- Cách tiếp cận tâm lý học miền sâu của Jung trong nghiên cứu văn hóa
Trước khi Freud khai sinh phân tâm học (psychoanalysis) đa số các nhà tâm lý học, xã hội học, triết học thường đồng nhất đời sống tâm thần của con người với đời sống ý thức. Họ đề cao vai trò của lý tính (duy lý), ý thức trong cuộc sống con người, không nhận thấy sự tác động và vai trò của vô thức, theo đó, tất cả những hiện tượng tinh thần hay tâm linh đều từ ý thức. Phân tâm học ra đời là sự phản ứng đối với các nhà khoa học lúc bấy giờ khi “thổi phồng” vai trò của “lý tính”, của những phát minh khoa học, cùng với nó là những cuộc chiến tranh xảy ra và hệ quả của một xã hội văn minh công nghiệp đã làm “tổn thương nhân tính” ở phương Tây, tạo nên một sức ép nặng nề đối với đời sống tâm thần con người. Từ đó, Freud cũng như các nhà phân tâm học khác đưa ra xem xét và đánh giá lại vai trò của “lý tính”, vai trò của “ý thức” trong tồn tại người. Phân tâm học cho rằng lý tính không phải là yếu tố quyết định đến tồn tại người và xã hội, mà đó là “vô thức”. Từ đó, các nhà phân tâm học đi vào nghiên cứu và chỉ ra “vô thức” có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống con người và xã hội, xem “vô thức” là bản thể trung tâm của tồn tại người và xã hội.
Nếu Freud xem vô thức cá thể là phần sâu nhất của tâm trí, nơi chứa những nội dung hoàn toàn bị che giấu khỏi ý thức, bao gồm các xung năng bản năng, ký ức thời thơ ấu bị lãng quên, và những xung đột tâm lý chưa được giải tỏa. Đây là nơi chứa đựng các cơ chế phòng vệ hoạt động mạnh mẽ và chi phối toàn bộ đời sống tâm thần của con người. Carl Gustav Jung đã mở rộng và bổ sung thuật ngữ “vô thức tập thể” – nơi lưu giữ các hình ảnh nguyên mẫu (archetypes) và kinh nghiệm phổ quát của nhân loại qua hàng ngàn năm tiến hóa. Những hình ảnh như “người mẹ”, “người anh hùng”, hay “bóng tối” không chỉ là sản phẩm của cá nhân mà là biểu tượng mang tính toàn cầu, xuất hiện trong thần thoại, tôn giáo và văn hóa khắp nơi trên thế giới.
Trong mối tương quan giữa vô thức cá thể và vô thức tập thể, tiềm thức có thể được xem như một cầu nối. Nó giúp con người tiếp cận những nội dung sâu kín từ vô thức cá thể và thậm chí cả vô thức tập thể, thông qua các biểu hiện như giấc mơ, sáng tạo nghệ thuật, hoặc các phản ứng cảm xúc không lý giải được. Việc hiểu rõ mối liên hệ này không chỉ giúp ta khám phá bản thân sâu sắc hơn mà còn mở ra cánh cửa tiếp cận những giá trị văn hóa và tâm linh chung của nhân loại.
Theo Jung, vô thức tập thể là toàn bộ những ký ức thị tộc của loài người, là kết quả của đời sống từ khi thị tộc xuất hiện, vô thức tập thể có ở trong mọi người và được nối tiếp theo di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và là cơ sở của tâm trạng cá nhân cũng như bản sắc văn hóa của nó. “Một chủng tộc với một di sản văn hóa cổ xưa của mình, theo quan điểm của Jung, có những kinh nghiệm tập thể mà không có đối với những chủng tộc khác. Cũng vậy, trong tâm thần cũng như cơ thể, điều có thể chờ đợi cũng tương tự” [2, tr. 77]. Những archertype của vô thức tập thể là những mô hình nhận thức và những hình tượng. Jung đã dùng các archertype để chứng minh, giải trình và phân tích một cách rất hữu ích đối với các huyền thoại, những câu chuyện cổ tích, văn học nói chung, biểu tượng nghệ thuật, biểu tượng văn hóa. Theo Jung, những archertype thường xuyên đi kèm với con người, ở một mức độ nhất định nào đó chúng sẽ trở thành nguồn gốc của văn hóa.
