ARISTOTE (ARIXTỐT) (384-322 TCN), nhà triết học và tự nhiên học Hy Lạp cổ đại; học trò của Plato (427-347 TCN) trong suốt 20 năm và thầy dạy của Alexander Đại đế; người sáng lập ra logic hình thức; “nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại” (C. Mác).
ARISTOTE sinh năm 384 TCN tại thành phố nhỏ Stagira, vùng Macedonia đông bắc Hy Lạp (danh xưng ARISTOTE thành Stagira). Năm 17 tuổi, ông được gửi đến Athens để theo học tại Học viện của Plato. Khi Plato qua đời năm 347 TCN, ARISTOTE đến Assos, thuộc Tiểu Á, phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ở đó, ông hoạt động triết học và nghiên cứu các sinh vật biển. Ba năm sau, ông lại chuyển đến đảo Lesbos gần đó tiếp tục nghiên cứu triết học cùng với Theophrastus, triết gia người Lesbos. Năm 343 TCN, theo yêu cầu của Quốc vương Philippos II xứ Macedonia, ARISTOTE rời Lesbos đến Pella, thủ đô của Macedonian dạy học cho Thái tử Alexander mười ba tuổi, con trai của nhà vua khoảng ba năm. Alexander về sau trở thành Alexander Đại đế nổi tiếng. Vào năm 335 TCN, ARISTOTE trở lại Athens. Tại đây, ông đã lập trường mang tên Lyceum (Λύκειον) nổi tiếng. Các học viên của Lyceum đã học tập và nghiên cứu hầu hết các lĩnh vực mà về sau trở thành các phân ngành khoa học từ tự nhiên tới chính trị xã hội và nghệ thuật. Với các tri thức phong phú này, Lyceum đã thu thập các bản thảo tập hợp thành một thư viện lớn đầu tiên ở thời cổ đại. Sau mười ba năm ở Athens, năm 323 TCN ARISTOTE rời khỏi thành phố đến Chalcis, trên đảo Euboea ngoài khơi bờ biển Attic, và ông qua đời ở đó vào năm 322 TCN.
Di sản của ARISTOTE
Di sản của ARISTOTE được cho là có khoảng hơn 200 tác phẩm về nhiều lĩnh vực (theo cách phân loại hiện đại): siêu hình học, logic học, đạo đức học, mỹ học, triết học tinh thần, chính trị học, lý thuyết hùng biện (Rhetoric) và cả sinh học; trong số đó chỉ còn lại đến ngày nay 31 tác phẩm nhờ được tập hợp lại trong “Corpus Aristotelicum” vào thời Trung cổ.
Tác phẩm của ARISTOTE được chính ông phân loại thành “khoa học” (Epistêmai) gồm: (1) lý thuyết, (2) thực hành, và “thơ” (nghệ thuật). Trong đó, ông coi các khoa học lý thuyết bao gồm vật lý, toán học và “triết học đầu tiên” (cũng là “triết học thần học”, sau này được gọi là “siêu hình học”). “Khoa học thực hành” bao gồm đạo đức và chính trị (cũng là khoa học về nhà nước) liên quan đến ứng xử và điều tốt trong hoạt động cá nhân và xã hội; mục đích khoa học thực hành là tạo ra cái đẹp hay cái có ích. Các nghiên cứu của ARISTOTE về logic học được các học giả thời Trung cổ sắp xếp trong nhóm Organon (ARISTOTE không dùng thuật ngữ này). Organon đề cập đến logic và lập luận, lý thuyết phạm trù, mệnh đề và thuật ngữ, cấu trúc của lý thuyết khoa học và các nguyên tắc của nhận thức luận.
Căn cứ vào 31 tác phẩm còn lại, người ta chia nội dung tư tưởng ARISTOTE gồm: 1) Hiện tượng học và phương pháp tiếp thu nhiều ý kiến (Phenomena and the Endoxic Method); 2) Logic học, khoa học và phép biện chứng; 3) Chủ nghĩa bản chất và từ đồng âm (Essentialism and Homonymy); 4) Học thuyết phạm trù; 5) Học thuyết về bốn nguyên nhân (The Four Causes); 6) Học thuyết về quan hệ giữa chất liệu và hình thức (Hilomorphism; thuật ngữ này được hình thành từ “ὕλη” (vật, vật chất) và “μορφή” (hình thức); 7) Mục đích luận A (Aristotelian Teleology); 8) Thực thể (Substance); 9) Tồn tại sống (Living Beings); 10) Hạnh phúc và liên kết chính trị (Happiness and Political Association); 11) Hùng biện và nghệ thuật (Rhetoric and the Arts).
Trong lý thuyết về linh hồn, ARISTOTE cho rằng, linh hồn gắn liền với sự sống và có ba loại: “linh hồn thực vật”, “linh hồn cảm giác” và “linh hồn lý trí” (“Dưỡng hồn, Giác hồn và Trí hồn”). Theo ARISTOTE, “linh hồn thực vật” thuộc về thực vật. Hai loại “linh hồn thực vật” và “linh hồn cảm giác” thuộc về động vật. Cả ba loại “linh hồn thực vật”, “linh hồn cảm giác”và“linh hồn lý trí” đều thuộc về con người: (1). “Linh hồn thực vật”, theo ARISTOTE, đảm trách việc sinh tồn và tăng trưởng, có trong tất cả mọi sinh vật, gắn liền với sự sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già đi và chết của sự sống. “Linh hồn thực vật” chỉ thuần túy đặt mục đích ở sự sống, không có gì cao hơn. (2). “Linh hồn cảm giác” chịu trách nhiệm về vận động và cảm giác, giúp sinh vật nhận thức được thông qua các giác quan. Nhờ có chức năng cảm giác, linh hồn cảm giác giúp động vật có được ký ức, biết đau đớn, biết hài lòng, vui buồn. (3). “Linh hồn lý trí”, theo ARISTOTE, có chức năng suy nghĩ và lập luận, đặc trưng cho con người, giúp con người có khả năng suy nghĩ. “Linh hồn lý trí bị động” cho phép con người thu thập được thông tin, đánh giá, ghi nhớ và sử dụng khi cần. “Linh hồn lý trí chủ động” cho phép con người suy luận, phán đoán, lập luận… tạo ra triết học, khoa học và nghệ thuật. Khác với những nhà triết học trước, ARISTOTE đặt “linh hồn lý trí” ở tim chứ không phải ở não con người. ARISTOTE là một trong những người đầu tiên phân biệt và tách rời cảm giác với suy nghĩ.
Trong Siêu hình học và nhiều tác phẩm khác, một trong những học thuyết trung tâm của “triết học thứ nhất” của ARISTOTE là học thuyết về bốn nguyên nhân, hay bốn nguồn gốc của mọi tồn tại. Theo ARISTOTE, mọi tồn tại trong thế giới này đều là kết quả của 4 nguyên nhân: vật chất (ΰλη, ὑποκείμενον), hình thức (μορφή, тò τί ἧν εἶναι), nguyên nhân vận động (τὸ διὰ τί) và nguyên nhân mục đích (τὸ οὖἕνεκα). Trong đó, vật chất (ΰλη, ὑποκείμενον) là cái tồn tại khách quan, vĩnh cửu, không thể tạo ra và không thể phá hủy, không thể nảy sinh từ hư vô. Bản nguyên đầu tiên của vật chất là 5 nguyên tố cơ bản: không khí, nước, đất, lửa và ete.
ARISTOTE có nhiều nghiên cứu và suy đoán về khoa học tự nhiên, sau này nhiều suy đoán đã được kiểm chứng thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của ông. Ông đã lập danh mục các loài động thực vật và nghiên cứu đặc tính của chúng. Riêng động vật, A đã phân loại 540 loài và nghiên cứu cấu trúc bên trong của ít nhất 50 loài.
ARISTOTE cho rằng triết học xuất hiện trên cơ sở những tri thức vượt ra ngoài cảm giác, kỹ năng và kinh nghiệm; mặc dù bất kỳ tri thức nào cũng bắt đầu từ các cảm giác, dựa trên cảm giác, trí nhớ và thói quen. Ông coi các cảm giác là bằng chứng xác thực, tin cậy về sự vật, nhưng bản thân các cảm giác mới chỉ là trình độ đầu tiên và thấp nhất của nhận thức. Tri thức thực nghiệm chỉ là những kiến thức thô sơ, là tiền đề lý thuyết cho sự xuất hiện của triết học. Triết học là một hệ thống tri thức được suy luận từ những tri thức thô sơ của các ngành khoa học.
Ngay từ khi còn học tại Viện Hàn lâm Plato và trong suốt cuộc đời của mình, ARISTOTE đã giảng dạy nghệ thuật hùng biện. Theo ông, hình thức phát biểu chính xác là yếu tố quan trọng nhất trong việc truyền tải logos (tư tưởng triết học). Ông định nghĩa thuật hùng biện là “khả năng tìm ra những cách thuyết phục có thể về mỗi chủ đề nhất định”. ARISTOTE xác định có ba kiểu hùng biện: Nghị luận, Phán xét và Sử thi. Nghị luận hay lập luận là cách nói của cố vấn nhằm thuyết phục người khác chấp nhận hoặc bác bỏ ý kiến nào đó. Phán xét hoặc tranh biện là cách nói của quan tòa nhằm tác động cảm xúc đến người đưa ra quyết định về tính đúng đắn và độ tin cậy của vấn đề. Cách nói của sử thi là cách nói đánh giá nhằm ca ngợi hoặc chỉ trích. Nghệ thuật hùng biện của ARISTOTE đến nay vẫn là khuôn mẫu với nhiều giá trị ở châu Âu.
Kế thừa triết học chính trị của Platon, ARISTOTE đã phát triển và làm hình thành một khoa học độc lập về chính trị. Trong tác phẩm Chính trị học, ông định nghĩa: “Nhà nước là một sự phát triển tự nhiên và con người, bẩm sinh là một động vật chính trị”. Chính trị học ARISTOTE khẳng định rằng, con người chỉ có thể sống trong xã hội, trong hệ thống chính trị, và cần phải có chính trị để có đời sống xã hội hợp lý. Chính trị học là một khoa học về cách thức tổ chức cuộc sống của mọi người trong một nhà nước. Mục tiêu của chính trị, không dễ đạt được, theo ARISTOTE, là tạo cho công dân những phẩm chất cao, biến họ thành những con người chính đáng. Nhà chính trị phải tính đến việc con người không chỉ có đạo đức, mà còn có cả tật xấu. Nhiệm vụ của chính trị là nuôi dưỡng những đức tính tốt của công dân. Phẩm chất của một công dân thành bang bao gồm việc thực hiện nghĩa vụ công dân và việc tuân theo chính quyền và pháp luật.
Theo ARISTOTE, với tư cách là một động vật chính trị, con người có thể có phẩm chất đạo đức, có khả năng hiểu các khái niệm như thiện và ác, công bằng và bất công, chính nghĩa và phi nghĩa. Trong Đạo đức học, ARISTOTE cho rằng, sự bất bình đẳng cố hữu về năng lực là lý do chủ yếu dẫn đến sự tập hợp con người thành các nhóm, tạo thành sự khác biệt về chức năng và vị thế của con người trong xã hội. Tính sinh học và tính xã hội là hai nguyên tắc của tồn tại người. Ngay từ lúc sinh ra, con người đã phải tham gia vào quá khứ và hiện tại của nhân loại, vào suy nghĩ và cảm xúc của nhân loại. Cuộc sống của con người ngoài xã hội là điều không thể.
ARISTOTE chỉ trích Plato về quan niệm chính trị hoàn hảo và tin rằng cộng đồng tài sản, cộng đồng gia đình do Plato đề xuất sẽ dẫn đế sự diệt vong của nhà nước. Ông chú ý đến hệ thống chính trị mà các quốc gia có thể đạt tới, trung thành với việc bảo vệ các quyền cá nhân, quyền tư hữu và gia đình một vợ một chồng. ARISTOTE chủ trương duy trì chế độ nô lệ, không tán thành cải tạo tù nhân chiến tranh thành nô lệ.
Sau khi tổng kết kinh nghiệm xã hội và chính trị của thời kỳ Hellenes (Hy Lạp hóa), ARISTOTE đã kết luận về vai trò của giáo dục đối với chính trị là quan trọng, con người giao tiếp chính trị để sống cùng nhau. Nhà nước được tạo ra không phải chỉ giản đơn để sống, mà là để sống có mục đích tốt đẹp. Sự hoàn thiện của một công dân được quyết định bởi những phẩm chất của xã hội mà anh ta sống. Muốn có những công dân hoàn thiện thì phải tạo ra một trạng thái xã hội hoàn thiện. Tác phẩm của ARISTOTE được tập hợp và xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Latinh với lời bình của triết gia Ả Rập Averroes vào năm 1489 tại Venice, Ý. Ấn bản tiếng Hy Lạp đầu tiên do Ald Manutius tập hợp gồm 5 tập cũng xuất bản tại Venice, Ý vào những năm 1495 – 1498. Vào thế kỷ XIX, Viện Hàn lâm Berlin đã xuất bản ARISTOTE toàn tập gồm 5 tập với các tác phẩm, bình luận, bài giảng và trích đoạn tại Berlin vào những năm 1831-1871. Bộ ARISTOTE toàn tập này cũng là bản gốc để bản tiếng Pháp của Didot 5 tập được xuất bản ở Paris vào những năm 1848 – 1874. Đánh giá công lao của ARISTOTE, Các Mác đã ví ông như hoàng đế Macedonia trong triết học.
- Aristotle in 23 Volumes, Vol. 21, translated by H. Rackham, Cambridge, MA, Harvard University Press, London, William Heinemann Ltd, 1944.
- Shute, Richard, On the Process by which the Aristotelian Writings Arrived at their Present Form, Oxford: Oxford University Press, 1888.
- Stanford Encyclopedia of Philosophy, Stanford University, USA, 2008.
- Аристoтель, Большая Pоссийская Энциклопедия, М., 2004.