TS.Vũ Thị Mận
Từ khóa: Tín ngưỡng, Đức Thánh Trần, phong tục, tập quán
Nhận bài: 09/08/2024; biên tập: 10/08/2024; phản biện: 18/08/2024; duyệt đăng: 26/08/2024.
1. Đặt vấn đề
Đức Thánh Trần tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 10 tháng Chạp (chưa rõ năm sinh) tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (năm 1300 dương lịch), ông là con trai thứ của An Sinh Vương Trần Liễu và Thuận Thiên công chúa Lý Thị Nguyệt. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Trần Quốc Tuấn là nhà quân sự, nhà chính trị kiệt xuất đã có công lãnh đạo quân dân nhà Trần chiến thắng quân Nguyên- Mông, là tấm gương sáng về lòng trung quân, ái quốc. Trước khi mất, Trần Quốc Tuấn dặn con: “Ta chết tất phải hỏa táng, lấy ống tròn đựng xương ngầm chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ để người không biết chỗ nào” [3, tr. 86]. Sau khi mất, ông được triều đình phong tặng danh hiệu: “Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương”.
Vì công lao và đức độ, Hưng Đạo Đại Vương đã hiển Thánh trong lòng dân. Người dân Việt tôn Ông là Đức Thánh Trần. Trong tâm thức của người Việt Nam nói chung và người dân Hải Dương nói riêng, Trần Hưng Đạo không chỉ là vị tướng tài giỏi có công với nước, mà còn là vị Thánh, giúp diệt trừ tà ma, tiêu giảm bệnh tật, phù hộ độ trì, che chở cho cuộc sống yên bình và chỗ dựa tinh thần của nhân dân.
Một số phong tục trong nghi lễ tín ngưỡng thờ tự Đức Thánh Trần được thực hiện một cách tự giác, mang tính linh thiêng thể hiện lòng thành kính, biết ơn của người dân Hải Dương, nơi Ngài sinh sống cả cuộc đời và ghi chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông vào thế kỷ XIII.
Phong tục trong tâm thức người dân là một bộ phận cấu thành ý thức xã hội thông thường, phản ánh trực tiếp đời sống vật chất của con người, được trao truyền qua các thế hệ trong lịch sử của một cộng đồng. Mặc dù chỉ là sự phản ánh mang tính trực quan, cảm tính, song lại rất phong phú và sinh động. Kết quả của sự phản ánh, tuy chưa đạt được giá trị khoa học nhưng lại là cơ sở cho nhận thức khoa học, hơn nữa lại chứa đựng “hạt nhân hợp lý” của đời sống xã hội. Phong tục cũng là nhân tố quan trọng góp phần tạo thành nếp sống, lối sống và sắc thái văn hóa, là điểm tựa tinh thần, “sức mạnh vật chất” nâng đỡ con người vượt qua trở ngại, khó khăn trong cuộc sống.
Trong xã hội hiện đại, một số phong tục của người dân Hải Dương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ở đền Kiếp Bạc, đến nay vẫn được duy trì, tiếp nối trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, như một bông hoa đa sắc. Trong đó, phong tục của người dân Hải Dương – yếu tố cấu thành văn hóa Xứ Đông, là thành tố của Văn hóa Việt Nam truyền thống. Trong bối cảnh hiện nay, để văn hóa trở thành “nền tảng tinh thần”, là “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi” [2, tr.13], sự cần thiết phải trở lại tìm hiểu một số phong tục của người dân Hải Dương chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.
2. Một số phong tục của người dân tỉnh Hải Dương chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần
2.1. Tục cầu tự
Cầu tự là một phong tục dân gian, tồn tại khá phổ biến ở nhiều nơi. Tục cầu tự ở đền Kiếp Bạc, được ghi chép trong sách “Kiếp Bạc vạn linh từ điển tích” (1963), văn bia tại đền Kiếp Bạc. Hiện nay ở đền Kiếp Bạc vẫn còn lưu giữ được bộ sớ cầu tự bao gồm “cầu tự sớ” và “cầu tự đắc tự sớ”.
