1. Mở đầu
Nhà nước là một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của nhiều nhà tư tưởng. V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Vấn đề nhà nước là vấn đề rất chủ yếu, mấu chốt trong toàn bộ hệ thống chính trị đến nỗi không những trong một thời đại giông tố và cách mạng như thời đại chúng ta, mà ngay cả trong thời đại yên tĩnh nhất, hàng ngày trên báo chí, khi bàn đến bất kỳ vấn đề kinh tế, chính trị nào, bao giờ các đồng chí cũng vấp phải câu hỏi: Nhà nước là gì, bản chất của nó là gì, vai trò của nó là gì?”[5, tr.78]. Vì lẽ đó, việc đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống quan niệm về nhà nước; đặc biệt là vấn đề về nguồn gốc và bản chất nhà nước trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền”của John Locke sẽ góp phần giúp chúng ta có cơ sở để giải quyết đúng đắn các vấn đề của nhà nước hiện nay.
2. Quan niệm của John Locke về nguồn gốc, bản chất của quyền lực nhà nước
2.1. Nguồn gốc hình thành nhà nước
Quan niệm của J.Locke về nguồn gốc hình thành nhà nước được hình thành dựa trên lý luận về bản tính con người và quyền con người của ông. J.Locke cho rằng, lịch sử phát triển của con người trải qua từ trạng thái tự nhiên tiến lên trạng thái xã hội công dân.Ở mỗi trạng thái sẽ có những đặc trưng khác nhau để phân biệt và một trong những đặc trưng quan trọng nhất để phân biệt sự khác nhau giữa chúng chính là sự hiện diện của nhà nước. Theo cách lý giải này, sự hình thành nhà nước không đồng nhất với sự xuất hiện của xã hội loài người[4, tr. 17].
Trong trạng thái tự nhiên, con người có quyền tự do và bình đẳng tuyệt đối. Sự tự do và bình đẳng này là những quyền được tất cả mọi người thừa nhận. Nó giống như một bản năng tự nhiên để mọi người tự giác thực hiện. J.Locke khẳng định, “Trạng thái tự nhiênlà một trạng thái bình đẳng khi mà tất cả quyền lực và quyền thực thi công lý có tính hỗ tương, không một ai có nhiều hơn người khác. Không có gì hiển nhiên hơn là những sinh vật của cùng một loài và một hạng, được sinh ra một cách ngẫu nhiên với cùng những thuận lợi tự nhiên, sử dụng cùng những năng lực, cũng phải là những sinh vật bình đẳng với nhau mà không có sự lệ thuộc hay khuất phục” [6, tr. 33]. Ông cho rằng, mỗi người với tư cách là một cá nhân riêng lẻ có được sự bình đẳng mà không phải do ưu thế quyền lực hay tài sản nên mọi người đều phải tôn trọng quyền bình đẳng của nhau. Trong trạng thái tự nhiên, quyền tự do của con người chịu sự chi phối bởi “luật tự nhiên”. Luật tự nhiên đứng trên, cao hơn cả pháp luật nhà nước; bởi pháp luật nhà nước thì nhân dân có quyền xóa bỏkhi nó không còn bảo vệ hoặc vi phạm quyền tư nhiên của họ, nhưng luật tự nhiên thì không thể nào xóa bỏ được. J.Locke giải thích thêm rằng, con người được Thượng đế ban cho lý trí và lương tâm; do vậy, con người sống trong trạng thái tự nhiên là tự do và bình đẳng tuyệt đối nhưng không làm con người trở thành “chó sói đối với người”.
Như vậy, có thể thấy trong quan niệm của J.Locke, con người sinh ra có quyền tự do vô hạn, có quyền làm bất kỳ điều mình muốn nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ của luật tự nhiên. Chính luật tự nhiên đã có tác dụng kiểm soát hành động của con người không đi quá giới hạn tự do cho phép (không được xâm hại đến tính mạng, tài sản của người khác). Nhờ đó, trong trạng thái tự nhiên dù là rất tự do nhưng vẫn đặt con người trong một trình tự nhất định chứ không phải là trạng thái thù địch. Đặc biệt Locke còn cho rằng, trong trạng thái tự nhiên, con người còn có quyền xét xử và trừng phạt những vi phạm “luật tự nhiên”; tức là xâm hại đến tính mạng và tài sản của anh ta. Mỗi người đều trở thành quan tòa cho chính mình và có quyền làm bất kể điều gì mình muốn sao cho hành động của mình vẫn nằm trong khuôn khổ cho phép của “luật tự nhiên”.
