Lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan là một trong những lễ trọng của Phật giáo Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Việt Nam nói chung và của Phật tử Việt Nam nói riêng.Ngày lễ Vu Lan được xem là ngày Cha Mẹ. Phật tử đọc kinh Báo Ân cha mẹ, nghe sư tăng bề trên thuyết giảng về hiếu hạnh, bổn phận của con cái, cầu chúc cho ông bà, cha mẹ được bình an. Mùa Vu Lan trở thành mùa Báo Hiếu của con cái đối với cha mẹ. Lễ Vu Lan – Báo hiếu góp phần khẳng định giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc: Đạo Hiếu, Đạo làm Người.

1. Khái lược Lễ Vu Lan của Đạo Phật

Vu Lan theo chữ Pali là Uilambana, nghĩa tiếng Việt là “Cứu đáo huyền” (cứu nạn treo ngược). Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ chuyện ngài Mục Kiền Liên, một đại đệ tử của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đã nhờ tăng đoàn hợp lực cứu Mẹ nơi hỏa ngục. Theo đó, Bà Thanh Đề, mẹ của Mục Kiền Liên khi sống đã phạm nhiều tội ác, bị quỉ dữ buộc hai ngón chân, treo ngược, trở thành ma đói, ma khát. Khi Mục Kiền Liên, người con hiếu thảo, nhờ tu tập đã chứng quả A La Hán và có phép thần thông, biết mẹ mình bị đày đọa, đói khát, ông xuống cõi quỉ để cứu mẹ. Thấy mẹ đói khát, ông dâng bát cơm cho mẹ ăn thì cơm hóa thành lửa đỏ. Thương mẹ, Mục Kiền Liên trở về hỏi Phật cách cứu mẹ. Phật dạy rằng: “Này Mục Kiền Liên, mẹ của ông do lòng tham lam độc ác đã tạo ra lỗi nặng trong nhiều kiếp, nay sinh trong ác đạo làm loại ngạ quỉ, nên không thể một mình ông cứu độ được. Dẫu lòng hiếu thảo của ông là vô cùng lớn lao cũng không sao chuyển được hoàn cảnh, chẳng khác gì chiếc thuyền con, không thể chở được tảng đá lớn. Vậy ông phải nhờ oai thần của chư tăng trong mười phương, “thập phương chứng hội “đức lớn như biển, mới cứu độ mẹ ông được giải thoát”[4, tr.72].

 Nghe lời Phật dạy, nhằm ngày rằm tháng Bảy âm lịch, Mục Kiền Liên sắm đủ lễ, rước chư tăng đến cúng dường, cứu được thân mẫu Ngài thoát khỏi kiếp ngạ quỉ, vãng sinh về cảnh giới của chư thiên. “Này Mục Kiền Liên, đời sau, nếu có ai vì lòng hiếu thảo muốn đền đáp công ơn cha mẹ hiện tại hay quá khứ, thì cứ ngày rằm tháng Bảy làm lễ Vu Lan cúng dường chư tăng. Nhờ công đức của chư tăng chú nguyện, cha mẹ hiện tại được tăng phúc thọ, khỏi những điều tai họa khổ não, còn cha mẹ bảy đời trước thì khỏi bị khổ ngạ quỷ, được sinh trong cõi Nhân hay Thiên, hưởng phúc vui vẻ không cùng”. Từ đó, cứ vào ngày rằm tháng Bảy, tại các cơ sở thờ tự, Phật tử Việt Nam lại long trọng tổ chức lễ Vu Lan Báo Hiếu. 

Phật tử, trước khi xuất gia tu hành đều là con của cha mẹ, chịu ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Tri ân, báo hiếu cha mẹ là lẽ đương nhiên. Thực hiện tri ân, báo hiếu là xây dựng nền tảng đạo đức Phật giáo. Báo hiếu cha mẹ cũng là bước đầu tiến tới sự giải thoát khỏi khổ đau của Phật tử trên con đường tu tập.

