Hòa quang đồng trần: Từ Lão Tử, Trần Nhân Tông đến ngoại giao cây tre Việt Nam hiện nay

Tương lai không chỉ là những gì chưa diễn ra mà còn bao gồm những ảnh hưởng của quá khứ lên hiện tại. Lão Tử, với triết lý “hòa quang đồng trần,” có ảnh hưởng sâu sắc xuyên suốt lịch sử. Theo Lão Tử, “Đạo” tác động đến mọi thứ trong vũ trụ nhưng không can thiệp, cho phép vạn vật tự phát triển. Triết lý này được Trần Nhân Tông kế thừa, kết hợp với Phật giáo và tinh thần Việt Nam, tạo nên sự hài hòa giữa trách nhiệm cá nhân và xã hội. Tư tưởng “hòa quang đồng trần” thể hiện rõ trong triết lý ngoại giao cây tre của Việt Nam: vững chắc nhưng uyển chuyển. Việt Nam kiên định về nguyên tắc, tôn trọng sự độc lập và lợi ích của mọi quốc gia, đồng thời sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước. Mặc dù có cạnh tranh và xung đột, Việt Nam luôn đề cao “đại nghĩa” trong ứng xử. Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, đóng góp vào giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, xây dựng một tương lai mà mọi quốc gia đều phát triển độc lập và tự tại.

1. Mở đầu

Tư tưởng của Lão Tử đại diện cho nền tảng của các hệ tư tưởng triết học phương Đông. Quan niệm về Đạo của ông đã ảnh hưởng sâu sắc trong suốt chiều dài lịch sử đến nhận thức của phương Đông về bản chất của thế giới và của vạn vật. Đặc biệt, ảnh hưởng của Lão Tử đến văn hóa Trung Quốc rất sâu rộng, do vậy, việc giải thích tư tưởng của ông trở nên cần thiết để hiểu được các quan điểm hiện đại của phương Đông. Ảnh hưởng này không chỉ dừng lại ở Trung Quốc mà còn tác động đến Việt Nam. Nguyễn Duy Cần đã ghi nhận “Ở Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí ở Việt Nam từ xưa đến nay, không có nhà văn nổi tiếng, nghệ sĩ xuất sắc hay nhà tư tưởng sâu sắc nào không bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó bởi tư tưởng của ông” [4].

Một nhân vật đáng chú ý chịu ảnh hưởng bởi Lão Tử là Trần Nhân Tông, một nhà tư tưởng quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Ông nổi tiếng không chỉ bởi đã khai sinh Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam mà còn bởi ông cũng phát triển tư tưởng Đạo giáo. Triết lý của Trần Nhân Tông nhấn mạnh sự cởi mở, được gói gọn trong khái niệm “hòa quang đồng trần”. Triết lý này, bắt nguồn từ những lời dạy của Lão Tử, có ảnh hưởng sâu sắc đến cách chúng ta hiểu về cuộc sống tốt đẹp. Nó gợi ý rằng, việc thích nghi và chấp nhận sự thay đổi cho phép mọi thứ biến đổi thành bản chất thực sự của chúng.

Dựa trên những nền tảng này, bài viết sẽ khám phá tư tưởng của Lão Tử và Trần Nhân Tông, đặc biệt là triết lý “hòa quang đồng trần”. Cốt lõi của triết lý này là sự cởi mở, để nhận ra rằng mọi thứ đều có con đường và bản chất riêng. Hơn nữa, bài viết sẽ thảo luận về cách triết lý cởi mở của Trần Nhân Tông được thể hiện trong khái niệm “Ngoại giao Cây Tre” đã phản ánh được quan điểm của ông: “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển… thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam…” [9, tr.154].

2. Lão Tử – “Vô vi” là con đường hòa hợp

Một người có thể diễn giải Đạo như một nguyên tắc, nhưng đó không hoàn toàn là những gì Lão Tử muốn nói khi ông phát biểu: “Đạo có thể nói ra thì không phải là Đạo vĩnh cửu” (道可道非常道) [7, tr.1]. Theo nghĩa này, “Đạo trong sự vĩnh cửu không làm gì (道常无为). Nhưng không có gì không  nên (而无不为)” [7, tr.90].

Do đó, Đạo là không. Nhưng điều này không có nghĩa là “không có gì cả” hay theo nghĩa siêu hình “không có bản chất”. Theo Lão Tử, “không” chẳng phải là một sự trống rỗng; nó là một không gian trống mang lại ý nghĩa và chứa đựng công dụng:

“Ba mươi nan hoa tụ lại ở một trục bánh xe; chính nhờ chỗ trống mà bánh xe có thể sử dụng được.

Đất sét được đắp thành đồ dùng; chính nhờ chỗ trống mà đồ dùng có thể sử dụng được.