Những điều phân tích ở trên đã chứng tỏ, trong trạng thái tự nhiên, con người hoàn toàn tự do và “là chúa tể tuyệt đối của cá nhân mình và tài sản riêng của mình, bình đẳng với người vĩ đại nhất và không phục tùng đối với một ai”[6, tr. 173].Nhưng trạng thái tự nhiên cũng chứa đựng nhiều bất ổn có thể đe dọa trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người như:
Thứ nhất, trong trạng thái tự nhiên thiếu vắng một hệ thống luật pháp mang tính ổn định. Mặc dù trạng thái tự nhiên vẫn có luật tự nhiên cai quản nhưng đó là “luật bất thành văn”. Con người có thể hành động tuân theo luật tự nhiên một cách chủ quan của mình; dễ dàng bị thiên lệch vì quyền lợi vàcảm xúc cá nhân.
Thứ hai, trong trạng thái tự nhiên, mỗi người là quan tòa của chính bản thân mình nên con người sẽ không tránh khỏi sự thiên vị cho bản thân, bạn bè và người thân nên dễ dàng xảy ra tình trạng “đi quá xa khi trừng phạt người khác”.Đây là nguyên nhân tạo nên sự lộn xộn trong trạng thái tự nhiên.
Thứ ba, chính sự lộn xộn trong trạng thái tự nhiên sẽ làm cho việc thi hành án không được diễn ra đúng như đã xét xử. Đứng trước sự cai quản củ luật tự nhiên, phạm nhân sẽ cố gắng chống lại bản án để bản thân không bị trừng phạt. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người thi hành án.
Những khiếm khuyết căn bản trên đã đẩy loài người vào trạng thái chiến tranh và thù địch,không giải quyết được những nhu cầu cơ bản của con người và đem lại nguy cơ huỷ diệt cho con người. Do đó, con người sẵn sàng từ bỏ trạng thái tự nhiên để chuyển sang một trạng thái an toàn hơn. Đó chính là xã hội dân sự. J.Locke khẳng định, xã hội dân sự ra đời “bằng sự đồng thuận với những người khác để cùng liên kết và hợp nhất trong một cộng đồng” với mục đích là “vì cuộc sống tiện lợi, an toàn và thanh bình”, “trong sự thụ hưởng một cách đảm bảo đối với sở hữu của họ”[6, tr.137].
J.Locke giải thích rằng, trong trạng thái tự nhiên khi có tranh chấp xảy ra, không có quyền bính nào đứng giữa để giải quyết nên con người phải đi đến ký kết khế ước xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ; trong đó phápluật được mọi người thừa nhận tuân thủ. Trong xã hội dân sự,pháp luật sẽ trở thành công cụ hiệu quả để giải quyết các tranh chấp. Như vậy, J.Locke đã khẳng định, nhà nước xuất hiện trên cơ sở “Khế ước xã hội”,do chính nhân dân lập ra một cách tự nguyện. Ông giải thích thêm,“con người, như đã nói, theo tự nhiên, tất cả đều tự do, bình đẳng và độc lập, không một ai có thể bị đưa ra khỏi tình trạng này và phải khuất phục trước quyền lực chính trị của người khác mà không có sự chấp thuận của chính người bị đặt ra. Cách duy nhất mà theo đó một người tước bỏ của chính mình quyền tự do tự nhiên và gắn với những ràng buộc của xã hội dân sự, là bằng sự đồng thuận với những người khác để cùng liên kết và hợp nhất trong một cộng đồng”[6, tr. 137]. Điều này đánh dấu sự ra đời của nhà nước.
Bản khế ước được kí kết dựa trên sự thỏa thuận chung của tất cả mọi người dân. Khi các thành viên, các cá nhân chấp nhận liên kết một cách tự nguyện với nhau thành một cơ thể chung thì nhà nước sẽ xuất hiện. J.Locke đã luận giải sự ra đời của nhà nước như là kết quả từ sự đồng thuận chung của mọi người. Họ liên kết và hợp nhất trong một cộng đồng nhằm đạt được sự an toàn lớn hơn.
Khi đã ký kết khế ước và tham gia vào xã hội dân sự, mỗi người sẽ phải từ bỏ hai quyền cơ bản trong trạng thái tự nhiên: một là, từ bỏ quyền thực hiện bất kỳ điều gì mà anh ta muốn sao cho hành động của anh ta không đi quá giới hạn cho phép của luật tự nhiên; hai là, từ bỏ quyền trừng phạt người khác khi họ xâm phạm vào luật này.Sau khi khế ước xã hội được ký kết, sức mạnh tập thể, tức là ý chí chung đã được xác lập; và nhờ đó bản khế ước đã lan tỏa ra một sức mạnh phi thường. Sức mạnh đó có thể bảo vệ tất cả những thành viên nào đã tham gia[10, tr. 29]. Luận điểm này của J.Locke đã đượcJ.J. Rousseau kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội”, J.J.Rousseau viết, “với khế ước xã hội con người mất đi cái tự do thiên nhiên và cái quyền hạn chế được làm những điều muốn làm mà làm được; nhưng mặt khác con người thu lại quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái mà anh ta có” [7, tr.47].
Nhà nước ra đời dựa trên sự hợp nhất của con người thành cộng đồng quốc gia và đặt chính họ dưới một chính quyền với mục đích là “sự bảo toàn đối với sở hữu của họ” [6, tr.174].Lý do để con người chuyển từ trạng thái tự nhiên sang xã hội dân sự là để tránh những phiền toái trước đây và có được“cuộc sống tiện lợi, an toàn và thanh bình… trong sự thụ hưởng một cách đảm bảo với sở hữu của họ, và một sự an ninh lớn hơn”[6, tr.137].
Như vậy, nguồn gốc ra đời củanhà nước là nhằm mục đích hướng tới hạnh phúc của nhân dân. Việc thiết lập chính quyền là để bảo đảm cho mọi người dân quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu. Đó là mục tiêu cao nhất và bất biến của mọi chính quyền chân chính.Ở một phương diện khác, J.Locke đã biện luận cho sự phát triển của nhà nước như là một hình thái khác của gia đình; trong đó, quyền lực của người đứng đầu nhà nước được gán với quyền gia trưởng của người cha trong gia đình. Trách nhiệm của người cha gắn bó, yêu thương và mang lại hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình; còn trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước là đảm bảo sự bình yên, hạnh phúc và các quyền cơ bản của nhân dân. Do đó, trách nhiệm của nhà nước là phải thừa nhận và bảo đảm thực thi quyền tự do, quyền bình đẳng và quyền sở hữu tài sản cho con người và xã hội.
Như vậy, trong quan niệm của Locke để đảm bảo các quyền tự do, bình đẳng, sở hữu của mình tốt hơn, an toàn hơn, con người đã chuyển từ trạng thái tự nhiên sang xã hội dân sự. Ông giải thích rằng,“mục đích cao cả của việc con người gia nhập vào xã hội là việc thụ hưởng sở hữu của họ trong hòa bình và an toàn hơn”[6, tr.183]. Điểm tích cực ở đây là ôngđã loại bỏ, hoàn toàn thoát ly khỏi sự ảnh hưởng của Chúa trong quan niệm về xã hội cũng như về nhà nước và xem đólà kết quả của chính hoạt động của con người.
2.2. Bản chất của quyền lực nhà nước
Xuất phát từ quan điểm cho rằng, mục đích ra đời của nhà nước nhằm đảm bảo sự tự do và bình đẳng cho con người, J.Locke đưa ra những luận giải về bản chất của nhà nước khác hẳn với quan điểm của K.Marxở hơn thế ký sau. Nói về bản chất của nhà nước, K.Marx sau này đã khẳng định, nhà nước là một tổ chức chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế nhằm mục đích bảo vệ trật tự hiện hành và đàn áp sự phản kháng của các giai cấp khác… Trong những xã hội dựa trên sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nhà nước bao giờ cũng là công cụ của giai cấp thống trị, là công cụ chuyên chính của nó, là lực lượng đặc biệt để đàn áp quần chúng bị áp bức. Do đó, nhà nước mang bản chất của giai cấp thống trị. Sau khi nhà nước ra đời sẽ ban hành những đạo luật cụ thể, nhằm bảo vệ quyền lợi và địa vị của giai cấp thống trị.
