QUAN ĐIỂM CỦA HỌC GIẢ PHƯƠNG TÂY VỀ TƯ TƯỞNG CỦA BHIMRAO RAMJI AMBEDKAR VÀ PHẬT GIÁO NAVAYANA

Bùi Huy Du

Trường Đại học Cửu Long

Bhimrao Ramji Ambedkar (1891 – 1956) là luật gia, nhà kinh tế, chính trị và cải cách xã hội; là người truyền cảm hứng cho phong trào Phật giáo Dalit và các cuộc vận động chống lại sự phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ; là Bộ trưởng Luật và Tư pháp Ấn Độ đầu tiên, là Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ.

Năm 1956, tiến sĩ luật học Bhimrao Ramji Ambedkar đã lãnh đạo hơn 600.000 Dalit(1) (Joshi, 1986) (trong một phong trào) và chuyển đổi hàng loạt sang Phật giáo, đây là cuộc chuyển đổi lớn nhất trong số các cuộc chuyển đổi của người Dalit từ đạo Hindu sang Phật giáo. Ngày nay, ước tính có khoảng từ ba triệu đến mười triệu Phật tử ở Ấn Độ, hầu hết trong số họ là Dalit. Do vậy trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều tài liệu, bài báo công trình nghiên cứu, các cuộc hội thảo về B.R. Ambedkar và Phật giáo của người Dalit từ nhiều góc độ văn hóa, triết học, tôn giáo với không ít những nhận định, đánh giá, luận giải khác nhau, thậm chí đối nghịch gây nhiều tranh cãi và sự nhầm lẫn. Bài viết này tường giải và làm rõ hơn các quan điểm của các học giả phương Tây về tư tưởng của B.R. Ambedkar và về Phật giáo của người Dalit, nhằm giới thiệu thêm cách tiếp cận, góc nhìn khác, giúp người đọc có nhận thức đa chiều hơn và góp phần hiểu hơn về một hiện tượng tôn giáo đang trỗi dậy ở phương Tây đương đại: Phật giáo phương Tây hiện đại (Modern Western Buddhism).

Nhiều công trình nghiên cứu những năm gần đây của các học giả, nhà tôn giáo học phương Tây là về tư tưởng Phật giáo của B.R. Amberkar và phong trào chuyển đổi sang Phật giáo của người Dalit do Ambedkar khởi xướng và lãnh đạo. Đó là công trình tiên phong của nhà sử học người Mỹ Eleanor Zelliot (1926 – 2016), các bài viết của nhà tôn giáo học Christopher Queen, Adele Fiske; Timothy Fizgerald; những nhà Phật học Johanez Viswanathan, Gopal Guru; Surendra Jondhale… trên các trang web, tạp chí, nhật báo, diễn đàn. Đặc biệt là các hội thảo, hội nghị quốc tế gần đây về tôn giáo Ấn Độ ở New Delhi do Hiệp hội Lịch sử Tôn giáo Quốc tế tổ chức, hội thảo về chủ đề “Dalits và Phật giáo” Phật giáo “Navayana”, “Phong trào Dalit”, “Ambedkar và phong trào chuyển đổi” sang Phật giáo” (theo Encyclopedia Britannica). Mặc dù, cho đến nay vẫn còn những đánh giá, nhận định khác nhau về quan điểm, xu hướng, giá trị tư tưởng của B.R. Ambedkar, về tính chất của Phật giáo Navayana, về thực chất chuyển đổi sang Phật giáo của cộng đồng Dalit Hindu giáo, điều này thể hiện rõ trong diễn đàn chính thức và không giới hạn của tổ chức Những Người bạn của Giáo hội Phật giáo phương Tây (FWBO), song vẫn có thể thấy được những nhận định tương đối thống nhất về tư tưởng Phật giáo của B.R. Ambedkar và Phật giáo Vanayana trong cộng đồng Dalit đương đại, chúng tôi cố gắng thông diễn lại những nhận định, quan điểm chung này.

TƯ TƯỞNG VÀ PHẬT GIÁO NAVAYANA CỦA B.R. AMBEDKAR

Phật giáo Navayana(2) là điểm tựa tinh thần, tư tưởng và là khát vọng, động lực, niềm tin của phong trào chuyển đổi sang Phật giáo từ cộng đồng người Dalit theo Hindu giáo. Làm rõ những quan điểm căn bản trong tư tưởng, quan điểm, giáo lý cốt lõi của Phật giáo Navayana sẽ làm sáng tỏ những câu hỏi về nguyên nhân, động lực, mục đích của một phong trào chuyển đổi xã hội lớn trong một quốc gia có hơn 94,3% dân số là tín đồ Hindu giáo(Religious Study Centre, 2012), về tư tưởng và những đóng góp của B.R. Ambedkar trong chuyển đổi xã hội ở Ấn Độ đương đại. Các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng, nghiên cứu về chuyển đổi tôn giáo của cộng đồng Dalit và Phật giáo Navayana, phải bắt đầu từ tất cả các bài viết của B.R. Ambedkar, và cuộc đời của ông trong sự phân tích, so sánh với những lời dạy của Đức Phật và những nguyên lý, giáo lý cốt lõi của Phật giáo nguyên thủy. Về thực tiễn, việc tìm hiểu phong trào chuyển đổi sang Phật giáo của người Dalit dưới sự khởi xướng và dẫn dắt của B.R. Ambedkar là minh chứng thuyết phục về diện mạo và tính hiện thực trực tiếp của Phật giáo Navayana, sau đó tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Dalit Phật giáo hiện tại để dẫn đến kết luận hợp lý về tính chất, đặc điểm, hình thái của Phật giáo Navayana và thực trạng đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ Phật giáo Navayana hiện nay(Ahir,1990: 110). Đây là ý tưởng nghiên cứu toàn diện, có tính hệ thống của triết học tôn giáo và tôn giáo học.

