1. Dẫn nhập
Nikolai Berdyaev (1874-1948), một trong những nhà triết học nổi bật của thế kỷ XX, đã đưa ra những quan điểm sâu sắc về Khai sáng và những tác động của nó đối với con người và xã hội hiện đại. Với nền tảng triết học Kitô giáo và quan niệm duy linh về sự tồn tại, Berdyaev đã phê phán mạnh mẽ Khai sáng vì sự tập trung quá mức vào lý trí và khoa học, bỏ qua các khía cạnh tâm linh và đạo đức của con người. Đối với Berdyaev, sự thống trị của lý trí và chủ nghĩa duy vật trong thời kỳ Khai sáng đã làm suy yếu mối liên kết tâm linh của con người với Thượng đế, dẫn đến sự khủng hoảng của thế giới hiện đại. Theo ông, con người không chỉ là một sinh vật lý trí mà còn là một thực thể tâm linh và sự bỏ quên khía cạnh tâm linh sẽ dẫn đến sự thiếu sót trong hành trình tìm kiếm chân lý của nhân loại. Trong quan điểm về Khai sáng, Berdyaev đã đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất của con người và vai trò của lý trí trong việc định hình cuộc sống cá nhân và xã hội. Ông cho rằng, Khai sáng đã mở ra những cánh cửa mới cho tri thức và sự tiến bộ, nhưng nó đồng thời cũng góp phần tạo ra một thế giới vô hồn, thiếu đi sự phong phú của tâm linh và đạo đức. Đặc biệt, Berdyaev nhấn mạnh rằng sự quá mức tôn sùng lý trí có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực như sự vô cảm và thờ ơ của con người đối với những giá trị tinh thần.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ khám phá sâu hơn về bản chất của Khai sáng dưới góc nhìn của Berdyaev và cách ông phê phán Khai sáng, đồng thời làm rõ những giá trị tâm linh mà ông đề cao trong hành trình tìm kiếm chân lý của con người. Đặc biệt, chúng tôi sẽ luận giải những giải pháp Berdyaev dung hòa giữa lý trí của Khai sáng và nhu cầu về tâm linh, nhằm mở ra một quan điểm triết học toàn diện hơn, nơi con người được nhìn nhận không chỉ qua tư duy duy lý mà còn qua mối liên kết sâu sắc với thế giới tâm linh. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những thách thức và cơ hội mà Khai sáng mang lại, cũng như làm nổi bật những khía cạnh mà nó còn bỏ ngỏ, theo góc nhìn của Berdyaev.
2. Bản chất của Khai sáng
Khai sáng (Enlightenment) thường được nhận thức là một phong trào trí tuệ lớn của thế kỷ XVIII tại châu Âu, nhưng nó không chỉ thuộc về phương Tây và quá khứ, mà còn thuộc về thế giới và hiện tại [6, tr. 1]. Khai sáng là gì? Theo Kant, Khai sáng là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra– tức là tình trạng mà một cá nhân không thể tự mình sử dụng lý trí để hiểu biết thế giới, mà phải dựa vào sự chỉ dẫn của người khác. Điều này không phải do họ thiếu năng lực hiểu biết mà do họ thiếu sự quyết tâm và can đảm để suy nghĩ độc lập. Phương châm của Khai sáng, “Sapere aude!” (Hãy dũng cảm sử dụng sự hiểu biết của chính mình), phản ánh rõ tinh thần này [5, tr. 58]. Đây là lời kêu gọi con người hãy tin tưởng vào khả năng lý trí của bản thân và vượt qua sự sợ hãi, lệ thuộc vào các thế lực hoặc quy chuẩn từ bên ngoài. Đối với Kant, trưởng thành về trí tuệ (intellectual maturity) là khả năng sử dụng lý trí của mình một cách tự chủ, mà không phụ thuộc vào sự chỉ đạo của người khác. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đạt được quyền tự chủ đạo đức (moral autonomy), nơi cá nhân có khả năng tự quyết định những nguyên tắc đạo đức mà mình tuân theo, thay vì bị áp đặt bởi xã hội hoặc truyền thống.
Jürgen Habermas, trong tác phẩm Philosophical Discourse of Modernity (Diễn ngôn triết học về tính hiện đại), đã tiếp tục mở rộng và diễn giải quan niệm của Kant về Khai sáng. Theo Habermas, Khai sáng không chỉ là một phong trào phản đối những thần thoại và truyền thống áp đặt mà còn là một lực lượng phản kháng với sức mạnh tập thể. Habermas viết: “Trong truyền thống Khai sáng, tư duy khai sáng được hiểu là một sự đối lập và lực lượng phản kháng với thần thoại. Là đối lập, bởi nó đối lập lý lẽ tốt hơn với tính quy phạm áp đặt của một truyền thống liên kết qua các thế hệ; là lực lượng phản kháng, bởi vì những hiểu biết được tiếp nhận cá nhân và chuyển hóa thành động cơ, nó được cho là phá vỡ bùa chú của các quyền lực tập thể” [4, tr. 107].
