MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THU HÚT VÀ TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI Ở TỈNH BẮC NINH HIỆN NAY

ThS. Cao Văn Đan

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

1. Sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả công tác thu hút, trọng dụng nhân tài ở tỉnh Bắc Ninh

Lịch sử loài người đã khẳng định, nhân tài là một trong những nhân tố quyết định cho sự hưng thịnh, thành bại của mỗi quốc gia. Ở nước ta, câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung được khắc trên tấm bia thứ nhất khoa thi tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442) dựng năm 1484, đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia; nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn; vì thế các bậc thánh vương, đế minh không đời nào không lấy việc vun trồng kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài làm công việc cần kíp” [8, tr. 4]. Trong thực tế, nếu có người hiền tài mà không biết, biết mà không dùng, dùng mà không tín nhiệm là ba điểm chẳng lành cho quốc gia. Kế thừa truyền thống quý trọng hiền tài của cha ông ta trong lịch sử, ngay sau khi giành được chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945, để đưa đất nước thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” việc tìm kiếm nhân tài đã trở nên rất cấp thiết. Ngày 14/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm của mình về vai trò quan trọng của nhân tài trong bài viết Nhân tài và kiến quốc đăng trên báo Cứu quốc: “kháng chiến có thắng lợi thì kiến thiết mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài” [trích theo 9, tr. 22]. Người coi cán bộ, nhân tài là tài sản quý của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng điển hình trong việc thu hút, trọng dụng, đào tạo cán bộ và nhân tài cho đất nước. Khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) Đảng ta đã khẳng định: Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể mai một nếu không được phát hiện và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Gần đây, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII (2021) đã tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về nhân tài là: “Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước” [6, tr. 220-221].

Bắc Ninh là vùng đất “địa linh – nhân kiệt”, nơi phát tích vương triều Lý. Ngày nay, sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuần nông Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội đạt được xếp hạng top đầu cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1997 – 2021 là 13,9%/năm. Bắc Ninh được xác định là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô. Cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Bắc Ninh xác định công tác thu hút, trọng dụng nhân tài là một chủ trương lớn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Việc xây dựng kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài là trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân trong tỉnh. Tỉnh Bắc Ninh đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài để xây dựng, ban hành các quy định, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Sau khi tái lập tỉnh năm 1997, đến năm 2000, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định số 105/2000/QĐ-UB về việc: Quy định chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng thu hút và sử dụng nhân tài tỉnh Bắc Ninh. Quyết định nêu rõ: Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài là một chủ trương lớn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của tỉnh Bắc Ninh. Ngày 30/11/2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định số 680/QĐ-UBND về việc: Phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quyết định đã chỉ rõ: “Phát triển nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển nhân tài, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” [xem 11]. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến nay chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài đã thu hút được nhiều người trình độ chuyên môn đại học và sau đại học loại giỏi về công tác tại tỉnh. Những nhân tài về làm việc tại tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, công tác thu hút, trọng dụng nhân tài của tỉnh vẫn còn những bất cập, nhận thức của một số cán bộ cấp ủy, chính quyền về việc phát hiện, thu hút, trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài còn hạn chế. Tỉnh chưa ban hành chính sách chuyên biệt về thu hút, trọng dụng nhân tài. Số lượng nhân tài có năng lực chuyên môn, học hàm, học vị cao, các chuyên gia, nhà khoa học trẻ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, nhân tài ở ngoài tỉnh, nhân tài là kiều bào ở nước ngoài được thu hút về tỉnh chưa nhiều. Theo báo cáo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, tính đến năm 2021, số cán bộ là công chức từ cấp huyện trở lên trong toàn tỉnh có trình độ tiến sỹ là 31 người; viên chức từ cấp huyện trở lên có trình độ tiến sỹ là 19 người, công chức cấp xã có trình độ tiến sỹ là 01 người. Số cán bộ là công chức từ cấp huyện trở lên có trình độ thạc sỹ là 864 người, cán bộ là viên chức có trình độ thạc sỹ là 2.382 người. Trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ thì đa số là những người đang làm việc được cử đi học sau đại học ở bậc cao học và nghiên cứu sinh, số lượng thu hút người đã có trình độ cao là tiến sỹ, PGS, GS về tỉnh làm việc rất hạn chế. Nghịch lý là, sau khi nghị quyết về thu hút nhân tài được ban hành thì tỉnh Bắc Ninh đã không tuyển được nhân tài nào, dù đã có chính sách hỗ trợ vượt trội về tài chính, nhà ở. Từ thực trạng nêu trên, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc thu hút, trọng dụng nhân tài của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn hiện nay

