1. Đặt vấn đề
Từ góc nhìn của chủ nghĩa duy vật lịch sử, mọi tư tưởng đều là sản phẩm của điều kiện kinh tế – xã hội và quan hệ giai cấp cụ thể. Trong bối cảnh cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV, khi đất nước bị xâm lược, nhân dân rơi vào cảnh áp bức, Nguyễn Trãi – nhà tư tưởng lớn và đại diện tiêu biểu cho giai cấp phong kiến yêu nước đã đưa ra quan điểm, đường lối giải phóng dân tộc mang tính tất yếu lịch sử. Nguyễn Trãi chính là “nhà tư tưởng chính trị lớn, người đầu tiên nêu lên lý luận về kháng chiến toàn dân” [5, tr. 206]. Quan điểm “lấy dân làm gốc” xuyên suốt trong tư tưởng của ông thể hiện một bước phát triển vượt bậc, vượt qua giới hạn của lợi ích giai cấp để hướng tới lợi ích dân tộc. Đây không chỉ là di sản tư tưởng quý báu mà còn phản ánh tầm vóc chính trị và năng lực lý luận đặc biệt của một con người sống trong thời đại đầy biến động. Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đặt ra nhiều thách thức mới. Vì vậy, nghiên cứu tư tưởng giải phóng dân tộc của Nguyễn Trãi không chỉ góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận chính trị dân tộc, mà còn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Quan điểm, đường lối giải phóng dân tộc của Nguyễn Trãi
Quan điểm, đường lối giải phóng dân tộc của Nguyễn Trãi ra đời như một tất yếu khách quan, kết tinh trong quá trình kháng chiến chống quân Minh xâm lược, thể hiện ở các nội dung cơ bản là: khẳng định chủ quyền quốc gia – dân tộc, xác định mục đích, động lực và phương thức tiến hành đấu tranh.
Một là, khẳng định chủ quyền quốc gia – dân tộc
Với Nguyễn Trãi, việc khẳng định chủ quyền quốc gia – dân tộc giữ vai trò nền tảng trong toàn bộ quan điểm giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh Đại Việt cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV bị đặt dưới ách đô hộ của nhà Minh, khi kẻ thù sử dụng cả bạo lực quân sự và thủ đoạn tư tưởng để phủ nhận chủ quyền và bản sắc dân tộc Việt Nam, thì việc tái khẳng định độc lập, tự chủ trở thành một nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa mang tính triết lý sâu sắc. Đây là biểu hiện tiêu biểu cho quan niệm duy vật lịch sử về quốc gia – dân tộc, trong đó, chủ quyền không phải là khái niệm trừu tượng mà được cấu thành từ những yếu tố cụ thể: lãnh thổ, văn hóa, phong tục và lịch sử.
Về lãnh thổ, Nguyễn Trãi xác lập đó là không gian tồn tại vật chất và lịch sử, một thực thể địa lý độc lập với phương Bắc. Ông dứt khoát khẳng định: “Giao Chỉ không phải là đất Trung Quốc, rõ lắm rồi” [8, tr. 122], bác bỏ triệt để luận điểm thiên triều coi Đại Việt là thuộc quốc. Đây không chỉ là lập luận địa lý chính trị mà còn là sự khẳng định ý thức về chủ quyền như một giá trị có thực, hữu hình và không thể chối cãi.
Yếu tố văn hiến – nền tảng văn hóa đặc thù cũng được Nguyễn Trãi đề cao như một phần không thể tách rời của bản sắc dân tộc. Ông viết: “Nước An Nam tuy ngoài Ngũ Lĩnh mà có tiếng là nước thi thư, những bậc trí mưu tài giỏi đời nào cũng có” [8, tr. 318]. Trong bối cảnh giặc Minh chủ trương tiêu hủy sách vở, đồng hóa văn hóa Đại Việt, thì tư tưởng khẳng định văn hiến chính là lời tuyên ngôn về bản lĩnh tư tưởng và năng lực tự trị lâu dài của dân tộc.
