1. Đặt vấn đề
Thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về môi trường như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học. Các vấn đề này không chỉ đe dọa sự tồn tại của nhiều loài sinh vật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sự phát triển bền vững của loài người. Trước tình hình đó, việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các vấn đề môi trường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Quan điểm chủ nghĩa Mácvề mối quan hệ giữa con người và tự nhiên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, cũng như tìm ra giải pháp để giải quyết tận gốc các vấn đề về môi trường.
Theo quan điểm chủ nghĩa Mác, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là một mối quan hệ thống nhất biện chứng, nơi con người, xã hội và tự nhiên gắn kết chặt chẽ với nhau; sự phát triển của xã hội loài người luôn đi kèm với sự tương tác qua lại với tự nhiên. Con người không chỉ là một thực thể tự nhiên mà còn là một thực thể xã hội, có khả năng cải tạo và thay đổi tự nhiên thông qua lao động và các hoạt động thực tiễn.
Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác cũng chỉ ra rằng trong chế độ tư bản chủ nghĩa, mối quan hệ này đã bị tha hóa. Việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, cùng với việc theo đuổi lợi nhuận tối đa đã dẫn đến những cuộc khủng hoảng sinh thái nghiêm trọng. Chủ nghĩa Mác khẳng định rằng chỉ bằng cách xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng một chế độ xã hội công bằng và bền vững – xã hội cộng sản – con người mới có thể tái thiết lập một mối quan hệ hài hòa với tự nhiên.
Phân tích mối quan hệ giữa con người và tự nhiên dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của các vấn đề môi trường mà còn đưa ra những định hướng cụ thể để giải quyết chúng. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích quan điểm của chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, từ đó chỉ ra giá trị thực tiễn của quan điểm này đối với việc giải quyết các vấn đề môi trường, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam.
2. Quan điểm của chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên
Quan điểm về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên chiếm một vị trí quan trọng trong các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác. Trên cơ sở tiền đề nhận thức về con người và tự nhiên, chủ nghĩa Mác đã nêu ra quan điểm về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Quan điểm này cho đến ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa thực tiễn.
Trước hết, con người là một thực thể tự nhiên. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, thế giới bao gồm cả giới tự nhiên và xã hội loài người, và giới tự nhiên là nguồn gốc của sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Cả giới tự nhiên và con người đều được coi là hiện thực khách quan. Trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, con người đóng vai trò là chủ thể, còn tự nhiên là đối tượng. Con người tồn tại như một thực thể tự nhiên và đồng thời là một thực thể xã hội; trong quá trình tương tác với tự nhiên, tính chủ quan và sự năng động của con người được thể hiện rõ ràng. Chủ nghĩa Mác cho rằng, tính thực tại của con người trong mối quan hệ này đã trở thành một thực tế có thể cảm nhận được thông qua giác quan. Nói cách khác, cả tự nhiên và con người đều có tính thực tại khách quan, tự nhiên tồn tại độc lập với ý thức của con người và có vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của con người.
Chủ nghĩa Mác cho rằng, con người không phải là chủ nhân của tự nhiên, mà là một phần của nó, và con người sống dựa vào tự nhiên. Trong Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844, C. Mác viết: “Con người sống bằng tự nhiên. Như thế nghĩa là tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là tự nhiên gắn liền với bản thân tự nhiên, vì con người là một bộ phận của tự nhiên” [3, tr. 255]. Như vậy, tự nhiên là tồn tại khách quan có trước con người, và là nguồn gốc vật chất cần thiết để con người sinh tồn và phát triển. Không có sự hỗ trợ vật chất của tự nhiên, xã hội loài người sẽ khó mà phát triển được, do đó, con người sống phụ thuộc vào tự nhiên [xem 7, tr. 115 – 120]. C. Mác cũng nhấn mạnh rằng cần phải đồng nhất bản chất của con người với thuộc tính của tự nhiên, và điều hòa mối quan hệ giữa con người với tự nhiên cũng như giữa con người với chính bản thân mình.
