MỘT SỐ KHÁC BIỆT TRONG GIÁO TRÌNH TRIẾT HỌC MÁC – LÊNIN DÀNH CHO SINH VIÊN KHÔNG CHUYÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CỦA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM

TS. Phạm Thanh Hà

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Dẫn nhập

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia đều lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và hướng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, cách tiếp cận, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin cũng có một số điểm khác biệt. Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng còn Trung Quốc nêu học thuyết “Ba đại diện” bao gồm tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và chủ nghĩa Mác, còn được gọi là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.

Công việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào hai nước cũng có nhiều sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử. Ở Việt Nam, theo như nhận xét của Giáo sư Trần Văn Giàu: “Nguyễn Ái Quốc, các bạn chiến đấu và các học trò của Nguyễn đã thành công lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam những năm 1920, trước hết nhờ giá trị phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin; Lý do quan trọng khác là nhờ các đồng chí đó nắm được hay được thúc đẩy bởi những điều kiện khách quan thuận lợi của xã hội Việt Nam, của Đông Dương sau chiến tranh thế giới [lần thứ nhất], lấy đó làm tiền đề cho sự truyền bá của mình” [1, tr. 51] Ngoài ra, phải kể đến Hải Triều một nhà lý luận mácxít, vào năm 1938 đã xuất bản cuốn Chủ nghĩa Mácxít phổ thông. Có thể nói Hải Triều cũng được coi là nhà tiên phong đặt viên gạch đầu tiên cho lý luận văn học và văn hoá của Việt Nam, là chiến sĩ tiên phong trên mặt trật văn hoá của Đảng ta. Ở Trung Quốc theo Giáo sư Lý Trạch Hậu(1): “trước cách mạng tháng 10 Nga, một số trí thức, lưu học sinh Trung Quốc đã biết đến, từng được giới thiệu về Mác và khái quát học thuyết của ông, trong những người đó là Chu Chấp Tín. Sau này trong tổng kết lịch sử cách mạng Trung Quốc và tuyên bố quốc sách năm 1949 Mao Trạch Đông cho rằng cách mạng tháng Mười Nga nổ ra đã tặng chủ nghĩa Mác – Lênin cho Trung Quốc” [2, tr. 938-939]. Ngoài ra, còn có thể kể đến nhà nghiên cứu Lí Đại Chiêu năm 1919 đã viết bài Quan điểm của tôi về chủ nghĩa Mác vốn được coi là văn bản đầu tiên chính thức giới thiệu học thuyết Mác, và là dấu mốc đầu tiên của sự tiếp thu, lý giải sớm học thuyết này của nhóm thanh niên trí thức Trung Quốc, tiếp theo là Trần Độc Tú, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ…

Lịch sử nghiên cứu vấn đề du nhập, tiếp thu, phát triển và vận dụng chủ nghĩa Mác ở Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều vấn đề cần làm rõ hơn. Vì vậy, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc tóm tắt đơn giản quá trình du nhập chủ nghĩa Mác ở Việt Nam và Trung Quốc như trên. Mục tiêu chính của bài viết này là tập trung nghiên chính nội dung và kết cấu của giáo trình giảng dạy triết học Mác – Lênin được biên soạn cho các hệ đào tạo cao đẳng và đại học ở Việt Nam và Trung Quốc (xuất bản từ năm 2019 đến nay). Đồng thời, chỉ ra một số thuật ngữ và cách tiếp cận nghiên cứu và giảng dạy triết học Mác – Lênin ở các trường. Bằng cách này, chúng tôi mong muốn giúp cho lưu học sinh Trung Quốc hiểu rõ hơn các thuật ngữ triết học Mác – Lênin trong quá trình học tập và nghiên cứu triết học này.  

2. Vấn đề nghiên cứu

2.1 Tìm hiểu nội dung và kết cấu giáo trình triết học Mác – Lênin

Đối chiếu hai cuốn sách: Giáo trình triết học Mác – Lênin (dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị)của các tác giả Việt Nam biên soạn và Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác ((dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị)của các học giả Trung Quốc biên soạn, chúng tôi thấy có một số điểm lưu ý như sau.          

Về kết cấu: cuốn Giáo trình triết học Mác – Lênin (dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị)của Bộ Giáo dục và Đào tạo do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành năm 2021 được chia làm 3 chương lớn (xem phụ lục). Còn cuốn Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác (马克思主义基本原理) của Bộ giáo dục và đào tạo Trung Quốc, do Nhà xuất bản Giáo dục cao đẳng, đại học Trung Quốc ban hành năm 2023 là sự kết hợp của ba bộ phận (Triết học Mác – Lênin; Kinh tế chính trị Mác – Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học), đây là cuốn giáo trình dùng phổ biến cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học của Trung Quốc hiện nay, các phần cũng được phân chia thành 3 chương nhưng nội dung có khá nhiều khác biệt (xem phụ lục).

Qua so sánh – đối chiếu hai cuốn giáo trình nêu trên của hai nước, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần thảo luận:

Thứ nhất, trong cuốn giáo trình của các soạn giả Trung Quốc biên soạn, họ đã cố gắng rút gọn hợp nhất ba bộ phận của Chủ nghĩa Mác thành một cuốn giáo trình chung có tên là “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác” (xuất bản từ năm 2023 đến nay) nhằm dạy cho sinh viên không chuyên lý luận chính trị ở bậc cao đẳng và đại học với tổng sô 7 tín chỉ của ba học phần này được chia cho triết học Mác – Lênin 3 tín chỉ, Kinh tế – chính trị Mác – Lênin 2 tín chỉ, Chủ nghĩa xã hội khoa học 2 tín chỉ. Cách phân chia này rất giống với cuốn giáo trình biên soạn của các soạn giả Việt Nam trước đây (năm 2011). Điều này giúp cho sinh viên không chuyên lý luận chính trị dễ dàng nắm bắt được tổng thể các bộ phận của chủ nghĩa Mác, các kiến thức có sự kết nối logic liên tục và làm cho người học không bị quên kiến thức vì nếu tách ra với các khoảng thời gian khác nhau rất dễ làm người học phân tâm nếu học chen các học phần khác.

Thứ hai, trong cuốn Giáo trình triết học Mác – Lênin (xuất bản từ năm 2021 đến nay) do các soạn giả Việt Nam biên soạn nhằm giảng dạy cho sinh viên không chuyên lý luận chính trị ở bậc cao đẳng, đại học có sự khác biệt. Nếu như các học giả Trung Quốc có xu hướng rút gọn và hợp nhất các bộ phận của chủ nghĩa Mác lại thì các học giả của Việt Nam lại có xu hướng tách ra thành ba bộ phận riêng biệt với ba học phần cụ thể là triết học Mác – Lênin (3 tín chỉ), Kinh tế chính trị Mác – Lênin (2 tín chỉ), Chủ nghĩa xã hội khoa học (2 tín chỉ) với khoảng thời gian học ba học phần khác nhau. Tuy nhiên, học phần học đầu tiên vẫn là triết học Mác – Lênin. Hình thức này, theo cách nhận xét chủ quan của chúng tôi là phù hợp vì kiến thức truyền đạt cho sinh viên vừa đủ không quá nhiều và quá dài gây sự nhàm chán cho người học, đặc biệt hơn nữa, một giảng viên đảm nhận cả ba môn cũng gây khó cho chính giảng viên vì chuyên ngành triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội rất sâu và rộng. Chúng tôi đã từng phỏng vấn một vị phó giáo sư hiện đang giảng dạy tại học viện chủ nghĩa Mác, trường đại học sư phạm Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc(2)  PGS. Hậu cho rằng nếu dạy gộp cả ba bộ phận của chủ nghĩa Mác như vậy dẫn đến tình trạng giảng viên mạnh mảng nào sẽ giảng kỹ mảng đó còn phần khác hầu như rất ít nói đến và để sinh viên tự nghiên cứu. Như vậy, qua nhận xét trên chúng ta đã thấy được sự bất cập khi gộp chung cả ba bộ phận của chủ nghĩa Mác vào một học phần. Việc tách ra sẽ phù hợp và hiệu quả hơn trong giảng dạy các học phần chủ nghĩa Mác – Lênin cho cả người học và người dạy.

