1. Một số vấn đề lý luận liên quan đến điện thờ tư gia
Điện thờ chỉ cơ sở thờ tự được xây dựng để thờ các vị thánh thần mà người dân tin là linh thiêng như đình, đền, miếu, phủ, nghè, văn chỉ, văn từ, quán, từ đường. Đây là danh xưng để phân biệt với các cơ sở thờ tự của tôn giáo như chùa, tự viện, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, … Nơi xây dựng các điện thờ thường được chọn ở những không gian thiêng, trang trọng hoặc trung tâm của cộng đồng, gia đình, dòng họ.Điện thờ tư gialà loại điện thờ do cá nhân lập ra và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một dòng tộc. Sự kế thừa ở đây không phải cha truyền con nối theo dòng trưởng mà chỉ truyền cho người có “căn duyên” (nghĩa là chỉ người có mệnh số định trước phải trông coi việc thờ cúng). Trường hợp hết người thừa kế thì phải giải điện [1, tr. 62-63]. Bên cạnh đó, điện thờ tư gia cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của một nhóm người có cùng niềm tin với chủ điện. Các điện thờ này thường được thiết lập, xây dựng trong khuôn viên đất, nhà ở của một gia đình, dòng họ hoặc chung cư hoặc trong khuôn viên của một cơ quan, văn phòng làm việc của một công ty, nhà máy, xí nghiệp tư nhân, do đó nó là hình thức sinh hoạt tâm linh theo nhóm nhỏ trong không gian riêng tư thuộc sở hữu của cá nhân (có thể là một người hoặc một nhóm người không cùng huyết thống, không cùng quê hương bản quán). Những loại điện thờ phổ biến nhất hiện nay đã được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước. Cũng có trường hợp các ngôi đền, đình vốn thuộc về cộng đồng được biến thành điện thờ tư nhân khi chúng bị bỏ hoang và được tư nhân bỏ tiền của ra tu tạo rồi trông giữ, sử dụng. Loại điện thờ này không thuộc sở hữu tư nhân nhưng do cá nhân trông giữ nên việc sử dụng không khác điện thờ tư gia. Các điện thờ tư gia đều hoạt động tự do, không chịu sự quản lí của một tổ chức tôn giáo nào (vì không nằm trong một tổ chức tôn giáo cụ thể nào) [1, tr.62 – 63] và cũng không chịu sự quản lý nào của Nhà nước (vì lâu nay chúng ta vẫn coi điện thờ tư gia là sinh hoạt nhóm nhỏ thuộc tư gia, không thuộc phạm vi quản lý).
Điện thờ tư gia khác biệt với các điện thờ thuộc về cộng đồng như đình, đền, miếu, phủ, nghè, văn chỉ, văn từ, quán vốn do cộng đồng góp công, góp của xây dựng hoặc cá nhân tài trợ xây dựng nhưng trao cho cộng đồng quản lý, sử dụng.
Hoạt động của điện thờ tư gia là những hoạt động nghi lễ cúng bái, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra tại không gian riêng của các điện thờ tư gia.Mục đích chính trong hoạt động của điện thờ tư gia là thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ cộng đồng nhỏ hẹp (gia đình, dòng họ, người dân xung quanh). Người dân tìm đến các điện thờ tư gia chủ yếu để xem bói, hầu đồng, chữa bệnh, tư vấn tâm linh,… nhằm đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi phát sinh trực tiếp từ đời sống hàng ngày của họ. Để giảm thiểu những rủi ro, khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống thường nhật, họ tác động đến thế giới thần linh thông qua những nghi lễ nhất định (thường do các ông đồng, bà cốt quy định buộc tín đồ phải tuân thủ). Các nghi lễ đó có thể là giải quyết vấn đề sức khỏe, hạnh phúc gia đình, công danh, sự nghiệp, tiền tài, con cái,… Khi thực hành nghi lễ, người ta tin rằng, cuộc sống của họ diễn tiến theo xu hướng nào là hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và sự thành tâm của họ đối với các vị thần linh [2, tr.116].
Chức năng của các điện thờ tư gia chủ yếu hướng tới việc đáp ứng, giải quyết trực tiếp, tức thì các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng của người dân. Đối tượng tham gia không chỉ là những người trong cùng dòng họ, huyết thống mà còn mở rộng đến phạm vi cộng đồng, mang tính cộng đồng. Không gian thờ tự thường nhỏ hẹp tại tư gia, nhà riêng.
