1. Bối cảnh hình thành múa truyền thống dân tộc Chăm
Người Chăm là dân tộc thiểu số trong đất nước ta, còn gọi là người Chàm, người Chiêm Thành, người Chiêm, người Hời…(tiếng Chăm: Urang Campa) thuộc nhóm chủng tộc Austronesia (Nam Đảo) có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Người Chăm là hậu duệ của cư dân Chămpa và “đã hình thành nền minh và quốc gia rất sớm, từ thế kỷ II – III sau Công nguyên” [4, tr.6]. Hiện nay, trong số 33 dân tộc sinh sống tại Ninh Thuận, người Chăm chiếm 11,43% dân số của cả tỉnh (67.517 người), đứng thứ ba sau người Kinh và người Raglai [5, tr 14]. Tại Ninh Thuận, người Chăm cư trú tương đối tập trung ở 22 làng (tiếng Chăm gọi là Palei). Tên gọi của mỗi làng được đặt theo tiếng Chăm gốc với ý nghĩa gắn liền với địa danh, truyền thống văn hóa của làng [7, tr.78]. Múa Chăm phát triển trong bối cảnh của nền văn minh Chăm Pa, một trong những nền văn minh lớn ở Đông Nam Á. Những di sản văn hóa của Chăm Pa, từ các đền tháp đến các nghi lễ tôn giáo, đã tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của nghệ thuật múa. Múa Chăm thường gắn liền với các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng, các lễ hội tôn vinh các vị thần và tổ tiên, giúp lưu giữ ký ức lịch sử của dân tộc. Bên cạnh đó, người Chăm ở Ninh Thuận tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của “nhiều nền văn hóa và tiếp nhận các tôn giáo từ bên ngoài là Bàlamôn giáo, Phật giáo, Hồi giáo và gần đây là Công giáo và Tin lành” [3, tr.82]. Trong đó Bàlamôn giáo đã và đang tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa, xã hội của người Chăm. Bằng chứng là trong số 22 làng Chăm, thì có tới 16 làng Chăm ảnh hưởng Bàlamôn. Bàlamôn giáo hay còn gọi là Ấn Độ giáo có 3 vị thần tối cao là Shiva, Brahma và Vishnu, trong đó thần Shiva được coi là vị chúa tể sáng tạo ra nghệ thuật múa. Ngài nhảy múa để sáng tạo ra thế giới. Với sự tôn sùng thần Shiva, nên múa được coi là một trong những loại hình nghệ thuật được Ấn Độ giáo đặc biệt coi trọng. Trong tư tưởng của người Ấn Độ, điệu múa được xem như là một trong những phương thức để giao tiếp giữa con người với thần thánh. Cơ thể con người được xem như một phương tiện biểu đạt niềm tin của người Chăm trong nghi lễ thờ cúng. Và do đó, các buổi biểu diễn múa trở thành một cách thức hành động để cầu khẩn thần thánh. Bên cạnh Shiva, trong Ấn độ giáo nhân vật Apsara là vợ của Gandharva cũng được người Chăm yêu thích và sáng tạo ra truyền thuyết về sự ra đời nghệ thuật múa của dân tộc mình. Đó là hai vợ chồng thần Brahma thường cưỡi công để chu du thiên hạ. Cùng đi với họ có một đoàn vũ nữ thiên thần (Apsara). Khi xuống hạ giới, các vũ nữ thiên thần đã dạy người Chăm nhảy múa. Từ đó, múa được lưu truyền trong dân tộc Chăm [2, tr.28].
Do chịu ảnh hưởng tôn giáo và văn hóa Ấn Độ, nên nghệ thuật múa đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Chăm nói chung và người Chăm ở Ninh Thuận nói riêng. Nghệ thuật múa Chăm mang đậm tính thiêng và được sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng nhằm thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần, thần linh trong văn hóa Chăm. Những điệu múa là phương tiện giao tiếp, giúp con người gửi gắm nguyện vọng, cầu xin sự che chở, ban phước từ các thần linh. Múa Chăm thường diễn ra tại các đền tháp, không gian thiêng, tạo ra bầu không khí trang trọng và linh thiêng. Do đó, các điệu múa không chỉ mang ý nghĩa văn hóa mà còn phản ánh các tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của cộng đồng Chăm.