1. Tập trung nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương cuả Đảng, Nhà nước để xây dựng và triển khai chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách đãi ngộ nhân tài, trí thức, Đảng ta đã từng bước xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng nhân tài cho phù hợp với từng thời kỳ của đất nước. Đảng ta đã chỉ rõ: “Thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học, công nghệ” [5, tr. 423]. Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đúng đắn, đủ mạnh, không chỉ có sức lôi cuốn, tác động mạnh mẽ tới nhân tài mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc thu hút, trọng dụng nhân tài ổn định, bền vững cho đất nước và các địa phương. Trong thực tế, nếu chỉ chạy đua, làm theo phong trào, không sát với điều kiện thực tiễn của địa phương, sự thiếu đồng thuận trong việc ưu đãi nhân tài mới thu hút sẽ tạo ra mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan khi nhân tài được ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh nhiều hơn so với đội ngũ cán bộ cũ tại chỗ. Hoặc khi vận dụng chính sách nhân tài của cấp trên vào địa phương không có tầm nhìn chiến lược, dài hạn sẽ dẫn tới chính sách nhân tài lỗi thời, không phản ánh đúng thực tiễn, phải tạm dừng, điều chỉnh, bổ sung. Như vậy, sẽ lãng phí thời gian, công sức, chính sách thiếu tính ổn định bền vững. Điều này sẽ tác động tới các quyết định, lựa chọn của nhân tài có về địa phương công tác hay không.

Để vận dụng tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với điều kiện của tỉnh Bắc Ninh, cần thực hiện những nội dung sau:

Thứ nhất, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài, các cấp ủy, chính quyền tỉnh cần bám sát chủ trương quan điểm của Đảng đã đề ra như: “Đất nước ta không thiếu nhân tài, vấn đề là phải có những chính sách, cơ chế thích hợp để phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng người tài” [3, tr. 35]. Thông qua lao động, sản xuất, các phong trào thi đua yêu nước của quần chúng nhân dân để phát hiện, tìm kiếm những người có phẩm chất đạo đức, có tài năng để kịp thời bồi dưỡng, đào tạo nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ cho họ. Đặc biệt phải quan tâm tạo nguồn từ sinh viên, học viên, người lao động trẻ, kể cả thu hút nhân tài là đồng bào người Việt Nam, đang định cư, học tập, làm việc ở nước ngoài, tạo mọi điều kiện về vật chất, tinh thần, môi trường làm việc thuận lợi để họ về đóng góp tài năng cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Nghiên cứu và vận dụng có hiệu quả các Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương, các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng bàn về nhân tài và các công tác liên quan đến chính sách thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Tiêu biểu là các đại hội: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006) của Đảng đã đưa ra chủ trương: “Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng… Thu hút chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia giỏi người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia giảng dạy, phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam” [4, tr. 212]. Đại hội XI (2011) của Đảng nhấn mạnh: Thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học, công nghệ. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến của tri thức. Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016) Đảng ta tiếp tục khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đại hội lần thứ XIII (2021) của Đảng nêu rõ: Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung nghiên cứu Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về việc quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Vận dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài, đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ (2020 – 2025) đã nêu rõ: “Tạo bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, triển khai quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; quan tâmđầu tư xây dựng hệ thống trường học, nhất là các trườngtrọng điểm, chất lượng cao theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo;chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ gắnvới giáo dục kỹ năng xã hội cho học sinh, sinh viên vàngười lao động. Nguồn nhân lực tăng nhanh về số lượng,đa dạng về cơ cấu, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển củatỉnh; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp, kiệntoàn, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên. Quan tâmthu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ tri thức,chuyên gia trong và ngoài nước làm việc trên địa bàn.Thu hút, tiếp nhận các trường đại học, trung tâm đào tạocó uy tín về hoạt động tại tỉnh; tạo tiền đề cơbản đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạonguồn nhân lực chất lượng cao của vùng” [7, tr. 55].

Thứ hai là: Chính quyền tỉnh cần nghiên cứu để vận dụng, xây dựng chính sách theo Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Xây dựng cơ chế, chỉnh sách đủ sức thu hút sinh viên tốt nghiệp, cán bộ khoa học trẻ có trình độ, năng lực chuvên môn cao, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hỏa, hội nhập quốc tế để từng bước đào tạo, bồi dưỡng thành nhân tài cho đất nước.

2. Tiếp tục đổi mới tư duy để nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác thu hút, trọng dụng nhân tài của cấp ủy, chính quyền tỉnh, cán bộ đảng viên và nhân dân tỉnh.