Theo Jung, archertype là những hình ảnh và suy nghĩ có ý nghĩa phổ quát ở khắp các nền văn hóa của loài người, archertype có thể hiển thị lên con người bằng ước mơ, văn học, nghệ thuật, tôn giáo. Jung tin rằng Symbol (biểu tượng) từ các nền văn hóa khác nhau thường rất tương tự nhau, vì chúng đã nổi lên từ các archertype (cổ mẫu) chung của toàn thể nhân loại. Đối với Jung, quá khứ nguyên thủy của con người trở thành cơ sở của tâm lý con người, chi phối và ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của con người và của xã hội.
Chính là nhờ phát hiện về “vô thức tập thể”, Jung đã xây dựng nên môn tâm lý học phân tích (phân tâm học Jung) – (một biến thể độc đáo của văn hóa biểu tượng – TG). Trong quá trình đi vào phân tích các nền văn hóa, Jung xem hữu thức và vô thức là hai yếu tố bổ sung cho nhau, và cả hai đều là ngọn nguồn của văn hóa.
Theo Jung, có hai loại hình tư duy đó là: logic và trực giác. Ông cho rằng, loại hình tư duy logic chiếm ưu thế và phát triển ở phương Tây (châu Âu), còn loại hình tư duy trực giác chiếm ưu thế và phát triển ở các nước phương Đông (châu Á). Theo ông, người phương Tây đi theo con đường phát triển văn hóa của tư duy hướng ngoại, hướng ra thế giới bên ngoài, còn ở phương Đông và Ấn Độ là văn hóa của tư duy hướng nội, hướng vào trong con người, trong ý thức, điều này rất phù hợp với các archertype trong “vô thức tập thể” mà Jung đưa ra. Theo ông, tư duy trực giác không thuận tiện cho phát triển văn hóa công nghệ hiện đại, nhưng nó là cái không thể thay thế, giành cho sáng tạo, huyền thoại và biểu tượng văn hóa. Khi chia tư duy thành hai loại không phải ông muốn tách rời một cách biệt lập giữa hai loại hình tư duy với những nền văn hóa khác nhau, mà ông chỉ muốn nhấn mạnh mỗi loại hình tư duy được phát triển mạnh ở đâu. Theo chúng tôi, văn hóa ở phương Tây, phương Đông, Ấn Độ hay trên thế giới thì ngay từ đầu các archertype đều mang những ý nghĩa giống nhau, đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con người, cộng cồng và xã hội.