Phong tục, tập quán được Nguyễn Trãi xem là biểu hiện sinh động của bản sắc văn hóa – xã hội, có vai trò duy trì tính ổn định và độc lập. Ông cảnh báo: “Không nên bắt chước tiếng nói, y phục của Ngô, Lào, Chiêm để làm loạn phong tục trong nước” [8, tr.242], cho thấy nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa đời sống văn hóa truyền thống và sự bền vững của chủ quyền quốc gia. Đây là biểu hiện của cái nhìn biện chứng, gắn bó giữa văn hóa, kinh tế và chính trị trong một chỉnh thể độc lập.
Lịch sử dân tộc, theo ông, là bằng chứng hùng hồn chống lại mọi luận điệu Đại Việt là “thuộc quốc” của nhà Minh. Việc liệt kê các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần không đơn thuần là lời tự hào dân tộc mà là sự khẳng định ý thức lịch sử liên tục: “Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương” [8, tr. 77]. Đó là quan điểm triết học về dân tộc như một chủ thể, dù trải qua biến cố vẫn giữ nguyên bản sắc và ý chí tự cường.
Từ đó, có thể thấy tư tưởng khẳng định chủ quyền quốc gia – dân tộc trong Nguyễn Trãi là sự kết tinh của nhận thức lịch sử “rõ ràng và tương đối hoàn chỉnh” [6, tr. 317]. Việc khẳng định chủ quyền không chỉ mang ý nghĩa chính trị – pháp lý mà còn là nền tảng lý luận để “chính nghĩa hóa” cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, biến tinh thần yêu nước thành sức mạnh đấu tranh thực tiễn, đặt nền móng cho học thuyết về độc lập dân tộc trong tư tưởng chính trị Việt Nam.
Hai là, mục đích cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là để cứu nước, cứu dân, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân
Trong tư tưởng chính trị của Nguyễn Trãi, mục tiêu cao nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không chỉ dừng lại ở việc đẩy lùi kẻ thù xâm lược, giành lại chủ quyền quốc gia, mà còn phải bảo vệ và phục hồi đời sống của nhân dân, mang lại tự do, no ấm và an cư lạc nghiệp. Đây là điểm khác biệt căn bản, sâu sắc và tiến bộ trong tư tưởng của ông so với nhiều nhà tư tưởng đương thời, “một hiện tượng đặc biệt trong thời điểm lúc bấy giờ” [4, tr. 134], thể hiện rõ một quan niệm nhân văn sâu sắc, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng con người.
Nguyễn Trãi xác định cuộc kháng chiến chống giặc Minh là một cuộc đấu tranh mang tính chính nghĩa, nhằm “trừ bạo”, “cứu dân”, vì mục tiêu cao cả là “an dân”, tức là xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định và hạnh phúc cho nhân dân. Quan điểm này được thể hiện nhất quán trong các trước tác của ông, tiêu biểu là trong “Bình Ngô đại cáo”, ông nhấn mạnh: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo” [8, tr. 77]. “Nhân nghĩa” ở đây không còn là một phạm trù luân lý trừu tượng trong khuôn khổ Nho giáo, mà được Nguyễn Trãi chuyển hóa thành nguyên tắc hành động chính trị, đặt nhân dân làm trung tâm. “Yên dân” trở thành tiêu chí hàng đầu để xác lập tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh và là mục tiêu tối hậu của quá trình giải phóng dân tộc.
Từ một góc nhìn duy vật lịch sử, có thể thấy rõ, tư tưởng “cứu dân” của Nguyễn Trãi xuất phát từ hiện thực lịch sử đau thương của nhân dân Đại Việt dưới ách đô hộ tàn bạo của nhà Minh. Những chính sách khai thác thuộc địa, cưỡng bức lao dịch, đồng hóa văn hóa, hủy diệt di sản dân tộc… đã đẩy nhân dân vào cảnh lầm than, mất phương hướng, bị tước đoạt không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần, bản sắc. Trước thực tế đó, lòng yêu nước của Nguyễn Trãi không thể tách rời lòng thương dân. Đó là một tình cảm sâu sắc, xuất phát từ sự thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc.
