1. Giá trị hòa hiếu của dân tộc Việt Nam
1.1. Hòa hiếu để giữ đạo nhà
Gia đình là đơn vị xã hội nhỏ nhất (được ví như tế bào) cấu thành xã hội, là cơ sở bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển. Gia đình phát triển lành mạnh, hài hòa thì xã hội ổn định và phát triển một cách tích cực. Gia đình truyền thống Việt Nam hình thành gắn liền với nghề trồng lúa nước, xã hội nông nghiệp sản xuất nhỏ, ảnh hưởng nặng nề tư tưởng Nho giáo, theo lễ nghĩa Nho giáo. Thiết chế gia đình truyền thống Nho giáo, lấy “Hiếu – Đễ” làm nội dung cốt lõi. Trong đó, “Hiếu” là chuẩn mực đạo đức được đề cao, là đạo đức của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, với ba nội dung: Tôn trọng ông bà, cha mẹ; không làm nhục ông bà, cha mẹ; nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ khi về già; “Đễ” là nhường nhịn, ứng xử hòa thuận với anh chị em trong gia đình. Đó là những chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa quyết định để giữ gìn hòa khí trong gia đình truyền thống. Mọi thành viên trong gia đình tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong ứng xử thì gia đình sẽ luôn yên ấm. Đồng thời, việc giáo dục trong gia đình truyền thống được coi trọng, mỗi người sinh ra, lớn lên được ông bà, cha mẹ, anh chị dạy bảo những điều về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín và lấy đó làm tiêu chí để hoàn thiện nhân cách.
Mặc dù gia đình truyền thống còn tồn tại những hạn chế nhất định như tính chất gia trưởng, bất bình đẳng nam -nữ, nhưng vẫn có những giá trị tích cực nhất định, giữ tôn ty trật tự, hòa mục, ổn định góp phần tích cực trong việc tạo cơ sở cho xã hội phát triển. Thực tế, “Hiếu – Đễ” là giải quyết mối quan hệ giữa người và người trong gia đình trên cơ sở hòa hiếu. Chính những chuẩn mực đạo đức cơ bản được giáo dục, rèn giũa trong gia đình, thông qua ứng xử giữa các thành viên, cũng là cơ sở để xây dựng quan hệ ứng xử ở ngoài xã hội. Đó là biết sống hòa đồng, kính trên, nhường dưới, tôn trọng quy tắc công cộng, tôn trọng phong tục tập quán, tín ngưỡng và pháp luật; biết tránh và không làm nảy sinh những mâu thuẫn không cần thiết, biết giải quyết những bất đồng bằng giải pháp mềm dẻo giữ được hòa khí.
1.2. Hòa hiếu để xây dựng quan hệ xóm giềng tốt đẹp
Làng ở Việt Nam là một thực thể, rất nhiều tính chất đa dạng, lưu giữ yếu tố của ba loại hình công xã (công xã thị tộc, công xã gia tộc, công xã nông thôn) chồng xếp lên nhau. Trong làng tính công xã thị tộc còn mờ nhạt, nhưng tính công xã gia tộc, công xã nông thôn lồng ghép với nhau và bị chi phối mạnh bởi phương thức canh tác tiểu nông. Theo Bùi Xuân Đính, làng là đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt Nam, có địa vực riêng, cơ cấu tổ chức, cơ sở hạ tầng, các tục lệ thờ cúng riêng, tâm lí tính cách riêng và thậm chí, cả thổ ngữ riêng, hoàn chỉnh và tương đối ổn định trong quá trình lịch sử. Đó là một địa vực riêng biệt sau “lũy tre” ngăn cách khu vực cư trú với khu canh tác, ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài vào quấy nhiễu, bảo vệ sự an bình cho người dân.
Người cùng làng ở Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu thành lập đã có sự gắn kết và sống hòa đồng với nhau. Bởi vì, trong lao động nông nghiệp đòi hỏi dân làng phải hợp tác với nhau để chống hạn, chống úng lụt và giúp đỡ, hỗ trợ nhau cho kịp thời vụ, cũng như phân công nhau canh tác sao cho có hiệu quả nhất. Hơn nữa tình cảm dòng họ gắn kết, nên hòa đồng làm cho quan hệ huyết thống ngày càng bền chặt và cũng là điều kiện để phát triển làng. Trong làng gắn bó với nhau thân thiết không chỉ bằng quan hệ huyết thống hay dòng họ, mà còn có quan hệ láng giềng gắn bó với nhau trong cuộc sống và sản xuất nên khá bền chặt. Sống trong cùng khoảnh tre, mọi người đều quan niệm rằng, vắng anh em do ở xa thì đã có láng giềng gần “bán anh em xa, mua láng giềng gần” hay “tắt lửa tối đèn có nhau”.
Thực tế, làng không chỉ là một đơn vị cư trú, một đơn vị kinh tế mà còn là một đơn vị hành chính và một đơn vị văn hóa. Làng trên đất nước Việt Nam xuất hiện cùng với quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy và hình thành giai cấp, nhà nước. Lịch sử của làng, gắn với quá trình lập nước đầu tiên, gắn với quá trình ra đời của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc nên lịch sử của làng cũng dài như lịch sử của đất nước. Vì có quá trình phát triển lâu dài như vậy, nên người trong làng có sự gắn kết và giữ hòa hiếu để cùng nhau giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến làng như vấn đề môi trường, điều kiện lao động sản xuất, bảo vệ mùa màng, trật tự an ninh, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần… Hòa hiếu tạo nên sự thân thiết gần gũi, tất cả cái gì của làng đối với người trong làng đều là của ta: “làng ta”, “đồng ta”, ao làng là “ao ta”, thậm chí con trâu của các gia đình trong làng cũng là “trâu ta”. Đặc biệt, qua những câu ca dao, tục ngữ có thể thấy rõ hơn về truyền thống ứng xử hòa hợp – khoan dung,… của con người Việt Nam từ gia đình đến làng xã, rồi đến ngoài xã hội. Chẳng hạn, “Tình làng nghĩa xóm”, “Lá lành đùm lá rách” ,”Chia ngọt sẻ bùi”, “Đồng cam cộng khổ”… luôn được đề cao. Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình của làng luôn in đậm trong tâm trí của những người con khi đi xa; hình ảnh của làng hòa quện trong hình ảnh của người thân trong mỗi gia đình. Tính cộng đồng trong phạm vi làng là cơ sở tạo nên tính đồng nhất trong đồng tộc, đồng họ, đồng niên, đồng hương, … và hướng tới một cộng đồng rộng lớn hơn là đồng bào.
Trong các làng truyền thống thường có Hương ước, nội dung quy định, mọi người phải ăn ở hòa thuận, giữ đúng đạo hiếu, gìn giữ tình làng nghĩa xóm… để thực hiện sự hòa hiếu, làng thường đề ra các biện pháp về cứu trợ và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi ai đó trong làng gặp khó khăn, hoạn nạn… Từ tâm lý, tình cảm thân thương gần gũi, hòa hiếu trong cộng đồng, làm cho người dân hiểu rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với làng.
1.3. Hòa hiếu để xây dựng và bảo vệ non sông đất nước
Đất nước Việt Nam ở vị thế đặc biệt quan trọng nên thường xuyên bị các thế lực ngoại xâm đe doạ thôn tính; hơn nữa, do đất không rộng, người không đông, muốn chiến thắng những đội quân xâm lược hùng mạnh, người Việt Nam phải có ý thức cộng đồng, có tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Nhân tố phát huy ý thức cộng động và tinh thần đoàn kết chính là truyền thống hòa hiếu. Khi có giặc ngoại xâm, tất cả các tầng lớp xã hội, các giai cấp đều đoàn kết thống nhất với nhau, giữ vững tinh thần hòa hiếu vì một mục tiêu chung là đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi. Thực tế, các cộng đồng, các cá nhân ít nhiều có thể có những lợi ích khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, nhưng khi có giặc ngoại xâm, truyền thống hòa hiếu giúp họ liên kết chặt chẽ với nhau, biết đặt lợi ích của cá nhân, lợi ích cộng đồng nhỏ xuống sau lợi ích của cộng đồng dân tộc. Hòa hiếu trở thành tâm lý dân tộc, tính cách dân tộc, thể hiện bản sắc văn hoá Việt Nam, đó là nét văn hoá kết tinh từ những giá trị truyền thống lịch sử dân tộc. Như vậy, tinh thần hòa hiếu đã trở thành lẽ sống của mỗi người dân Việt Nam và của cả dân tộc nâng cao ý thức cộng đồng không chỉ trong công cuộc dựng nước mà cả trong công cuộc giữ nước.
Người Việt Nam dù ở miền núi hay khu vực trung du, đồng bằng, hải đảo; dù ở nông thôn hay thành thị đều là con cháu Lạc – Hồng, đều có chung nguồn gốc, là anh em một nhà, cùng là con dân của một nước. Hòa hiếu là tiền đề cho sự đoàn kết gắn bó keo sơn, điều đó đã ăn sâu vào tâm thức, tư tưởng, tình cảm, thành nếp nghĩ, tích hợp nên sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam; có sức quy tụ nâng cao ý thức cộng đồng, tinh thần yêu nước và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến tận ngày nay.
Hòa hiếu trở thành ý thức cộng đồng được củng cố ngày càng bền chặt trong những phong tục tập quán kéo dài từ đời này qua đời khác. Những thể lệ, những giao ước, những quy tắc trong sinh hoạt gia đình, làng xóm, những chuẩn mực đạo đức xã hội đề cao tinh thần hòa hiếu… chúng vừa là sản phẩm của ý thức cộng đồng vừa là những nhân tố cấu kết nội tại của ý thức đó. Hành vi của các cá nhân trong cộng đồng được điều chỉnh thông qua dư luận xã hội bằng những lời đồn đại, bày tỏ thái độ khích lệ hoặc chê cười của dân làng. Người làng chê trách, xa lánh những kẻ hay gây hiềm khích không giữ đạo hòa hiếu đi ngược lợi ích cộng đồng. Tinh thần hòa hiếu cũng kích thích tính năng động, sự tham gia của mọi người vào các hoạt động tập thể xem đó là bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình và được thực hiện một cách hoàn toàn tự nguyện, tự giác. Hòa hiếu là tình cảm sâu sắc đối với cộng đồng luôn đi liền với trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân. Hòa hiếu là ý thức cộng đồng, bởi lẽ đối với người Việt Nam thường đặt lợi ích cộng đồng cao hơn lợi ích của cá nhân, lợi ích Tổ quốc cao hơn lợi ích của gia tộc. Chính vì vậy, mỗi cá nhân đều cảm thấy hạnh phúc khi được hòa mình sống giữa tình yêu thương của gia đình, làng xã và Tổ quốc, được tham gia đấu tranh cho hạnh phúc của cả dân tộc. Ngược lại, đau khổ, bất hạnh, nhất là bị tách ra khỏi cuộc sống của cộng đồng, bị cộng đồng xa lánh.
Hòa hiếu thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân tộc là nguyên tắc, chuẩn mực điều chỉnh hành vi và quan hệ đạo đức của mỗi con người Việt Nam nhưng do yêu cầu của giai cấp thống trị trong từng thời kỳ lịch sử mà ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết được thể hiện với những hình thức và nội dung cũng khác nhau. Thời kỳ phong kiến, hòa hiếu là ý thức cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết của người Việt Nam nhưng bị chi phối bởi ý thức hệ phong kiến, cùng với nó là quan hệ gia đình, làng xã, dòng họ của cư dân nông nghiệp, được củng cố bởi phong trào đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm. Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh bảo vệ không gian sinh tồn của mình, nhưng bản chất hòa hiếu đã ăn sâu vào tâm hồn và tính cách của dân tộc. Một dân tộc, khi cần thiết phải bảo vệ sự tồn vong buộc phải cầm gươm, cầm súng, nhưng khi đã sạch bóng quân thù thì “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Việt Nam quê hương ta – Nguyễn Đình Thi). Tinh thần hòa hiếu đã thấm sâu vào trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt Nam, nó luôn có sức thôi thúc, lan tỏa trong đời sống cộng đồng, đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ ứng xử.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, các triều đại phong kiến thường ban hành những chính sách để ổn định, tăng cường sự cấu kết lòng dân, hòa hợp dân tộc, bên cạnh đó còn thể hiện sự bao dung, hòa hiếu cả với kẻ có tội với dân tộc lẫn kẻ thù xâm lược. Chẳng hạn, Triều đại nhà Trần, sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lăng của quân Nguyên lần thứ ba (1288), có thu được hòm tờ biểu của những kẻ phản quốc, gửi cho giặc để xin được làm quan, nhưng Thượng hoàng và nhà vua đã ra lệnh đốt hết các bức thư ấy. Vì thế, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng “Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng những kẻ phản trắc” [4, tr.318]. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (thế kỷ XV), Lê Lợi – thủ lĩnh nghĩa quân, luôn chăm lo, vỗ về và quan tâm xây dựng và củng cố tình đoàn kết quân dân. Những kẻ lầm đường, lạc lối, ông luôn tạo điều kiện để họ “đái công chuộc tội” [1, tr318].
1.4. Hòa hiếu trong quan hệ ngoại giao
Một dân tộc hòa hiếu và nhân đạo với cả quân thù, nét đẹp ấy là điểm son chói sáng, điểm đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Đất nước Việt Nam nằm ở vị trí địa lý có sự tiếp xúc và giao lưu với nhiều nền văn hóa và văn minh trên thế giới. Trong quá trình giao lưu và tiếp xúc ấy, Việt Nam trở thành miền đất lành cho nhiều cộng đồng dân cư, với những truyền thống lịch sử, văn hóa khác nhau dừng chân xây cơ, dựng nghiệp, tạo nên một quốc gia đa sắc tộc. Trên dải đất hình chữ S hiện nay, có 54 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống hòa hợp và gắn bó với nhau trong vận mệnh chung của dân tộc Việt Nam.
Do vị trí chiến lược về địa – chính trị, nên nước ta thường xuyên phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà kẻ thù luôn là các thế lực hùng mạnh và hung hãn. Đó là các đế chế phong kiến phương Bắc suốt từ thời Tần, Hán (trước Công nguyên), Đường, Tống, Nguyên, Minh cho đến Mãn Thanh (cuối thế kỷ XVIII), không có triều đại nào không ít nhất một lần tấn công xâm lược Việt Nam… Liên tục trải qua chiến tranh và chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam là quốc gia hơn ai hết thấu hiểu thế nào là giá trị của hòa bình. Chính vì vậy, cùng với truyền thống hòa hiếu, hữu nghị, người Việt luôn tìm cách gìn giữ hòa bình, tránh nạn binh đao. Chỉ đến khi không còn bất cứ cơ hội nào để giữ hòa bình, người Việt mới buộc phải đứng lên chiến đấu. Và một khi đã phải cầm vũ khí thì tinh thần bất khuất, ngoan cường của người Việt đã khiến cho tất cả các thế lực ngoại xâm đều khiếp sợ.
Chiến thắng quân xâm lược, mặc dù những tội ác mà chúng đã gây ra (không giấy bút nào có thể kể hết, như Nguyễn Trãi đã viết), nhưng với kẻ đã thất bại đầu hàng, ông cha ta đã đối xử rất nhân từ để giữ quan hệ hòa hiếu lâu dài. Đúng như vua Lê Thái Tổ đã nói: “Việc phục thù trả oán là thường tình của mọi người, nhưng không ưa giết người là bản tính của người Nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng mãi tới muôn đời, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người để dứt mối chiến tranh đến muôn thưở, công việc sẽ chép vào sử xanh, tiếng thơm sẽ truyền mãi tới ngàn thu, há chẳng lớn ư!” [3, tr.70].
2. Giá trị hòa hiếu với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam hiện nay – những vấn đề đặt ra
2.1. Vấn đề đặt ra với việc phát huy truyền thống tốt đẹp của các gia đình, dòng họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, của đô thị hóa, công nghiệp hóa và sự xâm nhập của văn hóa phương Tây… gia đình Việt Nam có những biến đổi rất lớn, giá trị hòa hiếu cũng có sự biến động. Những biến động theo xu hướng tiêu cực đáng để chúng ta phải suy nghĩ, đó là:
Thứ nhất, kết cấu của gia đình truyền thống đang thay đổi, mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, chồng với vợ, anh chị em với nhau, ông bà với cháu, bà con họ hàng thân thích, ngày càng lỏng lẻo; “cái tôi” trở thành trung tâm, chủ nghĩa “vị kỷ” phát triển khiến mọi người thiếu sự quan tâm lẫn nhau, người già cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự mở rộng của không gian mạng, mỗi người có một phương tiện điện thoại, máy tính… có thể liên kết với thành viên khác ngoài gia đình, với các thú vui giải trí, đọc truyện, xem phim… một cách tự do theo sở thích, điều đó đã tạo ra khoảng cách và ngày càng đẩy xa các mối quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Thứ hai, giá trị truyền thống về chữ “Hiếu” có nguy cơ và thách thức bị mai một, cụ thể trong xã hội đã xuất hiện tình trạng như: con cháu không tôn kính cha mẹ, ông bà; từ chối, trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ khi về già; không nghe lời dạy dỗ, khuyên bảo của ông bà, cha mẹ; nét đẹp văn hoá của phong tục thờ cúng tổ tiên dần bị biến dạng, không còn nguyên nghĩa truyền thống với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Một tất yếu hợp logic là, nếu chữ “Hiếu” mai một thì chứng tỏ đạo đức của những người trong gia đình ít nhiều đã suy thoái, theo đó giá trị hòa hiếu – cơ sở cho sự ổn định gia đình và xã hội cũng biến đổi theo.
Thứ ba, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội xuất hiện ngay trong mỗi gia đình như thói ích kỷ, tham nhũng, thiếu chung thủy, nghiện ngập… Các bậc bề trên trong gia đình thiếu tính chuẩn mực làm gương, không có sự định hướng rõ ràng về lý tưởng, lẽ sống cao đẹp cho con em; có thể nói, vai trò giáo dục đạo đức truyền thống trong gia đình có xu hướng ngày càng suy giảm, mặc dù có sự đầu tư cho con học các trường chất lượng cao nhưng sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội lỏng lẻo dẫn đến tình trạng “khoán trắng” cho nhà trường và xã hội nên hiệu quả giáo dục nhất là giáo dục đạo đức, lý tưởng không cao.
Thứ tư, hiện nay phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới đã phát triển khá sâu rộng cả ở nông thôn lẫn thành thị và khách quan cũng phải thừa nhận, phong trào đã đạt được một số những thành tựu nhất định. Nhưng thực tế, phong trào này ở nhiều địa phương vẫn mang nặng tính chất hình thức, các gia đình trong xóm đều dán danh hiệu “Gia đình văn hóa mới” nhưng nội dung văn hóa không cụ thể; hoặc không phù hợp với thực tiễn và phù hợp với định hướng trong xây dựng xã hội mới của Đảng và Nhà nước.
2.2. Vấn đề đặt ra với việc phát huy giá trị hòa hiếu nhằm xây dựng môi trường sống tốt đẹp, lành mạnh từ cơ sở làng xóm, khu dân cư
Hiện nay, mặc dù vẫn khẳng định văn hóa làng xã là cốt lõi, là bản sắc của văn hóa dân tộc. Chính tính hòa đồng – một biểu hiện của tinh thần hòa hiếu, đã hun đúc nên những giá trị tinh thần, tạo nên những mối quan hệ bền chặt và khăng khít của làng. Nhưng mọi cái đều có tính hai mặt, nhiều khi chỉ nhấn mạnh và khai thác mặt tích cực mà chưa thấy hết mặt hạn chế của tính hòa đồng làng xã. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, mặt hạn chế của văn hóa làng xã như tính cộng đồng, là nhấn mạnh vào sự đồng nhất, theo đó ý chí cá nhân dần bị xoá nhờ, hòa tan vào các mối quan hệ xã hội; khi giải quyết xung đột giữa các cá nhân, giữa các nhóm xã hội hay giữa cá nhân và xã hội thì cố gắng giải quyết theo hướng “hòa cả làng”, tất cả đều thắng. Đông thời tính đồng nhất cũng dễ dẫn đến thói dựa dẫm, ỷ lại “nước nổi, bèo nổi”, “khôn độc không bằng ngốc đàn” kéo theo tư tưởng cầu an, cả nể.
Một trong những đặc tính tư duy của người Việt Nam – cư dân làm nông nghiệp lúa nước là lối sống trọng tình đã hình thành lối suy nghĩ và ứng xử nước đôi. Theo đó, trong tâm lý vừa có tính đoàn kết, tương trợ lại vừa có óc tư hữu, ích kỷ, cào bằng; vừa có tính tập thể hòa đồng lại vừa có óc bè phái địa phương; vừa có nếp sống dân chủ bình đẳng, vừa có tính gia trưởng, tôn ty; vừa có tính cần cù, tự cung tự cấp, vừa có thói dựa dẫm, ỉ lại… Những hạn chế như vậy trong tư duy và trong hành động cần phải được được khắc phục và loại bỏ, cần phải có sự thay đổi căn bản để đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc xây dựng xã hội mới. Theo đó, cần phát huy những giá trị nhân văn, nhân bản trong tư tưởng hòa hiếu của văn hóa dân tộc, đông thời khắc phục những nhược điểm của tư tưởng trông chờ, cục bộ, để hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại. Tiếp thu một cách có chọn lọc và đào thải những yếu tố ngoại xâm trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, để đưa đất nước hòa nhập phát triển nhưng không hòa tan trong dòng chảy của thời đại.
3. Một số giải pháp để củng cố và phát huy giá trị hòa hiếu của dân tộc Việt Nam
3.1. Giáo dục lòng nhân ái, ý thức cộng đồng, lên án, loại trừ hành vi bạo lực
Lòng nhân ái, ý thức cộng đồng – sống hòa hiếu và yêu thương là một giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc thể hiện đạo lý làm người, biểu thị một lý tưởng nhân văn, cần được trân trọng giữ gìn và phát huy. Để làm được điều đó, yếu tố quan trọng là làm cho mỗi thành viên của gia đình hoặc tập thể khác có được năng lực nhận thức và hành động một cách tự nguyện, tự giác, sống tốt hơn, đẹp hơn. Nếu biết yêu thương, quý trọng con người thì phải biết quan tâm chia sẻ đến cả những nỗi rủi ro, bất hạnh, biết đau với nỗi đau của người khác và biết hòa niềm vui, hạnh phúc với mọi người. Đồng thời, phải ngăn chặn cái ác, chống bạo lực như bạo lực học đường, bạo lực trong gia đình, chống kích động chia rẽ cộng đồng dân tộc… Những điều này gây nhức nhối xã hội, đòi hỏi tuyên truyền, giáo dục các giá trị truyền thống, nhằm tác động đến mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tập thể, qua đó giúp cho mỗi chủ thể tự nhận thức, tự đánh giá, tự điều chỉnh hành vi theo xu hướng tích cực vì sự phát triển hài hòa của xã hội. Tất cả những nội dung đó trong giai đoạn hiện nay, là những vấn đề có tính nhân văn và cấp bách. Bởi vì, sẽ không thể làm cho cái thiện toàn thắng nếu không loại trừ cái ác khỏi đời sống xã hội. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội đem lại hạnh phúc chân chính cho con người là đồng nhất với nội dung của chủ nghĩa nhân đạo xã hội, đó là “làm cho mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Để từng bước xây dựng một xã hội phát triển hài hòa, cần phải đảm bảo sự thống nhất giữa lợi ích xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân; cần phải có sự đánh giá, điều chỉnh các mối quan hệ đó một cách đầy đủ, biện chứng. Trong quan hệ về lợi ích, cần chú ý đến nguyên tắc hoạt động vừa mang lợi ích cho xã hội vừa mang lợi ích cho cá nhân. Còn khi phải đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân, đòi hỏi phải hy sinh cái riêng để phục vụ lợi ích chung, đó là khi trước sự mất còn của Tổ quốc, phải tập trung tất cả cho độc lập tự do hay phải ưu tiên cho những vấn đề có tính chiến lược, lâu dài của đất nước. Đây không chỉ là tình cảm, mà còn là trách nhiệm; không chỉ là mối liên hệ giản đơn, mà còn là mối liên hệ nhiều chiều và sâu sắc giữa những con người trong mỗi tập thể, cũng như trong toàn xã hội. Chính sự thống nhất này là động lực cho cá nhân hoạt động, là cơ sở cho sự gắn bó giữa cá nhân với tập thể và xã hội – sự thống nhất giữa cái ta và cái tôi. Đó là điểm đến của tư tưởng hòa hiếu giữa truyền thống và hiện đại.
3.2. Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, “đồng cam cộng khổ”, bao dung trong cộng đồng dân tộc Việt Nam
Phát huy giá trị truyền thống hòa hiếu – lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giàu giá trị nhân văn, giàu tình yêu thương, đó là đoàn kết giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau khi gặp rủi ro, hoạn nạn. Ý thức cộng đồng “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần’’ tránh hiện hiện tượng vô cảm, bàng quan, thờ ơ trước nỗi đau do gặp hoạn nạn của người khác trong cộng đồng. Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống, góp phần thức tỉnh lương tâm, tạo ra một hành lang trách nhiệm đạo đức trong mỗi con người. Giữ gìn tình cảm, niềm tin, lý trí, ý chí luôn tuân theo giá trị đạo đức truyền thống và trong tiềm thức luôn thường trực ý thức để chuyển hóa tư tưởng thành sức mạnh sáng tạo xã hội mới nhân đạo và nhân văn.
Giáo dục giá trị hòa hiếu truyền thống, không chỉ góp phần làm cho con người mang “bản tính cộng đồng” mà còn giúp cho mỗi người ngày càng gắn bó chặt chẽ với cộng đồng của mình. Giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các giá trị truyền thống tương thân, tương ái, “đồng cam, cộng khổ”, bao dung nhằm tác động mạnh mẽ đến ý thức, hành vi biết sống vì cộng đồng. Đây là giải pháp quan trọng nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc hình thành nên những con người biết yêu quê hương đất nước, ý thức được đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu đưa đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
3.3. Ưu tiên giải quyết những bất đồng trong quan hệ quốc tế bằng chiến lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, tư tưởng hòa hiếu trong đối ngoại luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần giải quyết mối quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng mà còn tạo điều kiện bảo vệ được độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hồ Chí Minh là biểu tượng tiêu biểu nhất là trong cách hành xử theo phương châm coi trọng hòa hiếu, hòa bình, đề cao văn hóa đối thoại trong quan hệ với các nước, kể cả với kẻ thù xâm lược. Hòa hiếu luôn là phương châm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động đối ngoại. Lòng khoan dung, nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của truyền thống hoà hiếu, hòa bình, hữu nghị và hợp tác của Việt Nam. Trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng này của Người. Về mặt đối nội, Đảng lãnh đạo đổi mới trong mọi lĩnh vực, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Về mặt đối ngoại, Đảng thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.
4. Kết luận
Trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, để góp phần xây dựng, phát triển kinh tế và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, ứng xử linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách phù hợp truyền thống hòa hiếu để thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao vị thế và gia tăng tiềm lực cho đất nước… Xác định tầm quan trọng của công tác ngoại giao trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 14/12/2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc – trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”” [7, tr.201]. Trường phái ngoại giao này được hình thành, chính là sự kế thừa truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Đào Duy Anh (2002): Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb. Văn hóa Thông tin.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội
- .Lê Quý Đôn (1978): Đại Việt Thông sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Ngô Sỹ Liên (2011): Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Thời Đại.
- Hồ Chí Minh (2000): Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2002): Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.