Bên cạnh việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp Hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nêu ra khuyết điểm hạn chế trong việc chậm đổi mới tư duy: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tập trung chỉ đạo nhưng còn có mặt hạn chế. Công tác nắm bắt định hướng tư tưởng, dư luận, tuyên truyền ở một số cơ sở chưa tốt; Một số đồng chí Tỉnh ủy viên, cán bộ lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, địa phương còn có tư tưởng thỏa mãn, chậm đổi mới tư duy, chưa đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngại va chạm, chưa phát huy hết tinh thần chủ động sáng tạo và trách nhiệm cá nhân” [7, tr. 192]. Nhân tài là người có năng lực vượt trội, họ có đặc điểm tâm lý, tính cách, ý chí, nghị lực khác người bình thường, họ sẵn sàng khổ luyện để thành người có đức, có tài. Người tài thường thích làm theo suy nghĩ riêng, nhiều khi trái với cách làm, cách nghĩ của số đông, vì vậy họ tạo nên sự khác biệt và hiệu quả cao trong công việc. Do đó, cần có nhận thức đầy đủ, khách quan về nhân tài để đề ra chính sách thu hút, bố trí sử dụng, đãi ngộ xứng đáng với năng lực của họ.

Tỉnh ủy Bắc Ninh và các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, thủ trưởng cơ quan đơn vị phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà cần được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể mai một nếu không được phát hiện và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Vì vậy, phải tổ chức thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh và sự ủng hộ, đồng thuận của dư luận xã hội về việc triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Quán triệt thường xuyên, hiệu quả trong cấp ủy, cán bộ đảng viên những quan điểm của Đảng được thông qua trong nghị quyết các đại hội, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa. Đặc biệt là nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, Kết luận số 37-KL/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa X về tiếp tục thực hiện Chiến lược cán bộ trong thời kỳ mới, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/05/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII của Đảng. Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị khóa XI quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Đặc biệt, Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, xác định tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh “Đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; Nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển”  [xem 1].

Từ việc nghiên cứu sâu rộng, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, đảng viên nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhân tài cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Từ đó tự giác, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện tốt các kế hoạch, đề án, nghị quyết, quyết định đã đề ra.

Để đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên của tỉnh về việc thu hút, trọng dụng nhân tài cần nghiên cứu, thực hiện tốt một số điểm sau:

Một là, trong các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, Tỉnh ủy phải xác định rõ công tác thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ. Quán triệt công tác trên tới toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và các tầng lớp nhân dân để thực hiện có hiệu quả cao nhất.

Hai là, tuyên truyền công khai bằng các hình thức trực tiếp, gián tiếp một cách kịp thời đến các trường đại học, cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh, các trường đại học quốc tế, có học sinh, sinh viên, học viên, nhà khoa học, chuyên gia về các chương trình, chính sách thu hút, trọng dụng, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh đãi ngộ nhân tài của tỉnh. Sau khi đã thu hút được nhân tài thì ngoài “trọng thị, trọng dụng, trọng đãi” cần có “trọng vệ”, tức là cần có cơ chế bảo vệ nhân tài. Đặc biệt, khi đã thu hút được nhân tài, trong quá trình sử dụng nhân tài thì người sử dụng, quản lý nhân tài phải thực sự tin tưởng nhân tài, giao việc phù hợp, bổ nhiệm nhân tài vào các vị trí sở trường để họ thỏa sức cống hiến tài năng của mình.

Ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi, trợ cấp, khen thưởng trong một thời gian nhất định như đã được công bố công khai, thì nhân tài có năng lực thực sự trước khi được thu hút thường đặt ra những câu hỏi: Cơ hội học tập, thăng tiến thế nào? Môi trường, điều kiện làm việc có đảm bảo không? Công việc được giao có phù hợp với năng lực của mình không? Có được bổ nhiệm vào các chức vụ nhân tài là lãnh đạo quản lý không? Có giải quyết được các vấn đề cá nhân như nhà ở, công việc của người đi kèm nhân tài là vợ hoặc chồng, học tập của con cái tại môi trường mới thế nào? Như vậy, để thu hút, trọng dụng được người thực sự có tài năng, trình độ cao, để họ thật sự yên tâm lao động, cống hiến cho tỉnh thì ngoài việc xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ, cần giải quyết một loạt các vấn đề nêu trên liên quan đến nhân tài.

