Nhận diện, phản bác những luận điệu xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền Việt Nam

: Dân chủ, nhân quyền là những giá trị xã hội mà nhân loại đã phát hiện, xây dựng và đấu tranh để đạt tới. Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng là quá trình thiết lập, xây đắp nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và mở rộng quyền con người cho nhân dân Việt Nam. Song, dân chủ và nhân quyền cũng là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Bài viết đề cập 2 nội dung: Nhận diện những luận điệu xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam và phản bác những luận điệu phản động, thù địch đó, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.

1. Nhận diện những luận điệu xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

Các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay gồm: các lực lượng tư bản phản động, các tổ chức chống phá chủ nghĩa xã hội, những thế lực hận thù sau những thất bại của họ trước đây ở Việt Nam, một số học giả, nghị sĩ cực đoan tại một số nước phương Tây, các nhóm phản động người Việt Nam ở nước ngoài và những cá nhân người Việt ở trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc. Các lực lượng, tổ chức này đã lôi kéo, lợi dụng những phần tử suy thoái về tư tưởng chính trị, bất mãn tại Việt Nam để chống phá Đảng, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Có thể chỉ ra một số tổ chức như:

– Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), trụ sở ở Mỹ. Tổ chức này trước đây đã từng tác động nhiều về tư tưởng chính trị ở các nước Đông Âu. Đối với Việt Nam, HRW đã nhiều lần đưa ra những bản báo cáo, phúc trình xuyên tạc tình hình nhân quyền và can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam.

– Mạng lưới nhân quyền Việt Nam (VNHRN) trụ sở ở Mỹ, tổ chức này thường xuyên “quan tâm” nhóm người Việt lưu vong có những hoạt động chống phá, lật đổ như Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Thế Quang, Nguyễn Văn Lý trong các hội nhóm “ Việt Nam Dân chủ xã hội đảng”,  “Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết”… Họ đã trao giải thưởng nhân quyền cho những đối tượng phạm tội tuyên truyền chống phá Việt Nam là Nguyễn Tường Thụy, Trần Đức Thạch…

– Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), hoạt động tại nhiều nước: Mỹ, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan…Tổ chức này thường đưa ra các luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bức cung, ngược đãi tù nhân, vẫn áp dụng án tử hình, từ đó họ đưa ra những yêu cầu không chính đáng đối với những quốc gia mà họ cho là vi phạm quyền con người.

– Tổ chức Freedom House (FH), trụ sở tại Mỹ, thường có các hoạt động can dự vào nội bộ các nước. Đối với Việt Nam, FH chỉ trích Việt Nam không có tự do Internet, cổ súy cho việc được tự do “thích viết gì thì viết, thích làm gì thì làm” trên không gian mạng.

– Các tổ chức, hội nhóm người Việt như Chính phủ Việt Nam tự do, Đảng nhân dân hành động, Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam, Hiệp hội đoàn kết công nông, Ủy ban tự do tôn giáo choViệt Nam, Đàn chim Việt, Mạng lưới Tuổi trẻ Việt Nam lên đường, Việt Tân…được hậu thuẫn bởi các thế lực cực đoan từ Mỹ và phương Tây, xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam, sẵn sàng làm tay trong cho việc phá rối an ninh trật tự, lật đổ chế độ.

Các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, chúng tìm mọi cách phủ nhận các giá trị về lý luận cũng như những thành tựu thực tiễn về dân chủ, nhân quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Chúng vu cáo Chính phủ Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do biểu tình, vi phạm dân chủ, nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo.

Chỉ trích việc nhà nước Việt Nam chậm ban hành Luật biểu tình để đàn áp, bắt giữ những nhà hoạt động nhân quyền, và những người có ý kiến phản biện trái chiều. Thực hiện các hoạt động tung tin giả trên nền tảng Internet, mạng xã hội gây hoang mang dư luận, phá hoại trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự suy đồi đạo đức, lối sống trong đời sống xã hội. Lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, điều hành đất nước hoặc những vấn đề bức xúc, khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết để gây mầm chống phá. Cổ súy, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản “kiểu Mỹ” và phương Tây. Luận điệu của chúng là tuyệt đối hóa quyền con người với luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”.

Các tổ chức, lực lượng này luôn lớn tiếng cho rằng việc một đảng duy nhất lãnh đạo không tạo cơ sở đầy đủ cho việc thực hành dân chủ, từ đó chúng vận động ta phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cải cách chính trị, cải cách pháp luật mà thực chất là âm mưu một cuộc cách mạng màu ở nước ta. Chúng liên tục đưa những thông tin sai sự thật đến các tổ chức quốc tế, Quốc hội Mỹ, nghị viện châu Âu… làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng tình hình trong nước, Hạ viện Mỹ những năm qua đã liên tục đưa ra nhiều dự luật, báo cáo thường niên về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; các tổ chức dân chủ, nhân quyền ở Anh, Úc cũng đưa Việt Nam vào những báo nhân quyền hàng năm…Ví dụ như: bản “Phúc trình Toàn cầu về tình hình nhân quyền năm 2021” của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã xuyên tạc rằng: “Trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống” (HRW, 2021). Tổ chức này còn liên tục báo động về “một xu hướng nhân quyền tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng tại Việt Nam” (HRW); Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), nhiều lần vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người, sau đó lớn tiếng đòi thả tự do cho các “tù nhân lương tâm”, thực chất là bảo vệ, tháo gỡ cho các đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, trong đó có những phần tử chống đối đảng và nhà nước…

Một hướng tấn công nữa là các lực lượng phản động kích động vấn đề dân tộc, tôn giáo, công bằng xã hội, lôi kéo các phần tử bất mãn chính trị và nhân dân vào các hoạt động biểu tình, bạo loạn, hướng tới mục tiêu chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Lợi dụng các vụ biểu tình, khủng bố, bạo loạn (có bàn tay của các thế lực thù địch), chúng lớn tiếng kêu gọi nước ngoài can thiệp, giúp đỡ, quốc tế hóa các vấn đề nội bộ của ta làm phức tạp thêm tình hình và gây mất uy tín cho Việt Nam.

Các học giả tư sản thông qua các diễn đàn công khai như hội thảo, những buổi tiếp xúc, đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam để đưa ra yêu cầu Đảng, Nhà nước Việt Nam phải đưa ra các lộ trình thực hiện các điều ước quốc tế về dân chủ, nhân quyền…

 2. Phản bác những luận điệu xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

Trước hết cần xác định rõ bản chất dân chủ, nhân quyền và sự khác nhau giữa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng tư sản về dân chủ, nhân quyền.

Thuật ngữ “dân chủ” (dimokratos) xuất hiện đầu tiên ở Hy Lạp với nghĩa là quyền lực của nhân dân. Theo đó, người dân được tham gia vào các hoạt động xã hội và quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân.

Ngày nay, dân chủ trước hết được xem xét với tư cách là một hình thức tổ chức nhà nước, là khái niệm chỉ tính chất mối quan hệ giữa cộng đồng dân cư trong một quốc gia dân tộc với nhà nước. Nhìn nhận dân chủ với ý nghĩa một hình thức tổ chức nhà nước, V.I.Lênin khẳng định rằng: “chế độ dân chủ là chế độ thống trị của đa số đối với thiểu số (chứ không phải trái lại, như bọn tư bản vẫn mong muốn)” (V.I.Lênin, 1981, tập 32 : tr. 164). Khác với hình thức nhà nước khác, trong thiết chế dân chủ, quyền của đa số dân cư trong xã hội, quyền bình đẳng của mọi công dân và tính tối cao của pháp luật được thừa nhận và khẳng định. Các cơ quan quyền lực nhà nước là do dân bầu cử nên qua hai hình thức cơ bản – dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.

Dân chủ còn được hiểu là một giá trị xã hội, là kết quả đấu tranh của nhân dân. Với nghĩa này, dân chủ được thể hiện như một lý tưởng nhân đạo, một giá trị nhân văn. Đối với xã hội hiện đại dân chủ còn được nhìn nhận như là điều kiện tiên quyết cho sự hình thành và phát triển nhân cách toàn diện của con người. Trình độ dân chủ được biểu hiện ở thái độ, tính tích cực chính trị, sự chủ động, tự giác của nhân dân trong việc tham gia vào các quá trình chính trị – xã hội thực tiễn.

Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin, dân chủ là một hiện tượng lịch sử, nó biến đổi qua các hình thức khác nhau trong điều kiện của các hình thái kinh tế – xã hội: từ dân chủ chủ nô tới dân chủ tư sản rồi đến dân chủ vô sản (dân chủ xã hội chủ nghĩa). Đó là những bước tiến, những trình độ phát triển của dân chủ theo hướng ngày càng cao hơn. Và theo V.I.Lênin “chế độ dân chủ cũng là một hình thức nhà nước và sẽ phải mất đi khi nhà nước tiêu vong, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi chủ nghĩa xã hội thắng lợi hoàn toàn và được củng cố, quá độ lên chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn” (V.I.Lênin, 1981, tập 27: tr. 327). Cần hiểu đúng rằng, dân chủ với tư cách một phạm trù chính trị sẽ tiêu vong, nhưng với tư cách một giá trị phổ biến toàn  nhân loại thì dân chủ vẫn tồn tại ngay cả khi nhà nước đã tiêu vong.

Kế thừa và phát triển tư tưởng của chủ nghĩa Mác -Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rất ngắn gọn, dễ hiểu: dân chủ là “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Về bản chất, dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của nhân dân lao động.

Vấn đề dân chủ và phát huy dân chủ được Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn. Quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là quá trình hoàn thiện việc xây dựng cơ chế, thực hành và phát huy dân chủ ở Việt Nam. Cũng có những khi dân chủ chưa được hiểu thật thấu đáo, trong thực hiện còn có những biểu hiện vi phạm nguyên tắc dân chủ, nhưng Đảng luôn luôn nghiêm khắc nhận khuyết điểm, chỉnh đốn kịp thời để mang lại bầu không khí dân chủ trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp thu những giá trị tư tưởng về dân chủ của nhân loại, đặc biệt là quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và xã hội chủ nghĩa để vận dụng một cách trung thành, sáng tạo ở Việt Nam.

Tháng 6/1997, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã ra Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Tiếp sau đó, ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị khoá VIII đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở – nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và bổ sung phát triển năm 2011 đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng:

“Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011:  tr. 84-85). Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân lao động làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân (điều 2).

Dân chủ là phương thức, nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, trong đó mọi thành viên được tôn trọng, bình đẳng trong việc tham gia quyết định các vấn đề của đất nước, xã hội. Cơ sở của dân chủ xã hội chủ nghĩa là các quyền tự do của cá nhân, tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nhưng không có tư tưởng tự do vô giới hạn mà phải trong khuôn khổ pháp luật. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm…, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm.

Do đó, việc các nước tư bản phương Tây nhấn mạnh dân chủ ở phương diện: đa đảng, bầu cử tự do, tư pháp độc lập và nhân quyền là áp đặt giá trị dân chủ tư sản với các nước có những đặc thù về lịch sử, văn hóa, đường lối chính trị, truyền thống dân tộc, nguyên tắc pháp lý… là không thể chấp nhận. Thực tiễn phát triển của các nước trên thế giới cho thấy, có những quốc gia thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhưng vẫn là nước nghèo, chính trị xã hội bất ổn, ngược lại, có những quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo nhưng vẫn là nước có nền kinh tế phát triển cao, xã hội ổn định, mà Trung Quốc là một ví dụ.

Nhân quyền – quyền con người (Human rights)  được Liên hợp quốc khái quát: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý phổ quát có tác dụng bảo vệ các cá nhân và những nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người” (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012: tr. 21).

Quyền con người là một phạm trù chính trị, lịch sử, pháp lý với nội dung vừa rộng, vừa cụ thể, với nhiều cách hiểu khác nhau. Mỗi quốc gia từ sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử – xã hội, chế độ chính trị, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển nên sẽ có cách nhìn nhận, quy tắc khác nhau về quyền con người.

Ở khái niệm trên, Liên hợp quốc chủ yếu đề cập đến khía cạnh pháp lý của quyền con người, đó là những bảo đảm về pháp lý trong bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người.

Các quan điểm theo lập trường tư sản lại nhấn mạnh thái quá khía cạnh quyền con người là quyền tự nhiên, “bẩm sinh”, nghĩa là con người sinh ra đã có các quyền; quyền con người là những nhu cầu cơ bản của con người, là quyền cao nhất, xuất phát từ phẩm chất tự nhiên vốn có của mỗi người, và ở đâu họ cho là có vi phạm nhân quyền thì họ can thiệp.

Chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, con người là sản phẩm của tự nhiên và của lịch sử – xã hội vì vậy khi xem xét vấn đề quyền con người cần phải đặt vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong đó “quyền không bao giờ ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định” (Mác – Ăngghen, 1995, tập 19: tr. 36). Chỉ có chế độ xã hội nào xóa bỏ hoàn toàn tư hữu, xóa bỏ khác biệt giai cấp, thiết lập công bằng, bình đẳng thì mới có thể thực thi đầy đủ quyền con người trong xã hội: “con người cuối cùng làm chủ tồn tại xã hội của chính mình thì cũng do đó mà làm chủ tự nhiên, làm chủ cả bản thân mình, trở thành người tự do” (Mác – Ăngghen, 1995, tập 19: tr. 333).

Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước đã đi qua nhiều quốc gia tư bản phát triển. Người đã tận mắt thấy rằng, ở những nước đó dân chủ, nhân quyền cũng chỉ dành cho thiểu số. Ở ngay dưới chân tượng đài Tự do vẫn có thể thấy những người lao động nghèo khổ, những  người vô gia cư, và khắp nơi có những biểu hiện của sự phân biệt đẳng cấp, phân biệt chủng tộc. Qua ánh sáng của chủ nghĩa Lênin và sau đó là chủ nghĩa Mác, lại có thời gian trực tiếp chứng kiến không khí xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Xô viết, Hồ Chí Minh  đã thể hiện một niềm tin sâu sắc rằng, trong lịch sử phát triển của nhân loại “không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và đảm bảo cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa” (Hồ Chí Minh, 1996, tập 11: tr. 610).

Với Việt Nam, ngày 12 /7/1992, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 12-CT/TW về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”. Chỉ thị đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam: Quyền và lợi ích của cá nhân phải luôn gắn liền với quyền và lợi ích của cộng đồng, với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; quyền dân chủ, tự do của cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật.

Văn kiện Đại hội X (2006) của Đảng khẳng định:“ Bảo đảm cho mọi công dân quyền tự do đầu tư, kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn mà pháp luật không cấm, quyền bất khả xâm phạm về quyền sở hữu tài sản hợp pháp, quyền bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh, tiếp cận các cơ hội và các nguồn lực phát triển, trong cung cấp và tiếp nhận thông tin” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2006: tr. 230).

Trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, ở mỗi giai đoạn lịch sử, các bản Hiến pháp đều đã thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, các quyền tự do, dân chủ của con người và càng ngày càng mở rộng các quyền đó:

Hiến pháp 1946 đã khẳng định công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài (điều 10). Hiến pháp cũng thừa nhận quyền tư hữu tài sản (điều 12) và quyền tự do bầu cử, ứng cử của công dân (điều 18).    

Hiến pháp 1959, 1980 tiếp tục khẳng định: Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân (điều 6), công dân có quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và của xã hội (điều 56), quyền bí mật thư tín, điện thoại (điều 71)…, đồng thời cũng khẳng định quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân (điều 54).   

Hiến pháp 1992: các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng (điều 50), công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật (điều 57), có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước (điều 68).

Trong Hiến pháp hiện hành – Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đã đưa quyền con người thành một chương (Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) với 36 điều hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân. Trong đó, khoản 1, Điều 14 khẳng định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Việc thay đổi tên chương trong Hiến pháp năm 2013 từ “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” còn thể hiện cam kết thực hiện Công ước quốc tế về quyền con người và thể hiện sự nỗ lực đáp ứng ngày càng cao quyền và lợi ích của nhân dân của Nhà nước ta. Hiến pháp 2013 đã bổ sung 05 quyền mới, là những quyền cơ bản được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã cam kết thực hiện: Điều 19 (quyền sống), Điều 40 (quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó), Điều 41 (quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa), Điều 42 (quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp), Điều 43 (quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường). Hiến pháp năm 2013 còn sửa đổi, bổ sung hơn 30 điều cụ thể trong Chương II, trong đó đáng chú ý là quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình (Điều 21), quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22), quyền tiếp cận thông tin (Điều 25), quyền tự do kinh doanh ( điều 33), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34), quyền kết hôn, ly hôn (Điều 36) v.v…

Thực hiện cam kết bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp 2013: “Bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng”. Đại hội XIII của Đảng nêu nhiệm vụ: “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập 2: tr. 336).

Như vậy, cả trên phương diện quan điểm, đường lối và được hoạch định , thể chế thành chính sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước Viêt Nam đã không ngừng khẳng định và mở rộng quyền con người và nỗ lực thực hành, bảo đảm những quyền đó. Các thế lực thù địch dù xuyên tạc, vu khống thế nào cũng không thể phủ nhận một thực tế rõ ràng là: Việt Nam “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011: tr. 38).

Tác giả Lê Xuân Sơn trong đấu tranh bảo vệ sự thật về nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam đã chỉ rõ: “Các thế lực thù địch sử dụng chính sách “ngoại giao nhân quyền” để áp đặt tiêu chuẩn, “xuất khẩu” nhân quyền phương Tây trên phạm vi toàn cầu thông qua luận điểm về “giá trị phổ quát” của nhân quyền. Họ thường áp đặt các giá trị dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây cho các nước khác trên tất cả các lĩnh vực, như xây dựng, thực thi pháp luật, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển “xã hội dân sự” nhằm tạo đối trọng với chính phủ (…) với chiêu bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “an ninh con người cao hơn an ninh quốc gia”, “nhân quyền không có biên giới quốc gia”, “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”. Dân chủ, nhân quyền đang là “cái cớ”, “vỏ bọc” cho các hành động can thiệp, gây sức ép thúc đẩy sự thay đổi chính trị ở Việt Nam của các thế lực thù địch, đồng thời là một khẩu hiệu, ngọn cờ để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, tạo ra các khuynh hướng dân chủ cực đoan, tập hợp lực lượng chống đối, biểu tình, tiến tới các hoạt động khủng bố, bạo loạn, lật đổ” (Lê Xuân Sơn, 2021).

 Về vấn đề tự do tôn giáo, trước những đòi hỏi vô lý, ngang ngược của những kẻ đội lốt nhân quyền, tác giả Trần Duy Hương viết: “Tôn trọng niềm tin tôn giáo là tôn trọng quyền con người, quyền công dân của đồng bào tôn giáo. Song, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng phải gắn với việc chống lại những kẻ lợi dụng quyền ấy vào mục đích phi tôn giáo. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng là tôn trọng niềm tin, nghi thức thờ phụng, những sinh hoạt tôn giáo phù hợp với giáo lý kinh thánh, với truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đạo đức, nhân cách của con người, chứ không thể chấp nhận những hành vi lợi dụng, đội lốt tôn giáo để làm những điều phi pháp, phản văn hóa, phi nhân tính, đi ngược lại những lời răn dạy của Chúa và những yêu cầu chính đáng của đồng bào tôn giáo” (Trần Duy Hương, 2007).

Ý kiến của Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ Việt Nam là: “Quyền con người luôn gắn với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người là trách nhiệm của Nhà nước, là công việc nội bộ của mỗi quốc gia, không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức của nước này cho nước khác trong vấn đề nhân quyền, dân chủ” (Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ, 2012: tr. 13).

Tóm lại, dân chủ, nhân quyền là vấn đề nhạy cảm, phức tạp mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối. Một mặt, chúng phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ, nhân quyền; Mặt khác, chúng nhân danh dân chủ, nhân quyền để kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị-xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng còn dùng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để gây sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao. Đồng thời, chúng ra sức hậu thuẫn, thúc đẩy hình thành các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vì vậy, cần thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ, nhân quyền. Đồng thời, chủ động triển khai nắm âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, áp sát trực diện vào vấn đề cần phải đấu tranh, đối tượng đấu tranh, nhằm chủ động, phê phán, phản bác, ngăn chặn những luận điệu phủ nhận thành tựu về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Đặc biệt là thực hiện Quyết định số 16/ QĐ-TTg, ngày 02/03/2018, của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người ở Việt Nam”. Mặt khác, cần củng cố  cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch bởi thực chất cuộc đấu tranh trên mật trận tư tưởng lý luận về dân chủ, nhân quyền còn phản ánh cuộc đấu tranh về tư tưởng chính trị – pháp lý giữa hai hệ tư tưởng, hai hệ giá trị – tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa./.

GS. TS. Phạm Văn Đức

TS. Đào Thị Minh Thảo

BÀI LIÊN QUAN