 Khoét cửa và cửa sổ để làm nhà; chính nhờ chỗ trống mà căn nhà có thể sử dụng được.

Vậy nên, cái có đem lại lợi ích, còn cái không mới đem lại công dụng” [7, tr.27].

Đó cũng chính là lẽ “vô vi” trong triết học Lão Tử, hàm ý việc, hành động nhưng luôn để lại khoảng trống để cho sự vật, sự việc phát huy cái vốn có của mình. Thực ra, trước Lão Tử, nhân loại đã làm điều này khi tương tác với giới tự nhiên, hay chế ra các công cụ cho sinh hoạt và lao động thường ngày. Nhưng trong quan hệ xã hội và đối nhân xử thế thì dường như không phải lúc nào cũng được thể hiện, và không phải ai cũng rõ. Công lao của Lão Tử ở chỗ này: lý giải sự “vô vi” trong quan hệ xã hội và hành động. Cụ thể hơn, Lão Tử nói rằng:

“Thiên hạ đều biết cái đẹp là đẹp, vì thế có cái xấu; đều biết cái thiện là thiện, vì thế có cái không thiện.

Có và không sinh ra lẫn nhau, khó và dễ bổ trợ lẫn nhau, dài và ngắn đối chiếu lẫn nhau, cao và thấp dựa vào nhau, âm và thanh hòa hợp với nhau, trước và sau theo nhau, đó là điều thường hằng.

Vì vậy, thánh nhân dùng vô vi để xử sự, dạy dỗ mà không dùng lời; để vạn vật tự sinh trưởng mà không tác động, tạo ra mà không chiếm hữu, làm mà không tựa cậy, công thành mà không lưu giữ. Chính vì không lưu giữ, nên ngài không bị mất đi” [7, tr.5].

Ở đây, các khái niệm như đẹp và xấu, thiện và bất thiện, có và không, khó và dễ, dài và ngắn, cao và thấp, âm và thanh, trước và sau, đều là những khái niệm tương quan và bổ sung lẫn nhau. Nếu không có khái niệm này, khái niệm kia sẽ không tồn tại; nếu thiếu khái niệm kia, khái niệm này sẽ không đứng vững. Trong sự đối lập, chúng tương hỗ và bổ sung cho nhau; đồng thời, mối quan hệ giữa hai khái niệm này không phải là tách rời mà có thể chuyển hóa lẫn nhau. Đây là một sự gợi mở quan trọng. Thánh nhân chính là người nắm vững lẽ thường hằng này, do đó, thuận theo vô vi để xử thế, dùng vô ngôn mà truyền đạt, nhằm để mọi sự phát triển đều theo tự nhiên, mà không thêm vào ý chí và dục vọng cá nhân của mình. Chỉ khi “không khởi xướng”, “không sở hữu”, “không dựa vào”, và “không chiếm giữ”, mới có thể đạt được kết quả “không bị mất”.

Như thế, vô vi không có nghĩa là không làm gì hết, mà thực chất là “làm theo Đạo” [3, tr. 42]. Vô vi không phải là không hoạt động, mà là hành động theo cách tự nhiên và hài hòa với quy luật của Đạo. Như vậy, vô vi xuất phát từ hành động, nhưng là hành động không can thiệp, không ép buộc, mà là hành động hài hòa với tự nhiên. Nếu chỉ đơn thuần không làm gì hết, thì cũng sẽ không thể thực hiện vô vi một cách chân chính. Vô vi, vì thế, chung quy lại ở việc hành động theo Đạo để tạo ra khoảng không cho sự tự nhiên phát triển. Nó là sự hòa quyện giữa hành động và không hành động, giữa can thiệp và không can thiệp, giúp duy trì sự cân bằng và hài hòa trong vũ trụ. Khi con người hành động theo Đạo, họ tạo ra một không gian cho mọi thứ diễn ra theo cách tự nhiên của chúng, không bị cản trở bởi sự can thiệp hay ý muốn cá nhân. Nhờ đó, vạn vật có thể phát triển và biến hóa một cách tự nhiên và bền vững.

