Tư tưởng chiến lược giáo dục của Đặng Tiểu Bình

Từ khi thực hiện cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc phải đối mặt với tình hình trong nước và quốc tế biến động không ngừng, ngày càng phức tạp, Đặng Tiểu Bình đẩy mạnh cải cách mở cửa và chọn mặt trận giáo dục là khâu đột phá, thúc đẩy cải cách, mở cửa. Tư tưởng chiến lược giáo dục của Đặng Tiểu Bình là cách gọi chung cho những chủ trương và quan điểm khoa học của ông về các vấn đề giáo dục xã hội chủ nghĩa, nó cũng là một bộ phận không thể tách rời trong lý thuyết xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc của ông. Thực tế, Đặng Tiểu Bình đã vận dụng những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông để đưa ra những quyết sách mang tính khoa học và sáng tạo về nhiều vấn đề lớn trong giáo dục, đặt nền móng cho cải cách, phát triển giáo dục Trung Quốc trong suốt hơn 45 năm thực hiện cải cách, mở cửa đến nay.

1. Đặt vấn đề

Tư tưởng giáo dục từ lâu đã là một trong những vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, với tính chất đặc thù của một bộ môn khoa học liên ngành, nội dung tư tưởng giáo dục xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khoa học xã hội nói chung, như xã hội học, kinh tế học, chính trị học, tâm lý học, triết học,…

Trung Quốc, một trung tâm của nền văn minh nhân loại đã sớm xuất hiện những nhà tư tưởng bàn về giáo dục, điều này đã được Liu Baocun và An Yalun (2020) đề cập, thông qua bài viết Educational Administration and Leadership in China (Quản lý và lãnh đạo giáo dục). Trong đó họ nhấn mạnh rằng, đất nước Trung Quốc có lịch sử giáo dục lâu đời, sự lãnh đạo và quản lý giáo dục được thể chế hóa từ hơn 2.000 năm trước, do đó hệ thống lãnh đạo và quản lý nền giáo dục đã phát triển cùng với sự phát triển của xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa, đồng thời hình thành một hệ thống lãnh đạo và điều hành giáo dục mang đậm bản sắc văn hóa Trung Quốc; được quy định bởi các luật và quy định khác nhau của đất nước. Vào đầu thế kỷ XXI, thế giới đang có những bước phát triển vượt bậc, nhiều thay đổi sâu sắc và có những điều chỉnh lớn, trong khi Trung Quốc hiện đang ở giai đoạn then chốt của cải cách và phát triển. Xu hướng đa cực, nhiều trung tâm trên thế giới ngày càng nổi bật, quá trình toàn cầu hóa kinh tế, phát triển nền kinh tế tri thức, những thay đổi mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, cạnh tranh nhân tài trên toàn thế giới và xu hướng công nghiệp hóa, tin học hóa, đô thị hóa, thị trường hóa và quốc tế hóa ở Trung Quốc,… đều đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức nghiêm trọng đối với việc xây dựng nền giáo dục tiến bộ cũng như sự quản lý nền giáo dục ấy. Trước những thách thức về vấn đề này, Chính phủ kêu gọi thực hiện công cuộc cải cách nhằm thúc đẩy hệ thống quản lý giáo dục phát triển hài hòa, hợp lý và hiện đại hóa năng lực quản lý giáo dục, đặc biệt nhấn mạnh đến việc trao quyền tự chủ, quản trị chung, sự tham gia của xã hội trong hoạch định chính sách và quản lý.

Cuốn “Chuyên đề nghiên cứu về tư tưởng giáo dục của Đặng Tiểu Bình” do Nxb. Khoa học giáo dục (Trung Quốc) xuất bản tháng 7 năm 1997 là cuốn tài liệu được biên soạn đặc biệt dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục Trung Quốc. Nội dung cuốn sách tập trung nêu bật những điểm mấu chốt trong tư tưởng chiến lược về giáo dục của ông Đặng Tiểu Bình – người đề cao tôn trọng tri thức và nhân tài. Ông Đặng cho rằng nhiệm vụ cơ bản của chủ nghĩa xã hội là phát triển lực lượng sản xuất với khoa học – kỹ thuật là then chốt cần rất nhiều nhân tài và việc đào tạo, bồi dưỡng những nhân tài chỉ có thể được thực hiện bởi giáo dục.