Theo tâm thức dân gian, những gia đình gặp khó khăn về đường con cái thì đến đền Kiếp Bạc làm lễ cầu tự. Muốn cầu tự có kết quả như ý, người đi cầu phải có niềm tin tuyệt đối vào Đức Thánh Trần. Vợ chồng hiếm muộn, sau khi chọn được ngày tốt, sắm đủ lễ vật, đến đền để làm lễ cầu tự. Lễ vật có hoa quả, rượu, trầu cau và bắt buộc phải có sớ cầu tự. Sau khi nhờ thầy làm lễ, hai vợ chồng phải chui qua gầm tượng theo tuần tự “vào cửa Cha, ra cửa Mẹ”. Cha là Đức Thánh Trần và Mẹ là Đức Quốc Mẫu. Hình thức chui được thực hiện theo chiều quay của kim đồng hồ, nếu cầu con gái thì chui 9 lần, cầu con trai thì chui 7 lần. Sau đó ra phía sau đền, chỗ có gò đất cao nhô lên, lấy một ít đất để ăn. Với cách làm như vậy, nhiều người dân tỉnh Hải Dương tin rằng, lòng mong muốn cầu tự sẽ linh nghiệm, đứa trẻ sau này khi sinh ra sẽ dễ nuôi, gặp nhiều phước lành.
Sau khi làm lễ ở đền về, nếu linh nghiệm, gia đình đó phải đến đền để làm sớ “cầu tự đắc tự sớ” để lễ tạ Đức Thánh Trần. Nhiều cặp vợ chồng sau khi cầu tự ở đền Kiếp Bạc về có kết quả đã tạ ơn Đức Thánh Trần bằng việc cung tiến tiền của, công đức xây dựng đền, đồ thờ, câu đối… Một số câu đối ở đền hiện nay còn khắc họ tên, địa chỉ người cầu tự để tỏ lòng lễ tạ Đức Thánh Trần.
2.2. Tục bán khoán
Người dân tỉnh Hải Dương tin rằng, đứa trẻ sinh ra vào khung giờ xấu, khắc tuổi hay ốm đau, bệnh tật, quấy khóc, khó nuôi,…nếu đem đến đền Kiếp Bạc để bán khoán thì sẽ khỏe mạnh, lớn khôn. Khi đứa trẻ được một cữ thì bố mẹ ra đền Kiếp Bạc nhờ cụ thủ từ viết sớ, trong đó ghi rõ thông tin: họ tên, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ,…bán cho Đức Thánh Trần, sau đó đóng dấu của đền trên sớ cùng với mâm lễ vật thường là xôi gà, trầu cau, hoa quả, vàng hương, rồi trình lên ban thờ Đức Thánh Trần, cúng xong thì đem hóa sớ. Thời gian bán khoán thường là 12 năm, sau đó mới đến chuộc về. Trong thời gian bán khoán vào các ngày lễ trọng như: Tết Nguyên Đán, ngày giỗ của Đức Thánh Trần (20/8 âm lịch), ngày giỗ Thánh Quốc Mẫu (28/9 âm lịch), cha mẹ đứa trẻ phải đến đền thắp hương, tùy theo hoàn cảnh mà biện lễ, nếu ở xa phải nhờ nhà đền làm giúp. Hiện nay ở đền Kiếp Bạc vẫn còn lưu giữ tờ khoán văn cổ về việc bán khoán là “Mại Đồng Tử Khoán Văn”, theo tâm niệm của người dân rất linh nghiệm.
2.3. Tục cầu tài, cầu an
Vào các dịp quan trọng như tết Nguyên Đán, các ngày giỗ của Đức Thánh Trần, các ngày lễ khác,…nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương thường đến đền Kiếp Bạc, cầu an, cầu tài cho gia đình mình được mạnh khỏe, công việc thuận lợi, may mắn. Lễ vật dâng cúng được sắm tùy theo hoàn cảnh gia đình. Gia đình khá giả thường sắm xôi, gà, cau, trầu, rượu, thuốc, hoa quả, tiền vàng,…Đến nay, ở đền Kiếp Bạc vẫn còn lưu giữ được nội dung của lá sớ cổ cầu an là “Kỳ an cầu tài sớ”. Với việc trình sớ lên cửa Ngài, người dân hy vọng mọi việc được thuận lợi, suôn sẻ.