Có nhiều cách khác nhau để tạo ra sự phát triển, tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung vào “hòa quang đồng trần” [7, tr.11]. Hòa quang đồng trần tức là đồng điệu với vạn vật, là sự nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với môi trường xung quanh, giữa con người với con người và là cách hành xử khôn ngoan giúp duy trì sự ổn định và hài hòa trong cuộc sống. Đó là sự đồng cảm và hòa nhập đến mức hành động của mình không còn bị tách biệt hay đối lập với hành động của người khác mà trở thành một phần của tổng thể lớn hơn. Khi hành động của mình đồng điệu với hành động của người khác, mọi sự can thiệp hay ý muốn cá nhân đều trở nên hòa hợp với cái chung, tạo nên sự phát triển tự nhiên và bền vững trong môi trường xung quanh. Vì vậy, vô vi là sự thể hiện của một nhận thức tinh tế và sự hòa hợp hoàn toàn với lẽ ấy, nơi mà cá nhân không chỉ hành động theo cách tự nhiên mà còn hòa nhịp với các hành động và xu hướng chung, thậm chí biến hành động cá nhân thành xu hướng chung và ngược lại. Đây là trạng thái mà trong đó, mỗi hành động không còn mang tính cá nhân hay chủ quan thuần túy, mà trở thành một phần của dòng chảy tự nhiên.

Dẫu vậy, trong thực tế, việc quan sát rằng mọi thứ thường xung đột với nhau là một nhận thức chung. Tự nhiên, khi chúng ta quan sát, mọi thứ không hòa hợp như chúng có vẻ mà thực tế có thể phá hủy lẫn nhau. Trong thế giới con người cũng thế. Mỗi người đều có lợi ích riêng dẫn đến việc gây hại và xung đột giữa các cá nhân. Trong khi mỗi người theo đuổi con đường riêng của mình, những con đường này liên kết không thể tránh khỏi việc ảnh hưởng lẫn nhau. Vậy vai trò của “hòa quang đồng trần” trong bối cảnh này là gì? Thường khi xung đột xảy ra, chúng ta cố gắng giải quyết nó một cách chủ động nhưng chính nỗ lực này có thể thổi bùng thêm xung đột. Nó giống như sử dụng bạo lực để kết thúc chiến tranh, điều này có thể dẫn đến nhiều bạo lực hơn. Lão Tử đề cập đến điều này trong câu nói “Nói nhiều thì càng dễ gặp bế tắc; Thà rằng giữ lấy lẽ trung (多言数穷,不如守中)” [7, tr.15]. Điều này có nghĩa rằng giải quyết xung đột liên quan đến “lẽ trung” – tham gia cả hành động và không hành động để xung đột tự giải quyết một cách tự nhiên. Nếu xung đột không thể tự giải quyết, nó duy trì một vòng luẩn quẩn của sự đối đầu. Quan niệm về “hòa quang đồng trần” của Lão Tử cho ta thấy rằng sự giải quyết thực sự đến từ việc chấp nhận cái không, không áp đặt ý chí của mình lên mọi thứ, cho phép sự khôi phục, vận hành tự nhiên vì mọi thứ luôn có con đường riêng để tồn tại. Triết lý này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chuyển hóa, gợi ý rằng cách tốt nhất để giải quyết xung đột không phải là thông qua đối đầu trực tiếp mà thông qua một sự tồn tại hòa hợp cho phép mọi thứ diễn ra theo con đường của riêng chúng. Vì lẽ đó, trong ngoại giao, Lão Tử chủ trương:

“Thế nên, nước lớn khiêm hạ trước nước nhỏ thì sẽ được lòng nước nhỏ

Nước nhỏ nhún nhường trước nước lớn thì sẽ được lòng nước lớn.

Dù cho khiêm hạ để thắng lợi, hay khiêm hạ để cầu an

Tham vọng của nước lớn là chinh phục nước khác;

Còn tất cả những gì nước nhỏ muốn là phụng sự nước lớn.

Để cả hai đều có thể đạt được điều họ muốn,

Điều tốt hơn cả cho nước lớn là giữ vị thế khiêm nhường” [7, tr. 149].

Lão Tử cho rằng, khi quốc gia lớn thể hiện sự khiêm nhường và không sử dụng sức mạnh để áp đảo quốc gia nhỏ, nó sẽ tạo nên sự tin tưởng cho các quốc gia, từ đó tạo nên môi trường ổn định. Ngược lại, khi quốc gia nhỏ thể hiện sự nhún nhường và tôn trọng quốc gia lớn, nó sẽ nhận được hỗ trợ cần thiết từ quốc gia lớn. Quốc gia lớn thường có tham vọng chinh phục và thống trị các quốc gia khác. Tuy nhiên, để có được sự phát triển bền vững, quốc gia lớn cần phải thể hiện sự khiêm nhường, nếu không sẽ mãi sa vào khói lửa chiến tranh và tụt dốc. Quốc gia nhỏ thường mong muốn sự hợp tác và liên minh để được bảo vệ và phát triển, và để đạt được điều này, quốc gia nhỏ cần phải tỏ ra nhún nhường và tôn trọng quốc gia lớn. Khi cả hai quốc gia, lớn và nhỏ, đều thể hiện sự khiêm nhường và tôn trọng lẫn nhau, thì chúng đều có thể đạt được điều mong muốn. Quốc gia lớn có thể mở rộng ảnh hưởng một cách hòa bình và quốc gia nhỏ có thể nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ cần thiết. Đây cũng thể hiện rõ triết lý hòa quang đồng trần, khi hành động (hoặc không hành động) của các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, sẽ dẫn đến kết quả tích cực một cách tự nhiên, không ép buộc.

Điều này cũng thể hiện tư tưởng “không tranh” của Lão Tử [7, tr.10]. Theo ông, không tranh là hành động của bậc “đại thiện”, người ấy có phẩm chất giống với với nước. Nước mềm mại, tĩnh lặng và ôn hòa, nuôi dưỡng muôn vật mà không bao giờ tranh giành, cho nên gần nhất với Đạo. Khi áp dụng vào ngoại giao, các quốc gia lớn và nhỏ đều có thể học hỏi từ tính chất của nước. Lão Tử cho rằng, giống như nước, các quốc gia, nhất là các quốc gia lớn nên hành xử một cách khiêm nhường, chấp nhận vai trò của mình một cách tự nhiên và không ép buộc hay can thiệp quá mức vào công việc của nhau. Điều này giúp duy trì sự hòa hợp và cân bằng trong các mối quan hệ quốc tế, qua đó đạt được sự phát triển và hợp tác lâu dài. Sự khiêm nhường trong ngoại giao không chỉ giúp các quốc gia tránh được xung đột mà còn mở đường cho sự hợp tác và phát triển bền vững trong cộng đồng quốc tế.

Tóm lại, Lão Tử chủ trương hành động theo Đạo, không tranh, luôn khiêm hạ, nhún nhường, “đặt thân mình ra sau” tạo ra không gian hay lợi thế cho vạn vật cùng phát triển. Điều này được phát triển thêm bởi Trần Nhân Tông.

3. Trần Nhân Tông – Triết lý của sự cởi mở

“Hòa quang đồng trần” (和其光 同其尘) là một khái niệm được Trần Nhân Tông phát triển thêm. Như ông đã nói: “mình ngồi thành thị, dùng nết sơn lâm” (“命憹城市 涅用山林”) [10, tr.506]. Sự diễn giải của ông thể hiện tinh thần của Lão Tử. Theo Trần Nhân Tông, không có sự khác biệt cơ bản giữa thành phố và núi rừng trên con đường tu hành. Mọi thứ đều có con đường riêng của mình; do đó, sống trong thành phố cần có cách riêng nhưng điều này không loại bỏ cách sống trong núi rừng. Điều này phản ánh tư tưởng hòa quang đồng trần của ông – không coi môi trường sống như một thực thể cố định mà nhấn mạnh tính khả dụng của nó trong mọi khía cạnh của cuộc sống, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự mở lòng với dòng chảy tự nhiên của của tồn tại.

Trần Nhân Tông kế thừa và tiếp tục phát triển tư tưởng hòa quang đồng trần của Lão Tử, tích hợp thêm những tinh hoa của Phật giáo và thậm chí cả Nho giáo. Ông không nhìn nhận sự khác biệt cơ bản giữa những hệ tư tưởng này, như được minh họa bằng sự khẳng định của ông: “Thực thế, hãy buông bỏ lòng mình và tự nhiên hòa hợp với Đạo (實世 唉舍無心 自然合道)” [10, tr.507]. Lập trường này về sự cởi mở dựa trên nguyên tắc “vô tâm” khuyến khích thái độ mở lòng đối với mọi thứ. Sự cởi mở này thể hiện rõ trong những câu thơ của ông:

“Sạch giới lòng, tịnh giới tướng, cả trong lẫn ngoài trang nghiêm như Bồ Tát; người ngay thờ chúa, kẻ thảo thờ cha, ấy mới là trượng phu trung hiếu. Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới đáng công ơn; học đạo thờ thầy, rục xương mòn óc vẫn chưa thể báo đáp. (瀝戒峼搥戒相,內外年菩薩莊嚴. 桰蜍主討蜍吒,岃杜買丈夫忠孝. 參禪見伴,涅身命買可回恩. 學道蜍柴,扟昌沃渚通晫報)” (Viện Văn học Việt Nam, 1988: 508).

Những triết lý này phản ánh sự tổng hợp tinh hoa của các giá trị Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo:

– Đạo giáo: Nhấn mạnh sự hòa hợp tự nhiên và châm ngôn “không làm gì” (vô vi), Trần Nhân Tông ủng hộ một cuộc sống hài hòa với trật tự tự nhiên, nơi hành động của một người hòa hợp với Đạo.

– Phật giáo: Tập trung vào việc tuân thủ giới luật và sống đắc đạo như một Bồ Tát, nhấn mạnh thực hành đạo đức và lòng từ bi của Đức Phật.

