1. Đặt vấn đề
Là một tỉnh biên giới nằm phía Đông Bắc của Tổ quốc, được ví như “phiên dậu” của đất nước với đường biên giới giáp Trung Quốc dài 118,82 km; được thiên nhiên ưu đãi, Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, văn hóa, thương mại, nhất là các hoạt động hợp tác du lịch với nước bạn. Xác định được lợi thế này, Quyết định 2256/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định “Phát triển sản phẩm du lịch biên giới gắn chặt với việc tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia tại các điểm/cột mốc biên giới” [7].
Tăng cường phát triển du lịch biên giới nhằm từng bước thiết lập chặt chẽ hợp tác giữa các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc). Nhanh chóng đưa hợp tác “Hai hành lang một vành đai” đã kí kết tháng 11 năm 2006 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phát huy vai trò trong thúc đẩy kinh tế hai quốc gia và các địa phương vùng biên hiện nay.
2. Thực trạng du lịch vùng biên Việt Nam – Trung Quốc ở Quảng Ninh trong xu thế hiện đại hóa và những vấn đề đặt ra
2.1. Một vài nét về các địa phương vùng biên của Quảng Ninh
Trung Quốc là một trong ba nước láng giềng giáp biên giới với Việt Nam, với diện tích khoảng 9.630.960 km2, dân số là 1,4 tỷ người chiếm 18,47% tổng dân số thế giới, nền kinh tế đứng thứ 2 toàn cầu. Đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc dài hơn 1.400km, tiếp giáp với 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Trung Quốc cũng là một trong ba thị trường truyền thống có sức hấp dẫn lớn với ngành du lịch của nước ta trong đó có tỉnh Quảng Ninh.
Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà là 3 địa phương của tỉnh Quảng Ninh có đường biên giáp với Trung Quốc. Móng Cái có đường biên giới trên biển và đất liền dài hơn 70 km2, là vùng đất có diện tích tự nhiên là khoảng 516,55 km2, chiếm 8,49% diện tích của tỉnh Quảng Ninh. Thành phố Móng Cái có khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, được quy hoạch là khu kinh tế trọng điểm quốc gia, trung tâm kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái; ngoài ra cửa biển Trà Cổ – nơi địa đầu của Tổ quốc với bãi biển dài, bằng phẳng phù hợp phát triển du lịch địa phương. Với tiềm năng, thế mạnh đó, thành phố Móng Cái được đánh giá là địa phương có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị, du lịch, chiến lược và đối ngoại đặc biệt quan trọng [2].
Cách cửa khẩu quốc tế Móng Cái 40km, huyện Hải Hà có đường biên giới dài 17,2 km, cửakhẩu Bắc Phong Sinh thông thương với khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Hải Hà có tài nguyên thiên nhiên phong phú, hội tụ từ địa hình gồm đồng bằng, miền núi và hải đảo, là địa phương có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế và quốc phòng – an ninh của tỉnh. Đảo Cái Chiên và đồi chè Đường Hoa là hai điểm du lịch thu hút nhiều khách du lịch của địa phương. Đảo Cái Chiên – một xã đảo của huyện- nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, yên bình, với những cánh rừng nguyên sinh, bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh [3].
Khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, được ví như một “Sa Pa thu nhỏ” với những cảnh đẹp hoang sơ. Huyện Bình Liêu có đường biên giới dài 43km tiếp giáp khu Phòng Thành (Quảng Tây) Trung Quốc. Bình Liêu hội tụ nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng Cọ giao duyên, ngày “kiêng gió”, điểm du lịch nổi tiếng: “sống lưng khủng long” [4].
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên sẵn có, được sự quan tâm đầu tư về hạ tầng cơ sở của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng các cửa khẩu đủ tiêu chuẩn quốc tế, lượng khách du lịch qua biên giới các huyện miền núi của Quảng Ninh ngày một tăng, đây vừa là cơ hội phát triển kinh tế, cơ hội giao lưu văn hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc.
2.2. Đánh giá thực trạng du lịch vùng biên Việt Nam – Trung Quốc ở Quảng Ninh trong xu thế hiện đại hóa
Những năm qua, thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Bình Liêu đã đón lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến từ các tỉnh thành trong cả nước và lượng khách quốc tế từ Trung Quốc sang. Ngoài thăm quan danh lam thắng cảnh, văn hóa, trải nghiệm các dịch vụ, vui chơi và nghỉ dưỡng tại Trà Cổ, Cái Chiên, mùa vàng Bình Liêu…; các du khách còn có mục đích là mua hàng hóa từ cửa khẩu đầu mối Móng Cái và các chợ vùng biên giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Sự hợp tác quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng chặt chẽ thông qua các xúc tiến thương mại và du lịch biên giới như Hội chợ Thương mại – Du lịch quốc tế Việt – Trung được tổ chức luân phiên tại thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) và thành phố Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam). Với lượng khách đến thăm quan và hoạt động thương mại ngày càng nhiều, Móng Cái – Hải Hà – Bình Liêu (Quảng Ninh) – Đông Hưng (Trung Quốc) đã trở thành tuyến du lịch biên giới đặc sắc có tầm cỡ quốc tế. Trong các nước khối ASEAN, Việt Nam là điểm đến thứ 2 của khách du lịch Trung Quốc (sau Thái Lan).