Từ nhiều công trình nghiên cứu cuộc đời và tư tưởng của B.R. Ambedkar có thể khái quát những điểm nhấn sau đây: ông là một luật gia, nhà kinh tế, chính trị gia và nhà cải cách xã hội người Ấn Độ, người truyền cảm hứng cho phong trào Phật giáo Dalit và các cuộc vận động chống lại sự phân biệt đẳng cấp truyền thống ở Ấn Độ, đặc biệt là đối xử của xã hội đối với những người thuộc đẳng cấp không được chạm tới (Untouchable). Ông cũng là Bộ trưởng Luật và Tư pháp đầu tiên, là kiến trúc sư của Hiến pháp Ấn Độ, chính thể Cộng hòa Ấn Độ(6) (Queen, 1996: 45). Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Ấn Độ, B.R. Ambedkar được Phật tử Navayana tôn vinh là Bồ tát Di Lặc(theo Joshi, 1986). Năm 1990, giải thưởng dân sự cao nhất của Ấn Độ là Bharat Ratna đã được trao cho B.R. Ambedkar với tư cách là một nhà cải cách chính trị – xã hội, có ảnh hưởng sâu sắc đến Ấn Độ hiện đại(theo Keer, 2006).

Năm 2012, B.R. Ambedkar đã được bình chọn là “Người Ấn Độ vĩ đại” (The Greatest Indian) theo một cuộc thăm dò do History TV18 và CNN IBN tổ chức. Sinh nhật B.R. Ambedkar được tổ chức như một ngày lễ chính thức trên khắp Ấn Độ và là lễ hội hàng năm của tín đồ Phật giáo Vanayana. Ông sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp Dalit ở miền Tây Ấn Độ và khi còn là một cậu bé, ông hay bị làm nhục bởi những người bạn học thuộc đẳng cấp cao hơn, đây là chi tiết các nhà nghiên cứu cho rằng có ảnh hưởng rất lớn đến ý chí, khát vọng chuyển đổi xã hội ở ông. Theo các nhà tôn giáo học phương Tây, B.R. Ambedkar học ngành luật ở châu Âu, ảnh hưởng văn hóa, triết học phương Tây nên thế giới quan, nhân sinh quan của ông theo chủ nghĩa duy vật và nhân sinh thực tiễn, điều này thể hiện rất rõ cách giải thích “vượt khung” của ông về những nguyên lý cơ bản của Phật giáo nguyên thủy.

Quan điểm, giáo lý của Phật giáo Navayana thể hiện tập trung ở tác phẩm: “Đức Phật và giáo pháp của Người (The Buddha and his Dhamma) của B.R. Ambadkar và về cơ bản tư tưởng của ông đều dựa trên những phạm trù, nguyên lý cốt lõi của Phật giáo nguyên thủy, đó là những tư tưởng nền tảng của Đức Phật như: tứ diệu đế, nghiệp, vô ngãgiới, định, tuệ, song cách giải thích các nguyên lý, phạm trù này của B.R. Ambedkar lại rất khác và lạ thường. Bằng phương pháp tôn giáo so sánh, các học giả phương Tây. Tập trung làm rõ những điểm khác biệt. Trong lời giới thiệu cuốn sách, B.R. Ambadkar đưa ra bốn giải thích khác biệt với truyền thống và lịch sử giáo lý Phât giáo nguyên thủy, mà ông lập luận rằng những diễn giải và hiểu biết trước đây về giáo lý Phật giáo đã chưa làm rõ hoặc đã giải thích sai lầm:

– Thứ nhất, theo học giả phương Tây, B.R. Ambedkar đã diễn giải khác biệt so với cách trình bày truyền thống về giáo lý của Đức Phật. Diễn giải khác biệt đầu tiên liên quan đến sự kiện Đức Phật từ bỏ cuộc sống thế tục; “Trong khi các văn bản truyền thống về tiểu sử của Đức Phật nhấn mạnh đến sự đồng cảm mà vị hoàng tử trẻ cảm thấy khi lần đầu tiên gặp phải nỗi đau khổ của con người, B.R. Ambedkar lại tập trung diễn giải sức mạnh lương tâm xã hội của Đức Phật trong cuộc xung đột về quyền lợi đối với nguồn nước. Theo B.R. Ambedkar, Đức Phật ủng hộ một giải pháp hợp lý và hòa bình cho cuộc xung đột nguồn nước giữa các bộ tộc nhưng ông đã không thành công vì không được đa số thành viên trong bộ tộc ủng hộ. Sau đó, ông phải sống lưu vong và trở thành một người theo chủ nghĩa ẩn dật, đó cũng là cách duy nhất để ngăn bộ tộc của ông gây chiến với các bộ tộc láng giềng” (theo Fiske & Emmrich, 2004: 52). Theo phân tích của Christopher Queen (1996: 125): “Ambedkar đã không đề cập gì đến tuổi già, bệnh tật và cái chết (những hình thức đau khổ của con người mà các văn bản truyền thống mô tả Đức Phật đã bắt gặp). Bằng cách diễn giải khác với truyền thống, sự xuất gia của Đức Phật được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những nguyên nhân chính trị cấp bách và thực tiễn hơn là khát vọng đi tìm chân lý tối hậu, và Đức Phật trở thành một nhân vật không khác gì một chính trị gia thiểu số ở Ấn Độ lúc đó. Những diễn giải khác biệt này, mặc dù không chính thống, nhưng đã tạo ra một nhận thức mới về Đức Phật đối với những người cùng khổ, bị áp bức, đặc biệt là cộng đồng Dalit và họ có thể dễ dàng hiểu được và tin tưởng”. Còn theo D.C. Ahir (1990: 114) dựa trên tác phẩm của B.R. Ambedkar đã phân tích: Ambedkar cho rằng, Đức Phật không thể có ý tưởng vĩ đại đầu tiên chỉ vì Ngài gặp một ông già, một người bệnh và một người sắp chết. Do đó, thật vô lý và sai lầm khi cho rằng Đức Phật chưa có kiến thức trước đó về một hiện thực đã quá phổ biến trong đời sống con người. Trong cuốn sách của mình, Ambedkar chứng minh rằng lòng nhân hậu, tình yêu con người và tư tưởng hòa bình của Đức Phật thời trẻ giúp ông trở thành một hiền triết, thể hiện rõ trong lời thoại với Gì mẫu, bạn bè, đặc biệt là cuộc tranh biện như một nhà triết học phản đối chủ trương chiến tranh giữa các dòng tộc chỉ vì nguồn nước”

Thứ hai, theo Surendra Jondhale và Johannes Beltz (2004: 82) trong Việc sử dụng kinh điển Phật giáo trong cuốn The Buddha and His Dhamma của B.R. Ambedkar đã nhận định: “… B.R. Ambedkar cho rằng, học thuyết “Tứ diệu đế” của Đức Phật đã bị các triết gia lang thang và đạo sĩ ẩn dật giải thích theo hướng buông bỏ trần thế, tách rời xã hội hiện thực và cách giải thích này đã làm triết lý của Đức Phật mang đậm màu sắc của chủ nghĩa bi quan. Ambedkar lập luận rằng, nếu cuộc sống hoàn toàn chỉ bao hàm sự đau khổ thì sẽ không có động lực nội tại để con người thay đổi cuộc sống của mình”.

B.R. Ambedkar giải thích Tứ Diệu Đế và mô tả về buổi thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật tại vườn Lộc Uyển trong cuốn sách của mình như sau:

“Trung tâm giáo pháp của ngài là con người và mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống ngay trên trái đất. Điều này [Đức Phật] đã nói là định đề đầu tiên của Ngài. Định đề thứ hai của Ngài là con người đang sống trong đau khổ, khốn khó và nghèo nàn. Thế giới đầy đau khổ và làm thế nào để loại bỏ đau khổ này khỏi thế giới là mục đích duy nhất của giáo pháp. Không có gì khác ở ngoài Dhamma. Việc thừa nhận sự tồn tại của đau khổ và chỉ ra con đường loại bỏ đau khổ là nền tảng và cơ sở của giáo pháp của Ngài… Một tôn giáo không nhận ra điều này thì không phải là tôn giáo nào cả… Đức Phật sau đó nói với họ rằng theo giáo pháp của Ngài nếu mỗi người đã theo (1) Con Đường Thanh Tịnh; (2) con đường Chính nghĩa; và (3) Con đường đức hạnh, nó sẽ mang lại sự chấm dứt mọi đau khổ.” (Ambedkar, 1958: 85)

