KHỔNG TỬ

TS. Trần Thị Thúy Ngọc

Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

KHỔNG TỬ (孔子, 551-479 TCN, tên Khâu, tự Trọng Ni. Người ấp Trâu nước Lỗ, nay là Khúc Phụ, Sơn Đông), nhà tư tưởng lỗi lạc thời Xuân Thu, người sáng lập học phái Nho gia.

Tổ tiên của Khổng tử là quý tộc nước Tống, do biến loạn mà chạy sang nước Lỗ. Cha là Lương Ngột từng giữ chức quan nhỏ tại ấp Trâu. Khổng tử từng làm các chức quan nhỏ Tư nghi (trông coi lễ nghi), Úy lại (quản lý kho lương), Thừa điền (quản lý gia súc) cho nước Lỗ. Thời Lỗ Định Công từng giữ chức Trung đô tể (quan nắm quyền cai quản kinh đô nước Lỗ), Tư không, Tư mã khấu (trông coi tư pháp). Do bất mãn với Quý Hoàn Tử nắm quyền ở Lỗ mà không lâu sau ông từ chức, chu du các nước Vệ, Tống, Trần, Sái, Sở, nhưng đều không được các nước thời đó sử dụng. Một thời gian dài nhận học trò dạy học, mở ra phong khí học tập tư nhân ngoài quan học. Tương truyền học trò có 3000 người, thông thạo Lục nghệ có 72 người. Cuối đời, Khổng tử quay về nước Lỗ tập trung vào chỉnh lý điển tịch văn hóa. Các chuyên gia văn học cổ nhận định Khổng tử từng san định Thi, Thư, Lễ, Nhạc, tập hợp sách Chu Dịch, sửa Xuân Thu. Do thích đọc Dịch, mà ba lần làm đứt gáy sách (vĩ biên tam tuyệt). Những ghi chép này chưa chắc đáng tin cậy hết, nhưng những đóng góp của Khổng tử cho biên định chỉnh lý điển tịch cổ đại là không thể nghi ngờ. Sau khi Khổng tử mất, hình thành nên học phái Nho gia, có ảnh hưởng to lớn tới hậu thế. 

Học thuyết của Khổng tử có hai khái niệm cơ bản, một là “Nhân”, hai là “Lễ”. Nhân là “yêu người (Luận ngữ, “Nhan Uyên”), “Nhân giả nhân giã” (Nhân là bản chất người vậy) (Lễ ký, “Trung dung”). Coi Nhân là bản chất con người, đồng thời cũng là chuẩn tắc để xử lý mối quan hệ giữa người với người: “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (Điều gì mình muốn, hãy làm cho người khác; điều gì mình muốn đạt tới thì hãy thành tựu cho người khác” (Luận ngữ,“Ung dã”), “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người khác) (Luận ngữ, “Nhan Uyên). Đây là đạo “trung thứ” “suy kỷ cập nhân” (suy từ mình ra người). Quan niệm “Nhân” mà Khổng tử khởi xướng làm nổi bật tính chủ thể và tính tự giác của con người, có ảnh hưởng tích cực và lâu dài trong lịch sử triết học Trung Quốc. Trong góc độ là phẩm chất đạo đức con người, nội dung của Nhân rất rộng, “cương, nghị, mộc, nột cận Nhân” (Cương cường, quả cảm, chất phác, ăn nói chậm chạp thì gần với đức nhân) (Luận ngữ,“Tử Lộ”), “cung, khoan, tín, mẫn, huệ” (Cung kính, khoan hậu, thành tín, cần cù, từ huệ) cũng nằm trong phạm vi của Nhân. 

Mục đích Khổng tử đề xướng “Nhân” là để duy trì và bảo vệ “Lễ”. Lễ là chế độ đẳng cấp tông pháp và quy phạm luân lý, nó giúp cố định mối quan hệ vua tôi, cha con, tôn ti, quý tiện. “Khắc kỷ phục Lễ vi Nhân” (khắc chế bản thân, quay về Lễ là Nhân), “phi Lễ vật thị, phi Lễ vật thính, phi Lễ vật ngôn, phi Lễ vật động” (không phải Lễ thì không nhìn, không nghe, không nói, không hành động) (Luận ngữ,“Nhan Uyên”). Tất cả hoạt động của mọi giác quan hợp với Lễ, mới được coi là có Nhân. Nhân chính là nội tâm tự giác tuân thủ theo Lễ: “nhân nhi bất Nhân, như Lễ hà?” (kẻ mà chẳng có điều Nhân, thì có Lễ làm sao được?) (Luận ngữ,“Bát dật). Quan điểm này thể hiện khuynh hưởng bảo thủ của Nhân. 

