QUAN NIỆM VỀ THẾ GIỚI VÀ CON NGƯỜI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI QUA NGHI LỄ TANG MA

TS. Nguyễn Hữu Thụ & Nguyễn Quang Vinh

Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia HN

1. Dẫn nhập

Ngay từ rất sớm, con người đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến bản thân và môi trường sống xung quanh như: Con người được sinh ra từ đâu? sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu? thế giới này được hình thành như thế nào? Và chúng có mối liên quan như thế nào đối với con người?… Bên cạnh câu trả lời từ nhiều ngành khoa học thì các tôn giáo cũng đưa ra những giải thích của riêng mình. Và tồn tại hàng ngàn năm nay, sự giải thích của các tôn giáo vẫn được một bộ phận người chấp nhận và tin theo. Ở một góc độ nào đó, những câu trả lời này chứa đựng tư tưởng về nhân sinh và thế giới của các tôn giáo phản ánh những thời kỳ lịch sử nhất định của con người.

Đạo Cao Đài là một tôn giáo nội sinh được thành lập năm 1926. Đây là một tôn giáo đã kế thừa và phát triển tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” của người Việt Nam và mang đậm đà bản sắc văn hóa con người Nam Bộ. Trong quá trình phát triển xuyên suốt dòng chảy biến động của lịch sử, đạo Cao Đài đã phân tách ra nhiều chi phái, hiện nay có tất cả 10 hội thánh, 21 tổ chức hoạt động độc lập và 1 pháp môn đã được nhà nước công nhận(1). Trong số các tôn giáo nội sinh Việt Nam thì Đạo Cao Đài là một trong số những tôn giáo có hệ thống kinh sách, lễ nghi và tổ chức chặt chẽ nhất. Cao Đài cũng là một tôn giáo chịu sự ảnh hưởng và tiếp nhận những tư tưởng của các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhiều nhất. Bài nghiên cứu này mong muốn tìm ra những tư tưởng, quan niệm giải thích về thế giới và con người được thể hiện thông qua nội dung của nghi lễ tang ma của đạo Cao Đài – Hệ phái Cao Đài Tây Ninh.

2. Nghi lễ tang ma của đạo Cao Đài

Nghi lễ tang ma của Cao Đài được ghi trong hai cuốn sách “Quan hôn tang lễ” và kinh “Thiên Đạo và Thế Đạo” sự là kết hợp nhuần nhuyễn của cả Lễ và Nhạc với nhiều bước kể từ khi hấp hối cho đến sau khi được chôn cất.

Theo thông lệ, một đám tang Cao Đài sẽ diễn ra trong không quá 2 ngày, tức không quá 48 giờ. Và, trải qua những nghi lễ như sau: (1) Nghi thức khi hấp hối; (2) Nghi thức Thượng Sớ Tân Cố; (3) Nghi thức Tẩm liệm, Tấm phủ quan và thiết lập bàn vong; (4) Nghi thức Thành phục – phát tang; (5) Nghi thức Cúng Vong Chiêu Tịch, Tế Đăng Điện, Lễ Cầu Siêu, Hành Pháp Độ Hồn, Lễ Động Quan – Đưa Tang và hạ huyệt; (6) Cúng Tuần Cửu và Tiểu Tường – Đại Tường [2].

Một đám tang Cao Đài sẽ bắt đầu khi một người đang trải qua giai đoạn hấp hối. Lúc này, nghi thức Cầu hồn khi hấp hối và tắt thở sẽ được thực hiện. Đây là nghi thức tụng kinh cầu nguyện Đức Chí Tôn và các bậc Phật, Tiên, Thần, Thánh với mục đích mong muốn linh hồn của người đang hấp hối sớm được nhẹ nhàng xuất ra khỏi thể xác để được cứu giúp về nơi an nghỉ của cõi thiêng liêng hằng sống. Nghi lễ này được thực hiện với mục đích giúp cho linh hồn người mất sớm buông bỏ được những sự ràng buộc của thể xác mà dễ dàng siêu thoát được. “Có khi sợi từ khí khó bứt làm cho kẻ hấp hối phải nhiều đau đớn.  Cho nên tôn giáo dùng kinh “độ hồn” đọc trong khi người bịnh sấp tắt hơi, là để giúp cho sợi từ khí nhờ sức rung động của những tiếng mầu nhiệm trong câu kinh mà được bứt ra dễ dàng. Người tu hành đầy đủ đạo đức thì Khí thể của họ nhẹ nhàng trong sạch, sợi từ khí ấy lại được tinh vi, nên khi thoát xác phàm, sợi từ khí bứt ra rất dễ, nên lìa trần một cách êm ái”[6, tr.31].

Trong trường hợp người hấp hối không thể qua khỏi, nghi thức Thượng Sớ Tân Cố sẽ được tiến hành sau khi họ đã hoàn toàn tắt thở. Mở đầu là việc tụng bài Kinh “Khi đã chết rồi” – một bài sớ theo mẫu nhằm dâng lên Đức Chí Tôn và các bậc Phật – Tiên – Thánh – Thần về sự ra đi của một tín đồ Cao Đài vừa mới qua đời, cầu xin Đức Chí Tôn, Địa Tạng Vương Bồ Tát và các Đấng thiêng liêng cứu độ vong hồn của người ấy được cứu độ giải thoát.  Ngoài ra, tại Thánh Thất Cao Đài nơi có người bị mất sẽ tiến hành “dộng chuông báo tử”. Nếu người chết là nam giới thì đánh 7 tiếng, nữ giới đánh 9 tiếng chuông. Trong trường hợp người đã mất không giữ được 10 ngày chay thì sẽ không đánh chuông báo tử. Với các chức tước cao hơn được đánh trống cùng đánh chuông tại Thánh Thất [4, tr.7]. “Dộng chuông báo tử” là một nghi thức như một lời thông cáo đến với thế giới bên kia nhằm mong các Ngài sẽ dang tay đón nhận linh hồn người mất cũng như thông báo cho cộng đồng theo đạo về việc có người bị mất.

