PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NÔNG DÂN TRONG CHUYỂN ĐỔI TƯ DUY TỪ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SANG  KINH TẾ NÔNG NGHIỆP SINH THÁI Ở TÂY BẮC HIỆN NAY

Ths. Phạm Thị Trọng Hiếu

Học viện Chính trị khu vực I.

1. Đặt vấn đề

Xây dựng nông nghiệp sinh thái(NNST) là một trong những nội dungquan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhằm mục tiêu thực hiện thành công mô hình NNST, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ trước tiên phải “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm”[6]. Thực chất chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp chính là chuyển đổi từ phương thức sản xuất nông nghiệp cũ, lạc hậu, hủy hoại môi trường sang sản xuất NNST tạo ra các sản phẩm nông nghiệpđáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế về thực phẩm sạch, an toàn với môi trường. Để thực hiện được nhiệm vụ này, vấn đề đặt ra hiện nay đối với cả nước nói chung, các tỉnh Tây Bắc nói riêng là phải phát huy được vai trò chủ thể của nông dân trong việc tích cực, chủ động thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất hướng đến xây dựng một nền NNST hiện đại, bền vững.

2. Một số nội dung về phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp sinh thái

Tư duy sản xuất nông nghiệp là quá trình nhận thức các quy luật khách quan về sinh học của cây trồng, vật nuôi và quy luật chuyển hóa của nguyên vật liệu sản xuất, sử dụng tài nguyên vật liệu để gia tăng năng suất và sản lượng sản phẩm[8].Tư duy sản xuất nông nghiệp có những hạn chế là chủ thể nông dân khi sản xuất không chú trọng đến nhu cầu thị trường, chỉ sản xuất thứ mình có chứ không sản xuất thứ thị trường cần, tạo ra nhiều sản phẩm nhưng không có hoặc có ít lợi nhuận, do đó hàng hóa không thể bán được giá cao. Sẵn sàng sử dụng các loại giống, phân bón, các loại thuốc để gia tăng năng suất mà không chú trọng đến chất lượng và sự an toàn của sản phẩm, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, cần phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế NNST nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình nông nghiệp theo kiểu cũ.

Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy sử dụng hiệu quả nguồn lực hữu hạn trong nông nghiệp để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể [8]. Sự khác nhau giữa tư duy sản xuất nông nghiệp và tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy sản xuất nông nghiệp thìlấy sản lượng làm mục tiêu, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nghĩa là chuyển đổi tư duy từtăng sản lượng sang tăng giá trị. Tư duy sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có, tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần (bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiện ích), chuyển đổi việc cạnh tranh bằng số lượng, bằng khai thác tự nhiên sang cạnh tranh bằng sản xuất ít, sản xuất tiết kiệm, giảm bớt sức ép môi trường, một nền nông nghiệp đem lại hiệu quả cao hơn.Trong tư duy kinh tế nông nghiệp, ngoài việc tư duy về tối ưu hóa bài toán kinh tế thông qua tăng giá bán, giảm đầu vào, tăng chất lượng, đa dạng sản phẩm, chế biến sâu… nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng từ đó nhận lại được giá trị tăng cao hơn thì một bước phát triển cao hơn là tích hợp đa giá trị vào sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp[4].

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế NNST là tổng hợp các hoạt động có ý thức của các chủ thể (hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức có liên quan và của chính chủ thể nông dân) nhằm khơi dậy, tạo điều kiện và khuyến khích nông dân tích cực, chủ động, sáng tạo thực hiện tốt vị thế làm chủ trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống chạy theo sản lượng, hủy hoại môi trường sang tư duy kinh tế NNST tạo nên giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Vai trò chủ thể của nông dân được khẳng định thông qua việc họ là người đưa ra các quyết định chính về lựa chọn cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và vận hành hiệu quả mô hình kinh tế NNST. Nông dân có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tư duy và hành động bền vững, giúp định hình một nền văn hóa nông nghiệp mới, nơi mà cả sản xuất và tiêu thụ đều được gắn liền với nhu cầu của thị trường, gắn với việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế lâu dài.