– Nho giáo: Nhấn mạnh vào sự nhân nghĩa và hiếu thảo, nhấn mạnh các giá trị đạo đức và nghĩa vụ xã hội

Triết lý của Trần Nhân Tông không chỉ là sự kết hợp các học thuyết khác nhau mà là sự nhận thức về “sự không” phổ quát làm nền tảng cho tất cả các con đường tu hành tâm linh. Bằng cách nuôi dưỡng một tâm trí và tấm lòng cởi mở, ông đã minh chứng rằng sự thông thái và giác ngộ thực sự xuất phát từ việc chấp nhận tính tương tục của mọi thứ dựa trên cái “không”. Cách tiếp cận này khuyến khích con người tìm kiếm sự cân bằng và hài hòa thực sự trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bất kể môi trường hoặc hoàn cảnh của họ bằng cách tạo ra không gian cho mọi thứ phát triển và nhận ra bản chất của chúng.

Triết lý cởi mở của Trần Nhân Tông có thể được tinh chỉnh thành châm ngôn đầu tiên (cách hành động) “cư trần lạc đạo” (居塵樂道) [10, tr.510]. Châm ngôn này gợi ý rằng cách sống của một người nên cởi mở và hài hòa đến mức nó không can thiệp vào sự phát triển tự nhiên của những thứ khác. Điều này phù hợp với triết lý Đạo gia của “vô vi” nơi hành động được thực hiện phù hợp với dòng chảy tự nhiên mà không ép buộc hoặc áp đặt. Trần Nhân Tông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khiêm nhường và không cố chấp vào cái riêng (nhất là cái tôi). Trạng thái “không” này không ngụ ý sự thụ động hay không hoạt động, mà là một sự tham gia tích cực với thế giới theo cách không gây rối loạn và hài hòa. Nó gợi ý một cách tồn tại hoàn toàn hiển lộ nhưng vẫn để lại không gian cho người khác phát triển và thịnh vượng. Sự hòa nhập này không chỉ là về việc chấp nhận và kết nối với những người và sự việc xung quanh, mà còn là khả năng điều chỉnh hành động của bản thân để phù hợp với hoàn cảnh mà không làm thay đổi nó. Điều này dẫn đến một trạng thái cân bằng và hòa hợp, nơi mọi người và mọi thứ có thể phát triển một cách tự nhiên và hiệu quả. Trần Nhân Tông, qua triết lý này, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ cho chính mình cởi mở và linh hoạt, đồng thời tôn trọng và hỗ trợ sự phát triển của môi trường và những người xung quanh, từ đó tạo ra một sự tồn tại hài hòa và đầy ý nghĩa.

Hơn nữa, triết lý “hòa quang đồng trần” của ông nhấn mạnh việc tìm kiếm sự thỏa mãn trong sự thuần nhất của tồn tại, nhấn mạnh sự bình yên nội tâm và sự hài lòng xuất phát từ việc hòa hợp với Đạo hơn là đấu tranh chống lại nó. Cách tiếp cận này khuyến khích sự linh hoạt và khả năng thích ứng, nhận ra rằng mỗi tình huống đều mang lại một khoảng không cho sự phát triển và thúc đẩy một tư duy mở với sự thay đổi và đáp ứng nhu cầu của thời điểm.

Châm ngôn thứ hai có thể được hình thành dựa trên quan điểm của Trần Nhân Tông là “đối cảnh vô tâm” (對境無心) [10, tr.510]. Châm ngôn “Đối diện với thế giới bằng tâm không” cho thấy ông đã kết hợp triết lý Thiền và Đạo giáo trong việc tu hành tâm linh và hành xử giữa các cá nhân một cách toàn diện. Nguyên tắc này là một lời kêu gọi không bám víu và không can thiệp vào thế giới bên ngoài từ một chủ thể có những sở thích và thiên vị cá nhân. Trần Nhân Tông muốn có “tâm không” – sự khiêm tốn và cởi mở của tâm trí đối với cuộc sống để cho mỗi thực thể theo đuổi con đường của mình theo bản chất của nó. Do đó, có sự hòa bình bên trong và sự tôn trọng sâu sắc đối với sự tự chủ và sự phát triển của tất cả các thực thể trong một sự tồn tại không thể tách rời. Một lần nữa, như chúng ta có thể thấy, đây là một quan điểm đại diện cho tư tưởng “vô vi”, theo đó được coi rằng sự khôn ngoan và hòa hợp thực sự không thể được thiết lập bằng sự cố gắng chủ động; thay vào đó, nó đến thông qua sự không can thiệp vào cách mọi thứ đang diễn ra.