Khi khẳng định “cứu nước, cứu dân” là mục đích của cuộc kháng chiến, Nguyễn Trãi đồng thời nâng tư tưởng yêu nước lên thành một hệ giá trị mang tính triết lý. Yêu nước không chỉ là chống giặc, giữ nước mà còn là khôi phục đạo lý, tái lập trật tự xã hội trên nền tảng công bằng và nhân đạo. Như ông viết: “Dùng đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” [8, tr. 79]. Trong đó, “đại nghĩa” chính là tinh thần dân tộc và đạo lý vì dân; “chí nhân” là lòng nhân ái sâu sắc đối với quần chúng bị áp bức. Đây không chỉ là lời tuyên ngôn kháng chiến mà còn là một tuyên ngôn chính trị giàu tính nhân văn.
Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Trãi đã mở ra một mô hình lý tưởng về đấu tranh giải phóng dân tộc, gắn quyền lợi dân tộc với quyền lợi nhân dân; gắn chiến tranh chính nghĩa với mục tiêu nhân đạo. Qua đó, ông đã định hình một tư tưởng giải phóng dân tộc có nội hàm nhân văn và chiều sâu tư tưởng, để lại dấu ấn lớn trong tiến trình tư tưởng Việt Nam thời trung đại.
Ba là, động lực đấu tranh giải phóng dân tộc là sức mạnh to lớn của nhân dân
Tiếp nối quan điểm của các triều đại trước, như “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” của nhà Trần, Nguyễn Trãi đã phát triển tư tưởng “lấy dân làm gốc” trên cả bình diện đạo lý và thực tiễn chiến lược. Đối với ông, nhân dân không chỉ là đối tượng được bảo vệ mà còn là chủ thể tích cực của lịch sử. Sức mạnh của nhân dân chính là động lực nội sinh vững chắc, quyết định sự thành, bại của mọi cuộc khởi nghĩa, mọi chế độ chính trị. Ông từng viết: “Mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân” [8, tr. 203]. Tư tưởng này cho thấy nhận thức biện chứng của Nguyễn Trãi về vai trò hai mặt của nhân dân, họ là nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng một triều đại, nhưng cũng có thể trở thành lực lượng phán xét, lật đổ bất kỳ thế lực nào đi ngược lại lợi ích của họ.
Từ tư tưởng đó, Nguyễn Trãi đã cùng Lê Lợi quy tụ và tổ chức nhân dân tham gia vào cuộc kháng chiến với tinh thần tự giác và chủ động. Quần chúng không chỉ là lực lượng chiến đấu trực tiếp, mà còn là hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của, làm chỗ dựa cho nghĩa quân vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của một cuộc chiến kéo dài suốt mười năm. Ông viết: “Không đâu là không hưởng ứng góp sức nhau cùng tiến công đồn luỹ giặc, đốt phá doanh trại giặc” [8, tr. 323]; “Nhân dân bởi thế không ai là không mừng rỡ, đua nhau mang trâu rượu đón đường khao tặng để chi dụng vào việc quân” [8, tr. 334]. Đây là minh chứng khẳng định, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không chỉ là chiến thắng về mặt quân sự mà còn là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư duy biện chứng trong quan điểm của Nguyễn Trãi là ở chỗ ông không xem nhân dân như một công cụ để đạt mục tiêu chính trị mà xem nhân dân là chủ thể tối cao của mục tiêu ấy. Vì vậy, đấu tranh vì nhân dân cũng chính là đấu tranh vì chính nghĩa, vì sự tồn vong của quốc gia.
Như vậy, trong quan điểm, đường lối giải phóng dân tộc của Nguyễn Trãi, nhân dân là nguồn sức mạnh trung tâm, là động lực căn bản và quyết định cho mọi thắng lợi lịch sử. Bằng việc đề cao “lòng dân” và “thế trận nhân dân”, ông không chỉ vận dụng truyền thống dân tộc một cách xuất sắc mà còn đặt nền móng lý luận cho bảo vệ Tổ quốc mang bản sắc Đại Việt, coi trọng vai trò chủ thể của nhân dân trong giải phóng dân tộc.
Bốn là, phương thức đấu tranh giải phóng dân tộc là kết hợp quân sự và chính trị
Nguyễn Trãi xác định đấu tranh giải phóng dân tộc không đơn thuần là phát động chiến tranh vũ trang mà là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh quân sự và nghệ thuật chính trị. Đây là phương thức đấu tranh mang đậm tư duy biện chứng, linh hoạt, phản ánh bản lĩnh của một nhà tư tưởng nhân văn sâu sắc.