2. Ý nghĩa của lễ Vu lan với việc thực hiện Đạo Hiếu của Phật tử Việt Nam hiện nay

Đạo hiếu của Phật tử trong lễ Vu Lan được biểu hiện trước hết trong “tâm hiếu”. Tâm hiếu là hiếu từ tâm. Phật tử có được cuộc sống trên cõi đời này là do công sinh thành của cha mẹ. Tuy nhiên, “Hiếu đạo không phải là một đặc thù của người Phật tử mà là một nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả mọi người. Từ các đấng thánh nhân cao cả đến một người bình thường không ai là không có cha mẹ sinh ra. Chính cha mẹ tạo nên hình hài của mỗi chúng ta. Nếu không có công ơn biển cả của hai đấng sinh thành thì sao chúng ta có mặt trên cõi đời này. Cha mẹ không chỉ hy sinh một phần máu thịt cho con mà còn tốn biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt để nuôi nấng, mất bao nhiêu thì giờ và sức lực để nuôi nấng con nên người hữu ích cho xã hội. Sự hy sinh của cha mẹ là sự hy sinh không giới hạn và vô vị lợi, và hoàn toàn quên mình. Tình thương của cha mẹ dành cho con là tình thương thiêng liêng không có bất cứ một tình cảm nào trên cõi đời có thể so sánh được” [1, tr.96]. Phật tử ý thức được rằng, người làm con phải luôn nhớ giữ gìn hiếu hạnh, lấy chữ hiếu làm đầu, phải cung kính báo đền ơn sâu, phụng dưỡng, thờ kính cha mẹ mình và phụng dưỡng kính thờ cha mẹ người khác cũng là phụng dưỡng, thờ kính Phật. Con cái phải làm tròn Đạo Hiếu, báo ơn cha mẹ vì:

– Công sinh thành của cha mẹ

Kinh Báo Ân Cha Mẹ nói rõ công lao sinh thành, nuôi dưỡng khó khăn, và theo đó dạy cách con cái báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ. Mẹ đã khổ cực khi mang nặng, đẻ đau. Cha mẹ dồn hết tâm sức để sinh dưỡng lúc con còn trứng nước. Những gì tốt nhất có thể, cha mẹ đều dành cho con. Phật dạy: “Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn đệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có đi tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục, chăm sóc làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả” [4, tr. 74 -75].

“Cha mẹ sanh ta, mang thai mười tháng, khổ sở rất nhiều, công ơn chan chứa, nặng như núi Thái, đi lại khó nhọc, ngồi đứng không yên, tánh mạng bấp bênh, như đèn trước gió. Ăn uống không ngon, như người đau nặng, thân hình gầy yếu, tinh thần bải hoải. Đến ngày mãn nguyệt, khổ không thể nói, chẳng kể đến mình, mệt nhọc bao nhiêu, chỉ mong cho con sinh được vuông tròn. Bởi thế cho nên, ngày nay chúng ta phải nghĩ đến công đức sâu dày của cha mẹ mà lo báo ân” (Sám Pháp Mục-Liên, 135 – 136).

“Này bà-la-môn, thế nào là lữa đáng cung kính? Cha mẹ là lữa đáng cung kính, vì từ cha mẹ, chúng ta được tạo nên. Do đó cha mẹ là lữa đáng cung kính, tôn trọng và cúng dường” (Kinh Tăng Chi III. 31). Con cái phái hiếu kính với cha mẹ vì công nuôi nấng, dưỡng dục của cha mẹ là vô cùng to lớn.

Kinh Phật dạy, cha mẹ không chỉ có công sinh thành mà còn phải vất vả nuôi nấng, dưỡng dục con, lo cho ăn học, lập gia thất, lo thuốc thang khi con đau ốm.

“Cha mẹ dạy điều lễ nghĩa, cho con ăn học, giới thiệu nghề nghiệp, đưa đón đi về, cần lao chăm chút, chẳng hề kể công. Trái trời lỡ nắng, tuần trăng cuối gió, bệnh nọ chứng kia, chạy thầy lo thuốc, một mình lo lắng, chạy ngược chạy xuôi, năm canh vò võ, khi bệnh con khỏi, lòng mẹ mới yên, mong con khôn lớn, con thảo con hiền” (Kinh Báo Trọng Ân Cha Mẹ, 21-22).

“Cha mẹ là đấng đáng được cúng dường. Vì cha mẹ đã giúp đỡ con cái rất nhiều: nuôi chúng lớn, dưỡng dục nên người và giới thiệu chúng vào đời” (Kinh Tăng Chi I, 147). Trong Trường Bộ Kinh – IV, Phật dạy rằng: “Đạo làm con phải thực hiện 5 bổn phận:

– Luôn cung kính và vâng lời

 – Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu

– Gìn giữ thanh danh và truyền thống gia đình

– Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại

– Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời

Người con hiếu thảo là người luôn tỏ lòng biết ơn và cố gắng đề đáp lại công ơn trời biển của cha mẹ. Biết ơn và đền ơn đúng pháp là bậc chân nhân, thiện nhân. Làm con mà không biết ơn cha mẹ hoặc biết ơn mà không lo đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ là người con bất hiếu. Người như vậy sẽ bị xã hội lên án, đời sống đạo đức sẽ bị suy giảm, và đời sống về sau sẽ bị đau khổ.

 “Ai thành tựu thân làm ác với cha mẹ, lời nói ác đối với cha mẹ, ý nghĩ ác đối với cha mẹ; không biết ơn, không trả ơn, sẽ tương xứng rơi vào địa ngục và hiện đời sẽ bị đau khổ” (Kinh Tăng Chi I. 637). “Phúc thay những người con hiếu kính cha mẹ, làm nhiều công đức để hiếu kính cha mẹ, vì như vậy thiên chúng sẽ được sung mãn và các A-tu-la sẽ bị giảm thiểu” (Kinh Tăng Chi I. 459– 460). Trong kinh Tương Ưng I. 8, Phật cho rằng, người con hiếu thuận là là quí nhất:

Trong các loài con cái

Hiếu thuận là tối thắng.

Việc hiếu kính cha mẹ hạnh phúc tốt lành nhất trong các hạnh phúc của con người:

“Sự phụng dưỡng mẹ cha

Là hạnh phúc lớn nhất”

Hình ảnh hiếu dưỡng cha mẹ đúng pháp không chỉ được gọi là bậc chân nhân, bậc thiện nhân, bậc cao quý, mà còn được ví ngang hàng với Phạm thiên, với các bậc tiên sư. Những gia đình có được những người con hiếu thảo như vậy được gọi là gia đình xứng đáng được cúng dường và tán thán:

“Này các Tỳ-kheo, những gia đình nào mà con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được xem là ngang hàng với Phạm thiên, với các bậc tiên sư và đáng được cúng dường” [2, tr.147].

Vì sao con cái kính lễ cha mẹ lại được sánh ngang với Phạm thiên? Vì theo lời Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, danh từ Phạm thiên, tiên sư, bậc đáng được cúng dường là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cha mẹ đã đầu tư hầu hết cuộc đời của mình vào công trình nuôi dưỡng, giáo dục và giới thiệu con cái vào đời” [2, tr.124].

“Về quả phúc mà người con nhận được do lòng hiếu thảo thật lớn lao. Người con có hiếu dù gặp nạn hồng thủy, địa chấn sẽ được thoát hiểm một cách an toàn. Nếu giàu thì trọn hưởng gia tài, không bị nghịch cảnh, chướng duyên và nội nghịch ngoại thù. Nếu nghèo thì đời sống trong sạch, thanh nhàn, trời người yêu mến, danh thơm xông khắp, không bị nợ nần, khổ sở, ít bệnh tật, được tăng trưởng tuổi thọ. Trong hiện tại thường được các bậc hiền trí ngợi khen, kết giao thân thiện, sau khi chết được về cõi trời” [5, tr.78].

Như vậy, mỗi con người sinh ra và có mặt trên cõi đời này đều có nguồn gốc sinh thành từ cha mẹ. Biết ơn, hiếu kính với cha mẹ là điều quan trọng và thiêng liêng đầu tiên mà Phật hướng tới cho con người.

Đạo Phật, ngoài dạy bảo con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ còn chú ý tới ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).

Ơn Phật vì Phật chỉ cho chúng sinh thấy được bản chất, nguyên nhân của sự khổ, mục đích và con đường trung đạo để giải thoát khỏi nỗi khổ trong cuộc sống hiện tại, tiến tới cảnh giới Niết Bàn, nơi tuyệt đối hạnh phúc.

Phật tử hiểu lời Phật dạy về giáo lý, giáo luật song không có phương pháp tu tập đúng thì vẫn mãi trong luân hồi, sinh tử, không thoát ra khỏi nỗi khổ hiện tại. Phương pháp tu tập đúng là thực hành Bát chính đạo, giữ giới, thực hiện pháp tu lục độ, lục hòa,…sẽ đạt tới sự giác ngộ, giải thoát. Do vậy, Phật tử phải biết ơn Phật Pháp.

Để hiểu và thực hiện đúng Phật Pháp, Phật tử cần phải có sự dạy bảo, hướng dẫn của của Giáo hội và của sư tăng bề trên. Không có tăng đoàn, Giáo hội và tăng sư bề trên, phật tử không có ai dạy bảo, hướng dẫn để thấu hiểu Tam tạng kinh điển và thực hành phép tu để đi tới sự giác ngộ, giải thoát. Phật tử phải biết ơn công lao của các vị cao tăng có công truyền bá đạo pháp là sư phụ, sư Tổ, La Hán, Bồ Tát và cao nhất là Phật.

Lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng bảy là ngày lễ trọng của Phật giáo. Tấm gương hiếu đạo của Mục Kiền Liên từ lâu đã thẩm thấu trong đời sống tinh thần của Phật tử Việt Nam. Tháng Bảy về báo hiệu mùa sương giá sắp đến. Mưa sụt sùi, trời âm ukhiến lòng người man mác buồn. Người buồn vì xa quê hương, lòng nhớ về cha mẹ,người buồn vì thấy ân hận về lỗi lầm làm cho cha mẹ khổ đau, buồn vì chưa đền đáp được phần nào công ơn trời biển của cha mẹ. Đã trở thành lệ và cũng là nét đẹp trong đời sống của Phật tử, cứ vào mùa tháng Bảy, tất cả những người con còn hay không còn cha mẹ đều hướng về cội nguồn,luôn tâm niệm rằng mãi mãi biết ơn cha mẹ.

Ngày “Rằm tháng bảy”cũng là “xá tội vong nhân”, ngày hội của những oan hồn, không người thờ cúng,trở thành ma đói, ma khát. “Vu lan thắng hội” cũng là ngày hội “giải đảo huyền”, ngày giải tỏa những oan khiên treo ngược tội nhân trên rừng đao, biển lửa nơi địa ngục. Hơn nữa, ngày lễ Vu Lan còn là ngày muời phương chư Phật đều nở nụ cười hoan hỷ, vì người ta biết tha thứ, cởi bỏ hết những hận thù để sống hòa hợp, an vui.

Học theo lời dạy của Phật, Phật tử Việt Nam sống trong cộng đồng Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần Từ, Bi, Hỉ, Xả, sống đúng với ý nghĩa ngày Vu Lan – Báo Hiếu. Phật tử đều hiểu rằng, vạn pháp vô thường, con người là một pháp đặc biệt được tạo thành bởi ngũ uẩn. Ngũ uẩn cũng vô thường. Không có át man (tiểu ngã). Theo quy luật sinh – trụ – dị – diệt, người sinh ra rồi cũng đến ngày già, bệnh, rồi chết đi. Vậy phải theo Tứ vô lượng tâm, phải thực hiện hiếu đạo với cha mẹ mình, cha mẹ người và với Tam Bảo.

Như vậy, để sống đúng với tinh thần ý nghĩa mùa Vu lan – Báo hiếu, mùa của lòng hoan hỷ, bao dung và tha thứ lẫn nhau, đồng thời cùng góp phần làm tô điểm hơn ý nghĩa cao đẹp đó, Phật tử biết hiếu nghĩa hãy thực hiện Đạo Từ bi, thương yêu tất cả muôn người, thể hiện tâm hoan hỷ, thực hiện Tứ trọng ân: ân cha mẹ; ân quốc gia – dân tộc; ân đồng bào, nhân loại; ân Tam Bảo.

Trong ngày lễ Vu Lan, Phật tử biết sống với tinh thần hoan hỷ, bao dung và tha thứ. Ngày Lễ Vu Lan, vì thế cũng là ngày chuyển oan khiên thành ân nghĩa. Ngày Lễ Vu lan nhắc nhở Phật tử trong cuộc sống hằng ngày, ngoài việc tu tập cho bản thân, phải luôn biết tri ân và báo ân, làm tròn bổn phận của mình đối với cha mẹ và tổ chức Giáo hội. Không nhất thiết phải sắm sửa nhiều lễ vật trong mùa Vu Lan báo hiếu thể hiện lòng tri ân. Thay vào đó, Phật tử chỉ cần “tâm hiếu”, lòng thành, gieo hạt giống trí tuệ và từ bi, để tinh tiến, hoằng pháp thành công, để chẳng những “tự độ, độ tha” mà còn “tự giác, giác tha”.

Đó là cách gieo nhân lành trong cuộc đời của mỗi Phật tử, hướng Phật tử trở về chính pháp, giúp nhau tu học theo giáo lý của Đức Như Lai để tạo nhân lành trong hiện tại, tránh xa nghiệp ác trong tương lai.

Ngày lễ Vu Lan được xem là ngày Cha Mẹ. Phật tử ai may mắn còn cha mẹ được hân hạnh cài lên áo bông hồng đỏ. Còn ai đó không còn cha mẹ để có cơ phụng dưỡng thì cài bông hồng trắng tưởng nhớ, biết ơn. Phật tử đọc kinh Phật, nghe sư tăng bề trên thuyết giảng về hiếu hạnh, bổn phận của con cái, cầu chúc cho ông bà, cha mẹ được bình an. Mùa Vu Lan trở thành mùa Báo Hiếu của con cái đối với cha mẹ.

Phật dạy cách tu, cách hoằng pháp: “Tùy thời tùy quốc độ”, tùy căn cơ nghiệp chướng của chúng sinh mà truyền đạo từ bi. Để truyền đạo chẳng cần phải nhiều ngôn ngữ, văn tự làm gì, chỉ “Dĩ tâm truyền tâm, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật”.

Như vậy, Lễ Vu Lan –Báo Hiếu của Phật giáo hiếu hạnh trong khắp chúng sinh, công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục là thiêng liêng nhất không gì so sánh được, và đạo làm con phải thực hiện tròn bổn phận của mình.

Phật tử nói riêng và người Việt Nam nói chung có được cuộc sống bình yên, tươi đẹp hôm nay là nhờ công ơn của tiền nhân, của của cha mẹ, tiên tổ, của những anh hùng, liệt sĩ, của thương binh, bệnh binh, của những gia đình có công với nước.  

3. Kết luận

Đạo Phật là Đạo Từ bi, dạy chúng sinh lòng từ bi, bác ái, bình đẳng. Lễ Vu Lan của Đạo Phật góp phần lan tỏa đạo đức hướng thiện cho không chỉ cho riêng giới xuất gia tu hành mà còn cho mọi tầng lớp người trong xã hội. Lễ Vu Lan là sự biểu hiện tập trung nhất của Đạo Hiếu, một trong những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của xã hội hiện nay. Lễ Vu Lan Báo hiếu là ngày hội về Đạo hiếu không riêng Phật tử mà còn là ngày hội về Đạo Hiếu của dân tộc Việt Nam.

Đạo Hiếu thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam. Sự đồng điệu giữa ý thức về cội nguồn và quan niệm về đạo Hiếu trong trong lễ Vu Lan và trong giáo lý Phật giáo đã tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc trong văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam. Người Phật tử chân chính luôn thực hiện đạo Hiếu, coi đó là chân giá trị của đạo đức truyền thống Việt Nam, cũng là giá trị văn hóa đạo đức Phật giáo. Phật tử luôn nhớ và thực hiện lời Phật dạy: “có hai người không thể trả ơn hết được đó là cha và mẹ”. Bổn phận phụng sự cha mẹ, phụng sự Phật pháp, phụng sự dân tộc và Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi Phật tử hôm nay.

Đạo Hiếu trong Lễ Vu Lan có tác dụng điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức cho con người, nâng đỡ, khơi dậy tình thương yêu, đức vị tha, làm điều thiện, trách điều ác… Đạo Hiếu trong lễ Vu Lan của Phật giáo không có ý nghĩa trong đời sống tu hành của Phật tử với Phật tử mà còn có ý nghĩa to lớn đối với mọi thành viên trong cộng đồng gia đình, xã hội, góp phần hoàn thiện đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội trong bối cảnh hiện nay./.

PGS.TS. Trần Đăng Sinh – TS. Nguyễn Thu Thủy

BÀI LIÊN QUAN