1. Mở đầu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta di sản tinh thần hết sức quý báu, trong đó tư tưởng của Người về tự học và học tập suốt đời có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp giáo dục cũng như đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập (ngày 6/5/1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất. Khẩu hiệu “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” treo trong phòng họp chính là của Khổng Tử. Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học” [9, tr.356].
Tiếp tục tinh thần đó, tại Lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam (ngày 21/7/1956) Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” [10, tr.377]. Không “học” và không “hành” thì chúng ta sẽ tự đào thải mình, tự mình tách khỏi tiến trình vận động, phát triển của xã hội.
2. Nội dung
2.1 Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học và học tập suốt đời
Sự cần thiết của việc tự học và học suốt đời.
Phép biện chứng duy vật khẳng định: vận động là một quá trình tự thân. Quá trình đó không do ai tạo ra và cũng không mất đi. Đó là kết quả của sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các sự vật hay giữa các yếu tố cấu thành chúng. Trong sự vận động đa dạng, phong phú đó, những hình thức vận động nào có xu hướng đi từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn thì đó chính là sự phát triển. Nói cách khác, muốn phát triển thì phải có vận động, trong đó “tự vận động” là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Vận dụng quan điểm đó vào giáo dục thì “tự học”, “tự giáo dục” được coi là nhân tố quan trọng nhất, có ảnh hưởng trực tiếp thậm chí là quyết định đến kết quả học tập.
Một trong những bài học lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta đó là ý chí, là nghị lực, là tinh thần tự học, tự vượt qua chính mình và hoàn cảnh để vươn lên, để phát triển, để cống hiến cho cách mạng, cho nhân dân; để thực hiện ham muốn tột bậc là: “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [8, tr.187].
Với phong cách diễn đạt giản dị, cụ thể, thiết thực, ngắn gọn, cô đọng, hàm súc với lượng thông tin cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tự học là “tự động học tập” [9, tr.360] – tức là tự mình lựa chọn hình thức, phương pháp, thời gian học tập sao cho phù hợp và có hiệu quả nhất. Người giải thích: “Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú” [8, tr.44]. Người dạy: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học / Học tập ở trường của Đoàn thể không phải như học ở các trường lối cũ, không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập” [9, tr.360]. Điều quan trọng nhất trong “tự động học tập” – theo Hồ Chí Minh – là phải tự nguyện tự giác, phải tự lực, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ, mạnh dạn đề xuất vấn đề và thảo luận cho thông suốt, nếu không thì việc tự học sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Cùng với những chỉ dẫn sâu sắc về “tự học”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho chúng ta những chỉ dẫn hết sức quý báu về tinh thần “học tập suốt đời”. Đây là một trong những tư tưởng giáo dục mang tầm thời đại của Hồ Chí Minh. Với tư cách là lãnh tụ cách mạng, là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Người yêu cầu “mỗi đảng viên phải tích cực học tập. Phải thực hiện lời dạy của Lênin là học, học nữa, học mãi”. Người nói tiếp “có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học (tác giả nhấn mạnh), còn phải hoạt động cách mạng” [14, tr.113].
Từ nhiệm vụ mà V.I. Lênin đặt ra cho bộ máy nhà nước: “một là học tập, hai là học tập nữa, ba là học tập mãi” [7, tr.444] hay chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta phải học … suốt đời. Còn sống thì còn phải học” cho thấy “sự học” không có điểm dừng, không có trang cuối. “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn” [9, tr.361].
Nhờ “học ở sách vở, học lẫn nhau” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận được với chủ nghĩa Mác – Lênin. Vào tháng 7 năm 1920, thông qua một người bạn mà Nguyễn Ái Quốc đã được đọc toàn văn “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanite) của Đảng Xã hội Pháp (số ra ngày 16 và 17/7/1920). Với bản Luận cương này, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mình cũng như cho tất cả “đồng bào bị đọa đày đau khổ”. Thời khắc lịch sử ấy theo suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Bốn mươi năm sau ngày đọc Luận cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chưa hết bồi hồi, xúc động. Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”“ [12, tr.562].
