THANH NIÊN VIỆT NAM VỚI VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Trần Quang Huy

Trường Đại học Tân Trào

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay

Việt Nam có đặc thù cơ cấu dân tộc – tộc người đa dạng, có nhiều đặc trưng riêng về địa hình, khí hậu vùng, miền và đặc biệt là có lịch sử hằng nghìn năm hào hùng đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các thế hệ cha ông đã hun đúc, tạo dựng nên một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, đa sắc màu nhưng vẫn thống nhất trong đa dạng trên nền gốc văn minh nông nghiệp lúa nước, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Di sản văn hóa là tài sản, báu vật mà cha ông để lại cho các thế hệ sau,  kết tinh trí tuệ của cả cộng đồng trong lịch sử tồn tại và phát triển. Luật Di sản văn hóa (văn bản hợp nhất năm 2013) đã khẳng định, di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và vật thể; trong đó, “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”; di sản văn hóa vật thể là “sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Theo nghĩa đó, di sản văn hóa mang trong mình những giá trị biểu thị lòng yêu nước, sự tự tôn, ý chí tự cường dân tộc, những giá trị chuẩn mực về con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam sâu sắc… Tất cả tạo nên bản sắc văn hóa và những đặc điểm riêng cho mỗi cộng đồng, mỗi địa danh cụ thể của dân tộc Việt Nam.

Là yếu tố hợp thành nền tảng vật chất và tinh thần của xã hội, nhưng di sản văn hóa lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ thất truyền trước những tác động từ điều kiện khách quan, nhất là trước những tác động sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa luôn  mang tính cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Tiếp tục thực hiện quan điểm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1996: 110 – 111), cho đến nay, rất nhiều di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên cả nước đã được tiếp tục phục dựng, tôn tạo, bảo tồn. Nhiều di sản đã được công nhận, ghi danh ở các cấp độ khác nhau. Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam có 25 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh, trong đó có 4 di sản thiên nhiên và văn hóa vật thể, 14 di sản văn hóa phi vật thể và 4 di sản tư liệu. Bên cạnh đó, có 40.000 di tích được thống kê, 112 di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt, 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và và 10.109 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cùng 127 di tích lịch sử và bảo vật quốc gia. Ngoài ra, còn có 4 triệu hiện vật của 179 bảo tàng cũng được xem là một phần của kho tàng di sản văn hóa đang được trưng bày, lưu giữ (theo Nguyễn Thị Phương Châm, Hoàng Cầm, 2022). Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ngành liên quan luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Nhờ đó, di sản văn hóa đã phát huy được giá trị trong giáo dục giá trị nhân văn, truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam; góp phần quan trọng trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Sự gắn kết giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch ở nhiều địa phương đã đem lại những thành công lớn, vừa thu hút khách tham quan, vừa quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa đặc sắc tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số di sản có nguy cơ bị mai một, thất truyền, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể; một số khác bị khai thác quá mức ở khía cạnh kinh tế dẫn đến nguy cơ bị hỏng, khó phục hồi; một số di sản được phục dựng không phù hợp với nguyên gốc… Tất cả những vấn đề trên làm cho văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng “chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của phát triển bền vững đất nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập I: 84).

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa là “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập I: 143) và cao hơn nữa là bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân và “Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập I: 134). Thực hiện hoạt động này cũng là góp phần thực hiện định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập I: 115 – 116).

Phát huy vai trò của thanh niên Việt Nam trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phải triệt để thực hiện quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Theo đó, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa là trách nhiệm của toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó “Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa” Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998: 57). Với quan điểm chỉ đạo này, gần 22 triệu thanh niên đã tham gia đóng góp vai trò quan trọng này, chiếm khoảng 21% dân số cả nước. Thế hệ thanh niên ngày nay không chỉ đơn giản là hấp thụ di sản văn hóa của dân tộc, của cha ông đã truyền lại, mà còn phải tiếp nối, đồng thời tiếp tục sáng tạo, phát huy các di sản văn hóa trong điều kiện thực tế để tạo cơ sở cho sự phát triển của tương lai, bởi khi đó, họ chính là những người chủ của xã hội.

Đánh giá về vai trò của tầng lớp thanh niên, tại Hội nghị thanh niên Việt Nam ngày 17/8/1947, trong Thư gửi các bạn thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh (2011, tập 5: 216) đã nhấn mạnh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Người khuyên thanh niên rằng, “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”; thanh niên là rường cột nước nhà, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên và “Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 5: 216). Là tầng lớp nhạy bén với thời cuộc, rất dễ tiếp thu cái mới, nhưng cũng dễ bị lôi cuốn bởi cả những giá trị, chuẩn mực ngoại lai không phù hợp với nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì thế, tầng lớp thanh niên cần phải chủ động, tự giác tham gia các nhiệm vụ cách mạng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh (2011, tập 5: 216) đã căn dặn: “Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.

Việc thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chính là góp phần phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tham gia hoạt động này một cách chủ động, tích cực và tự giác cũng chính là tham gia vào quá trình tự rèn luyện, tự giáo dục bản thân, thực hiện nhiệm vụ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập I: 168).

Một số giải pháp phát huy vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Dự báo tình hình thế giới trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh và sâu rộng hơn tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cũng sẽ chịu những áp lực lớn hơn từ điều kiện, tình hình trong nước. Bối cảnh mới này càng đòi hỏi tầng lớp thanh niên cần phát huy hon nữa vai trò, trách nhiệm, sự sáng tạo,  góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Theo đó, trong thời gian tới, để phát huy vai trò của thanh niên trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, cần chú trọng:

Một là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chú trọng công tác “giáo dục di sản” cho thanh niên.

Bảo đảm sự tham gia hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa một cách thực chất, vượt qua tính chất của một phong trào, một cuộc vận động thì mỗi thanh niên phải có nền tảng vững chắc về tư tưởng chính trị và những hiểu biết nhất định về di sản văn hóa. Hành động của con người luôn mang tính mục đích xác định, nhưng hành động đó chỉ mang tính tự giác khi chủ thể hành vi hiểu rõ về nội dung hành động của mình. Trong bối cảnh có nhiều thông tin trái chiều, nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai chưa được tiếp biến, chọn lọc tiếp nhận đã có tác động rất lớn tới thế hệ trẻ như hiện nay, công tác giáo dục tư tưởng, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh văn hóa càng trở lên cần thiết. Đối với thế hệ trẻ, khi chưa có sự nhận thức đúng giá trị, không hiểu cái hay, cái đẹp trong các giá trị di sản văn hóa thì sẽ cản trở việc tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản di sản văn hóa và thậm chí còn khiến họ có nguy cơ trở thành lực lượng tiềm ẩn gây mất bản sắc.

Việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục di sản cho thanh niên cần thông qua công tácquán triệt học tập các nội dung trọng tâm của Đại hội XIII của Đảng, những văn bản có ý nghĩa như là “Cương lĩnh văn hóa” trong thời kỳ đổi mới hiện nay, như Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Luật Di sản văn hóa;… tại các cơ quan, trường học, ở các cấp bộ đoàn – nơi đội ngũ thanh niên học tập, làm việc và tham gia sinh hoạt… Bên cạnh đó, còn có một nội dung rất quan trọng đó là cần có những hoạt động giới thiệu, tuyên truyền về di sản văn hóa, tức là phải “giải mã” di sản văn hóa cho thanh niên. Mỗi thanh niên chỉ thực hành, tiếp thu di sản văn hóa và tiếp tục tuyên truyền di sản một cách tự giác khi đã hiểu rõ bản chất di sản văn hóa, về những giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc được gửi gắm, chứa đựng trong di sản. Nếu chưa hiểu về di sản thì việc thực hành di sản và tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chỉ mang tính hình thức, phong trào, thiếu bền vững. Nội dung giáo dục di sản còn đồng thời là đấu tranh, phê phán, điều chỉnh nhận thức, hành vi lệch lạc, sai trái trong cách ứng xử với di sản.

Nội dung giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục di sản phải được xác định để trở thành một nội dung hoặc chuyên đề trong sinh hoạt của chi đoàn, chi hội; tổ chức thành các buổi ngoại khóa để thanh niên có thể tiếp cận thông tin về lĩnh vực này một cách ấn tượng và hiệu quả. Hình thức tổ chức nên tăng tính đại chúng để dễ tiếp thu. Trách nhiệm tổ chức giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục di sản cho thanh niên trước hết thuộc về tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam từ cấp Trung ương đến cấp chi đoàn, chi hội cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, trường học và khu dân cư. Trong quá trình thực hiện, các cấp đoàn, hội cần phải phối hợp đồng bộ với các tổ chức đoàn thể xã hội cùng cấp khác mà thanh, thiếu niên cũng là thành viên.

Hai là, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, thực hành di sản.

Là đối tượng được giáo dục, tuyên truyền về di sản văn hóa nhưng chính tầng lớp thanh niên phải chủ động phát huy vai trò xung kích của mình trong công tác này, như phương châm “Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ” mà UNESCO đã nhấn mạnh. Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên tổ chức các hội thi tìm hiểu về di sản văn hóa, pháp luật về di sản văn hóa; thuyết trình, giới thiệu về di sản văn hóa, về truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương… Chủ động thực hiện Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 – 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 12/3/2021; đề xuất đảm nhận những phần việc thanh niên gắn với di sản văn hóa ở chính địa phương mình bằng những việc làm cụ thể, như chăm sóc, vệ sinh các khu di tích lịch sử – văn hóa; thực hiện các chương trình “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” tại các khu danh lam, thắng cảnh hoặc hỗ trợ trong các hoạt động sưu tầm, phục dựng, truyền dạy di sản của các nghệ nhân dân gian.

Tại các cơ sở giáo dục, thực hiện Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL, ngày 16/01/2013, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, sinh viên, đoàn viên thanh niên cần chủ động tham gia và tự tạo môi trường “giáo dục di sản” cho mình. Thông qua các phần việc, nội dung hoạt động cụ thể, như thành lập câu lạc bộ di sản văn hóa trong nhà trường; tổ chức chương trình trình diễn nghệ thuật dân gian, cần quy định việc thanh niên mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động sinh hoạt chính trị lớn; khuyến khích, hỗ trợ sinh viên đăng ký, tham gia nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học liên quan tới di sản văn hóa.

Ba là, tạo động lực thúc đẩy thanh niên tham gia các hoạt bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục di sản cho thanh niên. Điều đó không chỉ nâng cao nhận thức cho tầng lớp chủ thể văn hóa này mà còn tạo ra động lực tinh thần cho chính họ. Tinh thần là nguồn động lực chính và quan trọng nhất để huy động tầng lớp thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Thông qua giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục di sản sẽ khơi dậy, nhân lên niềm đam mê, ý thức bảo vệ di sản trong thế hệ trẻ. Từ sự hiểu biết về di sản, sẽ từng bước hình thành cho mỗi thanh niên, mỗi đoàn viên, sinh viên những tình cảm tích cực về di sản, khơi dậy niềm tự hào và ý thức tự tôn dân tộc, khi đó, mỗi cá nhân sẽ tự xác định trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia bảo tồn, phát huy di sản. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, đoàn thể cần có các hình thức động viên, khen thưởng, ghi nhận sự đóng góp của những cá nhân thanh niên khi tích cực tham gia. Những nhân tố đó chính là nguồn động lực tinh thần để động viên thanh niên phát huy tính xung kích, sáng tạo của mình.

Không chỉ là tài sản tinh thần, di sản văn hóa còn là nguồn tài nguyên phát triển kinh tế du lịch, là nguồn động lực để thu hút, vận động thanh niên tham gia. Triển khai thực hiện phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” thì công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp với mô hình kinh doanh du lịch dựa vào việc khai thác, phát huy di sản văn hóa tại mỗi địa phương là một giải pháp đem lại hiệu quả bền vững. Khai thác di sản văn hóa đặc sắc của địa phương để thu hút khách du lịch không chỉ là hoạt động phát huy giá trị của di sản mà còn là giải pháp “bảo tồn tích cực” đối với di sản. Lập thân, lập nghiệp với mô hình kinh tế di sản sẽ tạo được nguồn động lực cho thanh niên trong các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản. Đây là giải pháp hướng tới “mục tiêu kép” khi vừa phát huy được sức mạnh của được thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, vừa giúp thế hệ trẻ lập thân, lập nghiệp.

Với ưu điểm của sức trẻ, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo, hơn nữa là tầng lớp có số lượng đông đảo, thanh niên có vai trò rất quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Để phát huy vai trò của tầng lớp thanh niên, cần phải có những giải pháp phù hợp với tính cách, tính chất đặc thù của tầng lớp thanh niên. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền, phải cụ thể hóa thành những phần việc, những nội dung hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phù hợp với năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn của thanh niên; đồng thời chú ý tới các yếu tố vật chất, tinh thần là nguồn động lực thúc đẩy hành động của tầng lớp thanh niên trong bối cảnh mới hiện nay. q

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 1998. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hà Nội.

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 2014. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Hà Nội.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 2013. Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL, ngày 16/01/2013 về “Việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên”. Hà Nội.

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 2021. Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 – 2030 ban hành ngày 12/3/2021. Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam. 1996. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam. 1998. Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5, khóa VIII. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2021. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng – Tập I, II. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.

8. Hồ Chí Minh. 2011. Toàn tập  –  Tập 5. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

9. Nguyễn Thị Phương Châm, Hoàng Cầm. 2022. “Di sản văn hóa và sự phát triển bền vững, nhân văn ở Việt Nam hiện nay”. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_ xa_hoi/-/2018/825837/di-san-van-hoa-va-su-phat-trien-ben-vung%2C-nhan-van-o-viet-nam-hien-nay.aspx, truy cập ngày 12/9/2022

10. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 2013. Luật Di sản văn hóa. Hà Nội.

Bài liên quan

Bài đăng mới