1. Đặt vấn đề
Đồng bào dân tộc Khmer, như một phần không thể tách rời của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đem đến cho chúng ta một loạt lễ hội đa dạng và phong phú. Trong số đó, Lễ hội Óoc Om Bok là một trong những ngày hội truyền thống quan trọng nhất của cộng đồng Khmer, được tổ chức vào đêm trăng tháng 10 âm lịch hàng năm. Lễ hội Óoc Om Bok không chỉ là dịp để người dân tỏ lòng biết ơn với vị thần Mặt Trăng, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về nông nghiệp và đời sống của người dân tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Lễ hội này không chỉ là nơi để người dân dâng lễ và cầu nguyện mà còn là cơ hội để họ thể hiện tình yêu và lòng trung thành đối với đất đai, với bản sắc văn hóa truyền thống của mình; thể hiện nhân sinh quan của đồng bào dân tộc Khmer, sự đoàn kết trong cộng đồng, sống hài hòa và tôn trọng thiên nhiên. Hiện nay, lễ hội Óoc Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam bộ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của đất nước. Sự phát triển kinh tế và xã hội đã đem đến cho người dân nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức đối với việc duy trì và phát huy các nét đẹp truyền thống ảnh hưởng đến nhân sinh quan của đồng bào. Để giữ gìn và phát huy lễ hội Óoc Om Bok, cần có quan tâm từ cộng đồng. Đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh đồng bằng sông cửu long nói riêng và cả nước nói chung đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc gìn giữ và truyền dạy các nghi lễ, tập quán truyền thống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, sự hỗ trợ và quan tâm từ các cấp chính quyền địa phương và quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển lễ hội Óoc Om Bok, phát huy nhân sinh quan tích cực; hạn chế, khắc phục những yếu tố tiêu cực, từ đó góp phần phát huy giá trị văn hóa của lễ hội.
2. Nội dung
2.1. Lễ hội Oóc Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer
Đồng bào Khmer có hai cái Tết là Âm lịch và Dương lịch. Theo Hôra (nhà Chiêm tinh), thì ngày 15 tháng 10 âm lịch đúng là ngày kết thúc một chu kỳ của Mặt trăng xoay quanh trái đất và vào lúc 24 giờ thì bóng trăng không xê dịch cột trụ trồng thẳng đứng ngoài trời. Người xưa cho đó là ngày bước sang năm mới âm lịch, tức là Mặt trăng bắt đầu chuyển sang một chu kỳ mới. Hằng năm, vào ngày 15 tháng 10 âm lịch (rằm tháng 10 âm lịch), đồng bào Khmer tổ chức một lễ lớn gọi là lễ Oóc om bók hay là lễ cúng Trăng (Pithi thvai Preskhe) để tưởng nhớ đến công ơn của Mặt trăng coi như vị thần điều tiết mùa màng, đã giúp bà con làm ăn được khá giả trong năm. Lễ cúng Trăng thường được tổ chức ở một nơi rộng rãi không có bóng cây che khuất, nơi đây, trước khi Mặt trăng lên tới đỉnh, mọi người tụ tập lại trước sân nhà để chuẩn bị cúng.
Trước hết là việc dựng cổng, cổng được làm bằng ba cây trúc, dựng thành hai trụ và cột một hàng ngang, dạng hình chữ nhật, có trang trí hoa lá kèm hai cây mía cặp theo. Dưới cổng người ta kê một cái bàn để bày các lễ vật cho buổi cúng trăng, tất cả đều là những sản phẩm nông nghiệp lúa nước cùng với một số cây trái, hoa màu. Trong đó, lễ vật chính bắt buộc phải có vẫn là cốm dẹp. Các lễ vật của lễ cúng trăng mà thường thấy đồng bào dân tộc Khmer bày ra đã cúng như sau:
Một là, Cốm dẹp: Là lễ vật đặc biệt không thể thiếu, được chế biến từ lúa nếp tượng trưng cho lòng hiếu thảo, tạ ơn hạt thóc đã nuôi sống con người.
Hai là, Trái dừa: Quả tròn giống hình Mặt trăng, vạt bỏ phần nhọn thể hiện hương vị ngọt ngào, có nước, sản phẩm của cây dừa, một loại cây có nhiều công dụng trong đời sống đồng bào Khmer (cây làm nhà, làm cầu, lá mo nang, cọng, vỏ gáo dừa) đều phục vụ đời sống.
Ba là, Cây mía thể hiện được hương vị ngọt, thăng lóng là một sản phẩm nông nghiệp. Ý nghĩa là loại cây vươn lên mạnh mẽ. Hai món đặc thù là biểu tượng cho riêng đồng bào Khmer cũng không thể thiếu được, đó là món khoai “kđúch” (củ mài). Đây là loại củ rừng hình tròn, được trồng và chỉ sống trên đất giồng cát cao, có độ tuổi từ hai năm trở lên (trọng lượng trung bình 3kg/củ/2 năm) được hấp kỹ lưỡng rồi trộn với cơm dừa, đường cát (như trộn cốm dẹp. Ở những cộng đồng có người Khmer cao tuổi thì món khoai kđúch này bắt buộc phải có, theo các cụ Khmer lớn tuổi thì:
Từ khi người Khmer mới bắt đầu định cư trên những gò đất (giồng) cao ở Nam bộ, để bảo vệ cộng đồng chống thú dữ và giặc, đồng bảo trồng lũy tre bao bọc, ngoài lũy tre thì không có cây, củ gì khác sống cùng. Một ngày nọ, có một cụ tổ đi kiểm tra hàng rào, phát hiện một cây leo quấn quýt tre, lá to xanh biếc, một người trong cộng đồng chăm chú theo dõi. Rồi mùa Trăng đầu tiên đến, trong khi cộng đồng chưa có sản phẩm tế Thần, cụ tổ bèn sai con cháu đi tìm dây leo kia đào lên để cúng. Quả là khi đào lên thấy củ to tròn tựa như Mặt trăng, cụ tổ kêu con cháu rửa sạch, luộc kỹ, loại bỏ vỏ ra lấy phần thịt trắng tinh để cúng tế (ban đầu chỉ cúng bằng củ, về sau có trộn thêm gia vị), từ đó cụ tổ bảo con cháu cắt dây khoai kđúch để trồng cạnh lũy tre làm lễ vật cúng Trăng.
Lễ vật thứ hai gần gũi với người Khmer nữa là “Hạn” (củ khoai lùn loại dài). Tương truyền cũng là một loại được tìm thấy như khoai kđúch trên vùng đất giống đầu tiên, loại cây này chỉ trồng trên đất giồng cát và cũng chỉ có củ trên đất này. Người Khmer xem củ khoai là lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Trăng. Sau khi bày các lễ vật xong, họ trải chiếu mời bà con ngồi chắp tay quay mặt về hướng Mặt trăng để làm lễ, và đúng khi Mặt trăng lên cao tỏa sáng, người ta đốt nhang, nến, rót trà và mời một cụ già làm chủ lễ khấn vái nói lên lòng biết ơn của đồng bào đối với Thần Mặt Trăng, xin Thần tiếp nhận những lễ vật do đồng bào dâng cúng và ban phước cho mọi người sức khoẻ dồi dào, thời tiết mưa thuận gió hoà để đồng bào hưởng được nhiều thành quả lao động trong năm mới. Cúng xong, cụ chủ lễ mời các trẻ em đến gần, ngồi chắp tay hướng về Mặt Trăng, rồi lấy cốm dẹp cùng các thứ cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng các cháu, còn tay kia đấm lưng rồi hỏi các cháu muốn gì? Các đứa trẻ có cách trả lời khác nhau, có cháu trả lời: Cháu ước kiếp sau có nhiều vàng bạc, châu báu, ruộng đất, trâu bò. Có cháu lại ước muốn có nhiều tài, đức, cũng có cháu muốn có nhà cao cửa rộng.
Lễ cúng Trăng còn liên quan đến sự tích “Con Thỏ và Mặt Trăng” như sau: Trong một tiền kiếp của Đức Phật Thích ca, có lần ngài là một con thỏ sống quanh quẩn bên bờ sông Hằng. Thỏ kết bạn với con Khỉ, con Rái cá và con Chó rừng. Thỏ hiểu biết hơn ba con thú kia. Thỏ cùng ba bạn sống yên vui, có tình tương thân, tương ái lẫn nhau. Nhưng trong bọn vẫn còn có con sát sinh làm cho thỏ hay băn khoăn. Nhiều năm trôi qua, một hôm nọ trước ngày Trăng tròn, thỏ gọi ba bạn đến bảo rằng: “Trước kia chúng ta đã hứa rằng đến ngày Trăng rằm thì nhịn đói ngồi “Thiền” giữ lòng trong sạch và thân thể không dợn nhơ và tích cực làm việc thiện”. Nay tôi xin nhắc lại ba bạn sáng sớm ngày mai nhớ tìm thức ăn như mọi ngày để dành cho người ăn xin. Cả ba cùng vui vẻ nhận lời và chia tay. Sáng sớm hôm sau, cả ba cùng đi tìm mồi, chẳng bao lâu rái cá đem về mấy con cá, chó rừng đem về một vò sữa, còn Khi thì đem về một ít xoài chín, cả ba cùng ngồi một chỗ “tham thiền”. Riêng thỏ không đi đâu, chỉ ngồi “Thiền” trước cửa hang. Ý định tốt đẹp của các con vật làm động lòng Thượng giới. Thần Sakaras tevada bèn giả làm người ăn xin để thử lòng bốn con vật.
Thần Sakaras đến chỗ con rái cá đề xin ăn, nó mời người ăn xin dùng cá, người đó cảm ơn và nói: “Chờ tôi rửa mặt sạch sẽ rồi sẽ dùng”. Thần Sakaras đến chỗ khỉ và chó rừng cũng được mời ăn và người ăn xin cũng nói như thế. Cuối cùng người đến chỗ thỏ và được thỏ vui vẻ nói: “Xin người chờ tôi đốt lửa sẽ dâng người một thức ăn ngon lành”. Nói xong thỏ đốt lửa lên, khi lửa bùng cháy to, thỏ nhảy vào tự nướng mình làm mồi “Mời người dùng thịt này”, nhưng lửa không cháy thỏ mà lại bị gió lạnh dập tắt, thỏ tiếp tục lấy củi bỏ vào đốt tiếp. Trong lúc đó người ăn xin biển mất, Thần Sakaras hiện ra cho biết tên mình và khen ngợi nghĩa cử bốn con vật, nhất là thỏ, Thần nói: “Đối với sự cao đẹp của thỏ ta phải để cho đời sau noi gương”. Rồi Thần hoá thân mình cao lớn đến tận mây xanh và vẽ hình thỏ trên Mặt trăng và nói: “Ta muốn thế gian đời đời kiếp kiếp thấy hình thỏ trên Mặt Trăng đề nhớ mãi sự hy sinh cao cả này”, và đồng bào Khmer cúng Mặt Trăng cũng là để nhớ đến nghĩa cử cao đẹp của Phật Thích ca trong kiếp sống làm thỏ vậy.
Truyền thuyết này không mâu thuẫn với tình cảm tâm linh của đồng bào Khmer về Thần nước và Mặt Trăng, mà còn làm phong phú thêm sự tích của lễ hội. Lễ cúng Trăng (Thvai Preskhe) hay đút cốm dẹp (Oóc om bók) thường được tổ chức vào giai đoạn thu hoạch hoa màu đủ loại. Ý nghĩa của lễ hội là để tạ ơn đến vị Thần Mặt Trăng đã điều tiết thuỷ triều hài hòa. Ruộng luôn đầy nước, rau, quả luôn xanh tốt (do ảnh hưởng sức hút của Mặt Trăng) mà có được hoa trái, lương thực như ngày hôm nay để bà con có dịp thể hiện sự trân trọng đối với hiện tượng thiên nhiên đã ban cho con người sự sống và sự thành công trong sản xuất. Sau lễ cúng Trăng, bà con còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Thả đèn nước, đá cầu, ca múa rom vong cho đến khuya mới kết thúc, đặc biệt là đua ghe ngo mang đầy yếu tố ngày hội cũng được tổ chức vào dịp này thu hút nhiều người đến xem và cổ vũ.
Hội Đua ghe ngo: Cũng vào ngày rằm tháng 10 âm lịch Khmer hàng năm, đồng bào Khmer nô nức tiến hành ngày hội lớn của dân tộc mình. Đó là ngày hội đua ghe ngo truyền thống. Từ ngày 14/10 âm lịch, từ khắp mọi nẻo đường phum sóc, tiếng rủ nhau đi xem hội đua ghe vang khắp nơi, cả giả, trẻ, gái, trai, mọi người với gói hành trang chuẩn bị đi xem ghe ngo.
Người Khmer dù trúng hoặc thất mùa, dù thiếu thốn chật vật đến đâu, cũng không bao giờ bỏ cuộc đua, bởi vì họ cho rằng: Đua ghe ngo là lễ hội tượng trưng cho sức mạnh vươn lên của cộng đồng và nó là một môn thể thao bổ ích cho cuộc sống. Hàng năm, khi ngoài đồng lúa trổ đều vàng ươm, gió bấc thổi nhè nhẹ, hương lúa chín bay thoang thoảng là lúc bà con Khmer chuẩn bị cho lễ hội đua ghe ngo, những thanh niên trai tráng sau khi làm đồng về còn phải nhanh chân tụ tập tại khuôn viên chùa hoặc gần sông rạch để tham gia luyện tập đua ghe theo tiếng còi bắt nhịp hoà với tiếng phụ hoạ của tất cả mọi người (cả khán giả) tạo không khí sôi động, náo nhiệt cả một góc trời. Sau khi tập bơi trên những chiếc sàn gỗ thuần thục, nhịp nhàng, họ mới bắt đầu xuống ghe tập bơi. Hội đua ghe ngo đã có từ lâu đời, theo dân gian kể lại: Vì sống ở vùng sông nước, cho nên họ thường dùng chiếc ghe độc mộc để làm phương tiện đi lại, nhằm chống chọi với đàn thú dữ những lúc mưu sinh, họ thường đi thành từng đoàn, lúc này ghe độc mộc không còn đáp ứng được nữa, họ phải đóng thuyền, bè dài ra để chứa được nhiều người hơn. Trong các cuộc chinh chiến, xung đột giữa các bộ tộc thì chiếc thuyền cũng là phương tiện đánh giặc (thuyền chiến), vì vậy chiếc thuyền càng được hoàn thiện hơn nữa. Có phải xuất phát từ nhu cầu trên chăng mà người xưa đã sáng tạo ra chiếc ghe ngo vừa nhân văn sâu sắc vừa tượng trưng cho sức mạnh hào hùng của dân tộc. Dù bắt nguồn từ đâu thì ngày hội đua ghe ngo cũng vừa mang ý nghĩa nhân sinh vừa mang tính dân gian đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống từ lâu được phổ biến rộng rãi trong các phum sóc hay khu vực sống của cư dân nông nghiệp lúa nước.
Ngày nay, đồng bào Khmer tổ chức đua ghe ngo như là một tục lệ. Đồng bào coi ngày đua ghe ngo là một ngày hội lớn để mọi người vui chơi, nô nức đi xem để thưởng thức cái đẹp, cái khoẻ mạnh hào hùng, cái tài nghệ tuyệt vời của các tay bơi trên sông nước mênh mông. Xưa kia, từng địa phương thường tổ chức đua ghe ngo tại chỗ đề phục vụ bà con nhân ngày lễ cúng Trăng dần dần về sau cuộc đua ngày càng mở rộng trở thành ngày hội, cuộc đua mang tính chất thể thao, có tỉnh tập trung cao với số lượng ghe càng nhiều, có năm nhiều đến 40, 50 chiếc. Điểm đua tập trung đầu tiên được tổ chức ở Pem kân tho, tức là Vàm Dù Tho thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay, ở đó ghe ngo của các nơi từ vùng Bạc Liêu, Kiên Giang… xuống đều thuận tiện vì ở đó có một đoạn sông thẳng, dòng nước chảy đều, trên bờ có chợ búa đông vui, dân chúng cất nhà ở sầm uất, những người đi xem ghe lúc đó thường đi bằng ghe “Cà hậu” (ghe bầu) và ghe cà chai (ghe tam bản) đậu dọc hai bên bờ, họ đem theo nồi niêu, bếp củi tự nấu ăn, sau ngày giặc Pháp xâm chiếm các tỉnh miền Tây, chúng bắt phải dời điểm đua từ Vàm Tho vào Sông ompudea tức sông Nhu Gia xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) bây giờ. Trong thời Mỹ nguỵ, điểm đua lại dời về sông kinh xáng (Maspero), thị xã Sóc Trăng nay là Thành phố Sóc Trăng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng điểm đua được đưa trở lại Nhu Gia và tổ chức chu đáo hơn. Mấy năm đầu, cuộc đua ghe ngo ở Nhu Gia cũng rất vui, vui gấp hàng trăm lần so với ở chế độ cũ, nhưng vẫn chưa thỏa mãn hết nguyện vọng của khán giả. Vì vậy, để tạo thuận lợi và thoải mái hơn, hội đua ghe ngo được đưa trở lại tổ chức tại Sóc Trăng. Từ đó, cứ đến ngày rằm tháng 10 âm lịch Khmer hội đua ghe ngo “Đến hẹn lại lên” lại tái diễn. Ở Sóc Trăng, trước ngày đua ghe một ngày (14/10 ÂL) tại trung tâm Thành phố Sóc Trăng, người người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về đây như nước đổ về nguồn, và đêm hôm ấy, người đông chật kín không còn đường đi nữa. Các loại xe dừng lăn bánh. Đêm lễ hội là đêm không ngủ, ở dưới sông ánh đèn rực sáng như hội hoa đăng, từng cụm ghe tập kết là từng cụm hoa sáng. Ở các khu vui chơi người đông không kể xiết. Hội đua ghe ngo thường thu hút rất đông người trong các lễ hội. Một đặc điểm nữa của hội đua ghe ngo là đã được dự đua năm nay thì năm sau các phum sóc cũng phải cố gắng đưa ghe mình đi dự cho bằng được, nếu vì một lý do gì đó mà không tham gia được thì cả cộng đồng phum sóc sẽ thấy mất mát và thua thiệt lớn tạo sự ưu tư, trăn trở của cộng đồng phum sóc.
Việc tổ chức hội đua ghe không những mang đầy tính nhân văn, hào hứng mà còn duy trì được một môn thể thao độc đáo của dân tộc, phát huy tinh thần sáng tạo, giao lưu văn hoá giữa các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
2.2. Nhân sinh quan của đồng bào dân tộc Khmer qua lễ hội Oóc om bók
Oóc om bók – Đua ghe ngo là lễ hội mang yếu tố nhân văn rất sâu sắc, đó là những hành vi ứng xử của con người đối với thiên nhiên, xem Mặt trăng là một vị Thần đã hỗ trợ cho thời tiết mưa thuận gió hòa để phục vụ tốt đời sống lao động sản xuất. Là một trong ba lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra trong thời điểm mùa mưa chuyển sang mùa khô, mùa gieo trồng chuyển sang mùa thu hoạch. Do vậy, lễ hội này có những điểm tương đồng với lễ Thượng điền, loại lễ hội nông nghiệp của các nền văn minh lúa nước ở châu Á. Riêng Hội đua ghe ngo vừa mang yếu tố văn hoá dân tộc lành mạnh, lại vừa có đặc điểm là bộ môn thể thao dân tộc rất hấp dẫn. Mặt khác, lễ hội đua ghe ngo diễn ra trong một không gian rộng lớn có sức thu hút mạnh mẽ nhiều tầng lớp nhân dân tham gia kể cả người dân ở trong vùng và du khách ngoại vùng hay quốc tế. Ngày nay, lễ hội đã trở thành di sản văn hoá quý báu của dân tộc vượt qua phạm vi địa phương.
Mỗi khi nói đến Sóc Trăng người ta thường nhắc đến lễ hội Oóc om bók – Đua ghe ngo của đồng bào Khmer ở đây xem như ngày hội lớn của khu vực. Vì vậy, lễ hội này cần phải được nâng lên tổ chức ở tầm cao hơn nhằm phát huy các giá trị văn hoá dân tộc đặc sắc để phục vụ nghiên cứu, giáo dục truyền thống về văn hoá tộc người góp phần tạo thêm ngàn hoa hương sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và của nhân loại. Nghiên cứu về lễ hội Oóc om bók – Đua ghe ngo của đồng bào Khmer, chúng tôi nhận thấy lễ hội vừa có nguồn gốc tôn giáo, truyền thống và dân gian với hình thức sinh hoạt văn hoá tổng hợp chứa đựng những khát vọng, ước muốn tâm linh giản dị lại vừa thiêng liêng. Thời gian trôi qua theo năm tháng bao lớp sa bồi văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng đã lắng đọng trong nghi thức thờ cúng của lễ hội khiến lễ hội có sức cuốn hút không chỉ cá nhân trong một phum sóc mà còn thu hút, lôi cuốn cả cộng đồng và cả nhiều thế hệ con người tham gia. Điều đáng kể, lễ hội này đã không ngừng được “Thăng quan” liên kết quy tụ lại thành hệ thống tâm linh, tư tưởng, biểu tượng… vượt lên trên thế giới hiện thực. Đó là thế giới, cuộc sống thứ hai thoát ly tạm thời thực tại, đạt tới hiện thực lý tưởng mà ở đó mọi thứ đều trở nên đẹp đẽ, lung linh, siêu việt, cao cả tạo nên không khí, khung cảnh sinh hoạt phong phú, tốt đẹp, không có hủ tục mê tín dị đoan. Chính điều đó khẳng định sự phù hợp giữa hình thức và nội dung; về hình thức: lễ hội không phô trương xa xỉ, còn nội dung cũng không chứa đựng những gì phản tiến bộ, phản khoa học, phản lại cái đẹp mà nó hóa thân toàn thuần phong mỹ tục, tính nhân văn cao cả mang bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc. Vì vậy, có thể nói, Lễ hội Oóc om bók – Đua ghe ngo từ lâu đã tác động vào tư tưởng, tình cảm tạo nên sức mạnh rung cảm sâu xa trong lòng người trước những cái đẹp và sức mạnh thượng võ của con người, thiên nhiên, phum sóc, vừa mang tính nhân bản sâu sắc làm cho người ta càng yêu hơn mảnh đất nơi mình đang sinh sống. Đó là những giá trị đích thực của lễ hội Oóc om bók – Đua ghe ngo của người Khmer.
Trong chừng mực kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, chúng tôi xin mạnh dạn nêu lên một số khuyến nghị mang tính tham khảo như sau: Rõ ràng, lễ hội Oóc om bók – Đua ghe ngo của người Khmer thật sự phong phú và đa dạng là nhu cầu đời sống tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Khmer trước đây cũng như hiện nay, luôn chiếm giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội thu hút nhiều người dân tham gia. Đặc biệt trong hội đua ghe ngo hiện nay chẳng những lực lượng nam mà đã xuất hiện các tay bơi nữ kể cả các vận động viên người Kinh, người Hoa cùng tham gia tranh tài. Đối với các thanh niên này việc tham gia đua ghe ngo không chỉ là tham gia rèn luyện sức khỏe mà đây còn là nhiệm vụ thiên liêng. Đặc biệt trong một đội sự phối hợp nhịp nhàng là yếu tố rất quan trọng để hình thành sự gắn kết giữa các thanh niên với nhau. Đối với người dân địa phương, việc tham gia cổ vũ cuộc đua cũng là một yếu tố quan trọng góp phần thành công của cả đội. Qua lễ hội ngoài việc thể hiện nhân sinh quan tôn sùng Phật giáo Nam tông Khmer còn thể hiện sự liên kết cộng đồng mạnh mẽ, quan điểm sống hài hòa với thiên nhiên của đồng bào.
3. Kết luận
Lễ hội Óoc Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng là một trong những lễ hội đặc sắc nổi bật hiện nay. Được bảo tồn và phát triển trong cộng đồng, lễ hội này đã trở thành một di sản văn hóa quý giá của Việt Nam và góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa dạng văn hóa của đất nước.
Lễ hội Óoc Om Bok không chỉ là dịp để những người dân tộc Khmer thể hiện lòng biết ơn đối với mẹ thiên nhiên và mong muốn một mùa màng bội thu, mà còn hình thành thế giới quan trong nhận thức là dịp để gắn kết cộng đồng, chia sẻ niềm vui và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ. Lễ hội mang trong mình những nghi thức tôn giáo, âm nhạc, múa hát và trò chơi truyền thống, tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, thu hút sự quan tâm và tò mò của đông đảo các dân tộc khác. Qua việc tham gia và tìm hiểu về lễ hội Óoc Om Bok, chúng ta có thể thấy tư duy sáng tạo và lòng yêu nước của người Khmer, cũng như sự kiên trì và cống hiến của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Lễ hội này không chỉ giữ gìn giá trị truyền thống mà còn giúp ghi dấu ấn văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer trong lòng người dân miền Tây và cả nước. Tuy nhiên, để lễ hội Óoc Om Bok tiếp tục phát triển trong tương lai, rất cần sự quan tâm và hỗ trợ từ các cấp chính quyền, tổ chức và cộng đồng để phát huy hơn nữa tác động tích cực của lễ hội đến thế giới quan và nhân sinh quan của đồng bào dân tộc Khmer.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Văn hóa Khmer Nam Bộ nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam (2011), Nxb. Chính trị quốc gia – sự thật Hà Nội.
2. Vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Sóc Trăng (2002) Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Sóc Trăng (2009), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy Lễ hội Óoc Om Bók – Đua ghe ngo Sóc Trăng.