Sau khi Dâng sớ, sẽ thực hiện nghi lễ Tấm phủ quan và thiết lập bàn vong. Cũng giống như người Việt truyền thống, gia đình người mất sẽ lập bàn thờ Vong riêng chí không để trên bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Trong quá trình thực hiện nghi lễ Tẩm liệm, bài kinh Tẫn Liệm(2) sẽ được tụng để giúp cho linh hồn người mất có thể rũ bỏ những vướng mắc của hồng trần và của sợi dây nghiệp chướng đang níu giữ Chơn hồn của họ, để họ có thể thoát xác đi về Cõi Cực Lạc. Ban Đạo Tỳ sẽ có nhiệm vụ sửa soạn khâm liệm cho thi hài người mất vào áo quan. Sau khi đậy nắp, quan tài được đắp lên một tấm phủ Quan hình vuông mỗi cạnh dài 1,2 mét (Đại diện cho số 12 của Đức Chí Tôn), bốn góc viền ren, chính giữa thêu hình Thiên Nhãn. Màu sắc của tấm Phủ Quan tùy theo sắc phái của người qui vị. Theo quan niệm Cao Đài, việc phủ tấm phủ quan có Thiên Nhãn, lên quan tài giống như “một người Cha ôm lấy đứa con của mình”. Ngoài ra trên quan tài người mất sẽ đặt 9 ngọn đèn và không được để tắt. Sau khi tẩm liệm cho và tẩm phủ quan xong, gia quyến thực hiện việc thiết lập ban thờ linh vị – có ảnh và bài vị người mất(3).

Sau nghi lễ trên, sẽ tiến hành phát tang – Thành phục. Để chuẩn bị cho nghi lễ, gia đình chuẩn bị dọn hai mâm cơm chay, một đặt trước bàn thờ để cúng Cửu Huyền Thất Tổ, một dọn trước nhà để cúng Thần Hoàng Bổn Cảnh và cần phải có đủ “Tam Bửu”: hoa, rượu, trà. Tất cả khăn tang và áo tang, xếp trật tự đặt trên một cái mâm (mâm tang phục) để trước bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Trên mâm tang phục đốt sẵn hai cây đèn sáp. Trước hết, Chức việc và thân nhân đến Thiên bàn cúng Đức Chí Tôn, không đọc kinh, chỉ cầu nguyện cho gia quyến thọ tang. Kế đó, qua bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ thiết lễ Cáo Từ Tổ, xong rồi qua bàn vong, làm lễ Thành phục phát tang. Ở đây, nghi lễ này sẽ do Chánh Trị sự thực hiện là Chứng đàn – Chủ tếế. 

Vào buổi sáng ngày thứ hai sẽ diễn ra nghi thức cúng Vong Chiêu Tịch thường diễn ra vào buổi sáng vì cúng Chiêu là sáng, Tịch là cúng chiều, tuy nhiên theo quan sát của tôi tại họ đạo Phúc Đức(4) để đảm bảo thời lượng, Phải có mâm cỗ chay trên bàn Vong đa phần gia quyến sẽ thực hiện nghi lễ này vào buổi sáng lúc 10 giờ. Thường về cách thực hiện sẽ giống với cúng Vong của Thành Phục. Nghi thức này không nhất thiết phải có Lễ sĩ – Người xướng lễ tham gia.

Nghi thức Tế Đăng Điện là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan và tư tưởng đạo đức của tín đồ Cao Đài khi tất cả tang quyến sẽ tham gia thể hiện lòng thành của mình với hương hồn người mất. Đây là nghi lễ sẽ thể hiện tư tưởng đạo Hiếu của Tôn giáo này khi các bước thực hiện sẽ thể hiện được sự gắn kết và lòng tiếc thương của người thân trong gia đình với người mất là mối quan hệ giữa Vợ – Chồng, Con – Cha, Con – Cha mẹ, Anh – em, Em – Chị. Theo quy chế nghi lễ thì ở các tỉnh địa phương thường chỉ thực hiện nghi lễ Đăng Điện trong hai trường hợp: Đăng điện cho hàng phẩm Lễ sanh hoặc tương đương (Đối phẩm hàng Thiên Thần), Đăng điện cúng tế cho hàng Chức Việc Ban Trị Sự và Đạo hữu (Đối phẩm hàng Nhân thần và Địa Thần). Các phẩm tín đồ không thụ trai đủ 10 ngày chay thì sẽ không được thực hiện nghi lễ này. Nghi thức này thường có hai phần Chánh Tế và Phụ Tế.