Thứ hai, con người biến đổi tự nhiên một cách có ý thức thông qua lao động. Sự khác biệt cơ bản nhất giữa quan niệm về tự nhiên của chủ nghĩa Mác và các quan niệm khác là ở chỗ chủ nghĩa Mác giải thích bản chất của mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trên cơ sở thực tiễn, thực tiễn này được tích lũy qua quá trình lao động lâu dài của loài người. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên không phải là một mối quan hệ trừu tượng, mà là một mối quan hệ cụ thể được hình thành trong quá trình lao động thực tiễn kéo dài. Lao động không chỉ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống mà còn thúc đẩy sự tiến hóa của cả con người và tự nhiên. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844 của C.Mác: “Việc tạo một cách thực tiễn ra thế giới vật thể, việc cải tạo tự nhiên vô cơ là sự tự khẳng định của con người với tư cách là một sinh vật có tính loài có ý thức… Con vật chỉ xây dựng theo kích thước và nhu cầu của loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo kích thước của bất cứ loài nào và ở đâu cũng biết vận dụng bản chất cố hữu của mình vào đối tượng; do đó con người cũng xây dựng theo các quy luật của cái đẹp” [3, tr. 257]. Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ph. Ăngghen cũng chỉ ra rằng con người tác động ngược trở lại tự nhiên, thay đổi tự nhiên, tạo ra những điều kiện mới cho sự tồn tại của chính mình [4 ]. Như vậy, lao động không chỉ giúp con người khai phá và sử dụng tài nguyên tự nhiên mà còn làm thay đổi cả cách nhìn nhận mối quan hệ với tự nhiên. Do đó, lao động không chỉ là hành động vật chất mà còn là quá trình quan trọng trong sự hình thành và phát triển loài người cũng như thay đổi bản chất của môi trường sống.
Trong tiến trình phát triển của loài người, lao động là điều kiện tiên quyết cho sự sinh tồn và phát triển, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa con người với con người và thay đổi mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Vì thế, lao động vừa là quá trình tiến hóa xã hội, vừa là quá trình tiến hóa tự nhiên. Lao động đóng vai trò cầu nối giữa con người và tự nhiên, tạo nền tảng cho sự thống nhất biện chứng giữa hai yếu tố này [10, tr. 249 – 284]. Nói cách khác, mọi hoạt động lao động là kết quả của sự hòa hợp giữa xã hội loài người và giới tự nhiên.
Thứ ba, về vai trò của khoa học và công nghệ trong mối quan hệ biện chứng giữa con người và tự nhiên. Trong quá trình sống và phát triển của loài người, do nhu cầu của sản xuất và sinh hoạt, khoa học và công nghệ đã ra đời, giúp con người nâng cao khả năng nhận thức và biến đổi tự nhiên. Theo quan điểm của C. Mác, khoa học và công nghệ là sản phẩm của lao động xã hội và phản ánh sự phát triển của lực lượng sản xuất. Khoa học không đơn thuần chỉ là công cụ khai thác tự nhiên, mà là phương tiện để con người nhận thức sâu hơn về các quy luật tự nhiên, từ đó điều chỉnh hoạt động của mình phù hợp với những quy luật ấy. Lao động được xem như sợi dây kết nối giữa con người và tự nhiên. Khoa học và công nghệ, dựa trên nền tảng lao động, là công cụ quan trọng để con người nhận thức và cải tạo tự nhiên [1], còn kỹ thuật là công cụ hoặc tập hợp các công cụ mà người lao động đặt giữa bản thân mình và đối tượng lao động, nhằm truyền dẫn hoạt động của mình lên đối tượng lao động [2]. Do đó, trong hoạt động thực tiễn của con người, khoa học và công nghệ không chỉ tăng cường khả năng tác động của con người lên giới tự nhiên, làm chủ thể tác động lên khách thể để thỏa mãn nhu cầu của con người; mà còn nâng cao trình độ văn minh của con người, nâng cao khả năng tác động của chủ thể lên khách thể, nhằm đạt được sự hài hòa trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.