Tư tưởng về tự học và học tập suốt đời chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này được cắt nghĩa bởi mấy lý do chính sau đây: Một, học tập vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mọi người. Do đó phải “xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được” [11, tr.98]. Mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Hai, tự học và học tập suốt đời giúp không ngừng nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt để xây dựng xã hội mới. Không học tập, không có tri thức về tự nhiên và xã hội thì mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa của chúng ta không thể thực hiện được. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác – Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày… Học đi đôi với hành. Lênin có nói: “Không học thì không thể trở thành người cộng sản” [13, tr.90]. Ba, tự học và học tập suốt đời sẽ góp phần hoàn thiện bản thân mỗi một con người, tạo nên sự gắn kết xã hội và sự phát triển kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội [12, tr.266].
Về mục đích, động cơ tự học và học tập suốt đời. Hoạt động của con người nói chung, hoạt động học tập nói riêng bao giờ cũng là hoạt động có ý thức, được chỉ đạo bởi ý thức. Đây là một trong những điểm khác nhau hết sức căn bản giữa lịch sử tự nhiên với lịch sử xã hội loài người. Ph. Ăngghen viết: “trong lịch sử xã hội, nhân tố hoạt động hoàn toàn chỉ là những con người có ý thức, hành động có suy nghĩ hay có nhiệt tình và theo đuổi những mục đích nhất định, thì không có gì xảy ra mà lại không có ý định tự giác, không có mục đích mong muốn” [6, tr.435].
Nói cách khác, trước khi tiến hành một loại hoạt động nào đó, con người đã xác định rõ mục đích của hoạt động đó là gì, kết quả của nó sẽ ra sao, hoạt động đó có ý nghĩa gì đối với sự tồn tại và phát triển của con người v.v. Cũng như mọi hoạt động khác, trước khi tiến hành hoạt động học tập, con người luôn luôn phải xác định được mục đích, động cơ học tập. Học để làm gì, học cho ai, học như thế nào v.v. Đây chính là điều kiện, là tiền đề để nâng cao chất lượng học tập, để hoạt động học tập đạt kết quả cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ mục đích, động cơ của hoạt động học tập của chúng ta là: “để làm việc, làm người, làm cán bộ / Học để phụng sự Đoàn thể / giai cấp và nhân dân / Tổ quốc và nhân loại” [9. Tr.208], chứ không phải học để “làm quan phát tài”; để mưu cầu lợi ích, danh vọng cho cá nhân. Ph.Ăngghen từng nói: “Nếu như con người chỉ chăm lo đến bản thân mình thì lòng mong muốn hạnh phúc của họ chỉ được thỏa mãn trong những trường hợp rất hãn hữu và hoàn toàn không có lợi cho họ hay cho người khác” [6, tr.423]. Do đó mục đích học tập của chúng ta là “a) … để sửa chữa tư tưởng … b) Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng: Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tuỵ với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn. c) Học để tin tưởng: Tin tưởng vào Đoàn thể. Tin tưởng vào nhân dân. Tin tưởng vào tương lai của dân tộc…d) Học để hành: Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” [9, tr.360 – 361].
Về nội dung, phương pháp tự học và học suốt đời. Theo Hồ Chí Minh, để có đủ tri thức xây dựng xã hội mới đòi hỏi mọi công dân, mọi cán bộ đảng viên phải ra sức học tập văn hóa, khoa học kỹ thuật, lý luận chính trị. “Nếu không học tập văn hoá, không có trình độ văn hoá thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hoá, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi” [10, tr.384].
Để nâng cao hiệu quả học tập, đòi hỏi phải có phương pháp học tập khoa học; “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ” [11, tr.98]. Đặc biệt phải chú ý vận dụng có hiệu quả “Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế… Học phải đi đôi với hành, chứ không phải học để nói suông” [14, 116].
