1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Triết học của Descartes luôn gắn với khái niệm mạch lạc, chính xác trong tư duy khoa học. René Descartes có địa vị rất quan trọng và ảnh hưởng lớn trong lịch sử triết học phương Tây. Theo ông, trình độ phát triển của tư duy triết học là thước đo quan trọng nhất để đánh giá trình độ văn hóa của con người và sự ưu việt của dân tộc này so với dân tộc khác, vì triết học là sự thể hiện cơ bản nhất sự thông thái của con người không chỉ trong lĩnh vực nhận thức mà cả trong công việc. Do vậy, việc làm sáng tỏ những tư tưởng cơ bản trong triết học Descartes có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đặc biệt quan trọng.
2. BỐI CẢNH LỊCH SỬ RA ĐỜI TRIẾT HỌC CỦA DESCARTES
René Descartes sinh ngày 31 tháng 3 năm 1596 trong một gia đình quý tộc tại thị trấn La Haye, thuộc Touraine miền Nam nước Pháp. Cha ông từng làm cố vấn tòa án tối cao thành Rennes. Mẹ ông mất khi ông mới đầy một tuổi.
Ánh sáng bình minh của nền văn minh công nghiệp đã giúp cho xã hội Tây Âu có những bước chuyển mạnh mẽ, bước sang thời kỳ phục hưng, cận đại. Với việc phục hưng những giá trị của nền văn hóa cổ đại Hy-La. Bước vào thời kỳ cận đại là giai đoạn quá độ từ phương thức sản xuất phong kiến sang phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong thời kỳ này, các công trường thủ công dần nở rộ, vì vậy các chủ thợ thủ công nghiệp ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trở thành lực lượng nắm giữ sức mạnh kinh tế.
Chế độ phong kiến với nền sản xuất nhỏ đã dần bước vào giai đoạn lụi tàn. Trong khi đó, phong trào chống phong kiến của nông dân và thợ thủ công diễn ra đông đảo khắp Châu Âu. Mục đích không chỉ là đòi xóa bỏ những đặc quyền, đặc lợi của giai cấp phong kiến, những trở ngại cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, mà còn chĩa mũi giáo vào Giáo hội La Mã. Phong trào này đã ảnh hưởng sâu rộng tới cuộc đấu tranh tư tưởng, trong đó bao gồm cả sự phát triển của triết học.
Gắn liền với thực tiễn sản xuất, các ngành khoa học tự nhiên bắt đầu phát triển. Khoa học tự nhiên thời kỳ này phát triển mạnh ở cả hai hướng là khoa học tự nhiên lý thuyết và khoa học tự nhiên thực nghiệm, điều này ảnh hưởng sâu đậm đến sự phân phái trong phương pháp luận. Do đó, tất yếu dẫn đến sự nhìn nhận đối tượng nhận thức trong sự trừu tượng tách rời, không có sự vận động, phát triển, còn nếu có thì chỉ là sự vận động cơ học máy móc. Sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa đã thúc đẩy sự phát triển của khoa học, kỹ thuật. Góp phần to lớn trong việc cải tiến và hoàn thiện công cụ lao động. Nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật ra đời, như: sử dụng năng lượng nước, khai mỏ, luyện kim, dệt, in ấn, chế tạo hàng hải, vũ khí. Chính những thành tựu trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật đã trở thành nền tảng vững chắc cho giai cấp tư sản trong cuộc đấu tranh chống thần quyền và chủ nghĩa duy tâm. Thời kỳ này, giai cấp tư sản có địa vị chính trị ngày càng lớn, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được xác lập và trở thành phương thức sản xuất thống trị. Nhiều công trường thủ công xuất hiện ở khu vực Tây Âu, như Italia, Anh, Pháp và các nước khác, đã dần thay thế cho nền kinh tế tự nhiên kém phát triển. Bên cạnh đó, những phát kiến địa lý về đường biển, tìm ra những miền đất mới, phát hiện ra Châu Mỹ, đã góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển của nền sản xuất theo hướng tư bản chủ nghĩa. Hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa giữa các nước được mở rộng, nhờ vậy các nước phát triển sớm như Anh, Pháp, Tây Ban Nha đã không ngừng xâm chiếm thuộc địa để mở rộng việc khai thác nguyên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Thời kỳ này, xã hội Tây Âu có sự phân hóa giai cấp ngày càng rõ rệt. Tầng lớp tư sản bao gồm các chủ xưởng công trường thủ công, xưởng thợ, thuyền buôn. Lực lượng này giữ vai trò ngày càng lớn trong kinh tế và xã hội. Nông dân di cư ra thành thị và trở thành người làm thuê cho các công trường, trở thành lực lượng lao động mới của xã hội và hình thành giai cấp công nhân. Các tầng lớp xã hội này đại diện cho nền sản xuất mới và cùng với giai cấp nông dân đấu tranh chống chế độ phong kiến suy tàn. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của Tây Âu trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội. Với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, khoa học, tư tưởng, trong đó có chủ nghĩa duy vật triết học, thời Cận đại ở các nước Tây Âu được xem là thời kỳ giai cấp tư sản đã giành được thắng lợi về chính trị. Các cuộc cách mạng tư sản lớn đã nổ ra và thành công, như: Cách mạng tư sản Hà Lan (cuối thế kỷ XVI), cách mạng tư sản Anh (1642-1648).
