1. Đặt vấn đề:
Trước khi bàn về xây dựng hệ giá trị quốc gia, gia đình, văn hoá, con người…thì một loạt câu hỏi được đặt ra là giá trị và hệ giá trị là gì, nó được hình thành như thế nào? Chúng có vai trò, ý nghĩa gì đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể, quốc gia, dân tộc? Tại sao chúng ta phải quan tâm tới việc xác định giá trị và hệ giá trị vào thời điểm này? Vai trò của các chủ thể, nhất là Nhà nước đối với các giá trị và hệ giá trị ra sao?
Để góp phần trả lời các câu hỏi này, xin đề cập tới mấy vấn đề sau:
2. Giá trị và hệ giá trị, con đường hình thành và vai trò, ý nghĩa của hệ giá trị
Giá trị được hiểu từ những góc độ nhìn nhận ( hay tiếp cận) khác nhau:
- Từ góc độ nhu cầu của con người, giá trị là những gì hữu ích, đáp ứng được nhu cầu của con người. Và vì nhu cầu thì đa dạng, nhiều mức độ, do đó giá trị cũng sẽ đa dạng, nhiều mức độ: có giá trị vật chất, có giá trị tinh thần, có giá trị ỏ mức độ thấp ( thoả mãn nhu cầu sinh tồn tối thiểu), có giá trị ỏ mức độ cao (thoả mãn nhu cầu hạnh phúc, sáng tạo, phát triển, hoàn thiện, khẳng định bản thân)
- Từ góc độ hoạt động thực tiễn của con người (lao động sản xuất, chiến đấu) giá trị là những gì con người phải tốn công sức, trí tuệ mới có, do vậy những gì càng mất nhiều mồ hôi, trí tuệ, thậm chí xương máu mới có được thì càng có giá trị hay giá trị càng cao.
- Từ góc độ tín ngưỡng, tôn giáo, giá trị là những biểu tượng hoặc lời răn thánh thần mà các tín đồ tin theo suốt cuộc đời.
- Từ góc độ hình thành, hoàn thiện ý thức của con người, giá trị là những gì con người coi là đúng đắn, tốt, đẹp (chân, thiện, mỹ).
Nhưng dù từ góc độ nào, thì giá trị cũng là điều mà con người quý trọng, nâng niu, gìn giữ (nếu đã có), hoặc phấn đấu để đạt đến (nếu chưa có).
Do vậy mọi sự xúc phạm tới giá trị-nhất là giá trị của mỗi tôn giáo sẽ luôn gặp phải phản ứng, có khi quyết liệt.
Việc xác định, hay nhận thức ra những điều quý báu, đáng trân trọng, giữ gìn hoặc phải phấn đấu đạt được (tức là các giá trị) là cả quá trình từ tự phát đến tự giác, quá trình trưởng thành, học tập và hoạt động thực tiễn của con người. Các cá nhân khi còn nhỏ chỉ nhận thức được những giá trị đơn giản, mức độ thấp, gắn với nhu cầu vật chất và sinh tồn đơn giản, chỉ khi lớn lên, đã từng trải, thậm chí phải trả bằng mồ hôi, xương máu của mình thì mới nhận ra những giá trị cao hơn; có những điều ban đầu được coi là đơn giản vì nó luôn hiện diện trong cuộc đời, chỉ khi mất đi người ta mới thấy trân trọng, đáng quý, mới coi là giá trị. Do vậy đối với mỗi người trưởng thành không chỉ có một mà nhiều giá trị, chúng hợp thành hệ giá trị cá nhân và sẽ ngày càng phong phú theo mức độ phát triển nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người, nên được phân định, xắp xếp, phân loại theo cách nào đó. Chẳng hạn xắp xếp theo thang bậc, sẽ có giá trị được coi là cao nhất, tối thượng, có giá trị được coi là nền tảng; xắp xếp theo lớp trong, ngoài, thì có giá trị cốt lõi, có giá trị ngoại vi; xắp xếp theo quan hệ phụ thuộc thì có giá trị ban đầu, có giá trị phái sinh…
Các giá trị liên quan nhất định với nhau theo một lát cắt, một phương diện nào đó thì hợp thành hệ giá trị. Chẳng hạn theo hình thái ý thức khoa học, hình thái ý thức đạo đức, hình thái ý thức thẩm mỹ của con người, thì có hệ giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Trong mỗi hệ giá trị đó, có nhiều giá trị với thứ bậc khác nhau, được ưu tiên coi trọng khác nhau.