Như vậy, có thể thấy, việc nghiên cứu một cách khách quan hệ thống các tư tưởng giáo dục nói chung và tư tưởng chiến lược về giáo dục của ông Đặng Tiểu Bình là cơ sở để nâng cao nhận thức, thấu hiểu vị trí và vai trò của yếu tố giáo dục trong nền kinh tế quốc dân và phát triển xã hội Trung Quốc.

2. Tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đặng Tiểu Bình

Năm 1977, Trung Quốc bắt đầu khôi phục lại kỳ thi đầu vào đại học, từ đó cũng là thời kỳ ánh sáng chiếu rọi tương lai của hàng triệu trí thức, thanh niên trước đó đã về nông thôn lao động sản xuất hay của những thanh niên đang làm công nhân tại các nhà máy, công xưởng … Khôi phục thi đại học và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học chính là khúc dạo đầu của cải cách, mở cửa tại Trung Quốc, đây cũng chính là bước đột phá để dẹp bỏ hoàn toàn sự hỗn loạn mà giai đoạn “Đại cách mạng văn hóa” trước đó để lại. Kể từ đây, giáo dục Trung Quốc đã bước vào một hành trình cải cách, mở cửa và phát triển mới.

Việc khôi phục các kỳ thi đầu vào đại học năm 1977 là khúc nhạc dạo đầu của công cuộc cải cách mở cửa tại Trung Quốc. Hội nghị Trung ương Ba, Đại hội 11 Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức vào tháng 12 năm 1978 đã chỉ rõ, giáo dục cần có “Ba hướng tới” và đào tạo ra “con người mới Bốn có”, vạch rõ phương hướng cải cách và phát triển của giáo dục Trung Quốc. Trong giai đoạn này, với vai trò hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ hai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình đã có nhiều bài phát biểu, ý kiến chỉ đạo quan trọng, đặt nền móng cho công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc, từ kinh tế đến chính trị, xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Ông Đặng Tiểu Bình (1904 – 1997), là nhân vật có vị trí then chốt trong tập thể lãnh đạo thế hệ thứ hai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông có tên ban đầu là Đặng Tiên Thánh, người Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên. Đặng Tiểu Bình từng có thời gian du học ở châu Âu, và sau khi trở về Trung Quốc, ông toàn tâm toàn ý dốc sức vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng nhân dân và giành lại độc lập dân tộc. Từ cải cách ruộng đất, kháng chiến chống Nhật đến giải phóng lục địa Trung Hoa, ông từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng trong Đảng và quân đội, có nhiều đóng góp to lớn cho thắng lợi của cách mạng dân chủ nhân dân mới và sự ra đời của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Ông được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân công nhận là một vị lãnh đạo xuất sắc, uy tín, là người kiên định chủ nghĩa Mác, một nhà cách mạng, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao vĩ đại của giai cấp vô sản Trung Quốc. Tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đặng Tiểu Bình được thể hiện ở việc nhìn nhận, đánh giá địa vị chiến lược của giáo dục trong sự nghiệp phát triển đất nước và tư tưởng chiến lược “ba hướng tới” của ông trong giáo dục; có thể nói, tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đặng Tiểu Bình là sự kế thừa và phát triển một cách tài tình chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông về giáo dục. Bên cạnh đó, những tư tưởng ấy còn mang tính vĩ mô chiến lược, tính thời đại rõ rệt và tính thực tiễn mạnh mẽ (Wang YaPing, 1998).

2.1. Hoàn cảnh lịch sử ra đời tư tưởng giáo dục của Đặng Tiểu Bình

Đặng Tiểu Bình từng chỉ rõ: “Giáo dục là sự nghiệp căn bản nhất của một dân tộc”, tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đặng Tiểu Bình được hình thành vào những năm 70 thế kỉ 20 và cấu thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng giáo dục của ông. Hoàn cảnh lịch sử ra đời tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đặng Tiểu Bình chủ yếu bao gồm hai phương diện: tình hình quốc tế và tình hình Trung Quốc.