Như vậy, trên cơ sở thực tiễn và chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa Mác đã giải thích mối quan hệ khách quan giữa con người và tự nhiên, nhấn mạnh vai trò của lao động như là sợi dây liên kết giữa con người và tự nhiên, cũng như vai trò của khoa học và công nghệ trong việc hình thành, phát triển và điều hòa mối quan hệ này. Điều này làm sáng tỏ cơ sở của quan điểm nhận thức biện chứng của chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.
Thứ tư, về sự tha hóa trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Chủ nghĩa Mác cho rằng lao động bị tha hóa là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, với nguồn gốc sâu xa là chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa. Theo C. Mác, tha hóa trước hết và chủ yếu là sự tha hóa của lao động. Lao động vốn là một thuộc tính bản chất của con người, là hoạt động sáng tạo, tự do, giúp con người khẳng định bản thân và biến đổi thế giới. Tuy nhiên, trong chủ nghĩa tư bản, lao động không còn là hoạt động tự do và sáng tạo của con người, lao động bị biến thành hàng hóa, trở thành công cụ để tạo ra lợi nhuận. Người lao động bị tách rời khỏi sản phẩm của mình, họ không còn làm chủ quá trình lao động, họ cảm thấy xa lạ, mất tự do trong lao động.
Sự tha hóa lao động này dẫn đến sự tha hóa trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Thay vì coi tự nhiên là một phần của đời sống, con người chỉ xem nó như nguồn tài nguyên để khai thác, dẫn đến sự hủy hoại môi trường và khủng hoảng sinh thái. Trong chế độ tư bản, áp lực tối đa hóa lợi nhuận khiến con người khai thác tự nhiên một cách vô hạn, bất chấp hậu quả lâu dài.
Trong Biện chứng của tự nhiên, Ph. Ăngghen đã chỉ ra: “Tất cả các phương thức sản xuất đã có từ trước đến nay chỉ nhằm đạt được những hiệu quả có ích gần nhất và trực tiếp nhất của lao động. Còn đối với những hậu quả xa xôi, sau này mới xuất hiện và chỉ có tác dụng khi nó tái diễn lại nhiều lần và tích tụ thêm lên mãi, thì người ta hoàn toàn không chú ý đến” [4, tr. 657]. Điều này cho thấy, khi lao động bị tha hóa, con người mất đi khả năng nhận thức đầy đủ về tác động của mình đối với tự nhiên, dẫn đến khai thác tài nguyên không bền vững và khủng hoảng sinh thái. Chính vì vậy, C. Mác nhấn mạnh rằng, để thiết lập lại mối quan hệ hài hòa với tự nhiên, cần giải phóng lao động khỏi sự tha hóa. Chỉ khi lao động không còn là phương tiện bóc lột mà trở thành nhu cầu tự do, sáng tạo của con người, thì con người mới có thể thiết lập lại mối quan hệ hài hòa với tự nhiên. Điều này đòi hỏi một cuộc cách mạng toàn diện về phương thức sản xuất và tổ chức xã hội, trong đó khoa học và công nghệ không còn phục vụ lợi nhuận mà phải hướng đến sự phát triển bền vững của cả con người và tự nhiên.
Trong thời đại ngày nay, các quốc gia tư bản phương Tây ưu tiên lợi ích kinh tế, dù đã chú trọng hơn đến việc bảo vệ môi trường [6, tr. 10 – 26]. Tuy nhiên, với sự mở rộng của tư bản toàn cầu, vấn đề mối quan hệ giữa con người và tự nhiên càng trở nên cấp thiết. Nguyên nhân sâu xa của sự tha hóa trong mối quan hệ này không chỉ nằm ở chế độ tư hữu tư bản, mà trước hết là ở sự tha hóa của lao động trong chế độ đó. Khi lao động bị biến thành công cụ để tạo ra lợi nhuận, con người mất kiểm soát trong việc khai thác tài nguyên, phá vỡ mối quan hệ hài hòa vốn có giữa con người và tự nhiên. Theo C. Mác, để điều hòa mối quan hệ này, cần loại bỏ chế độ tư bản và xây dựng một xã hội mới, nơi lao động được giải phóng khỏi sự tha hóa. Con người cần thiết lập một tổ chức xã hội có kế hoạch, tự giác trong sản xuất và phân phối, nhằm đạt được sự hài hòa giữa con người và tự nhiên.
Theo quan điểm của C. Mác, trong một xã hội lý tưởng, khoa học và công nghệ phải được định hướng để phục vụ cho sự phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên. Khi được thoát khỏi sự kiểm soát của lợi nhuận và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khoa học và công nghệ sẽ trở thành công cụ quan trọng để điều hòa mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển xã hội bền vững. C. Mác khẳng định rằng, chủ nghĩa cộng sản có thể loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gốc rễ của sự tha hóa giữa con người và tự nhiên, thực hiện sự giải phóng thực sự cho con người trên cơ sở lao động, và thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên [3].
Quan điểm của chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên cho thấy rằng, để đạt được sự hài hòa trong mối quan hệ này, điều cốt lõi không chỉ là điều chỉnh cách con người khai thác tài nguyên mà quan trọng hơn là giải phóng lao động khỏi sự tha hóa. Chỉ khi con người thực sự làm chủ lao động của mình, coi lao động là nhu cầu tự thân chứ không phải đối tượng bị bóc lột, thì mối quan hệ giữa con người và tự nhiên mới có thể được điều hòa một cách bền vững.
3. Ý nghĩa của quan điểm chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong phát triển xã hội
Xã hội ngày nay đang đứng trước cuộc khủng hoảng sinh thái với các vấn đề như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, quan điểm của chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp cơ sở lý luận để hiểu và giải quyết các vấn đề sinh thái hiện nay.
Một là, quan điểm của chủ nghĩa Mác cung cấp cho chúng ta cơ sở lý luận để hiểu nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng sinh thái là sự tha hóa của mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Sự tha hóa này không chỉ thể hiện qua việc con người khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên mà còn ở việc phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa làm méo mó mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, mục đích chính của sản xuất là tối đa hóa lợi nhuận, dẫn đến việc khai thác không thương tiếc tài nguyên thiên nhiên và phá hủy môi trường nghiêm trọng. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa coi thiên nhiên như một kho tài nguyên vô tận, bỏ qua tính hữu hạn của thiên nhiên. Sự tha hóa này không chỉ phá hủy môi trường tự nhiên mà còn đe dọa sự tồn tại và phát triển của con người. Chủ nghĩa Mác nhận thấy rằng, trên cơ sở sự sinh tồn và phát triển của xã hội loài người, chừng nào con người còn tồn tại, thì sự tương tác giữa con người và tự nhiên sẽ không biến mất. Do đó, việc nhận thức đúng và xử lý tốt mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là cần thiết, đặc biệt cần nhận diện rõ các xung đột phát sinh từ vấn đề tha hóa trong xã hội tư bản.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái, chủ nghĩa Mác cho rằng cần phải thay đổi từ gốc rễ phương thức sản xuất và mô hình tiêu dùng hiện tại, thiết lập lại mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Quan điểm này chính là cơ sở lý luận quan trọng cho việc xây dựng mô hình kinh tế phát triển bền vững ở Việt Nam. Để làm được việc đó cần phải từ bỏ mô hình tăng trưởng kinh tế chà đạp môi trường, chuyển sang phương thức sản xuất và tiêu dùng bền vững, thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, như Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã viết: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” [5].
Hai là, quan điểm của chủ nghĩa Mác cung cấp cơ sở lý luận quan trọng cho Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng xã hội phát triển bền vững. Phát triển bền vững không chỉ là vấn đề tăng trưởng kinh tế, mà còn là sự bền vững trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Về sự chung sống hài hòa giữa con người và tự nhiên, Ph. Ăngghen đã nhấn mạnh trong Biện chứng của tự nhiên như sau: “Chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với tự nhiên. Bởi cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần tự nhiên trả thù lại chúng ta” [4, tr. 284]. Ph. Ăngghen đã dẫn ra một số bài học đau đớn của lịch sử loài người để chứng minh quan điểm này: Cư dân của Mê-xô-pô-ta-mi, Hy Lạp, Tiểu Á và các nơi khác đã phá rừng để mở rộng đất canh tác, nhưng họ không thể ngờ rằng những hành động này sẽ dẫn đến đất đai ngày nay trở nên cằn cỗi do các khu rừng bị tàn phá, và do đó hủy hoại các trung tâm và hồ chứa nước. Người Ý trên dãy An-pơ, khi họ chặt phá các khu rừng tùng ở sườn phía Nam, trong khi bảo vệ cẩn thận các khu rừng tùng ở sườn phía Bắc, đã không lường trước được rằng hành động này sẽ gây thiệt hại cho hoạt động chăn nuôi trên núi cao. Họ không biết rằng việc này sẽ làm cạn kiệt các nguồn nước suối trên núi suốt phần lớn thời gian trong năm, và gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở cho đồng bằng trong mùa mưa. “Và những sự việc đó nhắc nhở chúng ta từng giờ từng phút rằng chúng ta hoàn toàn không thống trị được tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác… Và trên thực tế, chúng ta học hỏi để ngày càng hiểu được một cách chính xác hơn những quy luật đó, và biết được những hậu quả gần gũi cũng như xa xôi của những sự can thiệp tích cực của chúng ta vào trong tiến trình bình thường của các sự vật trong tự nhiên” [4].
Chủ nghĩa Mác nhấn mạnh rằng, thông qua hoạt động sống có ý thức để cải tạo thiên nhiên, con người có thể đạt được sự hòa hợp với tự nhiên. Lao động không chỉ là phương tiện để con người tồn tại mà còn là cách thức quan trọng để thực hiện sự phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên. Quan điểm này cung cấp cơ sở lý luận cho việc phát triển xã hội một cách bền vững, tức là trong quá trình phát triển kinh tế, phải bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện sự phát triển cân đối giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
Vận dụng quan điểm sinh thái của chủ nghĩa Mác, Đảng ta nhấn mạnh sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, đưa ra quan điểm phát triển xanh, phát triển tuần hoàn và phát triển carbon thấp, khuyến khích tiêu dùng xanh, giảm lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường để đạt được sự phát triển cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Sự cộng sinh hài hòa, mối quan hệ không thể tách rời giữa con người và thiên nhiên đòi hỏi chúng ta bên cạnh phát triển khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, cần phải chú trọng hơn nữa việc tôn trọng quy luật tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường” [8].
Ba là, quan điểm của chủ nghĩa Mác có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quản trị sinh thái tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Trong thời đại toàn cầu hóa, vấn đề sinh thái không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà là mối quan tâm chung của cả thế giới. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, con người là một phần không thể tách rời của tự nhiên; do đó, việc quản trị môi trường cần phải có sự phối hợp và chia sẻ trách nhiệm trên toàn cầu, trong đó Việt Nam cần tích cực tham gia. Dựa trên quan điểm này, Việt Nam có thể xây dựng cơ sở phương pháp luận khoa học cho quản trị môi trường quốc gia, gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong việc xây dựng và thực hiện các quy định và luật pháp về bảo vệ môi trường, đảm bảo rằng các hoạt động kinh tế và công nghiệp không gây tổn hại đến hệ sinh thái. Việt Nam cũng cần chú trọng đầu tư vào nghiên cứu khoa học và phát triển các giải pháp mới cho vấn đề sinh thái trong nước, kết hợp với ứng dụng thực tiễn quản lý và bảo vệ môi trường… Các biện pháp nêu trên được nhấn mạnh tại Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng: “Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm thiểu các tác động bất lợi từ quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng quốc tế thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu cơ bản và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về tài nguyên, môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” [5].
Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức sinh thái đóng vai trò quan trọng trong quản trị sinh thái ở Việt Nam bằng cách nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Qua đó, giúp xây dựng một tinh thần trách nhiệm đối với tự nhiên, khuyến khích các hành vi thân thiện với môi trường và giảm thiểu khai thác tài nguyên bừa bãi. Đồng thời, giáo dục đạo đức sinh thái còn kết nối các giá trị truyền thống với những giá trị hiện đại, giúp con người Việt Nam ứng xử hài hòa với thiên nhiên trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường [9]. Giáo dục đạo đức sinh thái ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và ứng xử hài hòa với thiên nhiên. Các chương trình giáo dục và chiến dịch tuyên truyền đã giúp tăng cường ý thức cộng đồng về vấn đề sinh thái, tạo ra nhiều phong trào như hạn chế sử dụng đồ nhựa, trồng cây xanh, và bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức sinh thái trong trường học và cộng đồng đã dần hình thành những giá trị sống thân thiện với môi trường cho thế hệ trẻ, hướng tới một xã hội có trách nhiệm hơn với môi trường sống. Kết quả này không chỉ tạo ra những thay đổi trong lối sống cá nhân mà còn góp phần thúc đẩy những chính sách quản lý môi trường hiệu quả và bền vững hơn.
4. Kết luận
Quan điểm của chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là một sự thống nhất biện chứng, phản ánh tính chất tự nhiên và xã hội của con người. Con người vừa là một phần của tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội có khả năng cải tạo tự nhiên thông qua lao động sáng tạo. Tuy nhiên, trong chủ nghĩa tư bản, lao động bị tha hóa đã dẫn đến sự mất cân bằng trong mối quan hệ này, khiến con người khai thác tự nhiên một cách thiếu kiểm soát, gây ra khủng hoảng sinh thái.
Theo C. Mác, để thiết lập lại mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên, cần giải phóng lao động khỏi sự tha hóa và xây dựng một xã hội mới, nơi khoa học và công nghệ được định hướng phục vụ cho sự phát triển bền vững. Khi con người làm chủ được lao động của mình và tôn trọng quy luật tự nhiên, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên sẽ được điều hòa, tạo tiền đề cho một xã hội phát triển bền vững.
Trong xã hội hiện đại, việc tôn trọng quy luật tự nhiên là điều kiện tiên quyết để bảo vệ môi trường và duy trì sự cân bằng với tự nhiên. Hiểu rõ mối quan hệ này giúp chúng ta nhận thức rằng con người và tự nhiên không chỉ thống nhất mà còn tác động qua lại liên tục trong suốt quá trình phát triển. Đây chính là cơ sở cho việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững, trong đó sự phát triển của con người phải đi đôi với việc bảo vệ tự nhiên. Quan điểm của chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của các vấn đề môi trường, mà còn đưa ra những định hướng cụ thể để giải quyết chúng, hướng tới một xã hội phát triển bền vững.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. C.Mác, Ph. Ăngghen (1995): Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. C.Mác, Ph. Ăngghen (1995): Toàn tập, tập 23, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3. C.Mác, Ph. Ăngghen (2000): Toàn tập, tập 42, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
4. C.Mác, Ph. Ăngghen (2004): Toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, truy cập tại: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/….
6. G. Delanty (2019): “The future of capitalism: Trends, scenarios and prospects for the future”, Journal of Classical Sociology, tập 19, số 1, 2019, tr. 10-26.
7. Haojie Liu (2023), “Analysis of Marx and Engels’ Views on Man and Nature”, Journal of Sociology and Ethnology, tập 5, 2023, tr. 115-120.
8. Nguyễn Phú Trọng (2021): “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 16/5/2021, truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/….
9. Phạm Thị Ngọc Trầm (2010): “Xây dựng đạo đức sinh thái – Một trách nhiệm xã hội của con người đối với tự nhiên”, truy cập tại: https://vanhoahoc.edu.vn/….
10. P. J. Hale (2003): “Labor and the Human Relationship with Nature: The Naturalization of Politics in the Work of Thomas Henry Huxley, Herbert George Wells, and William Morris”, Journal of the History of Biology, tập 36, số 2, 2003, tr. 249–284.