Nét đặc sắc trong tư duy ấy là sách lược “mưu phạt tâm công” – đánh vào lòng người trước khi đánh vào thành lũy. Nghĩa quân Lam Sơn chủ trương dùng địch vận, thư dụ hàng, tuyên truyền chính nghĩa và tìm kiếm giải pháp kết thúc chiến tranh ít đổ máu. Nguyễn Trãi từng viết: “Giá được ngài nhận lời, không những sinh linh nước tôi được khỏi lầm than, mà binh sĩ nước ngài cũng khỏi nỗi khổ gươm giáo vậy” [8, tr. 107]. Thay vì tận dụng chiến thắng để sỉ nhục đối phương, ông cùng triều đình Lê Sơ tạo điều kiện để quân Minh rút lui trong danh dự, góp phần khép lại hận thù: “Cầu đường sửa xong, thuyền xe sắm đủ, hai đường thủy lục, tùy theo ý muốn, đưa quân ra cõi, yên ổn muôn phần” [8, tr. 135].
Tư tưởng ấy thể hiện rõ tinh thần “hiếu sinh”, “khoan dung”, vượt lên trên đạo lý báo thù thông thường. Ông khẳng định: “Phục thù báo oán là thường tình, không giết người mới là bản tâm của bậc nhân” [8, tr. 169]. Tha thứ không phải yếu đuối mà là biểu hiện của sức mạnh nhân nghĩa và tầm nhìn chiến lược sâu sắc.
Từ đó cho thấy, Nguyễn Trãi luôn đặt lợi ích dân tộc, nhân dân lên hàng đầu, hướng đến giải pháp hòa bình, trí tuệ, dựa vào “thế trận lòng dân” và tinh thần chính nghĩa. Đây là tư duy vượt thời đại, mang giá trị phổ quát cho mọi cuộc đấu tranh vì độc lập, hòa bình và nhân đạo.
3. Ý nghĩa quan điểm, đường lối giải phóng dân tộc của Nguyễn Trãi trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay
Hiện nay, xu hướng hòa bình, hợp tác cùng phát triển là xu thế chủ đạo làm cho các quốc gia – dân tộc có quan hệ hợp tác ngày càng rộng rãi và chặt chẽ hơn. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, song cũng là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo trong đó có biển Đông diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải có sự phân tích và đánh giá một cách đúng đắn, trên cơ sở đó có chính sách phù hợp nhằm tranh thủ thời cơ, biến thách thức thành thời cơ để phát triển. Quan điểm, đường lối giải phóng dân tộc của Nguyễn Trãi có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Một là, tư tưởng của Nguyễn Trãi đã nhấn mạnh sâu sắc vai trò của chính nghĩa trong bảo vệ Tổ quốc, coi đây là trụ cột để xây dựng chiến lược quốc phòng bền vững
Một trong những luận điểm nổi bật và giàu sức sống trong Bình Ngô đại cáo là: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” [8, tr. 79], không chỉ phản ánh bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến mà còn thể hiện tư duy phòng vệ tiến bộ, dùng đạo lý và chính nghĩa làm vũ khí mạnh mẽ nhất để huy động lòng dân, đoàn kết nội bộ và tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài.
Tư tưởng này tiếp tục được Đảng ta kế thừa và thể chế hóa trong quan điểm quốc phòng toàn dân. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nêu rõ: “Kết hợp chặt chẽ giữa giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác” [8, tr. 157]. Điều này không chỉ thể hiện rõ chính sách quốc phòng “bốn không” [2] mà còn cho thấy Việt Nam hiện nay tiếp tục kiên định con đường hòa bình, nhân văn mà Nguyễn Trãi đã khai mở từ 600 năm trước. Nhìn vào một số khu vực xảy ra xung đột, chiến tranh trên thế giới như cuộc xung đột Nga – Ukraine, Israel – Lebanon, đảo chính ở Myanmar, Bangladesh… làm cho đất nước bị tàn phá, nhân dân rơi vào cảnh đói nghèo, mới thấy giá trị của hoà bình và độc lập. Nếu không có hoà bình, thì không thể phát triển kinh tế, xã hội, càng không thể bước vào kỷ nguyên mới. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện có hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc [1] “từ sớm, từ xa” trước dã tâm và âm mưu xâm lược, xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.
Trong thực tiễn, chính nghĩa là yếu tố giúp chúng ta tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Những nguyên tắc ứng xử của Nguyễn Trãi như tôn trọng chủ quyền, bảo vệ nhân dân cũng là giá trị cốt lõi của luật pháp quốc tế hiện đại. Bởi vậy, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, đặc biệt là trong tranh chấp biển Đông, Việt Nam luôn “kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế” [2, tr. 31], đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tư tưởng “chính nghĩa thắng hung tàn” không chỉ là lý luận mà còn là phương châm hành động cụ thể. Trong xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội và công an nhân dân Việt Nam luôn xác định rõ bản chất “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Trong chiến lược quốc phòng, Việt Nam chủ trương xây dựng lực lượng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” [3, tr. 156] nhưng đồng thời cũng đẩy mạnh “thế trận lòng dân” vững chắc, “xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có tinh thần yêu nước, thương dân, có tri thức, có ý thức và bản bản lĩnh chính trị vững vàng…” [2, tr. 38]. Như vậy, tư tưởng dùng chính nghĩa và lòng nhân để bảo vệ đất nước của Nguyễn Trãi đã trở thành một trong những trụ cột lý luận quan trọng của chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nó vừa khẳng định tính ưu việt của nền quốc phòng Việt Nam hiện đại vừa phản ánh sự tiếp nối và phát triển của tinh thần nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình vốn đã thấm sâu trong truyền thống dân tộc.
Hai là, tư tưởng của Nguyễn Trãi khẳng định quan điểm toàn diện, thể hiện rõ quan điểm lấy con người và giá trị văn hóa, chính trị làm trọng tâm bảo vệ Tổ quốc
Theo Nguyễn Trãi, bảo vệ đất nước không chỉ dừng lại ở biên giới lãnh thổ, mà còn bao trùm cả bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và hệ giá trị đạo lý. Đây chính là điều mà ngày nay chúng ta gọi là “an ninh phi truyền thống”, từ bảo vệ tư tưởng, văn hóa, truyền thông, cho đến an ninh mạng, an ninh sinh học và an ninh môi trường. Những tư tưởng này rất gần gũi với chủ trương của Đảng ta hiện nay với mục tiêu:“Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ gắn với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ văn hóa dân tộc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội” [3, tr. 156]. Đây là sự mở rộng khái niệm Tổ quốc theo đúng tinh thần toàn diện như Nguyễn Trãi đã đề cập từ đầu thế kỷ XV.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, các mối đe dọa đến chủ quyền quốc gia ngày càng tinh vi và phức tạp. Sự xâm lăng không còn chỉ diễn ra bằng quân sự, mà còn bằng “mềm” qua văn hóa, truyền thông, công nghệ, mạng xã hội hay các chính sách thao túng kinh tế, “văn hóa trở thành một trong những mặt trận chiến lược, nơi các quốc gia sử dụng quyền lực mềm để khẳng định vị thế và ảnh hưởng” [7, tr. 314]. Việc bảo vệ biên giới số, bảo vệ không gian mạng, ngăn chặn sự xuyên tạc, chống phá tư tưởng của các thế lực thù địch trở thành mặt trận không kém phần quan trọng so với bảo vệ biên cương lãnh thổ. Chính vì vậy, tư tưởng bảo vệ quốc gia toàn diện, bao gồm cả hệ giá trị và “lòng dân” của Nguyễn Trãi có giá trị lý luận và thực tiễn rất sâu sắc, là nền tảng tư tưởng vững chắc để “xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận ninh nhân dân” [2, tr. 31] trong thời đại mới.