Thứ nhất, về tình hình quốc tế

Từ những năm 50 của thế kỉ 20, sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, các quốc gia tập trung vào khôi phục kinh tế và tang tốc cách mạng khoa học – kĩ thuật. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia có sự chuyển hướng từ lĩnh vực quân sự sang lĩnh vực kinh tế, kĩ thuật. Trải qua cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai, trình độ khoa học – kĩ thuật của các nước trên thế giới đã có sự thay đổi sâu sắc và có nhiều bước tiến đột phá. Chính bởi việc hiểu rõ mối quan hệ mật thiết giữa kinh tế và khoa học – kĩ thuật, từ năm 1974 đến năm 1976, sau khi khủng hoảng kinh tế diễn ra trên quy mô rộng lớn, chủ nghĩa tư bản phương Tây chú trọng vào việc phát triển công nghệ kĩ thuật để tìm kiếm hướng đi mới. Xu hướng phát triển “cách mạng kĩ thuật mới” nổi lên mạnh mẽ ở các quốc gia phương Tây, các nước phát triển liên tục nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm công nghệ cao với mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đã thu được những khoản lợi nhuận kếch xù. 

Đặng Tiểu Bình với tư cách là nhà lãnh đạo xây dựng hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa ở một quốc gia có hơn một tỷ dân, đã rất nhạy bén nắm bắt được tầm quan trọng của cuộc cách mạng kĩ thuật mới và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nó, để từ đó ông đưa ra những quyết sách vô cùng táo bạo trên các lĩnh vực khoa học – kĩ thuật, bồi dưỡng nhân tài để đón nhận những thời cơ mà cách mạng khoa học – kĩ thuật mới đem lại. Vào tháng 3 năm 1978, phát biểu tại đại hội khoa học toàn quốc, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh Trung Quốc cần có “một đội ngũ khoa học kĩ thuật vừa hồng vừa chuyên thuộc giai cấp công nhân, cần có đội ngũ đông đảo các chuyên gia khoa học – kĩ thuật hàng đầu thế giới”, “cần nhanh chóng bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia khoa học – kĩ thuật có trình độ hàng đầu thế giới, đây chính là nhiệm vụ quan trọng của chiến tuyến khoa học, giáo dục”. Có thể thấy, thông qua giáo dục để bồi dưỡng nhân tài chính là đối sách có hiệu quả nhất trong việc đáp trả và vượt qua những thử thách mà cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật mới đem lại, giáo dục phát triển dẫn đến khoa học – kĩ thuật phát triển, từ đó nâng cao, cải thiện, hiện đại hoá sản xuất. Nói một cách khác, giáo dục nằm ở vị trí then chốt trong quá trình hiện đại hoá sản xuất và nâng cao trình độ khoa học – kĩ thuật.

Thứ hai, về tình hình Trung Quốc

Trung Quốc cùng thời đang trong bối cảnh phải giải quyết các nhiệm vụ khôi khục phát triển nền kinh tế quốc dân, bên cạnh đó, công cuộc xây dựng hiện đại hoá cũng cần có quy hoạch chiến lược ở tầm vĩ mô, đây chính là hai nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp bách. Trong lịch sử phát triển của nước CHND Trung Hoa, nền giáo dục trước đó đã bồi dưỡng nhiều thế hệ nhân tài xuất sắc đứng trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa; tuy nhiên, từ những năm 50 của thế kỉ trước, do toàn Đảng chưa đặt trọng tâm công tác vào việc xây dựng kinh tế, sự nghiệp giáo dục không những chưa được đặt ở vị trí quan trọng tương xứng, mà còn chịu những ảnh hưởng tiêu cực mang tính phá hoại nghiêm trọng từ những phong trào chính trị “tả khuynh” và “đại cách mạng văn hoá”, cải cách văn hoá đã làm cho hàng trăm triệu thanh thiếu niên bỏ dở việc học, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cả một thế hệ (Zhou ZhiPing, 1993).

Trung Quốc là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trí thức, điều quan trọng nhất là phải phát triển giáo dục. Bởi vậy, giáo dục cần phải được đặt ở vị trí then chốt, dẫn đầu quá trình phát triển kinh tế – xã hội, và phải được coi là một lĩnh vực chiến lược cần được chú trọng đầu tư. Trung Quốc nếu không nhanh chóng bước ra khỏi bối cảnh lịch sử đầy gian khó đó, thì sẽ không thể ngắm đúng mục tiêu phát triển, đuổi kịp sự phát triển khoa học – kĩ thuật trên thế giới, và sẽ càng không thể trở thành một trong những cường quốc trên thế giới, lịch sử gian khó có thể lặp lại một lần nữa nếu như không có những đường lối, chính sách đúng đắn và kịp thời. Bởi vậy, nhu cầu cấp thiết nhanh chóng bước ra khỏi bần cùng, lạc hậu và cổ vũ, khích lệ xây dựng hiện đại hoá đã trở thành những chất xúc tác không thể thiếu trong quá trình hình thành, phát triển tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đặng Tiểu Bình. 

