TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

Nguyễn Ngọc Cẩn

Trường Đại học Cần Thơ

1. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

Tư ư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một hệ thống những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, tập hợp và tổ chức cách mạng và tiến bộ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đây còn là tư tưởng xây dựng, củng cố, mở rộng lực lượng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Xuất phát từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người, muốn làm cách mạng phải có lực lượng cách mạng. Muốn có lực lượng cách mạng phải thực hiện đoàn kết, tức là phải xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc bao gồm một số nội dung cốt lõi sau đây:

Một là, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một vấn đề mang tính chiến lược, quyết định sự thành bại của cách mạng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, và thường nhấn mạnh: “đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 14: 27). Điều này có nghĩa, đoàn kết là vấn đề sống còn của cách mạng. Trong từng thời kỳ và trong từng nhiệm vụ cụ thể của cách mạng, cần có phương pháp tổ chức, bố trí lực lượng phù hợp với những yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể trong từng thời kỳ đó. Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là chiến lược quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh của đoàn kết là yếu tố then chốt của mọi chiến thắng. Để đưa cách mạng đến thắng lợi, cần phải có lực lượng đủ mạnh. Và, để có được lực lượng đó, phải quy tụ toàn dân thành một khối thống nhất. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chính sự đoàn kết vững chắc của toàn dân đã làm nên chiến thắng vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Một phần lớn trong thành công đó là do tình hình quốc tế thuận lợi cho Việt Nam, nhưng quan trọng hơn cả là nhờ vào sức mạnh của lực lượng đoàn kết dân tộc. Từ thực tiễn đất nước, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 3: 256). Và, Hồ Chí Minh (2011, tập 3: 266) khuyên “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Đây chính là con đường đưa dân tộc ta đi tới thắng lợi, độc lập, tự do.

Hai là, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc không chỉ là một phương pháp tập hợp, tổ chức lực lượng cách mạng, mà còn cao hơn, sâu sắc hơn và rộng hơn, bởi đó là vấn đề có tính đường lối; là mục tiêu, động lực và nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Bởi vì, đại đoàn kết dân tộc chính là nhiệm vụ của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, đoàn kết quần chúng tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con người.

Có đoàn kết mới có thành công nên việc xây dựng khối đại đoàn kết vừa là điểm xuất phát vừa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối, chủ trương của Đảng. Chính vì vậy, ở bất cứ thời kỳ nào của cách mạng, khi xây dựng đường lối chiến lược, vấn đề quan trọng hàng đầu là xác định cho được mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi của đại đa số nhân dân mới có thể thu hút và phát huy triệt để sức mạnh của quần chúng vào sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh (2011, tập 7: 49) khẳng định, mục đích của Đảng Lao động Việt Nam bao gồm tám chữ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Và, Người đã đúc kết vấn đề này trong luận điểm: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 13: 119).

Ba là, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Theo Hồ Chí Minh, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số, người có tín ngưỡng hay người không có tín ngưỡng, không phân biệt già trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, không phân biệt tầng lớp, giai cấp. Hồ Chí Minh (2011, tập 9: 244) cho rằng: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác… Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”.

Bốn là, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc phải có hình thức tổ chức vững chắc mà đại diện là Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam từ Hội Phản đế Đồng minh (18/11/1930) và đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau, đến tháng 2/1977 đổi tên thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là tổ chức quan trọng tập hợp các lực lượng dân tộc đoàn kết lại với nhau. Nguyên tắc hoạt động cốt yếu của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam là: lấy liên minh Công – Nông – Trí thức làm nền tảng đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam; lấy nguyên tắc hiệp thương dân chủ và lợi ích của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố, không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc; đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, đoàn kết thực sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; thực hiện phương châm “cầu đồng, tồn dị”, lấy cái chung, đề cao cái chung, để hạn chế cái riêng, cái khác biệt.

Năm là, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một nhu cầu, một đòi hỏi khách quan của quần chúng trong cuộc đấu tranh tự giải phóng, do vậy, đại đoàn kết cũng trở thành một sự nghiệp của quần chúng, vì quần chúng.

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Hồ Chí Minh cho rằng, đại đoàn kết không phải là chủ trương, sách lược xuất phát từ ý muốn chủ quan của lực lượng lãnh đạo, mà là nhu cầu, đòi hỏi khách quan của quần chúng trong cuộc đấu tranh tự giải phóng. Do vậy, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là sự nghiệp của quần chúng, vì quần chúng. Lực lượng lãnh đạo cách mạng chỉ có sứ mệnh thức tỉnh, hướng dẫn quần chúng chuyển những nhu cầu khách quan, tự phát về đoàn kết thành nhu cầu tự giác, hiện thực, có tổ chức để trở thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc.