Cả Kant và Habermas đều nhấn mạnh rằng Khai sáng không chỉ là một phong trào của quá khứ mà còn mang giá trị hiện đại. Khai sáng không chỉ giúp con người giải phóng khỏi các ràng buộc về tư tưởng trong thế kỷ XVIII mà còn là công cụ tư duy để đối phó với những thách thức trong thế giới hiện đại. Ngược lại, Berdyaev đã có cái nhìn phê phán về Khai sáng. Ông cho rằng, Khai sáng đã dẫn đến khủng hoảng nhân văn khi đặt quá nhiều niềm tin vào khoa học và kỹ thuật, khiến con người mất đi kết nối với tự nhiên và trở thành phụ thuộc vào máy móc. Berdyaev đã nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố tâm linh và tự do nội tâm, phản đối tư tưởng duy lý cứng nhắc mà Khai sáng mang lại.
Trong tác phẩm Ý nghĩa của lịch sử,Berdyaev đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về bản chất của thời đại Khai sáng và vai trò của nó trong sự phát triển của văn hóa nhân loại. Berdyaev không chỉ giới hạn khái niệm “Khai sáng” trong bối cảnh của thế kỷ XVIII mà mở rộng phạm vi để nói về “Khai sáng” như một hiện tượng phổ quát, xảy ra trong nhiều nền văn hóa và trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Berdyaev viết: “Khi chúng ta nói về thời đại “Khai sáng”, thì không phải chỉ nói về Khai sáng của thế kỷ XVIII, thời kì “Khai sáng” kinh điển của tân lịch sử. Tôi cho rằng các nền văn hóa của mọi thời đại và mọi dân tộc đều đi qua thời kì “có tính chất Khai sáng”” [2, tr. 46]. Theo Berdyaev, tất cả các nền văn hóa lớn của nhân loại đều trải qua giai đoạn Khai sáng. Điều này có nghĩa là trong lịch sử của mỗi dân tộc, ở một thời điểm nào đó, có một sự chuyển đổi tương tự diễn ra, nơi lý trí và khoa học vượt qua các yếu tố thần thánh và truyền thống vốn gắn liền với nền văn hóa trước đó. Ví dụ, nền văn hóa Hy Lạp cổ đại, một trong những nền văn hóa vĩ đại nhất của nhân loại, cũng đã trải qua thời đại Khai sáng của riêng nó. Mặc dù có những đặc điểm riêng mang tính Hy Lạp cổ đại, về cơ bản, thời kỳ này tương tự với Khai sáng thế kỷ XVIII, vì nó cũng “phá hủy tính thiêng liêng ở trong tính lịch sử” và làm suy giảm sức mạnh của các huyền thoại mang tính lịch sử.
Những đặc điểm quan trọng của thời đại Khai sáng dưới góc nhìn của Berdyaev là sự phá hủy “tính thiêng liêng”, “tính truyền thống hữu cơ” và đề cao quá mức lý tính của con người. Theo ông, các thời kỳ Khai sáng, dù ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử và bất kỳ nền văn hóa nào, đều có xu hướng làm suy giảm hoặc loại bỏ những yếu tố siêu việt và thần thánh trong đời sống con người. Khai sáng thường là thời điểm mà con người bắt đầu tách biệt mình khỏi những giá trị tinh thần, truyền thống và các huyền thoại lịch sử đã từng định hình nền văn hóa của họ.
Trong thời đại Khai sáng của thế kỷ XVIII, sự phát triển của khoa học và lý trí đã làm lu mờ các giá trị tôn giáo và truyền thống. Berdyaev cho rằng điều này cũng đã xảy ra tương tự trong thời đại Khai sáng của Hy Lạp cổ đại, khi những giá trị thiêng liêng, thần thoại và truyền thống bị đẩy lùi bởi sự tiến bộ của lý trí và triết học. Berdyaev nhấn mạnh rằng thời đại Khai sáng, dù xảy ra trong bối cảnh nào, luôn mang theo một xu hướng đặc trưng: Đó là sự tự tin quá mức của lý trí con người. Theo Berdyaev, trong Khai sáng, trí tuệ của con người trở nên quá tự tin và đặt mình ở vị trí cao hơn các “bí ẩn của tồn tại”, “bí ẩn của đời sống” và “bí ẩn thần thánh”. Berdyaev khẳng định: “Thời đại “Khai sáng” là thời đại ở trong cuộc sống của mỗi dân tộc, khi mà trí tuệ con người hữu hạn và quá tự tin, đặt mình cao hơn những bí ẩn của tồn tại, những bí ẩn của đời sống, những bí ẩn thần thánh của cuộc sống, vốn từ đó, như từ những cội nguồn mà toàn bộ văn hóa nhân bản và cuộc sống của tất cả các dân tộc trên trái đất xuất phát ra” [2, tr. 47].
Theo Berdyaev, sự phát triển của các nền văn hóa luôn đi qua những chu kỳ nhất định, trong đó có giai đoạn Khai sáng. Điều này phản ánh tính hữu cơ trong sự phát triển của văn hóa – tức là văn hóa không phát triển theo một đường thẳng, mà theo những chu kỳ, trong đó các yếu tố tinh thần, lý trí và vật chất thay phiên nhau chi phối. Trong mỗi chu kỳ, văn hóa bắt đầu với một giai đoạn nơi các giá trị thiêng liêng, thần thánh và truyền thống chiếm ưu thế. Sau đó, đến giai đoạn Khai sáng, lý trí và khoa học bắt đầu chiếm lĩnh và làm suy yếu những giá trị này. Tuy nhiên, Berdyaev ám chỉ rằng sự chiếm lĩnh của lý trí không phải là cuối cùng; sau thời kỳ Khai sáng, văn hóa có thể quay trở lại với những giá trị tinh thần và siêu việt, khi con người nhận ra lý trí của họ không đủ để hiểu hết được các bí ẩn của tồn tại [2, tr. 46-47].
Berdyaev cho rằng “cả văn hóa cổ đại và cả văn hóa Tây Âu đều dịch chuyển thông qua quá trình “Khai sáng”, đoạn tuyệt với các chân lí tôn giáo của văn hóa và làm suy đồi biểu tượng của văn hóa” [2, tr. 426].Phong trào Khai sáng, đặt trọng tâm vào lý trí, khoa học và tự do cá nhân, đã phá vỡ với các giá trị tinh thần và tôn giáo trước đây. Đặc biệt, Berdyaev nhấn mạnh quá trình Khai sáng đã “làm suy đồi biểu tượng của văn hóa”. Biểu tượng của văn hóa ở đây có thể hiểu là các yếu tố đại diện cho tinh thần và tôn giáo, những yếu tố đã từng đóng vai trò là nền tảng cho sự phát triển văn hóa. Quá trình này không chỉ phá vỡ mối liên hệ giữa văn hóa và tôn giáo, mà còn làm mất đi chiều sâu tinh thần của văn hóa, khiến văn hóa trở nên khô khan và duy lý hơn. Với Berdyaev, sự phát triển của văn hóa thông qua quá trình Khai sáng là một quá trình mâu thuẫn. Mặc dù Khai sáng đã mang lại những tiến bộ về khoa học, lý trí và tự do, nhưng nó cũng mang lại sự suy thoái về mặt tinh thần, làm mất đi tính chất thiêng liêng và chiều sâu tinh thần của văn hóa.
3. Những hạn chế của thời kỳ Khai sáng – một góc nhìn phê phán của Berdyaev
Berdyaev đã phê phán gay gắt trí tuệ của thời đại Khai sáng, tức là trí tuệ lý tính mà con người sử dụng để phân tích và hiểu thế giới. Theo Berdyaev, trí tuệ của thời kỳ này có những đặc điểm tự hạn chế và không có khả năng thấu hiểu chiều sâu của lịch sử. Berdyaev viết: “Trí tuệ “khai hóa”, trí tuệ của thời đại Khai sáng thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, là trí tuệ tự khẳng định và tự hạn chế” [2, tr. 48]. Sự “tự hạn chế” ở đây có nghĩa là trí tuệ Khai sáng đã giới hạn phạm vi của nó vào các nguyên tắc duy lý và khoa học, loại bỏ những khía cạnh siêu việt hoặc bí ẩn vốn thuộc về chiều sâu của đời sống và lịch sử. Thay vì tiếp xúc với lịch sử từ bên trong, tức là thấu hiểu nó qua những tầng ý nghĩa sâu xa, trí tuệ Khai sáng lại đứng ngoài, nhìn lịch sử như một đối tượng để phân tích và đánh giá. Điều này dẫn đến việc con người không thể hiểu được chiều sâu thực sự của lịch sử, mà chỉ nhìn thấy những gì có thể đo lường và giải thích qua lý trí.
Trí tuệ Khai sáng đã tự đặt mình vào vị trí của một “quan tòa”, tức giống như người phán xét lịch sử. Trí tuệ Khai sáng nhìn nhận lịch sử như một thực thể bị cô lập và cố gắng phân tích, giải thích nó bằng các quy tắc duy lý, loại bỏ các yếu tố phi lý tính hoặc huyền bí. Nhưng với Berdyaev, lịch sử không phải là một đối tượng đơn giản để phân tích bằng trí tuệ thuần lý. Nó chứa đựng những bí ẩn, những yếu tố không thể giải thích bằng lý trí mà chỉ có thể thấu hiểu qua sự cảm nhận trực giác và tinh thần. Khi trí tuệ Khai sáng trở thành “quan tòa” phán xét lịch sử, nó vô tình đánh mất khả năng tiếp xúc với các tầng sâu hơn của lịch sử. Sự tự tin thái quá của trí tuệ Khai sáng thể hiện ở chỗ nó tin rằng có thể hiểu và giải thích tất cả mọi thứ qua lý trí và khoa học. Tuy nhiên, theo Berdyaev, sự tự tin này là sai lầm, vì nó bỏ qua những khía cạnh sâu xa hơn của tồn tại và lịch sử – những yếu tố vượt quá khả năng của lý trí để giải thích. Thay vì tìm cách tiếp xúc với các bí ẩn này, trí tuệ Khai sáng lại phủ nhận chúng và thay thế chúng bằng các lý thuyết duy lý.