Cũng vì phụ thuộc vào nhu cầu và hoạt động thực tiễn của con người nên giá trị và hệ giá trị vừa có tính ổn định, vừa có tính biến động. Có những giá trị được trân trọng, đáng quý lâu dài, song có những giá trị được trân trọng, đáng quý trong khoảng thời gian nhất định, có những điều ỏ giai đoạn này là quý báu, sang giai đoạn kia thì không còn quý báu nữa. Những gì được coi là quý báu, nhưng chưa đạt được thì trở thành mục tiêu, tồn tại lâu dài cùng với quá trình phấn đấu, còn những gì đã đạt được thì dễ bị coi thường, dễ rơi vào quên lãng. Đó là tâm lý phổ biến của con người, nên để duy trì giá trị và hệ giá trị, rất cần sự nhắc nhở, ôn lại về quá khứ, lịch sử.
Các giá trị và hệ giá trị có ý nghĩa với mỗi người và xã hội bởi lẽ trước hết nó định hướng cho suy nghĩ và hành động, đem lại cho con người ý nghĩa của cuộc sống. Giá trị và hệ giá trị giúp cho con người phân biệt được đúng và sai, tốt và không tốt, đẹp và xấu, cái cần và nên làm với cái cần và nên tránh. Trong mọi hoạt động, mọi quan hệ xã hội, người ta đem hệ giá trị của mình để soi xét đối tượng, mục tiêu, theo đó có thái độ và hành vi tương ứng. Nói cách khác hệ giá trị giúp cho con người biết xử lý trong các quan hệ pháp lý, đạo đức, thẩm mỹ và cả chính trị, tôn giáo. Người nào không xác định được các giá trị (hệ giá trị) của mình thì sống không có mục đích, sống vô định, trôi nổi, không có tinh thần, không bản sắc. Những người do những cú sốc cuộc đời, rơi vào tình trạng khủng hoảng giá trị, thường không biết nên làm gì, đi đâu, về đâu.
Tương tự như vậy, một cộng đồng, dân tộc, quốc gia không có hệ giá trị xác định, hoặc rơi vào trạng thái khủng hoảng giá trị, sẽ trỏ nên vô hồn, thiếu bản sắc, thậm chí nguy hiểm vì có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn, xung đột xã hội.
3. Sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm về giá trị
Cá nhân con người sống trong xã hội vừa có cái chung, vừa có cái riêng. Trong quan hệ này, môi trường này thì có điểm chung với những người này và khác với những người kia. Nhưng trong quan hệ kia, môi trường kia thì ngược lại. Các cá nhân sống trong những môi trường, hoàn cảnh xã hội giống nhau, có những nhu cầu giống nhau và có những hoạt động thực tiễn giống nhau thì về cơ bản có chung các giá trị và hệ giá trị, và ngược lại trong các môi trường và hoàn cảnh khác nhau thì có giá trị và hệ giá trị khác nhau. Do vậy không có gì lạ, những người trong cùng gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, tập thể, cơ quan…dù không hoàn toàn giống nhau, thậm chí có sự khác nhau về nhận thức giá trị do tính tình, chí hướng, động cơ cá nhân khác nhau, song về cơ bản có những giá trị giống nhau.
Suy rộng ra, những cá nhân cùng thuộc một tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, quốc gia nhất định cũng sẽ có chung hệ giá trị và có sự khác biệt với hệ giá trị của tầng lớp, giai cấp, dân tộc, quốc gia khác. Nếu các cá nhân xác định cho mình hệ giá trị biểu hiện qua ngôn ngữ, hành vi một cách chủ động, có ý thức, thì các giá trị, hệ giá trị chung của cộng đồng, dân tộc, quốc gia được biểu hiện thông qua văn bản và hành vi của những đại diện chính thức cho cộng đồng, dân tộc. Đối với quốc gia, đó là nhà nước với những khẩu hiệu, logo, mục tiêu chiến lược, tuyên ngôn, cương lĩnh của đảng cầm quyền và người cầm quyền…Nó còn được chia sẻ, truyền tải, lan toả bởi văn học, nghệ thuật kể cả chính thống và dân gian.