Theo số liệu thống kê từ Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ năm 2010 – 2017, số khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch tăng từ 1 triệu đến 2,68 triệu lượt, tăng 1,7 lần, trung bình tăng 20%. Trong thời gian này, du khách Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng nhanh chóng, từ 150 nghìn lượt lên 300 nghìn lượt, tăng trung bình hàng năm 15%. Theo Chi cục Hải quan Móng Cái, năm 2024, số lượt du khách Trung Quốc vào cửa khẩu tăng nhanh chóng, trung bình mỗi ngày có từ 2,5 đến 3 vạn du khách làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái [5]. Việc cấp giấy thông hành cho du khách Trung Quốc vào thăm quan các địa phương biên giới của Quảng Ninh, đặc biệt với sản phẩm du lịch hoạt động xe du lịch tự lái trên các tuyến du lịch “2 quốc gia – 4 điểm đến” Hạ Long – Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng – Quế Lâm (Trung Quốc) đạt nhiều kết quả tích cực.
Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu) và Bắc Phong Sinh (Hải Hà) đặc thù đây là chủ yếu hàng tạm nhập, tái xuất và nông sản của Việt Nam với Trung Quốc, số lượng khách du lịch qua các cửa khẩu này còn hạn chế.
2.3. Những vấn đề đặt ra của du lịch vùng biên Việt Nam – Trung Quốc ở Quảng Ninh trong xu thế hiện đại hóa
Thứ nhất, việc xây dựng cơ chế hợp tác du lịch biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc còn chậm. Triển khai hợp tác du lịch giữa hai nước chủ yếu mang tính tận dụng những thứ sẵn có, chưa có sự phát triển về chất. Cơ chế thông quan, xin hộ chiếu, giấy thông hành còn nhiều thủ tục phức tạp, gây khó khăn cho khách du lịch. Các chính sách đón khách quốc tế chưa thật sự thuận tiện và thông thoáng. Theo hầu hết CEO 40 công ty lữ hành chuyên khách inbound có mặt trong chuyến khảo sát Bình Liêu từ ngày 12-14/10/2024 đều khẳng định: việc xin giấy thông hành đều phải qua công an tỉnh (đặt tại thành phố Hạ Long) rồi mới đi thăm quan các địa phương vùng biên khác trong tỉnh. Mặt dù, tỉnh Quảng Ninh đã rút ngắn thời gian thông quan từ ba ngày xuống một ngày nhưng vẫn khó thu hút khách đến du lịch tại các địa phương vùng biên của tỉnh [1].
Mặt khác, hệ thống hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách, thường quá tài vào dịp lễ hội, dịp cao điểm.
Hai là, môi trường du lịch biên giới chưa thật sự an toàn, hiện tượng tăng giá hàng hóa với du khách du lịch; bán hàng rong chèo kéo khách xuất hiện nhiều tại các cửa khẩu và điểm du lịch; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề đáng nhức nhối. Các sản phẩm du lịch biên giới chưa thật sự đặc sắc. Số lượng hướng dẫn viên du lịch vừa có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ Anh – Trung thuần thục, vừa hiểu phong tục, tập quán vùng miền giữa các địa phương giáp biên giữa Việt – Trung còn thiếu. Các tour, tuyến du lịch thường theo lối mòn, đơn điệu, các loại hình phục vụ chưa phong phú, thời gian lưu trú ngắn dẫn đến hiệu quả khai thác các hoạt động này còn nhiều khó khăn.
Ba là, về phía Việt Nam chưa xây dựng được chiến lược tổng thể cho việc phát triển du lịch toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Công tác nghiên cứu, dự báo, hướng dẫn doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế, chưa trở thành một công cụ mạnh để chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoạt động du lịch qua biên giới đúng hướng. Việc quản lý các hoạt động đưa đón khách du lịch Trung Quốc còn thiếu nhiều chế tài, vẫn còn tình trạng “các doanh nghiệp làm tour giá rẻ, tour 0 đồng trốn thuế” [6].
Bốn là, sự phát triển khu vực biên giới mất cân đối giữa hai nước. Trong khi phía Trung Quốc phát triển tương đối nhanh và sớm, Việt Nam phát triển chậm hơn. Chính sự mất cân bằng trong phát triển khu vực biên giới hai nước ảnh hưởng trực tiếp đến việc phối hợp thúc đẩy du lịch song phương. Thủ tục thông quan phức tạp, thời gian làm thủ tục kéo dài.
3. Những giải pháp cơ bản nhằm phát triển du lịch vùng biên Việt Nam – Trung Quốc ở Quảng Ninh trong xu thế hiện đại hóa
Để thực hiện mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới, nhằm khai thác có hiệu quả hơn các tài nguyên du lịch, du lịch biên giới thì việc nâng cao sức hấp dẫn cho du lịch vùng biên có vai trò đặc biệt tiên quyết.