Sự sôi động, bùng phát trong hoạt động của điện thờ tư gia thời gian qua chịu sự tác động nhiều chiều từ các nhân tố khách quan và chủ quan như điều kiện kinh tế, bối cảnh chính trị, môi trường văn hóa – xã hội; trình độ dân trí, nhu cầu tâm linh; quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; công tác tuyên truyền, vận động, công tác quản lý xã hội nói chung và quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, điện thờ tư gia nói riêng. Đây đều là những căn nguyên trong nhiều trường hợp tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là sự “trỗi dậy” và phát triển sôi động “như ăn trả bữa” của các điện thờ tư gia – một dạng thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc thù trong xã hội hiện đại.
2. Sự cần thiết của việc quản lý điện thờ tư gia trên địa bàn thành phố Hà Nội
Điện thờ tư gia hình thành trong xã hội vốn là một dạng thức của cơ sở tín ngưỡng nhưng mang tính cá nhân, thể hiện tình cảm tín ngưỡng của cá nhân trong phạm vi gia đình, dòng tộc. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi nhận thức và cơ chế, chính sách trong thời kỳ đổi mới, những biến động của đời sống xã hội hiện đại và quá trình phát triển của điện thờ tư gia, hiện nay, quy mô của các điện thờ tư gia ngày càng mở rộng, tạo sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Vào những năm 2000, khi địa giới Hà Nội chưa mở rộng, số lượng điện thờ tư gia chỉ có khoảng trên dưới 80, chủ yếu là các điện thờ Mẫu (Tam phủ). Đến năm 2010, khi Hà Nội mở rộng địa giới, số lượng điện thờ tư gia được thống kê khoảng 100 (theo Báo cáo tổng kết công tác tôn giáo năm 2010 của Ban Tôn giáo Chính phủ, nay là Cục Tôn giáo, Bộ Nội vụ). Năm 2018, số lượng điện thờ tư gia đã tăng vọt lên tới gần 2.000, trong đó có khoảng 1.182 điện thờ Mẫu, tập trung ở cả hai khu vực nội và ngoại thành; 563 điện thờ Thánh, Thần, Phật hoặc phối Phật – Mẫu – Thánh, thờ Tổ nghề, Thờ Đức Thánh Trần/Trần Hưng Đạo, thờ Hồ Chí Minh (theo Điều tra thống kê tháng 11 và tháng 12 năm 2018 của Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội kết hợp với Phòng Thông tin huyện và quận toàn thành phố Hà Nội).
Nếu như trước đây, người dân tìm đến với các điện thờ tư gia để xem bói, hầu đồng, cúng bái một cách lặng lẽ, âm thầm, không công khai, thậm chí lén lút vì hoạt động đó bị xem là mê tín dị đoan. Nay, hoạt động đó diễn ra công khai hơn.
Hoạt động của các điện thờ tư gia một mặt có những giá trị tích cực nhằm giải tỏa và phần nào giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bế tắc của cuộc sống hàng ngày thông qua việc bói toán cũng như khả năng ứng nghiệm của các nghi lễ cúng tế, từ đó tạo chỗ dựa dẫm về mặt tinh thần cho người dân, giúp giảm bớt căng thẳng, lo âu, tăng thêm lý do của thành công; nhưng mặt khác cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý của Nhà nước. Nhiều điện thờ tư gia có những hoạt động phức tạp, tác động xấu đến đời sống cộng đồng xã hội như tuyên truyền mê tín dị đoan, chữa bệnh tâm linh không dùng thuốc, trục lợi kinh tế, tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng, tuyên truyền chống đối Đảng và Nhà nước,… Một số điện thờ tư gia có xu hướng xây dựng phô trương, không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở hay cơ sở thờ tự. Số lượng người tham gia tại các điện thờ tư gia ngày càng đông. Tại nhiều điện thờ tư gia có hiện tượng ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa tín đồ (Long Hoa Di Lặc, Hoàng Thiên Long/Đạo Bà Điền, Trường ngoại cảm Tố Dương, Pháp môn Diệu Âm). Nghiêm trọng hơn, một số điện thờ tuyên truyền mê tín dị đoan, chữa bệnh bằng bùa, ngải, linh cái, trục vong, bắt ma (Linh Quang Điện, Con Rồng Cháu Tiên, đạo Bạch, Bến Đạo Thiên Đình, Chi bộ Đảng Cộng sản Tâm Đức – Chí Tài, Tâm linh Hồ Chí Minh, Thiền vô vi, Chân Không). Một số điện thờ tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự, tuyên truyền chống đối Đảng và Nhà nước (Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Thanh Hải Vô Thượng sư). Một số điện thờ tư gia hoạt động cạnh tranh tín đồ với các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng (điển hình là các điện thờ Mẫu tư gia, thờ Địa Mẫu như điện thờ Phủ Tiên Nương, điện thờ nhà bà Trần Thị Thanh, điện thờ của dòng họ Nguyễn).
Quyền tự do tín ngưỡng bao gồm hai khía cạnh là khía cạnh tinh thần – niềm tin (được hưởng quyền tự do tuyệt đối) và khía cạnh hành vi bên ngoài – thực hành niềm tin, thành lập và tham gia vào các nhóm, tổ chức (cần có giới hạn quyền và sự giám sát cần thiết của Chính phủ). Quyền lực tư pháp không can dự vào khía cạnh tinh thần, nhưng sẽ có những can thiệp cần thiết đối với hành vi bên ngoài, đằng sau những vấn đề giá trị tinh thần. Do đó, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng đồng thời phải có sự ngăn chặn cần thiết đối với sự lạm quyền tự do tín ngưỡng nếu nó xâm phạm quyền tự do của người khác hoặc gây tổn hại đến lợi ích công cộng.
Đã đến lúc chúng ta cần có khung pháp lý để quản lý các điện thờ tư gia. Đây không phải là vấn đề vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng không phải là vấn đề can thiệp sâu vào hoạt động tín ngưỡng tại tư gia. Luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia luôn có những điều khoản nhằm giới hạn quyền tự do tín ngưỡng khi nó gây tổn hại đến sức khỏe, đạo đức và trật tự xã hội. Điều này là hoàn toàn tương thích với quy định trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác” (khoản 3 điều 18) [3].
Mục đích của việc quản lý các điện thờ tư gia là thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm định hướng các hoạt động tại các điện thờ tư gia diễn ra trong khuôn khổ pháp luật; từ đó đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, tránh tình trạng việc thực hành đức tin của cá nhân, nhóm xã hội này gây ảnh hưởng đến quyền tự do của cá nhân, nhóm xã hội khác, đe dọa an ninh trật tự, an toàn xã hội, đoàn kết và đồng thuận xã hội.
Từ đó, cần phải quản lý điện thờ tư gia nhằm khai thác, phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực trong hoạt động của chúng. Điện thờ tư gia hướng tới giải quyết những vấn đề hiện hữu trong đời sống thực tại của con người, ở một mức độ nhất định giúp tháo gỡ vướng mắc, tạo điểm tựa về mặt tinh thần cho người dân, góp phần định hướng nhân cách, lối sống hướng thiện, các quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức xã hội. Nếu hoạt động của các điện thờ tư gia tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục, không tổn hại đến an ninh trật tự thì những khía cạnh về văn hóa, đạo đức, giá trị tinh thần là những khía cạnh tích cực nổi bật có thể phát huy. Tuy nhiên, hoạt động của điện thờ tư gia nếu theo xu hướng lệch lạc, tuyên truyền mê tín dị đoan, lừa gạt niềm tin, trục lợi kinh tế, chống phá Đảng và Nhà nước,… thì lúc đó cần định hướng hoạt động trong khuôn khổ của chính sách và pháp luật. Những khía cạnh tiêu cực đó cần được can thiệp và xử lý kịp thời từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, mục đích của quản lý điện thờ tư gia còn nhằm tăng cường vai trò của Nhà nước và chính quyền các cấp trong việc điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, đoàn thể xã hội nói chung và các điện thờ tư gia nói riêng. Vai trò đó trước hết được thể hiện thông qua việc phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự quản trong cộng đồng người dân. Hơn nữa, từ thực tiễn hoạt động của điện thờ tư gia và kinh nghiệm quản lý tại các địa phương, các cấp chính quyền thực hiện tham mưu, tư vấn chính sách để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo căn cứ pháp lý để quản lý hiệu quả hơn các sự vụ phức tạp nảy sinh tại các địa điểm hoạt động của điện thờ tư gia.
3. Khung pháp lý hiện hành liên quan đến quản lý điện thờ tư gia và một số vấn đề đặt ra hiện nay
Trong tất cả các văn bản chỉ đạo của Đảng, từ Nghị quyết số 24/NQ-TW năm 1990 về Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, Nghị quyết số 03-NQ/TW năm 1998 về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 25/NQ-TW năm 2003 về Công tác tôn giáo, Chỉ thị số 37/CT-TW năm 1998 về Công tác tôn giáo trong tình hình mới, Chỉ thị số 27/CT-TW năm 1998 về việc Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Chỉ thị số 41/CT-TW của Ban Bí thư về việc Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý lễ hội cho đến Thông báo Kết luận số 83-TB/TW năm 2007 về tình hình lễ hội, tâm linh, ngoại cảm, Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng đều thể hiện quan điểm nhất quán đối với công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đó là trên cơ sở thừa nhận và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện đoàn kết tín ngưỡng, tôn giáo, đưa đồng bào tín ngưỡng, tôn giáo tham gia vào sự nghiệp chung, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế những mặt tiêu cực, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo như một nguồn lực hướng vào mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.
Dựa trên quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo để xây dựng cơ sở lý luận cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và đối với điện thờ tư gia nói riêng thông qua việc phát huy vai trò chủ thể của mọi thành viên trong hệ thống chính trị.
Hiện tại, chưa có văn bản trực tiếp, hướng dẫn riêng cho công tác quản lý nhà nước đối với các điện thờ tư gia. Các cơ quan chức năng chủ yếu dựa trên Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cùng các Luật, bộ Luật liên quan khác và các Nghị định của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các điện thờ tư gia.
Luật Di sản Văn hóa [4] số 32/2009/QH12 thông qua Quốc hội ngày 18/6/2009 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định về các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân đều có các quyền như quyền sở hữu hợp pháp di sản văn hóa; quyền tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa; tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa… và các nghĩa vụ đối với các di sản văn hóa như bảo vệ, giữ gìn, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến di sản văn hóa,… Luật cũng quy định rõ về các hành vi nghiêm cấm đối với di sản văn hóa như chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài; lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện những hành vi trục lợi trái pháp luật;…
Đáng lưu ý nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo [5] số 02/2016/QH14 thông qua Quốc hội ngày 18/11/2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Luật đưa ra quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Đặc biệt, Luật dành hẳn chương III để quy định về hoạt động tín ngưỡng, tạo căn cứ pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng nói chung và hoạt động của các điện thờ tư gia nói riêng. Trong đó nhấn mạnh nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng là bảo đảm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường; về người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng; về trách nhiệm thông báo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi tổ chức lễ hội định kỳ; về quản lý và sử dụng nguồn thu đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Thêm nữa, trong các Luật, bộ Luật khác như Luật đất đai, Luật xây dựng, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật Mặt trận tổ quốc,… cũng đề cập ở mức độ nhất định những vấn đề liên quan đến quản lý điện thờ tư gia. Chiếu theo các quy định này, có thể thấy, các chủ điện đứng ra thành lập các điện thờ tư gia cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và trong mọi hoạt động tín ngưỡng cần thực hiện đúng nghĩa vụ dân sự, không gây ảnh hưởng hoặc làm tổn hại đến người khác và trật tự công cộng, không được thực hiện các mục đích cá nhân trái quy định của pháp luật. Bất cứ hành vi nào lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích của tổ chức, cá nhân; hành nghề mê tín, dị đoan; gây rối trật tự công cộng cho đến các vi phạm về an toàn thực phẩm, về khám, chữa bệnh, về phòng cháy, chữa cháy, về đất đai, xây dựng đều bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ của hành vi phạm tội và tác động của hành vi đó đối với người dân và xã hội. Mặt Trận tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh, giám sát, quản lý hoạt động của các điện thờ tư gia nhằm định hướng hoạt động của các điện thờ tư gia tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đóng góp cho các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội tại địa phương.