Bên cạnh đó, những đặc điểm, luật lệ của múa Ấn Độ đã ảnh hưởng vào ngôn ngữ múa dân tộc Chăm như: “thân người thẳng, vai bằng, thế chân luôn khuỵu” [2, tr.10]. Và từ những hình tượng nhân vật múa với đặc điểm tạo hình mang các luật lệ của múa Ấn Độ với phần thân người thẳng, vai bằng, thế chân luôn khuỵu cũng đi vào trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo hình Chăm tạo nên một phong cách cuốn hút, độc đáo. Rõ ràng, nghệ thuật múa đã thực sự thấm sâu, chi phối đời sống cộng đồng, tạo nên phong tục, lối sống, phong cách, tư duy, thị hiếu…, tạo nên nét riêng biệt của văn hóa Chăm ở Ninh Thuận hiện nay.
2. Bối cảnh tác động đến múa truyền thống Chăm trong đời sống văn hóa đương đại
Một là, Đường lối của Đảng và Chính sách của Nhà nước
Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 nhằm phát triển kinh tế – xã hội cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Chăm. Việc chú trọng đầu tư cho giáo dục, y tế, và văn hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người Chăm trong việc duy trì và phát triển các hoạt động nghệ thuật truyền thống, bao gồm múa; Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 trên địa bản tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tạo điều kiện cho nghệ thuật múa Chăm có không gian và cơ hội biểu diễn, quảng bá đến công chúng; Kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cung cấp các biện pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nghệ thuật múa Chăm. Việc tổ chức các hoạt động truyền thông, biểu diễn sẽ giúp nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của người Chăm trong cộng đồng.
Hai là, sự chuyển dịch dân cư, cư trú đan xen ở Ninh Thuận
Với sự chuyển dịch dân cư và cư trú đan xen giữa các cộng đồng dân tộc ở Ninh Thuận, đã dẫn tới thay đổi về cơ cấu dân số khiến người Chăm trở thành dân tộc đứng thứ ba về dân số sau người Kinh và người Raglay. Tình trạng này làm giảm vai trò chủ thể của người Chăm trong bối cảnh văn hóa địa phương, tạo ra áp lực đối với việc duy trì bản sắc văn hóa. Sự giao thoa văn hóa với người Kinh và người Raglay đã tạo ra sự thay đổi trong các hoạt động đời sống của người Chăm, trong đó có nghệ thuật múa. Nghệ thuật múa Chăm có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ nghệ thuật của người Kinh và người Raglay, dẫn đến sự thay đổi trong phong cách và nội dung. Các điệu múa truyền thống có thể được biến tấu để phù hợp với xu hướng và thẩm mỹ mới, tạo ra sự giao thoa thú vị nhưng cũng có thể dẫn đến ít nhiều có sự mai một về bản sắc Chăm.