Hơn nữa, châm ngôn “đối cảnh vô tâm” của Trần Nhân Tông không chỉ nhấn mạnh sự khiêm nhường và không bám víu vào cái tôi cá nhân mà còn phản ánh một sự cởi mở sâu sắc, vốn có liên quan mật thiết đến sự tin tưởng vào sự tồn tại và vào cái “không phải tôi” bên ngoài. Sự cởi mở ở đây không chỉ đơn thuần là một trạng thái thụ động mà là một sự tin tưởng tích cực vào “Đạo”. Điều này có nghĩa là chấp nhận và tin tưởng vào quá trình tự nhiên và sự phát triển của mọi thứ mà không cố gắng kiểm soát hay can thiệp. Khi Trần Nhân Tông kêu gọi “tâm không”, ông đang chỉ ra một sự buông bỏ không chỉ của cái tôi cá nhân mà còn của những mong muốn và quan điểm chủ quan. Cởi mở theo nghĩa này bao gồm một sự tin tưởng sâu sắc vào cái “không phải tôi” – tức là những yếu tố và quy luật bên ngoài mà chúng ta không thể kiểm soát nhưng vẫn phải tôn trọng và đồng thuận với chúng. Sự tin tưởng này có thể làm cho tâm trí trở nên trống rỗng, không bị chi phối bởi những thành kiến cá nhân, vì khi ta để cho sự tin tưởng vào sự tồn tại và quy luật bên ngoài dẫn dắt, tâm trí của chúng ta trở nên rỗng rang và sẵn sàng tiếp nhận mọi sự biến đổi của cuộc sống.

Theo đó, châm ngôn này còn hàm ý một điều sâu xa rằng, nếu lòng ta sáng trong và công chính, nhưng người khác không theo, thì hãy cứ để mọi thứ tự diễn biến. Nếu lòng ta thực sự tốt, ắt sẽ hữu xạ tự nhiên hương, sẽ cảm hóa được người khác một cách tự nhiên. Một khi lòng ta sáng trong, nghĩa là ta sống và hành động dựa trên sự tôn trọng sự phát triển của người khác, thì điều tốt đẹp tự nhiên sẽ biểu lộ, thu hút và cảm hóa người khác. Người ta sẽ tự nguyện theo vì chính bản thân họ nhận thấy giá trị và ý nghĩa trong đó. Còn nếu cứ cố theo người khác, ta sẽ đánh mất chính mình. Còn nếu cứ bắt buộc người khác phải theo, thì ta cũng đánh mất đi sự công chính vốn có. Đây chính là một định hướng cho chúng ta để điều hướng xung đột bằng cách cho cái riêng của bản thân hóa thành cái chung của tất cả mọi người, cuối cùng thúc đẩy một sự hòa hợp sâu sắc và bền vững hơn.

4. Triết lý Ngoại giao cây tre

Nếu chúng ta hiểu “ngoại giao” như nghệ thuật đàm phán và xây dựng mối quan hệ quốc tế thông qua việc thúc đẩy hợp tác, sự hiểu biết lẫn nhau trên cơ sở tôn trọng và lợi ích chung, chúng ta có thể thấy triết lý của Trần Nhân Tông có những giá trị sâu sắc. Triết lý của ông cho thấy rằng ta không nên can thiệp quá mức, kể cả khi ta bất lợi, mà hãy kiên trì theo đuổi sự hài hòa cho các mối quan hệ. Điều này phù hợp với nguyên tắc không can thiệp vào công việc của bất kỳ quốc gia nào khác, bằng cách đó mọi quốc gia đều tôn trọng chủ quyền và sự phát triển tự nhiên của quốc gia khác, do đó góp phần xây dựng môi trường quốc tế cân bằng và hợp tác hơn. Thêm vào đó, triết lý của Nhần Nhân Tông còn gợi ý tiếp cận các mối quan hệ quốc tế với phương châm cởi mở, qua đó tích cực thúc đẩy việc mỗi quốc gia được tự do theo đuổi con đường phát triển chính đáng của mình. Nó làm nổi bật khía cạnh linh hoạt và khả năng thích ứng trong ngoại giao, rằng mỗi quốc gia đều đặc biệt trong hoàn cảnh và khả năng phát triển của mình. Sự công bằng đối với tất cả các quốc gia và tôn trọng sự phát triển của họ là những khía cạnh quan trọng của một cộng đồng thế giới hòa bình và ổn định hơn. Những nguyên tắc này, khi được áp dụng trong thực tiễn ngoại giao, thúc đẩy tư duy khiêm nhường, không can thiệp và cởi mở để duy trì các mối quan hệ quốc tế hòa bình và xây dựng. Do đó, triết lý ngoại giao dựa trên Trần Nhân Tông thực sự mang lại một giá trị sâu sắc về cách đạt được sự hài hòa và cân bằng trong bối cảnh phức tạp của các mối quan hệ quốc tế.