Những quan điểm trên là cơ sở để Hồ Chí Minh đề ra những nguyên tắc xây dựng khối đoàn kết dân tộc trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đồng thời những quan điểm trên cũng cho chúng ta thấy sự nhạy bén chính trị và tầm nhìn sâu rộng của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, bởi không chỉ có cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam và thế giới cần đến sự đoàn kết, mà ngay trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng rất cần đến sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, khi nào xã hội còn phân chia thành giai cấp đối kháng, còn có giai cấp thống trị và bị trị, còn có sự áp bức, bóc lột dưới hình thức này hay hình thức khác và khi nào trên thế giới còn tồn tại những vấn đề như vậy thì khi đó xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc còn là vấn đề cốt lõi của cách mạng.

2. NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO HOẠT ĐỘNG NHẬN THỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN TRONG XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Thứ nhất, quán triệt nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị”, trước hết phải “cầu đồng”, tức là phải tìm ra cái “đồng” mà các bên chia sẻ, lấy đó làm điểm quy tụ để đại đoàn kết.

Cái “đồng”, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, suy cho cùng chính là lòng yêu nước chân chính trong mỗi con người Việt Nam. Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh (2011, tập 4: 280-281) đã viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”. Đây chính là những giá trị chung cần được quan tâm và là điểm tựa để quy tụ, đoàn kết mọi lực lượng xã hội khác nhau vào một sự nghiệp chung. Tìm ra cái chung, lấy cái chung làm điểm tựa, dựa vào cái chung để hóa giải những khác biệt, mâu thuẫn riêng.

Thực hiện nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị” thì không chỉ “cầu đồng”, mà còn phải “tồn dị”, tức là phải chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt, miễn là không tổn hại đến cái chung. “Tồn dị” thể hiện tinh thần khoan dung, độ lượng, hay nói theo cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “khoan hồng đại độ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh (2011, tập 5: 39) chỉ rõ: “Tôi cả quyết cam đoan rằng Chính phủ và đồng bào ta sẽ hết sức khoan hồng đại độ. Chẳng những để cho những người đó cải quá tu tâm, quay về với Tổ quốc, mà lại sẵn sàng trọng dụng họ, nếu những người đó có tài nghệ. Một dân tộc đã tự cường, tự lập, dân chủ cộng hòa thì không làm những việc nhỏ nhen, báo thù báo oán”. Có khoan hồng đại độ, thì mới có đại đoàn kết, đó cũng là một triết lý đại đoàn kết rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ hai, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc hướng tới hình thành một cộng đồng gắn bó và thống nhất.

Để tập hợp và phát huy được cao độ sức mạnh của mỗi thành viên trong khối đại đoàn kết tạo nên tổng hợp lực cho cách mạng thì ngoài niềm tin và thái độ đúng, còn cần đến cách ứng xử phù hợp. Trừ bọn “Việt gian bán nước”, trừ bọn “phát xít thực dân”, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh (2011, tập 6: 131) gọi là “những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ”, thì “đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 6: 131). Khi nói đến cách ứng xử để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Hồ Chí Minh thường dùng những chữ thật thà, chân thành, thân thiết, thân ái, yêu quý, kính trọng, giúp đỡ,… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh (2011, tập 5: 315-316): “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện”. Người (2011, tập 6: 16) còn chỉ dẫn: “Đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa”. Như vậy, dù góc tiếp cận nào: trong Đảng hay ngoài Đảng, chủng tộc hay giai cấp, thì để thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, đều cần có cách ứng xử phù hợp. Đây cũng là một nguyên tắc quan trọng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ ba, bình đẳng giữa các dân tộc trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Bình đẳng giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam có nghĩa là được đối xử ngang nhau hợp lý về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật, về điều kiện và cơ hội phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội giữa các dân tộc, không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số, nguồn gốc dân tộc. Đây không chỉ là nguyên tắc quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, mà còn là nguyên tắc của chính sách dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết giữa các dân tộc phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc, kiên quyết đấu tranh khắc phục tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi và tự ti dân tộc. Hồ Chí Minh (2011, tập 12: …) chỉ rõ: “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”. Sự bình đẳng giữa các dân tộc với đoàn kết các dân tộc có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, bình đẳng giữa các dân tộc chính là cơ sở, điều kiện vững bền nhất, chắc chắn nhất của sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, và ngược lại, đoàn kết giữa các dân tộc chính là con đường để thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc.

Thứ tư, nguyên tắc tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc cùng phát triển và chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của kẻ thù.