2.2. Nội dung cơ bản trong tư tưởng chiến lược giáo dục của Đặng Tiểu Bình

Thứ nhất, về vị trí chiến lược của giáo dục 

Năm 1982, Đặng Tiểu Bình đã chỉ ra mục tiêu trọng tâm chiến lược cần đạt được theo tinh thần Đại hội đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XII: một là, nông nghiệp; hai là, năng lượng và giao thông; và ba là, giáo dục và khoa học. Sự phát triển mới tư tưởng chủ nghĩa Mác “khoa học – kĩ thuật chính là yếu tố cốt lõi của lực lượng sản xuất”, Đặng Tiểu Bình đưa ra quan điểm: “khoa học – kĩ thuật là lực lượng sản xuất quan trọng nhất” và nhấn mạnh rằng trong bốn hiện đại hoá (hiện đại hoá công nghiệp, hiện đại hoá nông nghiệp, hiện đại hoá quốc phòng, hiện đại hoá khoa học – kĩ thuật), thì quan trọng nhất là hiện đại hoá khoa học – kĩ thuật, bởi nếu không có khoa học kĩ thuật hiện đại, sẽ không thể nào tiến hành xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, công nghiệp hiện đại và quốc phòng hiện đại; không có sự phát triển nhanh chóng của khoa học – kĩ thuật, cũng không thể có được sự phát triển nhanh chóng của kinh tế. 

Trong tình hình Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu của xã hội xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ quan trọng nhất của xã hội chủ nghĩa là cần phát triển lực lượng sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, do đó, muốn Trung Quốc bắt kịp trình độ tiên tiến trên thế giới thì cần phải bắt đầu từ khoa học và giáo dục. Đây cũng là nội dung quan trọng nhất trong tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đặng Tiểu Bình, đó là cần xác định vị trí chiến lược của giáo dục trong quá trình tiến hành hiện đại hoá về mọi mặt.

Đại hội đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 13 vào năm 1987 lần đầu tiên đưa ra “kế hoạch trăm năm, lấy giáo dục làm gốc”. Trung Quốc cùng lúc đối mặt với hai thách thức lớn của thời đại lúc bấy giờ, một là, sự cạnh tranh đến từ các quốc gia khác, hai là, cách mạng khoa học – kĩ thuật mới đang diễn ra trên toàn thế giới, trên thực tế, cạnh tranh về kinh tế và khoa học – công nghệ về bản chất vẫn là sự cạnh tranh về giáo dục. Đặng Tiểu Bình đã đưa ra quan điểm: trong bốn hiện đại hoá, quan trọng nhất chính là hiện đại hoá khoa học – kĩ thuật, bởi khoa học – kĩ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất. Ông từng nói: “Trung Quốc muốn phát triển, nếu tách rời khoa học thì không thể làm được”, “thực hiện những hy vọng của nhân loại không thể tách rời khoa học, những quốc gia kém phát triển muốn bước ra khỏi khó khăn, đói nghèo cũng không thể tách rời khoa học, bảo vệ nền hoà bình thế giới cũng không thể tách rời khoa học”. Trước đó, vào năm 1977, Đặng Tiểu Bình cũng từng phát biểu: “chúng ta muốn thực hiện hiện đại hoá, quan trọng cần phải nâng cao trình độ khoa học – kĩ thuật, muốn phát triển khoa học kĩ thuật, không thể không nắm chặt giáo dục, nếu chỉ có nói nhưng lời sáo rỗng thì không thể thực hiện được hiện đại hoá, bắt buộc phải có kiến thức, có nhân tài”, “bồi dưỡng nhân tài khoa học – kĩ thuật, nền tảng chính là ở giáo dục”.