Hồ chí Minh không chỉ để lại cho chúng ta những chỉ dẫn hết sức phong phú và sâu sắc về tinh thần tự học và học tập suốt đời mà Người còn là tấm gương sáng, là kiểu mẫu của tinh thần tự học và học tập suốt đời. Ngay từ khi bước chân ra đi tìm đường cứu nước, rời bến cảng Nhà Rồng trên con tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latouche Tréville), với thân phận người đầu bếp mang tên Văn Ba, Nguyễn Tất Thành đã luôn luôn nêu cao ý thức tự học. Người đã tranh thủ mọi lúc, mọi nơi cho phép để đọc sách, báo và học tiếng nước ngoài. Một thuỷ thủ cùng đi trong chuyến tàu đó kể lại: “Mỗi ngày, chín giờ tối, công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm” [17]. Lời kể trên của người thủy thủ là sự ghi nhận ý thức tự học, tự phấn đấu vươn lên của người thanh niên yêu nước Văn Ba.
Để có được khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, như tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga. Trên thực tế Người còn biết thêm một số ngôn ngữ khác, như tiếng Xiêm (Thái Lan), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập … [15], thì ngoài trí thông minh, Người còn phải có quyết tâm cao; ý chí, nghị lực phi thường, không ngại khó khăn, gian khổ dám vượt qua hoàn cảnh và vượt qua chính mình để đạt được mục tiêu đã đề ra. Hồ Chí Minh đã thực hiện đúng điều C. Mác từng nói: “Không có con đường cái quan nào ở trong khoa học cả, và chỉ những người nào không sợ chồn chân mỏi gối trèo lên những con đường nhỏ bé gập ghềnh của nó thì mới hy vọng đạt tới đỉnh cao xán lạn của khoa học mà thôi” [5, tr.39].
Không chỉ tự học các ngôn ngữ khác nhau, học viết báo mà Hồ Chí Minh còn tự học nhiều nghề để kiếm sống và hoạt động cách mạng. Từ việc học và trở thành thợ làm bánh ở khách sạn Carlton, London (cuối năm 1913) đến thợ ảnh, vẽ chao đèn, vẽ đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa vào những năm 1922-1923 ở Pháp; Từ việc học làm phiên dịch, phóng viên, bán báo … ở Quảng Châu Trung Quốc những năm 1924-1927 đến học nghề và làm nghề bốc thuốc, đi buôn ở Thái Lan những năm 1928-1929 … [18].
Có thể khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng, là kiểu mẫu của tinh thần tự học, tự vươn lên, tự vượt qua chính mình và hoàn cảnh để đạt mục đích cao cả: tìm con đường cứu nước cứu dân, con đường giải phóng dân tộc. Học tập và làm theo tấm gương “tự học” của Người mỗi một chúng ta: “Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập” [11, tr.98].
Những chỉ dẫn hết sức quý báu, khoa học của Hồ Chí Minh về “tự học” và “học suốt đời” có ý nghĩa hết sức to lớn đối với chúng ta trong việc tích lũy tri thức khoa học, tri thức kinh nghiệm và chuyển hóa chúng thành “tri thức ngầm” [16] – loại hình tri thức được thu nhận, chọn lọc, sắp xếp, lưu giữ và được đưa vào sử dụng thông qua cơ chế vận hành của hệ thần kinh trung ương và não bộ nhằm biến đổi hiện thực khách quan một cách tự giác và theo một mục đích mong muốn. Khi mà “tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp” (C. Mác), “khoa học trở thành động lực của lịch sử” (Ph. Ăngghen) thì ý nghĩa của những chỉ dẫn về “tự học” và “học tập suốt đời” của Hồ Chí Minh càng to lớn hơn bao giờ hết.