Triết lý ngoại giao hiện nay của Việt Nam, được gọi là Ngoại giao cây Tre, là một sự phát triển giá trị này ở trình độ cao hơn. Nó dựa trên nguyên tắc “gốc vững thân chắc cành uyển chuyển”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu:

“Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!” [9, tr.184]

Như đã trích dẫn, cân nhắc đầu tiên chúng ta phải có là đối với độc lập và lợi ích quốc gia của mình. Mặc dù điều này là quan trọng hàng đầu, nó không có nghĩa là chúng ta chỉ quan tâm đến phúc lợi của mình. Đó là vì việc bỏ qua lợi ích quốc gia của bản thân mình có thể tạo ra một “tiền lệ xấu” và một hình ảnh không đáng tin cậy cho các quốc gia khác, do đó khuyến khích việc vi phạm lợi ích quốc gia. Ngoài ra, bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta cũng bao gồm việc bảo vệ các quy định quốc tế và thực sự tôn trọng độc lập và lợi ích của các quốc gia khác. Điều này sẽ trợ giúp đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về việc khi nào nên cứng và khi nào nên mềm. Như Lão Tử và Trần Nhân Tông đã ám chỉ, điều này là về mở không gian để cho phép mỗi quốc gia phát triển theo cách riêng của mình. Chúng ta tôn trọng sự phát triển của nước khác để thúc đẩy sự phát triển của mình. Điều này không chỉ là khẩu hiểu đầu môi mà đó phải là chiến lược xuyên suốt. Hiểu rõ bản chất của trật tự quan hệ quốc tế và đối xử khéo léo nhưng khôn ngoan với các quốc gia khác, chúng ta đặt mình vào vị trí để được bao quanh bởi một môi trường mà tất cả các bên sẽ đều thịnh vượng. Triết lý như vậy dẫn đến một trật tự quốc tế ổn định, hài hòa mà không làm suy yếu chủ quyền hoặc sự phát triển của các quốc gia khác trong khi vẫn đảm bảo được lợi ích quốc gia riêng. Nguyên tắc này, rút ra từ tư tưởng lớn của Lão Tử và Trần Nhân Tông, đang dẫn dắt nỗ lực ngoại giao của chúng ta đến một cộng đồng toàn cầu hòa bình và hợp tác, đảm bảo đầu vào cho việc hoạch định các hành động của chúng ta trong bối cảnh quốc tế phức tạp và rất căng thẳng hiện nay.

Tất nhiên, hình thức ngoại giao này thường được coi là chiến lược “kiềm chế” và đôi khi bị chỉ trích vì “giữ khoảng cách”. Carl Thayer đã phát biểu “Ngoại giao cây tre thực chất là việc Việt Nam duy trì quyền tự chủ, độc lập và không liên kết. Nhưng bây giờ thế giới phân cực hơn bao giờ hết và tôi nghĩ rằng ngày càng khó để đứng ngoài cuộc” (trích theo 2). Tuy nhiên, lập luận này có phần thiếu sót. Vấn đề chính không phải là thế giới phân cực như thế nào mà là cách mỗi quốc gia hành xử với các quốc gia khác có để lại không gian để tất cả đều có thể phát triển một cách tự chủ hay không. Quan điểm của Thayer đánh giá thấp chiều sâu chiến lược của Ngoại giao Cây Tre. Cách tiếp cận ngoại giao này không chỉ là tránh liên kết mà là tạo ra sự cân bằng cho phép sự tôn trọng và tồn tại cùng nhau. Ngoại giao Cây Tre nhấn mạnh nguyên tắc không can thiệp, chứ không phải “kiềm chế”. Điều này có nghĩa rằng, Việt Nam luôn kiên trì không ngừng tạo ra cho mỗi quốc gia không gian để theo đuổi con đường phát triển của riêng mình. Theo đó, lợi ích của Việt Nam luôn thống nhất với lợi ích chung toàn cầu, và do đó, việc đảm bảo cho lợi ích của Việt Nam cũng có nghĩa là góp phần vào việc đảm bảo cho lợi ích chung toàn cầu. Trong chừng mực như thế, Việt Nam hoàn toàn chính đáng trong việc đảm bảo lợi ích của mình trên trường quốc tế. Thế nên, nếu Việt Nam chọn phe, Việt Nam sẽ tách khỏi lợi ích chung toàn cầu, không vì lợi ích của toàn nhân loại và do đó việc đảm bảo lợi ích cho Việt Nam sẽ khó khăn hơn bao giờ hết, nhất là về tính chính đáng.

Như thế, khẳng định rằng việc đứng ngoài sự phân cực toàn cầu ngày càng khó khăn đã bỏ qua khả năng thích ứng vốn có trong Ngoại giao Cây Tre. Cách tiếp cận này là về sự linh hoạt và sáng tạo, nhưng kiên cường và bền bỉ. Bằng cách hiểu thời gian và bối cảnh của quan hệ quốc tế, Việt Nam có thể điều hướng những phức tạp mà không nhất thiết phải liên kết với các khối phân cực. Nguyên tắc của Ngoại giao Cây Tre là “biết khi nào nên mềm và khi nào nên cứng” cho phép sự tham gia tinh tế và linh hoạt với thế giới. Tôn trọng quyền tự chủ của mỗi quốc gia và trật tự quan hệ quốc tế hiện thời không phải là một lập trường thụ động mà là một chiến lược chủ động để thúc đẩy hòa bình và ổn định lâu dài. Điều này đảm bảo rằng sự tham gia dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau thay vì sự cưỡng chế hoặc thống trị. Nó bảo vệ sự độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong khi thúc đẩy một mô hình ngoại giao có thể giảm bớt xung đột và tăng cường hợp tác quốc tế.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các cơ chế và diễn đàn khu vực và toàn cầu cho thấy rằng triết lý Ngoại giao cây tre luôn đi đầu trong các xu hướng toàn cầu trong khi phục vụ lợi ích quốc gia một cách thuận lợi nhất. Điều này đã dẫn đến một số thành tựu đáng kể trong việc phát huy hiệu quả cũng như chiều sâu chiến lược của nó. Một trong những thành tựu nổi bật là việc Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, và WTO. Việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong một số năm đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia.

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị, và văn hóa giữa các quốc gia thành viên. Sự kiện Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 (2020) và các hội nghị liên quan không chỉ khẳng định vai trò lãnh đạo mà còn thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng ứng phó linh hoạt của Việt Nam trước những thách thức khu vực và toàn cầu.

Việt Nam cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong quan hệ đối ngoại với các cường quốc thế giới. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hàn Quốc đã được củng cố và mở rộng, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, an ninh và khoa học công nghệ. Đặc biệt, việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên thành đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra một chương mới trong mối quan hệ song phương, với sự gia tăng mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, giáo dục, y tế và an ninh – quốc phòng.

Sự tham gia của Việt Nam vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, và RCEP đã thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Những hiệp định này không chỉ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn tạo động lực cho việc cải cách kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã chứng minh vai trò tích cực trong các vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, và tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Sự cam kết và những hành động cụ thể trong các lĩnh vực này đã góp phần nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.

5. Kết luận

Từ chiều dài của các nguyên lý triết học của Lão Tử qua sự kết hợp của Trần Nhân Tông về Thiền và Đạo giáo cuối cùng đến Ngoại giao Cây Tre của Việt Nam đương đại, tất cả đã chỉ ra sự liên tục sâu sắc trong tư tưởng và thực hành. Triết lý của Lão Tử về “hòa quang đồng trần” là lời kêu gọi sự khiêm nhường, không can thiệp và hài hòa các yếu tố với trật tự tự nhiên. Trần Nhân Tông đã phát triển thêm với lời kêu gọi mở lòng và trí tôn trọng quyền tự chủ của mọi thực thể cũng như tầm quan trọng của sự chuyển hóa các nguyên tắc và khả năng thích ứng.

Ngoại giao Cây Tre tương ứng với việc áp dụng theo nghĩa hiện đại các nguyên tắc vĩnh cửu đã nói ở trên, đạt được sự cân bằng giữa sự vững chắc và linh hoạt. Nó mang lại một chính sách ngoại giao độc lập và tự cường nhưng vẫn linh hoạt và tôn trọng bối cảnh quốc tế. Điều này đã mang lại cho Việt Nam sức mạnh để di chuyển giữa các trở lực phức tạp của thế giới, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và tôn trọng với các cường quốc lớn và tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế.

Về cơ bản, Ngoại giao Cây Tre đại diện cho một điều gì đó vượt thời gian trong sự khôn ngoan của việc hòa quyện sức mạnh và sự khiêm nhường, vững chắc và linh hoạt, hành động và không hành động. Trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hợp tác, Việt Nam cũng đảm bảo một trật tự quốc tế hài hòa và cân bằng hơn trong việc theo đuổi lợi ích quốc gia. Từ Lão Tử đến Trần Nhân Tông và đến thời hiện đại của ngoại giao đương đại, sự phát triển này rõ ràng thể hiện giá trị vĩnh cửu để đánh thức sự hiểu biết triết học trước những thách thức toàn cầu đương đại.

Phạm Minh Đức – PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn

BÀI LIÊN QUAN