Ngoài khung pháp lý được quy định trong các Luật, Bộ Luật, cần lưu ý đến các Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ nhằm chi tiết hóa, cụ thể hóa hơn các điều khoản của Luật và hướng dẫn các biện pháp thi hành. Nghị định 162/2017/NĐ-CP [6] đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, theo đó, với các điện thờ tư gia, nếu như muốn tổ chức hoạt động quyên góp cần thực hiện việc báo cáo trước với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nghị định số 95/2023/NĐ-CP [7] được ban hành thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP, trong đó bổ sung thêm thẩm quyền tiếp nhận thông báo, có thể là UBND cấp xã, hoặc cấp huyện, hoặc cấp tỉnh, tùy thuộc vào địa bàn thực hiện quyên góp và các quy định về vấn đề công khai minh bạch sổ sách thu chi, quản lý, sử dụng đúng mục đích các tài sản được quyên góp. Áp dụng quy định của Nghị định này đối với hoạt động quyên góp của các điện thờ tư gia, cần lưu ý việc báo cáo của các điện thờ tư gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ theo địa bàn tổ chức quyên góp, đảm bảo đúng các quy định về quản lý, thu chi tài sản quyên góp, tránh trục lợi, sử dụng trái quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trong một số Nghị định khác như Nghị định số 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (năm 2014); Nghị định số 59/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng (năm 2015); Nghị định số 21/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Dân sự (năm 2021); Nghị định số 167/NĐ-CP (năm 2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình; Nghị định số 93/2009/NĐ-CP Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài (năm 2009); Nghị định số 110/2018 NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về việc quy định quản lý và tổ chức lễ hội;… đều ít nhiều có những quy định liên quan đến quản lý điện thờ tư gia.
Đặc biệt, Chỉ thị số 06/CT-TTg [8] về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/2/2017 nêu rõ thực trạng công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn tồn tại những yếu kém đó là biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi; việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội còn yếu kém như đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mất an toàn trong lễ hội; công tác vệ sinh môi trường và thu gom rác thải một số nơi làm chưa tốt;… Thực trạng này phần nào cũng phản ánh việc tổ chức lễ hội tại các điện thờ tư gia. Do đó, Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần phải thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ nhằm chấn chỉnh và khắc phục tình trạng nói trên.
Có thể thấy, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quản lý điện thờ tư gia đã góp phần tạo căn cứ pháp lý để đưa hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tại các điện thờ vào khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật, nhằm khuyến khích phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, khắc phục các biểu hiện cuồng tín, phản văn hóa, lợi dụng tín ngưỡng vì mục đích trục lợi kinh tế, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người dân và tổn hại đến an ninh, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, qua khảo sát đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có thể thấy, nhiều vấn đề liên quan đến việc định danh, định nghĩa, nhận diện về điện thờ tư gia còn chưa được đề cập, dẫn tới nhận thức mơ hồ, chưa thực sự rõ ràng. Thêm vào đó, quản lý điện thờ tư gia cũng là vấn đề cần được nhận thức rõ, tại sao trước đây không cần quản lý và hiện nay cần thiết phải có sự can thiệp từ phía chính sách pháp luật, mục đích quản lý là gì, chủ thể, khách thể quản lý là ai, nội dung, phương thức quản lý ra sao,… đều cần được đề cập trong các văn bản pháp luật.
Sau khi thống nhất nhận thức về tính cấp thiết và mục đích của việc quản lý điện thờ tư gia, cần xác định rõ chủ thể quản lý điện thờ tư gia trực tiếp thuộc về các cơ quan chuyên môn về tôn giáo, tín ngưỡng (bao gồm Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Tôn giáo các cấp, ngành Văn hóa) và các cơ quan chức năng về tín ngưỡng, tôn giáo (bao gồm Công an, tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể) nhằm điều chỉnh, định hướng hoạt động của các điện thờ tư gia diễn ra phù hợp với pháp luật, đạt được mục tiêu cụ thể của chủ thể quản lý. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, vai trò của chủ thể quản lý được thực hiện một cách linh hoạt phù hợp với vị trí, chức năng, quyền hạn đảm nhận và đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Các cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo có nhiệm vụ chính là ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn hoạt động thanh tra, kiểm tra. Các cơ quan chức năng về tín ngưỡng, tôn giáo có sự phối kết hợp với nhau trong thực hiện công tác quản lý. Lực lượng công an yêu cầu cam kết thực hiện nếp sống văn minh đô thị, gia đình văn hóa; xử phạt hành chính nếu vi phạm pháp luật. Các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể nhân dân làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của cộng đồng người dân. Khách thể quản lý điện thờ tư gia gồm 2 nhóm: Điện thờ tư gia hoạt động trong phạm vi, quy mô gia đình, dòng họ và điện thờ tư gia có quy mô thờ cúng, thực hiện các nghi lễ tôn giáo phục vụ cộng đồng tương tự các cơ sở tín ngưỡng.
