Mạnh Tử tên thật là Mạnh Kha, người đất Trâu (nay là huyện Trâu, Sơn Đông, Trung Quốc). Là hậu duệ của quý tộc Mạnh Tôn nước Lỗ. Thuở nhỏ mất cha, được mẹ là Chương thị dạy dỗ cẩn thận, từng theo học học trò của Tử Tư. Mạnh Tử rất tôn sùng Khổng Tử, coi việc bảo vệ, phát huy học thuyết của Khổng Tử là nhiệm vụ cả đời mình, thu nhận học trò, phát triển học phái Nho gia lớn mạnh. Từng cùng học trò mang học thuyết đi du thuyết với vua các nước Tề, Lương, Trâu, Đằng v.v., luôn luôn được trọng vọng và hậu đãi, hơn hẳn thời Khổng Tử: “xe theo sau 10 chiếc, người đi theo mấy trăm” (Mạnh Tử, “Đằng Văn Công hạ”). Thế nhưng, các nước chư hầu thời đó đa phần tin theo học thuyết của Pháp gia, Binh gia với đại diện là Thương Ưởng, Ngô Khởi, Tôn Tử v.v., chủ trương “hợp tung liên hoành”, “dĩ công phạt vi hiền” (coi tấn công mới là việc giỏi), trong khi chủ trương của Mạnh Tử lại theo Đức trị của thời Đường Ngu Tam đại, đến đâu cũng không hợp (Sử ký, “Mạnh Tử Tuân Khanh liệt truyện”), do vậy ông cả đời không được dùng, chỉ làm khách khanh “không giữ chức quan nào, không có chức trách phải nói năng gì” trong thời gian ngắn ở Tề (Mạnh Tử, “Công Tôn Sửu hạ”). Cuối đời “lui về cùng bọn Vạn Chương sắp xếp trật tự Thi Thư, thuật lại ý Trọng Ni, làm sách Mạnh Tử gồm bảy thiên” (Sử ký Tư Mã Thiên, “Mạnh Tử Tuân Khanh liệt truyện”).
Tư tưởng của Mạnh Tử lấy cơ sở là thuyết tính thiện, hạt nhân là thi hành nhân chính (chính trị của điều nhân), xây dựng một hệ thống tâm tính “trời người hợp nhất” khá đặc sắc. Thuyết tính thiện là sáng tạo to lớn của Mạnh Tử, ông cho rằng bản tính của con người là thiện, trong lòng con người đã có sẵn “tứ đoan” (bốn đầu mối) Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, nếu chú ý giữ gìn không đánh mất, đồng thời phát triển chúng lên thì có thể thành “tứ đức” hoàn thiện, nên “người ta ai cũng có thể trở thành Nghiêu Thuấn” (Mạnh Tử, “Cáo Tử hạ”). “Tứ đoan” còn gọi là “tứ tâm”: tâm trắc ẩn, tâm xấu hổ, tâm cung kính, tâm thị phi (phân biệt phải trái). Ông khẳng định, người ta nếu thiếu đi bốn thứ tâm này sẽ không phải là một con người theo đúng nghĩa, cho nên bốn tâm ấy là thứ căn bản để phân biệt con người với giống cầm thú (“nhân chi sở dĩ dị vu cầm thú”), cũng tức là đặc tính bản chất để xác định con người là người. Từ chỗ xuất phát này, ông đưa ra quan điểm “lương tri”, “lương năng” – không học mà biết, không cần nghĩ mà vẫn có thể làm.
Về mặt chính trị, ông đem quan niệm Nhân của Khổng Tử phát triển hệ thống thành học thuyết Nhân chính, cho rằng “Chính trị nhân đức, phải bắt đầu ở sự phân chia ruộng đất” (Mạnh Tử, “Đằng Văn Công thượng”), “có tài sản bền vững thì có cái tâm không thay đổi” (Mạnh Tử, “Đằng Văn Công thượng”). Chủ trương cho nhân dân một số lượng đất đai nhất định, thực thi tỉnh điền, “bớt hình phạt, nhẹ tô thuế”, khiến nhân dân không phải trải qua cuộc sống đói rét, rồi sau đó “cẩn trọng dạy trong trường học, mở rộng ra (xã hội) dạy dân hiếu đễ” (Mạnh Tử,“Lương Huệ Vương thượng”), thực thi việc giáo hóa dân chúng. Ông đả kích loại vua ác quan tham “hiếu sát”, đề xuất quan điểm dân bản “bảo dân nhi vương” (giữ được dân thì làm vua), “dân quý quân khinh” (quý trọng dân, vua đáng coi nhẹ) và “đắc đạo đa trợ, thất đạo quả trợ” (Làm theo đạo lý thì được trời trợ giúp nhiều, làm trái đạo lý thì trời ít trợ giúp). Ông phân biệt “vương đạo” và “bá đạo”, chống lại chiến tranh thôn tính và sử dụng bạo lực, chủ trương thi hành được nhân đức thì làm vua thiên hạ.
Ông còn từ tính tất yếu của việc phân công lao động xã hội mà chia ra quan điểm “người lao tâm quản lý người khác, người lao lực bị người khác quản lý” (Mạnh Tử,“Đằng Văn Công thượng”), luận chứng cho tính hợp lý của giai cấp thống trị.
Về thế giới quan, ông dựa trên quan niệm thiên mệnh của chủ nghĩa duy tâm, cho rằng “Việc mình không có ý làm, mà thành, đó là do ý trời vậy. Việc gì mình không mong cầu mà tự nhiên tới, đó là do mệnh trời vậy” (Mạnh Tử,“Vạn chương thượng”). Nhưng ông cũng đề cao tính năng động tự giác của chủ thể, chủ trương vâng mệnh trời, tận lực người, do vậy mà ông đã làm rõ thêm cho thuyết “thiên nhân hợp nhất” thống nhất giữa nhận thức luận và luân lý học, cho rằng “tận tâm mình, biết tính mình, biết tính mình, sẽ biết trời. Tồn tâm mình, dưỡng tính mình là để thờ trời vậy” (Mạnh Tử,“Tận tâm thượng”). Coi việc biết trời, thờ trời là nghĩa vụ con người cần phải hết lòng với trời, hơn nữa còn là quá trình mở rộng bản thân, phát huy tính thiện cho mình. Ông còn cho rằng “Bất luận là tuổi thọ dài hay ngắn đều không thay đổi thái độ, chỉ tu tâm dưỡng tính chờ đợi vào mệnh trời, đấy chính là cách để xác lập vận mệnh” (Mạnh Tử, “Tận tâm thượng”), chủ trương “cầu tại ngã giả” (trông vào mình), có nghĩa là nỗ lực nâng cao phẩm chất đạo đức bản thân, chứ không cần “cầu tại ngoại giả” (trông đợi bên ngoài), nghĩa là không nên tính toán nhiều về phú quý bần tiện. Ông xuất phát từ quan niệm tâm tính con người vốn là một thể với trời, đề xướng mệnh đề nổi tiếng “vạn vật giai bị vu ngã” (vạn vật có đủ trong ta), cho rằng “quay về thành thực với chính mình, chẳng gì vui bằng, gắng gỏi làm theo điều thứ, cầu điều Nhân chẳng gì gần bằng” (Mạnh Tử, “Tận tâm thượng”). Coi việc quay về với chính mình “phản cầu chư kỷ” là phương pháp tốt nhất để đạt tới Nhân.
Về nhân sinh quan, ông chủ trương tích cực tiến thủ, phấn đấu nỗ lực, phân biệt rõ nghĩa lợi, trọng tiết tháo, làm bậc “đại trượng phu” “phú quý bất năng dâm, bần tiền bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Mạnh Tử, “Đằng Văn Công hạ”), bồi dưỡng “khí hạo nhiên” đầy ắp trong vũ trụ (Mạnh Tử, “Công Tôn Sửu thượng”).
Tư tưởng Mạnh Tử được xem là chân truyền của tư tưởng Khổng Tử, luôn được tôn sùng trong lịch sử. Mạnh Tử được tầng lớp thống trị phong kiến tôn làm “Á thánh”.
Tài liệu tham khảo
- Đoàn Trung Còn, Tứ thơ Mạnh Tử, quyển thượng, Nxb. Trí Đức Tòng Thơ, Sài Gòn, 1950.
- Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc, tập 1: Thời đại Tử học, Nxb. Khoa học xã hội, 2013.
- Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1996.
- Tư Mã Thiên, Sử ký, Phạm Văn Ánh dịch, Nxb. Văn học, 2019.
- Lý Minh Tuấn, Tứ thư bình giải, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010.