MỘT SỐ KHÁI NIỆM NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO CỦA NGÔ THÌ NHẬM

Nguyễn Thị Toan

 Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

  1. Đặt vấn đề

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) là danh sĩ thời biến loạn Hậu Lê – Tây Sơn. Ông là người đã góp công sức lớn cùng vua Quang Trung đánh tan quân Thanh làm nên sự nghiệp nhà Tây Sơn cuối thế kỷ 18. Tuy con đường hoan lộ của ông ngắn ngủi nhưng đã để lại tiếng vang lớn trong lịch sử dân tộc. Những năm cuối đời, khi không thể đem tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho chốn quan trường, ông lui về ở ẩn và nghiên cứu Phật giáo. Ông ảnh hưởng sâu sắc tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Do đó, dù ở ẩn, lập thiền viện và cùng đạo hữu sớm chiều tầm cầu học đạo, nhưng ông vẫn thể hiện một tinh thần đau đáu vì dân vì nước. Tác phẩm cuối đời của Ngô Thì Nhậm “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” đã thể hiện rõ tấm lòng hiếu sinh của ông. Đến nay đã có rất nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về Ngô Thì Nhậm, song bàn sâu về nhân sinh quan Phật giáo của ông thì chưa có một công trình nghiên cứu chuyên biệt nào. Đây là khoảng trống để tác giả đi vào khai thác và trình bày trong bài viết của mình.

  • Nội dung nghiên cứu

2.1. Quan niệm về con người và bản tính con người

Theo Thuyết Danh – sắc của Phật giáo, thế giới được cấu thành bởi hai yếu tố: danh (tinh thần) và sắc (vật chất). Đối với con người, hai yếu tố “danh” và “sắc” được biểu hiện ra ở Lục đại và Ngũ uẩn. Lục đại gồm: Địa, thuỷ, hoả, phong, không, thức (đất, nước, lửa, gió, không gian và thức); Trong đó, đất, nước, lửa, gió, không gian thì thuộc về vật thể (tức là sắc pháp) còn thức thì thuộc về tâm (tức là tâm pháp). Ngũ uẩn gồm: Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức. Những yếu tố này khi tụ khi tán, khi hợp khi tan. Khi hợp thì thành một cá thể con người, gọi là cá thể hữu hình. Khi con người xuất hiện tức là nhân duyên đã đủ và các yếu tố (các pháp) kết hợp, sắp xếp theo một trật tự nhất định nào đó và như vậy là con người ra đời.

Tiếp thu tư tưởng “Vô tạo giả” của Phật giáo, Ngô Thì Nhậm quan niệm “Tạo hoá sinh ra ta” [9, tr. 225], tức con người được sinh ra theo lẽ tự nhiên, cũng chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên và tồn tại trong sự thống nhất với vũ trụ. Về thành phần cấu tạo con người, Ngô Thì Nhậm trong “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” cho rằng: “nguyên khí” làm nên thân thể và “nguyên tinh” làm nên tinh thần. Cụ thể, ông viết như sau:

““Nguyên tinh” là thần ta,

“Nguyên khí” là thân ta.

Thần giáng cho “nguyên” ấy.

Lại có thân chân ta!” [10, tr.182].

Điều này được Tăng Hải Hoà chú giải rằng: “Người ta ai cũng có tinh, Tinh hợp thì thần có hình, Hình ấy thảy đều có khí, Khí hợp, có thật thân mình. Tinh và Khí kết hợp lại thì làm thành người” [10, tr.184]. Vốn Tinh và Khí là hai khái niệm nằm trong bộ ba tố chất (Tinh – Khí – Thần) cơ bản trong cơ thể con người theo quan niệm Đạo giáo; nó quyết định toàn bộ sự tồn tại và phát triển của con người. Song, ở một khía cạnh nào đó ta cũng có thể thấy nhận định này của Ngô Thì Nhậm về cấu tạo con người đã mang hơi hướng quan niệm của Phật giáo, là sự thống nhất giữa các yếu tố vật chất (Sắc) và tinh thần (Danh) mà đã được ông giải thích qua hai khái niệm “nguyên Tinh” và “nguyên Khí”.

Ngô Thì Nhậm cho rằng con người trong quá trình sinh sống đã tự phân biệt và vượt lên các loài khác bằng chính sự tồn tại hiện thực của mình. Ông chỉ rõ, đã làm người thì phải ra người, bởi “người là người, ma là ma, súc sinh là súc sinh” và “người thì không tàng hình được, ma thì không hiện hình được, cầm thú thì không nói tiếng người được. Ngược lại với những điều đó, là hình khí ở bên ngoài thôi” [10, tr.193]. Điều đó cho thấy sự khác biệt giữa người và vật, trước hết là ở yếu tố vật chất (hình khí) của con người.