Trước đền Kiếp Bạc hiện nay có 2 giếng nước cổ, dân gian gọi là giếng Mắt rồng. Người dân tỉnh Hải Dương tin rằng, khi trong nhà có người bị ốm đau, bệnh tật thì đến xin nước thiêng về uống, và không quên xoa vào đôi chân voi ở gian tiền tế với mong muốn “khỏe như voi”, mọi bệnh tật được tiêu tan.
2.4. Tục trừ tà, sát quỷ
Một trong những nét đặc sắc trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ở đền Kiếp Bạc là tục trừ tà, sát quỷ. Những người nghi do bị ma quỷ ám thường đến trước cửa Ngài, nhờ uy lực của Ngài để diệt trừ. Người dân tỉnh Hải Dương tin rằng, Hưng Đạo Đại Vương có công chém đầu tường giặc Phạm Nhan, là người có yêu thuật, thường gây tai vạ cho dân, nhất là phụ nữ ốm lâu không khỏi, bị nghi là “ ma làm”. Chỉ có Đức Thánh Trần mới có uy lực, đủ phép trừ tà ma, cứu người.
Trước đây ở khu vực 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn, phụ nữ sinh mà bị hậu sản, đau yếu, hiếm muộn về con cái cũng cho là bệnh do Phạm Nhan gây ra, hoặc nhiều người nghi do yêu ma, quỷ quái ám bệnh mà thành. Những người này phải đem lễ đến đền Kiếp Bạc nhờ các Thanh Đồng làm lễ, kêu khấn nhờ uy lực của Đức Thánh Trần trừ tà, sát quỷ. Thường khi đến cửa Ngài sẽ được người Nhà Đền viết cho hai câu:
“Sinh kiếp dĩ ô trần nhuệ kiếm
Tử hồn do xuyết phụ nhân quần”.
Hai câu trên có nghĩa là: “sống làm nhơ gươm báu nhà Trần, nay chết còn bám theo đàn bà làm chi”. Khi xin được hai câu này ở Đền về treo ở nhà là khỏi bệnh. Ngoài ra người dân còn xin các đồ thờ như chiếu, tàn hương… để chữa bệnh.
Sau khi làm lễ xong, nếu xin được đài âm dương thì đem ra chỗ Thủ từ đóng dấu đỏ vào giấy vàng, rồi sau đó đem vào hậu cung dâng lên ban thờ Đức Thánh Trần trình. Sau đó đem giấy bản màu vàng đốt thành tro, hòa cùng với nước và rượu, chắt lấy nước uống, còn bã thì đem day vào thái dương hoặc xoa từ ngực trở xuống. Ngoài ra, nếu trong gia đình có người thân bị đau ốm, người ta đến đền Kiếp Bạc cúng lễ, xin các bùa hộ mệnh, bùa trấn trạch, và thường khấn:
“Ngũ lôi thần tướng, ngũ hổ thần quan
Trần Triều đại thánh sát quỷ, trừ tà”
Ở đền Kiếp Bạc có một hình thức trừ tà, sát quỷ phổ biến nữa là hầu đồng. Người có bệnh phải ngồi đồng, bịt khăn đỏ vào mắt, thanh đồng cầm vài nén hương thổi phù vào mặt người ngồi đồng và niệm thần chú, bên ngoài có đội cung văn đánh trống, gõ phách đọc bài văn sai để ốp đồng. Một lúc sau thì người ngồi đồng sẽ chao đảo, tà ma nhập vào người như bị thôi miên, đây là lúc thanh đồng tra hỏi như quan tù. Người ngồi đồng sẽ có một số hành động như tự tay vả vào mặt mình, cầm roi quật lên người hoặc khóc lóc, van xin. Khi tà ma trong người ngồi đồng chịu nhận tội thì thanh đồng bắt cho làm tờ cam kết điểm chỉ, ký tên để xác nhận, sau đó người có bệnh đem về treo trước chỗ nằm.
Bên cạnh đó, ở đền Kiếp Bạc hiện nay cũng có cách trừ tà, sát quỷ khá đặc biệt. Đó là khi thanh đồng được Đức Thánh Trần nhập vào thì thanh đồng ra oai cho thấy phép thánh như: lấy dải lụa tự thắt cổ, cho nắm nhang đang cháy vào miệng, uống dầu sôi rồi phun ra, dùng dao sắc rạch lưỡi hay xiên lình (những hình thức này dường như không nguy hiểm đến tính mạng người Thánh nhập). Khi rạch lưỡi chảy máu, thanh đồng sẽ phun lên một tờ giấy để làm “dấu mặn”. Người bệnh sẽ đem giấy đó đốt và hòa với nước, rượu hoặc nước tiểu để uống hoặc để người ốm đeo bên mình (theo quan niệm dân gian) sẽ tránh được tà ma, quỷ quái [4, tr.208].
2.5. Tục làm cỗ tiến Thánh
Tục làm cỗ tiến Thánh là một trong những nghi lễ quan trọng trong mỗi dịp lễ hội tại đền Kiếp Bạc. Với ước nguyện thỉnh cầu các vị thần linh về hưởng lộc, chứng giám lòng thành, phù hộ, độ trì che chở, cầu cho cuộc sống luôn được ấm no, hạnh phúc cho mọi người trong cuộc sống.
Đây có lẽ cũng là nét đặc sắc riêng có trong phong tục tập quán của người dân trong lễ tiến Thánh tại đền Kiếp Bạc. Theo thông lệ vào đêm 15 tháng 8 âm lịch hàng năm, người dân 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn sắm vật phẩm chuẩn bị ra làm cỗ tiến Thánh. Không khí vui tươi phấn khởi, tưng bừng, tiếng chày, tiếng cối, tiếng cười nói huyên náo làm quên đi những nhọc nhằn, lam lũ đời thường. Trong tâm thức của mọi người luôn có niềm tin, niềm kiêu hãnh khi được góp phần làm ra vật phẩm để dâng lên Đức Thánh Trần.
Các vật phẩm rất phong phú, đa dạng, chứa đựng tình cảm, khát vọng bình dị của người dân khi dâng lên cúng Thánh như: bánh lọc, bánh trong (thể hiện sự trong sáng, thanh bình); bánh tràng gừng (thể hiện sự mặn mà, ấm áp); bánh su sê (thể hiện sự hạnh phúc, viên mãn); bánh dày, bánh ngũ sắc (thể hiện sự hòa hợp âm dương); bánh rán, bánh mật (thể hiện sự ngọt ngào, sung túc). Ngoài ra còn có oản nhuộm bốn màu, xôi, các loại hoa quả. Mâm lễ dâng lên đức Thánh đa dạng, tinh khiết, đủ màu sắc, hình thức đặc trưng không lẫn với lễ phẩm trong các lễ hội khác. Sáng ngày 16/8 âm lịch đoàn rước lễ vật của hai làng Vạn Yên, Dược Sơn được khởi hành trong đoàn rước trong niềm tự hào, phấn khởi của người dân và du khách thập phương.
2.6. Lễ Hội quân trên sông Lục Đầu
Lễ hội quân trên sông Lục Đầu nhằm tái hiện lại cảnh ra quân của Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Để tổ chức lễ Hội quân, Ban tổ chức đã mời 40 thuyền của ngư dân ở Quần Mục, Kiến Thụy (Hải Phòng), 40 thuyền của ngư dân Kênh Giang, thành phố Chí Linh (Hải Dương), 500 võ sinh phái võ Nhất Nam, 100 tay võ gậy ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; 300 quân cơ, đội múa rồng và dàn trống trận Vạn Kiếp.
Dưới sông, các thuyền được chia làm 2 đội, mỗi đội 40 thuyền, tập kết trước hai đầu sông ở chùa Nam Tào và đền Bắc Đẩu. Mỗi thuyền đều cắm 5 lá cờ thần, trên sông căng tấm biển lớn ghi tên hiệu của vị tướng chỉ huy. Các thuyền trên sông diễu hành 3 lần theo các chủ đề. Phía trên bờ sông đài duyệt quân được trang trí lộng lẫy, đứng trên đài là người đóng Đức Thánh Trần và 2 vị tướng Yết Kiêu và Dã Tượng. Đội đánh gậy, đội võ Nhất Nam được tập trung ở phía ngoài đê trên sông Lục Đầu. Đội cờ 300 người đứng bảo vệ xung quanh. Đội trống tập kết trên đê. Đội múa rồng tập kết ở khu vực sát cầu thuyền để đón đoàn thủy quân.