Nhận thức sâu sắc về đặc điểm của một quốc gia đa dân tộc, Hồ Chí Minh nhận thấy sự phát triển không đồng đều về kinh tế – xã hội giữa các dân tộc anh em, đặc biệt là do hậu quả của chính sách phong kiến và chính sách “chia để trị” của thực dân, đế quốc đã làm suy yếu mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc. Vì vậy, cần phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện đại đoàn kết dân tộc.

Theo Hồ Chí Minh, cần có thái độ tôn trọng văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc khác, tránh thái độ miệt thị, coi thường. Nguyên tắc tôn trọng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc phải được thực hiện toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tôn trọng lẫn nhau nhằm củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc để chống lại âm mưu chia rẽ các dân tộc của kẻ thù. Hồ Chí Minh chỉ rõ, kẻ thù hiểu rất rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc nên chúng luôn tìm cách chia rẽ, kích động sự thù hằn và hiềm khích giữa các dân tộc để làm suy yếu sức mạnh này, từ đó dễ dàng cai trị và áp bức. Hồ Chí Minh (2011, tập 11: 532) khẳng định: “Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ”.Do vậy, các dân tộc phải ý thức rõ và cảnh giác trước âm mưu của chúng và đập tan âm mưu đó bằng cách tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.

Thứ năm, đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động và các quyền thiêng liêng của con người.

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh. Hạt nhân của nguyên tắc này là giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích phức tạp, chồng chéo giữa cá nhân – tập thể, gia đình – xã hội, bộ phận – toàn thể, giai cấp – dân tộc, quốc gia – quốc tế theo phương châm: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết và tất cả vì con người.

Tóm lại, muốn xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cần phải giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lợi ích dân tộc. Song, khi giải quyết các mối quan hệ lợi ích này, phải đặt quyền lợi dân tộc, quyền lợi Tổ quốc, quyền lợi toàn dân lên trên, lên trước hết.

3. Ý NGHĨA CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Thực tiễn đã dạy cho dân tộc ta một bài học lịch sử sâu sắc: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Sự chia rẽ đồng nghĩa với việc phản bội lợi ích tối cao của dân tộc và Tổ quốc, có tội với nhân dân và vô ơn đối với các thế hệ người Việt Nam yêu nước đã hy sinh xương máu để gìn giữ nền độc lập cho dân tộc. Có thể nói rằng, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình phát triển của xã hội Việt Nam, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, động lực của đại đoàn kết dân tộc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự ra đời của đường lối đổi mới. Đồng thời, nó đã biến đường lối đổi mới thành những hành động cụ thể, thiết thực của hàng chục triệu người, tạo nên một sức mạnh vĩ đại thay đổi bộ mặt đất nước và con người Việt Nam trong thời đại mới. Nhờ có sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, vượt trội như sau:

Một là, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của dân, giải quyết hài hòa lợi ích của mỗi người dân trong xã hội đã giúp khơi dậy, nuôi dưỡng, phát huy tính tích cực của mỗi người dân và phục vụ lợi ích của cả xã hội. Điều này đã gắn kết con người với xã hội, phát huy dân chủ, làm cho mọi người tự nguyện đoàn kết một lòng vì sự nghiệp của Tổ quốc.

Sau gần 40 năm đổi mới, những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được là vô cùng to lớn, nhưng những thách thức mới xuất hiện cũng không thể xem thường. Muốn vượt qua những thách thức đó, cần phải tiếp tục củng cố và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy dân làm gốc. Đại hội VI của Đảng đã tổng kết: căn bệnh quan liêu, xa dân là một căn nguyên cơ bản gây nên những thách thức cho đất nước ta trong quá trình đổi mới. Bệnh quan liêu xa dân phát triển thành chủ nghĩa quan liêu đã làm tê liệt ý chí, lụt mờ trí tuệ, phai nhạt lý tưởng, xói mòn tình đồng chí, nghĩa đồng bào, làm suy yếu sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Hai là, để khơi dậy được tính tích cực của mỗi con người trong công cuộc đổi mới, cần phải thấu hiểu nguyện vọng và bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của mỗi người trong đời sống hàng ngày, bắt đầu từ những nhu cầu rất bình dị nhưng thiết thực về vật chất và tinh thần. Tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh phải trở thành đường lối cơ bản của Đảng và Nhà nước trong quá trình đổi mới, phải được thể hiện trong mọi chủ trương, chính sách, pháp luật một cách thiết thực chứ không chỉ là khẩu hiệu động viên, những ước vọng hay là sự ban phát. Mọi người dân trong quá trình đổi mới không chỉ là trung tâm của sự thừa hưởng các chính sách, mà còn là chủ thể quan trọng góp phần vào xây dựng và sự lớn mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Mọi chính sách của Đảng và Nhà nước trong quá trình đổi mới phải nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho từng con người, đó là nguyện vọng thiết tha của toàn dân tộc. Song, để thực hiện được ý tưởng tốt đẹp đó, đòi hỏi phải có chủ trương đúng đắn về công bằng và bình đẳng xã hội. Sẽ không thể tổng hợp và phát huy được sức mạnh của cả dân tộc nếu trong xã hội vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do này hay lý do khác; vẫn tồn tại khắp nơi những đặc quyền đặc lợi của những người có chức, có quyền; vẫn còn tồn tại những hiện tượng bất công xã hội, sự phân hóa giàu nghèo, sự đảo lộn các chuẩn mực đạo đức làm xói mòn truyền thống văn hiến tốt đẹp của dân tộc từ ngàn năm để lại, làm cho phải trái, đúng sai bị lẫn lộn, người ngay sợ kẻ gian, cái chính sợ cái tà, xã hội bất ổn.