Khác hẳn với quan điểm của K.Marx, J. Locke cho rằng nhà nước hoàn toàn mang bản chất “phi giai cấp”. Ông luận giải rằng, nhà nước ra đời dựa trên ý chí chung của toàn dân; do đó, nhà nước sẽ bảo vệ lợi ích của tất cả mọi người. Bằng sự liên kết tự nhiên và tự nguyện, khi tham gia khế ước xã hội, con người đã trao cả sự an toàn tính mạng và tài sản của mình cho xã hội công dân. Điều này đồng nghĩa với việc nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm sự an toànđó nhằm duy trì sự tồn tại của mình mà bảo vệ, không để người dân quay trở lại với trạng thái vô chính phủ như trước[8, tr. 63].
Như vậy, với luận giải trên, J.Locke đã khẳng định, chỉ có nhân dân mới là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Ông đã bắt đầu từ việc cho rằng, nhà nước là do con người thỏa thuận lập nên để đi đến kết luận quyền lực của nhà nước không phải là quyền lực tự thân mà là quyền lực được ủy thác và phải chịu sự kiểm soát từ nhân dân. Mục đích hoạt động của nhà nước không gì khác ngoài việc bảo đảm một cách tốt nhất quyền lợi của người dân. Chính vì vậy, hoạt động của nhà nước không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ một tầng lớp, giai cấp nào trong xã hội, mà nhà nước chính là sự đảm bảo cho chủ quyền của nhân dân, mà trên hết là quyền “tự do, bình đẳng và sở hữu”.
J.Locke cũng đã dự đoán được xu thế vận động của nhà nước. Ông đã nhìn thấy một thực tế rằng, quyền lực nhà nước có khả năng bị tha hóa khi xa rời mục đích ban đầu của việc thiết lập nhà nước. Khi các nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực được giao cho những mục đích cá nhân đã làm thay đổi bản chất của quyền lực nhà nước;từ chỗ nhà nước do nhân dân lập nhằm đảm bảo quyền tự do, bình đẳng và sở hữu cho mọi người thì giờ đây, nhà nước lại trở thành công cụ để đàn áp nhân dân. Khi đó, khế ước xã hội đã trở thành phương tiện để hợp pháp hóa sở hữu tư nhân cũng như mọi bất công xã hội khác. Đó cũng là lúc, người dân tất yếu sẽ xoá bỏ khế ước xã hội cũ và thiết lập nên một khế ước xã hội mới nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho mình; theo đó, nhà nước đó phải trả lại quyền tự nhiên vốn có của con người cho nhân dân.
Trong xã hội công dân, người dân đã ký kết thỏa thuận chung để thiết lập nên nhà nước và trao cho nhà nước quyền lực để thực hiện nghĩa vụ cần thiết để bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản cho người dân. Đây cũng chính là sự giới hạn quyền lực của nhà nước. Quyền lực của nhà nước được giới hạn bởi mục đích mà nó được tạo ra. Theo đó, quyền lực này không bao giờ được vượt lên trên lợi ích chung của cộng đồng mà luôn phải hướng đến việc bảo đảm tài sản của mọi người dân sống trong nhà nước. Sự giới hạn quyền lực nhà nước được thể hiện ở chỗ: một khi chính quyền lạm dụng quyền lực thì nhà nước đã tự đặt mình vào trạng thái thù địch với nhân dân, lúc này người dân không còn phải phục tùng nhà nước nữa và sẽ đi đến lật đổ nhà nước đó để thiết lập lên một nhà nước khác tốt đẹp hơn.
3. Giá trị và hạn chế lịch sử trong quan niệm của John Locke về nguồn gốc và bản chất nhà nước
Với tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, J.Locke đã đặt ra những vấn đề quan trọng bậc nhất, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà tư tưởng; đó là vấn đề về nhà nước. Quan niệm của J. Locke về nhà nước pháp quyền là sự cống hiến lý luận quan trọng có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà triết học, chính trị gia sau này đặc biệt là các nhà triết học khai sáng Pháp thế kỷ XVIII[2, tr. 34]. Nhận xét về điều này, Lê Cộng Sự cho rằng, “tầm ảnh hưởng của John Locke trong lịch sử tư tưởng nhân loại là không nhỏ, vì ông “đã làm được nhiều hơn bất cứ triết gia đơn lẻ nào trong việc cung cấp những cơ sở lý luận cho chế độ dân chủ tự do. Những thành viên soạn thảo hiến pháp Mỹ (năm 1787) luôn có ông trong ý thức, ông cũng gieo một ảnh hưởng tương tự như thế đối với tư tưởng Pháp suốt thế kỷ XVIII” [8, tr. 54]. Với những giá trị chứa đựng bên trong, “Khảo luận thứ hai về chính quyền” thực sự là một tác phẩm vĩ đại, có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị Châu Âu đương thời và gây được tiếng vang lớn đối với nền chính trị nhân loại sau này, mở đầu cho một thời đại mới – thời đại tranh đấu cho quyền tự do chân chính của con người.
Giá trị thứ nhất,Theo J. Locke nhà nước ra đời không phải là sản phẩm của tôn giáo mà là kết quả hoạt động của chính con người. Nhà nước không xuất hiện cùng lúc với xã hội mà loài người phải từng sống rất lâu trong “trạng thái tự nhiên”, không có sự hiện diện của nhà nước. Điểm tích cực ở đây là J. Locke đã thoát ly khỏi quan điểm thần học- Cơ đốc giáo để đưa ra những luận giải đúng đắn hơn về nguồn gốc nhà nước. Theo ông, nhà nước có quá trình phát sinh phát triển, nó xuất hiện từ trong lòng xã hội, chứ không phải là thứ quyền lực được áp đặt từ bên ngoài vào. Đây chính là sự lý giải triết học về nguồn gốc của quyền lực nhà nước, gắn liền với đặt sự vận động và phát triển của các trạng thái xã hội loài người sự đóng góp to lớn của ông đối vớisự phát triển của tư tưởng triết học chính trị.
Giá trị thứ hai, những luận giải về mục đích ra đời của nhà nước là để đảm bảo quyền tự do, bình đẳng và sở hữu của con người trên cơ sở thỏa thuận chung của mọi người dân và luật pháp là cơ sở pháp lý cụ thể để đảm bảo các quyền đó mang một ý nghĩa hết sức tích cực. Đóng góp ở đây là J. Locke đã nhìn thấy xu hướng vận động và phát triển của nhà nước[3, tr. 201]. Nhà nước là do nhân dân bầu ra, đại diện cho nhân dân giải quyết các vấn đề xã hộiđảm bảo các quyền cơ bản của con người nhưng một khi nhà nước “bị tha hóa” so với mục đích ban đầu của nó thì nhân dân có quyền giải thể chính quyền, lật đổ nhà nước đó và thay thế bằng một chính quyền mới cách mạng hơn mà theo J.Locke “có thể đảm bảo cho họ những mục đích mà vì đó vào lúc ban đầu chính quyền đã được dựng lên”[6, tr. 200]. Đây là tư tưởng mở đầu cho quyền tự quyết, quyền dân chủ của nhân dân đối với sự tồn tại của nhà nước.
Giá trị thứ ba, J.Locke là người đã đề cao luật pháp trong vai trò quản lý xã hội. Ông cho rằng, pháp luật chính là công cụ để nhà nước đảm bảo các quyền tự nhiên căn bản của con người và chống lại sự lạm dụng quyền lực của các nhà cầm quyền. Nếu không có pháp luật hoặc pháp luật không phát huy vai trò của nó thì sự chuyên chế sẽ lộng hành, nhân dân sẽ sống trong tình trạng vô chính phủ – một trạng thái còn tệ hơn cả trong trạng thái tự nhiên. Ông yêu cầu nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và pháp luật phải giữ vị trí tối thượng trong mọi hoạt động của nhà nước đã trở thành điểm tích cực, hết sức tiến bộ để đi đến lý luận về nhà nước pháp quyền.
Giá trị thứ tư,J.Locke đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân. Trong mối quan hệ đó, nhân dân chính là người nắm quyền lực tối cao, là người chủ thực sự của quyền lực nhà nướcvà nhà nước phải giữ vai trò đảm bảo các quyền lợi của nhân dân, mọi hoạt động của nhà nước đều hướng đến đảm bảo các quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người như quyền sống, quyền tự do, bình đẳng và quyền sở hữu tài sản. Nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà nước, kể cả việc thay đổi những người cầm quyền khi họ xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và xã hội.Có thể nói, công khai bênh vực quyền lợi của người dân là điểm tiến bộ của J.Locke so với các nhà tư tưởng đương thời.