Berdyaev đã phê phán mạnh mẽ quá trình chuyển biến từ văn hóa sang văn minh, đặc biệt khi sự tác động của lý trí Khai sáng đạt đến đỉnh điểm. Khi lý trí Khai sáng tập trung vào việc chinh phục và tổ chức đời sống nhằm tối đa hóa sự hưởng thụ, thì văn hóa dần mất đi bản chất sáng tạo của nó và bị thay thế bởi văn minh. Berdyaev cho rằng khi con người và xã hội đạt đến trạng thái mà ý chí hướng tới sự hùng mạnh và chiếm lĩnh đời sống đạt tới đỉnh cao, thì đó cũng là lúc văn hóa bắt đầu chết dần. Văn hóa, theo Berdyaev, vốn là không gian cho sự sáng tạo tinh thần và chiêm nghiệm trầm tư, nhưng khi bị lý trí Khai sáng làm suy thoái, nó dần chuyển sang một trạng thái khác, đó là văn minh [2, tr. 427-428].
Theo Berdyaev, thời kỳ Khai sáng dù đã đặt nền móng cho nhận thức lịch sử và triết học lịch sử, nhưng vẫn không đủ sâu sắc để thấu hiểu lịch sử theo cách thức mà ông mong muốn. Ông cho rằng, Khai sáng – thời đại của lý trí, tự do và khoa học chỉ chạm đến bề mặt của lịch sử, tập trung quá nhiều vào lý trí và bỏ qua những yếu tố tinh thần và siêu hình. Thời kỳ Khai sáng, với sự nhấn mạnh vào lý trí và tiến bộ khoa học, đã mang lại những tiến bộ quan trọng trong tri thức và văn hóa nhân loại, nhưng nó đã bỏ qua những yếu tố sâu xa hơn của lịch sử, chẳng hạn như ý nghĩa tinh thần và siêu hình mà lịch sử mang theo. Đối với ông, Khai sáng không thể “thâm nhập được vào những chỗ cất giấu bí mật của lịch sử”, bởi nó chỉ dựa trên lý trí mà không có chiều sâu tâm linh cần thiết.
Trong các thời kỳ Khai sáng, theo Berdyaev, con người bắt đầu tin rằng lý trí của họ có thể giải quyết và hiểu rõ mọi bí ẩn của thế giới và lịch sử. Điều này dẫn đến một sự mất cân bằng, khi con người đặt lý trí nhỏ bé và hữu hạn của mình lên trên những bí ẩn sâu sắc và không thể đoán định của cuộc sống. Đây là một dạng “mưu toan” – con người cố gắng thay thế sự huyền bí và không thể đoán định của cuộc sống bằng những giải thích lý trí hạn hẹp. Berdyaev cho rằng các thời kỳ Khai sáng thường làm suy yếu khả năng của con người trong việc thấu hiểu các khía cạnh tinh thần và siêu việt của cuộc sống và thay vào đó, chỉ tập trung vào những gì có thể đo lường và phân tích bằng lý trí. Điều này không chỉ làm suy yếu giá trị văn hóa và tinh thần, mà còn khiến con người mất đi khả năng cảm nhận về chiều sâu và huyền bí của cuộc sống. Khi con người tự tin rằng lý trí của họ có thể giải quyết mọi vấn đề, họ có xu hướng quên đi rằng cuộc sống và lịch sử ẩn chứa những bí ẩn vượt qua sự hiểu biết của lý trí. Việc cố gắng giải thích mọi thứ bằng lý trí có thể dẫn đến việc đánh mất sự kết nối với những giá trị truyền thống và siêu việt mà con người đã sống cùng trong suốt hàng thế kỷ.
Berdyaev cho rằng Khai sáng đã phủ nhận và phá vỡ “bí ẩn của tính lịch sử”, theo cách đó, đã làm suy yếu mối liên kết giữa con người và lịch sử. Đối với Berdyaev, “tính lịch sử” không chỉ là chuỗi sự kiện diễn ra trong thời gian, mà còn là một hiện thực đặc thù mang tính thiêng liêng và bí ẩn. Nó bao hàm những yếu tố sâu sắc hơn, không thể giải thích hoàn toàn bằng lý trí hay khoa học. “Tính lịch sử” là hiện thực mà trong đó các yếu tố tinh thần, huyền bí và siêu việt hòa quyện, tạo nên một dòng chảy ý nghĩa xuyên suốt trong quá trình phát triển của con người và xã hội. Bí ẩn của “tính lịch sử” nằm ở chỗ lịch sử không thể hoàn toàn bị giải mã hoặc kiểm soát bằng lý trí con người. Nó chứa đựng những yếu tố mà con người, dù có phát triển lý trí đến đâu, cũng không thể hiểu hết được. Những sự kiện lịch sử, theo cách nhìn của Berdyaev, có những chiều kích tinh thần và siêu việt vượt ra ngoài khả năng phân tích lý trí đơn thuần. Berdyaev viết: “Thời đại “Khai sáng” phủ nhận bí ẩn của “tính lịch sử”. Nó phủ định “tính lịch sử” như một hiện thực đặc thù. Thời đại ấy phân rã “tính lịch sử”, thực hiện những thao tác lên nó khiến cho nó không còn là một hiện thực toàn vẹn tiên khởi, vốn tạo ra “tính lịch sử” của nó. Thời đại ấy chia tách tinh thần con người và trí tuệ con người với “tính lịch sử”. Vì vậy thời đại “Khai sáng” thế kỉ XVIII mang tính chất phản lịch sử rất sâu sắc” [2, tr. 47-48].