Đạo Cao Đài quan niệm rằng,  nghi lễ Cầu Siêu  là nghi lễ cầu nguyện gửi tâm tình đến  Đức Chí Tôn và các Đấng Phật- Tiên- Thần- Thánh cứu vớt cho Vong hồn người chết cho được siêu thoát về  cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, thoát được cảnh đọa đày theo vòng luân hồi [4, tr. 36]. Bởi vật, trong nghi lễ này càng có nhiều người tham gia càng tốt khi có lòng tự nguyện và thành tâm cùng với Tang quyến để đọc bài Kinh Cầu Siêu nhằm để cầu xin Chí Tôn, Phật Mẫu và các Đấng Thiêng liêng Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thất Nương Diêu Trì Cung ân xá cho vong hồn người chết được siêu thăng thoát hóa.  Lễ Cầu siêu thực hiện trước bàn vong, khi này tất cả thân nhân của người mất đều quỳ trước bàn vong. Còn các Chức sắc, Chức việc và Đồng Đạo dự lễ Cầu siêu đứng hai bên bàn vong, dài ra trước, phân ra hai bên nam nữ, tay bắt ấn Tý. Lúc này, Đồng nhi sẽ tụng Kinh Cầu siêu, tiếp tụng Kinh Khi đã chết rồi tụng xen kẽ như vậy ba lần, dứt thì niệm “Nam Mô cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”. Sau đó luân phiên tụng Kinh Di-Lạc trước Thiên bàn.

Giải thích về lý do phải thực hiện phép xác, trong “Bí Truyền Chơn Pháp” đã giải thích ý nghĩa của nghi thức này: “Vì Chí Tôn biết lẽ ấy là một lẽ đầy đọa cả con cái của Người nên Người nhứt định dùng diệu pháp cắt bảy cái mối năng lực gọi là Thất Khiếu Sanh Quang, phàm gọi là bảy dây oan nghiệt đặng cho Chơn thần xa lìa xác tục rồi cũng dùng diệu pháp mà đưa vào cõi Hư linh mới rõ ràng là cơ tận độ.  Ấy vậy làm phép xác cốt yếu là tắm gội xác tục và hồn với giọt nước Cam lồ, cắt đứt bảy dây oan nghiệt cho Chơn Thần lìa khỏi xác rồi đưa Chơn Thần vào cõi Hư linh”[9, tr.14].

Về cơ bản, nghi thức Độ hồn  nhằm giúp cho linh hồn người mất nhanh siêu thoát khi cởi bỏ cho họ những mối dây oan nghiệt rằng buộc thể xác, và tẩy rửa linh hồn và dẫn đưa họ về cõi siêu thoát. Nghi thức này sẽ chia làm ba bước chính là phép Xác  – phép Đoạn Căn – phép Độ Thăng. Phép Xác là phép tẩy rửa  chơn thần người chết để nhẹ nhàng bay lên cõi thiêng liêng.  Phép Đoạn Căn là phép cắt đứt bảy mối dây oan nghiệt, không còn ràng buộc chơn thần người chết. Phép độ thăng là phép đưa chơn hồn người chết bay lên Cửu Trùng Thiên (Chín từng trời)(5). Nghi lễ sẽ bắt đầu vào sáng sớm, gia quyến sẽ cúng Đức Chí Tôn vào giờ Mão. Sau đó sẽ dọn hai mâm cơm: một mâm để cúng Cửu Huyền Thất Tổ, một mâm cúng Thần Hoàng Bổn Cảnh. Một Chức sắc phẩm Giáo Hữu đã đủ thẩm quyền hành pháp sẽ đến hành phép xác, phép đoạn căn và phép độ thăng cho chơn hồn người chết, do người thân thỉnh cầu, có sắp đặt trước. Chức sắc hành pháp đến trước Thiên bàn, tay và mặt xông hương rồi luyện 3 món: Cam lồ thủy, cây kéo và bó nhang chín cây đốt cháy. Xong rồi giao cho người phụ lễ cầm, đến đứng trước đầu quan tài.

Thực hiện phép Xác, trong khi đồng nhi tụng tiếp Kinh Khi đã chết rồi thì Chức sắc hành pháp, tay trái bắt ấn Hộ Pháp, lấy chén nước Cam lồ, nhúng nhành dương vào nước Cam lồ, đi vòng quanh quan tài, rải lên khắp mình người chết. Khi thực hiện phép Đoạn căn (hay cắt bảy mối dây oan nghiệt), Chức sắc hành pháp đứng ngay đầu quan tài, đi vòng quanh dùng kéo cắt lần lượt bảy dây oan nghiệt nơi: vùng xương mỏ ác, trán, cổ, tim, hông bên trái, mang bụng dưới, xương cụt. Cắt xong thì trở lại chỗ cũ, đứng trước đầu quan tài, trao cái kéo cho người phụ lễ, rồi tiếp tụng kinh với Đồng Nhi. Khi thực hiện phép Độ Thăng này, Chức sắc hành pháp đứng ngay đầu quan tài, khởi tụng kinh Cầu Siêu. Khi đồng nhi tiếp tụng kinh thì người hành pháp, tay trái bắt ấn Hộ Pháp để ngay ngực, tay phải cầm 9 cây nhang đưa ngọn lửa ngay đầu quan tài đồng thời go tên người chết. Xong rồi giao 9 cây nhang cho người phụ lễ và đứng tiếp tụng kinh với đồng nhi. Dứt kinh thì niệm Câu chú “Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát ba lần là hoàn thành nghi lễ.

Trước khi di chuyển quan tài để đi an táng, Tang chủ sẽ tiến hành đọc điếu văn tưởng niệm người quá cố. Sau đó làm lễ Khiển điện tức là lễ dọn dẹp bàn cúng điện (Bàn vong) để Ban Đạo tỳ vào động quan khiêng Linh cữu ra Thuyền Bát Nhã hay xe tang đi an táng. Vị Chức Sắc hoặc Chức Việc cầm phướn Thượng Sanh và tang chủ bưng khay Linh vị (hay còn gọi là bài vị) đến trước Thiên Bàn Tư Gia lạy ba lạy, rồi ra phía trước quan tài sắp đặt theo thứ tự di quan.

Khi thực hiện việc di chuyển và đưa quan tài vào trong Thuyền Bát Nhã, ban Đạo Tỳ có nhiệm vụ quan trọng trong quá trình điều hướng và huy động lực lượng khiêng cáng quan tài vào trong xe. Sắc phục của Đạo tỳ là: Áo đen quần đen có viền vải trắng, đội kết trắng viền đen và mang giày đen. Theo quan niệm của đạo Cao Đài những người Đạo tỳ là nhân viên của Ban Thuyền Bát Nhã do Đức Phật Di Lặc là chủ của Thuyền. Sau khi đưa quan tài vào trong xe tang (thuyền Bát Nhã), vai trò của người Đạo tỳ sẽ là người bắt nhịp và điều khiển cho chiếc thuyền Bát Nhã (xe tang) bằng cặp phách trên tay mình.  toàn thể đoàn rước và các Đồng Nhi tụng bài Kinh Đưa Linh Cữu từ nơi phát hành ra tới huyệt mộ. Trên đường đưa tàng, đoàn rước dừng lại trước Thánh Thất, toàn thể gia quyến sẽ bước vào Thánh Thất hành lễ trước đức Chí Tôn. Một Lễ Sanh đã chia sẻ rằng: “Nếu đưa tang đi ngang qua Thánh Thất thì sẽ luôn phải viếng Đức Chí Tôn(6).

Trong nghi thức tang ma của đạo Cao Đài những gia đình có tang sẽ thực hiện làm lễ tuần cửu trong 81 ngày gồm 9 lần, cách căn ngày hành lễ sẽ tính từ ngày chết, đến ngày thứ 9 thì làm Tuần Nhất Cửu; tiếp tục đếm tới ngày thứ 18 thì làm Tuần Nhị Cửu, cứ thế tiếp tục đến tam- tứ và cửu, tiếp tục đếm tới ngày thứ 81. Sau 200 ngày sẽ làm lễ Tiểu Tường, 300 ngày sẽ làm lễ Đại Tường. Tổng như vậy, sau 581 ngày là chính thức mãn tang. Người Cao Đài tin rằng, khi con người chết đi họ sẽ đi qua 9 thế giới với sự hướng dẫn và dìu dắt của Cửu Vị Tiên Nương.

Về cơ bản, nghi lễ cúng Tuần Cửu được thực hiện như sau Lễ cúng Tuần Cửu có thể làm ở Thánh Thất hoặc tư gia, và đều do Ban Trị Sự ấn định và hành lễ. Thực hiện nghi lễ Tại Thánh Thất cần. Gia đình người mất bưng khay vong (Linh Vị) đến Thánh Thất, đưa lên lầu Hiệp Thiên Đài, đàn tế sẽ diễn ra vào giờ Ngọ, Chánh Trị Sự sẽ có thượng sớ Tuần Cửu. Sau khi cúng thời xong thì đem khay vong xuống đặt nơi Cửu Trùng Đài, đàn tế tiếp tục khi Đồng Nhi và mọi người cùng, tụng Kinh Khai Cửu, sau đó tụng Kinh Tuần Cửu sau cùng sẽ là kinh Di Lạc Chơn Kinh.

Nghi lễ Tiểu Tường – Đại Tường về cơ bản giống y như làm Lễ Tuần Cửu nhưng bài kinh sử dụng là Kinh Tiểu Tường và Đại Tường. Lễ Đại Tường tại tư gia thì thân nhân làm sẽ có phần long trọng hơn, có tế điện phần Thế đạo, mời nhiều người tới dự hơn.  Làm lễ Đại Tường thì khi cúng vong xong, khi Lễ Sĩ xướng: “Lễ thành”, thì một người trong tang quyến đứng trước Bàn vong, rót rượu lễ vào khay. Sau đó có đôi lời tuyên bố cảm ơn Ban Trị Sự và bà con đồng đạo. Nếu thực hiện ở Thánh Thất Gia đình người mất sẽ bưng khay vong (Linh Vị) đến Thánh Thất, đưa lên lầu Hiệp Thiên Đài, đàn tế sẽ diễn ra vào giờ Ngọ, Chánh Trị Sự sẽ có thượng sớ Tuần Cửu. Sau khi cúng thời xong thì đem khay vong xuống đặt nơi Cửu Trùng Đài, đàn tế tiếp tục khi Đồng Nhi và mọi người cùng, tụng Kinh Khai Cửu, sau đó tụng Kinh Tuần Cửu và Kinh Đại Tường hoặc Tiểu Tường và sau cùng sẽ là kinh Di Lạc Chơn Kinh. Sau nghi lễ này là chính thức mãn tang, gia quyến sẽ trở lại cuộc sống thường ngày

3. Thế giới quan và nhân sinh quan qua nghi lễ tang ma

3.1. Thế giói quan qua nghi lễ tang ma

Tín đồ Đạo Cao Đài tin rằng, khi con người chết đi, đo sẽ là một hành trình xuyên qua các thế giới của người sống để đi sang thế giới vô hình mà Đức Chí Tôn Thượng Đế Cao Đài đã gây dựng nên. Hành trình đó sẽ diễn ra trong 581 ngày sau khi người đó mất đi: 81 ngày để qua Cửu Trùng Thiên (Chín tầng trời), kéo dài đến lễ Tiểu Tường (200 ngày), Đại Tường (300 ngày) thì đến ngày 581 thì linh hồn người đó sẽ đến được Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Chí Tôn Cao Đài [9].

Nhìn chung, trong vũ trụ càn khôn mà Đức Chí Tôn lập ra, thế giới xếp chồng lên nhau thành tầng tầng lớp lớp. Song vẫn được phân chia gồm có hai phần: Hữu Hình và Vô Hình. Phần vô hình ở trung tâm và chi phối sự vận động của phần hữu hình. Phần Vô hình gồm: Tam thập lục Thiên với 36 tầng Trời, Thập nhị Thiên với 12 Tầng Trời (trong 12 tầng trời đó còn có Cửu trùng thiên là 9 tầng trời – với 9 vị tiên nữ có nhiệm vụ hóa độ linh hồn con người để sang thế giới bên kia , và 2 Tứ Đại Bộ Châu Thượng và Hạ. Phần Hữu hình chính là vũ trụ vật chất gồm 3072 ngôi sao, trong đó có thế giới hữu hình là nơi mà toàn thể nhân loại con người sinh sôi. và vì yêu thương nhân loại mà sau đến thời kỳ phổ độ thứ ba này Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hóa độ mở ra các thời kỳ cứu độ. Thế giới hữu hình và thế giới vô hình  có mối tác động liên quan đến nhau, thế giới vô hình sẽ tác động đến thế giới hữu hình [10, tr. 340- 345].

Bởi vậy khi một linh hồn rời khỏi thân xác, họ sẽ bắt đầu bước vào một chuyến du hành xuyên qua cửu tầng trời để đến tới hội Long Hoa mà nhận sự phán xét cho công nghiệp của mình kiếp này. Nếu để ý trên các bàn thờ Vong trong những đám tang Cao Đài, sẽ luôn để một lá cờ, hay đúng hơn là một chiếc Phướn, được gọi là Phướn Thượng sanh, tất cả những Chức sắc khi mất đi từ phẩm Lễ Sanh hay tương đương trở xuống đến tín đồ sẽ có một chiếc ở vị trí này, và khi đưa đi chôn, người ta cũng để chiếc phướn Thượng Sanh đi trước dẫn đường. Người Cao Đài tin rằng, chiếc phướn này có vai trò như dẫn đường cho người mất về cõi Tây Phương, chi tiết này, có lẽ được lấy cảm hứng trong truyện Phong Thần Bảng, như trong Kinh cầu hồn khi hấp hối có viết:

“Tây phương tiếp dẫn Đạo Nhơn

Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm” [14, tr40].

Các bài kinh trong cuốn kinh Thiên Đạo và Thế Đạo đã miêu tả rất rõ những cõi giới xuyên suốt Cửu tầng trời mà Cửu Vị Tiên Nương cai quản, và do Đức Diêu Trì Kim Mẫu đứng đầu cả chín cõi giới. Mỗi cõi giới được vẽ ra giống như những chốn bồng lai tiên cảnh. Có các vị tiên nữ, thần thánh có trách nhiệm dẫn đưa và thanh tẩy các linh hồn để họ đi đúng hướng. Khi đọc những bài kinh cúng Tuần Cửu, ta thường sẽ có cảm giác thế giới quan của người Cao Đài về thế giới bên kia mang màu sắc của những câu chuyện thần tiên Trung Hoa trong Đạo Giáo, nhưng vẫn mang màu sắc rất Việt Nam và tinh thần hiệp nhất “Đại Đạo”. Những vị Tiên Nữ đó  được lấy hình tượng từ những nhân vật văn hóa của lịch sử  Việt nam và nhân loại như: Đoàn Thị Điểm (Tứ Nương), Liễu Hạnh Công Chúa (Ngũ Nương), Jean de Arc (Lục Nương),…. Tổng cộng, linh hồn ấy sẽ đi qua tất cả chín tầng trời, được gọi tên như sau: Vườn Ngạn Uyển; Vườn Ðào Tiên; Thanh Thiên; Huỳnh Thiên; Xích Thiên; Kim Thiên; Hạo Nhiên Thiên; Phi Tưởng Thiên; Tạo Hóa Thiên [11, tr. 210-215].

Đến ngày 281, đây là thời điểm diễn ra lễ Tiểu Tường, linh hồn người sẽ bước đến cõi Hư Vô Thiên, tại cõi giới này, linh hồn người mất sẽ ở lại đây để nghe Nhiên Đăng Cổ Phật thuyết pháp, rồi vào Lôi Âm Tự yết kiến Đức Phật Di Đà. Ở đây Chơn thần người đó sẽ được tắm gội ở ao Thất Bửu để tẩy trừ tục trần, rồi lên ngự trên Tòa sen, sẵn sàng cho Hội Long Hoa sẽ đến. Vào ngày thứ 581, Linh Hồn người đã khuất sẽ đến được đích đến là Hỗn Nguyên Thiên do Phật Di Lặc làm chưởng quản cõi này. Dựa theo ý nghĩa bài Kinh Đại Tường, và giáo lý Cao Đài thì vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Di Lặc Vương Phật (Phật Di Lặc) sẽ  giám khảo Long Hoa Hội để tuyển phong những người đạo đức, sống thánh thiện  và làm nhiều việc tốt vào ngôi vị Phật. Sự thăng tiến của một linh hồn sẽ được quyết định tại cõi giới này [8]. 

Trong tang ma Cao Đài, hình ảnh cõi giới này được miêu tả và nhấn mạnh thông qua hình ảnh con thuyền Bát Nhã (xe tang) đưa người mất ra huyệt. Thuyền Bát Nhã trong nghi lễ đạo Cao Đài tượng trưng cho chiếc thuyền trí tuệ mà Phật Di Lặc sử dụng để đưa những linh hồn người quá cố về với Cõi Cực Lạc siêu thoát. Tín đồ Cao Đài sẽ không gọi Thuyền Bát Nhã là xe tang cũng là vì như vậy [11, tr. 526-529]. Hình ảnh cửu tầng trời cũng xuất hiện trong nghi lễ tang ma trong  các nghi thức tương ứng với số 9: chín cây đèn đặt lên quan tài, chín cây nhang đốt cháy khi hành pháp độ thăng và chín bài Kinh Tuần cửu nhằm hướng đến Cửu vị Tiên Nương sẽ hướng dẫn linh hồn người chết đi lên 9 tầng Trời để đến được cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Thế giới được biểu hiện trong nghi lễ tang ma của đạo Cao Đài là một thế giới được miêu tả theo cấu trúc như một chiếc cầu thang, thế giới ấy được miêu tả rất đẹp, mang màu sắc Đạo giáo và Phật giáo. Thế giới ấy không giống như Cửu Giới của Yggdrasil (Cây thế giới) trong thần thoại Bắc Âu, vì chúng là vô hình, nó sẽ không bao giờ kết thúc và nếu thần thoại Bắc Âu có Vahalla cho những chiến binh xứng đáng thì Hội Long Hoa và Bạch Ngọc Kinh cùng sự thăng cấp ngôi vị chính là vinh quang mà mỗi linh hồn đều mong muốn đạt được.  Đạo Cao Đài tạo ra nó chỉ dành riêng cho con người, là lời giải thích của họ rằng khi con người chết đi họ sẽ đi về đâu. Thế giới quan ấy, định hướng cho những giá trị đạo đức và nhắc nhở tín đồ Cao Đài rằng, thế giới họ đang sống giống như một trường thi công quả mà Đức Chí Tôn lập ra để họ tu tập đạt tới ngôi vị của mình nơi thế giới vô hình.

3.2. Nhân sinh quan qua nghi lễ tang ma

Đạo Cao Đài cho rằng luôn có sự tương quan giữa hai thế giới vô hình và hữu hình, sự luân hồi chuyển kiếp tiến hóa theo Bát sinh hồn (7). Theo đó, con người có được trở về với ngôi vị của mình nơi đức Chí Tôn hay không là hoàn toàn do chính họ quyết tâm tu tập. Công quả và các nghi lễ trong tang ma của họ giống như một tha lực hỗ trợ cho người mất sớm trở về với Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, là tinh thần đoàn kết cộng đồng của những tín đồ đồng đạo.

Khi con người chết đi, chơn hồn sẽ hướng về phía Bạch Ngọc Kinh – nơi ở của Đức Chí Tôn. Bởi hồn phách của con người là một “Điểm Linh Quang” từ khối “Đại Linh Quang” của Đức Chí Tôn nên sẽ phải hướng tới nơi đó để tìm kiếm sự giải thoát và rời khỏi cuộc sống trần thế. Tuy nhiên vì con người có Tam thể xác thân là:  Thân (xác) – Linh hồn (Chơn hồn) – Vía (Chơn Linh), nên họ vẫn còn vướng 7 mối dây oan nghiệt mà phải thực hành phép xác để linh hồn ấy dễ thoát ra khỏi xác mà đến thế giới bên kia [10, tr. 304-309]. Tuy nhiên nghi lễ trên yêu cầu phải là chức sắc đã thụ đủ 10 ngày chay, nên ở một số họ Đạo Cao Đài nhỏ lẻ, họ sẽ không thực hiện nghi lễ này.

Trong quan niệm của nhiều tín đồ Cao Đài, việc không thực hiện Hành Pháp Độ Hồn thực sự không ảnh hưởng quá nhiều đến việc linh hồn người đó có đến được Cõi Thiêng Liêng hằng sống hay không. Vì điều đó phụ thuộc rất nhiều vào công quả của họ trong kiếp này. Và các phép này chỉ như một cách thức hỗ trợ để cho linh hồn người mất có thể dễ dàng được siêu thoát. Còn việc siêu thoát hay không hoàn toàn do “công nghiệp” của chính mỗi người. Như đã nói ở trên, yếu tố tự lực có ý nghĩa quan trọng hơn và một linh hồn vẫn phải tự mình chuyển hóa đạt tới những phẩm vị cao hơn. Tuy nhiên, họ cũng tin rằng, nếu công đức của người mất chưa đủ, thì Chơn thần sẽ phải chờ bảy mối dây oan nghiệt cùng thể xác phân rã thì mới thoát ra được(8).

Nên để giúp cho linh hồn người mất được siêu thoát, cho Chơn hồn sớm được về với Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, cộng đồng trong họ Đạo sẽ có trách nhiệm giúp cho linh hồn người đó sớm được siêu thoát, trở về ngôi vị của mình bằng cách tham gia các nghi lễ tang ma, việc cả họ Đạo cùng nhau tụng bài kinh trong tang lễ chính là thể hiện rất rõ sự kết nối của cộng đồng với linh hồn người đã khuất, nếu thiếu đi sự cầu nguyện của cộng đồng, Nhạc – Lễ phối hợp hài hòa thì đám tang ấy sẽ không thành sự được, tang quyến sẽ cảm thấy linh hồn người khuất vẫn chưa thể rời được xác phàm.

Ban Trị Sự họ Đạo sẽ đứng ra thực hiện nghi lễ tang ma cho gia đình người mất mà không lấy kinh phí. Điều đó cũng là tình làng nghĩa xóm, sự gắn bó của những cộng đồng người có chung tôn giáo tín ngưỡng của bà con đồng đạo, trách nhiệm của tập thể đối với cá nhân trong cộng đồng… Nhưng điều đó không có nghĩa là họ mất đi hy vọng, bởi yếu tố tự lực tự mình vượt qua trong mỗi kiếp luân hồi chuyển kiếp mà các linh hồn được tiến hóa mỗi lúc mỗi tốt đẹp hơn và để đạt được điều đó họ cần phải tu hành liên tục để lên được những ngôi vị cao hơn.