Muốn chính sách phù hợp với lòng dân thì cần phải dân chủ hóa quá trình hoạch định và thực hiện các chính sách ấy. Không thể nào khẳng định chắc chắn rằng, quá trình hoạch định, thực hiện chính sách của các cơ quan lãnh đạo và quản lý đất nước là hoàn toàn chính xác, không bị chi phối bởi những yếu tố chủ quan và khách quan. Dân chủ hóa chính là cách hữu hiệu để ngăn ngừa và khắc phục những yếu tố chi phối ấy, để cho mọi quyền lực đều được kiểm soát, không dẫn tới lộng quyền.

Thứ ba, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh đã được tổng hợp thành chân lý “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 13: 119). Chân lý này đã dẫn dắt nhân dân ta qua các giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, để giành độc lập và thống nhất đất nước. Ngày nay, nó tiếp tục chiếu sáng con đường phát triển và bảo vệ đất nước trong quá trình không ngừng đổi mới.

Theo chân lý này, đoàn kết bao gồm một không gian rộng lớn, bao hàm đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Mỗi không gian đoàn kết mang trong mình nội dung thiết thực và cụ thể, và có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ. Tư tưởng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, khi Đảng ta đang đối diện với sứ mệnh lịch sử nặng nề và phức tạp. Đó là lãnh đạo nhân dân ta vượt qua những thử thách và khó khăn để tiếp tục đưa đất nước tiến lên, phát triển và mang lại hạnh phúc cho toàn dân tộc.

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải đoàn kết rộng rãi và vững chắc, đây là yếu tố quan trọng và liên tục trong chiến lược của Đảng qua các giai đoạn lịch sử. Đây không chỉ đơn thuần là một chiến lược chính trị, mà là sự thể hiện chân thành của nhu cầu cách mạng trong nhân dân, là nguyện vọng của quần chúng. Do đó, đoàn kết cần phải là một giá trị không phân biệt đối xử, được thể hiện rõ ràng trong mọi chủ trương, chính sách và pháp luật.

Tư tưởng này của Hồ Chí Minh càng trở nên quan trọng khi phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, và những tình huống phức tạp. Các phương châm như “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “cầu đồng, tồn dị”, “thêm bạn bớt thù” đã có tác dụng kết hợp nhân dân trong và ngoài nước cùng bạn quốc tế, hình thành nên một mạng lưới đa dạng và phong phú của các mặt trận từng ngành, từng vùng miền, cho đến toàn quốc, tạo nên sức mạnh vô địch – sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Ngày nay, tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh vẫn mang giá trị quan trọng, ý nghĩa thiết thực đối với công cuộc đổi mới, huy động trí lực và tài lực của toàn dân tộc Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Các phương pháp tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đa dạng hóa tổ chức và hài hòa các mối quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân là những biện pháp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc mang lại hiệu quả trong thực tiễn, cần được áp dụng linh hoạt và phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là tài sản vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong tư tưởng của Người, chúng ta thấy những giá trị văn hóa của dân tộc và những tinh hoa văn hóa của nhân loại được chọn lọc và sáng tạo thành những nét đặc sắc trong tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, không giống với các nhà lãnh đạo cùng thời. Học tập, nghiên cứu và làm theo tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh là một quá trình không ngừng nghỉ của các thế hệ người Việt Nam ngày nay và mai sau, nhằm bảo vệ và phát triển tư tưởng của Người như một giá trị văn hóa của dân tộc, có sức sống bền vững trên non sông đất nước.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Hồ Chí Minh. 2011. Toàn tập Tập 3 – 7, 9, 11 – 14. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

Bài liên quan

Bài đăng mới