Ba là, tư tưởng của Nguyễn Trãi đã khẳng định quan điểm “lấy dân làm gốc”, đề cao vai trò nhân dân là trung tâm, là cội nguồn sức mạnh của quốc gia – dân tộc
Tư tưởng “dân làm gốc” đã trở thành một nội dung xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp chính trị, quân sự của Nguyễn Trãi. Đây không chỉ là lời răn của một nhà chính trị mà còn là lời cảnh tỉnh về đạo lý và trách nhiệm với dân, từ đó khẳng định quan điểm: muốn bảo vệ đất nước, phải bắt đầu từ việc chăm lo đời sống nhân dân, củng cố lòng tin của dân với chính quyền và chế độ.
Tư tưởng này đặc biệt có giá trị trong bối cảnh Việt Nam hiện nay khi quốc phòng toàn dân đang trở thành chiến lược cốt lõi trong bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định:“Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân” [3, tr. 167]; “Phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi trọng việc xây dựng ‘thế trận lòng dân” vững chắc ngay trong thời bình” [3, tr. 169]. Việc xác lập nhân dân là trung tâm, là chủ thể và là động lực của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là sự tiếp nối trực tiếp từ tinh thần “dân là gốc” trong tư tưởng Nguyễn Trãi. Đây không chỉ là một định hướng lý luận mà còn được thể hiện trong nhiều chính sách thực tiễn: tăng cường dân chủ cơ sở, phát huy giám sát xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, từ đó tạo nên thế trận lòng dân vững chắc.
Bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới không thể chỉ dựa vào tiềm lực quân sự hay các lực lượng vũ trang, mà quan trọng hơn là tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân. Một đất nước có lòng dân yên ổn, đời sống người dân ấm no, niềm tin chính trị vững chắc thì đó chính là “phên giậu” chắc chắn nhất trước mọi nguy cơ xâm lược hoặc “diễn biến hòa bình”. Quan điểm “an dân”, đem lại hạnh phúc cho người dân cũng là trục xuyên suốt trong tư tưởng trị quốc của Nguyễn Trãi.Chính vì vậy, tư tưởng này tiếp tục soi sáng con đường phát triển quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, giúp định hình một thế trận vững chắc từ cơ sở, từ cộng đồng và từ mỗi người dân. Đây là điều kiện tiên quyết để giữ nước lâu dài, không chỉ bằng sức mạnh mà bằng niềm tin, đạo lý và đồng thuận xã hội.
4. Kết luận
Tư tưởng, đường lối giải phóng dân tộc của Nguyễn Trãi là một hệ thống lý luận toàn diện, kết hợp sâu sắc giữa tinh thần yêu nước và chủ nghĩa nhân văn. Qua việc khẳng định chủ quyền quốc gia, đặt nhân dân vào vị trí trung tâm và đề cao nguyên tắc chính nghĩa trong đấu tranh, Nguyễn Trãi không chỉ góp phần làm nên thắng lợi lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn mà còn để lại một di sản tư tưởng trường tồn. Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng ấy không chỉ dừng lại ở thời đại ông, mà tiếp tục soi sáng con đường bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hòa bình, phát triển và chủ quyền quốc gia đang đứng trước nhiều cơ hội đan xen thách thức như hiện nay.
Việc kế thừa và phát huy tinh thần “lấy dân làm gốc”, kết hợp giữa bảo vệ lãnh thổ và giữ gìn “thế trận lòng dân”, sử dụng chính nghĩa như một phương thức tranh thủ đồng thuận trong nước và quốc tế là những minh chứng sinh động cho tính thời sự và sức sống bền bỉ của tư tưởng Nguyễn Trãi. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ biên cương mà còn là bảo vệ giá trị, bản sắc, thể chế và lòng dân. Vì vậy, tiếp cận tư tưởng Nguyễn Trãi từ góc nhìn triết học duy vật lịch sử sẽ góp phần củng cố nền tảng tư tưởng vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hùng cường, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2023): Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày ngày 24/11/2023 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Hà Nội. https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/nghi-quyet-so-44nqtw-ngay-24112023-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-chien-luoc-bao-ve-194669-34180.html
2. Bộ Quốc phòng (2019): Quốc phòng Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Nguyễn Tài Đông (Chủ biên) (2016): Khái lược lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
5. Trần Văn Giàu (1980): Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Nguyễn Hùng Hậu (2017): Triết học Việt Nam, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
7. Trần Ngọc Thêm (2015): Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
8. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học (1976): Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.