Để bảo vệ cho Lễ, Khổng tử còn đề xướng chủ trương “Chính danh”, muốn dùng danh phận cũ của chế độ đẳng cấp tông pháp để sửa chữa lại hiện thực đã thay đổi, cải biến hiện trạng hỗn loạn “quân bất quân, thần bất thần, phụ bất phụ, tử bất tử” (vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con) (Luận ngữ,“Nhan Uyên”). Ông cũng đề xướng quan niệm “trung dung”, cho rằng “quá do bất cập” (thái quá cũng như bất cập) (Luận ngữ,“Tiên tiến”), chủ trương không thái quá cũng không bất cập. Dưới góc độ phương pháp, “trung dung” có yếu tố hợp lý. Nhưng “trung dung” cũng lấy Lễ làm thước đo, “Lễ hồ Lễ hồ, phù Lễ sở dĩ chế trung dã” (Lễ ư Lễ ư, Lễ là để chế định trung vậy) (Lễ ký, “Trọng Ni yến cư”), vì vậy vẫn có tính hạn chế. 

Về chính trị, Khổng tử chủ trương đức trị, giáo hóa, nhấn mạnh “Đạo chi dĩ Đức, tề chi dĩ Lễ” (dẫn dắt dân chúng bằng đức, làm dân chúng ngay ngắn bằng lễ) (Luận ngữ,“Vi chính”), “khoan tắc đắc chúng, huệ tắc túc dĩ sử nhân” (rộng rãi sẽ được lòng người, ban ơn huệ sẽ đủ để sai khiến người) (Luận ngữ,“Dương hóa”), phản đối việc dùng hình phạt chém giết bừa bãi. 

Về thái độ với lịch sử văn hóa, ông tự nhận “thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ” (chỉ thuật lại chứ không chế tác mới, tin và ưa thích cái xưa” (Luận ngữ,“Thuật nhi”), nhưng không phải là người quá nệ cổ. Cho rằng “Ân nhân vu Hạ lễ, sở tổn ích khả tri dã, Chu ân vu Ân lễ, sở tổn ích khả tri dã. Kỳ hoặc kế Chu giả, tuy bách thế khả tri dã” (Lễ nhà Ân bắt nguồn từ nhà Hạ, sự thêm bớt có thể biết được, Lễ nhà Chu từ lễ nhà Ân, sự thêm bớt có thể biết được. Nên lễ của nhà nào kế tục nhà Chu, dù 100 năm nữa vẫn có thể biết được vậy) (Luận ngữ,“Vi chính”). Đời sau luôn có thêm bớt so với đời trước, đối với Chu lễ cũng sẽ như vậy. 

Về tư tưởng giáo dục, chủ trương “hữu giáo vô loại” (giáo dục không phân chia địa vị) (Luận ngữ,“Vệ Linh Công”), “tự hành thúc tu dĩ thượng” (tự mình dâng lên một bó nem tới thầy) (Luận ngữ,“Thuật nhi”) thì đều có thể dạy họ tri thức, phá vỡ giới hạn đẳng cấp, mở rộng phạm vi của giáo dục. Nhưng ông cũng căn cứ vào thiên phú mà chia người ra làm bốn kiểu: trên hết là người sinh ra đã biết, sau đó là người học rồi mà biết, sau nữa là người khốn khổ mà học, thấp kém nhất là người khốn khổ mà chẳng học (“Sinh nhi tri chi giả, thượng dã; học nhi tri chi giả, thứ dã; khốn nhi học chi, hựu kỳ thứ dã; khốn nhi bất học, dân tư vi hạ hỹ”). Vậy thì đối tượng của giáo dục sẽ chỉ gói trong kiểu người thứ hai “học nhi tri chi giả”. Về phương pháp giáo dục, ông đưa ra “nhân tài thi giáo” (theo phẩm chất học trò mà dạy bảo), dẫn dắt gợi ý: “bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát, cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã” (chưa uất ức vì chưa hiểu được thì ta không gợi mở cho. Kẻ nào không hậm hực vì chưa thể nói ra được thì ta chẳng hướng dẫn cho nói. Kẻ đã được ta chỉ cho một góc (vuông) mà chẳng biết tự xét ba góc kia thì ta chẳng dạy nó nữa) (Luận ngữ,“Thuật nhi”). Khổng tử nhấn mạnh tới công phu “học nhi thời tập chi” (luyện tập/ôn tập ngay những điều được học) (Luận ngữ,“Học nhi”), “ôn cố nhi tri tân’ (học cái cũ biết cái mới) (Luận ngữ,“Vi chính”). Đồng thời “học” phải đi đôi với “suy nghĩ”, “học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” (học mà không suy tư thì sai lầm, suy tư mà không học thì nguy hiểm) (Luận ngữ,“Vi chính”). 

