1. Đặt vấn đề
Tôn giáo đã ra đời từ xa xưa – khi trình độ nhận thức, trình độ xã hội còn hạn chế và trong xã hội hiện đại hiện nay, tôn giáo vẫn đang thể hiện sức sống của mình. Chủ nghĩa Mác – Lênin tiếp cận tôn giáo với góc độ một hình thái ý thức xã hội, nảy sinh từ tồn tại xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Tôn giáo ra đời cũng là sự phản kháng tiêu cực của con người trước sức mạnh của tự nhiên và xã hội. C.Mác cho rằng: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, lá trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” [3, tr. 570]. Dù là sự phản kháng tiêu cực trước sức mạnh của tự nhiên và hiện thực áp bức, bất công của xã hội nhưng tôn giáo cũng có nhiều chức năng như: chức năng đền bù hư ảo (chứa đựng nhiều giá trị tinh thần tích cực, như “trái tim hư ảo”, “liều thuốc giảm đau” xoa dịu nỗi đau trần thế); chức năng điều chỉnh hành vi của tín đồ theo hệ thống giá trị, chuẩn mực đạo đức thông qua các giới luật; chức năng liên kết xã hội với những người cùng tín ngưỡng tôn giáo, cùng bị ràng buộc bởi giáo lý, giáo luật tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng.
Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo và xuất phát từ tình hình tôn giáo ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn khẳng định những giá trị tốt đẹp, đề cao tính nhân đạo, hướng thiện của con người trong các tôn giáo. Người nhấn mạnh: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa” [7, tr. 438]. Qua đó, Người luôn trân trọng những giá trị tốt đẹp trong các tôn giáo và khuyến khích chức sắc, tín đồ phát huy những giá trị của tôn giáo trong đời sống cá nhân và cộng đồng xã hội.
Trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới cũng luôn khẳng định những giá trị tốt đẹp trong các tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo pháp luật. Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị (năm 1990) đã xác định: Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Công tác tôn giáo cũng khẳng định: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng đã khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” [4, tr. 171]. Như vậy hiện nay, Đảng ta đã xác định tôn giáo là một trong những nguồn lực cần phát huy trong quá trình phát triển xã hội.
Các lý thuyết về nguồn lực tôn giáo như: lý thuyết vốn xã hội, lý thuyết cấu trúc – chức năng, lý thuyết thực thể tôn giáo hiện nay đều khẳng định những mặt tích cực trong tôn giáo. Các nhà nghiên cứu hiện nay đều thống nhất quan điểm tôn giáo là một nguồn lực có thể khai thác cho sự phát triển xã hội. Tác giả Chu Văn Tuấn tiếp cận khái niệm nguồn lực tôn giáo ở phương diện rộng và đánh giá nó là nguồn lực xã hội bao gồm tất cả tiềm năng, tiềm lực vốn có của bản thân tôn giáo (Chu Văn Tuấn, 2020). Các nhà nghiên cứu có thể đưa ra những khái niệm với cách diễn đạt khác nhau nhưng hầu hết thống nhất cho rằng: Nguồn lực tôn giáo là toàn bộ những lực lượng tinh thần và vật chất mà bản thân tôn giáo có hoặc huy động được để phục vụ cho phát triển xã hội (Nguyễn Khắc Đức, 2022). Theo tác giả Nguyễn Khắc Đức, nguồn lực tôn giáo bao gồm nguồn lực tinh thần, nguồn lực vật chất và nguồn nhân lực trong các tôn giáo (Nguyễn Khắc Đức, 2022). Nguồn lực tinh thần trong tôn giáo chủ yếu ở thế giới quan, nhân sinh quan thể hiện trong giáo lý, giáo luật chứa đựng các giá trị đạo đức, nhân văn, văn hóa…giúp tín đồ sống tốt hơn, qua đó góp phần vào sự ổn định và phát triển xã hội. Nguồn lực vật chất trong tôn giáo gồm các giá trị vật chất, văn hóa vật thể (ẩm thực, trang phục, nhà thờ, đền đài, di sản, di tích…) chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…góp phần phục vụ xã hội. Nguồn nhân lực trong tôn giáo gồm hệ thống tín đồ, chức sắc tham gia vào hoạt động cộng đồng. Tổng hợp tất cả những yếu tố này tạo nên những giá trị tích cực trong các tôn giáo đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
2. Tình hình phát huy nguồn lực Islam giáo trong vùng dân tộc Chăm ở Nam Bộ
Theo Sách Trắng về tôn giáo ở Việt Nam năm 2022, tín đồ Islam giáo ở nước ta hiện nay khoảng trên 30.000 [1] trong đó tập trung chủ yếu trong cộng đồng người Chăm ở Nam bộ. Ở Nam bộ hiện nay, người Chăm theo Islam giáo tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố như: An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…; trong đó số lượng tín đồ Islam giáo trong người Chăm ở An Giang là đông nhất. Theo số liệu thống kê năm 2020, người Chăm theo Islam giáo ở An Giang có 11.167 người, chiếm 33,18% tín đồ Islam giáo của cả nước; ở Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến năm 2019 có 10.300 người Chăm là tín đồ Islam giáo; tại Tây Ninh có 4.219 tín đồ và Đồng Nai có 3.103 tín đồ Islam giáo là người Chăm [2].
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tại các địa phương – nơi có đông đồng bào dân tộc Chăm theo Islam giáo ở Nam Bộ đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để phát huy những giá trị tích cực, những nguồn lực của Islam giáo trong phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trong vùng và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên những nội dung cơ bản sau:
2.1. Phát huy nguồn lực Islam giáo trong xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc Chăm Nam Bộ
Giáo lý Islam giáo trong kinh Qur’an chứa đựng những chuẩn mực điều chỉnh quan hệ xã hội như: vinh danh và kính trọng cha mẹ; tôn trọng quyền của người khác; bố thí rộng rãi cho người nghèo; cấm ngoại tình; bảo vệ và chu cấp trẻ mồ côi; cư xử công bằng với mọi người; trong sạch trong tình cảm và tinh thần… Ngoài ra, còn một số luật lệ như: nghiêm cấm uống rượu, cờ bạc, gian dâm… Đó chính là những quy tắc định hướng tín đồ Islam giáo đến cuộc sống đức hạnh.
Với chính sách nhất quán của Đảng luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, những năm qua sinh hoạt tôn giáo trong cộng đồng dân tộc Chăm Islam ở Nam bộ luôn được tôn trọng và bảo đảm theo quy đinh của pháp luật. Người Chăm Islam giáo ở Nam bộ là những tín đồ Islam giáo nhiệt thành nên việc tuân thủ giáo lý, giáo luật được thực hiện rất nghiêm túc và tự giác. Người Chăm sống quần tụ hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau theo từng xóm, mỗi xóm đều có thánh đường và có 1 vị giáo cả đứng đầu. Giáo cả Haji Jacky, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Islam giáo tỉnh An Giang cho biết: Tại mỗi xã, người Chăm An Giang đều có thánh đường riêng. Họ tôn thờ thánh Alah, cầu nguyện mỗi ngày 5 lần. Họ thực hiện nghiêm túc giáo lý, giáo luật của Islam giáo, thực hiện các bổn phận của tín đồ như hạn chế ăn vào tháng Ramadam. Đặc biệt, họ tuân thủ nghiêm ngặt giáo luật. Họ cũng tuyệt đối không uống rượu, kể cả bia [14]. Giữa Thành phố Hồ Chí Minh sôi động nhưng các khu vực người Chăm Islam giáo sinh sống thường rất quần tụ, đoàn kết và tự giác thực hiện giáo luật. Điển hình như xóm Chăm Islam giáo ở hẻm 157 Dương Bá Trạc, Quận 8 chưa bao giờ có người uống rượu bia [16]. Mỗi thánh đường hầu như đều có lớp dạy tiếng Chăm; qua đó góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa Chăm trong cộng đồng. Tiêu biểu như cộng đồng người Chăm Islam giáo ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã có phòng đọc sách và phòng học tiếng Chăm do Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và lực lượng vũ trang huyện cùng các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng. Công trình gồm 1 phòng đọc và 2 phòng học, tổng diện tích 170m2 với kinh phí xây dựng 736 triệu đồng. Một số người Chăm Islam giáo đã tự nguyện làm thầy giáo dạy tiếng Chăm cho 2 lớp học với khoảng 60 em ở nhiều độ tuổi khác nhau [8]. Các cộng đồng Chăm Islam giáo ở Nam bộ hầu hết đều có ý thức chấp hành pháp luật tốt, góp phần vào việc xây dựng cộng đồng văn hóa, đảm bảo tốt an ninh trật tự.
2.2. Phát huy nguồn lực Islam giáo trong phát triển kinh tế vùng dân tộc Chăm Nam Bộ
Cùng với làn sóng phát triển chung của đất nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc nâng cao hạ tầng giao thông, các chương trình 135, chương trình cho vay vốn, hỗ trợ giáo dục và đầu tư điện, đường, trường, trạm… đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đồng bào Chăm Islam giáo ở Nam bộ hiện nay phát triển kinh tế, chuyển hướng sang nhiều mô hình kinh tế mới, phát huy được nguồn lực sẵn có trong vùng.
Người Chăm Islam giáo ở Nam Bộ trước đây chủ yếu sống bằng nghề dệt thủ công, làm nông và nghề chài lưới thì hiện nay nhiều hộ người Chăm chuyển hướng sang kinh doanh, thương mại để phát triển kinh tế gia đình trên cơ sở khai thác những đặc trưng riêng trong tôn giáo Islam. Cũng theo Giáo cả Haji Jacky (Trưởng ban Đại diện cộng đồng Islam giáo tỉnh An Giang) đánh giá: Trước đây, nam giới chuyên chài lưới và mua bán nông sản miệt vườn, phụ nữ thì dệt vải, thêu thùa. Nhưng nay, đa số chuyển sang kinh doanh, dịch vụ, chỉ một số ít vẫn giữ và phát triển ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm…. Hiện nay 100% ấp, xã vùng dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, trên 98% hộ dân được sử dụng điện lưới và nước sạch sinh hoạt. Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa hoàn toàn, các xã vùng đồng bào Chăm có nhà văn hóa, trạm phát thanh phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Đời sống của bà con được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/năm, số hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn gần 4% [14].
Các dịch vụ du lịch hướng tới khai thác những nét độc đáo trong vùng Chăm ngày càng phát triển; điển hình là làng Chăm Islam giáo ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương với mô hình phát triển du lịch bền vững dựa trên những giá trị văn hóa cốt lõi như tổ chức cho du khách tham quan về lễ hội của Islam giáo, về không gian sống để trải nghiệm các nghi lễ của Islam giáo ở thánh đường. Qua đó, không chỉ quảng bá được văn hóa bản địa mà còn góp phần nâng cao đời sống của đồng bào, trở thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế của địa phương. Ở An Giang, việc phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở khai thác nguồn lực vốn có của vùng Chăm Islam giáo cũng ngày càng được đẩy mạnh. Tại làng Chăm Châu Phong (tỉnh An Giang), các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống đang trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng; các món ăn truyền thống của người Chăm Islam An Giang cũng trở thành đặc sản phục vụ du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống không những giúp đồng bào Chăm có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp bà con nơi đây mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Có không ít gia đình người Chăm Islam giáo đã vươn lên có cuộc sống khá giả, sung túc.
Bên cạnh tham gia phát triển kinh tế địa phương, cộng đồng người Chăm Islam giáo ở Nam bộ cũng luôn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như ở An Giang, trong 5 năm (2015 – 2020), người Chăm Islam giáo đã ủng hộ xây mới 14 căn nhà tình thương [12]; trong 6 tháng đầu năm 2020, đã quyên góp trên 3 tỷ đồng xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ tín đồ khó khăn [17].
2.3. Phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ Islam giáo trong công tác cộng đồng
Trên cơ sở phát huy nguồn lực vốn có, người Chăm Islam giáo ở Nam bộ không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà còn không ngừng được nâng cao trình độ, tích cực tham gia vào công tác xã hội và các hoạt động của cộng đồng. Theo giáo cả Đô Hô Sên [8]: ngày càng có nhiều con em của đồng bào học hành, làm việc chăm chỉ và có đóng góp tích cực cho cộng đồng, cho địa phương. Có người đang là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã, công an viên, đội trưởng ở nông trường cao su…thực hiện đúng phương châm “tốt đời, đẹp đạo” [8].
Vai trò của các chức sắc, tổ chức ban Đại diện cộng đồng Islam giáo của các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ cũng đang được phát huy. Hiện nay, ở Nam bộ có các tổ chức như: Ban Đại diện cộng đồng Islam giáo Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận năm 1992; Ban Đại diện cộng đồng Islam giáo tỉnh An Giang được công nhận năm 2004; Ban Đại diện cộng đồng Islam giáo tỉnh Tây Ninh được công nhận năm 2010. Các Ban Đại diện cộng đồng Islam giáo ở Nam bộ đã thể hiện vai trò tích cực trong phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước giúp cho tín đồ Islam giáo hiểu rõ chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước thuận lợi hơn. Từ đó, giúp tín đồ củng cố niềm tin, ý thức tự nguyện ủng hộ và tham gia thực hiện chính sách phát triển kinh tế – xã hội – xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
2.4. Những hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, việc phát huy nguồn lực Islam giáo trong cộng đồng dân tộc Chăm Nam bộ vẫn còn một số hạn chế nhất định. Nhiều nơi, đời sống kinh tế của đồng bào Chăm Islam còn khó khăn, số hộ gia đình có kinh tế khá giả còn ít; việc phát huy nguồn lực Islam giáo trong phát triển kinh tế chưa được đẩy mạnh trên phạm vi rộng; trình độ học vấn còn thấp, trình độ sản xuất chậm được cải tiến, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hộ nghèo, hộ khó khăn còn nhiều… nên sẽ gặp nhiều khó khăn để tự lực vươn lên, cần có sự tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, các mối quan hệ học tập và giao lưu với cộng đồng Islam giáo ở nước ngoài cũng gây không ít những phức tạp. Chẳng hạn ở tỉnh An Giang, giai đoạn 2004 – 2015 có 92 người Chăm đi học tại các trường đại học Islam giáo ở nước ngoài, chủ yếu ở Đông Nam Á. Ở xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang có xóm có tới 10 hộ gia đình có người thân đang lao động, học tập, sinh sống ở Mỹ, Malaysia, Campuchia, Thái Lan (tư liệu do Ban Tôn giáo tỉnh An Giang và UBND huyện Tân Châu cung cấp năm 2018 [5]. Con em người Chăm đi du học trở về Việt Nam để làm ăn, sinh sống, mang theo nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng không loại trừ yếu tố phức tạp. Hoặc trong thời điểm dịch Covid 19 bùng phát (từ ngày 27/2/2020 đến ngày 01/3/2020), tại thánh đường Seri Petaling, Kuala Lumpur, Malaysia diễn ra sự kiện tôn giáo (Istimah), tập trung khoảng 16.000 tín đồ Islam giáo đến từ một số quốc gia, trong đó Việt Nam có 90 người tham gia (chủ yếu là người Chăm Islam giáo ở Nam bộ: Thành phố Hồ Chí Minh 34 người, An Giang 30 người, Đồng Nai 10 người, Tây Ninh 9 người) [5]. Điều này cũng gây nên không ít khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng.
Nguyên nhân trước hết xuất phát từ đặc thù Islam giáo trong vùng Chăm Nam Bộ có mối quan hệ vốn có với cộng đồng Islam giáo ở nước ngoài, nhất là các nước khu vực Đông Nam Á. Việc nhận thức và quá trình triển khai thực hiện công tác phát huy nguồn lực Islam giáo của một số địa phương còn chưa thống nhất và triển khai chưa đồng bộ.
3. Một số giải pháp phát huy nguồn lực Islam giáo trong vùng dân tộc Chăm ở Nam Bộ
Từ việc nghiên cứu thực trạng trên đây, để nâng cao hơn nữu hiệu quả công tác phát huy nguồn lực Islam giáo trong cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ, thiết nghĩ cần tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức về phát huy nguồn lực Islam giáo trong cộng đồng Chăm Nam bộ. Thực hiện chủ trương phát huy nguồn lực tôn giáo nói chung, các địa phương có cộng đồng người Chăm Islam giáo ở Nam Bộ cần nâng cao hơn nữa nhận thức trong bộ máy chính quyền, đoàn thể để có những chính sách cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định những tiềm năng, nguồn lực Islam giáo cũng là lợi thế trong phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó, xuất phát từ đặc điểm riêng để xác định những mô hình phù hợp trong phát huy nguồn lực Islam giáo vào phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về phát huy nguồn lực Islam giáo trong chính tín đồ người Chăm Islam giáo ở Nam bộ. Mỗi cộng đồng Chăm Islam giáo cần thấy những nguồn lực vốn có về tinh thần, vật chất trong Islam giáo để tìm những cách thức phát huy hiệu quả vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mỗi tín đồ cũng như của công đồng.
Hai là, triển khai đồng bộ việc phát huy các yếu tố đặc thù của Islam giáo trong phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc Chăm Nam bộ. Từ những kết quả đã đạt được trong phát huy nguồn lực Islam giáo thời gian qua, cần tiếp tục phát huy hiệu quả những mô hình đã triển khai như các làng du lịch trong vùng Chăm Islam giáo ở An Giang, Bình Dương và nhân rộng ra các địa phương khác. Tăng cường khai thác những giá trị tinh thần của Islam giáo trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng những khu dân cư mẫu trong phát huy nguồn lực Islam giáo vào phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, cần có những cách thức phù hợp để nâng cao trình độ trong vùng dân tộc Chăm Nam bộ. Có những chính sách cho vay vốn; hỗ trợ kỹ thuật sản xuất để tín đồ Islam giáo trong vùng Chăm Nam bộ nâng cao trình độ sản xuất, chuyển sang mô hình sản xuất hàng hóa kết hợp kinh doanh, dịch vụ hiệu quả. Chú trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ người Chăm Islam giáo phục vụ công tác tại địa phương.
Ba là, tăng cường phối hợp với Ban Đại diện cộng đồng Islam giáo các địa phương để quản lý các hoạt động Islam giáo theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, Ban Đại diện cộng đồng Islam giáo các địa phương đều thể hiện vai trò cầu nối giữa cộng đồng với chính quyền trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho tín đồ; quản lý cộng đồng tuân thủ giáo luật. Thời gian tới, cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với Ban Đại diện cộng đồng Islam giáo để quản lý những hoạt động có mối liên hệ với nước ngoài như: tín đồ Islam giáo đi du học ở nước ngoài và sau khi từ nước ngoài về; các hoạt động như thi sướng kinh, hành hương… để chủ động nắm tình hình và định hướng tín đồ hoạt động theo quy định của pháp luật.
4. Kết luận
Tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn, chiến tranh sắc tộc, tôn giáo diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó đa phần có liên quan đến Islam giáo. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý chung của cộng đồng Chăm Islam giáo Nam bộ. Tuy nhiên, với chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, phát huy nguồn lực tôn giáo vào phát triển kinh tế – xã hội, cộng đồng người Chăm Islam giáo ở Nam bộ đã thể hiện được tính tích cực trong xây dựng cộng đồng văn hóa – tiến bộ, đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt phương châm “tốt đời, đẹp đạo”./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Ban Tôn giáo Chính phủ (2022): Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Hà Nội.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022): Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0. Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
3. C.Mác – Ph. Ăngghen (2002): Toàn tập – tập 1. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
4.Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII – tập 1. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
5. Hoàng Thị Lan (chủ biên)( 2021): Đời sống tín ngưỡng vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay. Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng (2020): Nguồn lực tôn giáo – Kinh nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam. Hà Nội.
7. Hồ Chí Minh (2021): Toàn tập – tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
8. Hồ Thảo (2022): Niềm vui của đồng bào Chăm ở Bình Sơn, http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202211/niem-vui-cua-dong-bao-cham-o-binh-son-3143154, ngày 7/11/2022
9. Lê Nguyên Châu (2018): Cộng đồng Hồi giáo (Islam) ở An Giang, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, Số 07 (175).
10. Nguyễn Khắc Đức (chủ biên) (2022): Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
11. Nguyễn Thị Quế Hương, Phạm Quang Tùng, Trần Anh Châu (2023): Đời sống kinh tế của cộng đồng Chăm theo Đạo Hồi (Islam) ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11.
12. Tiến Lên (2020): Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang tổ chức đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bản tin Tuyên giáo An Giang Online, ngày 3/7/2020.
13. Thúy Hạnh (2022): Ban Đại diện cộng đồng người Chăm Islam – Cầu nối giữa cộng đồng và chính quyền, https://thanhtra.com.vn/dan-toc-ton-giao/ton-giao/ban-dai-dien-cong-dong-nguoi-cham-islam-cau-noi-giua-cong-dong-va-chinh-quyen-204131.html, Cập nhật lúc 18:48, Thứ tư, 09/11/2022
14.http://biengioilanhtho.gov.vn/vi/tin-tuc/doi-song-chan-hoa-phat-trien-cua-dong-bao-cham-o-an-giang-967048.html : Bienphong.com.vn – 15/06/2021 18:30
15. Đời sống chan hòa, phát triển của đồng bào Chăm ở An Giang, Báo điện tử bienphong.com.vn, ngày 15/6/2021 (http://biengioilanhtho.gov.vn/vi/tin-tuc/doi-song-chan-hoa-phat-trien-cua-dong-bao-cham-o-an-giang-967048.html)
17. Người Chăm An Giang vui tết Yoya Haji đầm ấm, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/8/2020.