Ngoài ra, đối với công tác quản lý Nhà nước, cần đưa ra tiêu chí quản lý điện thờ tư gia, trong điều kiện nào, phạm vi, quy mô nào thì quản lý theo phương thức nào cho phù hợp. Cần lưu ý, các điện thờ tư gia hoạt động trong nội bộ hẹp của gia đình, dòng họ cần quản lý từ góc độ văn hóa, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhằm phát huy tính tự quản dựa trên hương ước, tập tục của cộng đồng làng xã, truyền thống, gia phong trong nội bộ dòng họ để điều chỉnh theo tiêu chí gia đình văn hóa, nếp sống văn minh nơi đô thị, không thực hành mê tín dị đoan. Các điện thờ tư gia hoạt động trong phạm vi rộng, phục vụ nghi lễ cộng đồng cần có khung pháp lý phù hợp để quản lý, chú trọng quản lý nghiêm minh theo pháp luật, trong một số trường hợp nếu như xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, nhân phẩm, tính mạng, đạo đức của người dân, xâm phạm an ninh, trật tự công cộng xã hội,… cần có chế tài đủ mạnh để xử phạt. Nội dung quản lý điện thờ tư gia chủ yếu bao hàm các phương diện như:Chủ điện, địa điểm hoạt động, loại hình điện thờ, nội dung hoạt động nghi lễ, các hoạt động xã hội khác (nếu có), thành phần tham dự (thường xuyên, vãng lai), cam kết về an ninh – trật tự, bảo vệ môi trường.
Những năm qua, do hệ thống các văn bản pháp luật chưa thực sự hoàn bị, đồng bộ và chặt chẽ dẫn tới quá trình thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quản lý điện thờ tư gia vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Trước thực trạng trên, việc quản lý hoạt động của các điện thờ tư gia bắt đầu được đặt ra từ phương diện xây dựng các căn cứ pháp lý đến triển khai thực hiện. Mặc dù, việc quản lý điện thờ tư gia có thể vấp phải nhiều trở ngại: (1) phải có căn cứ pháp lý “đặc thù riêng” để quản lý; (2) lâu nay không quản, bây giờ quản có thể bị xem là xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (3) lo ngại về tổ chức bộ máy, nhân lực thực hiện quản lý và hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, những trở ngại đó sẽ được khắc phục khi thống nhất được nhận thức và hành động, khi hệ thống pháp luật đồng bộ và kiện toàn. Hiện tại, rất cần thiết việc bổ sung các điều khoản làm rõ thuật ngữ “điện thờ tư gia” và quy định hướng dẫn trực tiếp việc quản lý nhà nước đối với điện thờ tư gia trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các bộ luật có liên quan, trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, đảm bảo tính tương thích và hoàn bị của hệ thống pháp luật. Công cụ pháp lý kiện toàn và sắc bén mới đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Lê Thị Chiêng (2004): Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo nhìn từ một số điện thờ tư gia ở Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5, năm 2004, tr. 62-63.
- Nguyễn Hữu Thụ, Sinh hoạt tín ngưỡng và một số khía cạnh kinh tế, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2 (182), năm 2019, tr. 116.
- International Covenant on Civil and Political Rights, https://www.ohchr.org.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2009): Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-di-san-van-hoa-2009-sua-doi-32-2009-QH12-90620.aspx.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2016): Luật tín ngưỡng, tôn giáo, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx.
- Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2017): Nghị định 162/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-162-2017-ND-CP-huong-dan-Luat-tin-nguong-ton-giao-353702.aspx.
- Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2023): Nghị định số 95/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 29/12/2023, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-95-2023-ND-CP-huong-dan-Luat-Tin-nguong-ton-giao-593331.aspx.
- Thủ tướng Chính phủ (2017): Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-chi-dao-dieu-hanh/chi-thi-so-06ct-ttg-ngay-2022017-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-viec-chan-chinh-cong-tac-quan-ly-to-chuc-le-hoi-le-ky-2904.