Nhưng cũng giống với cá nhân, các cộng đồng, tập thể, tầng lớp xã hội, giai cấp hay dân tộc, tôn giáo, quốc gia dù có những hệ giá khác nhau vẫn có những điểm chung nhất định, không bao giờ là hoàn toàn khác biệt. Do vậy hình thành nên các gía trị chung của nhân loại. Các di sản thiên nhiên hay lịch sử, văn hoá dưới dạng vật thể hay phi vật thể của nhiều dân tộc, quốc gia ngày nay được UNESCO công nhận chính là bằng chứng về các giá trị chung nhân loại.
Sự giống nhau, thậm chí thống nhất về giá trị và ngược lại sự khác biệt về giá trị có tính hai mặt. Sự giống nhau mang tính khách quan, nghĩa là bắt nguồn từ hoàn cảnh giống nhau, nhận thức giống nhau thường đem lại những kết quả tích cực, vì dễ được cảm thông, chia sẻ, khiến mọi người có thể chung sức, đồng lòng trong các hoạt động thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu. Nhưng sự giống nhau mang tính chủ quan, bắt nguồn từ sự cưỡng ép, áp đặt một chiều thường không đem lại kết quả tích cực, rốt cục sẽ là sự phản ứng, chống đối, thậm chí dẫn tới xung đột. Điều này có thể thấy rõ qua các chính sách cưỡng ép, đồng hoá văn hoá, tôn giáo đã từng xảy ra ỏ nhiều nơi trên thế giới.
Sự khác biệt trong quan niệm về giá trị thường dẫn đến tình trạng khó gắn bó, chia sẻ, thậm chí dễ dẫn đến kỳ thị, thù địch như trong lịch sử đã từng thấy giữa tôn giáo này và tôn giáo kia, quốc gia này và quốc gia kia. Xung đột lại càng dễ xảy ra khi có những thế lực vì mục đích của mình mà lợi dụng sự khác biệt thậm chí cố tình khoét sâu sự khác biệt giá trị giữa các cộng đồng, dân tộc, tôn giáo. Ngược lại, nếu biết tôn trọng sự khác biệt giá trị, coi các hệ giá trị khác nhau bình đẳng với nhau, cố gắng tìm kiếm và phát huy tương đồng, bỏ qua khác biệt, thì không những tránh được xung đột, mà còn làm cho xã hội loài người, mỗi cộng đồng, dân tộc thêm phong phú, đa dạng, nhiều mầu sắc. Vì vậy, ngày nay Liên Hợp Quốc đang khuyến khích, cổ vũ cho nền hoà bình dựa trên sự khoan dung, đa dạng văn hoá của các dân tộc, quốc gia.
4. Hệ giá trị và chuẩn mực xã hội
Con người với tư cách cá nhân, hằng ngày tham gia vào nhiều hoạt động và quan hệ xã hội. Những hành vi của họ thường được định hướng bởi nhu cầu, lợi ích cá nhân và diễn ra trong một giới hạn nhất định (chuẩn mực), căn cứ trên quan niệm về lẽ phải và đạo đức của mỗi người. Trong trường hợp các cá nhân có sự tương đồng về giá trị thì hành động của họ không gây nên xung đột, ngược lại trong nhiều trường hợp dẫn đến xung đột với nhau vì khác nhau về quan niệm giá trị và chuẩn mực hành vi. Để tránh xung đột, Nhà nước thay mặt cho xã hội, căn cứ vào hệ giá trị của mình, sẽ xác định khuôn khổ chung (hay là chuẩn mực chung) cho mọi hoạt động, đưa nó thành quy định bắt buộc phải thực hiện hoặc khuyến khích thực hiện. Đó là các chuẩn mực xã hội. Các văn bản pháp luật được nhà nước ban hành là sự chuẩn mực hoá các hành vi của con người trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau. Nó thể hiện sự thừa nhận của nhà nước, của xã hội về cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong hành vi của con người. Nhưng có một thực tế là dù cố gắng đến đâu, không một nhà nước nào có thể chuẩn mực hoá mọi hoạt động của con người. Xã hội càng tự do thì hoạt động của con người càng phong phú, đa dạng, nhà nước sẽ rất khó để quy định chuẩn mực cho mọi hành vi, cho mọi hoạt động của cá nhân. Vì thế các nhà nước sẽ làm theo cách khả thi hơn, là quy định những hành vi bị cấm, nếu vi phạm có thể bị phạt. Thay vì quy định “ cần phải” và “ nên” thế này hay thế kia cho mỗi hoạt động, nhà nước chỉ quy định “ cấm” hoặc “ không được” làm một số việc. Ngoài các hành vi bị cấm đó, cá nhân được tự do làm những điều mình muốn. Luật hình sự là ví dụ điển hình của cách này.