Bối cảnh xã hội trên đã tác động đến sự hình thành triết học của Descartes. Đặc biệt, phải kể đến sự tác động của văn hóa. Tiếp nối nền văn hóa phục hưng, triết học Tây Âu cận đại hiện diện đặc biệt trong bối cảnh phát triển của văn hóa và triết học. Triết học Tây Âu mang trong mình những điểm đặc trưng của dòng chảy phát triển tinh thần, văn hóa Tây Âu, sự kết tinh từ những thành tựu trong khoa học, kinh tế, văn hóa. Khác với quan niệm truyền thống về lý tính của Thiên Chúa giáo, văn hóa Tây Âu cận đại đề cao tính duy lý, trước hết là sự sùng bái tính khoa học, niềm tin và những khả năng vô hạn của khoa học. Đó là sự tin tưởng vào tính hợp lý của mọi cái thực tồn, toàn bộ vũ trụ và cả mỗi bộ phận riêng biệt trong vũ trụ. Những nguyên tắc chung nhất và cả những nguyên tắc riêng, đều được gọi là những quy luật khoa học. Như vậy, chính sự đề cao tính duy lý, tin tưởng vào tính hợp lý của thế giới đã mở ra con đường luận chứng cho khoa học về mặt phương pháp luận.
Có thể thấy, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa thời kỳ cận đại đã định hình nên những đặc trưng cơ bản về triết học thời kỳ này. Đây là thời kỳ thắng lợi của chủ nghĩa duy vật đối với chủ nghĩa duy tâm, song, chủ nghĩa duy vật khi đó vẫn mang hình thức của chủ nghĩa duy vật siêu hình, máy móc.
3. NHỮNG TƯ TƯỞNG CƠ BẢN TRONG TRIẾT HỌC CỦA DESCARTES
3.1. Quan niệm nhị nguyên về con người
Nói đến René Descartes thì không thể không nói đến học thuyết nhị nguyên luận – học thuyết triết học thừa nhận sự tồn tại độc lập của hai thực thể (vật chất và ý thức, thể xác và linh hồn). Thực chất, triết học nhị nguyên luận tự mâu thuẫn với bản thân mình vì không giải đáp triệt để được vấn đề cơ bản của triết học, quan hệ giữa vật chất và ý thức, tư duy và tồn tại, do thiếu nhất quán nên cuối cùng thường rơi vào chủ nghĩa duy tâm.
R. Descartes thừa nhận hai thực thể này tồn tại độc lập nhau, cũng như có vai trò và sự tác động quyết định ngang nhau, đó là thực thể quảng tính và thực thể tư duy. Trong đó, tư duy là ý thức thuần túy, không trải rộng trong không gian (không có quảng tính), không thể phân chia được. Ngược lại, thực thể quảng tính hoàn toàn không có ý thức, có quảng tính không gian đồng thời có thể chia nhỏ đến vô cùng. Ông đi tìm tính chân lý của sự chân thực đúng đắn qua một phương pháp mang tính riêng biệt tạo thành phương pháp hoài nghi. Bắt đầu bằng nguyên lý “Tôi tư duy, vậy nên tôi tồn tại”. Xuất phát từ tính chất chắc chắn do sự hiện hữu của thực thể tư duy, ông đã từng bước xây dựng hệ thống hoàn chỉnh về kiến thức và lần bước tới sự hiện hữu của Thượng đế. Trong triết học của mình, ông đã tạo ra hai loại chất để tạo nên toàn bộ vạn vật. Thứ nhất là chất suy nghĩ (tinh thần), thứ hai là các chất mở rộng (thân thể). Khi đạt tới sự hiện hữu của Thượng đế, ông với tới thực tại của thế giới vật lý thông qua Thượng đế. Vì vậy, theo ông, thế giới mà con người đang tri giác phải hiện hữu. Ông đi đến nghiên cứu thế giới vật chất bằng cách tri giác các nối kết của nó và nhìn thế giới vật chất hoàn toàn cách ly với tâm trí, cái duy nhất kết nối giữa hai hữu thể đó chính là Thượng đế. Ông khái quát về thế giới bằng phương pháp siêu hình. Ông nhận định thực tại gồm hai yếu tố cấu thành đó là: vật chất và tinh thần. Bản chất của vật chất là chiếm hữu không gian, trong khi bản chất của tinh thần (tư duy) không trải rộng trong không gian và không thể phân chia.
