NHỮNG RÀO CẢN TRONG VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY TRIẾT HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

TS. Nguyễn Duy Cường

Đại học Quốc gia Hà Nội

Kính thưa Quý ông, Quý bà lãnh đạo Liên đoàn quốc tế các hội triết học!

Thưa các bạn đồng nghiệp!

Tôi xin kính gửi tới toàn thể Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXV lời cảm ơn chân thành đã mời chúng tôi tham dự sự kiện quan trọng này với chủ đề Triết học vượt qua các khó khăn. Chúng tôi tới đây trước hết để tìm hiểu, tiếp thu, lắng nghe và học tập những nội dung mà các nhà triết học thế giới trình bày, đồng thời chúng tôi cũng giãi bày một số ý kiến của chúng tôi về những rào cản trong việc nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam hiện nay, để các bạn đồng nghiệp tham vấn và tận tình giúp đỡ chúng tôi.

Kính thưa toàn thể Đại hội, Tổ quốc chúng tôi đã trải qua cả ngàn năm binh lửa, chiến đấu quật cường, anh dũng hy sinh vô bờ bến mới giành được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cách nay mới gần nửa thế kỷ. Hàng ngàn năm đã qua với triết lý đoàn kết cộng đồng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, quyết tâm gìn giữ độc lập dân tộc, mang lại tự do, hòa bình và thống nhất giang sơn về một mối. Và cũng với triết lý đại đoàn kết, không có gì quý hơn độc lập tự do đó, sau khi giành lại non sông liền một dải, chúng tôi đã bắt tay ngay vào khôi phục và xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Sau hàng ngàn năm đấu tranh vô cùng gian nan cực khổ, mục tiêu mà nhân dân chúng tôi đặt ra không chỉ là độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào riêng mình, mà còn là hòa bình cho nhân loại. Mục tiêu trước mắt và lâu dài của chúng tôi là đất nước được xây dựng hùng cường; nhân dân được ấm no, giàu có; xã hội công bằng, có đời sống dân chủ thực sự; và phấn đấu trở thành một nước văn minh ngang tầm với nhiều nước văn minh khác của nhân loại. Với số dân trên một tram triệu người, Việt Nam đã thành lập hàng trăm trường đại học. Dù là loại hình trường đại học nào thì tất cả các trường đều tiến hành nghiên cứu và giảng dạy những cơ sở nền tảng của triết học tiếp biến, thu nhận nhằm tạo lập cho được một lý luận triết học phục vụ đắc lực mục tiêu xây dựng nước Việt Nam thống nhất, độc lập, tự do, dân giàu; Tổ quốc hùng mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, kỷ cương, xứng đáng bước vào hàng ngũ các nước văn minh. Đối với chúng tôi hiện nay, đây là nhiệm vụ cực kỳ to lớn và khó khăn.

Mọi người Việt Nam đều hiểu rằng, giai đoạn mình đang sống, lao động và học tập hiện nay, có lẽ là thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử nhân loại. Những vấn đề hòa bình và chiến tranh, những vấn đề chế độ chính trị và nhân quyền, sự giàu có và đói nghèo, an ninh môi trường và thời đại chuyển đổi số … đang từng ngày lay động con tim, khối óc hàng triệu người, trong đó có những nhà triết học. Vài thập kỷ gần đây, các đại hội, hội nghị triết học chuyên đề thế giới đã quan tâm sâu sắc tới mối tương quan giữa truyền thống và hiện đại, các vấn đề quyền con người và hệ vấn đề về số phận mỗi dân tộc… Tất cả chúng đã được đặt ra và thảo luận ở nhiều đại hội triết học trước đây mà chúng tôi chưa được tham dự; ngay cả những vấn đề thật sự lớn lao về sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội đã được nhiều nhà triết học thế giới đưa tin rất sớm. Không ít nhà triết học nổi tiếng đã phát hiện ra các cách thức phát triển xã hội sai lầm, không theo quy luật khi nó chủ trương hi sinh hiện thực cho lý tưởng, hi sinh hôm nay vì ngày mai, hi sinh cá nhân cho tập thể. Nhiều nhà triết học khi đó đã phê phán chủ nghĩa cực quyền và cổ vũ chế độ pháp quyền trong một xã hội dân chủ. Có thể nói, hoạt động triết học thế giới trong thế kỷ XX và hơn hai thập niên đầu thế kỷ XXI vừa qua cực kỳ phong phú và sôi động. Nhiều học thuyết đã xuất hiện từ sự phát triển mau chóng của đời sống xã hội và những học thuyết này không hề nhất thành bất biến mà thay đổi rất sinh động kế tiếp lẫn nhau, cách tân và có tính cách mạng.

Một làn sóng duy vật đã hình thành ở nửa sau thế kỷ XX, hiện nay trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, các phong trào xã hội phát triển cả chiều sâu và chiều rộng, nó đang tích cực khám phá những con đường mới cho triết học tiếp tục vận động tiến lên về phía trước. Triết học của nhân loại trong vòng mấy chục năm trở lại đây đang ra sức làm phong phú và xác lập một hệ phương pháp mới, xây dựng một hệ thống khái niệm, phạm trù sâu rộng, tinh vi, khái quát và phản ánh đúng quy luật phát triển của đời sống, đi sâu vào nội tâm, tâm linh của con người, và dự báo sự xuất hiện của một nền văn minh mới.

Rào cản thứ nhất. Trước sự phát triển như vũ bão của triết học thế giới như vậy, chúng tôi đang vấp phải những khó khăn về trình độ tri thức, về thông tin, về tổ chức nghiên cứu và giảng dạy triết học ở ngay các viện nghiên cứu, các trường đại học và cả ở việc đào tạo các nhà triết học có trình độ trên đại học. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để tiếp thu, để hòa nhập vào các kênh thông tin chân xác và mạnh mẽ, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau mà không ít thành quả triết học của nhân loại chúng tôi vẫn chưa thể cập nhật, vẫn chưa đưa kịp vào hệ thống giáo dục và nghiên cứu triết học của chúng tôi. Đó là một rào cản lớn trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam hiện nay.

Rào cản thứ hai trong nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam hiện naylà vấn đề kiểm soát nguồn thông tin toàn quốc và toàn cầu. Nhiều người làm công tác triết học ở Việt Nam đang cố gắng hết sức mình để xây dựng một hệ thống lý luận nền tảng của con đường làm cho nhân dân giàu có, đất nước hùng mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Họ đang học tập, tìm tòi nghiên cứu các triết thuyết phù hợp với sự phát triển thực tế ở Việt Nam. Một số nhà lý luận triết học đã công bố những tư tưởng quan trọng và tiến bộ về việc làm cho đất nước chúng tôi được phát triển đàng hoàng hơn, to đẹp hơn thì ở đâu đó trên các mạng thông tin xuất hiện rất nhiều những phản biện. Có những lời khen, có những lời góp ý, bổ sung; nhưng cũng không ít những ý kiến phản ứng gay gắt mang tính thiếu xây dựng hoặc xuyên tạc những luận điểm triết học quan trọng làm nền tảng cơ bản cho sự phát triển đất nước chúng tôi. Các khái niệm, các tư tưởng triết học có tính thế giới quan sâu rộng. Các phạm trù, khái niệm mới của tư duy lý luận phản ánh những thành tựu khoa học mới của đất nước, của nhân loại và chúng được suy tưởng trên các hình thức logic có tính hệ thống chặt chẽ, chứa đựng các lớp tin đa tầng bậc. Khi những ý kiến xuyên tạc, bịa đặt chống lại các tư tưởng triết học nền tảng phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, thì những ý kiến, quan điểm đó đã dựa trên những hệ chuẩn khác, một hiện thực khác và cả những tư tưởng một nền văn minh khác. Hệ vấn đề của nền văn minh, theo chúng tôi, không hề trùng khít lên hệ vấn đề của các khoa học triết học. Trong mỗi tổ chức xã hội của nền văn minh vẫn có các mâu thuẫn, có các lực điều hòa. Nhiều nhà triết học hiện nay đã lấy các chuẩn mực, các thước đo của nền văn minh nào đó để phê phán những tư tưởng triết học của một dân tộc nào đó là hoàn toàn không công bằng. Thực tế rất nhiều vấn đề triết học về môi trường, về sinh học xã hội, về hòa bình và phát triển chỉ có thể giải quyết trên tầm toàn nhân loại có ý nghĩa toàn cầu, nhưng đồng thời vẫn phải được giải quyết thỏa đáng ở tầm châu lục, tầm quốc gia-dân tộc. Vì lý do ấy, các nhà triết học tiên phong, tiến bộ cần tham gia vào việc kiểm soát các thông tin, các chuẩn mực giá trị triết học để chặn đứng những đả kích vô lối mang nhiều tính kích động làm mất ổn định xã hội ở một nước nào nó, ở một thời điểm nào đó.

Trên đất nước chúng tôi, các hoạt động triết học vừa gắn với các chuẩn mực lành mạnh, đúng đắn và tiến bộ có tính chất toàn cầu, đồng thời các hoạt động ấy không hề tách khỏi các hệ tư tưởng, các thế giới quan khác nhau và cả những truyền thống triết lý của dân tộc. Trong thời đại tin học hiện nay, thông tin rõ ràng là một hệ thống đa chiều. Nguồn tin, cơ chế phát tin có ảnh hưởng to lớn đến bản chất của các hoạt động triết học ở mỗi dân tộc. Triết học có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, có các phạm trù, khái niệm bao quát, có cả những dự báo tương lai. Nhiều người đã lợi dụng điều này để cản trở rất nhiều tư tưởng triết học của không ít các dân tộc đang vươn lên xây dựng đất nước mình. Vì lý do đó, chúng tôi nghĩ rằng trên lĩnh vực triết học, trong thời đại thông tin này chúng ta cần xây dựng những nguyên tắc cơ bản để cổ vũ cho các hoạt động triết học đúng đắn phát triển.