Thứ ba, trong hai cuốn giáo trình (với cuốn của Trung Quốc chúng tôi chỉ tập trung ở phần triết học Mác – Lênin), nếu nhìn tổng thể cả ba chương về cơ bản nội dung là giống nhau. Tuy nhiên, các học giả có cách tiếp cận khác nhau tuỳ vào những ảnh hưởng của điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Qua so sánh đối chiếu về nội dung chúng tôi thấy không có quá nhiều sự khác biệt về nội dung mà sự khác biệt chủ yếu nhất nằm ở sự vận dụng thực tiễn là các nội dung của chương 3 “Chủ nghĩa duy vật lịch sử” nhưng cũng không nhiều, cụ thể là cuốn giáo trình của các soạn giả Trung Quốc nhấn mạnh đến vai trò của khoa học – công nghệ, văn hoá đối với sự phát triển xã hội. Điều này không có nghĩa là cuốn giáo trình triết học Mác – Lênin của các soạn giả Việt Nam không nói về sự ảnh hưởng của khoa học – kỹ thuật và văn hoá đến sự phát triển xã hội, nhưng cần làm rõ hơn nữa những ảnh hưởng này.

2.2. Tìm hiểu một số phạm trù triết học Mác – Lênin (từ ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ tiếng Trung)

Trong chủ đề này, chúng tôi tập trung vào một số phạm trù triết học như: cái chung – cái riêng – cái đơn nhất; và phạm trù thực tiễn trong phần chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Trước hết, chúng tôi tìm hiểu về bộ ba phạm trù cái chung – cái riêng và cái đơn nhất. Điều khó hiểu là trong cuốn giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác (xuất bản năm 2023)do các học giả Trung Quốc biên soạn dành cho sinh viên không chuyên lý luận chính trị không đề cập đến các phạm trù này trong khi đó 5 cặp phạm trù còn lại (các cặp phạm trù: tất nhiên – ngẫu nhiên; nguyên nhân – kết quả; nội dung – hình thức; bản chất – hiện tượng; khả năng – hiện thực) vẫn được đề cập đến. Trong khi đó, Giáo trình triết học Mác – Lênin (xuất bản năm 2021) do các học giả Việt Nam biên soạn dành cho sinh viên không chuyên lý luận chính trị, vẫn đề cập đến nội dung 6 cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật. Khi chúng tôi so sánh nội dung cặp phạm trù cái chung – cái riêng và cái đơn nhất với cuốn giáo trình Triết học chủ nghĩa Mác (xuất bản năm 2020) dành cho sinh viên chuyên lý luận chính trị do các học giả Trung Quốc biên soạn khi nghiên cứu nội dung này cũng có một số khác biệt cần tìm hiểu. Thứ nhất, các học giả Trung Quốc khi nghiên cứu cặp phạm trù này không chỉ ra là cái chung – cái riêng – cái đơn nhất, mà họ đặt tên cặp phạm trù này là cái toàn thể và cái bộ phận (整体 – 部分). Và họ chỉ ra cái toàn thể là do cái bộ phận tạo nên, không có cái bộ phận thì sẽ không có cái toàn thể và ngược lại cái toàn thể sẽ quy định cái bộ phận cho nên không có cái toàn thể càng không thể có cái bộ phận. Các học giả Trung quốc đã trích dẫn nhận xét của Mao Trạch Đông về mối quan hệ biện chứng của cái toàn thể và cái bộ phận như sau: “tính chất của cái bộ phận lệ thuộc vào tính chất của cái toàn thể, tuy nhiên tính chất của cái toàn thể không thể thoát ly hoàn toàn với cái bộ phận, toàn thể là do tất cả cái bộ phận tạo thành” [4;100]. Cái toàn thể bao hàm cái bộ phận, cái bộ phận phản ánh hiện thực của cái toàn thể. Cái toàn thể bao hàm cái bộ phận nhưng do cái toàn thể lại do cái bộ phận tổ hợp thành. Cái bộ phận luôn đang phản ánh hiện thực cái toàn thể. Phát hiện trong sinh học phân tử hiện nay, cho thấy nguyên nhân toàn bộ di truyền của cơ thể sinh học do nhiễm sắc thể của tế bào chuyển sang. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định rằng bất cứ một tế bào của cơ thể sinh học nào cũng có thể sinh trưởng thành một loại sinh vật nào đó. Trong xã hội, gia đình chính là tế bào của xã hội, nó phản ánh những đặc trưng của tình trạng xã hội đó.

Cái toàn thể và cái bộ phận trong những điều kiện nhất định có thể chuyển hoá cho nhau. Trong điều kiện nhất định một bộ phận của cái toàn thể tách ra khỏi cái toàn thể lúc đầu, và trở nên độc lập với cái toàn thể ban đầu. Sự phân chia, chia tách từ cái toàn thể có thể chuyển hoành cái bộ phận thành cái chung. Cái toàn thể khi nằm trong cái toàn thể lớn hơn nữa trong quá trình du nhập vào cái toàn thể lớn hơn chuyển hoá thành cái bộ phận.

Chức năng của cái toàn thể và cái bộ phận không phải như nhau mà chúng ta cần dựa vào hoàn cảnh cụ thể để nhận định. Từ góc nhìn triết học nghiên cứu thì có ba cách hiểu sau: Một là, chức năng của cái toàn thể căn bản không như chức năng cái bộ phận, như nước do hai nguyên tố O và H tạo nên nhưng chức năng của O và H không như chức năng của nước. Cũng giống như cái đồng hồ được tạo thành từ các bộ phận, linh kiện khác nhau và chúng có chức năng khác chức năng của cái đồng hồ. Hai là, chức năng lớn của cái toàn thể liên quan với cái bộ phận. Chẳng hạn như, người lao động và công cụ lao động, công cụ lao động càng phát triển thì càng làm cho năng suất lao động của người công nhân càng cao. Hệ thống càng được tối ưu hoá thì hình thức kết cấu của nó càng hiệu quả, khiến cho chức năng của cái toàn thể càng phát huy cao độ. Ba là, chức năng nhỏ của cái toàn thể liên quan với cái bộ phận, như là giữa kết cấu của các yếu tố không phù hợp sẽ tạo ra sự triệt tiêu tác dụng của nhau.

Như vậy, cần phải nắm chắc ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận. Mối quan hệ biện chứng giữa cái toàn thể và cái bộ phận là nền tảng khách quan của phương pháp tư duy thống nhất giữa tổng hợp và phân tích. Khi chúng ta nhận thức sự vật, đầu tiên cần nắm chắc sự phân biệt cái tổng thể do cái bộ phận hợp thành nên nó, làm rõ tính chất của nó, đặc điểm và chức năng của nó. Sau đó, tổng hợp lại để nhận thức rõ cái tổng thể. Tức là nếu hiểu được cái toàn thể thì sẽ hiểu được cái bộ phận. Đồng thời, trong hoạt động thực tiễn chúng ta cần chú ý điều chỉnh mối quan hệ của cái bộ phận, nhưng cũng càng phải chú ý nghiên cứu và nắm chắc ý nghĩa quyết định của cái toàn thể đối với cái bộ phận.  

Trong cuốn Giáo trình triết học Mác – Lênin (xuất bản năm 2021) do các học giả Việt Nam biện soạn, nội dung cặp phạm trù cái chung – cái riêng – cái đơn nhất được nghiên cứu có những điểm khác biệt đáng chú ý. Các học giả đã đưa ra khái niệm và bản chất của cái chung, cái riêng, cái đơn nhất và chỉ ra sự khác nhau căn bản. Nếu như các học giả Trung Quốc đưa ra thuật ngữ phạm trù cái toàn thể và cái bộ phận còn các học giả Việt Nam gọi là cái chung và cái riêng thì chúng ta cũng tạm chấp nhận vì ngôn ngữ có sự khác biệt. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, phạm trù cái đơn nhất không được các học giả Trung Quốc nhắc đến, trong khi đó các học giả Việt Nam nói rất rõ phạm trù này. “Cái đơn nhất là một phạm trù triết học dùng để chỉ các mặt, các đặc điểm chỉ vốn có ở một sự vật hiện tượng (một cái riêng nào đó) mà không lặp lại ở sự vật hiện tượng nào khác” [3; tr.102]. Tiếp theo, các học giả Việt Nam cũng khẳng định mọi cái riêng đều là sự thống nhất và đối lập của cái đơn nhất và cái chung. Thông qua những thuộc tính những đặc điểm không lặp lại của mình, nó thể hiện là cái đơn nhất; nhưng thông qua những thuộc tính lặp lại ở đối tượng khác – nó lại thể hiện là cái chung. Trong khi là những mặt của cái riêng, cái đơn nhất và cái chung không đơn giản tồn tại trong cái riêng, mà gắn bó hữu cơ với nhau và trong điều kiện xác định có thể chuyển hoá cho nhau.

Mối liên hệ giữa cái chung và cái đơn nhất thể hiện trước hết ở mối liên hệ lẫn nhau trong một thể thống nhất gồm các mặt, các yếu tố đơn lẻ vốn có, trong một sự vật hiện tượng này và các mặt, các yếu tố được lặp lại của nó trong các sự vật hiện tượng khác. Trong phần ý nghĩa phương pháp luận, các tác giả nhấm mạnh đến mối liên hệ giữa cái chung và cái đơn nhất như sau: “… nếu bất kỳ một phương pháp nào cũng bao hàm cả cái chung và cái đơn nhất thì khi sử dụng một kinh nghiệm nào đó trong điều kiện khác, không nên sử dụng hình thức hiện có của nó mà chỉ nên rút ra những mặt chung đối với trường hợp đó, chỉ rút ra những cái thích hợp với điều kiện đó” [3; tr.104] (khá trừu tượng đối với sinh viên năm nhất).

Qua so sánh phạm trù cái chung – cái riêng – cái đơn theo giáo trình của các học giả Việt Nam biên soạn và phạm trù cái toàn thể – cái bộ phận ở trên. Chúng tôi thấy có khá nhiều sự khác biệt về cách tiếp cận và nghiên cứu. Theo chúng tôi, cách các học giả Trung Quốc biện soạn nội dung cặp phạm trù cái toàn thể và cái bộ phận khá dễ hiểu và cụ thể cho người học nghiên cứu, họ đã cố gắng bản địa hoá những kiến thức của triết học Mác không chỉ trong nội dung này mà rất nhiều nội dung khác mà chúng tôi do năng lực hạn chế chưa nêu ra hết được. Đây cũng là mục tiêu của Trung Quốc khi xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc riêng của mình. Đối chiếu với các học giả Việt Nam khi biên soạn cặp phạm trù cái chung – cái riêng và cái đơn nhất, cũng theo quan điểm chủ quan của chúng tôi thì tương đối trìu tượng ít các thí dụ mình hoạ điều này khiến cho người học không dễ dàng hiểu ngay được bản chất của vấn đề (vấn đề này khá khó chúng tôi cần nghiên cứu thêm, trong bài viết này chỉ nêu ra một số khác biệt và những đánh giá chủ quan).

Tiếp theo, chúng tôi đề cập đến phạm trù thực tiễn (实践), có thể nói rằng hai cuốn giáo trình đều nghiên cứu về phạm trù này khá giống nhau. Chúng tôi chỉ tìm hiểu một nội dung nghiên cứu của phạm trù này mà các học giả Việt Nam không đề cập đến nhưng các học giả Trung Quốc nghiên cứu khá kỹ đó là nội dung đổi mới sáng tạo. Trong nội dung này họ đưa khá nhiều trích dẫn của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình làm cơ sở phân tích về đổi mới sáng tạo: “Yêu cầu căn cứ vào thực tiễn phát triển và sự biến đổi của thời đại, không ngừng nhận thức sâu sắc, không ngừng tổng kết kinh nghiệm, không ngừng tiến hành đổi mới sáng tạo lý luận. Kiên trì lý luận chỉ đạo và sự thống nhất phép biện chứng trong hoạt động thực tiễn. Thực hiện đổi mới sáng tạo lý luận kết hợp với đổi mới sáng tạo thực tiễn. Điều này là sự phát triển đúng đắn triết học Mác trong thế kỷ 21” [4; tr. 119]. Ngoài ra, cách tiếp cận phạm trù thực tiễn của các học giả Trung Quốc cũng có một số khác biệt về vai trò của thực tiễn đối với chân lý và sai lầm… các vấn đề nay chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp.

3. Kết luận

Từ những tìm hiểu so sánh nội dung và kết cấu hai cuốn giáo trình trên, chúng tôi có một số ý kiến và khuyến nghị sau:

Thứ nhất, từ cách tiếp cận nội dung hai cuốn giáo trình: Triết học Mác – LêninNhững nguyên lý của chủ nghĩa Mác, chúng tôi thấy rằng những nội dung của triết học Mác – Lênin nói riêng và chủ nghĩa Mác nói chung cần phải luôn được tiếp tục nghiên cứu và bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Dù là tách hay nhập các bộ phận của chủ nghĩa Mác trong chương trình đào tạo lý luận chính trị cho người học thì chúng cũng luôn cần được cập nhật những kiến thức mới về các vấn đề chính trị – xã hội trong nước và quốc tế, để đảm bảo tính khoa học, tính lý luận và thực tiễn.

Thứ hai, trong nghiên cứu này, của chúng tôi chỉ tập trung vào nội dung rất nhỏ của cặp phạm trù cái chung – cái riêng – cái đơn nhất và phạm trù thực tiễn. Nhưng qua đó, chúng tôi thấy được cách tiếp cận khác nhau của học giả hai nước và gợi mở cho chúng tôi nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ khi nghiên cứu các nội dung của chủ nghĩa duy vật biện chứng đặc biệt là vận dụng những thành tựu khoa học tự nhiên mới vào trong giảng dạy.

Thứ ba, với thực tiễn tham gia giảng dạy triết học Mác – Lênin cho thực tập sinh Trung Quốc tại khoa triết học trường Đại học khoa học xã hội & Nhân văn – ĐHQGHN, chúng tôi thấy rằng cần cập nhật nhiều hơn nữa những vấn đề mới trong nghiên cứu triết học Mác – Lênin đặc biệt là vận dụng thực tiễn phong phú đa dạng trong giảng dạy triết học Mác – Lênin và những đặc thù trong hoàn cảnh lịch sử nghiên cứu triết học của hai quốc gia là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Chú thích:

1) Lý Trạch Hậu sinh năm 1930, quê quán Hồ Nam, Trung Quốc. Ông là nhà triết học, mỹ học Trung Quốc, từng giảng dạy tại các trường đại học Michigan Hoa Kỳ, giáo sư thỉnh giảng tại viện nghiên cứu Trung ương Đài Bắc, năm 1988 được đề cử làm viện sĩ của viện triết học Pháp…

2) PGS. Hậu Nhất Phu giảng viên trường đại học sư phạm Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc,  đưa thực tập sinh cao học chuyên ngành chính trị học và một số chuyên ngành khác đến khoa triết học trường Đại học KHXHNV – ĐHQGHN trao đổi học tập 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2023.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Trần Văn Giàu (1993), Tập III, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Lý Trạch Hậu (2015), Trung Quốc tư tưởng sử luận, Nguyễn Quang Hà dịch, Nxb. Thế Giới.

3. Giáo trình triết học Mác – Lênin (2021), Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

4. Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác (2023), Công trình trọng điểm nghiên cứu và xây dựng lý luận chủ nghĩa Mác, Nxb. Giáo dục Cao đẳng – Đại học, Bắc Kinh, Trung Quốc [马克思主义基本原理”(2023),马克思主义理论研究和建设工程重点教材,北京:高等教育出版社]

Phụ lục

* Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác (2023), Công trình trọng điểm nghiên cứu và xây dựng lý luận chủ nghĩa Mác, Nhà xuất bản giáo dục cao đẳng – đại học, Bắc Kinh, Trung Quốc [马克思主义基本原理”(2023),马克思主义理论研究和建设工程重点教材,北京:高等教育出版社].

Chương 1: Triết học và vai trò của triết học trong đời sống xã hội

I. Triết học và vấn đề cơ bản của triết học

1. Khái lược về triết học

2. Vấn đề cơ bản của triết học

3. Biện chứng và siêu hình

II. Triết học Mác – Lênin và vai trò của triết học Mác – Lênin trong đời sống xã hội

1. Sự ra đời và phát triển của triết học Mác – Lênin

2. Đối tượng và chức năng của triết học Mác – Lênin

3. Vai trò của triết học Mác – Lênin trong đời sống xã hội và trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Chương 2: Chủ nghĩa duy vật lịch sử

I. Vật chất và ý thức

1. Vật chất và các phương thức tồn tại của vật chất

2. Nguồn gốc, bản chất và kết cấu của ý thức

3. Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

II. Phép biện chứng duy vật

1. Hai loại hình biện chứng và phép biện chứng duy vật

2. Nội dung của phép biện chứng duy vật

III. Lý luận nhận thức

1. Lý luận nhận thức duy vật biện chứng

2. Con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý

Chương 3: Chủ nghĩa duy vật lịch sử

I. Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội

1. Sản xuất vật chất là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển xã hội

2. Biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

3. Biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng

4. Sự phát triển các hinhg thái kinh tế xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên

II. Giai cấp và dân tộc

1. Giai cấp và đấu tranh giai cấp

2. Dân tộc

3. Mối quan hệ giai cấp – dân tộc – nhân loại

III. Nhà nước và cách mạng xã hội

1. Nhà nước

2. Cách mạng xã hội

IV. Tồn tại xã hội và ý thức xã hội

1. Khái niệm tồn tại xã hội và các yếu tố của tồn tại xã hội

2. Ý thức xã hội và kết cấu của ý thức xã hội

3. Mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội

V. Triết học về con người

1. Khái niệm con người và bản chất con người

2. Hiện tượng tha hoá con người và vấn đề giải phóng con người

3. Quan hệ giữa cá nhân và xã hội và vai trò của quần chúng nhân dân và lãnh tụ trong lịch sử.

* Giáo trình triết học Mác – Lênin (2021), Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị Bộ giáo dục và đào tạo, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật. Nội dung và kết cấu của cuốn giáo trình này được chia làm 3 chương lớn như sau:

Chương 1: Triết học và vai trò của triết học trong đời sống xã hội

I. Triết học và vấn đề cơ bản của triết học

1. Khái lược về triết học

2. Vấn đề cơ bản của triết học

3. Biện chứng và siêu hình

II. Triết học Mác – Lênin và vai trò của triết học Mác – Lênin trong đời sống xã hội

1. Sự ra đời và phát triển của triết học Mác – Lênin

2. Đối tượng và chức năng của triết học Mác – Lênin

3. Vai trò của triết học Mác – Lênin trong đời sống xã hội và trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Chương 2: Chủ nghĩa duy vật lịch sử

I. Vật chất và ý thức

1. Vật chất và các phương thức tồn tại của vật chất

2. Nguồn gốc, bản chất và kết cấu của ý thức

3. Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

II. Phép biện chứng duy vật

1. Hai loại hình biện chứng và phép biện chứng duy vật

2. Nội dung của phép biện chứng duy vật

III. Lý luận nhận thức

1. Lý luận nhận thức duy vật biện chứng

2. Con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý

Chương 3: Chủ nghĩa duy vật lịch sử

I. Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội

1. Sản xuất vật chất là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển xã hội

2. Biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

3. Biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng

4. Sự phát triển các hinhg thái kinh tế xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên

II. Giai cấp và dân tộc

1. Giai cấp và đấu tranh giai cấp

2. Dân tộc

3. Mối quan hệ giai cấp – dân tộc – nhân loại

III. Nhà nước và cách mạng xã hội

1. Nhà nước

2. Cách mạng xã hội

IV. Tồn tại xã hội và ý thức xã hội

1. Khái niệm tồn tại xã hội và các yếu tố của tồn tại xã hội

2. Ý thức xã hội và kết cấu của ý thức xã hội

3. Mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội

V. Triết học về con người

1. Khái niệm con người và bản chất con người

2. Hiện tượng tha hoá con người và vấn đề giải phóng con người

3. Quan hệ giữa cá nhân và xã hội và vai trò của quần chúng nhân dân và lãnh tụ trong lịch sử.

Bài liên quan

Bài đăng mới