Tính Triết học của nghệ thuật sống tối giản

Trong xã hội hiện đại, khi sản xuất phát triển, năng suất lao động tăng cao, tính hiệu quả của công việc được cải thiện từng giờ, của cải trong xã hội dồi dào, mức sống ngày một sung túc, số người chạy theo xu hướng hưởng thụ càng nhiều. Tuy nhiên, lại có xu hướng sống tối giản. Sống tối giản trở thành một phong cách, được nâng lên thành nghệ thuật, chứa đựng tư tưởng triết học về nhân sinh quan. Bài viết bước đầu tìm hiểu tính triết học của nghệ thuật sống tối giản, trình bày một số vấn đề mang tính lý luận về nghệ thuật tối giản: khái niệm, đặc trưng (tính hai mặt, tính đa dạng, phong phú), những biểu hiện, tầm quan trọng, giúp ta có góc nhìn mới, rút ra những triết lý của lối sống tối giản, từ đó nêu ra một vài kinh nghiệm xây dựng lối sống này, được áp dụng ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

TS.Trần Thị Ngọc Anh

Từ khóa: sống tối giản, nghệ thuật sống tối giản, triết học của nghệ thuật sống tối giản

Nhận bài: 09/08/2024; biên tập: 10/08/2024; phản biện: 18/08/2024; duyệt đăng: 26/08/2024.

1. Sống tối giản – đôi nét về lịch sử và khái niệm

Minimalism (chủ nghĩa tối giản) được biết đến với tên tuổi của kiến trúc sư người Đức Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969). Ông là một trong những bậc thầy của nền kiến trúc hiện đại thế giới. Với phong cách này, trong kiến trúc tối giản, bố cục và nội dung đối lập với nhau, theo nguyên tắc “Less is more”, ông đã để lại rất nhiều công trình để đời như Crown Hall, Farnsworth House, IBM Plaza, 860-880 Lake Shore Drive, Seagram Building,..và những thiết kế nổi bật như Barcelona chair, Brno chair…

Tuy nhiên, theo Kyle Chayka, tác giả quyển The Longing for Less: Living with Minimalism, chủ nghĩa tối giản có nguồn gốc còn nguyên thủy hơn rất nhiều, có lẽ đã ẩn chứa trong các giáo lý của Phật giáo. Những phạm trù vô ngã, vô thường, tính Không của Phật giáo hướng con người đến một cuộc sống giản dị nhất có thể, khuyến khích con người biết buông bỏ và sống tiết dục, đơn giản, bữa ăn đạm bạc, cuộc sống chay tịnh. Tư tưởng vô vi của Đạo Lão cũng có thể coi là một trong những khởi nguồn sâu xa của nghệ thuật sống tối giản. Lão Tử, Trang Tử chủ trương sống một đời thanh thản, rũ bỏ mọi danh lợi, vinh hoa, sống an lành, thuận theo tự nhiên. Sau này, có những nhà tư tưởng thời phong kiến của Trung Quốc, Việt nam…cũng rũ áo từ quan, xa chốn bụi trần, về quê nhà vui thú điền viên.

Vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, phong cách Minimalism đã dần phát triển  và được nhóm nghệ sĩ trẻ ưa chuộng khi muốn đưa ra những giải pháp mới nhằm chống lại những quy tắc ngột ngạt của mỹ thuật. Nổi bật trong khoảng thời gian này là những tên tuổi như Agnes Martin, nhà điêu khắc Donald Judd, nghệ sĩ Frank Stella. Phong cách tối giản ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật như hội hoạ, kiến trúc và những lĩnh vực sáng tạo khác. Đến những năm 1970, Dieter được xem là người có ảnh hướng lớn nhất đến xu hướng minimalism bởi những thiết kế đơn giản nhưng lại rất thân thiện với người dùng. Ban đầu trào lưu này chỉ phát triển trong hai lĩnh vực chính là điện ảnh và kiến trúc, sau đó được lan rộng ra thế giới, trở thành một phong trào nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực. Cuộc sống tối giản trong nghệ thuật được đặc trưng bởi việc khám phá các yếu tố cần thiết nhất trong các loại hình khác nhau, giúp loại bỏ những chi tiết rườm rà, dư thừa, nhằm diễn đạt giá trị của các tác phẩm một cách rõ ràng và cô đọng nhất. Dần dần nó đã trở nên phổ biến như triết lý cho một cách sống.

Và đó cũng là một phong cách sống được ưa chuộng của người Nhật. Từ thời kỳ Edo (1603-1868), người Nhật đã có các luật lệ ngăn chặn sự khoe khoang của cải, vật chất và tài sản. Thêm nữa, nước Nhật thường xuyên đối mặt với thảm họa động đất, và có tới xấp xỉ 50% nguyên nhân thương vong là do đồ đạc rơi vỡ, nhà cửa đổ nát. Điều ấy khiến người Nhật buộc phải tối giản nội thất cũng như ngoại thất nhiều hơn. Dần dần, Danshari đã trở thành lối sống và là biểu tượng trong sinh hoạt của người Nhật. Sasaki Fumio – tác giả của cuốn sách ”Lối sống tối giản của người Nhật” đã phân tích kỹ điều đó.

Chủ nghĩa tối giản không còn là khái niệm xa lạ với chúng ta, cũng không chỉ gói gọn trong việc thay đổi cách bài trí ngôi nhà mà còn hướng đến việc thay đổi mọi mặt trong đời sống, đặc biệt là phong cách sống. Ngày nay, chủ nghĩa tối giản trở nên phổ biến ở nhiều nơi và có thời gian còn trở thành một trào lưu gây sốt. Nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng đã chọn theo đuổi và lan tỏa lối sống này, đẩy lên cao thành nghệ thuật tối giản.

Có một số khái niệm gần nhau: lối sống tối giản, trào lưu tối giản, phong cách tối giản, chủ nghĩa tối giản, nghệ thuật sống tối giản…

Có khá nhiều tranh luận về lối sống tối giản, song cũng chưa đưa đến một sự thống nhất hoàn toàn. Tuy nhiên, có thể hiểu lối sống tối giản là lối sống ít hướng đến giá trị vật chất mà hướng đến sự đơn giản nhất có thể. Sasaki Fumio – tác giả của cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật khẳng định: Lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc [1, tr.14].

Theo Joshua Becker- tác giả của quyển sách nổi tiếng Sống tối giản  thì lối sống tối giản được hiểu là lối sống có mục đích rõ ràng và từng đồ vật trong nhà đều mang trong mình một ý nghĩa nhất định của nó. Mục tiêu của chủ nghĩa tối giản là xóa bỏ gánh nặng trong cuộc sống để ta có thể đạt được nhiều thành tựu [2, tr.62]. Chủ nghĩa tối giản có thể được áp dụng vào mọi mặt trong đời sống: công việc, suy nghĩ, các mối quan hệ,…và số lượng người theo đuổi nó không ngừng tăng lên trên phạm vi toàn cầu.

Triết lý sống tối giản là triết lý sống cho rằng, càng buông bỏ, càng sống với ít sự phức tạp, bạn sẽ càng cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn. Khi đó, hạnh phúc của bạn không phụ thuộc vào bất kỳ điều gì ngoài chính bản thân. Cái đẹp của phong cách, của sự hài hoà, của sự duyên dáng và nhịp nhàng phụ thuộc vào sự đơn giản. Đơn giản là đỉnh cao của phức tạp; Đơn giản là sự tinh tế cao nhất… là những slogan của những người đam mê phong cách này.

Nghệ thuật sống tối giản là sự tối giản không còn nằm trong ý niệm, mà nó thấm sâu vào từng hơi thở của cuộc sống, thành kỹ năng kỹ xảo trong mọi công việc, mọi hành vi, mọi phương pháp, được hướng tới một vẻ đẹp đơn sơ mà sâu lắng, giản dị mà không kém phần sang trọng, tinh tế. Tối giản mang lại cảm hứng lớn cho cái Đẹp. Khi đạt đến trình độ này, con người như thoát khỏi mọi ràng buộc, được bay bổng trong tự do. Tối giản không phải là mục đích, đó là phương tiện giúp ta nhận chân giá trị cuộc đời mình, để ta hiểu thực sự mình cần gì trong cuộc đời . Ngay khi cuộc sống còn khó khăn, nhiều tai ương, bất hạnh…, người ta vẫn hoàn toàn có thể vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật này.

2. Tính hai mặt của nghệ thuật sống tối giản

Mặt tích cực: Nghệ thuật sống tối giản vừa giúp tiết kiệm mọi mặt, vừa nâng cao chất lượng sống.

Sống tối giản có nghĩa là sở hữu ít hơn, mang lại cho mình nhiều tự do tài chính. Thay vì liên tục tiêu xài, những người theo xu hướng tối giản thường sống theo nguyên tắc của họ, dành nhiều thời gian hơn cho những sở thích cá nhân ít tốn kém mà làm giàu đời sống tinh thần, chẳng hạn như: trò chuyện với bạn bè, đọc sách, nghe nhạc, học một kỹ năng, hòa mình vào thiên nhiên, trồng cây, nuôi thú cưng, chăm sóc gia đình, sử dụng những nguyên liệu sống đa dạng nhưng thân thiện, dễ kiếm tìm, không đắt đỏ. Chính vì vậy, ta sẽ tiết kiệm được nhiều thứ như:

Thứ nhất: tiết kiệm chi phí. Lợi ích đầu tiên là lợi ích về tài chính. Việc sở hữu ít đồ vật gần với việc giúp bạn tiêu ít tiền hơn. Không cần chạy theo những thói xa xỉ, mua sắm đồ đạc đắt đỏ, mà tài chính ấy sẽ dành cho những việc nâng cao chất lượng cuộc sống: đầu tư vào sức khỏe, học tập, giải trí, đi du lịch cùng gia đình và bạn bè, tăng thêm  kết nối và trau dồi hiểu biết.

Thứ hai: Tiết kiệm thời gian. Việc sở hữu ít đồ vật còn giúp bạn bớt nhiều thời gian để chăm sóc, sắp xếp, sử dụng, và lau dọn chúng. Đi mua sắm thường xuyên khiến bạn mất rất nhiều thời gian. Trong thời đại tiêu dùng như hiện nay, có nhiều người nghiện mua sắm, đến mức, thời gian dành cho công việc này chiếm một tỷ trọng rất lớn trong quỹ thời gian sống của họ. Sống tối giản cũng khiến ta không tiêu tốn thời gian vào những việc vô bổ, những mối quan hệ xã giao, những suy nghĩ rắc rối, phức tạp.

Thứ ba: tiết kiệm sức khỏe. Sở hữu ít đồ vật là cách giúp bạn ít căng thẳng hơn. Trong một diện tích dù rộng đến đâu nhưng lại chất ngất đồ đạc sẽ khiến không gian sống thực sự của bạn bị ngộp thở. Trong trí não của bạn bộn bề các mối lo lắng, suy nghĩ rắc rối, phức tạp như trên sẽ khiến bạn bị bao vây bởi chúng mà khó thoát ra được. Nếu bạn lược bớt đi, điều đó cho bạn cải thiện sức khỏe của mình, loại bỏ stress, thoải mái, vui vẻ, nhẹ nhõm hơn, bạn sẽ cảm nhận được sự lành mạnh và lòng yêu đời. 

 Thứ tư: tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việc sử dụng ít vật dụng sẽ giúp bạn góp một phần thiết thực vào việc bảo tồn tài nguyên tự nhiên, các vấn đề về môi trường được quan tâm và ưu tiên hơn. Những người theo lối sống này thường sử dụng các vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, sống hài hòa với tự nhiên, hay tìm mọi cơ hội đưa thiên nhiên vào không gian sống của mình: ánh sáng tự nhiên, gió trời, không khí tươi, cây cối và các con vật nuôi thân thiện…

Nói tóm lại, sống tối giản sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, tự do hơn. Càng phức tạp, càng rối rắm, càng nặng nề mất tự do. Triết lý của lối sống tối giản chính là ở chỗ đó.

Mặt hạn chế của lối sống tối giản

Thứ nhất, tự hạn chế mối quan hệ xung quanh mình

Với cách tiết chế mua sắm, chủ nhân sẽ khá ngại ngùng khi mở rộng giao lưu, xây dựng các mối quan hệ mới. Thường họ sẽ không muốn mang đến sự phiền toái cho những người xung quanh và cho chính bản thân mình. Họ sẽ co mình lại, chui vào vỏ bọc theo họ là an toàn hơn cả. Dần dần, rất có thể họ sẽ bị cô độc, lạc lõng nếu không biết cân bằng.

Thứ hai, không thực sự thích hợp với đời sống gia đình có đông đúc thành viên.

Lối sống tối giản phù hợp với những người sống độc thân hơn là với gia đình, đặc biệt là những gia đình lớn. Tất nhiên, khi sống độc thân, nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt của bạn có khả năng không thể nhiều bằng có thêm các thành viên, ở nhiều lứa tuổi, đa dạng các nhu cầu, chồng chéo về thời gian sống, nghỉ ngơi và làm việc. Có thể khắc phục điều này bằng cách, chúng ta sẽ vừa tạo cho mình một không gian riêng, một phong cách yêu thích, vừa tôn trọng những thành viên khác trong sự hài hòa nhất định. Đó là chỉ khó khăn trong một không gian sống vật chất hữu hạn mà thôi, còn trong đời sống tinh thần thì không có  giới hạn.

Tính hai mặt này thể hiện rõ nét tính triết học của nghệ thuật tối giản.

3. Tính đa dạng của nghệ thuật sống tối giản thể hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống

Tối giản trong trang trí nội thất, ngoại thất và trang phục

Đây là biểu hiện đầu tiên và cũng dễ nhận thấy nhất của một chủ thể sống tối giản. Minimalism giúp có một không gian sống rộng rãi và thoáng đãng giữa chốn thị thành đắt đỏ bằng việc bỏ đi những vật dụng không sử dụng, ít sử dụng và học cách sắp xếp nơi ở, nơi làm việc gọn gàng, ngăn nắp. Không khí và ánh sáng trong phòng được lưu thông. Phong thủy hài hòa. Áo quần trang nhã, phù hợp, lịch sự, không lòe loẹt, cầu kỳ. Chúng ta có thể thấy lại hình ảnh của Steve Jobs – một trong những người sáng lập công ty công nghệ Apple Inc danh tiếng- luôn năng động và trẻ trung trong duy nhất một mẫu trang phục: quần Jean xanh màu chàm truyền thống kết hợp với áo thun đen. Và chỉ có thế. Là người chịu ảnh hưởng to lớn từ văn hóa Thiền Nhật bản, Steve Jobs luôn đưa tinh thần tối giản vào các sản phẩm của mình. Chúng không bao giờ có những chi tiết dư thừa.

Tối giản trong việc thu thập thông tin

 Trong một xã hội đầy ắp thông tin như hiện nay, mỗi giây, mỗi phút lại có một lượng khổng lồ những thông tin mới, có thật, có ảo, có tốt, có xấu. Chọn lọc những thông tin hữu ích để theo dõi, không thu thập thông tin tràn lan, không mục đích, tránh mất thời gian vô ích và làm cùn mòn trí nhớ do bội thực thông tin. Từ chối các tin tức “lá cải” vô bổ, tiêu cực, nặng nề; thay vào đó tập trung tới những điều tích cực, bổ ích khiến tinh thần trở nên vui vẻ, thoải mái hơn.

Tối giản trong các mối quan hệ xã hội

 Từ bỏ những mối quan hệ vô thưởng vô phạt, tập trung thời gian cho những mối quan hệ thân thiết, chất lượng hơn số lượng. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Tối giản những mối quan hệ giúp ta có được những sự gắn kết bền chặt, không vụ lợi, từ đó có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Tối giản trong lựa chọn các hình thức và chương trình giải trí

 Chọn lọc những chương trình bên cạnh việc giải trí còn đem lại giá trị nhân văn, giá trị kiến thức, giá trị thẩm mỹ cao, bồi dưỡng tâm hồn con người thêm giàu có, bằng những hình thức lành mạnh. Tránh xa các hình thức và chương trình độc hại. Để lựa chọn được như vậy, thực sự cần một trình độ nhất định, một nền tảng văn hóa căn bản mà giới trẻ ngày nay còn rất thiếu.

Tối giản trong tâm hồn

“Dọn dẹp” tâm hồn cho thanh sạch, gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, xấu xí, phức tạp làm tâm trí mệt mỏi, Minimalism không chỉ tác động đến cuộc sống hàng ngày mà  nó còn giúp thanh lọc cả đời sống tinh thần. Có lẽ, đây là mục tiêu cao cả nhất mà lối sống này hướng tới, cũng là biểu hiện rõ nét nhất cho thấy tính triết học của nghệ thuật sống này.  

4. Một số lầm tưởng về nghệ thuật sống tối giản

Tối giản thường hay bị đánh đồng với đơn điệu và chi phí thấp

Thiết kế nội thất theo phong cách tối giản, đề cao việc có ít đồ đạc trong cùng một không gian đã tạo nên những hiểu lầm về mức đầu tư cho nó.  Tối giản bị cho là nhạt nhẽo, chỉ ưu tiên hai màu: trắng và đen, đó phải luôn luôn là màu chủ đạo.Hai màu trắng và đen có thể mang đến cảm giác đơn giản và mang tính nghệ thuật cao nhưng không có nghĩa bạn phải bao trùm bản thân, căn nhà của mình, các đồ dùng, trang phục, bài trí,… chỉ bằng hai màu ấy. Bạn có thể sử dụng bất cứ màu sắc yêu thích nào, miễn sao thấy vui vẻ và thoải mái là được. Mỗi món đồ được chọn lựa đều phải đạt chất lượng, có thẩm mỹ và trong một sự sắp đặt hoàn hảo. Mức đầu tư cho những nội thất như vậy không hề thấp, và đặc biệt chủ nhân phải chọn lựa kỹ càng, có gu thẩm mỹ cao, tạo những điểm nhấn trong phong cách nên nó không hề đơn điệu.

Tối giản cũng bị đồng nghĩa với việc lược bỏ tất cả một cách cực đoan

Không nên đánh đồng sống tối giản (Minimalism) với sự tiết kiệm, dè sẻn, hà tiện (Frugal) làm khổ cực bản thân, hay lối sống khắc kỷ (Stoicism) hà khắc với bản thân, siết chặt kỷ luật và tiêu diệt những ham muốn. Chúng ta chỉ lược bỏ những điều phiền não, ảnh hưởng tiêu cực và quá tải mà thôi. Tối giản không đồng nghĩa với việc lược bỏ hết tất cả. Mà là phải biết từ bỏ. Họ đã nhầm lẫn bởi, “đối tượng muốn loại bỏ” của lối sống tối giản không phải là sự mua sắm mà chính là sự mua sắm vô kế hoạch, mua sắm để có cảm giác viên mãn.

Một cách hiểu nhầm nữa là sống tối giản không thúc đẩy sự phát triển của xã hội, vì không kích cầu cho sự sản xuất hàng hóa. Có người nghĩ, sống tối giản là không được mua sắm, là tiết kiệm đến mức bủn xỉn, keo kiệt, vậy thì sẽ không thể thúc đẩy sản xuất xã hội. Chúng tôi không nhất trí với cách nghĩ này, bởi vì những món đồ người sống tối giản lựa chọn nhiều khi có một giá thành không hề thấp. Họ đơn giản là lựa chọn rất kỹ lưỡng, theo một tiêu chí chất lượng cao, cần và đủ, mà không chạy theo số lượng. Họ giàu có về những giá trị khác. Sự giàu có ấy thể hiện ở những phong cách tối giản sau đây.

5. Những phong cách sống tối giản phổ biến

Phong cách tối giản tối đa

Đây là kiểu người có xu hướng giảm tối đa có thể, và đây cũng là phong cách phổ biến nhất. Triết lý tối giản của họ sẽ được biểu đạt ở mọi lĩnh vực của cuộc sống. Những người theo cách này thường có quan niệm càng ít càng tốt, chỉ đáp ứng nhu cầu cần và đủ. Nhưng điều này không có nghĩa là họ bỏ qua sự tận hưởng của bản thân. Ngược lại, người theo phong cách tối giản tối đa sẽ hay lựa chọn những vật dụng cao cấp và một cuộc sống chất lượng. Chúng phải đáp ứng điều kiện tốt nhất, nhiều chức năng nhất và sử dụng lâu dài nhất có thể. Họ không tham gia các bữa tiệc tùng lê thê, không chấp nhận những mối quan hệ hời hợt, không làm những việc thừa thãi.

Phong cách tối giản nghệ thuật

Người có phong cách tối giản nghệ thuật hướng đến không gian sống thoáng đãng, dễ chịu, cá tính, không lặp lại. Phong cách này đặc biệt chú trọng đến ánh sáng trong nhà thiên về tự nhiên cũng như cách bài trí nội, ngoại thất có chủ ý nghệ thuật. Màu sắc chủ đạo họ hay dùng là các gam màu đối lập của sáng và tối. Người sống tối giản theo hướng nghệ thuật thường có cách thiết kế độc đáo, có gu riêng, có điểm nhấn, đậm nét cá tính ngay từ chi tiết nhỏ . Họ thích tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thoát, bay bổng với những ý tưởng sáng tạo rực rỡ. Cuộc sống của họ, tưởng chừng đơn giản mà lại vô cùng đa dạng, phong phú và luôn tươi mới.

Phong cách tối giản bảo vệ môi trường

Chủ nghĩa tối giản theo phong cách này sẽ tận dụng tối đa đồ dùng hàng ngày. Họ hạn chế việc xả rác, nhất là các rác thải khó phân hủy. Đồng thời, họ sẽ lựa chọn các thực phẩm hữu cơ, những đồ dùng có nguồn gốc thiên nhiên, ví dụ như bàn ghế mây tre đan, những bức tranh được ghép bởi lá và hoa khô, những lối đi trải sỏi… Không gian xung quanh họ cũng sẽ được kết hợp với nhiều cây xanh hơn khi có điều kiện.

Phong cách tối giản đạm bạc

Người sống tối giản đạm bạc hướng tới mục tiêu tiết kiệm tiền bạc theo đúng nghĩa đen. Không hẳn do điều kiện kinh tế eo hẹp, mà đơn thuần, họ là người không quá coi trọng vật chất, không thích cuộc sống rườm rà. Đồ hiệu đắt tiền, nhà sang, xe đẹp…đối với họ không có nhiều ý nghĩa. Nhu cầu vật chất của họ đơn sơ, niềm vui của họ có lẽ dành cho những lĩnh vực tinh thần khác.

Phong cách tối giản trải nghiệm

 Đặc điểm chung của những người sống theo phong cách này là “thích xê dịch”. Hiểu một cách đơn giản là họ lược bỏ bớt đồ đạc đi để có thể tiện di chuyển. Nếu bạn mong muốn có thể đi du lịch nhiều nơi hoặc muốn thường xuyên thay đổi chỗ ở, thích những cảm giác mới mẻ thì bạn sẽ phù hợp với phong cách sống này. Nhiều người trẻ ở các nước Âu, Mỹ rất chuộng kiểu trải nghiệm như vậy. Trên con đường trải nghiệm, họ sẽ gặt hái cho mình nhiều điều bổ ích. Tuy là tối giản, nhưng phong cách này lại có yêu cầu cao về điều kiện thể chất. Việt Nam ta có câu tục ngữ  Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, tuy nhiên, trào lưu này chưa nhiều, vì quan niệm văn hóa truyền thống  của nước ta hay gắn với quê hương, bản quán, thích sự ổn định, an cư lạc nghiệp.

Phong cách tối giản  trong tinh thần

Người sống tối giản tinh thần cắt giảm các mối quan hệ vô bổ, những ràng buộc nặng nề, những lễ nghi phiền toái, những sự bày vẽ màu mè, rườm rà…nhằm đem đến cho bản thân sự thoải mái, tự do cao nhất. Đây chính là đỉnh cao của lối sống này mang đến, thể hiện rõ nhất khát vọng vươn lên của con người, vượt thoát mọi rào cản, ràng buộc, toát lên một triết lý sống an nhiên, giản dị.

6. Cách thức để bắt đầu xây dựng lối sống tối giản

Dũng cảm loại bỏ những thứ không cần thiết một cách kiên quyết

Một trong những tiêu chí cốt lõi nhất của chủ nghĩa tối giản là cắt giảm những thứ bạn không cần. Để bắt đầu, hãy xác định những gì cần thiết để phục vụ mục đích trong cuộc sống của bạn. Hãy tự hỏi xem làm thế nào để có thể cắt giảm những thứ không mang lại giá trị cho cuộc sống của mình, rồi loại bỏ chúng hoàn toàn một cách kiên quyết, dũng cảm. Đồ đạc, vật dụng, quan hệ xã giao phiền phức, sự nhạt nhẽo, vô vị,…Thực hiện được bước đầu này sẽ khá khó khăn, nhất là trong thời buổi hiện nay, có nhiều người đang sống trong ngập tràn hàng hóa, một xã hội tiêu thụ, quá thừa vật dụng nhưng quá ít niềm vui.

 Lấy chất lượng thay vì số lượng

Chủ nghĩa tối giản không có nghĩa là bạn không bao giờ đi mua sắm, nó chỉ có nghĩa là bạn có chủ ý hơn với việc đầu tư của mình. Đầu tư vào những món đồ chất lượng, các mối quan hệ chất lượng, những ý tưởng chất lượng…để tăng cường chất lượng sống.

Tăng cường tái sử dụng 

Khi bắt đầu dọn dẹp, hãy xem xét những sản phẩm nào có thể được tái sử dụng. Đặt những giá trị lợi ích tiện dụng, xinh đẹp và độc đáo. Nếu không, căn phòng lại giống như một nhà kho, tâm trạng lại chật hẹp, gò bó hơn.

Sắp xếp mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp

Khi bạn đã bắt nhịp được với phong cách tối giản, hãy sắp xếp mọi thứ vào đúng vị trí của nó một cách khoa học để đảm bảo có thể lưu trữ chính xác những gì bạn cần.  Khi không gian tối giản của bạn được đặt vào đúng vị trí, hãy tự chịu trách nhiệm cất các món đồ sau khi sử dụng xong. Như các file tài liệu được lưu một cách khoa học trong máy tính. Như ông thầy lang có những ô tủ, mỗi ô chứa một vị thuốc riêng biệt, nghệ thuật sắp đặt của bạn sẽ được rèn giũa mỗi ngày, cẩn trọng và chính xác.

 Đầu tư vào trải nghiệm

Một thực tế phổ biến trong chủ nghĩa tối giản là ưu tiên trải nghiệm. Một số người đánh giá cao những kỷ niệm được tạo ra từ các chuyến đi hoặc các lớp học kỹ năng sống hơn là có các thiết bị điện tử hoặc những món thời trang mới nhất. Tối giản có thể cắt giảm chi phí ngân sách hiệu quả, vì thế bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để chi  cho những thứ khác làm giàu có hơn sự trải nghiệm của mình. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Cuộc sống là một hành trình, không phải là đích đến. Xét cho cùng, đích đến của chúng ta như nhau, chỉ khác hành trình mà thôi.

Bỏ qua những gì ngoài tầm kiểm soát

Buông bỏ những thứ bạn không thể kiểm soát, có thái độ bình thản đón nhận những sự việc diễn ra theo quy luật, lược đi những lo lắng quá đà về tương lai…Tập trung vào những thứ bạn thích và trong khả năng của mình. Một khi bạn đã thu hẹp được những gì quan trọng nhất đối với mình, dồn năng lượng vào đó để có những thành tựu, từng bước một.”Một khi buông bỏ được những thứ không quan trọng, ta có thể thoải mái theo đuổi tất cả những điều thật sự quan trọng với mình” [3]. Có nhiều thứ trong hoàn cảnh này rất hữu dụng, nhưng trong hoàn cảnh khác, vẫn giữ nó thì lại là gánh nặng làm chậm cả hành trình.

Hãy bắt đầu ngay để thực hiện những điều này. Một điều rất hiển nhiên là, chúng ta đều luôn có cơ hội bắt đầu, ngay từ bây giờ, không khi nào là muộn.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lý thuyết. Để đạt đến nghệ thuật sống tối giản, chúng ta cần một sự nỗ lực mạnh mẽ và bền bỉ không ngừng.

7. Kết luận

Mỗi người là một cá nhân khác nhau, có sở thích, môi trường, gia đình, văn hóa,… khác nhau. Vì vậy, phong cách sống như thế nào là tùy thuộc sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Không có một tiêu chí nào để so sánh sự tối giản giữa các cá nhân. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những ích lợi tuyệt vời mà nghệ thuật sống tối giản mang lại, mà điều tuyệt vời nhất của nghệ thuật này chính là một tinh thần triết học sâu sắc, nhân văn, khiến cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Joshua Becker (2020): Sống tối giản, Thục Quyên (dịch), Nxb. Tổng hợp, TPHCM.

2. Joshua Fields Millburn, Ryan Nicodemus (2020): Chủ nghĩa tối giản, Nguyễn Thị Hồng Phương (dịch), Nxb. Lao động – xã hội, Hà Nội

3. Sasaki Fumio (2022): Lối sống tối giản của người Nhật, Như Nữ (dịch)Paperback, Nxb. Lao động, Hà Nội.

4. Nguyễn Thuỳ Linh (2002): Lối sống tối giản có điều gì hấp dẫn khiến giới trẻ phải theo đuổi? Tạp chí Phái mạnh – ELLE Man.

5. Kyle Chayka (2020): The Longing for Less: Living with Minimalism, Bloomsbury Publishing USA

BÀI LIÊN QUAN