HOẠT ĐỘNG CỦA CHI HỘI TRIẾT HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

Trần Đăng Sinh

Chi Hội Triết học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

KHAI XUÂN 2025

CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT KHAI XUÂN –
HÀNH HƯƠNG VỀ “XỨ ĐÔNG” CỦA CHI HỘI TRIẾT HỌC
CƠ SỞ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

Th.S Nguyễn Khả Bắc –

Chi hội Triết học trường ĐHSP Hà Nội

Thượng tọa Thích Thanh Cường –

Chi hội Triết học trường ĐHSP Hà Nội

          “Tôn sư trọng đạo” là nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy truyền thống ấy, trong không khí của mùa xuân đổi mới, chi hội Triết học cơ sở trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức chương trình sinh hoạt khai xuân với chuyến hành hương về mảnh đất “xứ Đông” – tỉnh Hải Dương, nơi giàu truyền thống hiếu học, phát tích nhiều danh sư trong lịch sử.

          Sáng ngày 23/2/2025 chuyến đi khởi hành từ cổng trường Đại học Sư Phạm Hà Nội dưới sự điều hành, tổ chức của Ban chấp hành chi hội – Chi hội trưởng PGS. TS Trần Đăng Sinh. Tham gia chương trình sinh hoạt khai xuân, tham quan và dâng hương có sự tham gia của đông đảo hội viên trong chi hội cùng các nhà khoa học, đại biểu khách mời.

          Điểm dừng chân đầu tiên của chương trình là Văn miếu Mao Điền, tỉnh Hải Dương, nơi được coi là biểu tượng của sự học, của tinh thần hiếu học và tôn sư trọng đạo của vùng đất Xứ Đông. Mao Điền là một trong những văn miếu lớn của cả nước, nơi tôn vinh các bậc hiền tài, lưu giữ truyền thống hiếu học lâu đời của người Xứ Đông. Với những ai đang nghiên cứu, giảng dạy về Triết học và giáo dục, việc viếng thăm Văn Miếu Mao Điền vào dịp đầu xuân không chỉ mang ý nghĩa cầu mong tri thức và sự khai sáng, thành công trên con đường khoa cử mà còn là dịp để tri ân những bậc hiền nhân đã góp công xây dựng đạo học nước nhà. Không gian nơi đây gợi nhắc mỗi chúng ta về sự quan trọng của đạo học, của chữ “Nhân” trong giáo dục, và của tinh thần tận tâm tận lực cống hiến cho thế hệ mai sau của Hiền nhân. Tại đây, Chi hội Triết học cơ sở trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã gặp gỡ Ban quản lý Văn miếu Mao Điền, tổ chức lễ dâng hương, tưởng nhớ anh linh các danh sư trong lịch sử khoa cử nước nhà. Trong không gian linh thiêng của toà Bái đường, Chi hội cùng các nhà khoa học, đại biểu khách mời đã được Ban quản lý danh thắng giới thiệu chi tiết về lịch sử của Văn Miếu Mao Điền, ngoài việc thờ Khổng Tử, còn phối thờ 08 vị Đại khoa người Việt, trong đó, đúc tượng đồng 5 danh nhân là Đức Khổng Tử, Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các tượng được đặt trong khám gỗ sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Đồng thời, lập bài vị 04 danh nhân là: Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh, Thần toán Việt Nam Vũ Hữu, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh, Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ. Sau khi tham quan các công trình kiến trúc trong khuôn viên Văn miếu Mao Điền, đoàn được Ban quản lý danh thắng tổ chức lễ xin chữ đầu xuân. Mỗi thành viên tham gia trong đoàn được thầy đồ viết tặng một chữ theo lối thư pháp Hán cổ, thể hiện tinh thần hiếu học, trọng tài, kính đức, tôn sư.

          Sau khi rời Văn miếu Mao Điền, điểm đến tiếp theo của đoàn là Chùa Cương Xá, một ngôi cổ tự linh thiêng, nơi hội tụ của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.

Đầu xuân, người Việt có truyền thống đi lễ chùa để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, sức khỏe và trí tuệ. Chùa không chỉ là nơi gửi gắm tâm nguyện, mà còn là nơi để chúng ta tìm thấy sự tĩnh lặng, cân bằng trong tâm hồn, đặc biệt với những ai yêu thích nghiên cứu Triết học Phật giáo và đời sống tâm linh. Tại đây, đoàn được lắng nghe những lời giới thiệu ý nghĩa về triết lý nhân sinh, về sự hòa hợp giữa Phật giáo và Triết học, về cách áp dụng những tư tưởng Triết học Phật giáo sâu sắc vào đời sống hôm nay.

Tại chùa Cương Xá, bên cạnh các hoạt động dâng hương lễ Phật, gặp gỡ, trao đổi cùng chư tôn đức tăng ni, Phật tử, đoàn đã tổ chức toạ đàm chuyên môn về hoạt động nghiên cứu triết học trong bối cảnh đất nước tiến hành đổi mới, định hướng nghiên cứu triết học gắn với sự phát triển của kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và dự kiến các chương trình hoạt động của chi hội trong năm 2025. Cũng trong dịp này, đại diện Ban chấp hành Chi hội trao quyết định kết nạp cho hội viên Nguyễn Đăng Thành, giảng viên bộ môn Lý luận Chính trị trường Đại học Luật Hà Nội.

Điểm đến tiếp theo của đoàn là đền thờ Chu Văn An – “Vạn thế sư biểu”, tấm gương sáng ngời của nền giáo dục Việt Nam.

Thầy Chu Văn An được tôn Thánh không chỉ bởi tài năng xuất chúng, mà còn bởi đức hạnh, khí tiết và sự tận tụy với sự nghiệp trồng người. Đầu năm đến dâng hương tưởng nhớ Thầy, mỗi thành viên trong đoàn không chỉ bày tỏ lòng tri ân sâu sắc mà còn tự nhắc nhở bản thân về sứ mệnh lan tỏa tri thức, gìn giữ và phát huy giá trị Đạo học đặng góp phần xây dựng nền giáo dục tiên tiến của nước nhà. Nơi đây, mỗi người như tìm thấy nguồn cảm hứng và động lực mới để tiếp tục con đường học tập, nghiên cứu và giảng dạy, hiểu sâu hơn về mối liên kết giữa triết học và đạo đức, giữa tri thức và nhân cách, giữa học thuật và đời sống.

Trong không gian linh thiêng trên đỉnh núi Phượng hoàng, các thành viên trong đoàn tiến hành dâng hương, ngược dòng lịch sử để chiêm nghiệm, học tập từ cuộc đời và sự nghiệp của thầy Chu Văn An, người thầy của muôn đời.

Sau khi thăm quan, chiêm bái quần thể danh thắng đền thờ thầy Chu Văn An, đoàn di chuyển xuống chân núi. Lúc này, ánh hoàng hôn đã ngả đậm những cung đường của dãy Phượng hoàng. Khép lại chuyến hành hương mỗi thành viên tham gia đoàn đều lâng lâng những cảm xúc thiêng liêng, thành kính. Chương trình sinh hoạt khai xuân của Chi hội Triết học cơ sở trường Đại học Sư phạm Hà Nội kết thúc sau khi chuyến xe trở về với nhịp sống hối hả của Thủ đô Hà Nội cũng là lúc thành phố đã lên đèn./.

Bài liên quan

Bài đăng mới