Chính vì vậy, đạo Cao Đài luôn rộng mở trong vấn đề tổ chức nghi lễ tang ma, thậm chí cho cả những người chưa nhập đạo. Trong sách Quan Hôn Tang Lễ có quy định về nghi thức dành cho người chưa nhập môn, vì họ tin rằng tất thảy chúng sinh đều phải bước đi trên một con đường tiến hóa giống nhau theo Bát Sanh Hồn. Chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Cuối cùng, tất cả sẽ đón nhận sự dẫn đưa của Cửu vị Tiên Nương đi qua chín tầng trời để rồi được lên cõi Long Hoa, nơi có Phật Di Lặc soi xét công nghiệp. Theo chia sẻ của một chức sắc, Đức Chí Tôn tối cao của Cao Đài không có vai trò phán xét công tội của một linh hồn, mà vai trò của đấng tối cao ấy chỉ đơn giản là hướng họ đến kiếp sau mà tu tập thăng tiến, phù hộ độ trì cho Linh hồn đó khỏi lầm lạc(8).

Tất nhiên, mặc dù vẫn có thể thực hiện nghi lễ tang ma đối với người chưa từng ra nhập đạo Cao Đài, những những người này sẽ không về với Cửu Vị Tiên Nương nới chín tầng trời, mà hành trình đó của họ sẽ dài hơn so với một tín đồ đã nhập môn.  Họ sẽ phải bước sang cõi giới của Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, theo giải thích của một số chức sắc trong đạo: “ Cõi Trời đó giống như một nơi chuyển tiếp và người ta ở đó linh hồn con người vẫn có thể tu tập và sẽ mất nhiều công sức hơn để đạt được những cấp độ cao hơn tùy theo những công đức họ đạt được(9). Bởi vậy đạo Cao Đài tỏ ra không hề ngần ngại trong việc đứng ra tổ chức tang ma cho những cá nhân khác tôn giáo, vì với họ, tất cả đều là anh em một nhà, đều xứng đáng được hưởng sự cứu độ. Các thánh thất Cao Đài Tây Ninh mỗi năm sẽ luôn tổ chức những buổi lễ lớn còn được gọi là Cầu siêu hội để cầu nguyện cho những linh hồn người đã hi sinh để bảo vệ đất nước

Nhìn chung, Đạo Cao Đài tin rằng, thế giới người sống và thế giới của người chết luôn tác động với nhau. Rằng thế giới của người sống chính là ngôi trường thi công quả của mỗi con người, và thế giới bên kia sẽ là nơi mọi công trạng của con người được soi xét mà phân cấp trả lễ cho kiếp sau. Bởi vậy, người sống và người chết sẽ luôn liên kết với nhau. Tín đồ Cao Đài tin rằng, tại vì con người có sự tương thông, liên kết với nhau (đặc biệt là “mạch Đạo” – sợi dây liên kết đức tin) nên linh hồn tổ tiên đã mất vẫn có thể tác động vào tâm thức của con cái (những người đang sống) để độ dẫn cho con cái học đạo tu thân. Ở chiều hướng ngược lại thì con cháu mà học đạo, tu thân và đạt được những thành tựu thì những công đức đó sẽ giúp cho linh hồn người đã chết nhanh được tấn hóa lên những cấp bậc cao hơn cũng như phải luôn cầu nguyện vững tin vào Đức Chí Tôn thì linh hồn ấy sẽ được tấn hóa, như trong kinh Cầu Tổ Phụ đã Qui liễu có viết, đây còn là giá trị nhân sinh về đạo hiếu, quan hệ gia đình và cộng đồng với người mất:

“Dầu mang xác tục hay hồn

Nhớ cầu từ phụ Chí Tôn cứu nàn.” [14, tr.106].

4. Kết luận

Việc nghiên cứu thế giới quan và nhân sinh quan biểu hiện qua tang ma của đạo Cao Đài sẽ giúp chúng ta thấy được bức tranh về sự kế thừa (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Công giáo) và nét riêng có của một tôn giáo nội sinh Việt Nam, qua đó tư vấn trong việc xây dựng và ban hành những chính sách pháp luật phù hợp với loại hình tôn giáo này nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tiêu biểu và đặc sắc của đạo Cao Đài nói riêng và văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích:

  1. Vụ Cao Đài, Giới thiệu đạo Cao Đài ở Việt Nam, trang thông tin Ban Tôn Giáo chính phủ, bài đăng ngày 14/7/2021, https://btgcp.gov.vn/gioi-thieu-cac-to-chuc-ton-giao-da-duoc-cong-nhan/gioi-thieu-dao-cao-dai-o-viet-nam-post2BR1VAWaJ1.html.
  2. Kinh Tẫn (Tẩn) Liệm do Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho để đồng nhi tụng trước khi liệm thi hài người chết vào trong quan tài. Tẫn (Tẩn) là đặt xác người chết vào trong áo quan rồi đậy nắp đóng lại cho thật kín, Liệm là bọc xác người chết cho thật kín bằng những lớp vải, và đặt vào áo quan. (Nguyễn Văn Hồng, Kinh Tận độ Vong linh: Kinh Tẫn Liệm, http://www.caodai-online.com. )
  3. Phỏng vấn sâu Lễ Sanh T.G.T, gỡ băng phỏng vấn ngày 22/02/2024
  4. Họ đạo Phúc Đức, thành phố Hà Nội thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, theo báo cáo niên đạo năm 2023 hiện có  khoảng hơn 650 tín đồ (Gồm 17 chức sắc, 15 chức việc, ban phước thiện – Lễ Nhạc – đồng nhi: 84 nguời), Họ Đạo Phúc Đức có một cơ sở thờ tự là thánh thất Phúc Đức, được xây dựng từ năm 1988, tọa lạc tại thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
  5. Thiên Vân, Nghi thức và ý nghĩa tang lễ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: Tang lễ chức sắc, chức việc, đạo hữu
  6. Nguồn; https://www.daotam.info/booksv/QuachVanHoa/NghiThucYNghiaTangLe/nghithuctangle-chucviecdaohuu.htm.
  • Phỏng vấn sâu Lễ Sanh T.G.T, gỡ băng phỏng vấn ngày 22/02/2024
  • Bát hồn gồm: Kim Thạch hồn (Đá) – Thảo mộc hồn(cỏ cây) – Thú cầm hồn (động vật) – Nhân hồn (con người) – Thần hồn –  Thánh hồ –  Tiên hồn – Phật hồn là những cấp bậc tiến hóa của con người theo từng cấp mỗi kiếp.Tùy theo căn nghiệp mỗi kiếp sống mà họ sẽ thăng hay đọa. Bởi vậy tín đồ Cao Đài luôn thực hành theo giới luật và sống đạo đức để kiếp sau sẽ đạt được cấp bậc lớn hơn, thoát khỏi luân hồi để đạt ngưỡng cấp Thần – Tiên – Phật
  • Phỏng vấn sâu Lễ Sanh T.G.T, gỡ băng phỏng vấn sâu ngày 22/02/2024
  • Phỏng vấn sâu Lễ Sanh T.G.T, gỡ băng phỏng vấn sâu ngày 11/06/2024

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Cơ quan phổ thông giáo lý Đại Đạo (2009), “Tìm hiểu tôn giáo Cao Đài”, Nxb Tôn giáo
  2. Đại Đạo Tam kỳ phổ độ – Tòa Thánh Tây Ninh (1963), “Thánh ngôn hiệp tuyển- quyển thứ nhì”, nhà in Tuyết Vân (Hội thánh giữ bản quyền)
  3. Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ – Tòa Thánh Tây Ninh (1976), Quan hôn tang lễ, in tại Bạch Vân Ấn Quán.
  4. Hiền tài Nguyễn Trung Đạo (2005), “Bước đầu tìm hiểu đạo Cao Đài, quyển 5: Tang lễ nơi hải ngoại (cầu bịnh- lễ tang – phép xác)”, Châu đạo California – tộc đạo San Diego, tr. 7 https://www.daotam.info/booksv/pdf/BuocDauTHDCD-Q5.pdf.
  5. Jérémy Jammes, Shao Zhu Shuai (2020), “The Cao Ðài Deathscape: Reimagining Death”, tạp chí Religions 11(6) 280, Nguồn: https://www.mdpi.com/2077-1444/11/6/280.
  6. Nguyễn Trung Hậu, Phan Trường Mạnh (2010), Thiên Đạo, Nxb Tôn giáo
  7. Thiên Vân Hiền Tài Quách Văn Hòa (2017), “Bí Truyền Chơn Pháp – tài liệu sưu tầm”, Tòa Thánh Tây Ninh, trang điện tử Tủ sách Đại Đạo, Nguồn: http://www.daocaodai.info/booksv/pdf/pdf2/bitruyenchonphap.pdf
  8. Thiên Vân Hiền tài Quách Văn Hòa, “Chú Giải Kinh Tận Độ- Chương 10: Chú giải Kinh Tiểu Tường và Đại Tường Nguồn:https://www.daotam.info/booksv/QuachVanHoa/ChuGiaiKinhTanDo/ChuGiaiKinhTanDo-X.htm
  9. Thiên Vân Hiền tài Quách Văn Hòa, Nghi thức và ý nghĩa tang lễ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: Tang lễ chức sắc, chức việc, đạo hữu, Nguồn:https://www.daotam.info/booksv/QuachVanHoa/NghiThucYNghiaTangLe/nghithuctangle-chucviecdaohuu.htm
  10. Hiền tài Nguyễn Văn Hồng (2003), Bước đầu học Đạo dành cho Tân tín đồ Cao Đài”, (Bản thảo góp ý), Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, tài liệu sưu tầm – 2017, nguồn: https://www.daotam.info/booksv/pdf/NguyenVanHong/buocdauhocdao.pdf.
  11.  Hiền tài Nguyễn Văn Hồng, bút hiệu Ðức Nguyên (2012), “Cao Đài từ điển, quyển II”, Tòa Thánh Tây Ninh, trang điện tử Cao Đài – E book. nguồn:  https://caodaism.org/e-bookpdf/index.html.
  12.  Hiền tài Nguyễn Văn Hồng, bút hiệu Ðức Nguyên (2012), “Cao Đài từ điển – quyển III”, Tòa Thánh Tây Ninh, trang điện tử Cao Đài – E book. Nguồn: https://caodaism.org/e-bookpdf/index.html.
  13.  Hiền tài Nguyễn Văn Hồng, Kinh Tận độ Vong linh: Kinh Tẫn Liệm, http://www.caodai-online.com.
  14.  Tòa thánh Tây Ninh (2014), Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Nxb Tôn giáo
  15.  Nguyễn Thanh Xuân (2013), Đạo Cao Đài – Hai khía cạnh lịch sử và tôn giáo, Nxb Tôn giáo.
  16.  Đặng Nghiêm Vạn (1996), Bước đầu tìm hiểu đạo Cao Đài, Nxb Khoa học xã hội

Bài liên quan

Bài đăng mới