3. Phải tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để thu hút nhân tài về công tác tại tỉnh.

Môi trường, điều kiện làm việc là một trong các nhân tố quyết định đến việc có thu hút được nhiều nhân tài thực sự có chuyên môn cao về tỉnh hay không. Chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng là những hỗ trợ ban đầu, hoặc kéo dài trong một thời gian nhất định. So với các tỉnh, Thành phố trong cả nước, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm tới chế độ chính sách để thu hút, đãi ngộ nhân tài. Gần đây, vào tháng 7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh có Nghị Quyết số 02 quy định một số chế độ chính sách đối với Trường Trung học Phổ thông Chuyên Bắc Ninh, 8 trường Trung học Cơ sở trọng điểm và chế độ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, khu vực, quốc tế. Đặc biệt, nếu các thầy cô giáo có học hàm giáo sư hoặc có trình độ tiến sỹ nếu được tuyển chọn dạy tại Trường Chuyên Bắc Ninh sẽ nhận được hỗ trợ từ 100-200 triệu. Nghị quyết nêu rõ: “Nếu các thầy cô giáo có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài ít nhất là 10 năm thì được hỗ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng”. Đây có thể nói là chính sách tốt, cực kỳ ưu việt đối với trường chuyên, giúp nhà trường có cơ hội chào mời, thu hút thầy cô có trình độ chuyên môn cao về công tác. Tuy nhiên, Nghị quyết 02 sau khi ra đời mới giải quyết được chế độ chính sách cho 2 tiến sỹ đã được tuyển dụng từ trước.

Như vậy, có thể thấy, ngoài các chính sách đãi ngộ nhân tài thì môi trường, điều kiện làm việc rất được nhân tài quan tâm, suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định về công việc của mình. Nhân tài cần môi trường làm việc thật sự dân chủ, thân thiện, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, không đố kị, tạo điều kiện được thăng tiến, bổ nhiệm, bố trí vị trí việc làm phù hợp với sở trường, năng lực của bản thân. Người tài với mục tiêu hàng đầu là đạt hiệu quả cao nhất, tối đa nhất trong công việc nên họ thường không muốn bị bó mình theo một khuôn mẫu cứng nhắc, quy định chặt chẽ gò bó, họ cần sự linh hoạt để thỏa sức sáng tạo, cống hiến. Chính vì vậy, họ cần những quy định khác với người bình thường để làm việc, vì bản thân họ sẵn có tố chất của “nhân tài”, mà nhân tài là người luôn tạo ra sự “khác biệt” trong cách nghĩ, cách làm. Tỉnh ủy Bắc Ninh cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và triển khai quy chế về chế độ làm việc chuyên biệt dành cho nhân tài. Có như vậy mới thu hút được nhiều nhân tài, người có trình độ học hàm, học vị cao về công tác tại tỉnh. Ngoài ra, nhân tài rất cần được trang bị tối đa các phương tiện làm việc hiện đại, đầy đủ để đáp ứng cho công việc của mình.

4. Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo nhằm phát hiện sớm nhân tài ngay từ cấp học ở cơ sở.

Cấp ủy, chính quyền tỉnh, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cần có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, phát hiện những học sinh có năng khiếu, sở trường từ sớm để bồi dưỡng, ươm mầm tài năng khi còn học ở các cấp cơ sở. Học sinh có biểu hiện năng khiếu sáng tạo thường thể hiện ra ở cách suy nghĩ khác với người thông thường, có cách nhìn đặc biệt về thế giới và có ý tưởng muốn xây dựng các dự án của cá nhân mình. Để lựa chọn học sinh năng khiếu cần có tiêu chí cụ thể khi nhận diện, trong đó chú ý một số yếu tố sau: không có học sinh năng khiếu cao ở nhiều lĩnh vực và không có học sinh năng khiếu chung chung mà cần gắn cụ thể vào một lĩnh vực, một môn học cụ thể. Hình thức lựa chọn khách quan học sinh năng khiếu là tổ chức đánh giá và tham khảo các nguồn thông tin để lựa chọn chính xác với đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi nhận diện và lựa chọn được học sinh có năng khiếu là phải bắt tay vào đào tạo, bồi dưỡng theo đúng cách. Đây là công việc rất quan trọng và cấn được tiến hành theo cách chuyên biệt cho từng đối tượng học sinh có năng khiếu với chương trình riêng để phát triển trí tuệ, tư duy độc lập, tính sáng tạo, phẩm chất đạo đức trong sáng để các tài năng trẻ có thể trở thành nhân tài tương lai cho quê hương, đất nước. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh cần chú trọng đầu tư mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo các trường phổ thông chuyên của tỉnh, thu hút đội ngũ giáo viên có học hàm, học vị cao về giảng dạy, đào tạo.

5. Gắn việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với thu hút, trọng dụng nhân tài phục vụ phát triển kinh tế – xã hội

Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mọi quốc gia trên thế giới đều cho thấy nguồn lực con người là vốn lớn nhất, là yếu tố quyết định nhất. Trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước nói chung và địa phương nói riêng, nguồn lực con người luôn giữ vai trò trung tâm và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh, bền vững. Từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã chuyển mình mạnh mẽ thành tỉnh công nghiệp, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Để đáp ứng được nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở lên cấp thiết. Chủ trương “2 ít” (ít sử dụng đất, ít sử dụng nguồn nhân lực) đã trở thành phương châm, động lực cho nhân dân toàn tỉnh hành động. Như vậy, có thể khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí lực, thể lực, đạo đức, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có thái độ tích cực, có khả năng giải quyết các công việc phức tạp, đáp ứng ở mức cao các đòi hỏi của thị trường lao động. Cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là việc xây dựng chính sách để thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực quý giá này cho sự phát triển của tỉnh. Trong số nguồn nhân lực có trình độ cao, nếu được thu hút, phát hiện, bồi dưỡng sẽ có điều kiện để trở thành nhân tài. Như vậy, nhân tài là nhân lực chất lượng cao ở mức đặc biệt, không chỉ có khả năng xử lý những yêu cầu phức tạp bằng tay nghề hay nghiệp vụ có được từ đào tạo mà còn có sức ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển chung của quốc gia, đơn vị, doanh nghiệp, được xã hội thừa nhận, tôn vinh. Ở bất kỳ mọi lĩnh vực hoạt động xã hội nào cũng đều cần có những “thủ lĩnh” thực thụ trong lĩnh vực đó. Họ có năng lực dẫn dắt, tập hợp tạo ra những “cú hích” cho sự phát triển của đất nước, của đơn vị, địa phương hay doanh nghiệp. Từ đó, họ tạo ra những khâu đột phá cho sự phát triển, trở thành nhân tố dẫn dắt quan trọng cho sự phát triển của đất nước, địa phương.

3. Kết luận

Thu hút, trọng dụng nhân tài thực sự đã trở thành chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và quá độ xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Nhân tài không chỉ là người có tài năng “vượt trội” về chuyên môn, mà còn phải có đạo đức của người cách mạng, là người thật sự “vừa hồng, vừa chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo huấn.

Vận dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài, các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị tỉnh Bắc Ninh đã cụ thể hóa thành các chủ trương, quan điểm, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế hiện nay nhân tài được xác định là “chìa khóa vàng”, là nhân tố rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong những năm gần đây, đội ngũ nhân tài của tỉnh Bắc Ninh từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, những nhân tài được thu hút về đã tích cực đóng góp, cống hiến tri thức cho địa phương. Tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm tới chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, có những chính sách đãi ngộ, trọng dụng ưu việt, vượt trội so với một số tỉnh, thành khác trong cả nước. Tuy nhiên, tất cả đó vẫn là chưa đủ đáp ứng mục tiêu mà tỉnh Đảng bộ đề ra tại đại hội XX (nhiệm kỳ 2020 – 2025) là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng tinh Bắc Ninh phát triển bền vững; cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại. Cụ thể hơn, Mục tiêu kinh tế được đại hội xác định là: “Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt từ 8,5-9%/năm, đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu 37,7 tỷ USD; nhập khẩu 33,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP giai đoạn 2021 – 2025 đạt 36-38%. Thu ngân sách nhà nước năm 2025 đạt 38.000 tỷ đồng” [7, tr.91].

Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp đã nêu để tạo chuyển biến căn bản cho công tác thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, biến khát vọng “đi trước, vượt trước” thành hiện thực, tiếp tục phấn đấu đến năm 2045 đưa Bắc Ninh trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

                          TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương (2023): Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới

2. Chính phủ (2024): Nghị định số 179/2024/NĐ-CP, ngày 31/12/2024 về việc Quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 51, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019): Văn kiện đại hội đảng thời kỳ đổi mới (phần 2), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

7. Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh (2020): Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Chế bản và in tại Xưởng in Báo Bắc Ninh

8. Đỗ Văn Ninh (2001): Quốc Tử Giám trí tuệ Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

9. Giang Thiệu Thanh và Hoàng Yến My (2011): Hồ Chí Minh về phát hiện bồi dưỡng sử dụng nhân tài, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.

10. Uỷ Ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2013): Quyết định số 198/2013/QĐ-UBND, ngày 29/5/2013 về việc sửa đổi, bổ sung quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài tỉnh Bắc Ninh.

11. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2017), Quyết định số 680/QĐ-UBND, ngày 30/11/2017 về việc: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bài liên quan

Bài đăng mới