Rào cản thứ ba mà đã mấy chục năm qua chúng tôi giải quyết quá chậm chạp để phát triển triết học và đóng góp thêm các giá trị của mình vào triết học quốc tế là đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy triết học của chúng tôi quá mỏng mặc dù chúng tôi đã có vài trăm trường đại học mà trường nào cũng giảng dạy và nghiên cứu triết học. Sau những năm tháng chiến đấu quyết liệt và vô cùng gian khổ, gần nửa thế kỷ vừa qua chúng tôi đã toàn tâm toàn lực cùng với sự giúp đỡ tận tình của nhiều nước trên thế giới đã khắc phục những mất mát, những tàn phá của các cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử 4000 năm của dân tộc. Với khẩu hiệu biến chiến trường thành thương trường, đoàn kết và làm bạn với nhân dân toàn thế giới, chúng tôi đã tập trung toàn bộ sức người, sức của để xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Nhận thức rất rõ vai trò của triết học trong việc khôi phục lại đất nước, chúng tôi đã cố gắng xây dựng một đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy triết học để góp phần đưa đất nước vượt lên.

Tuy nhiên, ý đồ thì rõ ràng nhưng thực hiện được ý đồ ấy là cả một chặng đường gian nan lâu dài. Hàng loạt vấn đề triết học lớn đã và đang trải ra trước mắt chúng tôi: nào nghiên cứu lại lịch sử triết học của dân tộc mình và của thế giới; nào cần gấp gáp tiếp cận được những thành tựu triết học mới của loài người; nào hãy tập trung xây dựng ngay một kho dữ liệu thông tin triết học mạnh có thể truy cập nhanh để không lạc hậu với sự phát triển như vũ bão của thời đại. Được như vậy mới có thể hy vọng rút ngắn khoảng cách triết học giữa chúng tôi với nền văn minh nhân loại, không thì đó mãi chỉ là khát vọng chưa thể thực hiện được.

Mỗi năm các trường đại học của chúng tôi đào tạo được một đội ngũ làm triết học khá hùng hậu. Tuy nhiên, việc sử dụng đội ngũ này vào nghiên cứu triết học lại chưa phải là hiệu quả, tối ưu nhất. Có quá ít những cơ sở tiếp nhận sinh viên mới tốt nghiệp. Rất nhiều sinh viên không có việc làm phù hợp ngành nghề mình được đào tạo vì thế không thể tập hợp họ lại để thực hiện các nghiên cứu triết học. Khác với nhiều quốc gia khác, nghiên cứu và giảng dạy triết học phần nhiều mang tính cá nhân rất cao. Ở đất nước chúng tôi việc nghiên cứu và giảng dạy triết học vẫn mang tính nhà nước là chính, nó chưa có một cơ chế hoạt động riêng tư, độc lập, tự chủ. Nhiều năm trước đây cùng với việc nghiên cứu và giảng dạy triết học theo hệ thống công, chúng tôi đã đề xuất cơ chế phát huy khả năng độc lập, tự nghiên cứu và giảng dạy triết học của những cá nhân có năng lực tư duy tốt và bản lĩnh chính trị – tư tưởng vững vàng. Tuy nhiên, trong cơ chế kinh tế thị trường của chúng tôi, nhu cầu tiếp thu triết học của xã hội rất ít, do đó việc nghiên cứu và giảng dạy triết học theo sở thích cá nhân đã không được thực hiện. Vì thế sự phát triển triết học rộng rãi và và thuần lý khá khó phát triển.

Thực tế trong cơ chế thị trường hiện nay, nhu cầu tìm hiểu, tiêu dùng triết học không cao và tiền công lao động triết học cũng rất khiêm tốn. Vì lý do ấy, rất ít người say mê nghiên cứu triết học so với các hình thức sản xuất tinh thần khác. Nếu lao động nghiên cứu triết học năm năm hoặc mười năm mới có một sản phẩm triết học thì nhiều lĩnh vực sản xuất tinh thần nhẹ nhàng hơn, ngắn hơn như âm nhạc chẳng hạn thì thu nhập từ sản phẩm âm nhạc cao gấp trăm lần so với sản xuất triết học, vì thế rất ít người dám dấn thân sản xuất triết học.

Hội triết học ở Việt Nam cũng đang xây dựng chương trình nghiên cứu và tổ chức các hội thảo về một số vấn đề cấp bách trong việc xây dựng nền tảng triết học cho sự phát triển đất nước. Muốn như vậy phải đầu tư về mặt trí tuệ, một mặt phải thông hiểu những sáng tạo rất cao, rất mới của ngành triết học đã đành mà còn phải nhận thức sâu về thời đại chuyển đổi số, trí thông minh nhân tạo và nguồn lực tài chính. Và Hội chúng tôi đang nỗ lực làm việc theo hướng này để hiện thực khát vọng cống hiến và thực hiện trách nhiệm xã hội của những người nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam.

Tới dự hội nghị triết học thế giới lần này, chúng tôi hy vọng mình sẽ tìm hiểu và tiếp thu được nhiều kinh nghiệm mới, sáng kiến hay để góp phần vào nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy kết hợp ở Việt Nam hiện nay.

Bài liên quan

Bài đăng mới