Từ khóa: tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục và đào tạo, Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhận bài: 09/08/2024; biên tập: 10/08/2024; phản biện: 18/08/2024; duyệt đăng: 26/08/2024.
1. Mở đầu
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam cả một đời vì nước, vì dân với việc “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[4, tr.187]. Người còn là nhà giáo, đặc biệt tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” – sự nghiệp GD & ĐT. Những tư tưởng và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GD & ĐT đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành giáo dục Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vùng trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước có vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ…nhưng nhiều năm GD & ĐT vẫn còn là “vùng trũng” với chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa cao, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của vùng. Vấn đề GD & ĐT ở khu vực ĐBSCL thời gian qua được Đảng và Nhà nước quan tâm đã đạt được nhiều thành tựu, Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: cơ sở hạ tầng giáo dục còn hạn chế, nhiều trường học còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy. Chất lượng giáo viên chưa đồng đều, năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy của giáo viên còn nhiều điểm cần cải thiện. Học sinh bỏ học nhiều do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều học sinh phải nghỉ học để lao động kiếm sống, việc vận dụng triết lý giáo dục Hồ Chí Minh vào GD & ĐT chưa đạt kết quả cao. Do đó vấn đề đặt ra đối với việc vận dụng một cách sáng tạo triết lý giáo dục Hồ Chí Minh ở vùng ĐBSCL hiện nay là vấn đề có tính cấp thiết.
2. Một số quan điểm thể hiện triết lý giáo dục, đào tạo của Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt xem trọng vai trò của GD & ĐT, Ngườixem GD & ĐT là nền tảng, yếu tố tiên quyết của mọi sự phát triển. Ngay những ngày đầu khi đất nước vừa giành độc lập năm 1945, Người đã xác định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”[4, tr.7]. Do đó, Người đã chỉ đạo thành lập “Nha Bình dân học vụ”, mở lớp học bình dân ở mỗi làng và quy định việc học chữ quốc ngữ là bắt buộc và hoàn toàn miễn phí, hướng tới lợi ích “trăm năm trồng người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi và khẳng định về tầm quan trọng của tri thức đối với thực tiễn cách mạng mà trước hết là việc biết đọc, biết viết: “Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” [4, tr.40]. Tư tưởng của Người tiến bộ khi xác định GD & ĐT tạo là yếu tố để giữ vững độc lập, phát triển đất nước và nâng cao uy tín, vị thế của Quốc gia trên trường quốc tế. Điều đó đã được khẳng định nhiều lần, tiêu biểu là lời dặn dò trong thư gửi các cháu học sinh vào dịp khai trường năm 1945: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” [4, tr.34-35].
Đối với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội thì vai trò của GD & ĐT lại càng đặc biệt quan trọng. Năm 1961, khi phát biểu tại Đại hội Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam lần III, Bác đã xác định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức” [10, tr.90] vì mục tiêu của GD & ĐT là hướng đến dân giàu, nước mạnh. GD&ĐT không chỉ góp phần nâng cao dân trí mà còn bồi dưỡng nhân tài, tạo ra lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, “vừa hồng, vừa chuyên”. Người học với kiến thức của mình sẽ vận dụng để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, phục vụ đồng bào và phụng sự đất nước.
Một nét nổi bật trong triết lý giáo dục Hồ Chí Minh là việc xây dựng một nền giáo dục toàn diện. Theo Người, GD & ĐT phải xác định và hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện con người cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất, và bản lĩnh chính trị. Người học không chỉ cần có kiến thức chuyên môn mà còn phải có lối sống đạo đức, khỏe mạnh và có bản lĩnh chính trị. Người khẳng định: “Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà… Nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi” [8, tr.384]. Người đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng, các phẩm chất về lòng yêu nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết và ý thức trách nhiệm với nhân dân, xem đó là nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước. Người khẳng định: “Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để: Yêu Tổ quốc: cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại.
– Yêu nhân dân: việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại.
– Yêu lao động: ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại.
– Yêu khoa học: cái gì trái với khoa học, chúng ta kiên quyết chống lại.
– Yêu đạo đức: chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xóa bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động.
Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà” [7, tr.178-179].
