CỘNG ĐỒNG CHIA SẺ TƯƠNG LAI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC: TẦM NHÌN MỤC TIÊU VÀ KẾ SÁCH PHƯƠNG LƯỢC
TS. Lê Thị Vinh 1
Hội thảo khoa học quốc tế về “Kinh nghiệm cầm quyền của các Đảng chủ nghĩa Mác” lần thứ V – “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc: Tầm nhìn mục tiêu và kế sách phương lược” được tổ chức tại Đại học Quảng Tây, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 02 tháng 7 năm 2024 là hoạt động thực hiện tinh thần của Tuyên bố chung nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “Xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Hội thảo do Đại học Quảng Tây, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng tổ chức, do Học viện chủ nghĩa Mác, Đại học Quảng Tây Chủ trì và các Tạp chí Đại học Quảng Tây (Triết học và Khoa học Xã hội) phối hợp trợ giúp.
Hội thảo đã thu hút được quan tâm tham gia, viết bài của hơn 200 học giả đến từ bốn quốc gia: Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Nepal; trong đó, có 41 bài viết của học giả Việt Nam. Phiên toàn thể (diễn ra vào buổi sáng và cuối giờ chiều ngày 29/6/2024) và phiên các tiểu ban (từ 14 giờ đến 15 giờ 30 phút ngày 29/6/2024) của hội thảo xoay quanh 5 nội dung chính:
(1) Trao đổi liên đảng và kinh nghiệm quản lý của Đảng Cộng sản: nhìn lại và nhìn về phía trước;
(2) Cộng đồng chung vận mệnh: văn hóa và triết học;
(3) Giáo dục công dân và giáo dục chính trị tư tưởng: thực tiễn và kinh nghiệm;
(4) Những nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa xã hội khoa học: Kiên trì đường lối căn bản và đổi mới sáng tạo;
(5) Sự kế thừa và sứ mệnh của tình hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam trong thời đại mới: tuổi trẻ và tương lai
Tại hội thảo, các học giả đã thảo luận và chia sẻ kết quả nghiên cứu về các vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên liên quan đến chủ đề của hội thảo. Các nhà khoa học đã làm sâu sắc hơn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội, về thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và kinh nghiệm cầm quyền của các Đảng Cộng sản tại Việt Nam, Trung Quốc, Lào và định hướng hạnh phúc toàn dân ở Nepal. Trình bày báo cáo tại phiên toàn thể của hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức (Hội Triết học Việt Nam) đã đưa ra đề xuất thành lập cộng đồng lý luận xã hội chủ nghĩa thời đại mới. Phát biểu bế mạc hội thảo, GS. Từ Tần Phát (Ủy viên Đảng ủy Trường Đại học Quảng Tây, Giám đốc học viện Chủ nghĩa Mác) thông báo kết quả hội thảo: Trung Quốc và Việt Nam đề xuất thành lập Cộng đồng lý luận xã hội chủ nghĩa thời đại mới. Các công tác tiếp theo chuẩn bị thành lập chính thức cộng đồng này sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Trong khuân khổ chương trình làm việc của hội thảo, Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Quảng Tây tổ chức cho các đại biểu quốc tế tham quan khảo sát một số địa điểm tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc: Trường Dục tài Nam Ninh Quảng Tây – chính là Khu học xá Trung ương của Việt Nam được thành lập Tại Nam Ninh, Quảng Tây từ tháng 10 năm 1951, là nơi đã đào tạo nhiều cán bộ tài đức vẹn toàn phục vụ cho cách mạng Việt Nam; phòng ở của Bác Hồ tại một khách sạn nhỏ thành phố Liễu Châu khi Người hoạt động tại Trung Quốc đầu những năm 40 thế kỷ trước; Bảo tàng quá trình Công nghiệp hóa Liễu Châu; nhà máy bún ốc ăn liền Liễu Châu.
Sáng ngày 01 tháng 7 năm 2024 diễn ra tọa đàm giữa Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Quảng Tây và các học giả Việt Nam, gồm các phiên làm việc riêng với từng đơn vị: (1) Hội Triết học Việt Nam, (2) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, (3) Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, (4) Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các bên thảo luận về kế hoạch hợp tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy và đào tạo đại học, sau đại học.
Toàn bộ các chương trình làm việc của Hội thảo đã thành công tốt đẹp ./.
- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ↩︎