Theo Descartes, sự tồn tại thực hữu của linh hồn có thể được chứng minh một cách chắc chắn, trên cơ sở lập luận cho rằng nó tồn tại vượt lên trên mọi hoài nghi. Trong tác phẩm Luận về triết học thứ nhất (1641), ông đã thể hiện tính triệt để về sự hoài nghi của mình, sử dụng sự nghi ngờ quyết liệt hơn và đặt ra hàng loạt những câu hỏi về mọi sự vật hiện tượng. Ông khẳng định: chỉ có một sự đặc biệt không thể nghi ngờ đó là điều mà con người bao giờ cũng có thể biết với sự chắc chắn tuyệt đối. Chính sự nghi ngờ đã trở nên giống như một phương pháp được sử dụng phổ biến – phương pháp nghi ngờ của Descartes. Theo ông, “phải đổ cả thúng táo đi khi thấy đã có nhiều quả thối” (Trần Thái Đỉnh, 2005: 364), bởi quả táo còn được giữ lại trong giỏ phải là quả hoàn hảo, là nhận thức mà không thể nghi ngờ. Nếu vậy, không thể tài nào nghi ngờ được hết tất cả nhận thức của con người, mọi thành quả khoa học tốn quá nhiều thời gian để xem xét lại. Để tránh vấn đề khó khăn đó, ông bắt đầu với câu hỏi rằng: mọi nhận thức của con người là từ đâu đến? và “Tôi” thấy có hai nguồn gốc của nhận thức là: các giác quan và lý trí của ta. Sự nhận thức về thế giới đến từ năm giác quan, còn nhận thức toán học, lôgíc học đến từ lý trí. Nhưng, liệu bản thân hai nguồn nhận thức này có đáng nghi ngờ hay không? Descartes đã bắt đầu nghi ngờ các giác quan của mình, các giác quan của chúng ta không thể nào tin cậy được, không thể tin cậy như nguồn gốc của nhận thức đúng đắn (Nguyễn Hữu Vui, 1997: 185-186). Nhưng, ông cũng cho rằng, không phải bao giờ các giác quan của con người cũng sai lầm, bởi nếu nó bao giờ cũng luôn không chân thực thì bấy lâu người ta không thể tồn tại. Bởi, làm sao mà ta có thể tin rằng trên tay bạn đang cầm một cây bút mà không phải là một cái thước hay chỉ là một cái chổi? Nhận thức đáng tin cậy phải đến từ lý tính, suy nghĩ, chứ không phải đến từ giác quan đáng nghi ngờ của mình. Ông đã nghi ngờ cả những nhận thức thuần túy bằng lý tính của mình. Sự nghi ngờ thể hiện ở chính cách lý giải, phân tích thông tin mà thị giác mang đến. Chính trong sự hoài nghi của mình, ông đã phát hiện ra rằng có một thứ không thể nghi ngờ được đó chính là việc ông đang nghi ngờ: “Vậy tôi là gì? Là một sự vật suy tưởng. Một vật suy tưởng là gì? Là một sự vật hoài nghi, quan niệm, quyết đoán, phủ định, ước muốn hoặc không ước muốn, tưởng tượng và cảm giác” (Trần Thái Đỉnh, 2005: 443). Vì thế, ông không thể nghi ngờ rằng ông đang tồn tại “Tôi tư duy, vậy nên tôi tồn tại”. Chúng ta càng nghi ngờ bao nhiêu thì thực chất lại xác nhận bấy nhiêu, bởi “tôi” đang nghi ngờ sự thật của những sự vật khác. Đây là một sự thật, một chân lý không hề phụ thuộc vào giác quan của chúng ta. Như vậy, nghi ngờ là một sự tư duy hết sức đặc biệt. Ông đã có một quả táo hết sức hoàn hảo để đặt vào giỏ. “Tôi tồn tại” là điều không thể nghi ngờ. “Tôi” tri giác một cách rõ ràng rằng “tôi” tồn tại là đúng. Do vậy, bất cứ điều gì được “tôi” tri giác rõ ràng, sáng sửa là đúng. R. Descartes đã tin chính điều này sẽ giúp ông thoát khỏi sự chắc chắn của cá nhân, vươn tới sự chắc chắn rộng lớn hơn về nhiều loại nhận thức khác. Chính sự luẩn quẩn này đã làm ông thấy sự phi lý, và không thể sai lầm theo cách ấy được. Vì rõ ràng và sáng