Quan điểm toàn diện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong lĩnh vực GD & ĐT. Người quan niệm GD & ĐT phải mang đậm bản sắc dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và văn hóa của thế giới. Bên cạnh đó, nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong triết học Mác Lênin cũng được người vận dụng sáng tạo trong quan điểm “học đi đôi với hành”. “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”[5, tr.361] và “Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa” [9, tr. 400].
Bên cạnh đó, trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn tìm thấy tâm nguyện xã hội hóa giáo dục “ai cũng được học hành”. Đây là quan điểm rất tiến bộ, nhấn mạnh đến việc tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp GD & ĐT. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh GD & ĐT là quyền cơ bản của mỗi công dân, không phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội, giàu hay nghèo, dân tộc, vùng miền. GD & ĐT không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là của toàn xã hội. Trong đó, người đặc biệt xem trọng vai trò của các thầy giáo cô giáo. “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…” [11, tr.402-403]. Người rất quan tâm đến việc phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, miền núi và nhất là đối với các dân tộc thiểu số.
Bên cạnh việc khẳng định vai trò của GD & ĐT, tư tưởng xây dựng một nền giáo dục toàn diện, toàn dân, chúng ta còn nhận thấy trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh quan điểm tiến bộ về việc tự học và giáo dục trọn đời. Việc học tập và phát triển con người không chỉ giới hạn trong một giai đoạn cụ thể mà kéo dài suốt cả cuộc đời. Con người cần học tập suốt đời để không ngừng nâng cao kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức và kỹ năng mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.
Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh không chỉ là lý luận được đúc kết từ cuộc đời thực tiễn của một danh nhân văn hóa thế giới mà luôn được hiện thực hóa trong chính sách và hành động cụ thể, suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Người. Những tư tưởng ấy đã đặt nền móng cho hệ thống giáo dục Việt Nam hiện đại. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong GD &ĐT cả nước nói chung và ở ĐBSCL hiện nay nói riêng.
3. Vận dụng triết lý giáo dục Hồ Chí Minh ở Đồng bằng sông Cửu Long
Vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh thành, đó là Cần Thơ – thành phố trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Trong những năm qua, cùng với những thành tựu chung của cả nước trong sự nghiệp GD & ĐT thì vùng ĐBSCL cũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Những năm gần đây, mạng lưới trường học từ mầm non trở lên của vùng ĐBSCL phát triển rộng khắp. Tất cả các tỉnh thành trong vùng đã rà soát quy hoạch lại hệ thống trường học phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội, phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Theo thống kê năm học 2019 – 2020, vùng ĐBSCL có tổng cộng 2002 trường mầm non phục vụ nuôi dạy 584.099 trẻ đến học; đối với các trường phụ trách giáo dục: có 5671 trường tiểu học với 1.251.886 học sinh, 1341 trường Trung học Cơ sở với 994.697 học sinh và 350 trường Trung học Phổ thông với 433.072 học sinh. Số lượng giáo viên toàn vùng là 176.173 người. Hiện nay vùng ĐBSCL có 17 trường đại học tại 10 tỉnh thành. Ngoài ra 3 tỉnh còn lại hiện có phân hiệu của những trường đại học hay đã có chủ trương đầu tư [13].
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, GD & ĐT vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều bất cập. Một vài chỉ số liên quan đến GD & ĐT của vùng chỉ đạt mức trung bình so với các vùng khác trên cả nước cả nước. Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, đặc biệt ở cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông. Số sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số/10.000 người chưa vượt quá 100, tỷ lệ này chưa bằng 50% so với tỷ lệ của cả nước nói chung [13]. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ của vùng ĐBSCL năm 2022 chiếm 94,6% chỉ xếp trên Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc.
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ phân theo địa phương
Đơn vị tính: %
Năm 2021 | Năm 2022 | |
CẢ NƯỚC | 95,69 | 96,13 |
Đồng bằng sông Hồng | 98,65 | 98,89 |
Trung du và miền núi phía Bắc | 90,60 | 91,42 |
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung | 95,98 | 96,18 |
Tây Nguyên | 91,77 | 92,71 |
Đông Nam Bộ | 97,81 | 98,19 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 93,94 | 94,60 |
(Nguồn: Tổng Cục Thống Kê)
Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 chiếm 14,53% thấp nhất cả nước.
Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo phân theo địa phương
Đơn vị tính: %
Năm 2021 | Năm 2022 | |
CẢ NƯỚC | 26,13 | 26,44 |
Đồng bằng sông Hồng | 36,96 | 37,14 |
Trung du và miền núi phía Bắc | 25,89 | 26,36 |
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung | 25,75 | 26,69 |
Tây Nguyên | 17,00 | 17,62 |
Đông Nam Bộ | 28,34 | 28,19 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 14,61 | 14,53 |
Thực trạng vấn đề nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về GD & ĐT ở ĐBSCL thời gian qua luôn được các địa phương quan tâm thực hiện hiệu quả nhằm thực hiện phương hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo ra trung tâm đào tạo đại học, sau đại học chuẩn mực có chất lượng cao; trước hết là đào tạo những giáo viên giáo dục thể chất nắm vững chuyên môn, có đạo đức và tâm huyết với nghề. Với sự nỗ lực cố gắng của tập thể giáo viên, giảng viên trong cả khu vực và sự quan tâm của các Trường, chính quyền địa phương các tỉnh. Tính hết năm 2021, dân số của 13 tỉnh ĐBSCL là 17.422.620 người (chiếm 17,7% dân số cả nước) [TCTK, 2022]. Năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của ĐBSCL là gần 9,4 triệu lao động giảm 0,94% so với năm 2020, chiếm 53,7% so với dân số của vùng… Nguồn nhân lực KH & CN của vùng ngày càng tăng trong thời gian qua là do hệ thống giáo dục đại học tại đây đã đẩy mạnh vai trò đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL [Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021)]. Vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về GD & ĐT vào nội dung, chương trình đào tạo. Các trường trong khu vực thể hiện rõ tính chính trị, tư tưởng và tính khoa học; thực hiện đúng theo phương châm bảo đảm “tính toàn diện, cơ bản, hệ thống, chuyên sâu”. Nội dung đào tạo luôn thể hiện tính định hướng chính trị, tư tưởng sâu sắc. Trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, nội dung đào tạo đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện; thường xuyên quán triệt quan điểm đổi mới giáo dục của Đảng.
Quá trình đào tạo, các trường luôn thực hiện tốt phương châm giáo dục “lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội”, nhất là thực tiễn giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay. Nhờ đó, học sinh, sinh viên và học viên không chỉ nắm chắc kiến thức lý thuyết mà còn biết vận dụng lý thuyết vào các bài tập thực hành và đề ra các sáng kiến, kinh nghiệm nâng cao chất lượng học tập. Cùng với đổi mới về nội dung đào tạo, những năm qua, các Trường trong khu vực đã tích cực và thường xuyên thực hiện đổi mới phương thức đào tạo. Những cách thức, phương pháp tổ chức đào tạo của Nhà trường đã được thực hiện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hoá, đa dạng hoá. Chính vì vậy, số lượng Trường và số lượng sinh viên ngày càng tăng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực. Cụ thể: Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2018 – 2019, hệ thống giáo dục đại học vùng ĐBSCL đã xây dựng 17 trường đại học (11 trường công lập, 6 trường dân lập, tư thục) và một số phân hệ đại học tại thành phố Cần Thơ, Bến tre và Cà Mau. Tổng số sinh viên đại học đang đào tạo là 127.379 và số sinh viên tốt nghiệp là 22.108 người. Hàng năm, các trường đại học tại vùng ĐBSCL đã cung ứng cho thị trường lao động khoảng 25.863 sinh viên đại học và 1.780 thạc sĩ, tiến sĩ KH & CN với các chuyên ngành: kinh tế, nông nghiệp, công nghệ, khoa học, môi trường….Trong đó, nổi bật nhất là vai trò của Trường Đại học Cần Thơ đã cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao với 9.307 sinh viên đại học và 918 thạc sĩ, tiến sĩ; Đại học Trà Vinh là 3.694 sinh viên đại học và 494 thạc sĩ, tiến sĩ; Đại học Đồng Tháp là 3.495 sinh viên đại học và 134 thạc sĩ, tiến sĩ [Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021)]. Đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và khu vực.