Năm 1988, tại Hội nghị công tác giáo dục toàn quốc, Đặng Tiểu Bình đã chỉ ra rằng: “sức mạnh của quốc gia mạnh hay yếu, phát triển kinh tế lớn hay nhỏ, ngày càng được quyết định bởi tố chất của người lao động, quyết định bởi số lượng và chất lượng của đội ngũ tri thức”. Trung Quốc với thế mạnh dân số khổng lồ, thêm vào đó là chế độ xã hội chủ nghĩa tiên tiến, nên đã rất tin rằng họ sẽ đạt được mục tiêu đã định ra. Với tư duy logic rõ ràng, giáo dục giúp bồi dưỡng nguồn nhân tài khoa học – kĩ thuật trình độ cao “bốn có” (có lý tưởng, có đạo đức, có văn hoá, có kỷ luật) thì việc tiến hành hiện đại hoá khoa học – kĩ thuật mới có thể diễn ra một cách thuận lợi, để từ đó kéo theo hiện đại hoá nông nghiệp, hiện đại hoá công nghiệp và hiện đại hoá quốc phòng. Tuy nhiên, ông cũng từng đưa ra lời cảnh báo rằng muốn làm được điều đó, nhân dân Trung Quốc cần phải dốc sức tập trung vào phát triển giáo dục, còn ở các lĩnh vực khác “cần có sự nhẫn nại, thậm chí phải hy sinh một chút tốc độ để giải quyết tốt vấn đề giáo dục”, bởi chỉ khi vị trí của giáo dục được vững chắc, tố chất toàn dân mới được nâng cao hoàn toàn, từ đó mới có thể thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, lúc đó Trung Quốc mới thực sự có vị trí trên trường quốc tế.

Thứ hai, về tư tưởng chiến lược “ba hướng tới” trong giáo dục

Vào ngày 1 tháng 10 năm 1983, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra “ba hướng tới” khi có chuyến thăm trường học Cảnh Sơn ở Bắc Kinh, nội dung cụ thể của “ba hướng tới” là: giáo dục cần phải hướng tới hiện đại hoá, hướng tới thế giới, hướng tới tương lai. Tư tưởng chiến lược “ba hướng tới” trong giáo dục đã nhanh chóng trở thành phương châm chỉ đạo sự nghiệp phát triển giáo dục hiện đại hoá của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc, đồng thời cũng chỉ rõ được mục tiêu và phương hướng chiến lược trong phát triển giáo dục của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc. Từ những năm 80 của thế kỉ XX đến nay, sự nghiệp giáo dục của Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu trên các phương diện như nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên và cải cách thể chế giáo dục. “Ba hướng tới” thực chất chính là trọng trách của giáo dục Trung Quốc cần phải hướng tới và đạt được trong bối cảnh lịch sử đặc thù, đồng thời, đây cũng chính là một trong những tinh hoa của tư tưởng chiến lược về giáo dục của Đặng Tiểu Bình.

Với nội dung, giáo dục phải hướng tới hiện đại hóa: Đây được coi là yêu cầu mang tính phương hướng, chủ yếu nhấn mạnh việc phát triển giáo dục cần phải có một phương hướng cụ thể, rõ ràng, từng bước vững chắc tiến đến hiện đại hoá. Đặng Tiểu Bình với tư cách là nhà lãnh đạo công cuộc cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hoá Trung Quốc, đã luôn coi giáo dục là một vấn đề vô cùng quan trọng cần phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu và suy nghĩ. Ông luôn nhìn nhận giáo dục và khoa học như là hai mặt của một vấn đề, liên quan trực tiếp đến nhau và không thể tách rời nhau. Hiện đại hoá có thực hiện được hay không, là do khoa học – kĩ thuật quyết định, một nền khoa học – kĩ thuật lạc hậu sẽ kéo theo hậu quả là nguồn lao động tuy dồi dào nhưng năng suất lao động vẫn thấp; trái lại, nếu có một nền khoa học – kĩ thuật tiên tiến, cho dù nguồn lao động có hạn chế, nhưng năng suất lao động vẫn có thể đạt mức cao. Muốn có một nền khoa học – kĩ thuật tiên tiến, yếu tố quan trọng nhất vẫn là trình độ, tố chất của lao động, chúng ta không thể chỉ nhập máy móc tân tiến, mời chuyên gia nước ngoài có trình độ cao đến làm việc, bởi đây chỉ là kế sách tạm thời; không thể giải quyết vấn đề từ gốc rễ; thế nên, thông qua giáo dục để nâng cao trình độ, tố chất của lao động, mới có thể giải quyết được vấn đề một cách triệt để. Kiến thức và nhân tài của sự nghiệp giáo dục chính là nền tảng vững chắc để thực hiện hiện đại hoá, nếu không có nền tảng ấy, hiện đại hoá vẫn chỉ dừng lại ở những suy nghĩ, lời nói suông. Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục liên quan đến việc sáng tạo tri thức và bồi dưỡng nhân tài, nếu phương hướng phát triển của nó không hướng đến hiện đại hoá mà hướng đến các mục tiêu khác thì sự phát triển đó sẽ gây nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sự phát triển khoa học – kĩ thuật, đồng thời cũng sẽ không có lợi cho sự nghiệp xây dựng hiện đại hoá đất nước. 

Với nội dung, giáo dục phải hướng ra thế giới: Đây được coi là yêu cầu mang tính tầm nhìn toàn diện. Cùng với cải cách mở cửa không ngừng phát triển theo bề rộng và chiều sâu, Trung Quốc cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng do tiến trình toàn cầu hoá mang lại. Toàn cầu hoá đã nối liền các quốc gia trên thế giới lại với nhau thành một hệ thống liên kết mật thiết, chặt chẽ và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, thế giới dường như biến thành một xã hội thu nhỏ, mọi mối quan hệ trở nên rõ ràng hơn và thu hẹp khoảng cách địa lý. Trong bối cảnh ấy, một quốc gia sẽ có sự tiếp xúc, giao lưu mọi mặt như văn hoá, kinh tế, khoa học kĩ thuật, quân sự, … với các quốc gia khác, và lúc này, quốc gia ấy sẽ phải đối mặt với những sự lựa chọn: tiếp thu những yếu tố nước ngoài hay giữ lại những yếu tố truyền thống của quốc gia mình, chia sẻ những thành tựu của quốc gia mình với những quốc gia khác hay đơn thuần là đóng cửa quốc gia, hạn chế những giao lưu mang tính chất quốc tế. Khi đưa ra quan điểm “giáo dục phải hướng ra thế giới”, Đặng Tiểu Bình ắt hẳn cũng đã nhìn rõ được những cơ hội, cũng như những khó khăn thách thức mà toàn cầu hoá có thể mang lại, ông lựa chọn mở rộng tầm nhìn, tiếp thu lí luận và những kinh nghiệm giáo dục tiên tiến, có lợi và phù hợp với thực tiễn của Trung Quốc, đồng thời cũng mang những tài nguyên tinh thần phong phú, quan điểm giáo dục nhân văn giao lưu với nước ngoài, từ đó tăng thêm sự tự tôn và tự tin của người dân Trung Quốc; đây cũng là một cách để thúc đẩy tiến trình hiện đại hoá và toàn cầu hoá, góp phần tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Với nội dung, giáo dục phải hướng tới tương lai: Đây chính là yêu cầu mang tính xu thế. Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh phương châm và chính sách của Đảng và Nhà nước là phải xoay quanh vấn đề phát triển của chủ nghĩa xã hội: “Suy nghĩ bất cứ vấn đề gì cũng cần có tầm nhìn xa rộng, phải nhìn từ đại cục”, các chính sách đưa ra cần phải hướng đến một mục đích chung duy nhất đó là phát triển xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa Cộng sản. Chính bởi vậy, việc bồi dưỡng nhân tài, nâng cao tố chất đạo đức, tư tưởng của nhân dân vừa cần phải chú trọng đảm bảo cuộc sống cơ bản cho nguồn nhân lực hiện có, đồng thời trong quá trình xây dựng xã hội cần chú trọng việc không ngừng tích luỹ và tạo điều kiện mang tính phát triển. Các thành quả của giáo dục đạt được cần phải mang tính xu thế của thế giới, có thể áp dụng vào trong các lĩnh vực khác, từ đó đẩy mạnh sự phát triển toàn diện. Trái lại, nếu giáo dục không đặt mục tiêu hướng tới tương lai thì đó sẽ chỉ là một nền giáo dục dậm chân tại chỗ, không có sự phát triển, đột phá, mà trong một thế giới vận động phát triển không ngừng, thì thực chất của dậm chân tại chỗ cũng chính là sự thụt lùi, yếu kém, gia tăng khoảng cách về trình độ giữa chính quốc gia ấy với mặt bằng chung của thế giới. 