2. Archertype, giấc mơ và những biểu tượng văn hóa
Thông qua việc nghiên cứu và điều trị bệnh tâm thần, phân tích giấc mơ, nghiên cứu các huyền thoại, huyễn tưởng, các chuyện cổ tích, Jung phát hiện ra cổ mẫu (archertype) và cho rằng ứng với mỗi cổ mẫu là một trạng thái của con người chẳng hạn như cổ mẫu người mẹ, người cha, người anh hùng,… trong số rất nhiều cổ mẫu đó, có một số loại cổ mẫu quy định quá trình phát triển nhân cách con người theo một dòng liên tục đó là persona (mặt nạ nhân cách), shadow (bóng âm), anima (là khía cạnh nữ tính ở nam giới), animus (là khía cạnh nam tính ở nữ giới), self (tự ngã). Các cổ mẫu này như những biểu tượng văn hóa có tác dụng dẫn đường, chỉ lối và điều phối sự phát triển của nhân cách con người từ một tâm thần nguyên thủy chung thành những con người cá nhân riêng biệt mà Jung gọi là quá trình cá nhân hóa (individuation). Cá nhân hóa “để chỉ quá trình mà nhờ nó mỗi một người trở nên một “cá nhân” tâm lý, đó là một sự phân tách, một tổng thể không thể phân chia được hay “tổng thể”” [2, tr. 200]. Theo Jung, cá nhân hóa như một quá trình mà chúng ta có thể thấy trong các giai đoạn quan trọng của cuộc đời, và đôi khi cũng thấy trong những giai đoạn khủng hoảng khi số phận làm đảo lộn những mục đích và mong muốn của cái tôi ý thức. Ông cho rằng, “một nhân cách chỉ là cái tôi ý thức không thể đưa lại một con người trọn vẹn cho nhận thức của chúng ta; thông thường nó đòi hỏi một nỗ lực chung của ý thức và vô thức. Nói theo cách khác, tính một mặt của đời sống ý thức cần phải được sửa chữa, được bù trừ bởi sự tương tác của ý thức và vô thức” [2, tr. 200]. Theo Jung, để đồng hóa cái tôi vào một nhân cách rộng lớn này cần phải thông qua các cổ mẫu. Các cổ mẫu này được xem là những biểu tượng văn hóa có ngay từ thời kỳ ban đầu, có chung ở tất cả các dân tộc, tức là ngay từ đầu theo Jung phải có một mẫu tượng (cổ mẫu) cổ nhất chung cho cả loài người.
Theo Jung, trong các nền văn hóa truyền thống người ta đánh giá cao kinh nghiệm của những giấc mơ, ảo giác và những nghi thức tạo ra sự hưng phấn tột độ. Chúng tạo ra khả năng tiến hành sự tiếp xúc với vô thức tập thể đồng thời tạo ra sự duy trì sự thăng bằng giữa ý thức và vô thức. Từ đó, Jung đưa ra bốn cách mà một cá nhân thường lựa chọn (hay sử dụng) để tiếp cận với đời sống văn hóa hiện tại. Thứ nhất, cảm giác. Đây là cơ năng thu thập dữ kiện thông qua những giác quan của mình để tiếp cận với môi trường văn hóa mà mình đang tồn tại. Jung cho rằng, đây là một cơ năng thiếu tính hợp lý vì ý nghĩa rút ra dựa trên nền tảng là cách nhìn chứ không trải qua những đánh giá dựa trên những dự kiện cảm tính; thứ hai, suy nghĩ (tư tưởng). Đây là cơ năng đánh giá giữ kiện hay ý tưởng một cách có phân tích và hợp lý. Jung còn gọi đây là cơ năng tư duy (có phân tích), vì nó liên hệ đến việc con người rút ra một quyết định hay đánh giá thay vì chỉ thu thập những sự kiện một cách đơn giản; thứ ba, trực giác. Đây là cơ năng dựa trên lăng kính vận hành đặt ngoài khu vực bình thường của những quá trình xử lý của ý thức. Là cơ năng không có phân tích và chỉ dựa vào lăng kính nhãn quan, giống như cơ năng cảm giác, tuy nhiên trực giác dựa vào một hệ thống phức tạp bởi những kết cấu của những lượng lớn dữ kiện thông qua các kênh nghe và nhìn. Jung cho rằng đây là cơ năng nhìn sự việc từ bên ngoài; thứ bốn, cảm xúc (tình cảm). Đây là cơ năng giống như suy nghĩ, có liên hệ đến đánh giá dữ kiện, nhưng lần này có sự cân nhắc một cách toàn diện, cùng sự tham gia của xúc cảm. Jung cho đây là cơ năng có phân tích lý trí được hiểu theo một nghĩa rộng lớn hơn. Đây là cảnh giới trưởng thành. Bốn loại cơ năng này tương ứng với bốn phương tiện mà lương tâm của chúng ta dùng để định hướng khi tiếp xúc với môi trường sống, những kinh nghiệm rút ra từ hai khuynh hướng, hướng nội và hướng ngoại. Theo Jung, “Cảm giác (nghĩa là sự tri giác của cảm quan) cho biết rằng cái gì có thực. Tư tưởng cho ta biết cái đó là thế nào. Tình cảm (cảm năng) cho ta biết cái đó làm cho ta khoái trá hay khó chịu. Trực giác khải thị cho ta biết cái đó từ đâu đến và hướng về đâu” [1, tr. 81]. Bốn cơ năng này với những tiêu chuẩn của nó dùng để xác định bốn loại thái độ, bốn cách cư xử của con người với môi trường, đời sống mà họ tiếp xúc. Đây được xem là một trong những cách tiếp cận để làm rõ hơn những phản ứng của con người đối với văn hóa thực tại mà họ đang sống, chúng cũng giúp cho con người hiểu được bản thân bên trong của mình hơn. Do vậy Jung cho rằng, “những tiêu chuẩn ấy rất đắc lực để giải thích những phản ứng của cha mẹ đối với con cái, vợ chồng đối với nhau. Chúng cũng giúp ta hiểu những thành kiến của ta” [1, tr. 81]. Theo Jung, “chính vì tất cả những lý do ấy mà nếu ta muốn hiểu giấc mơ của kẻ khác thì cần phải hy sinh những ưa thích của riêng mình, và gạt bỏ những thành kiến của chúng ta. Điều đó không dễ dàng và cũng chẳng dễ chịu gì, bởi vì nó đòi hỏi một nỗ lực tinh thần mà không phải ai cũng muốn làm” [1, tr. 81].
Do thiếu kinh nghiệm hướng nội, mà những hình ảnh archertype (cổ mẫu) dưới hình thức nguyên thủy nhất có thể thâm nhập vào ý thức các dân tộc, tạo nên những biểu tượng văn hóa sơ khai, vì rằng “tâm hồn dân tộc chỉ là một cấu trúc có phần phức tạp hơn tâm hồn cá thể” [1, tr. 100]. Chính bằng hình tượng các archertype và sự phá vỡ của những hình ảnh này, Jung đã giải thích sự khủng hoảng văn hóa châu Âu vào những năm 20 – 30 của thế kỷ XX. “xem tâm thần như là một hiện tượng tự nhiên, và những giấc mơ là biểu hiện của hoạt động sáng tạo vô thức, Jung bắt đầu quan sát hệ thống nội dung của các giấc mơ, và đặc biệt là những đặc điểm tập thể của chúng” [2, tr.119]. Jung đưa ra quan niệm về “vô thức tập thể” và xem như một cấu trúc tâm lý di truyền, phát triển trải qua hằng ngàn năm, và ông coi đây như là biểu tượng về văn hóa từ nguyên thủy nhất được phát triển cho đến hiện nay. Theo Jung, hệ tâm thức chuyên sâu của con người hoạt động theo nguyên lý tự điều chỉnh thể hiện thông qua quy tắc bù trừ. Trong đời sống ý thức của con người – nhất là khi bị chi phối bởi những quy tắc, điều lệ, quy ước, phong tục tập quán, luật pháp, đạo đức,… (văn hóa) trên tư thế cá thể (nhân vật), con người sẽ bị đánh mất thế giới quân bình và những giá trị đích thực và thâm sâu của hiện hữu. Trước tình cảnh như vậy, vô thức sẽ có những biện pháp nhắn nhủ, quở trách, cảnh báo và bù đắp vào sự phân diện của ý thức, thông qua những giấc mơ cùng với những hình ảnh có tính biểu tượng của giấc mơ.
Theo Jung: “giấc mơ là lĩnh vực thăm dò dễ dàng nhất và thường thường người nào muốn nghiên cứu khả năng tạo biểu tượng của con người cũng dễ dàng đến nhất” [1, tr. 25]. Và khi giải thích về giấc mơ sẽ giúp cho các nhà phân tâm học có được những dữ liệu để hiểu giá trị của biểu tượng văn hóa trong các tổ chức cộng đồng người. Theo Jung, chúng ta đang sống trong một thế giới gọi là văn minh công nghiệp, chúng ta đã loại trừ ra tất cả những cái mà các nhà tâm lý học gọi là “đồng nhất tâm thần” hay “tham dự thần bí” và chính những cái mà chúng ta loại trừ ra như thế làm cho đời sống của chúng ta ngày càng thiếu hụt (về mặt tinh thần – TG) đến nổi, “chúng ta mất hẳn ý thức về những sự kiện đó trong khi chúng ta tìm thấy nó ở những người khác. Đối với chúng ta, những sự kiện ấy dừng lại ở dưới lằn ý thức, nếu ngẫu nhiên chúng xuất hiện, chúng ta lại cho rằng có cái gì bất thường” [1, tr. 53]. Chúng ta đang sống với một thế giới đã quen với tính chất hữu ý của nó, Do vậy chúng ta khó lòng tưởng tượng được rằng sẽ có những điều xảy ra mà không thể lấy lý trí để giải thích được, nhưng ngược lại đối với những người cổ sơ thì khác, khi có những điều họ không giải thích được, họ sẽ nghĩ đến thần linh, ma quỷ, cái mà có thể giúp họ giải thích và an ủi họ. Theo Jung, “những khắc khoải bắt nguồn từ lâu đài văn minh của ta có thể hãi hùng hơn khắc khoải của người cổ sơ mà họ cho là quỷ quái gây ra” [1, tr. 54]. Và ông cho rằng, “trong xã hội văn minh, chúng ta đã loại bỏ khía cạnh tình cảm của biết bao ý tưởng, thậm chí những ý tưởng ấy không còn gây cho ta phản ứng gì” [1, tr. 56]. Những ý tưởng chúng ta loại bỏ đó chẳng có ý nghĩa gì với chúng ta trừ khi nó có một tác động đủ mạnh đến nổi chúng ta phải chú ý đến nó, mà Jung cho rằng đó là ngôn ngữ của giấc mơ.
Theo Jung, “giấc mơ có khả năng huyền diệu lập lại được sự cân bằng của toàn thể cơ cấu tâm thần” [1, tr. 58]. Và như vậy: “trong giấc mơ, biểu tượng ngẫu nhiên xuất hiện bởi vì giấc mơ là biến cố xảy ra chứ không phải là sáng kiến” [1, tr. 67]. Vì thế, Jung cho rằng, biểu tượng không chỉ xuất hiện trong giấc mơ, mà nó tham gia vào các loại biểu lộ của tâm thần con người và “giấc mơ là nguồn gốc chính để ta tìm hiểu biểu tượng” [1, tr. 67]. Ở vào thời đại xã hội thay đổi một cách nhanh chóng như hiện nay, việc hiểu biết nhiều hơn về con người với tư cách tồn tại người, kể cả từng con người cụ thể mà chúng ta chỉ hiểu được họ thông qua những đức tính tinh thần và đạo đức của họ được biểu lộ ra bên ngoài. “Nếu chúng ta muốn nhìn sự vật cho đúng, ta phải hiểu quá khứ của loài người cũng như thực tại của loài người” [1, tr. 67]. Do vậy, theo Jung việc phân tích giấc mơ giúp chúng ta hiểu thêm về các biểu tượng văn hóa là điều cần thiết trong việc hiểu rõ hơn về con người. Jung cho rằng: “việc giải thích những giấc mơ và những biểu trưng phụ thuộc phần lớn vào những hoàn cảnh đặc thù của người nằm mơ và vào trạng thái tinh thần của người ấy đến thế nào” [1, tr. 96].
Jung cho rằng, việc chúng ta tin tưởng vào các biểu tượng văn hóa sẽ mang lại cho cuộc sống những giá trị tốt đẹp hơn đối với con người cho dù đó chỉ là những ảo tưởng. “Tại sao chúng ta lại cấm đoán những tin tưởng nâng đỡ chúng ta trong những lúc tâm thần khủng hoảng và đem lại ý nghĩa cho đời sống?” [1, tr. 125]. Khi đi vào nghiên cứu những biểu tượng (với tư cách là những biểu tượng văn hóa – TG), Jung cho rằng có hai loại hình biểu tượng. Thứ nhất, “biểu tượng tự nhiên”, loại này có nội dung phi ý thức thoát thai từ cái psyché, từ đó nó biến đổi ra nhiều các hình ảnh có tính biểu tượng chính yếu khác, trong nhiều trường hợp người ta tìm thấy nguồn cội tối sơ của chúng, ý nghĩa và hình ảnh này được tìm thấy ở các xã hội cổ sơ; thứ hai, “biểu tượng văn hóa”, đây là những biểu tượng dùng để diễn tả những chân lý vĩnh cửu. Những biểu tượng này trong quá trình tồn tại đã có những thay đổi. Theo Jung, “có thể do một tiến trình cấu tạo ý thức, và trở thành những hình ảnh tập thể được các xã hội văn minh chấp nhận” [1, tr. 135]. Jung cho rằng, biểu tượng văn hóa có một vai trò rất quan trọng, “Chúng là một thành phần quan trọng của cơ cấu tâm thần và đóng một vai trò chính yếu trong sự xây dựng xã hội loài người” [1, tr. 136]. Bởi vì biểu tượng mang trong nó một ngôn ngữ thiên nhiên kỳ bí, một ngôn ngữ linh thiêng huyền diệu, nên khi giải thích biểu tượng chúng ta phải xét xem biểu tượng đó trong xã hội nào, dân tộc nào? Đây cả là một vấn đề đang đặt ra không chỉ cho các nhà phân tâm học, mà cho các nhà tâm lý học đi sâu giải thích làm rõ hơn đời sống văn hóa tâm thần của con người. Một khi chúng ta bỏ quên hay dồn nén, sinh lực đặc thù của những yếu tố ấy (biểu tượng văn hóa – TG) sẽ ẩn vào trong vô thức và gây ra những hậu quả mà chúng ta không thể lường trước được. Vì khi những sinh lực tâm thần không dùng đến sẽ làm tăng cường những khuynh hướng bản năng trong vô thức, tạo thành những khuynh hướng luôn có mặt trong tâm trí của chúng ta và có nguy cơ phá hoại. Theo Jung, “cả đến những khuynh hướng có gây ảnh hưởng tốt trong một vài trường hợp, cũng trở thành ác quỷ nếu chúng bị dồn nén” [1, tr. 136]. Do vậy, để cho nền văn minh thế giới tồn tại ổn định và phát triển, chúng ta cần phải làm rõ được những “biểu tượng văn hóa” chứa đựng trong vô thức, cho chúng cách thức để giải tỏa, làm cho chúng thấy được mặt sâu thẳm nhất của con người nó có chung nguồn gốc về biểu tượng văn hóa, thấy được những giá trị trong đó. Còn nếu chúng ta chạy theo một nền văn minh công nghiệp, với những phát minh, biến cố làm đảo lộn thế giới mà con người sống một cách vô tư, không quan tâm đến đời sống tâm thần sẽ làm sụp đổ nền văn minh. Jung cho rằng, “Không những nước Đức văn minh bộc lộ tính hung hãn dã man trong họ, mà tính man rợ đó còn thống trị người Nga, rồi châu Phi cũng bốc lửa. Không lạ gì thế giới phương Tây phải lo ngại” [1, tr. 136]. Con người ngày nay, không hiểu được rằng những quan niệm duy lý đã đẩy họ đến việc mặc cho thế giới bí hiểm âm u trong thâm tâm của họ tự xử lý, vì vậy nó làm cho họ mất đi khả năng phản ứng trước những biểu tượng văn hóa. Họ tưởng rằng mình đã thoát ra được thế giới huyền bí, thoát được mê tín dị đoan (bằng quan niệm duy lý có thể giải thích mọi hiện tượng – TG), chính điều đó đã làm họ mất đi những giá trị tâm linh đáng lo ngại, những phong tục tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp, điều này sẽ dẫn tới con người sẽ khó trở lại với những biểu tượng văn hóa tốt đẹp làm cho con người và xã hội sẽ rơi vào khủng hoảng.
Ngày nay, nền văn minh của chúng ta đã gạt bỏ đi những yếu tố mê huyền bí, mang tính phi lý, nhưng trên thực tế trong thế giới nội tâm của con người vẫn còn những yếu tố mang tính tâm thần vẫn còn tồn tại như con người vẫn còn xem ngày, xem tuổi, xem phong thủy trong cho những việc mình làm. Vì vậy, việc hiểu rõ những vấn đề này là rất cần thiết đối với chúng ta, nó sẽ giúp chúng ta ổn định hơn về mặt tâm thần trong đời sống của mình. Vai trò của khoa học là rất lớn nhưng sự hoài nghi về nó trong đời sống tâm thần cũng không nhỏ. Những nền văn minh lớn trên thế giới ngày nay cũng tạo ra những biểu tượng văn hóa nhằm đem lại cho con người một cuộc sống tâm thần ổn định. Vì vậy, “muốn giải thích những biểu tượng ấy và ý nghĩa của nó, sự cần thiết là phải xem xét biểu tượng liên hệ đến một kinh nghiệm hoàn toàn cá nhân hay người tạo ra nó nhân một giấc mơ, nhân một trường hợp đặc biệt có thể vận dụng cái hiểu biết của một ý thức tập thể” [1, tr. 141]. Nhiệm vụ của những “biểu tượng văn hóa” được thể hiện trong giấc mơ là cố gắng làm cho cái tâm thức đã tiến bộ, đã sáng suốt nhớ lại tinh thần nguyên thủy của con người. Bởi, chỉ quay lại tâm thần nguyên thủy với tư cách là toàn thể cá tính con người có như vậy con người mới làm sống dậy những cái mà trí óc con người hiện đại đã loại bỏ trong quá trình tiến hóa như: ảo ảnh (ảo giác), hình ảnh trong giấc mơ, hình thức tư tưởng cổ sơ, những bản năng nguyên thủy,… nhờ vậy, con người sẽ không còn lo sợ đến cái gì thuộc về vô thức. “Mọi việc đều xảy ra như con người sau khi qua một thời kỳ vô thức, bất thần nhận thấy một lỗ hổng trong trí nhớ, nhiều việc xảy ra mà họ không thể nhớ lại được” [1, tr. 145]. Như vậy, để diễn tả lại những giai đoạn trước đây mà tâm trí con người đã trải qua, giấc mơ có nhiệm vụ nhắc lại cho trí nhớ của chúng ta cái tiền sử đã trải qua và cái thế giới tuổi thơ còn ở mức độ những bản năng nguyên thủy nhất, sự nhắc lại này mang lại những kết quả tốt đẹp cho tâm thần con người. Những lổ hổng trong ký ức của tuổi thơ là một mất mát thực sự và sự nhớ lại sẽ làm tăng sức sống và sự thư thái của tâm hồn con người. (Đây là một quan điểm giống với Freud khi nói về đời sống trẻ thơ – TG).
Hiện nay, chúng ta đang sống trong một nền văn minh công nghiệp, bằng trí tuệ của mình, con người đã tạo ra một đời sống mới với những môi trường văn hóa, phong tục tập quán, đạo đức đặt trên nền tảng thống trị tự nhiên và xã hội. Con người không khỏi tự phụ với những thành quả của những phát minh khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, trình độ chinh phục tự nhiên của mình. Có một điều nghịch lý xảy ra, trong khi chúng ta tìm cách để chinh phục tự nhiên, thì chính trong con người lại không tìm ra cách để khuất phục đời sống tâm thần của mình. Do vậy, chúng ta càng chinh phục và khám phá thành công tự nhiên bao nhiêu thì sự hồ nghi về sức mạnh và không tin tưởng vào chính mình bấy nhiêu. (Chính vì điều này, các nhà khoa học khi đạt đến thành công nhất (tâm thức của họ đã đạt tới “cá nhân hóa” theo cách của Jung) họ sẽ tự tìm ra cho mình một cuộc sống thường gắn với “biểu tượng văn hóa” hay “tìm tới một tôn giáo” – TG). Theo Jung, giấc mơ và biểu tượng có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống con người, đặc biệt là đối với một nền văn minh hiện như hiện nay “giấc mơ đem lại cho ta những hiểu biết quý giá, nếu người ta chịu khó tìm hiểu những biểu tượng của nó” [1, tr. 153].
Theo Jung, trong giai đoạn “cá thể hóa” sự giải thích về các biểu tượng đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống thực tiễn xã hội. “Bởi vì biểu tượng là những cố gắng tự nhiên để hòa giải và kết hợp những yếu tố trái ngược nhau trong cái psyché” [1, tr. 147-148]. Để đời sống con người tốt hơn trong bất kỳ một xã hội nào, con người cần hiểu về vô thức (đặc biệt là việc làm rõ các archertype và biểu tượng trong giấc mơ – TG): “nó chứa đựng tất cả các khía cạnh của bản chất nhân loại, ánh sáng và bóng tối, vẻ đẹp và vẻ xấu, tính thiện và tính ác, sâu sắc và ngu muội” [1, tr. 154]. Sau khi nhìn ra được những ý nghĩa trong biểu tượng của giấc mơ, con người sẽ trở lại với đời sống hiện thực của mình, hiểu được những biểu tượng ấy, con người sẽ có một cuộc sống với bản vị thực của mình. Bởi chính ý nghĩa của cuộc sống được diễn tả qua những archertype và biểu tượng của giấc mơ. Theo Jung, “đó là cơ sở cuối cùng của cuộc sống con người”. Cảm nghiệm và hiểu được ý nghĩa thâm sâu về biểu tượng văn hóa thông qua những archertype và biểu tượng của giấc mơ sẽ giúp chúng ta định vị lại được bản thể người để có cuộc sống ổn định, hài hòa và cân bằng hơn trước những sự phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay.
- Kết luận
Tâm lý học miền sâu của Carl Gustav Jung không chỉ là một hệ thống lý thuyết về tâm trí con người, mà còn là một phương pháp tiếp cận liên ngành có giá trị đặc biệt đối với nghiên cứu văn hóa. Bằng cách khám phá các tầng vô thức – đặc biệt là vô thức tập thể – Jung đã chỉ ra rằng những biểu tượng, hình ảnh nguyên mẫu và huyền thoại không chỉ là sản phẩm của cá nhân mà còn là sự phản ánh của tâm hồn cộng đồng. Những yếu tố này tồn tại xuyên suốt lịch sử nhân loại và được tái hiện trong văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo và truyền thống.
Việc tiếp cận văn hóa từ góc nhìn tâm lý học miền sâu giúp ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc và động lực của các hiện tượng văn hóa, từ đó mở ra khả năng giải mã những biểu hiện tưởng chừng như phi lý hoặc huyền bí. Nó cũng cho phép ta nhìn nhận văn hóa không chỉ là sản phẩm xã hội mà còn là sự biểu hiện của những nhu cầu tâm linh và bản năng sâu xa của con người.
Tâm lý học miền sâu của Jung cung cấp cho chúng ta một công cụ để đi vào giải mã các hiện tượng văn hóa không chỉ bằng lý trí mà còn bằng trực giác và chiều sâu tâm linh. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc nghiên cứu văn học, nghệ thuật, tôn giáo và các hệ thống biểu tượng truyền thống.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Jung, Carl (2007), Thăm dò tiềm thức, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
2. Bennet, Edward A. (2002), Jung đã thực sự nói gì?, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội