1. Đặt vấn đề
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề đối ngoại trở nên hết sức quan trọng, góp phần quyết định nhiều vấn đề lớn liên quan đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đến bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Việc cân bằng trong mối quan hệ với các nước lớn, xây dựng lòng tin trong quan hệ với các nước đối tác chiến lược, các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống đang là một bài toán khó hiện nay. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với thế giới của Việt Nam với phương châm “đôi bên cùng có lợi” đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải xử lý linh hoạt trong các mối quan hệ. Đặc biệt, hiện nay tình hình thế giới và khu vực có những thay đổi hết sức phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp vùng biển, vùng trời đang căng thẳng, ảnh hưởng hoặc trực tiếp, đe dọa đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, trong đó, nghiên cứu tư tưởng “thêm bạn bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 nói riêng để kịp thời đề ra các chủ trương, chính sách ngoại giao khoa học, phù hợp với xu thế mới trong sự thay đổi phức tạp của thế giới và khu vực có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam hiện nay.
2. Tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, V.I. Lênin khẳng định: “Chỉ có thể thắng một kẻ thù mạnh hơn bằng một nỗ lực hết sức lớn và với một điều kiện bắt buộc là phải lợi dụng một cách hết sức tỉ mỉ, hết sức khôn khéo bất cứ một rạn nứt bé nhỏ giữa các kẻ thù, cũng như phải lợi dụng mọi khả năng dù bé nhỏ nhất để có được một bạn đồng minh về số lượng, dù đó là bạn đồng minh tạm thời, bấp bênh, ít chắc chắn và ít tin cậy” [9, tr. 68]. Kế thừa quan điểm trên của V.I. Lênin, Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải biết phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù” [8, tr. 453]. Do vậy, trong đối sách ngoại giao, Hồ Chí Minh luôn tìm cách giảm bớt kẻ thù để tránh cùng lúc đối đầu với nhiều kẻ thù. Đồng thời, Người xác định kẻ thù chính để tập trung mũi nhọn đấu tranh với chúng. Sau khi cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cách mạng Việt Nam rơi vào tình thế rất khó khăn, thù trong, giặc ngoài. Để giải quyết khó khăn ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đường lối ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt với phương châm “làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết” [1, tr. 32]. Hồ Chí Minh nhấn mạnh nguyên tắc của ngoại giao là phải làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết. Do vậy, Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong dòng chảy của cách mạng thế giới, luôn tìm cách vận động sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ các nước, mở rộng sự đoàn kết quốc tế trên cơ sở độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ. Để thực hiện nguyên tắc trên, Hồ Chí Minh, tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa và ra tờ báo “Người cùng khổ” (1921 – 1926) nhằm tăng cường sự đoàn kết giữa những người yêu nước Việt Nam với những người yêu nước ở các nước thuộc địa. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945 – 1954, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công chủ trương “ba tầng mặt trận” để phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc: Mặt trận đoàn kết nhân dân trong nước, Mặt trận đoàn kết nhân dân Việt – Lào – Campuchia và Mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới, tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn của cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề cho những thắng lợi quan trọng cho dân tộc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nguyên tắc ngoại giao là phải làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết. Tuy nhiên, trong hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh luôn xác định kẻ thù chính, kẻ thù chủ yếu của cách mạng Việt Nam để tập trung mũi nhọn vào chúng – Thực dân Pháp. Do đó, Người yêu cầu cách mạng Việt Nam phải tập trung toàn bộ lực lượng chống thực dân Pháp để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đối với Anh, Mỹ, Tưởng thì tránh xung đột trực tiếp, luôn giao thiệp thân thiện nhưng có nguyên tắc. Đối với bọn tay sai của quân Tưởng, một mặt vừa mềm dẻo thuyết phục tranh thủ những người có tư tưởng yêu nước; mặt khác tìm cách phân hóa bọn cầm đầu, thuyết phục chúng chấp nhận hòa hoãn nhưng kiên quyết ngăn chặn những hành động phá hoại của chúng.
Nét nổi bật trong tưởng ngoại giao “thêm bạn, bớt thù” của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 -1954 mang tính nhân văn cao cả, được thể hiện rõ nét trong cách đối đãi với kẻ thù, đặc biệt là các tù binh chiến tranh. Khi chiến tranh chống Pháp kết thúc, Người yêu cầu cách mạng Việt Nam thực hiện chính sách khoan dung, độ lượng đối với những tù binh chiến tranh. Trong thực tiễn, Người không chỉ nêu lên nhiều quan điểm thể hiện tính nhân văn cao cả trong tư tưởng “thêm bạn, bớt thù”, mà cả trong hành động, Người luôn tìm mọi cách để đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho tù binh Pháp, thậm chí nhường miếng cơm, manh áo cho họ. Rất nhiều tù binh Pháp cảm kích và xúc động trước tấm lòng yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ với tù binh Pháp, Hồ Chí Minh còn dành nhiều tình cảm cho những người phụ nữ ở Pháp, đồng cảm với sự xa cách, thậm chí những mất mát không thể nào bù đắp được. Vì sự ích kỷ, viển vông về sự bá chủ thế giới của thực dân Pháp mà chồng, con họ đã bị đẩy vào một cuộc chiến phi nghĩa, bị nhân loại lên án. Hồ Chí Minh viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người” [3, tr. 51]. Hồ Chí Minh luôn tìm được điểm chung trong những người cùng cảnh ngộ, cùng mất mát đau thương, qua đó đoàn kết họ lại tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, góp phần mang lại những thắng lợi trên mặt trận đối ngoại. Đây là cơ sở để Hồ Chí Minh hình thành đường lối ngoại giao “thêm bạn, bớt thù”, “bốn phương vô sản đều là anh em”.
Bên cạnh đó, để “thêm bạn, bớt thù”, Hồ Chí Minh còn chủ trương khoan hồng với những người Việt Nam đã từng làm tay sai cho đế quốc, thực dân. Trong quá trình xâm lược nước ta, các đế quốc, thực dân luôn cấu kết với lực lượng phản động trong nước, thi hành chính sách thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt”. Vì vậy, để chống chủ nghĩa thực dân, đặc biệt là chủ nghĩa thực dân mới với sự trá hình, Hồ Chí Minh có chủ trương cô lập kẻ thù đế quốc bằng cách cảm hóa, lôi kéo những người Việt lầm đường, lạc lối để trở về với chính nghĩa, với dân tộc; loại bỏ “vây cánh”, phần tử tay sai của chúng. Xuất phát từ quan điểm đó, Người chủ trương: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ” [4, tr. 438]. Từ đó, dân tộc ta luôn đoàn kết thống nhất một lòng, tạo thành sức mạng tập thể để vượt qua mọi thách thức, khó khăn trong đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, để thêm đồng minh, giảm bớt kẻ thù, Hồ Chí Minh còn yêu cầu nhân dân ta phải phân biệt rõ thực dân Pháp hiếu chiến với nhân dân Pháp tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, dân chủ để tranh thủ sự ủng hộ và đoàn kết với nhân dân Pháp. Người khẳng định với nhân dân Pháp tiến bộ: “Chúng tôi bao giờ cũng muốn cộng tác với dân tộc Pháp như anh em, trong hòa bình và tin tưởng lẫn nhau” [6, tr. 24]. Hay trong bức thư gởi ông G. Xanhtơny năm 1947 – thời điểm chiến tranh giữa nước ta và Pháp đang trong giai đoạn quyết liệt, Hồ Chí Minh viết: “Bạn thân mến!… Tôi muốn được nhắc lại với ông, mặc dù mọi việc đã xảy ra, giữa ông và tôi, chúng ta vẫn còn là bạn. Và tôi cũng có thể khẳng định với ông, nhân dân hai nước chúng ta cũng vẫn là bạn của nhau” [3, tr. 79].
Để thực hiện nguyên tắc “thêm bạn, bớt thù”, Hồ Chí Minh chủ trương ngoại giao gắn với hòa bình, hòa hiếu. Kế thừa truyền thống yêu chuộng hòa bình, trọng hòa hiếu của dân tộc, cũng như kế thừa những giá trị văn hóa của Đông – Tây về một thế giới đại đồng, tự do, bình đẳng, bác ái, Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh và đặt lên trên hết nguyện vọng về nền hòa bình hợp tác, hữu nghị, bình đẳng, không có chiến tranh. Ngay cả trong giai đoạn chiến tranh diễn ra ác liệt từ năm 1945 – 1954, Hồ Chí Minh luôn bày tỏ thiện chí muốn đàm phán để giải quyết mọi xung đột, kết thúc chiến tranh trong hòa bình. Qua đó, Hồ Chí Minh xác định, chính sách ngoại giao của Việt Nam chỉ có một điều quan trọng là luôn muốn thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn nền hòa bình và Việt Nam luôn trung thành với chính sách hòa bình, quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước theo Hiến Chương Liên hợp quốc. Người nói: “Chúng tôi trung thành với chính sách hòa bình và hợp tác với các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình” [7, tr. 271]. Trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh cụ thể, Hồ Chí Minh luôn giữ nguyên tắc giải quyết mọi xung đột giữa các nước bằng đối thoại, thương lượng để đảm bảo lợi ích của quốc gia và dân tộc. Theo Người, lợi ích của các quốc gia cao nhất đó là nền hòa bình vĩnh viễn, do đó, phải đấu tranh cho hòa bình trên thế giới được bền vững, đó cũng chính là giữ gìn nền hòa bình và lợi ích của chúng ta. Người tuyên bố: “Giữ hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta” [6, tr. 11]. Bằng tình yêu thương con người, quý trọng sinh mạng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để ngăn chặn xung đột vũ trang, quân sự, đồng thời, tận dụng mọi khả năng và bằng nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết mọi xung đột bằng thương lượng, đàm phán để giữ gìn hòa bình. Tư tưởng này được thể hiện rất rõ khi Người chủ trương “Hoa – Việt thân thiện” để vừa hạn chế hành động chống phá cách mạng Việt Nam của quân Tưởng, vừa có thể tập trung mũi nhọn đối phó với thực dân Pháp. Hiệp định sơ bộ (6/3) và Tạm ước (14/9) năm 1946 cũng là một ví dụ điển hình của chủ trương ngoại giao “thêm bạn, bớt thù”, phân hóa kẻ thù, ưu tiên đối thoại nhằm kéo dài hòa bình, đồng thời tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến trường kỳ sau này.
Trong khi cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt trong giai đoạn 1945 – 1954, Hồ Chí Minh luôn khéo léo, linh hoạt giữ vững nguyên tắc hòa bình, hòa hiếu trong mọi trường hợp, chúng ta luôn chủ động, với thiện chí giải quyết mọi bất đồng bằng thương lượng để tránh tổn thất sức người và sức của. Trong Lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp ngày 10/01/1947, Người viết: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau” [3, tr. 24]; “máu Việt Nam và máu Pháp đổ đã nhiều rồi. Không nên đổ nữa” [2, tr. 511]. Hành động Người giơ tay bịt đầu nòng pháo khi đi thăm khu bảo tàng Normandi ở Pháp năm 1946 là minh chứng hùng hồn nhất cho mong muốn hòa bình và chấm dứt chiến tranh của Hồ Chí Minh. Mặc dù khát vọng về một nền hòa bình, hòa hiếu, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh đến sự quyết tâm chống lại mọi kẻ thù xâm lược với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Người nói: “Đế quốc chủ nghĩa là nguồn gốc của chiến tranh” [3, tr. 486], do đó, muốn giữ gìn hòa bình một cách thiết thực thì phải ra sức chống đế quốc chủ nghĩa. Hồ Chí Minh luôn tôn trọng hòa bình, tuy nhiên chúng ta buộc phải chấp nhận chiến tranh không có nghĩa là tuyên chiến với cái ác, cái phi nghĩa, tàn bạo, mà chấp nhận chiến tranh mục đích để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ tính chính nghĩa, đó không phải là tội đồ mà trái lại đó là sự hy sinh cao cả của những con người có trái tim nhân hậu, của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, dũng cảm và có trách nhiệm trước dân tộc. Thực tiễn lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam đã chứng minh một điều tưởng chừng là phi lý, nhưng thực tế là chân lý: “Muốn đi tới hòa bình có khi phải chiến tranh” [2, tr. 146]. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc chiến tranh chính nghĩa, cuộc đấu tranh để giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức bóc lột trên thế giới giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc để hướng tới một nền hòa bình thực sự của nhân loại. Người khẳng định: “Đánh đuổi đế quốc Pháp – Mỹ không phải là lợi ích riêng cho nước ta, mà cũng làm yếu thế lực đế quốc, góp phần giữ gìn hòa bình thế giới” [5, tr. 273]. Với đường lối ngoại giao yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, bằng những lời nói hết sức chân thành, thấu tình đạt lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm xúc động hàng triệu trái tim cùng cảnh ngộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Vì lẽ đó, cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới và Hồ Chí Minh được ghi nhớ không chỉ là người anh hùng giải phóng dân tộc cho Việt Nam mà còn là anh hùng suốt đời đấu tranh không khoan nhượng để xóa bỏ mọi bất công, bất bình đẳng trên thế giới này.
Như vậy, tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh về “thêm bạn, bớt thù” trên nguyên tắc hòa bình, hòa hiếu có sự thống nhất biện chứng giữa hai điều tưởng chừng như mâu thuẫn với nhau, đó là, tận dụng mọi cơ hội để giải quyết chiến tranh bằng thương lượng, hòa bình, đồng thời cũng kiên quyết sử dụng bạo lực cách mạng để tiến hành chiến tranh chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Người sử dụng phương án nào thì mục đích cuối cùng vẫn là hướng tới một nền độc lập thực sự của dân tộc, và hơn hết đó là hướng tới một thế giới hòa bình, dân chủ, tiến bộ và phát triển của nhân loại.
3. Giá trị lịch sử tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954
Tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam nói chung và tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao giai đoạn 1945 – 1954 nói riêng là một di sản tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam, nhất là trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tư tưởng ấy càng tỏa sáng rực rỡ và trở thành ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Do vậy, tư tưởng “thêm bạn bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 có giá trị lịch sử to lớn:
Một là, tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 góp phần định hướng cho cách mạng Việt Nam đẩy mạnh chiến lược ngoại giao nhằm hạn chế đối đầu cùng một lúc nhiều kẻ thù, tiến tới phân hóa, cô lập kẻ thù. Đồng thời, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các nước láng giềng, các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân tiến bộ Pháp, các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc; tư tưởng “thêm bạn bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 là cơ sở khoa học để cách mạng Việt Nam đề ra sách lược nhằm đánh bại chủ trương đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, đẩy lùi nguy cơ và thời gian chiến tranh lan rộng ra cả nước, tranh thủ xây dựng, củng cố lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân Pháp. Ngoài ra, tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 còn là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học cho đường lối đối ngoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta sau này.
Hai là, tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, tiến tới xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân; góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công của dân tộc ta. Bên cạnh đó, tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 còn góp phần đánh bại ý chí tiếp tục chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải chấp nhận đàm phán để kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Ba là, tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 đặt nền móng cho đường lối ngoại giao hòa bình, hoà hiếu, hợp tác, hữu nghị, hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta hiện nay. Tư tưởng này trở thành kim chỉ nam định hướng cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam, khẳng định vị thế một Quốc gia yêu chuộng hòa bình, tôn trọng và hợp tác với bạn bè quốc tế.
4. Ý nghĩa thời đại của tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 đối với cách mạng Việt Nam hiện nay
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang có những biến động phức tạp, khó lường, khó dự đoán. Xu hướng hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là mục tiêu chung của thời đại, nhưng đang đối diện với nhiều thách thức. Sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc diễn ra dưới nhiều hình thức, ngày càng gay gắt và phức tạp, làm tăng thêm các yếu tố bất định và rủi ro cho môi trường kinh tế, chính trị, và an ninh quốc tế, khu vực. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Đông Nam Á, trở thành trung tâm của những cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa các cường quốc, với nhiều yếu tố bất ổn tiềm ẩn. Tranh chấp chủ quyền biên giới, biển đảo diễn ra ngày càng căng thẳng, phức tạp. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đối mặt với những thách thức, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Đồng thời, các vấn đề như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa khủng bố và các lực lượng cực đoan ngày càng lan rộng…
Trước sự tác động của tình hình thế giới và khu vực, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động đề ra các chủ trương, chính sách đối ngoại nhằm thích ứng với tình hình mới. Về mục tiêu: Đối ngoại phải bảo đảm cao nhất lợi ích Quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; Về phương hướng: Đối ngoại phải chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương; Về nhiệm vụ cơ bản: Đối ngoại phảiphát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Sau hơn 38 năm đổi mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lĩnh vực đối ngoại đã gặt hái được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Một là, củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển, tích cực gia nhập các tổ chức, các diễn đàn quốc tế như: Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), gia nhập một loạt các cơ chế đa phương quan trọng như Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ chính thức với tất cả các nước lớn, kể cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tháng 5/2008 thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc; ngày 13/7/2001, ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, ngày 10/9/2023 Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững; ngày 7/10/2024, sau hơn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Pháp đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra thời kỳ mới – thời kỳ hợp tác, ổn định và phát triển. Hai là, hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều đột phá. Chúng ta thiết lập hơn 220 đối tác thương mại, trong đó, 71 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường. Vị thế và hình ảnh của đất nước không ngừng được nâng cao. Hai lần làm chủ tịch ASEAN (2010, 2020), hai lần tổ chức Hội nghị APEC (2006, 2027), hai lần trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021). Ba là, giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan. Đàm phán thành công với Malaysia về giải pháp “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở vùng biển chồng lấn giữa hai nước. Ký kết với Trung Quốc Hiệp ước về phân định biên giới trên bộ, Hiệp định phân Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác về nghề cá ngày 2/4/2002. Bốn là, thực hiện tốt công tác chăm lo cho cộng đồng, phát huy nguồn lực của kiều bào ở nước ngoài. Thời gian qua, chúng ta đã triển khai công tác bảo hộ cho hơn 50 ngàn công dân, … Tuy nhiên, trước sự tác động của bối cảnh thế giới và khu vực, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn, đặc biệt trong vấn đề xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững hòa bình, ổn định, để xây dựng và phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện, hoàn cảnh quốc tế và trong nước có những biến đổi khó lường, việc nghiên cứu hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, nghiên cứu tư tưởng “thêm bạn bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí giai đoạn 1945 – 1954 để kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đối ngoại khoa học trong sự thay đổi phức tạp của thế giới là việc làm có ý nghĩa thời đại to lớn đối với cách mạng Việt Nam hiện nay.
Một là, tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 là “kim chỉ nam” định hướng cho Đảng, Nhà nước hoạch định các đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới; tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 là động lực tinh thần to lớn để Việt Nam tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tự cường gắn với mở rộng quan hệ quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội. Ngoài ra, tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 còn cung cấp cơ sở lý luận cho các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và Nhà nước thực hiện cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên mặt trận đối ngoại, chống lại các thế lực thù địch xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Hai là, tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 góp phần tác động đến việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam trước sự thay đổi nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới và khu vực những thập niên đầu thế kỷ XXI; là cơ sở thực tiễn để Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, phát triển và hoàn thiện các chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ đổi mới, chuyển các quan hệ quốc tế từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác sâu rộng trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi”, vì lợi ích thiết thực của nhân dân các nước với phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”vì một ngày mai tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 góp phần to lớn để mặt trận đối ngoại gặt hái được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, góp phần nâng cao uy tín, địa vị và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
5. Kết luận
Tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng, giúp cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn trong cách mạng, giành lấy những thắng lợi to lớn trước thực dân Pháp xâm lược. Ngoài ra, tư tưởng đó còn có ý thời đại to lớn trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam hiện nay, khi tình hình thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp, việc vận dụng tư tưởng ngoại giao “thêm bạn, bớt thù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954 để xây dựng các chính sách đối ngoại mới, phù hợp nhằm mở rộng và củng cố quan hệ quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do vậy, chúng ta cần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng quý báu, là một di sản chứa đựng bao giá trị để định hướng cho cách mạng đi đến thành công.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2001): Văn kiện Đảng toàn tập, t.8,Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.13, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- V.I. Lênin (1980): Toàn tập, t.41, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.