Do cách xác định chuẩn mực xã hội như vậy, nên mỗi cá nhân trong xã hội muốn được tự do, không bị vướng vào những rắc rối không cần thiết trong các hoạt động và quan hệ xã hội, cần phải biết và tuân theo các chuẩn mực xã hội mà nhà nước quy định, trước hết cần biết những hành vi bị cấm, không được làm, sau nữa là những hành vi không nên làm. Hê ghen từng nói “ tự do là nhận thức được cái tất yếu” là như vậy.
5. Chủ thể của các hệ giá trị và sự cần thiết sàng lọc, bổ sung hệ giá trị trong bối cảnh mới
Trong 100 năm qua, Việt Nam là đất nước trải qua nhiều biến động, với những giai đoạn phát triển mang đặc điểm rất khác nhau. Ỏ mỗi giai đoạn, không chỉ lĩnh vực chính trị, kinh tế mà cả lĩnh vực văn hoá, không chỉ toàn xã hội mà cá nhân và gia đình cũng chịu những tác động từ bối cảnh trong và ngoài nước, chịu tác động từ các hệ tư tưởng khác nhau. Sau 30 năm phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, các hệ giá trị cũ và mới đan xen, có những giá trị cũ, lạc hậu nhưng chưa mất đi, có những giá trị mới, tiến bộ nhưng chưa kịp định hình, trở nên phổ biến đã đối diện với những thử thách, đặc biệt là thử thách của đồng tiền. Ngay từ những năm 90 khi kinh tế hàng hoá, thị trường phát triển, Đảng ta đã chỉ ra tình trạng chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, phô trương, lãng phí, coi trọng đồng tiền ngày càng phát triển. Cùng với điều đó, nhiều giá trị đạo đức được xã hội thừa nhận bị lung lay, chẳng hạn phẩm chất trung thực, thẳng thắn. Ỏ công sở, cơ quan người ta nói với nhau “ thật thà thẳng thắn thì thua thiệt”. Còn trong gia đình, nhiều bậc cha mẹ thay vì giáo dục con cái tinh thần thẳng thắn, trung thực thì dạy bảo con phải biết luồn lách, tận dụng cơ hội, thậm chí không đếm xỉa đến tình nghĩa. Mọi việc khó khăn đều có thể giải quyết bằng tiền theo phương châm “ không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều”. Tương tự như vậy, đã có thời tình đồng chí, đồng đội, tinh thần tập thể, cộng đồng “mình vì mọi người, mọi người vì mình” rất được coi trọng, giờ đây bị nhiều người xem xét lại, thậm chí quay lưng. Thay vào đồng chí là “đồng lợi”, thay vào đồng đội là “ đồng bọn”. Nhiều người coi mệnh đề “mình vì mọi người” là điều vô lý, chỉ có “ mọi người vì mình” mới có lý. Từ thực trạng hàng loạt cán bộ kể cả cấp cao bị phát hiện tham nhũng chứng tỏ trong thời gian dài vừa qua, những phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính của người cán bộ, công chức không còn là giá trị nữa. Không ít cán bộ, công chức coi yêu cầu “ đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là không tưởng. Cũng như vậy những yêu cầu “ đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép, đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ, đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành, đối với công việc phải tận tuỵ” chỉ là khẩu hiệu không thực tế, không thực hiện được.
Nêu một vài ví dụ đó để khẳng định xã hội Việt Nam hiện nay, trong giai đoạn phát triển mới, do sự chuyển đổi và phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất theo cơ chế thị trường, của hội nhập và giao lưu quốc tế nên tất cả chủ thể của các hệ giá trị đều cần phải sàng lọc lại các hệ giá trị của mình để nếu cần thì loại bỏ cái cũ và bổ sung thêm các giá trị mới, phù hợp hơn. Điều này đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra ngay sau cách mạng tháng Tám và ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc họp của Chính phủ Lâm thời mấy ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, Người nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó có một nhiệm vụ thuộc về văn hoá “ Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giáo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại cho nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trỏ nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, Kiệm, Liêm, Chính” [1, tr. 7].