Ông cũng yêu cầu người học phải có thái độ học tập thành thực: “đa văn khuyết nghi, thận ngôn kỳ dư, tắc quả vưu, đa kiến quyết đãi, thận hành kỳ dư, tắc quả hối” (nghe nhiều, điều gì còn nghi thì để đó, những điều còn lại thì khi nói phải thận trọng, như vậy sẽ ít lỗi. Thấy nhiều, điều gì chưa yên lòng thì khi làm phải thận trọng, như vậy ít phải ăn năn) (Luận ngữ,“Vi chính”), “tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (biết thì bảo là biết, không biết thì nói là không biết, mới là hiểu biết vậy) (Luận ngữ,“Vi chính”). Và phản đối chủ quan cố chấp, “Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã” (Khổng tử bỏ hẳn bốn thứ: không có ý riêng, không khăng khăng, không cố chấp, không hiếu thắng) (Luận ngữ,“Tử Hãn”). Đối với người thì “hối nhân bất quyện” (dạy không biết mệt), với mình thì “học nhi bất yếm” (học không biết chán) (Luận ngữ,“Thuật nhi”). Tư tưởng giáo dục của Khổng tử chiếm một vai trò trọng yếu trong lịch sử giáo dục Trung Quốc và thế giới.

Về vũ trụ luận, ông tin rằng có ông trời có ý chí, “hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã” (mắc tội với trời thì không có chỗ nào cầu xin được) (Luận ngữ,“Bát dật”). “Thiên sinh đức ư dư, Hoàn Đồi kỳ như dư hà?” (Trời sinh đức nơi ta, Hoàn Đồi làm gì được ta?) (“Thuật nhi”), nhưng đa phần những thừa nhận này của ông về trời dùng để an ủi về mặt tinh thần hơn là có tính luận chứng siêu hình học. Ông đề cao “úy thiên mệnh” (sợ mệnh trời) (Luận ngữ,“Quý thị”), nhưng cũng nhấn mạnh “tri mệnh” (biết mệnh), “bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử” (không biết mệnh, không thể là quân tử được) (Luận ngữ,“Nghiêu viết”). Nhưng “mệnh” của Khổng tử không hoàn toàn theo nghĩa định mệnh, mà chỉ mang nghĩa một số hoạt động của con người không thể vượt qua được tính tất nhiên. Cho nên ông đồng thời cũng coi trọng hành vi con người: “Nhân viễn hồ tai? Ngô dục Nhân, kỳ Nhân chí hĩ” (Điều Nhân xa xôi lắm chăng? Ta muốn thực hiện điều Nhân, thì Nhân liền tới vậy!) (Luận ngữ,“Thuật nhi”). “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân” (Kẻ sĩ có chí, người có Nhân, không ai hại điều Nhân để cầu mạng sống, mà có người hi sinh mạng sống để thành tựu điều Nhân vậy) (Luận ngữ,“Vệ Linh Công”).

Về nhân sinh quan, ông lựa chọn thái độ tích cực. Tử Lộ hỏi về quỷ thần, ông trả lời: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ?” (Thờ người còn chưa xong, sao thờ quỷ thần được), hỏi về cái chết, ông nói: “Vị tri sinh, yên tri tử” (sống còn chưa biết hết, biết sao được chết?) (Luận ngữ,“Tiên tiến”). Nhưng đồng thời, vẫn coi trọng tế tự, “Tế như tại, tế thần như thần tại” (Cúng như người được cúng đang hiện hữu, tế thần như đang có thần ở đó) (Luận ngữ,“Bát dật”). Có điều, ông chủ trương “kính quỷ thần nhi viễn chi” (kính trọng quỷ thần nhưng phải giữ khoảng cách) (Luận ngữ,“Ung dã”). 

Khổng tử và tư tưởng của Khổng tử sinh thời không được coi trọng. Nhưng tới thời Chiến Quốc, Nho học trở thành một trong những học phái được trọng vọng (hiển học). Từ thời Hán về sau, tư tưởng của Khổng tử liên tục được bổ sung và sửa đổi, trở thành tư tưởng thống trị trong xã hội phong kiến Trung Quốc, ảnh hưởng rất sâu đậm. Khổng tử thời Xuân Thu và nhân vật Khổng tử về sau được các nhà tư tưởng và những kẻ thống trị kế thừa, phê phán, lợi dụng hoặc núp bóng có nhiều sự khác biệt. Ông được hậu thế tôn thành “chí thánh tiên sư” (vị thầy đầu tiên có tư cách thánh nhân), “vạn thế sư biểu” (người thầy tiêu biểu của muôn đời), “tố vương” (ông vua không có ngai vàng). Sách Luận ngữhiện còn là tư liệu chủ yếu để nghiên cứu về Khổng tử. Tả truyệnSử ký cũng lưu giữ những ghi chép một số sự tích về Khổng tử.

Tài liệu tham khảo

  1. Chu Hi (1989): Tứ thư tập chú, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  2. Nhóm Dương Hồng chú dịch, Tứ thư, Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận biên dịch, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003.
  3. Phùng Hữu Lan (2006): Lịch sử triết học Trung Quốc, tập 1: Thời đại Tử học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Lý Minh Tuấn (2010): Tứ thư bình giải, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

Bài liên quan

Bài đăng mới