Tuy nhiên, nhiều trường học ở ĐBSCL vẫn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt là ở các vùng sâu,vùng xa. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập, làm giảm hiệu quả của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặc dù công nghệ thông tin đã phát triển nhưng hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều trường học tại vùng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng giáo viên có trình độ cao, am hiểu sâu sắc vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Chưa có mô hình vận dụng nào tiêu biểu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng GD & ĐT tại khu vực. Ngân sách dành cho GD & ĐT ở ĐBSCL còn hạn chế, không đủ để đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhận thức về tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào GD & ĐT chưa được phổ biến rộng rãi đặc biệt đối với một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhiều người còn xem nhẹ và thiếu sự quan tâm đối với việc này.
Trước những bất cập tồn tại kể trên thì việc nghiên cứu, vận dụng triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong GD & ĐT ở ĐBSCL hiện nay là vô cùng cấp thiết. Nghiên cứu và áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh có thể giúp tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế này. Việc vận dụng triết lý Hồ Chí Minh trong GD & ĐT sẽ giúp xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững ở toàn vùng.
4. Những vấn đề đặt ra đối với việc vận dụng triết lý giáo dục Hồ Chí Minh ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay
Thứ nhất, cần quán triệt và nhận thức đúng đắn về vai trò của GD & ĐT đối với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
GD & ĐT có vai trò đặc biệt quan trọng giúp con người phát triển toàn diện nhân cách, đạo đức,… cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, điều kiện tiên quyết để phát triển các ngành kinh tế. Từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế và xã hội, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, GD & ĐT đã được xác định là “quốc sách hàng đầu”, Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng xác định: “Cùng với khoa học và công nghệ, GD & ĐT đã được Đại hội VII xem là quốc sách hàng đầu. Đó là động lực thúc đẩy và điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Phải coi đầu tư cho giáo dục là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế – xã hội. Huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước”.
Để vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong GD & ĐT ở ĐBSCLhiện nay chúng ta cần quán triệt quan điểm Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. “Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt”, “Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo”, “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”…
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nơi của vùng ĐBSCL vẫn nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của GD & ĐT, từ đó việc triển khai thực hiện các chính sách, các chiến lược phát triển GD & ĐT của Đảng và Nhà nước đề ra còn chậm trễ và hiệu quả chưa cao, dẫn tới GD & ĐT chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu. Do đó cần quán triệt và nhận thức đúng đắn hơn nữa về vai trò của GD & ĐTđối với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Cần xác định việc đầu tư cho GD & ĐT là đầu tư cho sự phát triển của vùng và cả nước. Đặc biệt, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi có chủ trương chính sách đúng thì cán bộ là người quyết định. Vì thế, đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục ở vùng ĐBSCL phải quán triệt quan điểm này của Người.
Thứ hai, cần quán triệt quan điểm toàn diện, gắn phát triển số lượng với nâng cao chất lượng
Cần đổi mới toàn diện GD&ĐT vùng ĐBSCL đảm bảo phát triển bền vững của vùng như: xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển GD & ĐT tạo dài hạn, đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của người học, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy, cô giáo, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD & ĐT và tăng cường hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, cần khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, cân đối về ngành nghề đào tạo, nhất là các ngành thế mạnh của vùng ĐBSCL như nông nghiệp, thủy sản…Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để định hướng đào tạo theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Để nâng cao chất lượng GD & ĐT vùng ĐBSCL cần thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính Phủ thực hiện Nghị Quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Phát triển mạng lưới trường đại học và mở rộng các trường cao đẳng, dạy nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đầu tư, phát triển các trường đại học, cao đẳng chất lượng cao, đa ngành, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp; chú trọng các ngành khoa học về y tế, kỹ thuật, công nghệ và kinh tế số. Phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm giáo dục – đào tạo cấp quốc gia và vùng”.
Đổi mới toàn diện GD & ĐT của vùng ĐBSCL rất cần sự chung tay và hợp tác của các cơ quan quản lý, nhà trường, các thầy giáo cô giáo, học sinh và toàn xã hội.
Thứ ba, cần quán triệt quan điểm giáo dục toàn dân, xã hội hóa giáo dục và giáo dục trọn đời.
Một thực tế ở vùng ĐBSCLcòn nhiều bất cập trong GD & ĐT là tình trạng bỏ học, tỷ lệ mù chữ tương đối cao so với các vùng miền khác trên cả nước, nhất là đối với nhóm học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số nên cần quán triệt quan điểm giáo dục toàn dân, xã hội hóa trong GD & ĐT củavùng. Cần tập trung thực hiện công bằng xã hội về GD & ĐT đặc biệt là nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn của vùng ĐBSCL như người Khmer, người Chăm. Các tỉnh thành trong vùng cần ưu tiên xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, rà soát quy hoạch mạng lưới, quy mô thích hợp phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường dạy chữ và văn hóa Khmer…[Lê Quốc Lý, 2016: 295-260]. Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo chí và mạng xã hội để tuyên truyền về tầm quan trọng của giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục cộng đồng; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục, bao gồm xây dựng và nâng cấp trường học, trang thiết bị dạy học và công nghệ thông tin, hỗ trợ tài chính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua học bổng, miễn giảm học phí và các chương trình hỗ trợ khác…
Bên cạnh đó, cần thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trong vùng đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa để tạo điền kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, phát huy công bằng xã hội.
Thứ tư, sự cần thiết của việc xây dựng cơ chế và chính sách đặc thù về GD & ĐT cho vùng ĐBSCL
Xây dựng cơ chế và chính sách đặc thù về GD & ĐT cho vùng ĐBSCL là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết các vấn đề bất cập, thúc đẩy sự phát triển bền vững GD & ĐT của vùng. Với việc xây dựng các cơ chế và chính sách đặc thù, nền GD & ĐT ở vùng này sẽ được nâng cao, theo kịp với các vùng miền khác trên cả nước.
Một số chính sách cần được quan tâm như: miễn, giảm học phí, chính sách đặc thù về tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1 ven sông, cấp học bổng và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số, chính sách đặc thù về phát triển hệ thống trường nghề, chính sách với học nghề… thành lập đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia cho vùng ĐBSCL [Trung tâm Truyền thông giáo dục, 2023].
Cần lưu ý tới phát triển giáo viên là người dân tộc thiểu số, với một cơ cấu hợp lý; đồng thời, đề xuất để có đề án kiên cố hóa trường lớp mới, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cho giáo dục. Cần có chính sách và chế độ đãi ngộ phù hợp với đội ngũ nhà giáo, chủ thể của quá trình đào tạo. Đặc biệt là chính sách thu hút nhân tài, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đến làm việc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ưu tiên đầu tư nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu giáo dục của vùng.
5. Kết luận
Việc nghiên cứu, vận dụng triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong GD & ĐT ở ĐBSCL hiện nay đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Đòi hỏi phải hiểu biết sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là quan điểm về GD & ĐT, nắm vững những nguyên tắc cốt lõi, mang tính chất định hướng cho nền GD & ĐT Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Đó là GD & ĐT là nền tảng của sự phát triển xã hội, giáo dục toàn diện, giáo dục và đào tạo cho mọi người và một xã hội học tập liên tục, không ngừng phát triển.
Những vấn đề đặt ra đối với việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục và đào tạo ở ĐBSCL hiện nay, đó là cần quán triệt và nhận thức đúng đắn về vai trò của GD & ĐT đối với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung; cần quán triệt quan điểm toàn diện, gắn phát triển số lượng và nâng cao chất lượng trong GD & ĐT của vùng; cần quán triệt quan điểm giáo dục toàn dân, xã hội hóa giáo dục và giáo dục trọn đời; sự cần thiết của việc xây dựng cơ chế và chính sách đặc thù về GD & ĐT cho vùng ĐBSCL. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội ở từng địa phương./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021): Báo cáo nguồn nhân lực Việt Nam.
2. Lê Quốc Lý (chủ biên) (2016): Chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.
3. Lương Công Lý (chủ biên) (2016): Phát huy vai trò của giáo dục – đào tạo với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.6, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.8, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
7. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.9, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
8. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
9. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
10. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.13, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
11. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.14, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
12. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn (2015), Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển bền vững giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Thành phố Hồ Chí Minh. 13. Trung tâm Truyền thông giáo dục, Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8417.