KHÁI LƯỢC VỀ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

PGS. TS. Lê Thanh Thập

Hội Triết học.

Năm 2005, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua Công ước về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa (Công ước 2005). Công ước 2005 của UNESCO đã xác định: các quốc gia có quyền chủ quyền về văn hóa và khuyến khích các quốc gia xây dựng các chính sách, hệ thống luật pháp để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của mình. Công ước 2005 của UNESCO, nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là những công cụ để bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Như vậy, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền tảng quan trọng về vật chất, là ngành sản xuất, như “các ngành công nghiệp văn hóa” chủ yếu sau đây: công nghiệp giải trí, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp truyền hình, công nghiệp thể thao, công nghiệp xuất bản, công nghiệp du lịch. Hay chi tiết cụ thể hơn như: Quảng cáo, tổ chức sự kiện, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính…

          Tóm lại, theo UNESCO, công nghiệp văn hóa là công nghiệp kết hợp của ba yếu tố: Sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế.

Công nghiệp văn hóa dùng để chỉ các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Chẳng hạn, những nội dung sáng tạo, như biểu trưng quảng cáo, phần mềm vi tính… về bản chất mang tính phi vật thể và văn hóa, nhưng được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới hình thức sản phẩm hay dịch vụ. Các ngành công nghiệp văn hóa thể hiện rõ xu thế lợi ích kinh tế và văn hóa hòa quện chặt chẽ với nhau. Đó là sự kết hợp của các yếu tố chính: sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, từ đó có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích kinh tế. Thực chất, đây là quá trình ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ cùng kỹ năng kinh doanh, sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân. Như vậy, công nghiệp văn hóa cũng chỉ là một khía cạnh, là một bộ phận của nền văn hóa.

          Phát triển công nghiệp văn hóa, tạo nên hệ thống sản xuất và phục vụ văn hóa nhiều chủng loại, đa dạng, đa cấp độ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân cả về số lượng lẫn chất lượng văn hóa. Sự phát triển của công nghiệp văn hóa đã mang lại lợi nhuận rất cao ở nhiều quốc gia, nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới tham gia đầu tư phát triển. Việc phát triển văn hóa thành ngành công nghiệp là xu hướng phát triển tất yếu của tiến trình hiện đại hóa.Vì vậy, trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trương Khoá XI, về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã khẳng định, sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghiệp văn hoá ở nước ta, đó là: “Phát triển công nghiệp văn hoá nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hoá Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hoá, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hoá. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội phát triển. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hoá và công nghiệp văn hoá” [1]. Đến Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới” [2, tr.145]. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh” [4]. 

          Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem là khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhằm phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Công nghiệp văn hóa thực sự đã trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Trong trào lưu đó, nếu nước nào không quan tâm, không chú trọng đến việc phát triển công nghiệp văn hóa thì không chỉ tụt hậu, mà còn lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa – tiềm lực giàu có của đất nước, của dân tộc mình để phát triển. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển của mỗi quốc gia đều chịu sự ảnh hưởng và có sự tác động đến các quốc gia khác. Công nghiệp văn hóa là công cụ hữu hiệu không chỉ có ý nghĩa trong việc củng cố và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn giúp cho sự tăng trưởng, đổi mới nền kinh tế. Đồng thời, nó biến văn hóa trở nên một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp cho việc xây dựng nền kinh tế sáng tạo, bao gồm các lĩnh vực có giá trị kinh tế cao. Như vậy, phát triển công nghiệp văn hóa có tác động lớn đối với kinh tế, văn hóa, xã hội và khả năng đóng góp cho các chỉ tiêu thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc làm…

                                TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014): Văn kiện Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  3.  Hồ Chí Minh (1997): Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội.
  4. Nguyễn Phú Trọng (2021): Toàn văn Bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Báo “Tin tức” (điện tử) ngày 24/11/2021, Thông tấn xã Việt Nam.

Bài liên quan

Bài đăng mới