Với việc tái hiện lại ngày hội quân của Trần Hưng Đạo trên sông Lục Đầu cho chúng ta gợi nhớ lại khí thế hào hùng của cả dân tộc anh hùng đứng lên chống giặc ngoại xâm, với những chiến công hiển hách dưới sự chỉ huy tài giỏi của các vị tướng lĩnh. Với sự tham gia hàng nghìn người của những người tham gia hội quân, nhân dân và du khách thập phương tạo nên một không khí tưng bừng, náo nhiệt của ngày lễ hội. Điều đó cũng góp phần giáo dục lý tưởng vun bồi lòng yêu quê hương, yêu giống nòi, bài học về ý thức tự lực, tự cường dân tộc, về việc xây dựng gắn kết, đoàn kết và trách nhiệm xây dựng đất nước cho thế hệ trẻ.
2.7. Lễ ban ấn
Lễ ban ấn là một trong nhưng nghi lễ đặc sắc ở đền Kiếp Bạc. Theo lệ xưa, trước ngày đại kỵ của Đức Thánh Trần, chính quyền sở tại cùng với thủ từ làm lễ đóng ấn vào tấm vải màu vàng, sau đó xin phép Ngài để ban phát cho khách thập phương.
Khác với ấn ở đền Trần Nam Định, bộ phù ấn ở đền Kiếp Bạc là bảo vật quý hiếm, gắn liền với sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện sức mạnh uy quyền của Đức Thánh Trần, đồng thời cũng là khát vọng về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân. Đây là điểm nhấn trong phong tục tập quán của người dân Hải Dương được lưu truyền hơn 7 thế kỷ qua.
Hiện nay ở đền Kiếp Bạc còn lưu giữ được 4 ấn tín bằng đồng của Đức Thánh Trần thể hiện uy quyền và sức mạnh của Đức Thánh.
Ấn thứ nhất, kích thước 10×10 cm, văn khắc gồm 7 chữ “Trần Triều Hưng Đạo Vương Chi Ấn” (Ấn của Hưng Đạo Vương Triều Trần) là phù ấn quan trọng nhất, nội dung thể hiện quyền uy và sức mạnh mà Đức Thánh Trần ban cho.
Ấn thứ hai, hình vuông, kích thước 5,5 ×5,5 cm, văn khắc bao gồm bốn chữ “Quốc Pháp Đại Vương” (ấn phù của Quốc pháp Đại Vương), cầu Đức Thánh ban sức mạnh quyền uy, bắt mọi thế lực phải tuân theo những phép tắc.
Ấn thứ ba, hình vuông, kích thước 4,3 ×4,3cm, văn khắc gồm 4 chữ “Vạn Dược Linh Phù” (phù ấn linh thiêng của đền Vạn Dược cứu giúp mọi người khỏe mạnh, trường sinh,…
Ân thứ tư, hình chữ nhật, kích thước 5,2 × 7,8 cm, văn khắc sáu chữ “Phi Thiên Thần Kiếm Linh Phù” (Phù ấn linh thiêng của Phi thiên thần kiếm), cầu bình an, sát quỷ, trừ tà…
Theo quan niệm dân gian, du khách muốn cầu việc lớn, việc quan tước, công danh thành đạt… thì xin phù ấn “Trần Triều Hưng Đạo Vương Chi Ấn”, hoặc ấn “Quốc Pháp Đại Vương”. Nếu cầu trường thọ, cầu sinh con, tài lộc dồi dào, tốt lành thì xin ấn “Vạn Dược Linh Phù”; cầu tránh tà ma, bệnh tật, giặc giã thì xin ấn “Phi Thiên Thần Kiếm Linh Phù”. Thông thường, người dân xin tấm lụa vàng có in cả bốn phù ấn của đền về treo tại nhà hoặc mang theo bên mình, với ước vọng Đức Thánh sẽ phù hộ, che chở, cầu được trấn trạch kỳ an, Phúc, Lộc, Thọ và vạn sự tốt lành.
2.8. Lễ cầu siêu, hội hoa đăng trên sông Lục Đầu
Lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng ở đền Kiếp Bạc là hoạt động nhằm cầu siêu thoát cho những tướng lĩnh nhà Trần đã mất trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, tưởng niệm những anh hùng đã hy sinh vì đất nước, cầu cho quốc thái dân an, phong đăng hòa cốc, mùa màng tốt tươi, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Địa điểm được chọn để tổ chức buổi lễ Cầu siêu ở tại sông Lục Đầu, trước cửa đền Kiếp Bạc. Việc dựng tháp cầu an trên đường thần đạo, nội minh đường đền và trên đê sông Lục Đầu là nét đẹp trong văn hóa tâm linh, giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc.
Trên bờ sông, chín tầng tháp được dựng lên tượng trưng cho trục nối, giao thoa của âm – dương, đất – trời. Chín tầng của văn hóa Nho – Phật – Đạo tạo nên một tòa tháp nguy nga, tráng lệ trong đêm hội. Sợi dây trắng hồng nối từ tháp xuống sông, tượng trưng cho cầu siêu thoát. Dưới sông các đoàn thuyền nối tiếp nhau trở hoa đăng nhìn lung linh sắc vàng, làm bừng sáng cả vùng Vạn Kiếp. Mỗi cánh hoa đăng tượng trưng cho tình cảm của thế hệ người Việt hôm nay, muốn tri ân công lao to lớn của các thế hệ năm xưa đã hy sinh để bảo vệ bờ cõi non sông. Các thuyền hoa đăng tập trung ở cồn kiếm, dải đất hình thanh kiếm của Trần Hưng Đạo trên sông Lục Đầu, tạo thành thanh kiếm lửa, cầu mong các linh hồn được siêu thoát. Trong không khí thiêng liêng của buổi lễ, với sự tham gia đông đảo của người dân, đọng lại trong mỗi người sự biết ơn, lòng tự hào dân tộc sâu sắc.
2.9. Tục Hầu Thánh
Hầu Thánh hay còn được gọi lên đồng, hầu đồng là một nghi lễ đặc trưng ở Đền Kiếp Bạc nhằm tôn vinh công lao, quyền uy của Đức Thánh Trần trong đấu tranh giữ nước và xây dựng, phát triển nội Đạo ở Việt Nam. Trải qua hơn 7 thế kỉ, Hầu Thánh ở đền Kiếp Bạc diễn ra chủ yếu theo hai hình thức là Hầu đồng Thánh và Hầu đồng tà, quy tụ được đông đảo người tham gia. Hầu đồng thánh là xin thần dược để chữa bệnh, hầu đồng tà là xin tróc tà, trừ ma.
Đứng đầu canh hầu thánh là các Thanh đồng, Thanh đồng thực hiện các nghi lễ hầu thánh, thực chất là trình lên Đức Thánh Trần các sở nguyện của tín đồ như trừ tà, sát quỷ, cầu tự… để cứu độ. Hàng năm có hàng trăm thanh đồng về đền Kiếp Bạc để hầu đồng, có sự giao thoa giữa tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu thánh thường diễn ra vào các ngày sinh, ngày giỗ của Đức Thánh, ngày lành, tháng tốt…
Hầu đồng Đức Thánh Trần có 6 giá bao gồm: Đức Thánh Trần, Trần Quốc Tảng, Phạm Ngũ Lão, Đệ nhị công chúa, cô bé cửa Suốt, cậu bé cửa Đông. Tuy nhiên trong quá trính phát triển, tục Hầu Thánh đã có sự giao thoa giữa hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu với hầu Đức Thánh Trần trong lễ hội đền Kiếp Bạc, từ đó tiệc hầu Thánh trở nên đa sắc và hấp dẫn. Trong không gian vừa thiêng liêng, huyền ảo các thanh đồng hóa thân vào bóng của các vị Thánh, ban tài, ban lộc, cầu phúc…cho nhân dân. Giây phút thăng hoa nhất là lúc các thanh đồng nhập thần, ngất ngây cùng với những điệu múa thiêng, âm thanh của tiếng đàn, điệu hát phong lưu, tài tử của các nghệ nhân cùng với tiếng hò reo, cổ vũ của con nhang, đệ tử, nhân dân thập phương về dự lễ làm tiêu tan mọi lo toan, vất vả của cuộc sống thường ngày, thay vào đó là cảm giác thanh thản, yên bình.
Việc thực hành tín ngưỡng Thờ Đức Thánh Trần không chỉ mang lại niềm tin cho người dân trong cuộc sống, mà còn là nơi mọi người dân có cơ hội để gặp gỡ giao lưu, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, cùng nhau hướng về cội nguồn. Lễ hội “Tháng tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” góp phần gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh nội sinh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
3. Kết luận
Sau hơn 7 thế kỷ hình thành, tồn tại và phát triển, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ở đền Kiếp Bạc đã ảnh hưởng sâu rộng đến phong tục, tập quán người dân tỉnh Hải Dương. Trong phong tục, tập quán của người dân tỉnh Hải Dương hiện nay, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc.
Trong xã hội hiện đại, với cách tiếp cận đa chiều, các phong tục tập quán của người dân tỉnh Hải Dương cũng cấn phải được nhìn nhận từ chiều cạnh cả tích cực lẫn tiêu cực. Những gì là mang giá trị văn hóa truyền thống như “đạo lý uống nước nhớ nguồn”, ý thức đoàn kết cộng đồng, niềm tự hào và tự tôn dân tộc,… thì cần phải bảo tồn và phát huy để các giá trị ấy trở thành nguồn lực của sự phát triển; còn những yếu tố mang tính mê tín, không phù hợp với đời sống tinh thần của con người trong xã hội hiện đại cần phải làm cho nhân dân hiểu ra và lọc bỏ. Đúng như cụ Phan Kế Bính đã nói: “Tuy vậy cái tục cũ đã truyền nhiễm lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần, trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem tục hay mà bổ kết cho các tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy” [1, tr.9 – 10].
Đây là vấn đề đòi hỏi chính quyền các cấp, các ngành và người dân tỉnh Hải Dương, với tư cách là chủ thể của một vùng văn hóa, cần có nhận thức đầy đủ và giải pháp phù hợp để phát huy giá trị phong tục, chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ đức Thánh Trần ở đền Kiếp Bạc, trong thời gian tới./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Phan Kế Bính (1990): Việt Nam phong tục, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh, 1990.
2. Nguyễn Phú Trọng (2024): Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
3. Hồ Đức Thọ (2002): Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương trong tâm thức người Việt, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
4. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Nghiên cứu lịch sử phật giáo Trúc Lâm và các giá trị văn hóa phi vật thể quần thể di tích Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc”, Hội khảo cổ học Việt Nam.
PHỤ LỤC
Bia cổ (số 2) tại đền Kiếp Bạc: Cung Tu Vạn Dược Linh từ (bia do Gia Xuyên Đỗ Văn Tâm soạn) Bia xây dựng 1906, nội dung ghi lại việc Hàn lâm viện Điển tịch Lê Văn Thược “tuổi trung niên, rất vất vả về đường con cái, người vợ họ Nguyễn đến Dược Sơn cầu ở đền Đại Vương Trần Hưng Đạo, phát tâm hành thiện. Từ đó mưu kế kinh doanh bất kể việc gì vạch ra đều trúng, cứ như có người xui khiến, vậy nên công việc gia đình ngày càng phát đạt, đến nay con cái đông đủ, nên người đều do thánh ban phúc…”. Ông Lê Văn Thược đã chọn ngày tốt, công đức tiền tu sửa đền Kiếp Bạc: cung tiến chuông đồng, đúc tượng Đại Vương Trần Hưng Đạo, tượng Thánh Mẫu bằng đồng, mỗi tòa đều có mũ áo, cân đai, ngai ỷ đều bằng đồng. Thuê người sửa đường lên núi Nam Tào, chế tác hai kiệu long đình thếp vàng, tu sửa năm gian bằng gỗ lim,…