Sự phát triển kinh tế, xã hội ở Ninh Thuận: Mười năm trở lại đây, Ninh Thuận đã phát triển không ngừng, trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Sự phát triển về kinh tế, xã hội tác động đến sự thay đổi về văn hoá và nghệ thuật múa Chăm. Sự cải thiện về kinh tế giúp người Chăm có nhiều thời gian và điều kiện hơn để luyện tập và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đồng thời, sự phát triển kinh tế, xã hội cũng tạo ra sự thay đổi trong tư duy bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Người Chăm có cơ hội tham gia vào các chương trình nghệ thuật và văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức về việc bảo tồn và phát triển múa của cộng đồng. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ để phát triển tư duy sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Ba là, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế
Toàn cầu hóa mang đến nhiều giá trị mới, nhưng cũng đồng nghĩa với những thách thức mới. Nhiều bạn trẻ bị cuốn hút bởi các trào lưu văn hóa hiện đại, có xu hướng yêu thích vũ đạo nhanh, sôi động, khiến nghệ thuật múa truyền thống trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt họ. Để duy trì sự quan tâm của giới trẻ đối với múa Chăm, cần tạo ra các chương trình kết hợp nghệ thuật truyền thống với yếu tố hiện đại, từ đó tạo nên những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho công chúng.đem lại nhiều giá trị mới nhưng cũng kéo theo những hiện tượng phản văn hoá dẫn đến việc tiếp thu một cách thiếu chọn lọc. Nhiều bạn trẻ yêu thích các vũ đạo hiện đại với tiết tấu nhanh, sôi động và ít quan tâm đến nghệ thuật múa truyền thống.
3. Những biến đổi của múa truyền thống dân tộc Chăm trong đời sống văn hoá đương đại tại Ninh Thuận
Để phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại, nghệ thuật múa Chăm đã có những thay đổi đáng chú ý nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa trong bối cảnh giao thoa văn hóa. Những thay đổi này không chỉ giúp múa Chăm thích ứng với thời đại mà còn bảo tồn bản sắc văn hóa, tạo ra cơ hội để nghệ thuật này phát triển bền vững trong tương lai.
Một là, trong đời sống tâm linh
Người Chăm Ninh Thuận đã trải qua thời gian dài chung sống cận cư với người Kinh (Việt), người Raglai và các dân tộc khác, từ đó có sự giao lưu, gắn bó tiếp biến văn hóa với nhau. Tuy vậy các giá trị văn hóa truyền thống đã được họ bảo lưu khá tốt nhờ vào kết cấu cộng đồng dân cư bền chặt theo làng (palei), tính theo huyết thống bên mẹ (dòng tộc mẫu hệ) với nhiều lễ nghi được gìn giữ cho đến ngày nay. Các lễ nghi tín ngưỡng có từ lâu đời như Puis, lễ Payak, lễ tế trâu Núi Đá trắng, lễ Katé, lễ Rija… vẫn được tổ chức theo chu kỳ. Tuy nhiên, hiện nay một số lễ nghi tín ngưỡng của người Chăm đã có sự biến đổi và mai một dần.
Lễ Katé là một trong những lễ hội lớn nhất của người Chăm Ahier (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn) tại Ninh Thuận. Nghi lễ chính của Katé được diễn ra ở các đền tháp. Ở Ninh Thuận, có ba địa điểm hành lễ là đền thờ Po Nagar (ở làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước), tháp Po Rome (ở gần làng Chăm Hậu Sanh, huyện Ninh Phước) và tháp Po Klong Garai (ở thị trấn Tháp Chàm).
Lễ hội Katé có ý nghĩa kính nhớ ông bà tổ tiên, những người đã khuất; tưởng nhớ các anh hùng dân tộc được người Chăm suy tôn thành thần như Po Rome, Po Klong Garai – những vị vua đã có nhiều công lao đối với người Chăm thủa xa xưa và cầu mong mưa thuận gió hòa [6, tr.225].
Từ không gian của lễ hội với những điệu múa thiêng trong nghi lễ, múa Chăm đã biến đổi phát triển cả những điệu múa mừng trong không gian hội. Và trong lễ Katé truyền thống thì phần lễ phải diễn ra trước phần hội với điệu múa thiêng của bà Pajuw trong tháp để kết thúc đại lễ thì bên ngoài mới được bắt đầu mở hội. Tuy nhiên, trong lễ Katé ngày nay thì phần hội được tổ chức trước với màn múa mừng trước đền tháp nhằm khai mạc lễ hội và sau đó mới đến phần lễ.
Trước năm 1967, lễ Katé không tổ chức ở quy mô lón như ngày nay, “…người dân bình thường không tham gia lễ. Chỉ có người dân nào có nhu cầu cúng tế (mbur ka Po) hoặc hứa sẽ trả lễ (bayar thraiy ka po yang) đề cầu mong con cái, sức khỏe làm ăn phát đạt thì họ mới đem lễ vật cùng tu sĩ Basaih đến cúng tế tại đền tháp vào ngày lễ Kate” [6, tr.240].
Hay như lễ Paralao Pasah ở các cửa sông trước được các làng tiến hành nhưng hiện nay lễ này chỉ còn làng Bỉnh Nghĩa thực hiện.
Hai là, trong các phong trào văn nghệ quần chúng
Phong trào văn nghệ quần chúng vùng đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phát triển rộng khắp từ vùng đồng bằng đến các thôn xóm miền núi. Làng Chăm nào cũng có đội múa để biểu diễn vào các dịp lễ truyền thống. Do người lớn tuổi truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Các đội văn nghệ tham gia biểu diễn phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị-văn hóa ở địa phương. Chương trình biểu diễn của các đội văn nghệ chủ yếu là dân ca, dân vũ đặc sắc trên nền nhạc cụ dân tộc của các nghệ nhân dân gian dân tộc Chăm. Múa Chăm được sử dụng trong các chương trình của đội văn nghệ có 2 hình thức là múa độc lập và múa phụ họa. Nội dung phản ánh thường gắn với lao động, sinh hoạt của người dân như múa tôn vinh vẻ đẹp của người con gái Chăm trong lao động làm gốm, dệt vải; tái hiện lại một nghi lễ trong truyền thống… Ngoài các động tác múa sử dụng các động tác múa truyền thống nhưng bổ sung các thành phần tạo hình, đội hình, tuyến múa để tạo sự tươi mới nhằm thu hút khán giả; Còn có các động tác được phát triển từ các động tác múa Chăm truyền thống. Về âm nhạc, các đội văn nghệ sử dụng các bài trống truyền thống và cả các tác phẩm âm nhạc mới sử dụng chất liệu âm nhạc Chăm để làm âm nhạc phục vụ cho múa. Nếu như trong truyền thống, múa là một phần của nghi lễ và diễn ra theo một trình tự nhất định thì các điệu múa mới được sử dụng trong các đội văn nghệ đã có bàn tay của người biên đạo. Thường biên đạo múa tại các đội văn nghệ là một người múa giỏi trong làng, có khả năng tổ chức, dàn dựng đứng ra luyện tập cho mọi người.
Để có nguồn nhân lực đáp ứng hoạt động biểu diễn, tại các đội văn nghệ xã, và các câu lạc bộ đều tiến hành hoạt động đào tạo. Họ tập hợp đội ngũ nghệ nhân dân gian giàu kinh nghiệm và tâm huyết chuyên biểu diễn và truyền dạy cho lớp trẻ, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm.
Đội ngũ nghệ nhân dân gian truyền dạy cho thế hệ trẻ theo phương pháp truyền nghề trực tiếp, cầm tay chỉ ngón. Phương pháp này ít tốn kinh phí, có hiệu quả cao trong thực hành, các em vừa được học, uốn nắn cụ thể, vừa được tham gia biểu diễn tại các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng của địa phương, đồng thời giúp các giá trị văn hóa được bảo lưu ngay trong môi trường văn hóa của nó, nơi nó được sinh ra, tồn tại và vận hành, trực tiếp đi vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Múa Chăm được truyền dạy tại đội văn nghệ chủ yếu là các động tác, điệu múa trong nghi lễ, lễ hội. Thường có một số động tác cơ bản như: Biyen: hai tay cầm quạt, một tay cao, một tay thấp, xoay quạt đưa về trước bụng; Măng: hai tay cầm quạt đưa sang bên hông đẩy ra thu vào và xoay quạt trước bụng; Tra: làm tay không hoặc cầm quạt gập tay đẩy trước sau, đẩy ngang hông hai bên phải trải, tay úp, ngửa. Bên cạnh đó là một số các động tác được sáng tạo mới dựa trên chất liệu múa truyền thống, vẫn đảm bảo giữ được các đặc điểm của múa Chăm truyền thống như: độ nhún, nẩy dập dềnh, guộn tay, hất nảy cổ tay… Các đội văn nghệ xã, các câu lạc bộ này chính là nơi bảo tồn hữu hiệu nghệ thuật múa Chăm, đồng thời cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực biểu diễn múa Chăm phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân trong các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị – văn hóa quan trọng ở địa phương.
Nhằm khuyến khích hoạt động truyền dạy múa Chăm, tỉnh Ninh Thuận tổ chức các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ dân gian, tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc…hàng năm hoặc định kỳ 2 năm một lần… Các chương trình biểu diễn của các đoàn tham gia Hội diễn không chỉ có đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, độc tấu, hòa tấu…, mà còn có các tiết mục múa Chăm độc lập và múa phụ họa. Các tiết mục múa Chăm ở các Hội diễn phần lớn khai thác từ các điệu múa truyền thống như múa chim công, múa khăn, múa đội lu, múa roi… Và điều đặc biệt là các diễn viên múa trong các chương trình tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng không chỉ có người Chăm mà còn có người Việt.
Thông qua các hội diễn nghệ thuật quần chúng, có thể thấy múa Chăm phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, thu hút sự tham gia sôi nổi của nhiều cấp, ngành và đông đảo người dân trong tỉnh. Điều đó không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, mà còn là cầu nối quan trọng để phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, giúp người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau trong cộng đồng.
Ba là, trên sân khấu chuyên nghiệp
Lấy cảm hứng từ những bức tượng phù điêu vũ nữ Apsara huyền bí, lung linh huyền ảo hay các điệu múa dân gian và tôn giáo, tín ngưỡng Chăm, các nhà biên đạo đã nghiên cứu, sáng tạo ra các điệu múa mang tính thẩm mỹ, kỹ thuật cao để đưa lên sân khấu chuyên nghiệp. Các tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Thiếu nữ Chăm, Khát vọng, Khúc biến tấu từ pho tượng cổ, Trống Baranưng… Mỗi điệu múa đều lấy chất liệu các động tác, tư thế, tạo hình, dáng điệu có sẵn trong đời sống sinh hoạt. Cảm hứng từ những tác phẩm điêu khắc hay những lễ hội truyền thống để sáng tạo đã tạo nên sắc thái mới lạ, lôi cuốn người xem bằng những hệ thống động tác điêu luyện của các diễn viên múa.
Nhiều nhà biên đạo múa đã thành danh từ chất liệu múa Chăm như: cố NSND Đặng Hùng, cố NSND Lê Ngọc Canh, PGS.TS. Ứng Duy Thinh, NSƯT Thọ Thái, NSƯT Thu Vân, NGND Minh Phương, NSND Phùng Nhạn, NSƯT Trần Phú, NSƯT Mai Trung Kiên…
Có thể thấy, múa Chăm không chỉ giàu yếu tố tạo hình đầy ấn tượng, mà còn biểu hiện sắc nét hành động, tính cách nhân vật, góp phần gợi cảm hứng cho công tác biên đạo trên sân khấu chuyên nghiệp.