Một là, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, địa phương giáp biên cần xây dựng chiến lược trong đầu tư hạ tầng giao thông, nâng cấp các dịch vụ vận tải theo hướng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt thời gian đi lại, tránh tắc nghẽn cho du khách Trung Quốc khi thăm các địa điểm du lịch.
Tại các điểm du lịch giáp biên, bãi biển cần sắp xếp hệ thống vệ sinh thuận lợi đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đảm bảo tính mỹ quan với tổng thể như: nhà vệ sinh, thùng rác, nơi tắm tráng,… thường xuyên quan tâm đến công tác dọn vệ sinh bãi biển, các công trình công cộng.
Quy hoạch, sắp xếp các điểm du lịch sinh thái hợp lý. Việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử phải gắn với chiến lược quy hoạch hoạt động du lịch của địa phương, của tỉnh Quảng Ninh.
Xây dựng chế tài trong tôn tạo, bảo vệ, khai thác các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm những hành vi trục lợi cá nhân để kinh doanh du lịch trái pháp luật, phá hủy các di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương.
Hai là, sở Du lịch Quảng Ninh chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch xây dựng và chào bán các tour du lịch biên giới đặc sắc “1 điểm đến 2 quốc gia”. Xây dựng các tour du lịch đỏ với điểm đến là các địa danh cách mạng của cả hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Đây là hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hai nước rất hữu hiệu. Để tour du lịch này hấp dẫn thì việc đầu tư, bổ sung tài liệu, các hiện vật minh chứng (hình ảnh động) cần quan tâm đến chất lượng để tạo sức hấp dẫn khách hàng. Các cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp để nước bạn công nhận cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu), cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà) có đủ điều kiện và khả năng đón khách thành cửa khẩu quốc tế.
Đối với nguồn nhân lực du lịch, cần quan tâm nâng cao năng lực của đội ngũ làm du lịch, công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, quản trị khách sạn vừa có trình độ ngoại ngữ Trung – Anh tốt, có kỹ năng giao tiếp khách hàng giỏi, am hiểu tập quán, lịch sử địa phương; đặc biệt cần quan tâm tới công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ này.
Ba là, với các doanh nghiệp du lịch: ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phân phối và xúc tiến các sản phẩm du lịch vùng biên; xây dựng và ngày càng hoàn thiện các trang website điện tử giới thiệu và quảng bá các hình ảnh đặc sắc du lịch biên giới. Các đơn vị kinh doanh du lịch biên giới nên nghiên cứu xây dựng app “Du lịch biên giới Quảng Ninh” nền tảng tích hợp đa phương tiện với 3 ngôn ngữ: Việt – Anh – Trung, tích hợp các nội dung: bản đồ du lịch các địa phương của tỉnh, thông tin các cơ sở lưu trú: khách sạn, nhà nghỉ; hệ thống mua vé điện tử; các cơ sở y tế; siêu thị, trung tâm thương mai… dễ dàng cho khách có thể truy cập lấy thông tin.
4. Kết luận
Với vị trí địa lý thuận lợi, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch: du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch mua sắm,… Phát triển du lịch biên giới đã và đang hứa hẹn rất nhiều lợi thế trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, cả nước trong thời gian tới. Xây dựng chiến lược quy hoạch du lịch nói chung, tạo những sản phẩm du lịch biên giới đặc sắc nói riêng giữa các địa phương giáp biên sẽ tạo nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế, từng bước đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc lên một tầm cao mới.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Phương Anh (2024), Vì sao Bình Liêu khó hút khách Tây như Sa Pa. Truy cập ngày 19/10/2024 tại https://vnexpress.net/ly-do-binh-lieu-kho-hut-khach-tay-nhu-sa-pa-4804195.html
2. Cổng thông tin điện tử thành phố Móng Cái. Truy cập ngày 19/10/2024 tại https://mongcai.gov.vn/vi-vn/tin/phat-trien-du-lich-vung-bien-mong-cai-p86129-c8440-n231212
3. Cổng thông tin điện tử huyện Hải Hà. Truy cập ngày 19/10/2024 tại https://haiha.quangninh.gov.vn/Trang/Default.aspx
4. Cổng thông tin điện tử huyện Bình Liêu. Truy cập ngày 19/10/2024 tại https://binhlieu.quangninh.gov.vn/Trang/Default.aspx
5. Hoàng Dương (2024), Mỗi ngày hàng vạn khách Trung Quốc nhập cảnh qua Móng Cái. Truy cập ngày 16/10/2024 tại https://tienphong.vn/moi-ngay-hang-van-khach-trung-quoc-nhap-canh-qua-mong-cai-post1622954.tpo
6. Ngọc Hà (2023), Việt Nam cần cơ chế đặc thù để đón khách Trung Quốc. Truy cập ngày 19/10/2024 trên https://vietnamnet.vn/viet-nam-can-co-che-dac-thu-de-don-khach-trung-quoc-2099169.html
7. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (2023), Quyết định 2256/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2023 về phê duyệt Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh.