triết học, số 4 (311).

9. UN Women (2021), Báo cáo tổng quan về Bình đẳng giới Việt Nam 2021.

 10. J. Lorber (2005), “Chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tính”, trong Bất bình đẳng giới: những lý thuyết và chính trị nữ quyền – Gender Inequality: Feminist Theories and Politics (Hồ Liễu dịch), 3th Ed. New York: Oxford.

Bài liên quan

Bài đăng mới