Múa Chăm trong hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp ở Ninh Thuận được thể hiện chủ yếu thông qua các chương trình biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận. Trong các chương trình biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Ninh Thuận, đối với múa, luôn song hành hai hướng sáng tạo:
Hướng thứ nhất, biểu diễn các điệu múa dân gian của cha ông để lại nhằm bảo tồn di sản múa Chăm như múa khăn, múa chim công, múa dao, múa roi, múa đạp lửa, múa đội lu…. Ở hướng này, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận thường biểu diễn múa Chăm khi được mời tham gia tại các lễ hội của địa phương; biểu diễn múa Chăm tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch (như các làng nghề, bảo tàng…); biểu diễn phục vụ chính trị; biểu diễn tham gia các ngày hội văn hóa Chăm; tham gia các cuộc thi, liên hoan, hội diễn cấp tỉnh, cấp quốc gia…
Hướng thứ hai, biểu diễn các tiết mục múa mới trên cơ sở kế thừa, phát huy tinh hoa của múa truyền thống Chăm. Ở hướng này, ngay từ năm 1993 mới thành lập hai đoàn riêng là Đoàn Ca múa nhạc và Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm, lãnh đạo đoàn đã chú ý mời các biên đạo nổi tiếng về sáng tác, huấn luyện và dàn dựng các tiết mục múa cho đoàn như NSND Đặng Hùng, Kim Quy, Việt Cường, Minh Chính, Bá Thái v.v…Nhờ tài năng và sự nhiệt tình của các biên đạo tài năng, nhờ vào sự nỗ lực phấn đấu của lớp diễn viên tuy hầu hết đều trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng, chưa được đào tạo qua các trường lớp nghệ thuật chính quy, nhưng đầy tình yêu với múa Chăm và bản lĩnh để tập luyện, cho ra mắt nhiều tiết mục múa Chăm mới đặc sắc đạt huy chương vàng trong nước và quốc tế như: tiết mục múa Tượng tháp, tiết mục múa Khát vọng Chapi, tiết mục múa Gốm thắm tình người…Có thể nói, hoạt động biểu diễn múa Chăm chuyên nghiệp của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy múa Chăm trong đời sống văn hóa hiện nay.
4. Múa Chăm trong hoạt động phục vụ phát triển du lịch
Ở Ninh Thuận, có 3 di tích đền tháp Chăm tồn tại hàng thế kỷ đến nay vẫn gần như còn nguyên vẹn, thu hút đông du khách tham quan đó: Quần thể tháp Hòa Lai (cuối thế kỷ thứ VIII), tháp Po Klong Garai (thế kỷ XIII – XIV) và tháp Po Rome (thế kỷ XVI – XVII). Những đền tháp Chăm này có nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo thuộc vào loại đẹp nhất của các đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, tháp Pô Klong Garai cách Quốc lộ 27 khoảng 200 m, nằm ở vị trí rất thuận tiện cho du khách đến tham quan, đây cũng là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất hiện nay ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Ở các di tích này, tại khu vực tháp chính, du khách được thưởng thức những điệu múa dân gian Chăm kết hợp với những giai điệu âm nhạc huyện bí của kèn Saranai, trống Baranưng, tạo nên không gian nghệ thuật với sự kết hợp giữa kiến trúc cổ với nghệ thuật múa và âm nhạc truyền thống dân tộc Chăm vừa vui tươi, vừa huyền bí, lôi cuốn du khách, đem đến cho du khách những trải nghiệm chân xác nhất về một nền văn hóa đã từng tồn tại trên mảnh đất Ninh Thuận, đồng thời làm cho điểm đến du lịch trở nên hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của du khách muốn tìm hiểu văn hóa bản địa và sản phẩm đặc thù địa phương, ngành Du lịch Ninh Thuận còn cùng các địa phương xây dựng, phát triển tour du lịch làng nghề khá hiệu quả với làng nghề gốm truyền thống Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Các tour du lịch này thu hút ngày càng đông du khách tới tham quan, tìm hiểu văn hóa, mua sắm sản phẩm truyền thống. Để tăng sức hút của điểm đến là các làng nghề truyền thống này trong các tour du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận đã tổ chức biểu diễn chương trình văn nghệ dân gian dân tộc Chăm. Chương trình nghệ thuật gồm các tiết mục như: Hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm, Múa đạp lửa, Múa cổ truyền, Múa vui ngày hội và hát Tình làng gốm phản ánh màu sắc văn hóa lễ hội và đời sống sinh hoạt của người Chăm, do các nghệ nhân dân gian của địa phương biểu diễn phục vụ khách du lịch đến tham quan làng nghề. Chương trình nghệ thuật là dịp quảng bá đến du khách nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và mở ra hướng liên kết tour du lịch làng nghề cổ truyền của tỉnh trong tương lai.
Việc đưa múa Chăm vào phục vụ du lịch ở Ninh Thuận đã làm cho múa Chăm góp phần trở thành “thương hiệu” nổi bật của các khu di tích, các làng nghề. Không ít công ty lữ hành khi xây dựng tour đến các tháp Chăm và các làng nghề ở Ninh Thuận thì sản phẩm “quảng cáo” không thể thiếu đi kèm đó là giới thiệu cho khách chương trình biểu diễn múa hát Chăm do những nghệ sĩ dân tộc Chăm trình diễn. Thực tế, dù múa hát Chăm đã được nhiều nơi tổ chức nhưng riêng biểu diễn ở các điểm đến du lịch ở Ninh Thuận, đặc biệt là ở các tháp Chăm luôn mang đến cho người xem cảm xúc khó tả. Có lẽ, điểm khác biệt nhất chính là loại hình nghệ thuật này đã được trình diễn trong một không gian linh thiêng giữa các khu đền tháp cùng sự hóa thân của các nghệ sĩ người Chăm vào cội nguồn văn hóa của dân tộc mình. Nhiều tiết mục luôn được du khách đón nhận thích thú như múa trống hội, múa Apsara, múa khăn, múa quạt…
Với việc đưa múa Chăm vào phục vụ phát triển du lịch không chỉ giúp khách dễ dàng thưởng thức, tạo công ăn việc làm cho các diễn viên, mà còn khẳng định một sản phẩm du lịch độc đáo đã từng gắn liền với các vương triều Chămpa trong suốt hàng trăm năm lịch sử tồn tại của mình.
5. Kết luận
Múa truyền thống dân tộc Chăm không chỉ là một phần quan trọng trong di sản văn hóa Việt Nam mà còn là biểu hiện sống động của bản sắc dân tộc trong bối cảnh hiện đại. Với nền tảng vững chắc từ lịch sử và tín ngưỡng, nghệ thuật múa Chăm đã trải qua nhiều biến đổi để thích ứng với sự phát triển xã hội, đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều thách thức và cơ hội cho múa Chăm. Việc giao lưu văn hóa và ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác đã dẫn đến sự chuyển mình của nghệ thuật múa, tạo ra những biến tấu mới nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Điều này thể hiện rõ qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức ngày càng phổ biến, giúp giới thiệu và bảo tồn nghệ thuật múa Chăm.
Ngoài ra, chính sách của Nhà nước và các chương trình phát triển văn hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Chăm duy trì và phát triển nghệ thuật múa truyền thống, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị văn hóa dân tộc. Sự quan tâm từ thế hệ trẻ, thông qua việc tham gia các phong trào văn nghệ, không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn tạo nên cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc gìn giữ, phát triển và sáng tạo nghệ thuật múa Chăm, chúng ta có quyền hy vọng rằng nghệ thuật này sẽ tiếp tục tỏa sáng, khẳng định vị thế của nó trong đời sống văn hóa đương đại, đồng thời góp phần vào sự đa dạng và phong phú của di sản văn hóa Việt Nam.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Phan Quốc Anh (2006): Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
- Lê Ngọc Canh (1997): Khái luận nghệ thuật múa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- Phan Văn Dốp, Phan Quốc Anh, Nguyễn Thị Thu (2014) (đồng chủ biên): Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
- Nguyễn Thúy Nga (2016): Di sản múa Chăm qua một số tác phẩm điêu khắc Chămpa, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
- Sakaya (2010): Văn hóa Chăm nghiên cứu và phê bình, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.
- Sakaya (2014): Lễ hội của người Chăm, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Lưu Trần Tiêu (2000): “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể”, Thông báo khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.