Năm 1947, trong bối cảnh chế độ mới còn non trẻ, lại đang bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống kẻ thù mạnh hơn gấp trăm lần, Hồ Chí Minh chỉ ra cần phải có một lối sống mới, một hệ giá trị và chuẩn mực mới, Người viết cuốn sách Đời sống mới với câu mở đầu “ Trong lúc kháng chiến cứu quốc, chúng ta đồng thời phải kiến quốc. Thực hành đời sống mới là việc cần kíp đối với công cuộc cứu quốc và kiến quốc”. Nhưng quan điểm của Hồ Chí Minh là “ Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.
Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ…;
Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý…
Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm…
Cái gì mới mà hay thì ta phải làm” [2, tr. 112- 113].
Đây cũng chính là phương châm ngày nay chúng ta cần tuân theo và vận dụng trong việc sàng lọc, bổ sung các hệ giá trị.
Năm 2022, tại Hội nghị toàn quốc về văn hoá, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng đề cập tới nhiệm vụ phải xác định, xây dựng, phát triển hệ giá trị con người, gia đình, quốc gia. Điều này là rất cần thiết, vì đề cập tới 3 chủ thể quan trọng nhất của văn hoá, trong đó con người (với tư cách cá nhân) là chủ thể của mọi hoạt động và quan hệ xã hội, là nhân tố tạo nên sức sống vật chất, tinh thần của một đất nước, góp phần tạo nên hình ảnh một quốc gia; gia đình là tế bào của xã hội, là nơi mỗi cá nhân được sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời để hình thành nên tính cách, tài năng của mỗi người. Còn quốc gia là môi trường rộng lớn với đầy đủ thể chế, vừa ràng buộc, vừa cho phép mỗi cá nhân và gia đình tồn tại, phát triển lâu dài. Quốc gia cũng là chủ thể cơ bản của quan hệ quốc tế.
Song theo tôi, cũng cần đề cập thêm các chủ thể khác của các hệ giá trị như cộng đồng, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cộng đồng có thể được hiểu là cộng đồng làng, xóm, vùng miền, dòng họ, tộc người hoặc tôn giáo. Tổ chức có thể là tổ chức đảng, Mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị, có thể là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức từ thiện, nhân đạo. Cơ quan có thể là hành chính, có thể là sự nghiệp. Đơn vị có thể là đơn vị thuộc tổ chức dân sự, có thể là đơn vị thuộc tổ chức vũ trang.
Đấy cũng là những chủ thể tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Hệ giá trị mà các chủ thể đó tạo ra có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển nhận thức giá trị của các cá nhân, gia đình; góp phần đáng kể vào việc bảo vệ, duy trì hệ giá trị quốc gia, qua đó góp phần đáng kể vào việc tạo dựng hình ảnh, uy tín dân tộc, quốc gia.
Đồng thời, nhìn từ góc độ hoạt động của xã hội thì trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục…cũng cần phải sàng lọc, bổ sung các giá trị mới cho phù hợp với quy luật phát triển của mỗi lĩnh vực và thời đại, bảo đảm các hoạt động đạt được mục tiêu, hiệu quả. Do vậy nếu nói tới xây dựng hệ giá trị văn hoá, cần phải xác định phạm vi rõ hơn, vì văn hoá theo nghĩa rộng không chỉ bao hàm tri thức, hiểu biết trên tất cả các lĩnh vực mà còn bao hàm cả phong tục, tập quán, thói quen; văn hoá cũng không chỉ là lĩnh vực sáng tạo văn học, nghệ thuật, mà còn nằm trong hoạt động chính trị, hoạt động kinh tế, hoạt động khoa học, giáo dục…là những lĩnh vực cũng có hệ giá trị của mình. Ví dụ, giá trị trong hoạt động nghiên cứu, phổ biến khoa học không phải chỉ là kết quả, mà còn là sự trung thực, dũng cảm, liêm chính của nhà khoa học. Nhưng với một số nhà khoa học, một số tổ chức, cơ quan khoa học, những giá trị này dường như bị bỏ qua. Trong lĩnh vực giáo dục cũng có tình hình tương tự. Bệnh chạy theo thành tích, nhằm đạt những con số mang tính chính trị của nhiều trường học, nhiều tập thể nhà giáo trong thời gian qua cũng để lại hậu quả tiêu cực cho giáo dục, làm xói mòn các giá trị vốn có của giáo dục chân chính. Còn trong kinh tế thì sự giả dối về chất lượng, tiêu chuẩn, gian lận về thuế, lừa lọc đối tác, người tiêu dùng…là hiện tượng không hiếm, thậm chí là phương châm của không ít doanh nghiệp và người kinh doanh.