Thứ ba, theo học giả phương Tây: “Trong cách giải thích của mình, B.R. Ambedkar thực hiện một số thay đổi rõ ràng đối với học thuyết Phật giáo sơ khai. Chân lý cao quý đầu tiên rằng cuộc sống là đau khổ trở thành “định đề thứ hai,” và đặc điểm quan trọng nhất (định đề thứ nhất) của Phật giáo thành mối quan tâm về các mối quan hệ của con người. Chân lý cao quý thứ hai, rằng đau khổ phát sinh từ tham ái tinh thần, cũng được B.R. Ambedkar diễn tả theo thuật ngữ xã hội là “đau khổ, khốn khó và nghèo đói”. Đến lượt mình, Ngài đề cập đến Chân lý cao quý thứ ba liên quan đến sự chấm dứt đau khổ là “sự loại bỏ đau khổ”. Phân tích chi tiết của Christopher Queen về cách trình bày Tứ Diệu Đế của B.R. Ambedkar cho thấy chúng đã được thay đổi để tạo ra một thông điệp về hoạt động xã hội và tinh thần khai phóng cộng đồng Dalit. Christopher Queen (1996: 133) lưu ý rằng khi những lời dạy của Đức Phật tiếp tục, nó trở nên rõ ràng rằng Con đường Thanh tịnh là Năm giới, Con đường Chính nghĩa là Bát chánh đạo, và Con đường Đức hạnh là Mười Ba la mật, hay sự hoàn hảo. Tuy nhiên, B.R. Ambedkar không trình bày bất kỳ khái niệm nào trong định dạng truyền thống của chúng. Ví dụ, theo B.R. Ambedkar, mục tiêu của Bát chánh đạo là “xóa bỏ sự bất công và vô nhân đạo mà con người gây ra cho con người” chứ không phải là niết bàn. Bản thân niết bàn sau đó được ông mô tả là: (a) một sự hiểu biết cơ bản “rằng có đau khổ trên thế giới, và (b) kiến thức chủ động về “làm thế nào để loại bỏ đau khổ này và làm cho con người hạnh phúc” (theo Hancock, 1987: 110).

Thứ tư, các học thuyết về vô ngã, nghiệp báo và luân hồi được B.R. Ambedkar cho là phi lý. Khi ông lập luận rằng: “Thật mâu thuẫn khi tin rằng có thể có nghiệp và sự tái sinh mà không có linh hồn” rõ ràng là B.R. Ambedkar giải thích một cách có ý thức để tái cấu trúc khái niệm, nguyên lý của Phật giáo nhằm để đáp ứng nhu cầu giải phóng của cộng đồng Dalit mà ông đại diện (theo & Beltz, 2004: 91).

Adele Fiske và Christoph Emmrichunder (2004: 103) đã phân tích chi tiết việc B.R. Ambedkar sử dụng các kinh điển Phật giáo truyền thống bằng tiếng Pali trong tác phẩm The Buddha and His Dhamma. Hai ông đã rút ra kết luận rằng, không phải là thiếu sót của B.R. Ambedkar, mà là ông có chủ ý đề thay đổi trọng tâm và thay đổi ý nghĩa thông qua phép nội suy hoặc diễn giải của B.R. Ambedkar.

Tóm lại có thể khái quát quan điểm của các học giả phương Tây về tư tưởng của B.R. Ambedkar và Phật giáo Navayana như sau:

Tư tưởng về Phật giáo của B.R. Ambedkar khởi nguồn từ khát vọng xóa bỏ đẳng cấp cho cộng đồng Dalit, và sự công bằng trong xã hội Ấn Độ đương thời. Thế giới quan và nhân sinh quan của ông chịu ảnh hưởng từ các hệ thống triết học phương Tây hiện đại(3). Sự diễn giải khác biệt với Phật giáo nguyên thủy là có mục đích rõ ràng, nhất quán: đấu tranh xóa bỏ thể chế đẳng cấp truyền thông ở Ấn Độ và tái cấu trúc đề hình thành dạng thức Phật giáo mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột. Do vậy Phật giáo Navayana là một biến thể Phật giáo thiên trọng xu hướng hành động và thực tế.

NHỮNG BÌNH LUẬN VÀ CHIA SẺ

Thứ nhất, một trong những mục đích lớn của B.R. Ambedkar trong quá trình hoạt động chính trị và xã hội là xóa bỏ chế độ đẳng cấp và giải phóng người Dalit khỏi thân phận thấp hèn nhất trong xã hội Ấn Độ. Do vậy, tâm thế và điểm xuất phát đầu tiên trong tư tưởng của ông là chống đẳng cấp Bà-la-môn và phản bác Hindu giáo. Suy ngẫm từ diễn giải học thuyết Tứ Diệu Đế của B.R. Ambedkar (1958: 38): “Không có gì khác ngoài Dhamma” và “một tôn giáo không nhận ra điều này thì không phải là tôn giáo nào cả” (Ambedkar, 1958: 38). Ambedkar (1958: 96) cũng nhắc lại câu nói nổi tiếng của Achhutanand, người lãnh đạo phong trào chuyển đổi sang Phật giáo thế kỷ XIX: “Người Bà La Môn” cũng xa lạ với Ấn Độ như người Anh vậy” để khẳng định về đời sống trần thế là duy nhất, tính tất yếu và hợp lý trong hành động xã hội của cộng đồng Dalit. Về khái niệm Nghiệp, Luân hồi, B.R. Ambedkar chứng minh rằng không có sự kế thừa các đặc điểm từ kiếp này sang kiếp khác, nhằm phản bác trực tiếp các quan điểm truyền thống về đẳng cấp siêu việt của người Bà-la-môn. Sự phản bác này phủ nhận quan điểm cho rằng những bất công xã hội hiện tại là kết quả của những hành vi sai trái trong quá khứ và ông đảm bảo với những người Dalit cải đạo rằng, nghiệp mới của họ không chứa đựng hệ thống đẳng cấp được quy định bởi tôn giáo. Ông cũng giải thích rằng nghiệp chỉ tác động trong một đời người và không thể ảnh hưởng đến các kiếp sau (B. R. Ambedkar. 1958: 102). Việc nhấn mạnh vào nghiệp chướng chỉ có ở thế gian này bổ sung thêm ý nghĩa mới cho những thay đổi xã hội, vì theo B.R. Ambedkar, mỗi cuộc đời hiện tại là một cơ hội duy nhất và không thể lặp lại để thay đổi và phát triển. Trong khi các quan niệm truyền thống về nghiệp và tái sinh trong tôn giáo ở Ấn Độ khiến những thay đổi vật chất không có ý nghĩa gì trên quy mô vũ trụ, đồng thời cách diễn giải lại của B.R. Ambedkar ngụ ý rằng những thay đổi hiện thực vật chất như vậy có tầm quan trọng tối thượng. Bằng cách này, các dân tộc bị áp bức hiểu được giá trị xã hội của họ và khẳng định một lần nữa về tầm quan trọng của đấu tranh chính trị hoặc cải tạo xã hội.

Thứ hai, B.R. Ambedkar nhấn mạnh rằng sự phân biệt đẳng cấp là do tầng lớp Bà-la-môn sắp đặt chứ không có đấng tối cao nào cả. Ông cũng cho rằng, cách trình bày truyền thống về nguyên nhân của đau khổ là do mê lầm và sự ham muốn của mỗi cá nhân, sẽ đẩy Phật giáo xa lánh với những người bị áp bức về mặt xã hội và chính trị (Ambedkar, 1958: 67). Do đó, đau khổ được ông mô tả là nhất thời, các thuật ngữ như “buồn phiền”, “đau khổ” và “nghèo đói” có nguyên nhân từ những điều kiện xã hội là chủ yếu và có thể được khắc phục trong đời sống hiện thực. Ông kết luận là cách giải thích truyền thông về sân, si, tham ái đã bị những người có quyền lực thao túng nhằm duy trì địa vị và lợi ích của dẳng cấp thống trị. Ông kêu gọi người Dalit chuyển đổi sang Phật giáo vì những mục đích, ý nghĩa xã hội đó và cũng là cách thay đổi thực tế, địa vị thấp kém của họ – những người khát khao đổi đời, từ bỏ Hindu giáo đến với niềm tin Phật giáo và được bình đẳng trong quan hệ xã hội.

Thứ ba, bằng cách giải thích Tứ diệu đế, Bát chánh đạo và Thập thiện trong bối cảnh xã hội đương đại, B.R. Ambedkar đưa ra sự biện minh tôn giáo cho các phong trào chính trị – xã hội của người Dalit. Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, định nghĩa của ông về “Niết bàn trần gian” không chỉ dễ hiểu, cảm nhận về nhận thức và tâm lý của người chuyển đổi sang Phật giáo, mà còn có được niềm tin rằng họ có thể đạt tới niết bàn trong vòng một đời người.

Sự giải thích lại của B.R. Ambedkar về vai trò của tín đồ Phật giáo minh họa rằng Phật giáo có lập trường tự giác và chủ động đối với sự thay đổi căn bản. Các Tăng sư, Phật tử không nên chỉ hài lòng với việc tu trì, hành thiện, mà còn phải là những người tham gia tích cực và là người tạo ra lịch sử. B.R. Ambedkar viết rằng (1958: 114, 115): “Tín đồ Phật tử có sứ mệnh đặc biệt là phải “chiến đấu để truyền bá, bảo vệ Dhamma”. “Hỡi các đệ tử, chúng ta tiến hành đấu tranh, vì vậy chúng ta được gọi là những chiến binh”… “Khi đức hạnh gặp nguy hiểm, đừng tránh chiến đấu, tránh nhiều lời mà phải hành động”. Tăng sư, Phật tử không phải là những nhà khổ hạnh, ẩn dật, những người tập trung vào việc đạt được trạng thái của thế giới bên kia. Thay vào đó, họ phải hành động tạo thành động lực cho một cuộc cách mạng trong tâm trí, cơ thể và xã hội.

Thứ tư, về đời sống của tín đồ Phật giáo Vanayana hiện nay. Sinh thời, B.R. Ambedkar muốn xây dựng một mô hình “Phật giáo mới” cho Phật tử Ấn Độ, trong đó mọi người đều bình đẳng tu tập và hoằng pháp mà không phân biệt xuất gia hay tại gia. Bởi vì “Tăng đoàn mở rộng cho tất cả những ai quy kính hoàn toàn vào Phật-Pháp-Tăng, mà không phân biệt là xuất gia hay tại gia”, B.R. Ambedkar chủ trương kết hợp tu tập theo Chánh pháp và hoạt động xã hội.  Nhà sư Sangharakshita, người kế thừa và phát triển Phật giáo Navayana đã thành lập Hội Những người bạn của Phật tử phương Tây (Friends of the Western Buddhist Order (FWBO) ở Luân Đôn vào năm 1967. Sau đó ông đã khuyến khích đệ tử của mình là Dhammachari Lokamitra đến Ấn Độ để thành lập Hội Tăng – già Phật giáo Tam giới (Trailokya Bauddha MahaSangha Sahayaka Gana – TBMSG) vào năm 1977, nhằm: “Để đáp ứng những nhu cầu về tinh thần và xã hội cho các Phật tử Dalit ở Ấn Độ”. Hội cũng liên kết với các tổ chức xã hội khác nhằm mục đích phát triển Phật giáo Navayana ở Ấn Độ (hay còn gọi là Phật giáo Ambedkar), Hiệp hội TBMSG không phải là một tổ chức tự viện hay Tăng đoàn Tỳ-kheo, song nó hoạt động như một Tăng đoàn thực thụ10 (https: //www.clearviewproject.org/tag/trailokya-bauddha-mahasangha-sahayaka-gana-tbmsg/). Tất cả ba nhân vật chính của TBMSG (Ambedkar, Sangharakshita và Lokamitra) mặc dù chưa bao giờ đề xuất ý tưởng hủy bỏ Phật giáo tự viện, nhưng cũng không ủng hộ chủ nghĩa tu viện. Dhammachari Lokamitra, mặc dù là tu sĩ nhưng ông không đắp y để tiện việc phục vụ xã hội. Vì vậy, các thành viên của hội, có thể kết hôn hoặc độc thân, thực hành chánh pháp đúng quy định và đóng góp cho sự phát triển của Hội phù hợp với hoàn cảnh của họ. Các hoạt động chủ yếu của TBMSG tập trung vào ba lĩnh vực, bao gồm cung cấp các khóa học và bài giảng, tổ chức các khóa tu định kỳ, và tạo ra các cộng đồng dân cư tu học theo Phật pháp. Lĩnh vực đầu tiên, TBMSG tổ chức các khóa học và các bài giảng tại các trung tâm công cộng khác nhau để hướng dẫn giáo pháp cho các thành viên. Mục đích là hướng dẫn những người mới quy y Tam bảo có thể trở thành một Phật tử đúng nghĩa, chứ không chỉ đơn giản là hình thức. Phật tử mới phải hiểu Phật pháp, tuân giữ các giới luật, cũng như thực hành thiền thường xuyên. Các diễn giả của các khóa học và bài giảng cũng áp dụng các lời dạy của Đức Phật, B.R. Ambedkar và Sangharakshita vào cuộc sống hàng ngày để giải quyết các vấn đề cụ thể của các thành viên như bạo lực gia đình, lạm dụng rượu, nghèo đói, giáo dục, việc làm. Lĩnh vực thứ hai, các thành viên của TBMSG tiếp tục truyền thống hành thiền nhằm trải nghiệm tâm linh thâm sâu hơn. Những Phật tử mới được giới thiệu các kỹ thuật thiền truyền thống của Phật giáo như tập trung hơi thở và tu tập tâm từ. Lĩnh vực thứ ba liên quan đến không – thời gian cho các thành viên của Hội đến với nhau, cùng thực hiện lý tưởng cuộc sống theo chánh pháp và chia sẻ những trải nghiệm cá nhân về pháp học để phát triển tình huynh đệ thiêng liêng. Đây thực sự là mô hình của một tăng đoàn, nơi các cộng đồng khác nhau cùng chung sống trong sự hòa hợp. Nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của ba lĩnh vực này, TBMSG đã thành lập các trung tâm an cư và các cơ sở công cộng như Trung tâm An cư Saddhamma Pradeep tại Bhaja, thành phố Pune và Trung tâm An cư Huyền Trang ở Bordharan, quận Wardha. Các thành viên của TBMSG tập trung về các cơ sở tôn giáo gần nơi họ ở hàng tuần hoặc hàng ngày để ăn uống, thiền định, học tập và chia sẻ với người khác kinh nghiệm về thực hành pháp. Nó không chỉ làm phong phú cuộc sống của các thành viên mà còn có ảnh hưởng tích cực đến xã hội, để chuyển hóa xã hội. Khi Ambedkar còn sống, ông đã nhấn mạnh rằng, sự giải phóng con người bao gồm hai khía cạnh, là vật chất và tâm linh. Mà người ta chỉ có thể đạt được sự giải phóng tâm linh khi nhu cầu vật chất ổn định. Có thực mới vực được đạo. Để triển khai chủ trương đó của Ambedkar cũng như theo lời dạy của Đức Phật, “làm việc vì lợi ích cho nhiều người”, TBMSG thành lập Tổ chức từ thiện Bahujan Hitay. Kế hoạch của Bahujan Hitay là phát triển các trung tâm cộng đồng, các đội y tế toàn thời gian, ký túc xá, và các trường học địa phương với mục đích chính là để phục vụ rộng rãi cho những người nghèo của tầng lớp thấp của tất cả các tôn giáo. Đến năm 1992, Bahujan Hitay đã thành lập bốn mươi hai trường mẫu giáo với 1.200 trẻ em, 15 ký túc xá với 600 học sinh tiểu học và trung học. Các chương trình khác như các lớp học di động phục vụ 280 học sinh, lớp học nữ phục vụ 190 học viên, lớp dạy nghề phục vụ 125 sinh viên, chương trình chăm sóc sức khỏe phục vụ 7.000 cư dân nghèo tại các phòng khám tập trung và di động. Các công trình thư viện và chương trình văn hóa cũng được khai triển ở nhiều địa phương(Britannica.com/biography/Bhimrao-Ramji-Ambedkar)

Thứ năm, sau khi trở thành Phật tử, cuộc sống của những người Dalit đã thay đổi tích cực. B.R Ambedkar đã nỗ lực đem lại cho cộng đồng Dalit những lợi ích thiết thực, họ đã được sử dụng nguồn nước công cộng, được làm lễ trong một số đền thờ được xóa bỏ địa vị xã hội trong Hiến pháp Ấn Độ (Britannica.com/biography/Bhimrao-Ramji-Ambedkar). Song, cống hiến quan trọng nhất của ông đối với cộng đồng Dalit là ở phương diện tinh thần khi ông dẫn dắt họ đến với đạo Phật. Ông nói rằng cuộc đấu tranh của ông và những người cùng đinh không phải chỉ vì kinh tế, mà còn vì danh dự, vì sự tự tôn trọng phẩm giá con người. Phật tử Dalit đã có một sự thay đổi tích cực. Họ có ý thức về tầm quan trọng của giáo dục. Do đó, thay vì lãng phí thời gian và tiền bạc cho việc cầu khẩn và tế lễ thần linh, họ đầu tư vào việc học hành cho con cái. Kết quả là đời sống kinh tế của họ đã được cải thiện hơn. 

Phật giáo đem đến cho họ là niềm tin vào bản thân. Họ không còn tự ti như trước đây nữa. Họ tin rằng giá trị của con người không phải do giai cấp quy định mà phụ thuộc khả năng của chính mình. Vì vậy, họ cố gắng để học tập và nâng cao năng lực bản thân. Những người Phật tử mới không còn tin vào bất kỳ lực lượng siêu nhiên nào nữa, mà hành động theo luật nhân quả và khoa học Họ nói rằng việc đến với đạo Phật là một thay đổi vĩ đại. Trước đây họ không dám nhìn lên, không dám nói vì sợ giai cấp trên, nhưng sau khi quy y Tam bảo, họ có thể ngẩng cao đầu mà đi, vì họ không tin vào giai cấp nữa. Họ không còn làm những nghề hạ tiện và dơ bẩn để phục vụ giai cấp trên nữa. Họ trở thành tài xế taxi, viên chức nhà nước (Thích Trung Hữu, 2020).

Hiện nay, tỷ lệ biết chữ của Phật tử Dalit đang dần được cải thiện, từ 18,3% năm 1951 đến 56,2% năm 2001. Báo Hindustan Times cuối năm 2016 có đăng bài báo về một Phật tử Dalit. Ông chỉ mới học lớp 7 và làm tạp vụ cho một ngôi trường, song ông lại là cha của năm người con, ba gái và hai trai, đều là tiến sĩ, và đều thành đạt. Một người là viên chức chính phủ, ba người là giáo sư và một người làm việc ở nước ngoài (dẫn theo Thích Trung Hữu, 2020). Tóm lại, Phật giáo Navayana có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống kinh tế và tâm lý của Phật tử Dalit và đó cũng là nguyên nhân, mục đích của những tường giải khác biệt và thay đổi tính chất và xu hướng của Phật giáo Navayan do B.R. Ambedkar khởi xướng, sáng lập.

KẾT LUẬN

Các học giả phương Tây khi phân tích, diễn giải tư tưởng của B.R. Ambedkar và Phật giáo Navayana mới chỉ tập trung và nhấn mạnh vào cách giải thích khác biệt và những điểm mới trong quan điểm về Phật giáo của ông, mà chưa làm rõ được bối cảnh chính trị – xã hội Ấn Độ lúc đó và thực trạng đời sống của cộng đồng Dalit và khát vọng đổi đời của họ, đồng thời học cũng chưa làm rõ vai trò Phật giáo Navayana đối với sự thay đổi tích cực trong đời sống văn hóa, xã hội và tôn giáo của cộng đồng Dalit. Chúng tôi cho rằng, Phật giáo Navayana là một tất yếu trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, nó là sự đồng hành cùng với sự chuyển đổi xã hội của một quốc gia Ấn Độ độc lập và tự chủ.

Trong các giải thích khác biệt của B.R. Ambedkar không phải là đối lập, bác bỏ nguyên lý, quan điểm nền tảng của Đức Phật, mà chỉ là bảo tồn, bổ sung, làm phong phú thêm các giá trị cốt lõi của Phật giáo trong điều kiện xã hội của Ấn Độ hiện đại. Từ tôn giáo học so sánh, có thể thấy Phật giáo Navayana xuất hiện cùng thời với hệ khái Phật giáo Khất sĩ ở Việt Nam, hệ phái Phật giáo nhân gian ở Trung Quốc, Đài Loan, các hệ phái Tinh độ cư sĩ ở Nhật Bản… các hệ phái này đều xuất hiện trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XX, mà một số nhà nghiên cứu gọi là thời trục chấn hưng Phật giáo, thời kỳ Phật giáo hồi sinh, trỗi dậy và làm mới mạnh mẽ.

Có một số nhà nghiên cứu phương Tây về B.R. Ambedkar có quan điểm rằng, tư tưởng Phật giáo Navayana của Ambedkar đã chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa duy vật biện chứng và nguyên lý giai cấp, đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác(Thích Trung Hữu, 2020). Tác giả cho rằng ít có cơ sở đề minh chứng cho nhận định này, vì trong cuộc đời hoạt động cũng như trong các tác phẩm, bài báo, diễn văn phát biểu của B. R. Ambedkar. Vấn đề này cần được ngiên cứu đầy đủ, và tỷ mỉ hơn trong một công trình nghiên cứu nghiêm túc, chuyên khảo hơn.

Cuối cùng, xin lưu ý rằng B.R. Ambedkar không phê phán quan điểm, nguyên lý của Đức Phật, mà chỉ phản bác và giải thích lại các quan điểm, nguyên lý trong văn bản ghi chép lại lời giảng của Đức Phật từ các đệ tử của Ngài sau này. q

CHÚ THÍCH

(1) Dalit là cộng đồng tiện dân, đẳng cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ (thường gọi là những người không thể chạm tới (Joshi, 1986: 34).

(2) Phật giáo Navayana còn được gọi là Phật giáo của B.R. Ambedkar hay Phật giáo Dalit.

(3) Có học giả phương Tây còn nhấn mạnh rằng Ambedkar chịu ảnh hưởng lớn từ chủ nghĩa Mác – Lênin (TG).

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Ahir, D.C. 1990. Buddhism and Ambedkar. Dalit Sahitya Prakashan Press.

2. Ambedkar, Bhimrao Ramji. 1957. The Buddha and his Dhamma. People’s Education Society.

3. Ambedkar, Bhimrao Ramji. 2006. “Biography, Books & Facts. Encyclopedia Britannica”. https://vi.wikipedia.org/wiki/Encyclop%C3%A6dia_Britannica, truy cập ngày 14/5/2024.

4. Britannica.com/biography/Bhimrao-Ramji-Ambedkar, truy cập ngày 14/5/2024.

5. Fiske, Adele and Emmrich Christoph. 2004. “The Canonical Use in The Buddha and His Dhamma of B.R Ambedkar”, in Surendra Jondhale & Johannes Beltz (eds), Reconstructing the World: B.R. Ambedkar and Buddhism in India. Oxford University.

6. Hancock, Virginia. 1987. Navayana Buddhism of Ambedkar and His Followers. The University of Arizona Press.

7. https: //www.clearviewproject.org/tag/trailokya-bauddha-mahasangha-sahayaka-gana-tbmsg/, truy cập ngày 21/5/2024.

8. Jondhale, Surendra and Johannes Beltz. 2004. Reconstructing the World: B.R. Ambedkar and Buddhism in India. University Oxford Press.

9. Joshi, Barbara R. 1986. Untouchable!: Voices of the Dalit Liberation Movemen. Princeton. NJ: Princeton University Press, pp. 30-38

10. Keer, D. 2006. “Bhimrao Ramji Ambedkar: Biography, Books, & Facts. Encyclopedia Britannica”. https://vi.wikipedia.org/wiki/Encyclop%C3%A6dia_Britannica, truy cập ngày 26/5/2024.

11. Queen, Christopher. 1996. “Dr. Ambedkar and the Hermeneutics of Buddhist Liberation”, In Christopher S. Queen and Sallie B. Engaged Buddhism: Buddhist Liberation Movements in Asia. State University of New York Press, p. 45 – for a Useful Analysis of Ambedkar as a Modern or Postmodern Man.

12. Religious Study Centre. 2012. The Global Religious Landscpe. Pew Research Center’s Forum on Religion & Public Life.

13. Thích Trung Hữu. 2020. “Vài nét về Phật giáo Ấn Độ sau chấn hưng”. https: //giacngo.vn/vai-net-ve-phat-giao-an-do-sau-khi-phuc-hung-post50890.html, truy cập ngày 14/5/2024.

Bài liên quan

Bài đăng mới