Trong mục tiêu “ba hướng tới” do Đặng Tiểu Bình đưa ra, người viết cho rằng hiện đại hoá giáo dục chính là bộ phận cấu thành cốt lõi quan trọng nhất, bởi đây là cơ sở, nền tảng giúp cho giáo dục Trung Quốc có thể “hướng tới thế giới” và “hướng tới tương lai”. Trung Quốc muốn đưa giáo dục phát triển lên một tầm cao mới, thì điều căn bản nhất là cần phải học hỏi, tiếp thu những thành quả tiên tiến trong khoa học – kĩ thuật và kinh nghiệm quản lý, từ đó nắm bắt được những động thái phát triển giáo dục trong tương lai. Trên thực tế, hiện đại hoá giáo dục mang trong mình trọng trách của thời đại, là bước đi vô cùng quan trọng trên xây dựng hiện đại hoá đất nước và chủ nghĩa xã hội. Hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa cần đồng thời chú trọng xây dựng văn minh về phương diện vật chất và tinh thần, vật chất và tinh thần cần có sự phát triển đi lên đồng bộ. Điều đó đặc biệt quan trọng khi bước vào thời kỳ công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, các luồng tư tưởng, quan niệm truyền thống đứng trước cửa ngõ của sự giao lưu văn hoá, làm thế nào để giữ vững chiến tuyến xây dựng chủ nghĩa xã hội văn minh, đảm bảo những giá trị tinh thần của nhân dân luôn phát triển mà không mất đi những yếu tố truyền thống quý báu, điều đó được quyết định bởi những tác dụng mà giáo dục mang lại. Đặng Tiểu Bình có một tầm nhìn bao quát, đứng trên độ cao nhất định để thấy được mối quan hệ mật thiết giữa giáo dục và hiện đại hoá, nhìn rõ những vấn đề nào của giáo dục cần giải quyết tốt và triệt để để từ đó thúc đẩy xây dựng xã hội chủ nghĩa ngày càng thắng lợi. Bên cạnh đó, khi đánh giá mức độ phát triển hay tiến trình hiện đại hoá của một quốc gia, chúng ta không thể bỏ qua một trong những tiêu chí quan trọng nhất là giáo dục. Chú trọng phát triển giáo dục, tăng cường giao lưu học hỏi giữa các quốc gia, góp phần giúp chúng ta nhận thức được tình trạng thực tế của đất nước mình so với các quốc gia khác, hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu và khoảng cách giữa quốc gia mình so với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là với các nước phương Tây phát triển. Chỉ khi có nhận thức đúng đắn, cụ thể, và mang trong mình một tâm lý cầu thị, luôn hướng đến phát triển, thì người lãnh đạo mới có thể kịp thời đưa ra những quyết sách đúng đắn để điều chỉnh phương hướng phát triển. Nói một cách khác, giáo dục cần hướng đến hiện đại hoá, là yêu cầu Đảng, Chính phủ và nhân dân cần dũng cảm đón nhận những thách thức của tiến trình toàn cầu hoá mang lại, cần nắm bắt thời cơ phát triển; đúng như Đặng Tiểu Bình từng nói: “đem phát triển giáo dục vào trong quá trình hiện đại hoá, lấy những yêu cầu của hiện đại hoá làm phương hướng để nỗ lực cải cách và phát triển nền giáo dục Trung Quốc”.

3. Kết luận

Với tư cách là kiến ​​trúc sư trưởng của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình luôn coi trọng việc phát triển giáo dục và hiện đại hóa giáo dục. Với tầm nhìn xa của một nhà chiến lược, ông đã đưa ra hàng loạt ý tưởng và lý thuyết quan trọng về hiện đại hóa và tin học hóa giáo dục, đồng thời đưa ra các quyết định và kế hoạch chiến lược tương ứng cho các bộ ngành liên quan, từ đó mở ra con đường tin học hóa giáo dục ở Trung Quốc. Những ảnh hưởng của Đặng Tiểu Bình đối với công cuộc cải cách, mở cửa nói chung và cải cách, phát triển giáo dục nói riêng là vô cùng sâu sắc. Trải qua 46 năm cải cách mở cửa, với sự quan tâm cao độ và sự thúc đẩy tích cực của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, quốc gia này đã trải qua một quá trình phát triển ổn định với nhiều thay đổi mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh hiện đại hóa giáo dục xã hội chủ nghĩa, thực hiện hàng loạt cuộc cải cách lớn; nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và tìm ra con đường phát triển nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.

NCS. Đỗ Thanh Vân

BÀI LIÊN QUAN