Ngô Thì Nhậm tiếp tục lý giải về thân thể và tinh thần con người trong chương “túc thanh” rằng: “tinh thần cất giấu ở trong thân, thân là cùng một thể với trời đất” [10, tr.340]. “Tinh là cái mà người ta sinh ra; thần là cái mà người ta anh linh. Tinh khí tràn đầy thì mắt tai chân đều đủ” [10, tr.341]. Ông quan niệm tinh thần là yếu tố đầu tiên, có trước thân thể. “Phật cất xá lợi là cất tinh khí vậy; thần khí chảy quanh mà tác dụng sinh hoá không cùng”, do đó “biết giữ cái tinh thì sống, biết giữ cái thần thì linh” [10, tr.341]. Tinh thần là cái “không tan” nên con người “mới có thể giữ được cái chân tướng của mình” [10, tr.340]. Vì thế, tinh thần cần phải được giữ gìn để được dài lâu. Mà tinh thần “cất giấu ở trong thân”, nên ông khuyên con người “sống thì giữ cho trang trọng, chết thì giữ cho tôn nghiêm” [10, tr.340]. Để “bảo trọng tinh thần”, ông đưa ra yêu cầu cần phải chế định mọi hành vi, tránh xa sắc dục (giới sắc, viễn sắc). Có như thế thì khi sống mới giữ được tấm thân không bị huỷ hoại, để khi chết giữ cho được cái thần không bị tiêu tan. Có thể thấy, những luận giải trên của Ngô Thì Nhậm là một hỗn hợp các yếu tố lấy từ Nho giáo, Đạo giáo để gán cho Phật giáo. Đó cũng là điểm đặc biệt trong nhãn quan nhân sinh Phật giáo của ông.

Cũng giống như Phật giáo quan niệm “đời là bể khổ”, Ngô Thì Nhậm đã dành nhiều tâm huyết cho việc tìm kiếm con đường giải thoát con người ra khỏi “bể khổ” của cuộc đời, đồng thời hướng họ tới một cuộc sống tốt đẹp hơn theo mong muốn của mình. “Ông coi bản thân con người vốn không bao giờ được bình lặng và yên ổn do vô minh che lấp” nên “họ luôn phải đối mặt với khó khăn và khổ ải trong cuộc sống của mình” [1, tr.86]. Ở Ngô Thì Nhậm, con người khổ là vì “trời sinh ra con người đều có lòng ham muốn”. Ham muốn chính là “Dục” và là tính tự nhiên, nó ở trong nhật dụng thường hành, “như khi đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, không có không được” [10, tr.145]. Ông khẳng định “Phàm đã sống thì đều phải ăn cả; về mặt ấy vật nào cũng giống vật nào” [7, tr. 312]. Ngay từ lúc sinh ra, con người đã có dục trong lòng, dục là tính tự nhiên nên con người luôn phải đáp ứng những nhu cầu để thoả mãn chính bản thân và việc đáp ứng những nhu cầu tự nhiên ấy là tất yếu. Ta thấy, Ngô Thì Nhậm đã rất chú ý đến mối quan hệ gắn kết giữa thân thể con người với lẽ sống tự nhiên. Bên cạnh những nhu cầu về vật chất như ăn, mặc, ở… thì con người còn có nhu cầu về tinh thần (danh lợi). Mục đích tồn tại của con người phải dựa trên việc biết giữ gìn, tôn trọng “cái tự nhiên” và phát huy yếu tố tinh thần của bản thân họ.

Ở Ngô Thì Nhậm, Dục là khách quan “như nước muốn chảy xuống, như lửa nóng bốc lên” [10, tr.125]. Ông khẳng định “lòng người chẳng qua là lòng dục mà thôi. Đã có khí huyết tâm tư, ai mà chẳng có lòng dục” [10, tr.213]. Chính ở đây, Ngô Thì Nhậm đã chỉ ra hai thuộc tính cơ bản của con người là mặt tự nhiên (khí huyết) và mặt tinh thần (tâm tư), đồng thời thừa nhận ai cũng có lòng dục. Ham muốn được bộc lộ ra qua hành động, cử chỉ cụ thể, qua việc đáp ứng những nhu cầu của con người. Vì khẳng định Dục là tính tự nhiên vốn có ở con người nên Ngô Thì Nhậm cũng thừa nhận “tình ái quả là khó kìm hãm”. Đây cũng là sức mạnh của ái dục trên phương diện tính tự nhiên của con người.

Danh lợi cũng là một dục vọng thường hành trong con người. Sự quyến rũ của danh lợi làm cho con người không giữ được đúng đạo của mình. Con người ham mê danh lợi là con đường gần nhất dẫn họ đến vô minh. Việc không biết phân biệt lợi, hại dễ làm cho con người ta lầm đường, lạc lối trong hành động của mình. Vì vậy, không nên chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên mất rằng, cái lợi luôn đi đôi với cái hại, không nên lấy lợi làm lợi, mà phải lấy nghĩa làm lợi. Có như vậy mới giữ mình tránh khỏi tai hoạ.

Phật giáo quan niệm khởi nguồn của mọi đau khổ ở con người là do vòng xoay của Thập nhị nhân duyên, mà khởi đầu là do Vô minh. Ở Ngô Thì Nhậm thì ông coi lòng ham muốn của con người là nguyên nhân của mọi nỗi khổ đau dày vò thân tâm họ. Lòng dục, nhìn theo quan điểm nhà Phật, nó khiến con người ta bị mê mờ, che lấp sự sáng suốt mà trở nên vô minh. Nhân dục càng lớn thì con người càng bị nhấn chìm vào vô minh, làm cho họ không phân biệt được phải trái, đúng sai khiến đạo lý bị đảo lộn. Con người còn vô minh thì vòng quay luân hồi còn tiếp diễn và còn đau khổ. Do đó ông chủ trương, xoá bỏ tất cả mọi dục vọng để tâm được tuyệt đối trong sáng. Công việc để làm cho cái Tâm trở nên sáng láng là loại bỏ được Dục trong mọi cái nhìn, mọi cách tiếp cận với thế giới thì sự phản chiếu thực tại và tự ý thức mới là trung thực và sáng rõ. Tuy nhiên, vì dục là tính tự nhiên, nên việc xoá bỏ dục không phải là điều dễ dàng. Con người muốn từ bỏ được dục thì phải dứt bỏ được “tham, sân, si” để đi đến với đạo. Đến với đạo là một yêu cầu quan trọng trong cách giải thoát của con người. Người ngộ đạo thì mới sáng suốt, dứt bỏ được dục vọng, thoát khỏi đau khổ.

Mặc dù khẳng định Dục là tính tự nhiên của con người nhưng Ngô Thì Nhậm cũng hiểu rằng, nếu cứ chạy theo ham muốn, dục vọng thì con người sẽ ngày càng xa rời cái bản tính tự nhiên, tính trời và không thể trở về với bản tính chân như hay cái đạo tự nhiên, thuần phác được. Cho nên, trong quan niệm về mối quan hệ giữa “tính trời” (Lý) và “tính người” (Dục), Ngô Thì Nhậm chủ trương xóa bỏ tất cả mọi dục vọng để “Tâm” được tuyệt đối trong sáng quay trở lại với bản tính chất phác ban đầu – cái “tính trời” được bảo toàn. Khi dập tắt được mọi dục vọng của con người “thì muôn cảm đều lặng, chỉ còn một cái chân như” [10, tr.248]. Ngô Thì Nhậm đề cập đến khái niệm “chân như” của Phật giáo và coi đó như bản tính chân thực ban đầu của con người. Nếu tâm không dao động (tịch, lặng) thì chắc chắn cái bản tính chân thực ban đầu của con người sẽ được nhận ra. Như vậy, dù thừa nhận dục là khách quan, vốn có ở con người; thông cảm với dục tính tự nhiên, nhưng Ngô Thì Nhậm vẫn chủ trương tiết dục, kiệm dục, thậm chí diệt dục. Đây là tư tưởng rất phù hợp với quan điểm của Phật giáo coi sắc dục, ái dục là điều cần phải ngăn cấm để tâm được thanh tịnh.

Luận giải về mặt tâm tính con người, Ngô Thì Nhậm phân chia hai hạng người cơ bản trong xã hội là quân tử và tiểu nhân. Phật giáo không bàn đến hai khái niệm này vì đi vào hướng phân tích nhị nguyên sẽ càng làm xa rời tự tính thanh tịnh và không có lợi cho con đường tu hành, giải thoát. Quân tử và Tiểu nhân vốn là khái niệm phân biệt phẩm cách đạo đức mà Nho giáo đặt ra. Song Ngô Thì Nhậm đã mạnh dạn đưa ra khái niệm “Thích quân tử” và “Thích tiểu nhân” trong sự đối sánh với khái niệm của Nho gia. “Nho thì có Nho quân tử, có Nho tiểu nhân; Thích thì có Thích quân tử, có Thích tiểu nhân. Nho quân tử thì vị kỷ (vì mình); Nho tiểu nhân thì vị nhân (vì người). Thích quân tử thì vị nhân (vì người), Thích tiểu nhân thì vị kỷ (vì mình) [10, tr. 236]. Chữ Kỷ và chữ Nhân ở đây trong luận chứng của Ngô Thì Nhậm là đứng về mặt Tâm tính mà nói. “Thích quân tử xả kỷ (quên mình) để cứu vớt người, Thích tiểu nhân đe dọa người để nuôi mình (kỷ), đó là đứng về mặt Lý và Dục mà phân Nhân và Kỷ. Chữ Nhân và Kỷ của đàng này (Phật) so với chữ Nhân và Kỷ của đàng kia (Nho) thì công phu, tác dụng không giống nhau, nhưng quy kết về tâm tính thì là một mà thôi” [10, tr. 236]. Theo Nho giáo, “Người quân tử trông cậy ở mình, tiểu nhân trông cậy ở người” [10, tr.499]. Tức, con người trước hết phải tự lo cho mình, tạo lập bản thân, không ngừng học tập, trau dồi về đạo lý và đức hạnh. Trên cơ sở những phẩm chất tốt đẹp và có chí khí, người quân tử tự mình làm lên sự nghiệp, “dương danh hiển thân”. Người Nho quân tử không vị nhân, thì không cầu ăn no, không cầu ở yên, không cầu thanh danh, không cầu tri ngộ. Còn kẻ tiểu nhân, do ý chí nhu nhược, lười biếng học tập và tu dưỡng bản thân, bởi vậy luôn tìm cách dựa dẫm vào người khác để cầu và thỏa mãn được tham vọng của mình. Cho nên nói Nho quân tử vị kỷ, Nho tiểu nhân thì vị nhân là vậy. Còn chữ Nhân và chữ Kỷ trong Phật giáo lại xét về mặt Lý và Dục để nói, thì Thích quân tử là người biết được cái Lý, biết được cái Dục, nên học đạo để diệt đi cái ham muốn, dục vọng, cắt đứt được lục trần, tiêu ma được bảy nghiệp, để tâm trở về với chân như, giải thoát. Lấy Niết bàn độ chúng sinh, là người quân tử xả mình (từ bỏ ham muốn dục vọng, cái tính người) để độ người, đó là cái vị Nhân của người Thích quân tử. Quên mình vì mọi người (Vô ngã vị tha) là một trong những đặc trưng của tư tưởng Phật giáo. Chỉ có đạt tới cảnh giới Vô ngã (quên mình) thì mới thực sự thực hành được cái đạo hạnh Vị tha (vì người khác) một cách hữu hiệu và triệt để. Theo Ngô Thì Nhậm, tu Vô ngã là con đường dẫn đến cái đích Minh tâm, Kiến tính của người Thích quân tử. Ngược lại, mang cái lợi, cầu cái lợi về cho mình, kêu gọi chúng sinh xây chùa chiền lộng lẫy, hóa cái vô tướng thành cái hữu tướng, đem mình ở vào trong đấy, đăng đàn phá ngục để lấy cái lợi về làm của riêng, đó là cái Vị kỷ của Thích tiểu nhân. Cho nên, Nho mà vị nhân thì là Nho kẻ trộm, Thích mà vị kỷ    thì là cái đạo của kẻ cướp. Hai đàng ấy, tác dụng công phu không giống nhau. Nhà Nho nói Chính tâm, Thành tính, nhà Phật nói Minh tâm, Kiến tính, nhưng xét đến cùng thì quy về một chỗ là Tâm tính mà thôi. Ngô Thì Nhậm đã khéo léo diễn giải quan niệm về tâm tính con người của Phật giáo và quy nó về quan điểm của Nho giáo. Đây là cái nhìn của một nhà Nho đem khái niệm và vốn tri thức Nho học mình có để diễn giải về Phật giáo, điều đó càng cho thấy cái nhãn quan Phật giáo ở ông rất đặc biệt.

2.2. Quan niệm về nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và giải thoát

Một trong những vấn đề quan trọng trong nhãn quan Phật giáo của Ngô Thì Nhậm là “Sinh”, “Tử” và mối quan hệ giữa chúng. Ông quan niệm “không có người nào sống đến trăm tuổi, không có cái gì trường tồn bất biến, trường sinh bất tử” [7, tr.638]. Sinh, tử ở con người là tất yếu. Vì đã có sinh ra thì tất có lúc phải diệt.  Sự tồn tại của con người là hữu hạn và kiếp sống “chỉ là cảnh phiền não” [7, tr.183]. Con người “sống lâu hay chết yểu thảy là ảo mộng” [8, tr. 433]. Ông coi “tầng trời của Phật là cõi từ bi cực lạc, còn nơi thế gian, đời người tan hợp như cái bong bóng nổi trên mặt nước” [8, tr.14]. Con người hữu sinh hữu diệt, bởi “Người thì có hình có khí. Đã bị vây bởi hình và khí, thì ai có thể không sinh ra, ai có thể không mất đi?” [10, tr. 156].

Triết lý vô thường của Phật giáo được diễn tả qua bốn giai đoạn: sinh, trụ, dị, diệt của vạn vật. Ở con người, nó được cụ thể hóa thành quy luật: sinh, lão, bệnh, tử. Đó là quy luật của tự nhiên, là cái Lý của vạn vật không thể thay đổi. Thế nhưng trong “Đại chân viên giác thanh”, Ngô Thì Nhậm mang đến tư tưởng quý sinh, cụ thể ông viết: “Nho không cho phép người ta coi nhẹ cái chết, Thích cũng không cho phép người ta coi nhẹ cái chết” [10, tr.309]. Bởi tạo hóa không đem cái sinh đến cho con người một cách dễ dãi. Con người sinh ra là do tinh khí hội mà thành. “Cho nên thánh nhân cũng không cho phép người ta được chết một cách khinh suất”. Cả Nho giáo, cả Phật giáo đều không cho con người ta được dễ dàng từ bỏ mạng sống của mình. Phật giáo hướng con người tới giải thoát, tới Niết bàn là đưa ra con đường để đập tan u minh, để con người có thể từ bỏ những ham muốn, dục vọng thường ngày trở về với thiên tính chứ không bảo con người ta tìm tới cái chết.

Phật giáo và Nho giáo quý sinh không chỉ bởi cái thân xác, mà quan trọng hơn là vì cái tinh thần được lưu giữ bởi thân xác. Cho nên chủ trương giữ gìn, quý trọng sinh mệnh cũng chính là để bảo trọng cái chân tướng của mình. Tư tưởng này được Hải Lượng thiền sư khẳng định: “Đạo Phật có cái lệ cất giấu xá lợi (xương cốt người chết); đạo Nho nói: “Tinh khí cấu tạo ra vạn vật”, bởi vậy cho nên “Thích giới sắc, Nho xa sắc, đều là để bảo trọng tinh thần. Khi chết thì làm lăng, tháp, chùa, miếu, cũng là để nhóm họp tinh thần. Sống thì giữ rất trang trọng, chết thì giữ rất nghiêm túc” [10, tr.340].

Luân hồi (Phật giáo còn gọi là Vòng luân hồi hay Bánh xe luân hồi), là thuật ngữ dùng để chỉ những lần đầu thai tiếp nối nhau, là trạng thái bị luân chuyển của một loài hữu tình khi chưa đạt giải thoát, chưa chứng ngộ Niết-bàn. Quá trình này thể hiện trên hình ảnh bánh xe luân hồi, bánh xe vòng tròn không có điểm đầu và cuối. Nó sẽ xoay mãi và chỉ ngừng lại khi nào chúng sinh giải thoát khỏi Tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới). Ở Ngô Thì Nhậm, thuyết Luân hồi của nhà Phật được luận giải là lẽ tuần hoàn của nhà Nho. Ông viết “Vì là cái bánh xe (luân) cho nên xoay vòng (hồi), cũng như Nho giáo nói tuần hoàn, vì là cái vòng (hoàn) cho nên ven theo (tuần), không phải cái vòng thì không thể ven theo vòng được” [10, tr.386]. Trên đời, chẳng cái gì mà chẳng lưu hành, chẳng cái gì mà không vận động. Lưu hành, vận động bắt nguồn ở cái tròn. Tròn là cái thể của trời, nhật, nguyệt… cho nên chu lưu, vận hành được. Tăng Hải Hoà luận giải “Vật gì tròn thì lăn chạy, vật gì vuông thì dừng. Lăn chạy thì có chỗ bắt đầu và có chỗ kết thúc, kết thúc rồi lại bắt đầu, xoay quanh vận chuyển, không ngừng một giây một phút nào” [10, tr.389]. Ngô Thì Nhậm đã đồng nhất Luân hồi là cái lẽ tuần hoàn của trời đất. Bốn mùa không thay đổi thì công dụng của năm không thể thành được, vạn vật không biến hóa thì phẩm loại không sinh được. Cho nên, “kiếp người có sinh có hóa, lúc đầu thì thác vào thai mà sinh ra, sinh ra rồi lớn lên, lớn lên thì già đi, già đi rồi chết, chết rồi nhưng tinh thần không mất, lại thụ hình mà sinh” [10, tr.389, 390], ấy là cái lẽ luân hồi của Phật vậy. Nhưng có lẽ, việc đồng nhất Luân hồi của Phật với lẽ Tuần hoàn của Nho ở Ngô Thì Nhậm là khá khiên cưỡng bởi lẽ Luân hồi của Phật giáo có ý nghĩa sâu xa là nói về sự trôi lăn của sáu cõi tùy vào nghiệp của chúng sinh đã tạo trong quá khứ; chứ không phải là vòng vận chuyển lặp lại của tuần hoàn.

Về nghiệp báo, được Ngô Thì Nhậm triển khai và lý giải sâu sắc trong chương Hoán Thanh. Khi “đồ đệ bạch với thầy rằng: Phật nói người chết thì làm dê, dê chết thì làm người, là thế nào? Thầy trả lời rằng: Nho nói thấy lợn đội bùn, chở ma một xe, thì nhà ngươi cho đó là ma thật, lợn thật hay sao? Mắt vốn sáng mà hoa, tai vốn tỏ mà ù, mắt hoa thì không có bóng, tai ù thì không có vang” [10, tr.193]. Đây là lời chú của hào 9 trong quẻ 39 Khuê của Kinh Dịch. Ngô Thì Nhậm đã đem Dịch để giải nghĩa cho chuyện Nghiệp báo của Phật giáo. Ý rằng cái hình thức bên ngoài khác nhau của mỗi loài chính là do Nghiệp của chúng khác nhau, tức là nhân khác nhau thì quả khác nhau. Phật nói “người chết làm dê, dê chết làm người”, là ý nói rằng người vốn có cái đạo làm người, nhưng mất hết thiên lương (đức tính tốt mà trời phú cho) thì phải đi vào cái đạo của súc sinh [10, tr.194]. Cho nên kiếp này làm người, nhưng chết đi kiếp sau lại làm súc sinh là do cái Nghiệp báo của kiếp này mà thành. Còn dê vốn ở trong đạo của súc sinh, nhưng hé ra một tia sáng trí tuệ thì cái nghiệp căn tự khắc bị chặt đứt mà được đi vào đạo người. Thiện ác, luân hồi của Phật chính là để cảnh tỉnh con người trong cõi trần thế. Vạn vật có sinh có diệt nhưng về thực chất vốn không sinh không diệt, mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Phật giáo giải thích Luân hồi, Nghiệp báo là nhằm đưa con người thoát khỏi vòng luân hồi mà trở về với Niết bàn, tịch diệt, giải thoát. Nhưng dưới nhãn quan của mình, Ngô Thì Nhậm đã giải thích về Nghiệp báo, luân hồi theo ý nghĩa hướng con người tới làm điều thiện, bỏ điều ác, tu tâm dưỡng tính theo quan điểm của Nho giáo để được luân hồi mà làm người, chứ không mang tinh thần thoát ly, giải thoát của Phật giáo.

Về nhân quả, đây là một nội dung quan trọng của nhân sinh quan Phật giáo. “Nhân” là cái có trước, làm khởi lên, sản sinh ra cái khác. Còn quả chính là những kết quả, là cái có sau, do một hay nhiều nhân mà tạo nên. Nhân nào thì có quả ấy, gieo điều ác thì gặp họa, gieo điều thiện thì nhận phúc báu. Theo Phật giáo, luật nhân quả chi phối quá trình thác sinh, luân hồi của toàn vũ trụ. Để giúp con người tìm ra con đường giải thoát, đưa chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ bất tận, Đức Phật đã đưa ra bốn chân lý “Tứ diệu đế” để giải thích cho luật nhân quả của con người. Nhưng Ngô Thì Nhậm lại cho rằng: “Đây là chữ quả trong quả nhiên, cũng như nhà Nho nói chữ tất trong chữ tất nhiên. Ví như nhà Nho nói nhà nào tích trữ điều thiện, tất nhà ấy có thừa phúc; nhà nào tích trữ điều bất thiện, tất nhà ấy có thừa tai ương. Quả có cái ấy, thì được cái ấy, đó tức là quả. Còn thạc quả (quả lớn) tức là công quả, phúc quả nói chung. Vì vậy cho nên, phúc không nên hưởng hết, công không nên kể hết, quả không nên ăn hết” [10, tr.399]. Hòa thượng Hải Âu khẳng định: “ruộng lúa tám thơm, cỏ gà không mọc, tổ chim rẻ quạt, loan phượng không ấp” [10, tr. 400]. Đó đều là ý nghĩa của chữ nhân quả. Cho nên người làm điều thiện thì gặp được phúc, trái lại kẻ làm điều bất thiện thì trời lấy họa mà trả lại. Không có chuyện gieo nhân ác mà gặp quả thiện. Nhưng nếu làm thiện mà hưởng hết phúc thì họa sẽ sinh. Triết lý nhân quả được cụ thể hóa bằng quan niệm về phúc và họa. Phúc là cái đối lập với họa, do “nhân” thiện, ác mà tạo thành. Phúc, họa là hai mặt đối lập chuyển hóa lẫn nhau. Phúc mà hưởng hết thì họa sinh, có công mà kể ra hết thì lỗi sinh. Nhân quả của nhà Phật đã được Ngô Thì Nhậm dùng Thạc quả của nhà Nho mà làm sáng tỏ. Một lần nữa ta lại thấy Ngô Thì Nhậm đem tri thức của Nho giáo làm nhãn quan lý giải cho Nhân quả của Phật giáo.

Về tiền kiếp, theo Ngô Thì Nhậm: “Tiền kiếp cũng chẳng qua là cái Định mệnh không dời đổi được. Kẻ nào phú quý mà không bo bo với danh lợi thì kẻ đó là người đã khống chế được Định mệnh. Cao sĩ chế tác Định mệnh, Đại sĩ biến hoá được Tiền kiếp. Biến hoá được Tiền kiếp cho nên thành Phật” [10, tr. 261]. Phật giáo cho rằng, những việc làm hành động của con người trong quá khứ kiếp trước sẽ là nguyên nhân tạo tác sự hiện hữu và tồn tại của con người ở kiếp này. Ngô Thì Nhậm cho rằng tiền kiếp chẳng qua là Định Mệnh, nhưng tiền kiếp của Phật giáo không phải là Định mệnh hay Số mệnh như trong quan niệm của Nho giáo. Tiền kiếp là số phận con người kiếp này do chính họ đã tác tạo từ kiếp trước mà thành, tức có tính chất duyên sinh, bất định tính và vô ngã nên số phận của con người ở kiếp này vẫn có thể chuyển hoá được. Còn đã là Định mệnh, Số mệnh thì do trời định, không thể chuyển hoá được. Ngô Thì Nhậm cho rằng con người có thể khống chế được định mệnh, tiền kiếp thông qua việc con người thoát khỏi vòng danh lợi (từ bỏ lòng tham). Vậy có thể thấy ông đã chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo và đã vượt qua quan niệm Định mệnh của Nho giáo mang tính chất thụ động, cứng nhắc. Ông đề cao con người, đề cao ý người và đặt niềm tin vào con người có khả năng thay đổi, chế tác được vận mệnh, số mệnh của bản thân mình. Sự khẳng định này được Hoà thượng Hải Âu giải thích thêm rằng: “Cao sĩ chế tác Định mệnh, có nghĩa là chế tác mà không làm trái lẽ và lộn xộn; Đại sĩ biến hoá Tiền kiếp, có nghĩa là nhập thần mà hoá. Hoá được kiếp thì thành Phật tổ, khống chế được mệnh thì thành Đại Nho” [10, tr. 262, 263]. Con người khi đứng trước danh vọng, quyền uy, phú quý mà tâm không động, đứng trước cái mình yêu thích nhưng tâm không loạn, không bị ảnh hưởng bởi nó thì mới có thể tiến lên cái Đạo để mà chế tác được mệnh của mình. Những cái giàu sang, vị thế, danh vọng, quyền uy, phú quý kia có hay không có đều là định mệnh, là cái quả báo của nhân duyên tiền kiếp mà thôi.

Về giải thoát, đây là mục đích lớn nhất của triết lý Phật giáo nhằm đưa con người thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ. Vậy, làm thế nào để giải thoát, đạt đến Tịch diệt? – tức cảnh giới Niết bàn. Đó là một trạng thái tâm hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, không vọng động. Theo Ngô Thì Nhậm, Tịch diệt khi lòng dục của con người dập tắt và “tính trời” hiển lộ. Ông viết: “Phật nói tịch diệt, không chỉ để nói về tịch diệt vậy. Tịch (lặng lẽ) đối lập với huyền (ồn ào), diệt (dập đi) đối lập với khởi (dậy lên). Nếu biết dập đi tính người, thì có thể khơi dậy được tính trời” [10, tr.248].  Hoà thượng Hải Âu bàn thêm “Dập tắt (diệt) được tính người thì tính trời được bảo toàn. Tính được bảo toàn thì là Định, mà định thì gọi là Tịch Diệt” [10, tr.248]. Tăng Hải Hòa cũng góp phần bàn về vấn đề này: “mắt nhắm, lòng tắt, ngồi ngay không động đậy, đó là lúc nhà sư ta nhập định. Có vật cũng không thấy, có tiếng cũng không nghe, là do cái tình đã được yên định mà cái tính cũng được sáng tỏ, … đó là công phu cũng lặng lẽ dập đi (tịch diệt) vậy… Lòng dục được dập đi thì lẽ trời khơi động, ý riêng được dập đi thì bản tính chân thực dấy lên. Quả thật nếu làm cho lòng dục và ý riêng hết thảy sạch làu, thì cái tính vốn có của ta sẽ lộ ra, ta sẽ tỏ rõ được cái tâm của chính mình, thấy rõ được cái tính của chính mình, muôn sự muôn vật trong thế gian ta sẽ xem là bình đẳng; không ham gì ở thanh, không luyến gì ở sắc, cũng không sợ gì ở uy, như thế thì chuông trống gấm vóc, thiên binh vạn mã ở đằng trước, có can dự gì tới ta đâu?” [10, tr. 250]. Ở đây, Hải lượng Ngô Thì Nhậm và nhóm cộng sự đã chỉ ra tác dụng quan trọng của chữ tịch là tâm luôn an ổn, bình tĩnh và không bị ngoại cảnh chi phối. “Tịch là tiền đề để ngộ nhập chân như Phật tính, đạt đến giải thoát” (6, tr.102].

Trong chương Thoát thanh của “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”, Ngô Thì Nhậm chỉ rõ: “Thoát có nghĩa là giải thoát và thư thái” [10, tr.208] và “nói Thoát, đâu có phải thực sự thoát khỏi nhân ngục, mà chỉ thoát khỏi cái cùm, cái gông ở nơi tối tăm mà thôi” [10, tr. 209]. Tức là đưa con người thoát ra khỏi ngục tù của hỗn muội tối tăm. Bởi vì con người bị Dục che lấp nên không bỏ được tham sân, sa vào hố tội ác, sa lầy trong ái tình, rơi vào địa ngục. Mà “nhân ngục dễ ra, địa ngục rất khó ra, không phá thì không ra được” [10, tr.210]. Muốn phá thì cần dùng đến phép “tinh nhất”, “tinh tiến”. Tinh nhất là tinh tường chuyên nhất, giữ gìn không rời bỏ mới nắm được đạo trung. Tinh tiến là tinh thuần (không tạp) và gắng gỏi tiến hành đạo mà không dừng, thì phá được ngục. Phá được ngục có nghĩa là phá được vô minh và chứng đạt giải thoát. Tinh tiến trong tư tưởng của Phật giáo hay Tinh nhất trong tư tưởng của Nho giáo cũng cùng là nhân nghĩa đạo đức. Dùng chữ Nhất, dùng chữ Tiến, tựu trung “công phu cũng đều ở một chữ tinh” [10, tr. 212]. Bí quyết của giải thoát là “ngăn tà khí, giữ lòng thành, xa rời cái hão huyền để phục hồi cái tia sáng (trí tuệ) … mà được mọi điều giải thoát” [10, tr.209]. Ở đây, ngăn tà, giữ thành là Giới; xa lìa hư vọng là Định và phục hồi sự sáng là Tuệ. Ngô Thì Nhậm đã khéo léo đưa khái niệm “tinh nhất”, “tinh tiến” của Nho giáo làm phương pháp dẫn dắt con người tu tập nhằm thực hiện sự giải thoát cho chính bản thân họ. Đó cũng là phương pháp “tam học” của Phật giáo. Đây chính là nhãn quan nhân sinh Phật giáo của Ngô Thì Nhậm và Giới – Định – Tuệ là con đường giải thoát, là phương tiện giải thoát tốt nhất để đưa con người tới sự giác ngộ.

  • Kết luận

Nhân sinh quan Phật giáo của Ngô Thì Nhậm không tách rời các triết lý Nho giáo và cả Đạo giáo. Đây rõ ràng là một đóng góp mới của ông cho Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII. Ông khẳng định con người khổ, “đời là bể khổ” do hoàn cảnh sống đã dẫn dắt con người tham đắm vào con đường lợi dục, danh vọng. Do đó, ông kêu gọi con người xa lìa danh lợi, tư dục để sáng suốt trong từng hành động suy nghĩ. Toàn bộ lý luận nhân sinh của ông thể hiện một khao khát tìm kiếm con đường giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ cuộc đời, hướng họ tới một chân lý cao đẹp hơn. Những triết lý nhân sinh thiết thực đó có giá trị tích cực ngay cả với hiện tại mà chúng ta cần tiếp tục suy ngẫm và làm sáng tỏ. Cuộc đời và hành động của Ngô Thì Nhậm là tấm gương sáng về xử thế mà muôn thế hệ sau còn noi theo.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Doãn Chính, Nguyễn Thị Hồng Phương (2010): “Ngô Thì Nhậm – Hải Lượng đại thiền sư”, Tạp chí Triết học số 1.
  2. Trương Văn Chung (2003): “Tìm hiểu tư tưởng Thiền học của Ngô Thì Nhậm”, Tạp chí Triết học 1/2003.
  3. Nguyễn Bá Cường (2014): “Tư tưởng Phật giáo của Ngô Thì Nhậm và ý nghĩa hiện thời của nó”, Tạp chí Triết học số 8/2014.
  4. Trần Thị Băng Thanh (2003): “Ngô Thì Nhậm một tấm lòng thiền chưa viên thành”, Tạp chí Hán nôm 3/2003.
  5. Phan Thạnh (2016): “Sự khai phóng tinh thần Phật giáo trong thơ văn của Ngô Thì Nhậm”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Số 2, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế.
  6. Hoàng Thị Thơ, Trần Thị Thúy Ngọc (2017): Tư tưởng chính trị và xã hội của Ngô Thì Nhậm, số10/2017, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.
  7. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2003): Ngô Thì Nhậm, Toàn tập, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  8. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2004): Ngô Thì Nhậm, Toàn tập, tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  9. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2005): Ngô Thì Nhậm, Toàn tập, tập 3, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  10. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2006): Ngô Thì Nhậm, Toàn tập, tập 5, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Bài liên quan

Bài đăng mới