sủa chỉ là các khái niệm mang tính tương đối. Nó có thể là rõ ràng, sáng sủa với bạn, nhưng lại tối đối với “tôi”. Nên không có điều gì có thể ngăn được con quỷ vô hình cài những ý tưởng rõ ràng vào đầu óc để lừa ta. Đây chính là lý do ông phải dựa vào Thượng đế để tiêu diệt con quỷ vô hình, dựa vào Thượng đế để không bao giờ lừa phỉnh ta và luôn đảm bảo rằng mọi “Cogito” đi vào đầu óc chúng ta đều là thực sự đúng đắn và chân thực. Descartes đã chứng minh sự tồn tại của Thượng đế, và trong đầu của “tôi” ý niệm về một sự tồn tại hoàn thiện. Một tồn tại hoàn thiện – Thượng đế phải tồn tại: “Các đặc tính này lớn lao và cao trọng quá đến nỗi tôi càng suy niệm cách chăm chú thì tôi càng chắc chắn rằng tôi không thể tự tôi phát sinh ra ý tưởng đó được. Cho nên nhất thiết phải kết luận do những điều đã nói trên kia rằng: Thiên Chúa hiện hữu” (Trần Thái Đỉnh, 2005: 463). Chính sự hoài nghi của Descartes đã góp phần phê phán mạnh mẽ các tư tưởng giáo hội Kinh viện. “Cogito” là phát hiện quan trọng, đánh dấu sự ra đời của nền triết học hiện đại. Cách lý luận không phụ thuộc vào bất kỳ sự kiện, kinh nghiệm nào, đưa Descartes đến kết luận rằng tri thức tiềm ẩn trong mỗi cá nhân ngay từ khi mới sinh ra và tri thức là các ý tưởng hay nhận thức nội tại.
R. Descartes phân chia mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới thành bản thể vật chất có quảng tính và bản thể tư duy, gọi là thuyết nhị nguyên. Ông đã xét thân thể con người như một bản thể vật chất, từ đó mở đường cho việc nghiên cứu khách quan về cơ thể con người. Theo ông, con người khác với cỗ máy tự động ở chỗ có năng lực tư duy để thông qua ngôn ngữ, có thể trao đổi với người khác. Nhờ tính chất phổ quát của lý tính, con người có thể vượt ra khỏi những hoàn cảnh nhất định và biểu lộ suy nghĩ của mình về sự vật. Trong tính chất ấy, con người mới có thể chịu trách nhiệm và bị quy trách nhiệm về hành động của mình. Con người là tự do, ngược lại thú vật, cỗ máy tự động thì dửng dưng, trung lập về lý luận và đạo đức. Hai thực thể tinh thần và vật chất tồn tại độc lập với nhau, nhưng cùng phục tùng nguyên thể tối cao là Thượng đế. Đây là biểu hiện tính chất thỏa hiệp của hệ tư tưởng tư sản.
Qua đó, hình thành các loại chủ trương khác nhau về con người từ thế kỷ XVIII với các học thuyết duy linh, thuyết duy tâm, duy vật, duy vật cơ giới.
3.2. Phương pháp tư duy khoa học
Chủ nghĩa duy lý là lập trường triết học đề cao lý tính và tư duy khoa học, coi lý tính, tư duy khoa học là phương thuốc chữa bách bệnh cho con người và xã hội. Phương pháp của Descartes đề cao lý tính khoa học, đây là thước đo và giá trị duy nhất để con người hướng đến. Ông đã đấu tranh chống lại giáo điều bằng phương pháp nhận thức và chứng minh chân lý. Tinh thần toàn bộ triết học của ông là “Hệ thống giáo lý triết học kinh viện cần phải bị tiêu diệt” (Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, 1998, tập 2: 195).
Những thành tựu khoa học kỹ thuật ở phương Tây thời kỳ này đã góp phần mở rộng sự phát triển toàn diện cho con người về mọi mặt, đưa nền kinh thế thế giới phát triển mạnh mẽ, mức sống của người dân tăng vượt bậc so với thời kỳ trước. Do đó, khoa học kỹ thuật được coi là nền tảng và thước đo cho mọi chuẩn mực của đời sống.