Liệu văn hoá của dân tộc Việt Nam, của đất nước Việt Nam có thể chấp nhận hệ giá trị lệch lạc của những chủ thể đó không?
Vậy các chủ thể của văn hoá có vai trò gì trong việc chấn chỉnh lại các hệ giá trị, các chuẩn mực xã hội? Cần khẳng định rằng, trong vấn đề này các chủ thể đều có vai trò nhất định.
Đối với việc sàng lọc, chấn chỉnh, bổ sung hệ giá trị quốc gia, Đảng, nhà nước đóng vai trò quyết định, vì “ hệ tư tưởng thống trị không thể nào khác là hệ tư tưởng của gia cấp thống trị”. Đương nhiên trong xã hội dân chủ hiện nay, thực hiện điều này không phải theo cách độc đoán, mà phải bằng phương pháp dân chủ, nghĩa là hệ giá trị quốc gia mà Đảng, Nhà nước xác định, bảo vệ phải phù hợp với ý chí, nguyện vọng của đa số các tầng lớp nhân dân.
Đảng, Nhà nước có vai trò quyết định trong việc xác định, duy trì, bảo vệ hệ giá trị của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, các tổ chức kinh tế nhà nước, các cơ quan công quyền, các đơn vị dân sự hoặc vũ trang bởi lẽ đây là các tổ chức do Đảng, Nhà nước lập ra, sử dụng ngân sách nhà nước, thực hiện ý chí và mục tiêu của Đảng, Nhà nước.
Đảng, Nhà nước cũng có vai trò quyết định trong việc xác định hệ giá trị cho những lĩnh vực hoạt động liên quan đến vận mệnh và lợi ích quốc gia, chẳng hạn lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan đơn vị tham gia vào các hoạt động này phải tuân theo các giá trị và chuẩn mực do Nhà nước định ra, mà không thể tuỳ theo ý chí, sơ thích, nguyện vọng của riêng mình.
Với các lĩnh vực hoạt động lĩnh vực khác như kinh tế, văn hoá, đặc biệt tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước tuy không có vai trò quyết định, song có vai trò chi phối, ảnh hưởng nhất định, thông qua việc xác định ranh giới, chuẩn mực về mặt an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị tham gia vào các hoạt động này, trong khi tuân theo và bảo vệ, gìn giữ các giá trị của riêng mình, phải bảo đảm tuân thủ chuẩn mực do nhà nước xác định.
Đối với hệ giá trị cá nhân, gia đình, cộng đồng, tổ chức xã hội, chỉ có bản thân các chủ thể đó mới quyết định được hệ giá trị của mình. Chỉ có mỗi cá nhân mới xác định cho mình những giá trị mà mình theo đuổi và giữ gìn. Cũng như vậy, chỉ có mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, tổ chức dân sự mới tự xác định cho mình những giá trị cần trân trọng, nâng niu, giữ gìn, theo đuổi.
Trong quá trình nhận thức và xác định cho mình hệ giá trị cần theo đuổi, bảo vệ, phát huy, thì sự học tập lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm của nhau là quan trọng. Nhà nước chỉ có ảnh hưởng nhất định, thông qua chính sách, pháp luật để định hướng, điều chỉnh khi cần và thông qua hệ thống báo chí, truyền thông để tuyên truyền, cổ vũ, động viên, khen ngợi những điển hình, những tấm gương tiêu biểu. Nhà nước cũng có thể tạo điều kiện vật chất để các cá nhân, gia đình, cộng đồng, tổ chức, đơn vị có những diễn đàn chia sẻ, trao đổi nhận thức, kinh nghiệm, qua đó sàng lọc, bổ sung hệ giá trị của mình.
6. Kết luận
Giá trị và hệ giá trị có vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Nó cũng cần thiết cho mỗi hoạt động xã hội từ chính trị, đến kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Làm sáng tỏ bản chất, biểu hiện, đặc điểm…của giá trị và hệ giá trị xứng đáng là vấn đề của triết học. Có thể khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước ta xây dựng, phát triển hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị quốc gia trong thời điểm hiện nay là đúng đắn và rất cấp thiết. Song từ góc độ phương pháp luận tiếp cận giá trị và hệ giá trị, xin đề nghị cần đi sâu và cụ thể hơn nữa về các chủ thể và vai trò của các chủ thể trong việc sàng lọc, bổ sung các hệ giá trị của con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.5; Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.