Tư tưởng học tập suốt đời của Hồ Chí Minh mang tầm vóc thời đại. Nhất là trong bối cảnh chu kì thay đổi về khoa học – công nghệ ngày càng rút ngắn; nhu cầu hiểu biết của người dân ngày càng cao, thì nhu cầu học tập suốt đời là một nhu cầu tất yếu của mọi người. Năm 2022, Viện Học tập Suốt đời của UNESCO – UIL (UNESCO Institute for Lifelong Learning) kỷ niệm 70 năm thành lập. Trong bảy thập kỷ qua, UIL đã thành công trong việc hỗ trợ cho các quốc gia thành viên phát triển các chính sách và thực hành để cung cấp cho mọi người cơ hội học tập suốt đời. Nhất là cải thiện việc xóa mù khắp toàn cầu, đảm bảo giáo dục chất lượng cho người trưởng thành [19]. Kết quả này đã góp phần to lớn thúc đẩy tiến bộ xã hội một cách bền vững hơn.
2.4. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học và học tập suốt đời vào xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam hiện nay
Kế thừa truyền thống hiếu học của dân tộc, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học và học tập suốt đời, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển giáo dục và đào tạo, coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”.
Để giáo dục và đào tạo thực sự trở thành “quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” [4, tr.136]; là một trong những nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; để “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân” [2, tr.121], trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó vấn đề “tự học” và “học tập suốt đời” là những chủ trương lớn có tính nhất quán.
Một trong những định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Hội nghị Trung ương hai, Khóa VIII đề ra, là: “Giáo dục – đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời. Phê phán thói lười học. Mọi người chăm lo cho giáo dục” [1, tr.30]. Đây là định hướng chiến lược có ý nghĩa xuyên suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, của “xã hội học tập” với bốn trụ cột giáo dục của thế kỷ 21 do UNESCO đề xuất: Học để biết; học để làm; học để cùng chung sống; học để làm người.
Tiếp tục tinh thần Hội nghị Trung ương hai, Khóa VIII, tại hội nghị Trung ương tám, Khóa XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 4/11/2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó coi trọng việc “tự học”, “thực học”. Hội nghị chủ trương: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học […]. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc” [2, tr.120 – 122]. Đây là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “học tập suốt đời” trong xu thế “xã hội học tập” hiện nay của thế giới.
Để khơi dậy ý thức “tự động học tập” [9, tr.360]; để thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta phải học … suốt đời. Còn sống thì còn phải học”, tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta chủ trương “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân … Đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời” [4, tr.137].
Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đề xây dựng xã hội học tập, ngày 30/7/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” với quan điểm chỉ đạo: “Tiếp tục xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển, đồng thời gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục… Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu” [21].
Để xây dựng xã hội học tập, ngoài việc gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, Đề án còn nhấn mạnh việc nhân rộng các mô hình xã hội học tập: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” theo hướng thiết thực, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đây là một Đề án mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học và học tập suốt đời của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cũng còn nhiều bất cập, hạn chế: từ việc xác định thái độ, mục đích, động cơ học tập đến việc lựa chọn nội dung, phương pháp… Nghị quyết số 29 – NQ/TW (ngày 4/11/2013) Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo… đánh giá: “Mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện thực đúng. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp… chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn. Tư duy bao cấp còn nặng, làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo” [2, tr.118]. Đặc biệt tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với biểu hiện “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” [3, tr.22] của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp. Điều này có ảnh hưởng không tốt đến phát huy tinh thần tự học tập, học tập suốt đời cũng như xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam hiện nay.
Để khắc phục tình trạng trên đòi hỏi mọi người dân, trước hết là cán bộ, đảng viên phải “thực hiện thường xuyên, sâu, rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị” [4, tr.183] theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
3. Kết luận
Trong di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, những chỉ dẫn của Người về “tự học” và “học tập suốt đời” có ý nghĩa hết sức to lớn và vô cùng sâu sắc, góp phần khơi dậy và thúc đẩy ý thức “tự động học tập” (lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong toàn xã hội. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “tự học” và “học tập suốt đời”, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề ra nhiều phương án, giải pháp để “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời” góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài vì sự phát triển bền vững của đất nước.
TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai