
Hai chục năm trước, cuốn nhật ký chiến trường nổi tiếng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được công bố đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ, không chỉ của Việt Nam mà còn lay động trái tim của bao con người yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới. Sau thời gian đó, cũng trong khoảng vài mươi năm lại đây, một ngôi từ đường trầm lắng lâu nay trong Thành nội Huế bỗng nhiên nhộn nhịp hơn trong những ngày lễ lớn của dân tộc…
Mỗi khi về quê ở Huế, người viết thường ghé thăm người bạn cũ từ thuở thiếu thời là anh Hoàng Công Sáng; anh đang đang “thủ từ” ngôi từ đường của gia tộc chị Trâm ở Huế để thắp nén nhang tưởng niệm chị. Từ đó chúng tôi được biết nhiều thông tin về gia tộc, cũng như về gia cảnh và nhất là người mẹ trung hậu của anh hùng liệt sĩ này.
Ngôi từ đường có tên gọi là Đào Lý Phương Viên ở trong Thành nội Huế. Được biết, ở đây, nhiều thế hệ nối tiếp của nhà họ Đặng đều là những trí thức tiêu biểu ở đất Cố đô. Căn nhà rường cổ ba gian hai chái, hệ thống rường cột, rầm thượng và vách ngăn vẫn còn tương đối nguyên vẹn, đây là nơi gắn liền với những ngày tháng đầu đời của chị Đặng Thùy Trâm. Về sau này, ngôi từ đường còn là nơi đặt di ảnh thờ chính của chị trong hàng gia tộc, như là sự trở về của người con đối với di sản của gia đình. Tại đây, bàn thờ với nhiều di ảnh được sắp theo từng tầng bậc, theo lời diễn giải của anh Hoàng Công Sáng là có đủ cả bốn thế hệ nhà họ Đặng đang thờ tại đây. Phía trên cùng là cụ cố Đặng Như Bá, hàng cuối cùng là người bố Đặng Ngọc Khuê, chị Thùy Trâm và người em trai Đặng Ngọc Quang. Anh Sáng (em cô cậu với chị Trâm) cho biết:
“Trong tám người con của cụ cố Đặng Như Bá có cụ Đặng Ngọc Thụ (thân sinh bác sĩ Đặng Ngọc Khuê) hoạt động trong ngành y và tham tá Đặng Ngọc Chương, có tiếng giỏi thơ văn, Hán học. Người em con chú là bà Đặng Tống Tịnh Nhơn, có thời gian là Hiệu trưởng Trường nữ sinh Đồng Khánh, chồng là giám học Trường Quốc Học Huế Văn Từ Hy nổi tiếng một thời. Ở thế hệ tiếp theo, bác sĩ Đặng Ngọc Khuê, bố chị Đặng Thùy Trâm bản thân là một thầy giáo, theo học ngành sư phạm, sau theo ngành tây y. Bác sĩ Đặng Ngọc Khuê kết hôn với bà Doãn Ngọc Trâm, chị Đặng Thùy Trâm là con trưởng của hai ông bà.”
Ít ai biết rằng chính người mẹ; bà Doãn Ngọc Trâm – một phụ nữ trí thức của Quảng Nam là người đã định hướng nghề nghiệp, bản lĩnh và phẩm chất anh hùng cho con gái mình. Không chỉ vậy, với bổn phận dâu con, thời gian khi còn khỏe mạnh, cứ đến rằm Trung thu 15-8 âm lịch, bà đưa con cháu vào đây lo giỗ mẹ chồng (tức bà ngoại anh Sáng) mất từ năm 1999. Hàng năm, đến 17 tháng giêng, bà cũng nhắc nhở con cháu từ Hà Nội vào Huế lo việc chạp họ.
Bà Doãn Ngọc Trâm sinh ngày 23/12/1925, quê làng Mỹ Hảo; một làng quê hiền hòa, thơ mộng bên dòng Vu Gia, nay thuộc xã Đại Phong, huyện Đại Lộc. Theo thông tin từ một người bà con trong họ tộc, bà Doãn Ngọc Trâm thuộc đời thứ 10, phái Nhì, chi Nhất của tộc Doãn làng Mỹ Hảo.
Sinh ra trong một gia đình trí thức, khá giả, bà là con cả trong gia đình ông Doãn Tư Kỉnh (còn gọi là ông Trợ Kỉnh). Trong kháng chiến chống Pháp, bà từng dạy học ở trường Thiếu sinh quân do Thiếu tướng Nguyễn Sơn làm Hiệu trưởng. Về sau, bà học Trung cấp, rồi Đại học Dược Hà Nội và trở thành giảng viên của trường này cho đến lúc nghỉ hưu. Bà xây dựng gia đình với ông Đặng Ngọc Khuê; bác sĩ, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngoại, Bệnh viện Saint Paul. Hai ông bà có 4 người con gái đều mang tên giống mẹ, chỉ khác nhau tên đệm: Thùy Trâm, Phương Trâm, Hiền Trâm, Kim Trâm. Trong đó, chị Đặng Thùy Trâm là con cả và cũng là người con duy nhất theo nghề của ba mẹ.
Lúc sinh thời, bà Doãn Ngọc Trâm cho biết: “Thùy Trâm rất thích môn Văn, không những thích mà còn giỏi Văn nữa, sinh hoạt trong nhóm văn nghệ riêng của trường, được nhiều giải thưởng về Văn, trong đó có giải thưởng toàn quốc. Dù rất đam mê văn học nhưng trong thời chiến tranh, gia đình đã động viên Đặng Thùy Trâm rẽ theo ngành y để phục vụ Tổ quốc, giúp đỡ được nhiều hơn người dân bằng tài năng của mình”.
Bà đã khuyên con gái:
“Văn thì có thể từ từ, suốt đời phục vụ, nhưng chiến tranh thì chỉ có một nên hiện giờ con hãy cố gắng vào ngành y để phục vụ trực tiếp, còn văn học thì để sau này vẫn kịp”.
Chính từ sự định hướng của người mẹ mà Đặng Thùy Trâm đã học Đại học Y Hà Nội và năm 1966 sau khi tốt nghiệp, người nữ bác sĩ này đã xung phong vào miền Nam công tác, sau đó phụ trách Bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi – một địa bàn chiến tranh ác liệt ở khu 5.
Bà Doãn Ngọc Trâm là một người điềm đạm, nhân hậu nhưng cũng rất giàu nghị lực. Theo người con gái Đặng Kim Trâm:
“các con cháu thừa hưởng được tính kiên cường của bà. Mẹ tôi luôn vượt qua mọi khó khăn mà không chịu đầu hàng việc gì cả”
Phẩm cách cao quý ấy của người mẹ đã truyền lại cho người con gái cả – Đặng Thùy Trâm, hình thành nên phong cách, khí phách của một bác sĩ, chiến sĩ. Trung thành với lý tưởng sống đã chọn, Đặng Thùy Trâm lao vào công việc với nghị lực phi thường. Là người phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, thực chất là một bệnh xá tiền phương, chị đã lăn xả cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở. Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm và hy sinh anh dũng. Chính trong trang nhật ký viết ngày 10/6/1970, chị nhắn nhủ:
“Mẹ yêu ơi, nếu như con của mẹ có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng. Đời người ai cũng chết một lần”.
Trước đây, khi trò chuyện với báo chí, bà Doãn Ngọc Trâm bộc bạch: “Năm 1970, nghe tin Đặng Thùy Trâm hy sinh, tôi như đứt từng khúc ruột. Hình ảnh bé Thùy Trâm chăm chỉ học hành, săn sóc các em, tần tảo công việc giúp bố mẹ làm sao có thể nguôi ngoai trong trái tim tôi. Nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc, vẫn chăm sóc các con chu đáo để không ai nhìn thấy nỗi đau cào xé trong tôi. Đêm về tôi mới mặc cho nước mắt rơi để vơi đi đau đớn, xót xa”. Những năm gần cuối đời, bà thường xuyên làm việc từ thiện giúp đỡ người nghèo. Bị gãy chân không đi được nhưng bà vẫn ngồi đan áo để gửi cho các cháu học sinh nghèo. Khi tuổi đã cao, bà cũng vẫn cố gắng về thăm lại quê nội ở làng Mỹ Hảo và tặng quà cho Trạm Y tế xã Đại Phong. Bà đã trao tặng một số kỷ vật của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cho Bảo tàng Hà Nội để góp phần “giữ lửa” cho các thế hệ mai sau. Bà luôn khẳng định mình chỉ là một bà mẹ liệt sĩ như hàng triệu bà mẹ liệt sĩ Việt Nam khác đã hiến dâng đứa con yêu cho đất nước, không hề có gì đặc biệt hơn. Bằng cuộc đời mình, bà đã dạy các con luôn kiên cường, mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh.
Hình ảnh quen thuộc với giới truyền thông vài năm gần đây là hình ảnh bà Doãn Ngọc Trâm gần 100 tuổi, khuôn mặt hiền hậu, nụ cười luôn thường trực, ngồi trên xe lăn tới dự nhiều sự kiện có liên quan tới con gái Đặng Thùy Trâm của bà, hoặc những sự kiện có ý nghĩa xã hội sâu sắc, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm qua đời sáng ngày 16/04/2024, hưởng thượng thọ 99 tuổi.
Bà Doãn Ngọc Trâm đã đi xa chưa lâu nhưng ấn tượng sâu đậm về một phụ nữ trí thức Quảng Nam luôn sống mãi trong lòng người. Với nụ cười hiền hậu và mẫn tiệp luôn thường trực trên môi, bà tiếp nhận sự yêu thương, nể trọng cũng như sự quan tâm của bạn bè trong nước cũng như quốc tế một cách giản dị, khiêm nhường. Người mẹ lớn lao này không chỉ để lại cho bốn cô con gái của mình cái tên Trâm mà bà còn truyền cho các con mình phẩm cách của phụ nữ trí thức giàu văn hóa, giàu lòng bao dung, mạnh mẽ, anh dũng vô cùng mà cũng nhân văn, tình cảm sâu sắc.
Cùng với con gái đã hy sinh anh dũng, quả cảm, bà Doãn Ngọc Trâm cũng được yêu kính như một người mẹ Việt Nam anh hùng, một trái tim người mẹ bao la, vĩ đại như triệu triệu bà mẹ yêu con trên trái đất này nhưng khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng tiễn đưa những đứa con yêu ra mặt trận.