R. Descartes cho rằng, triết học là tổng thể tri thức của con người về nhiều lĩnh vực. Siêu hình học là nền tảng của hệ thống thế giới quan: “chỉ có triết học mới phân biệt chúng ta với thổ dân man rợ, dân tộc nào văn minh, có học thức hơn thì dân tộc đó triết lý tốt hơn” (Nguyễn Hữu Vui, 1997: 294). Qua đó, ông đặt ra cho triết học nhiệm vụ cơ bản: một là, hướng tới xây dựng những nguyên lý, phương pháp luận cơ bản để làm cơ sở cho khoa học khám phá ra chân lý. Hai là, từng bước giúp cho con người nhận thức và làm chủ giới tự nhiên, trên cơ sở là nhận thức được các quy luật. Ông đã đi đến giải quyết hai nhiệm vụ trên bằng cách thay thế triết học tư biện bằng triết học thực tiễn. Qua đó có thể sử dụng tất cả các lực lượng đó trong tất cả các lĩnh vực và trở thành chúa tể của giới tự nhiên. Ông phê phán các tư tưởng của Giáo hội và triết học kinh viện, đồng thời đặt tất cả những tri thức mà loài người đạt được từ trước tới thời điểm đó dưới sự phê phán của lý tính, coi lý tính, trí tuệ con người là tòa án thẩm định và đánh giá mọi tri thức mà nhân loại đã đạt được và nghi ngờ mọi cái mà ngày thường ta vẫn cho là đúng. Ông khẳng định sự nghi ngờ để tìm ra chân lý đó chỉ là tiền đề chứ không phải là chân lý. Ông quan tâm đến việc tìm kiếm chân lý và xây dựng hệ thống triết học riêng cho mình.
R. Descartes là người sáng lập ra hình học giải tích. Toán học đối với ông là xuất phát điểm để suy ngẫm về những vấn đề trở thành cơ bản đối với sự nghiệp sáng tạo của mình, vấn đề về tính xác thực của tri thức, phương pháp luận khoa học. Theo ông, có thể hoài nghi bất kỳ luận điểm nào cho dù đáng tin cậy đến đâu đi nữa. Bởi, hoài nghi là một sức mạnh phổ biến mà không một cái gì có thể tránh được nó. Trong khi những người làm công việc sản xuất tri thức luôn cố gắng bảo vệ tri thức. Do đó, phần lớn các học thuyết đều tìm kiếm sự bảo vệ của uy quyền, của các tổ chức khác nằm ngoài khoa học. Để khắc phục điều này phải tìm ra cách để chiến thắng sự hoài nghi. Sự thống trị của hoài nghi dẫn tới không một luận điểm nào được khẳng định hay bị phủ định. Nhưng có một ngoại lệ đó là toán học, vì các chân lý của nó là tất nhiên đối với mỗi người. Các chân lý toán học không cần đến các chỗ dựa bên ngoài, chúng được bao hàm trong năng lực chung của mọi người là năng lực nhận biết. Do vậy, đối với ông, toán học chính là mẫu mực, là ánh sáng tự nhiên của lý tính, chân lý.
Đặc điểm cơ bản của tri thức là không phụ thuộc vào thói tùy tiện của con người (mang tính khách quan). Tri thức dễ tiếp cận với bất cứ người nào có trí tuệ thông thường. Tính khách quan, dễ hiểu đối với mọi người của nó được căn cứ trên tính tất yếu, lôgíc chặt chẽ.
R. Descartes đã khái quát những đặc trưng của toán học. Và, toàn bộ khoa học hiện đại đều thực sự được căn cứ dựa trên những nguyên tắc như vậy. Thực tế cho thấy, bất kỳ tri thức nào muốn đạt đến tính khoa học thì phải tuân thủ theo nguyên tắc đó. Trong thời đại của ông, người ta mới xây dựng khoa học trên những nguyên tắc đó. Con người không thể tham gia vào hoạt động khoa học khi không có niềm tin, hy vọng vào sự tồn tại thực của tri thức. Điều này góp phần quan trọng trong việc quy định lối tư duy mới, trong đó khoa học đóng vai trò to lớn. Ông cho rằng, có thể hoài nghi mọi thứ, tuy nhiên trong thế giới hoài nghi vẫn có một ốc đảo niềm tin của mỗi người vào sự tồn tại của bản thân. Con người thực chất sẽ không cần đến một uy quyền nào từ bên ngoài để tin vào sự tồn tại của bản thân mình cho tới khi còn tư duy. Như vậy, cái “tôi” đang tư duy đóng vai trò là cơ sở để lĩnh hội sự tồn tại của bản thân và tạo thành cơ sở cho sự xác thực của mọi tri thức. Qua đó nhận thấy lý tính vốn có của con người. Tính thống nhất loài đã cho phép chúng ta hiểu và lĩnh hội tính toàn vẹn cái “tôi” của mình. Sự tùy tiện của cá nhân sẽ bị giới hạn trong phạm vi con người, còn lý tính, năng lực tư duy sẽ không bị mâu thuẫn với bản thân họ. Nhờ vậy, các chân lý khoa học sẽ được luận chứng.
Theo Descartes, có hai phương thức phát hiện ra chân lý tất yếu và phổ biến, đó là trực giác trí tuệ và phép diễn dịch. Thứ nhất, trực giác là sự biểu hiện của trí tuệ rõ ràng, rành mạch tới mức không gây ra một sự hoài nghi nào về cái được hàm ý nói tới. Đó chính là sự hiểu biết hiển nhiên của trí tuệ do ánh sáng của lý tính sinh ra. Do đó, trực giác là tri thức của trí tuệ và là tri thức trực tiếp. Thứ hai, phép diễn dịch bao gồm các quy trình lôgíc nối tiếp nhau. Khởi nguồn từ những trực giác xác thực và được lý tính vận động qua phép diễn dịch để làm rõ những ẩn ý trong luận điểm chung. Kết quả là lý thuyết, hệ thống những luận điểm lý luận có liên hệ lôgíc với nhau. Đối với việc xây dựng lý thuyết đúng đắn thì chỉ cần trí tuệ thông thường của con người là đủ. Tại sao không phải mọi người đều có tư duy khoa học? Bởi vì khi có trí tuệ thì không phải tất cả mọi người đều biết cách sử dụng đúng. Họ thường bị cản trở bởi sự không nhất quán của tư duy, thói không suy ngẫm kỹ về cái mà từ đó bắt đầu và ít suy ngẫm về việc cần có phương pháp nhận thức trong bất kỳ một công việc nào: “Tôi chắc chắn rằng tôi là một sự vật suy tưởng, nhưng tôi có biết cần phải có điều chi để được chắc chắn về một sự vật chăng? Như thế có nghĩa là trong tri thức thứ nhất kia mới chỉ có một tri giác rõ ràng và phân minh về cái tôi chưa biết mà thôi; nhưng tri giác đó không đủ làm tôi tin chắc chắn rằng nó chân thực, nếu nhỡ ra cái điều tôi quan niệm cách rõ ràng và phân minh như thế lại giả dối. Do đó tôi tưởng có thể đặt ra định luật phổ quát này là: tất cả các sự vật mà ta quan niệm cách rõ ràng và phân minh, đều đích thực” (Trần Thái Đỉnh, 2005: 451). Nhận thức chỉ mở ra tới đâu mà ở
nơi đó có tư duy rõ ràng. Như vậy, cần hệ thống hóa, kết hợp những quan niệm rõ ràng để cho mối liên hệ giữa chúng thật rõ ràng, mạch lạc. Đồng thời, phân tích cụ thể những quan niệm, phân chia chúng thành những yếu tố đơn giản nhất và không thể phân chia được tiếp. Tư duy phải được xây dựng độc lập và mọi sự phụ thuộc vào ý kiến của người khác đều là không đáng tin cậy. Tư duy lý luận phải được xây dựng một cách có hệ thống, trật tự, được điều khiển bởi tư tưởng cơ bản và đây chính là luận điểm về phương pháp cơ bản của Descartes: “Tôi là một sự vật suy tưởng, nghĩa là sự vật hoài nghi, quyết định, phủ định, tri thức một ít sự vật và chưa biết nhiều sự vật khác, yêu mến, thù ghét, ước muốn, không ước muốn, tưởng tượng và cảm giác” (Trần Thái Đỉnh, 2005: 450). Descartes dựa vào lý tính, xem nó là căn cứ chính cho sự thống nhất của loài người.
4. GIÁ TRỊ TRONG TRIẾT HỌC CỦA DESCARTES
Nghiên cứu tư tưởng triết học của Descartes là cách trở về với cội nguồn của tư duy khoa học. Do vậy, với bất cứ chủ đề gì, ông cũng đi tìm cội nguồn của sự vật, đi tìm chân lý của sự vật bằng những lập luận vững chắc, được kiểm nghiệm qua lương tri và thực tiễn. Tư tưởng của ông đã có những ảnh hưởng lớn cả trong triết học và khoa học tự nhiên.
Thứ nhất, luận điểm “Tôi tư duy, vậy nên tôi tồn tại” của Descartes đã mang lại một cách tiếp tiếp cận mới. Bởi, chính sự nghi ngờ sẽ giúp cho con người không an phận với những cái có sẵn trong tự nhiên. Con người cần tin vào khả năng của mình và bắt thiên nhiên phải phục vụ mình qua tư duy sáng tạo. Điều này thể hiện mối quan hệ hữu cơ giữa con người và quá trình tư duy. Con người đồng thời vừa là chủ thể của tư duy, vừa là kết quả của quá trình tư duy của chính mình. Do vậy, xuất phát điểm của triết học phải là “Tôi tư duy”. Qua đó, ông đã đề cao vai trò của con người đối với thế giới, đồng thời coi con người là trung tâm của vấn đề triết học. Descartes đã đặt nền móng cho sự coi trọng trí tuệ con người, đề cao tư duy khoa học lý luận trong bối cảnh lịch sử đương thời. Chính bằng sự hoài nghi đó, ông đã chống lại mọi tư tưởng giáo điều, giáo lý nhà thờ và ý tưởng xây dựng một hệ thống triết học mới.
Thứ hai, Descartes đề cao tư duy lý tính chính là khởi nguồn cho sự phát triển của các ngành khoa học tự nhiên. Ông đề cao vai trò của lý tính, trí tuệ con người, coi đó chính là tiêu chuẩn để đánh giá mọi suy nghĩ và hoạt động của con người. Điều này thể hiện niềm tin của ông vào lý trí và khoa học. Ông cho rằng, triết học phải rõ ràng, xác thực, từ đó mới có thể xây dựng một phương pháp chung cho các lĩnh vực hoạt động của trí tuệ. Do đó, có thể thấy, công lao to lớn của ông trong việc xây dựng lại triết học từ đầu. Descartes đã xây dựng nên một hệ thống phương pháp luận mới làm nền tảng cho sự phát triển của khoa học, đồng thời, hướng đến sự phát triển khả năng trí tuệ cho con người và góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học, trong đó, đặc biệt phải kể vai trò của phương pháp toán học. Descartes đề cao tính cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, các quy luật số học… Và, ông mong muốn vận dụng các quy luật, lý thuyết, phương pháp đó trong nghiên cứu các hiện tượng tâm lý, tự nhiên.
Thứ ba, triết học Descartes chứa đựng nhiều yếu tố duy vật. Ông cho rằng, thế giới vật chất là một thế giới riêng biệt, chỉ tuân theo những quy luật của vật chất, do đó, ai muốn nghiên cứu về vũ trụ thì cần phải loại bỏ những thành kiến của linh hồn. Theo ông, vật chất đã vượt ra ngoài phạm vi của tâm lý. Tuy nhiên, do vẫn chịu ảnh hưởng của tôn giáo, nên ông chưa thể bác bỏ những giáo lý trong Kinh thánh để khẳng định cái vật chất có ảnh hưởng đến cái tinh thần, mà mới chỉ dừng lại ở chỗ phân biệt linh hồn với thể xác. Bởi, thế giới vật chất là một thế giới riêng biệt và chỉ tuân theo những quy luật vật chất.
Thứ tư, khoa học, tư duy duy lý là cần thiết nhưng chưa đủ để đảm bảo cho con người một cuộc sống toàn vẹn. Đặc biệt, đứng trước những tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng gia tăng, triết học phương Tây hiện đại đã đặt ra và giải quyết những vấn đề hoàn toàn mới, khám phá ra những lực lượng bản chất khác ngoài lý tính và chi phối con người không kém lý tính. Và, sự giải phóng bên ngoài xã hội, kinh tế, chính trị… là cần thiết nhưng chưa đủ để giúp cho con người có được tự do. Bởi, tự do của con người thực chất là những vấn đề liên quan đến thế giới nội tâm bên trong. Như vậy, con người phải làm gì và suy nghĩ như thế nào để trở thành người tự do? Triết học phương Tây hiện đại đã rất cố gắng để đi tìm câu trả lời cho vấn đề của mọi vấn đề này.
5. HẠN CHẾ TRONG TRIẾT HỌC CỦA DESCARTES
Thứ nhất, Descartes không hoàn toàn thoát khỏi những ảnh hưởng của tôn giáo và triết học kinh viện. Những suy tư triết học đầu tiên của ông đã hoài nghi về tính chân lý của những giáo điều của nền triết học kinh viện.
Thứ hai, cái “tôi tư duy” của Descartes một khi bị tách khỏi thế giới cảm tính thì những tri thức của nó không tránh khỏi sẽ bị mất đi chỗ dựa ở kinh nghiệm để trở thành những quan niệm trống rỗng và không dung hợp được với hiện thực cảm tính sinh động. Khái niệm thực thể tư duy không đủ vững chắc để biện hộ cho tính khách quan của tri thức phi cảm tính. Do vậy, ông phải đặt hoạt động nhận thức của chủ thể nằm dưới sự đảm bảo của Thượng đế. Như vậy, cái “tôi tư duy” cuối cùng chỉ là cái bóng của một thực thể toàn năng.
Thứ ba, Descartes chịu sự ảnh hưởng quan niệm truyền thống, coi triết học là nền tảng của các khoa học tự nhiên và không tránh khỏi tính chất tư biện. Vì vậy, ở mức độ nhất định, triết học của Descartes đã xa rời với con đường mà các ngành khoa học tự nhiên cùng thời thời khẳng định. Triết học của ông đã tạo nên những giáo điều mới từ việc sùng bái một lý tính, có trước sự phát triển thực tế của các ngành khoa học.
Thứ tư, Descartes tuyệt đối hóa tính duy lý. Ông đưa ra những quan niệm trừu tượng, độc lập với cảm tính, như: tinh thần là một bản thể mà tất cả bản tính chỉ là suy tưởng, và vật thể là một bản thể mà tất cả bản tính chỉ là quảng tính. Cái “tôi tư duy” là chủ thể tuyệt đối của các phán đoán, những tri thức khách quan về đối tượng đều được rút ra từ cái “tôi tư duy”. Cái “tôi” của ông đã khép mình trong tư duy tách rời với thế giới bên ngoài. Như vậy, triết học duy lý của ông mang tính chất siêu hình, nhận thức đối tượng ở trạng thái cô lập, tĩnh tại, tách rời.
Thứ năm, Descartes tuyệt đối hóa vai trò của trực giác. Ông coi trực giác là sự tự ý thức chân lý đang hiện lên trong lý tính. Trực giác là thước đo để đánh giá mọi cái, là tiêu chuẩn của chân lý. Điều này không thể giúp con người tránh được chủ quan duy ý chí trong nhận thức. Bởi, không phải điều gì suy diễn hợp lôgíc thì đều là chân lý, vì chân lý còn mang tính lịch sử cụ thể. Như vậy, bản thân trực giác với khả năng trí tuệ cao của con người luôn bị hạn chế bởi năng lực của mỗi cá nhân và cả lịch sử của thời đại đó.
6. KẾT LUẬN
René Descartes đã đặt ra nhiệm vụ cho mọi khoa học là phục vụ con người, đồng thời làm tăng khả năng của con người trong quá trình chinh phục tự nhiên trở thành người làm chủ, thống trị tự nhiên. Ông đã dựa vào lý tính và khẳng định lý tính chính là sự thống nhất của loài người, và phương pháp luận chính là quá trình hoàn thiện, phát triển khả năng trí tuệ, góp phần thúc đẩy nhận thức khoa học ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiểu được vai trò đặc biệt quan trọng của trí tuệ con người trong giải quyết mọi vấn đề của thực tiễn. Tuy nhiên, triết học của ông tồn tại những hạn chế do cá nhân và thời đại quy định. Nhưng, cho đến nay, triết học của ông vẫn mang những giá trị mới, ý nghĩa mở đường cho một kỷ nguyên triết học mới. Chính sự hoài nghi đã giúp ông tạo ra một phương pháp để đi đến xem xét chân lý và khoa học. Như vậy, lý tính chính là điều kiện then chốt để đánh giá mọi tri thức, qua đó thể hiện khát vọng xây dựng một hệ thống triết học, khoa học thực sự trong thời kỳ mà sự ảnh hưởng của thế lực tôn giáo còn rất lớn. Phương pháp luận của Descartes đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của triết học, khoa học kỹ thuật đương thời và còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Nguyễn Hữu Vui (chủ biên). 1997. Lịch sử triết học.Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.
2. Trần Thái Đỉnh. 2005. Triết học Descartes. Hà Nội: Nxb. Văn học.
3. Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. 1998. Lịch sử phép biện chứng – Tập 2. Phép biện chứng thế kỷ XIV-XVIII. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.
Ngữ liệu
Từ các tác phẩm của Descartes do Trần Thái Đỉnh dịch và chú giải, như: Những suy niệm siêu hình học (1962); Phương pháp luận (1973), (2005); Những suy niệm siêu hình học (2005).