3.2. Những hạn chế lịch sử trong quan niệm về nhà nước của J.Locke
Do ảnh hưỏng của lập trường giai cấp và điều kiện lịch sử của thời đại, nên quan niệm về nguồn gốc ra đời và bản chất nhà nước của J. Locke vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Hạn chế thứ nhất, Những luận giải chưa hợp lý về nguồn gốc ra đời nhà nước khi J.Locke cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự ra đời của nhà nước chỉ là sản phẩm thuần túy ý muốn, nguyện vọng chủ quan của con người dựa trên sự thỏa thuận giữa các cá nhân với nhau. Điều này chứng tỏ, ông chưa thấy được mâu thuẫn giai cấp và sự phân chia giai cấp trong xã hội là nguồn gốc trực tiếp dẫn đến sự ra đời của nhà nước.
Hạn chế thứ hai, Những luận giải về bản chất quyền lực nhà nước của J.Locke còn nhiều bất cập. Ông cho rằng, nhà nước không phải là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị mà lại là công cụ để đảm bảo quyền lợi của con người. Nhờ có nhà nước mà trong xã hội không có tình trạng “người bóc lột người” hay “người với người là chó sói”…, mọi người sống với nhau trên tinh thần tự do, bình đẳng và bác ái.Do đó, J.Locke chưa thấy được mối quan hệ giữa bản chất kinh tế và bản chất chính trị – xã hội của nhà nước. Bởi trên thực tế, giai cấp nào nắm quyền lực kinh tế sẽ nắm trong tay quyền lực chính trịvà nhà nước chính là công cụ bạo lực để thực hiện ý chí của giai cấp thống trị, bảo vệ trước tiên lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội; do đó, không thể có một nhà nước phi giai cấp.
Hạn chế thứ ba, J.Locke đã quá lý tưởng đến mức không tưởng về một khế ước xã hội có sự tham gia và chấp thuận của tất cả mọi người dân, khi yêu cầu một chính thể cần phải có sự đồng thuận của mọi người trong xã hội bất kể thuộc giai cấp hay tầng lớp nào.
4. Kết luận
Học thuyết của J. Locke về nhà nước,qua tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền” đã đóng góp rất lớn vào di sản tư tưởng chung của nhân loại. Những luận giải về nguồn gốc ra đời và bản chất nhà nước là cơ sở để ông đưa ra quan niệm về nhà nước pháp quyền. Đây là những cống hiến quan trọng về mặt lý luận đối với lý luận về nhà nước pháp quyền nói riêng và triết học chính trị nhân loại nói chung.
Những tư tưởng về một nhà nước là do nhân dân bầu lên, là kết quả của khế ước xã hội nhằm đảm bảo cho cuộc sống của con người được an toàn, bảo vệ các quyền tự do, bình đẳng, sở hữu của con người… thực sự là một quan niệm mang bước đột phá lớn của J. Locke so với những quan niệm trước đó về nhà nước. Theo nghĩa đó, hạnh phúc của con người vừa là mục đích, vừa là giới hạn quyền lực nhà nước.Những tư tưởng đó không chỉ có giá trị lịch sử ở thời đại ông mà còn có giá trị phổ quát toàn nhân loại, bởi lẽ những vấn đề ông đề cập đến đã, đang là mối quan tâm của mỗi quốc gia – dân tộc và là mục tiêu phấn đấu của nhiều chính quyền nhà nước trên thế giới.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Nguyễn Tiến Dũng(2006):Lịch sử triết học phương Tây,Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Thị Hồi (2005):Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước với việc tổ chức bộ máy nhà nước ở một số nước, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
- Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh (2006):Đại cương lịch sử triết học phương Tây, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Thị Thanh Huyền (2012): “Quan niệm của J.Locke về quyền sở hữu trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền””.Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 3, Hà Nội.
- V.I.Lênin (1979):Toàn tập, t. 39, Nxb. Tiến bộ, Matxcova.
- John Locke (2007):Khảo luận thứ hai về chính quyền, Lê Tuấn Huy dịch,Nxb. Tri thức, Hà Nội.
- J. J. Rousseau (2004):Bàn về khế ước xã hội, Hoàng Thanh Đạm dịch,Nxb.Lý luận Chính trị, Hà Nội.
- Lê Công Sự (2008): “Quan niệm của John Locke về sự hình thành và bản chất của quyền lực nhà nước”.Tạp chí Thông tin chính trị học, số 3 (38).
- Lê Công Sự (2009):“Locke và triết lý về con người”.Tạp chí Nghiên cứu Con người,số 3(42).
- Đinh Ngọc Thạch (2007):“Một số tư tưởng triết học chính trị của John Locke: thực chất và ý nghĩa lịch sử”.Tạp chí triết học, số 1(188).