Theo Berdyaev, trí tuệ “Khai sáng” không những hạn chế trong khả năng tiếp cận các bí ẩn của đời sống lịch sử mà còn chịu sự “trừng phạt từ bên trong” vì sự tự mãn và thái độ tự khẳng định quá mức của nó. Trí tuệ Khai sáng, mặc dù đã đạt được những thành tựu vĩ đại về khoa học và lý trí trong thế kỷ XVIII, nhưng lại “hiểu biết rất ít, tiếp cận bên trong được với rất ít, thấu hiểu được rất ít” [2, tr. 50]. Điều này hàm ý rằng trí tuệ Khai sáng tuy có khả năng lý giải thế giới vật chất và khoa học, nhưng lại không đủ khả năng tiếp cận những yếu tố sâu sắc và huyền bí của đời sống lịch sử và con người, không chạm tới những chiều sâu tinh thần. Vì vậy, Berdyaev đã chỉ trích tính “mù lòa” của trí tuệ Khai sáng đối với những bí ẩn lịch sử và đời sống. Sự mù lòa này, theo ông, là hậu quả của việc trí tuệ Khai sáng tự mãn và tự khẳng định mình là chân lý tối thượng. Với thái độ kiêu ngạo, thời đại Khai sáng tin rằng lý trí có thể lý giải được mọi thứ, thậm chí cả những khía cạnh vượt ra ngoài khả năng của con người. Berdyaev gọi đây là “sự trừng phạt từ bên trong”, bởi vì sự tự mãn này đã dẫn đến một loại mất mát tinh thần và tri thức, nơi trí tuệ Khai sáng không thể tiếp cận những chiều sâu của lịch sử và đời sống. Nói cách khác, sự kiêu ngạo về lý trí đã khiến con người trở nên “mù lòa” trước những bí ẩn lớn lao hơn mà họ không thể lý giải được bằng lý trí thuần túy [2, tr. 50].
Berdyaev đã bày tỏ sự phê phán mạnh mẽ đối với nền văn minh hiện đại và các đặc điểm của nó như chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa thực chứng và tính khoahọc. Ông cho rằng thời hiện đại, thay vì được coi là “thời đại ánh sáng” (như quan niệm phổ biến về thời kỳ Khai sáng), thực chất lại là “thời đại tăm tối” [3, tr. 11]. Đây là một sự nghịch lý trong cách nhìn của Berdyaev: Sự tiến bộ về khoa học và lý trí không phải là dấu hiệu của sự khai sáng thực sự, mà là biểu hiện của một nền văn minh đang mất đi ánh sáng tinh thần cao cả. Berdyaev viết: “Toàn bộ lịch sử hiện tại cùng với chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa thực chứng, tính khoa học của nó là thời đại tăm tối, chứ không phải thời đại ánh sáng – mặt trời của thế giới đã lặn mất ở trong nó, ánh sáng tối cao đã tắt, toàn bộ khai sáng mang tính giả tạo và tầm thường” [3, tr. 11].
Chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa thực chứng được Berdyaev nhắc đến như hai đặc điểm tiêu biểu của nền văn minh hiện đại. Chủ nghĩa duy lý đề cao lý trí và coi nó là công cụ duy nhất để nhận thức thế giới, trong khi chủ nghĩa thực chứng nhấn mạnh vào khoa học thực nghiệm và những sự thật có thể đo lường và kiểm chứng được. Với Berdyaev, dù các học thuyết này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tri thức nhân loại, nhưng chúng lại chỉ chú trọng vào khía cạnh vật chất và bề nổi của đời sống, bỏ qua những chiều sâu tinh thần, đạo đức và tôn giáo. Lý trí và khoa học trong thời đại Khai sáng trở nên tầm thường vì chúng không thể thấu hiểu hay chạm tới những bí ẩn sâu xa và thiêng liêng của cuộc sống. Hình ảnh “mặt trời của thế giới đã lặn” và “ánh sáng tối cao đã tắt” mà Berdyaev sử dụng là một biểu tượng mạnh mẽ cho sự mất mát của ánh sáng tinh thần và tôn giáo. Berdyaev cho rằng toàn bộ sự khai sáng của thời đại hiện đại là giả tạo và tầm thường. Sự khai sáng giả tạo mà ông nói đến ở đây ám chỉ sự nhầm lẫn giữa sự phát triển của tri thức khoa học và kỹ thuật với sự phát triển về mặt tinh thần. Theo Berdyaev, những tiến bộ này không đưa con người đến gần với sự thật tối cao, mà chỉ dẫn dắt họ vào một thế giới vật chất hóa và thực dụng hóa, nơi mà các giá trị tinh thần bị phớt lờ hoặc coi nhẹ.
Berdyaev đã phản đối việc coi lý trí (thang bậc duy lý, chủ trí) là quan tòa tối cao – nghĩa là thước đo hoặc công cụ duy nhất để phán xét và nhận thức về chân lý – sự thật. Berdyaev viết: “Quan tòa tối cao trong công việc nhận thức không thể và không nên là thang bậc duy lí, chủ trí, mà chỉ là cuộc sống toàn vẹn của tinh thần” [1, tr. 43]. Theo ông, lý trí có giới hạn trong việc nắm bắt những điều sâu sắc và toàn diện của hiện thực, bởi nó chủ yếu dựa vào sự phân tích logic và khoa học thực chứng, những yếu tố chỉ có thể thấu hiểu thế giới hiện tượng. Berdyaev cho rằng “cuộc sống toàn vẹn của tinh thần” mới là quan tòa tối cao trong việc nhận thức, tức là yếu tố quyết định cuối cùng để hiểu biết về chân lý. Đối với ông, nhận thức chân thực không chỉ là vấn đề lý trí và tri thức khoa học, mà còn phải bao gồm trải nghiệm tinh thần, đạo đức và sự tương tác với cái thiêng liêng. “Cuộc sống toàn vẹn của tinh thần” mang ý nghĩa rằng con người phải sử dụng tất cả các chiều kích của trải nghiệm sống và tinh thần nội tâm để đạt tới sự nhận thức chân thực. Đây không chỉ là sự nhận thức về các sự kiện và hiện tượng vật chất, mà còn là sự hiểu biết sâu xa về ý nghĩa cuộc sống, chân lý siêu hình và mục đích tối cao của con người.
Berdyaev không phủ nhận vai trò của lý trí, nhưng lý trí chỉ là một phần của khả năng nhận thức, không phải là toàn bộ. Quan điểm của ông đặc biệt mang tính chất phản đối chủ nghĩa duy lý của thời kỳ Khai sáng, thời kỳ mà lý trí được tôn vinh như là phương tiện tối cao để nhận thức và hiểu biết thế giới. Trong bối cảnh tôn giáo, quan điểm của Berdyaev phản ánh niềm tin rằng con đường dẫn tới chân lý không chỉ nằm trong khoa học và tri thức, mà còn cần đến sự mở rộng tinh thần và gắn kết với Thượng đế. Ông cho rằng tôn giáo, đặc biệt là tinh thần Kitô giáo, là cách duy nhất để con người có thể hiểu được bản chất thực sự của vũ trụ và mục đích của sự tồn tại. Berdyaev cũng phản đối việc coi khoa học thực chứng là công cụ duy nhất để nhận thức chân lý. Ông cho rằng khoa học chỉ có thể giải thích được những hiện tượng vật chất và logic, nhưng nó không thể cung cấp những câu trả lời về ý nghĩa cuộc sống, về bản chất của linh hồn, hay về chân lý siêu hình. Với Berdyaev, chân lý không thể chỉ được tìm thấy trong những con số và phương trình khoa học. Thay vào đó, con người cần phải trải nghiệm cuộc sống tinh thần để hiểu được những khía cạnh vô hình và thiêng liêng của thế giới.
4. Giải pháp dung hòa giữa lý trí Khai sáng và tâm linh tôn giáo
Trong tư tưởng triết học của mình, Berdyaev đã tìm cách dung hòa giữa lý trí Khai sáng và nhu cầu tâm linh bằng cách đề xuất một giải pháp tổng hợp, vượt qua giới hạn của cả hai yếu tố này để đạt đến một dạng trí tuệ cao hơn, mà ông gọi là “minh triết” (wisdom). Giải pháp này không những không loại bỏ lý trí mà còn mở rộng nó, cho phép lý trí tiếp xúc với các khía cạnh huyền bí và sâu sắc của đời sống tâm linh. Berdyaev cho rằng sự kết hợp này là cần thiết để đạt đến chân lý toàn diện hơn, giúp con người vượt qua những mâu thuẫn giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần. Berdyaev viết: “Trí tuệ “khai hóa” yêu sách làm quan tòa trí tuệ hữu cơ của lịch sử. Thế nhưng trí tuệ thực sự tối thượng … phải tiếp xúc với minh triết nguyên sơ của con người, … trong cách hiểu biết thế giới mang tính vật linh, vốn đặc trưng cho tất cả các dân tộc ở trong giai đoạn nguyên thủy nhất. Minh triết ấy đặc trưng cho các thời đại nguyên thủy, sau đó đi qua những chiều sâu bên trong đầy huyền bí của đời sống ở toàn thể lịch sử tinh thần của con người, đi qua sự phát sinh Kitô giáo và đi qua các thế kỉ Trung đại cho đến thời hiện tại. Chỉ có cái trí tuệ như thế mới đạt tới ánh sáng bên trong vốn cố hữu cho mỗi thời đại ấy. Chỉ có cái trí tuệ như thế mới là trí tuệ mang tính chân lí Khai sáng và giác ngộ” [2, tr. 49].
Ở Berdyaev, có sự đối lập giữa trí tuệ của thời đại Khai sáng mà ông gọi là “trí tuệ khai hóa” và một loại trí tuệ cao hơn, sâu sắc hơn – “trí tuệ thực sự tối thượng”. Ông cho rằng trí tuệ của thời Khai sáng chỉ đơn thuần là sự tự nhận thức của con người trong thời đại đó và nó không đủ sâu sắc để hiểu được những bí ẩn của lịch sử và tồn tại. Để tiếp cận được trí tuệ thực sự, Berdyaev đề xuất rằng chúng ta cần quay trở lại với “minh triết nguyên sơ” của con người, một loại trí tuệ không chỉ giới hạn trong lý tính mà còn tiếp xúc với những cảm nhận nguyên thủy và những chiều sâu huyền bí của đời sống. Với Berdyaev, để hiểu được thế giới và lịch sử một cách trọn vẹn, con người cần tiếp xúc với những kinh nghiệm và tri thức sâu xa đã được hình thành từ thời kỳ nguyên thủy, thậm chí trước khi có sự ra đời của các hệ thống tư tưởng phức tạp như triết học hay tôn giáo.
Một trong những khía cạnh quan trọng của minh triết nguyên sơ là “cảm nhận nguyên sơ của đời sống”, một loại hiểu biết mà Berdyaev cho rằng đã tồn tại trong các nền văn hóa nguyên thủy và giai đoạn tiền sử. Ông đã đề cập đến thế giới quan mang tính “vật linh” (animism), đặc trưng cho các dân tộc ở giai đoạn nguyên thủy. Vật linh là niềm tin rằng tất cả các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên đều có linh hồn hoặc một thực thể tinh thần. Loại nhận thức này khác biệt hoàn toàn với nhận thức duy lý của thời Khai sáng, nhưng theo Berdyaev, nó mang lại một sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự sống và tồn tại, bởi nó không tách biệt con người ra khỏi tự nhiên hay tinh thần. Minh triết nguyên sơ không chỉ tồn tại ở giai đoạn nguyên thủy mà nó tiếp tục phát triển qua toàn bộ lịch sử tinh thần của con người. Từ các tín ngưỡng nguyên thủy đến sự ra đời của Kitô giáo và các triết thuyết tôn giáo trong thời Trung cổ, minh triết này đã đi qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn mang trong mình một ánh sáng nội tại riêng biệt. Berdyaev cho rằng chỉ khi trí tuệ tiếp xúc được với những dòng chảy tinh thần này, nó mới đạt được sự giác ngộ thực sự và có thể hiểu được các bí ẩn của lịch sử và sự tồn tại.
Giải pháp của Berdyaev để dung hòa giữa lý trí và tâm linh còn nằm ở việc mở rộng khái niệm trí tuệ. Ông kêu gọi một loại trí tuệ không chỉ giới hạn ở lý trí khoa học, mà còn phải bao gồm cả sự hiểu biết trực giác và tâm linh, xuất phát từ những cảm nhận sâu sắc về tồn tại và cuộc sống. Theo Berdyaev, chỉ có loại trí tuệ tổng hợp này mới có thể đạt đến chân lý toàn diện. Ông không đề nghị từ bỏ lý trí mà khuyến khích việc kết hợp nó với các yếu tố tâm linh. Ông tin rằng lý trí cần được “siêu việt hóa” để không chỉ hướng về việc giải quyết các vấn đề thực tiễn mà còn tiếp xúc với các yếu tố tinh thần sâu xa. Điều này đồng nghĩa với việc lý trí phải được mở rộng ra ngoài ranh giới của khoa học và logic, để có thể hiểu và chấp nhận những khía cạnh không thể giải thích bằng tư duy lý tính, như đức tin, tôn giáo và trải nghiệm tinh thần.
Tuy Khai sáng đã tách rời lý trí khỏi đời sống tinh thần và khải huyền, từ đó tạo ra sự méo mó trong sự phát triển tinh thần của con người, nhưng Berdyaev không hoàn toàn bác bỏ Khai sáng mà cho rằng nó có vai trò tích cực ở một giai đoạn nhất định trong lịch sử phát triển của lý trí nhân loại. Khai sáng giúp lý trí con người thức tỉnh và trở nên tự do hơn và sự phê phán của lý trí là cần thiết để đạt đến chân lý thực sự. Khai sáng cần thiết để đánh thức lý trí, nhưng đồng thời, nó cũng cần phải vượt qua chính mình để quay trở lại với niềm tin và sự toàn vẹn tinh thần. Đây là một sự dung hòa giữa lý trí và tâm linh, giữa tự do và sự hài hòa tinh thần. Trên con đường đạt đến sự hài hòa, tự do phải trải qua giai đoạn phân rã và hỗn loạn, từ đó tái sinh và quay trở lại trạng thái hài hòa. Điều này phản ánh triết lý về sự đối lập giữa trật tự và hỗn loạn và con đường dẫn đến sự hoàn thiện tinh thần luôn phải đi qua những thử thách, đứt gãy và sự tự phê phán.
Berdyaev nhấn mạnh sự khác biệt giữa “Khai sáng lý trí” chỉ tập trung vào sự khai sáng về mặt trí tuệ và “Khai sáng chân chính” – sự khai sáng toàn diện, bao gồm cả tinh thần và tâm hồn của con người. Ông lập luận rằng việc Khai sáng chỉ dựa trên lý trí là không đủ để giải quyết các câu hỏi cơ bản nhất của nhân sinh, đặc biệt là câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Lý trí con người không đủ khả năng để hiểu hết ý nghĩa sâu xa của cuộc sống nếu nó không được soi sáng bởi một điều gì đó lớn lao hơn mà cụ thể ở đây là logos, tức là lý trí Thần thánh. Ông cho rằng chỉ có logos Thần thánh mới có thể mang lại ý nghĩa thực sự cho cuộc sống, và con người chỉ có thể tiếp cận với Logos này thông qua sự hiện thân của Chúa Kitô. Điều này phản ánh quan điểm tôn giáo sâu sắc của Berdyaev. Đối với ông, sự cứu rỗi và khai sáng toàn diện của con người chỉ có thể đạt được thông qua đức tin tôn giáo và tri thức thuần túy hay lý trí đơn thuần không thể đưa con người đến chân lý cao nhất. Berdyaev phê phán cách tiếp cận chỉ dựa trên lý trí của Khai sáng truyền thống, đồng thời đề xuất một giải pháp tôn giáo, nhấn mạnh sự cần thiết của sự hợp nhất giữa lý trí và đức tin. Qua chuỗi bài giảng và các tác phẩm của mình, ông muốn khẳng định rằng ý nghĩa cuộc sống không chỉ đơn thuần là sự phát triển lý trí, mà còn là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần, giữa tri thức và đức tin tôn giáo. Điều này cho thấy một sự hòa hợp giữa lý trí và tâm linh, giữa con người và Đấng Thần thánh trong việc tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc nhất của sự tồn tại.
5. Kết luận
Qua khảo cứu các tác phẩm của Berdyaev đã cho thấy ông không hề phủ nhận những thành tựu của Khai sáng trong việc giải phóng con người khỏi sự thống trị của những tư tưởng mê tín và giáo điều, cũng như việc mở ra một kỷ nguyên mới của tự do tư tưởng và tri thức. Tuy nhiên, Berdyaev đã nhìn thấy sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa lý trí và tâm linh, giữa vật chất và tinh thần, mà Khai sáng đã tạo ra. Khai sáng, trong khi thúc đẩy lý trí, giúp con người khám phá và chinh phục thế giới vật chất, lại khiến con người ngày càng xa rời các yếu tố siêu hình, tâm linh vốn là phần thiết yếu của bản chất con người. Berdyaev kêu gọi con người phải tìm lại sự cân bằng giữa lý trí và tinh thần, giữa tự do cá nhân và trách nhiệm đạo đức. Đối với Berdyaev, chỉ khi con người ý thức được tầm quan trọng của các giá trị siêu hình và tâm linh, họ mới có thể thực sự vượt qua cuộc khủng hoảng nhân văn và đạo đức do Khai sáng để lại. Bài học rút ra từ những quan điểm triết học của Berdyaev là sự phê phán không chỉ dừng lại ở việc chỉ trích các hệ thống tư tưởng như Khai sáng, mà còn đặt ra những câu hỏi về cách con người có thể kết hợp lý trí và tinh thần trong việc xây dựng một xã hội lành mạnh. Khai sáng, từ góc nhìn của Berdyaev, là một bước tiến quan trọng trong lịch sử nhân loại, nhưng cũng là một bài học cảnh báo về việc con người cần biết sử dụng lý trí một cách cân bằng, không để mất đi những giá trị cốt lõi của bản chất con người.
Tài liệu trích dẫn
1. Nikolai Berdyaev (2016), Triết học của tự do, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.
2. Nikolai Berdyaev (2020),Ý nghĩa của lịch sử, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.
3. Nikolai Berdyaev (2022), Mục đích của sáng tạo, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.
4. Jürgen Habermas (1987), The philosophical discourse of modernity: Twelve lecturs, Polity Press, Cambridge, UK.
5. James Schmidt (1996), What is enlightenment? Eighteenth-century answers and twentieth-century questions, University of California Press, Berkeley, CA.
6. Wang Xingfu, Zou Shipeng & Zhang Shuangli (2019), Reflections on enlightenment from multiple perspectives, Council for Research in Values and Philosophy.