Để chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế NNST, một trong những yếu tố quyết định sự chuyển đổi thành công này chính là vai trò chủ thể của nông dân có được phát huy hay không. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với chủ thể nông dân: Một là, chủ động, tích cực trong việc nắm bắt và trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết về tư duy kinh tế nông nghiệp, từ đó mới có thể áp dụng vào các khâu của quá trình sản xuất NNST do chính bản thân mình đảm nhận; Hai là, căn cứ nhu cầu của thị trường để xác định chủng loại, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cần sản xuất từ đóxác định kết quả đầu ra với chủng loại, sản phẩm hàng hóa, thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi nguyên liệu đầu vào, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về thực phẩm an toàn thân thiện với môi trườngcủa người tiêu dùng; Ba là, luôn tìm cách giảm chi phí đầu vào hợp lý. Giảm được một đồng chi phí nghĩa là đã tăng được một đồng lợi nhuận cho chính chủ thể nông dân nếu cùng giá bán ra.Như thế, chủ thể nông dânphải chủ động giảm tất cả những gì có thể nếu không ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất sản phẩm. Bắt đầu từ giá nguyên liệu, cải tiến quy trình để giảm chi phí sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển; Bốn là, tìm cách gia tăng giá trị sản phẩm, tích hợp đa giá trị thông qua việc phân loại làm sạch, đóng gói thiết kế nhãn hiệu hàng hóa, tiến hành sơ chế, chế biến và chế biến sâu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…; Năm là, xem khả năng canh tranh với đối thủ trên thị trường và chủ động quảng bá sản phẩm tìm kiếm khách hàng bằng nhiều kênh bán hàng khác nhau hoặc liên kết với các chủ thể khác tiêu thụ sản phẩmvới giá hợp lý từ đó nâng cao doanh thu và gia tăng lợi nhuận.

Để làm được điều này, ngoài sự cố gắng, nỗ lực, tích cực, chủ động của nông dân trong nắm bắt và triển khai thực hiện sản xuất theo cách thức mới thì cần có sự liên kết, hợp tác và hỗ trợ từ các chủ thể khác (Nhà nước, doanh nghiệp, HTX, nhà khoa học…), đặc biệt thông qua việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản hoàn chỉnh. Các chủ thể được kết nối chặt chẽ theo nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Hơn nữa, trong nền NNST, kinh tế nông nghiệp được tổ chức theo tiêu chuẩn bền vững và tuân thủ cam kết quốc tế giảm phát thải ròng về 0 đến năm 2050 góp phần làm cho nền nông nghiệp không bị động trước tự nhiên, không chịu chấp nhận tác động tiêu cực của thị trường. Do đó, chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam chuyển dịch từ trạng thái phát triển truyền thống, dựa vào thói quen, thiếu linh hoạt sang trạng thái phát triển hiện đại dựa vào tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như hướng tới NNST bền vững, văn minh[3].

3. Thực tiễn phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc thời gian qua

Thông thường Tây Bắc được xác định gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cao, tuy nhiên trong bài viết này, tác giả nghiên cứu tiểu vùng Tây Bắc theo Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/5/2024 về Phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, bao gồm 3 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Tây Bắc được xem là cửa ngõ phía Tây của Viêt Nam, có đường biên giới kéo dài giáp với hai nước Lào và Trung Quốc. Tây Bắc có nhiều tiềm năng to lớn, điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khai thác thủy điện và phát triển các khu du lịch sinh thái đồng thời có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với mùa hè nóng ẩm và mùa đông lạnh, địa hình đồi núi phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác và chăn nuôi. Vì vậy, trong hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, các cấp, cácngành ở địa phương cần nghiên cứu kỹ để lựa chọn mô hình sản xuất NNST phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương mình qua đó phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tiến trình này nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây tạo dựng cơ sở vật chất vững chắc hướng tới sự phát triển bền vững.

Trong những năm qua, các tỉnh Tây Bắc đã tập trung triển khai các giải pháp, mục tiêu cụ thể nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng NNST bền vững, chất lượng. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đều xác định muốn tạo sự bứt phá trong nông nghiệp, người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm trong mọi hoạt động và phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế NNST. Đây là một nội dung rất quan trọng bởi để hiện thực hóa mục tiêu NNST thì trước hết phải tạo được sự thay đổi trong tư duy cho đến hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và chính chủ thể nông dân. Việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế NNST thời gian qua ở Tây Bắc đã đạt được một số kết quả:

Thứ nhất, đã bước đầu tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của chủ thể nông dân về chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế NNST

Theo kết quả khảo sát của tác giả trên 300 nông dân và 210 cán bộ lãnh đạo, quản lý của 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, khi đánh giá về mức độ cần thiết phải thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế NNST, đa số chủ thể nông dân và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp đều đánh giá “Rất cần thiết” và “Cần thiết” (Biểu đồ 1).

Nguồn: Khảo sát của tác giả năm 2024

 Kết quả cho thấy có 43,4% nông dân cho rằng “Rất cần thiết” và 43,9% “Cần thiết”; 67,3% % cán bộ đánh giá là “Rất cần  thiết” và 29,3% đánh giá “Cần thiết”. Bên cạnh đó, khi tác giả khảo sát nhận thức của chủ thể nông dân và đội ngũ lãnh đạo, quản lý về tư duy kinh tế NNST, kết quả có 85,2% nông dân và 91,3% cán bộ lựa chọn tư duy kinh tế NNST là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu; tích hợp đa giá trị vào sản phẩm có 85,7% nông dân và 94,7% cán bộ lựa chọn và bán cái thị trường cần có 90,7% nông dân và 92% cán bộ lựa chọn.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Nội dung cốt lõi nhất trong việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là chuyển từ mục tiêu sản lượng sang mục tiêu giá trị, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Trước đây, coi trọng chỉ tiêu tăng diện tích, tăng năng suất để có sản lượng nông sản lớn trên một đơn vị canh tác hoặc lấy chỉ tiêu số lượng đầu gia súc, gia cầm, thì nay, vấn đề năng suất, sản lượng vẫn được chú trọng, nhưng giá trị thu được trên một héc-ta canh tác hoặc trên một đơn vị chăn nuôi mới là mục tiêu quan trọng nhất và đang được người nông dân quan tâm” [7]. Từ đó cho thấy, đã có sự thay đổi trong nhận thức từ đôi ngũ lãnh đạo, quản lý đến chủ thể nông dân về tư duy kinh tế NNST và nhận thấy việc chuyển đổi sang tư duy kinh tế NNST là cần thiết đối với sự phát triển của một nền NNST hiện đại, bền vững. Đây là điều kiện quan trọng cho việc thay đổi trong hành động, tổ chức triển khai thực hiện, áp dụng tư duy kinh tế NNST vào thực tiễn để hiện thực hóa mục tiêu NNST tại địa phương.

Thứ hai, tư duy kinh tế NNST đã được chủ thể nông dân áp dụng trong quá trình sản xuất NNST tại địa phương

Để chuyển đổi sang tư duy kinh tế NNST, nông dân Tây Bắc đã chủ động, tích cực nắm bắt, trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết về tư duy kinh tế NNST và áp dụng vào các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Điều này được thể hiện qua kết quả khảo sát: Có 89% nông dân tự tìm hiểu thông tin về tư duy kinh tế NNST trên các phương tiện thông tin đại chúng; 89,6% tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của chính quyền địa phương và các tổ chức về xây dựng NNST; 88,5% tìm hiểu nhu cầu của thị trường để xác định chủng loại, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; 85,7% tìm cách gia tăng giá trị sản phẩm, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm; 85,7% chủ động giảm chi phí sản xuất hợp lý; 87,9% xem xét khả năng cạnh tranh và chủ động tìm kiếm khách hàng; 86,8% chủ động tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp (Biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Những việc nông dân thực hiện để chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế NNST

Nguồn: Khảo sát của tác giả năm 2024

Để giúp nông dân chuyển đổi tư duy sang kinh tế NNST và áp dụng vào quá trình sản xuất tại địa phương, qua kết quả khảo sát cho thấy, đôi ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng đã chủ động, tích cực thực hiện những biện pháp từ tuyên truyền, vận động để thay đổi suy nghĩ, cách làm của nông dân đến tổ chức triển khai các hoạt động giúp nông dân áp dụng tư duy kinh tế NNST vào sản xuất. Cụ thể: Truyền thông về tư duy kinh tế NNST cho nông dân bằng các hình thức khác nhau với 90,7% lựa chọn; Vận động nông dân tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của chính quyền địa phương và các tổ chức về xây dựng NNST với 98% lựa chọn; Tìm hiểu nhu cầu của thị trường và lợi thế của địa phương để quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm 83,3% lựa chọn; Giúp nông dân gia tăng giá trị sản phẩm, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm với 80% lựa chọn; Hướng dẫn nông dân giảm chi phí sản xuất hợp lý 92% lựa chọn; Xúc tiến thương mại và kết nối thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp với 78,7% lựa chọn và Hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp với 94,7% lựa chọn.

Thời gian qua, các cấp chính quyền Tây Bắc đã có nhiều giải pháp nhằm thay đổi tư duy của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, trong đó nổi bật là việc giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận những mô hình sản xuất NNST bền vững, đáp ứng theo nhu cầu thị trường với hiệu quả kinh tế cao; giúp người nông dân ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, sản xuất nông nghiệp của vùng không chỉ tạo ra nguồn hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và xuất khẩu, mà còn mang sự phát triển bền vững về môi trường.

Tỉnh Hòa Bình đãxác định vị trí, vai trò quan trọng của phát triển sản xuất nông nghiệp đối với địa phương nên đã điều chỉnh và lập mới hơn 19 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp đã dần chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị, từng bước gắn với thị trường đầu ra… Hòa Bình có nhiều mô hình áp dụng tư duy kinh tế nông nghiệp, tiêu biểucó huyện Cao Phong nổi tiếng với sản phẩm cam. Huyện đã khuyến khích trồng cam theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh sản xuất hướng “xanh-sạch-an toàn”. HTX 3T FARM ra đời với mục tiêu là sản xuất Cam Cao Phong theo tiêu chuẩn “3 Tốt”: Tốt đất, tốt giống, tốt từ tâm, tạo ra thương hiệu của cam Cao Phong trên thị trường.Hòa Bình đã đạt được kết quả bước đầu trong triển khai Chương trình OCOPlà một trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.Xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, trong những năm qua thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, định hình chiến lược, truyền thông kế hoạch, đề án phát triển của ngành nông nghiệp đến người dân góp phần thay đổi tư duy nhà nông, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế NNST.

Điện Biên cũng từng bước áp dụng tư duy kinh tế NNST vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng cao được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch để giúp nông dân chuyển đổi tư duy sang kinh tế NNST. Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội đã phối hợp tuyên truyền tư vấn, trợ giúp cho 21.700 lượt người về xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo các sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn về: Xúc tiến thương mại; cơ chế bán hàng cho cộng tác viên, đại lý các cấp Hội; đào tạo kỹ năng bán hàng cho 960 hội viên; hỗ trợ, hướng dẫn 1.200 hộ sản xuất kinh doanh giỏi tạo tài khoản giao dịch trên Sàn thương mại điện tử Posmart [1]. Tỉnh đã xác định để đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính, chuỗi siêu thị, thị trường bán lẻ lớn yêu cầu sản phẩm phải được công nhận đạt chuẩn OCOP. Do đó, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Điện Biên quan tâm xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP. Hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 72 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó 30 sản phẩm chế biến từ nông nghiệp như: Chè, cà phê, mắc ca, gạo[5].

Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Sơn La cũng đã hướng dẫn 11.136 hộ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, tiêu thụ. Số sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử là 57 sản phẩm. Hội cũng đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho 14 sản phẩm [2]. Nhờ đó, nông dân nâng cao nhận thức về lợi ích của việc đưa sản phẩm lên cửa hàng số, nâng cao ý thức về chất lượng sản phẩm; thông qua cửa hàng số, người dân có thể mua và bán sản phẩm trên không gian mạng. Với mục đích hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; đưa sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác lên các sàn thương mại điện tử postmart.vn nhằm kết nối, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh ra ngoài tỉnh và các nước trên thế giới.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bản thân người nông dân đã phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo trong việc áp dụng tư duy kinh tế nông nghiệp vào hoạt động sản xuất của mình. Tại các xã, bản của Sơn La, người nông dân đã chủ động nắm bắt những tín hiệu của thị trường, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; ý thức hợp tác được nâng lên khi tự nguyện liên kết thành HTX, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp; mở rộng cơ hội phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, chất lượng, có trách nhiệm và đủ sức cạnh tranh, xuất khẩu sản phẩm. Xã Phiêng Khoài là địa phương có diện tích trồng mận hậu lớn nhất huyện Yên Châu. Tại đây, trong nhiều năm qua, HTX nông sản bản địa Noọng Piêu đã trở thành điểm sáng trong việc thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn. Sau hơn ba năm thành lập, HTX có 11 thành viên với 46 ha trồng mận hậu, cho thu nhập từ 600-700 triệu đồng/ha. Mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch của anh Đặng Đình Thùy, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được xem là điển hình trong việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế NNST. Với hơn 4 ha cam của gia đình mình, từ năm 2019 đến nay, anh đã kết hợp mở dịch vụ cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm, đầu tư trang trí điểm check-in không thu phí. Trong quá trình sản xuất, anh luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Toàn bộ diện tích cam của gia đình đều được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, hướng tới sự an toàn, chất lượng của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Cùng với đó, là việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và địa điểm, thời vụ, giá cả trên các nền tảng xã hội để du khách biết[7].

Nhìn chung, với sự hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cùng sự tích cực, chủ động, nỗ lực cố gắng của chủ thể nông dân vùng Tây Bắc đã tạo nên chuyển biến trong nhận thức và hành động, áp dụng tư duy kinh tế NNST vào sản xuất tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường và yêu cầu về sản phẩm an toàn, chất lượng của người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế NNST ở Tây Bắc thời gian vừa qua vẫn còn một số hạn chế.

Một là, tư duy kinh tếNNST còn chưa phổ biến ở quy mô lớn, mới chỉ tập trung ở những nông dân có điều kiện tiếp cận thông tin và có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, còn nông dân thuộc các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa có sự chuyển biến đáng kể trong tư duy.

Hai là, tư duy của chủ thể nông dân trong các hoạt động sản xuất kinh doanhtrên địa bàn vùng Tây Bắc hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào việc gia tăng sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến các yếu tố về an toàn thực phẩm, tính bền vững của hệ thống sản xuất, tính đa dạng sinh học, sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng và nhiều khi còn chưa tập trung vào nâng cao chất lượng của sản phẩm,chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp, các sản phẩm trao đổi trên thị trường chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị chưa cao.

Ba là, tư duysản xuất của chủ thể nông dân Tây Bắc nhìn chung chưa bắt kịp những thay đổi nhanh chóng về thị hiếu tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trườngcủa thị trường trong nước cũng như quốc tế. Phần lớn bà con nông dân các tỉnh Tây Bắc hiện vẫn áp dụng phương thức canh tác truyền thống như: phá rừng, đốt nương làm rẫy, trồng độc canh…, thậm chí nông dân còn lạm dụng cả thuốc bảo vệ thực vật để thu dọn tàn dư trên đồng ruộng. Khi cây lớn hơn, bà con tiếp tục sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật để diệt mầm bệnh, thậm chí khi cây chưa bị bệnh hoặc chưa cần sử dụng thuốc nhưng bà con vẫn phun theo phong trào hoặc tâm lý đám đông. Thói quen canh tác thâm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học của chủ thể nông dân khiến cho nguy cơ gây suy thoái môi trường gia tăng. Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt mặc dù đã được đẩy mạnh nhưng tỷ lệ áp dụng còn hạn chế do giá bán của các sản phẩm dán nhãn VietGAP, hữu cơ chưa tương xứng với đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn này.

          4. Một số giải pháp phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc thời gian tới

Một là,tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân và toàn xã hội về tư duy kinh tế NNST

Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội ở Tây Bắc cần nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về tư duy kinh tế NNST, thực hiện công tác tuyên truyền bằng các hình thức khác nhau để thay đổi nhận thức của nông dân và toàn xã hội về tư duy kinh tế NNST. Từ đó, phát huy tínhtích cực, chủ động, sáng tạo của nông dân trong thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế NNST và áp dụng vào quá trình sản xuấtnông nghiệpđem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân người nông dân đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương một cách bền vững.

Hai là, nâng cao trình độ và năng lực quản lý quá trình sản xuất cho nông dân

Trước yêu cầu xây dựng nền NNST hiện đại, đòi hỏi người nông dân Tây Bắc phải tự mìnhvươn lên lĩnh hội tri thức dần hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, kỹ năng sản xuất và quản lý giỏi, có khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng động tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của thị trường để sản xuất. Việc xây dựng, đào tạo được đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, tay nghề cao là một trong những yếu tố căn bản và bền vững để chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến xây dựng nền NNST hiện đại, bởi yếu tố con người bao giờ cũng đóng vai trò quyết định cho mọi sự thành bại. Chính vì vậy, các cấp các ngành ở địa phương cần tập trung đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nông dân đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra về người nông dân có tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và quyết tâm mới vươn lên làm giàu thoát khỏi đói nghèo.

Ba là,tăng cường xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi mô hình sản xuất, kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm

Để việc chuyển đổi tư duy sản xuất diễn ra trên diện rộng và đem lại hiệu quả bền vững, lâu dài, yêu cầu đặt ra đối với nông dân các tỉnh Tây Bắc là phải có sự chủ động, tích cực thực hiện liên kết, hợp tác chặt chẽ với các chủ thể khác trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khóa học công nghệ thân thiện với môi trường vào tổ chức sản xuất theo mô hình NNST, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần rà soát điều chỉnh những bất cập trong cơ chế, chính sách để tạo cơ hội cho các chủ thể tiếp cận tham gia liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng sinh thái, kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm tạo bước đột phá mới cho sản xuất nông nghiệp ở Tây Bắc hiện nay.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương

Các địa phương trên cơ sở lợi thế của mìnhchủ động xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao gắn với thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng “được mùa mất giá” hoặc không có nơi tiêu thụ. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung thúc đẩy phát triển NNST, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực dự báo thị trường làm cơ sở định hướng cho nông dân phát triển sản xuất.

5. Kết luận

Để đạt được mục tiêu xây dựng thành công mô hình NNST, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đảng và Nhà nước ta đề ra, một trong những yêu cầu là các cấp, các ngành, các địa phương Tây Bắc phải nhận thức và phát huy được đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong từng chương trình, kế hoạch cụ thể về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thônmà trước hết là chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế NNST, tạo sự chuyển biến căn bản cho nông nghiệp Tây Bắc cất cánh. Từ đó, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân, bởi, nông dân vừa là chủ thể quan trọng, là người trực tiếp thực hiện và quyết định hiệu quả của quá trình này, đồng thời là đối tượng thụ hưởng thành quả mà NNST mang lại tạo nên sự phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Điện Biên (2023):Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Điện Biên khoá IX trình Đại hội đại biểu khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028.
  2. Hội nông dân tỉnh Sơn La (2023):Báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào nông dân năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, ngày 22/12/2023.
  3. Nguyễn Thường Lạng (2024):“Phát triển nông nghiệp Việt Nam: Chuyển dịch từ “lấy công làm lãi” sang kinh tế nông nghiệp”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/899002/phat-trien-nong-nghiep-viet-nam–chuyen-dich-tu-%E2%80%9Clay-cong-lam-lai%E2%80%9D-sang-kinh-te-nong-nghiep.aspx
  4. Cao Phúc (2023):“Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp để chuyển từ phát triển sản xuất nông nghiệp “đơn giá trị” sang “đa giá trị” https://nnptnt.daklak.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/thay-oi-tu-duy-san-xuat-nong-nghiep-e-chuyen-tu-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-on-gia-tri-sang-a-gia-tri–1121-20.html
  5. Văn Tâm, Phạm Trung (2024): Nông nghiệp Điện Biên và hành trình “cất cánh”, https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/214519/nong-nghiep-dien-bien-va-hanh-trinh-%E2%80%9Ccat-canh%E2% 80%9D
  6. Thủ tướng Chính phủ (2022): Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28-1-2022 phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  7. Quốc Tuấn (2023):Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, https://nhandan.vn/thay-doi-tu-duy-san-xuat-nong-nghieppost789422. html.
  8. Trần Quang Vinh (2023): “Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp – Để nông dân là chủ thể” 18/3/2023, Tin tức Thông tấn xã Việt Nam, https://baotintuc.vn/thoi-su/chuyen-doi-tu-duy-kinh-te-nong-nghiep-de-nong-dan-la-chu-the-20230318110837430.htm
  9. 11. Promoting the role of farmers in the transition of thinking from agricultural production to ecological agricultural economics in the northwest region

M.a. Pham Thi Trong Hieu

Bài liên quan

Bài đăng mới